Chuyện cái phong bì xưa và nay
Cái thời mà điện thoại chưa có, hoặc quá hiếm hoi, Internet là cụm từ chưa bao giờ từng nghe hoặc nhắc đến tại xứ ta, thì chiếc phong bì hay còn gọi là phong thư có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, xã hội.
Nó là vỏ bọc thư của những người từ chiến trường gửi về hậu phương, của con cái đi xa gửi cho bố mẹ, của những người đang yêu nhau, gửi gắm tình cảm vào nhau… là nỗi nhớ, là thông tin của cuộc sống.
Nhưng nay, cùng với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin, chiếc phong bì dường như đã chấm dứt “sứ mạng” lịch sử của nó. Không diệt vong, nhưng lại chuyển hóa sang một hình thức khác, một chức năng khác tinh vi hơn, đáng bàn hơn và cũng đáng suy nghĩ hơn.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chẳng biết chính xác từ khi nào chiếc phong bì bỗng chốc thay thế “miếng trầu” để trở thành “đầu câu chuyện” trong các mối “bang giao” của xã hội hiện nay.
Và thay vì một chức năng duy nhất trước đây là vỏ đựng thư, nay chiếc phong bì về nội hàm cũng chỉ để bỏ tiền, nhưng lại trở thành loại hình đa phương tiện.
Nếu ai đó không tin, hãy liệt kê ra thử mà coi. Đi ăn cưới, dự lễ tang để cho gọn nhẹ, người ta cũng đóng phong bì. Thậm chí, nói bảo ác khẩu, nhưng nhiều gia đình, nhiều cặp cô dâu, chú rể chẳng cần biết có sự hiện diện của bạn bè, người thân ở bàn tiệc ra sao, mà thường điểm danh hoặc kiểm tra “lòng tốt” trong vỏ cái phong bì đó như thế nào khi về nhà. Ai tốt, ai quan hệ tốt biết ngay, cần chi phải đoán theo cách cổ điển “nhìn mặt mà bắt hình dong” cho mệt.
Không chỉ dừng lại trong các mối quan hệ dân sự sử dụng văn hóa phong bì, mà ngay cả mối quan hệ trong các cơ quan công quyền, trong các đơn vị và giữa người dân với một số “công bộc” cũng lấy phong bì làm thước đo.
Hẳn ai cũng biết, nói ra không tiện mà thôi. Này nhé, doanh nghiệp muốn đến cơ quan này, đơn vị kia để giải quyết công việc, nếu không mang chiếc phong bì đi kèm, liệu có êm xuôi không? Rồi, hàng tháng, hàng năm cơ quan này, cơ quan nọ xuống đơn vị kiểm tra, xong công tác chuyên môn, đơn vị cũng phải dúi cái phong bì vào túi các vị cho phải đạo.
Ở một số vùng miền, cứ có dịp hội thảo, hội nghị nếu không có phong bì là một số “cánh” lẩm bẩm, lắc đầu. Hợp đồng, hợp tác làm ăn, ngoài lợi nhuận, hoa hồng, muốn cho chắc, một số đơn vị cũng phải lấy phong bì làm vật lót tay. Chả dại gì mà không làm vậy, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
Tệ hại hơn, ngay trong lĩnh vực giáo dục cũng đang xảy ra nạn phong bao, phong bì. Muốn cho con được đi học theo đúng quyền công dân, một số phụ huynh cũng phải đóng phong bì đến nhà cô giáo. Thậm chí, đến cả bảo vệ đề tài ở cấp học cao nhất là tiến sĩ, người ta cũng phong bì, phong bao với nhau để được cái bằng.
Kẻ xấu làm hư người tốt, dẫn đến tốt, xấu như nhau. Anh nhận phong bì bản chất là tham nhũng, lại có khi được anh đưa phong bì, vốn đã bị mất tiền còn phải mang ơn suốt đời. Đơn giản vì anh đã cho tôi cơ hội để có tiền, có chỗ đứng, có địa vị và có được điều tôi muốn.
Phong bì đã trở thành một loại hình văn hóa mới, “văn hóa phong bì”. Giao dịch, quan hệ phong bì bỗng chốc trong xã hội trở thành luật bất thành văn. Không có nó khiến mọi người không yên tâm.
Chỉ mong sao chiếc phong bì mau chóng trở thành câu chuyện của thì quá khứ, là một “tàn dư” của thời kinh tế chuyển đổi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh