Tại sao khoa học hiện đại ra đời từ phương Tây?
Nửa thế kỷ trước chuyến viễn du vòng quanh thế giới của Columbus, hạm đội của Trịnh Hòa, với các con tàu dài hàng trăm mét và hải đội gần 30.000 người, đã đi tới tận mũi Hảo Vọng tại Nam Phi.
So với hạm đội kỳ vĩ đó, mấy con tàu bé tẹo của Columbus chỉ đáng làm trò cười! Vậy tại sao chỉ sau vài thế kỷ, Tây Âu đã vượt lên phía trước?
Đó là câu hỏi đã được đặt ra từ khá lâu, bởi nhìn từ bình diện nhân loại, không chỉ trong lịch sử mà tới hiện tại, sự khác nhau giữa phương Tây và phương Đông là một thực tế khó có thể bác bỏ. Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, nhà sử học nổi tiếng người Anh Joseph Needham (1900-1995) đặt câu hỏi:
Tại sao khoa học hiện đại ra đời tại phương Tây? Vì khoa học là một trong những động lực chủ yếu của nền văn minh công nghiệp, nên câu hỏi đó cũng liên quan với sự ra đời của của chủ nghĩa tư bản và văn minh phương Tây.
Nhiều nhà khoa học đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời, với các lý thuyết được chia thành hai nhóm chính: các lý thuyết văn hóa và các lý thuyết cấu trúc (hoặc các lý thuyết duy vật).
Cuối những năm 1930, Needham là người đầu tiên đưa ra câu hỏi, Tại sao khoa học hiện đại được phát minh tại phương Tây, chứ không phải tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ?, và ông bắt đầu nghiên cứu về lịch sử khoa học và công nghệ Trung Quốc thời tiền hiện đại.
Và rồi, tuy đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực chuyên sâu, với việc hoàn thành bộ sách Khoa học và Văn minh Trung Hoa đồ sộ gồm bảy tập với hàng ngàn trang, ông lại hoàn toàn bỏ quên câu hỏi quan thiết ban đầu.
Nhưng thật may mắn là các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho Câu hỏi lớn, với quan niệm đúng đắn rằng, nó không chỉ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ, mà còn góp phần định hướng tương lai.
Một số học giả cho rằng, hai câu hỏi tại sao khoa học xuất hiện tại phương Tây và tại sao khoa học không xuất hiện tại Trung Quốc không hoàn toàn tương đồng nhau. Số khác thì phủ nhận Câu hỏi lớn, khi xem phương Tây chỉ may mắn “trúng số độc đắc”.
Trong khi đó, nhiều học giả vẫn tiếp tục tranh luận về câu hỏi của Needham, đặc biệt qua các nghiên cứu so sánh giữa phương Tây và Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Các nghiên cứu đó khác nhau về bản chất của những yếu tố then chốt quyết định sự ra đời của khoa học hiện đại và được phân thành hai nhóm chính: các lý thuyết văn hóa và các lý thuyết cấu trúc (hoặc các lý thuyết duy vật).
Điển hình cho những cố gắng xem các thành tố văn hóa là yếu tố quyết định sự phát triển hoặc kìm hãm khoa học trong các xã hội khác nhau là cuốn sách nổi tiếng Sự phát triển của khoa học hiện đại buổi ban đầu:
Thế giới Hồi giáo, Trung Quốc và phương Tây của Toby Huff, nhà xã hội học Mỹ, năm 1993. Trong khi đó, điển hình cho các lý thuyết cấu trúc, xem các yếu tố sinh thái và các cấu trúc chính trị và xã hội được phát triển trên đó đóng vai trò nền tảng, là tác phẩm Địa lý của khoa học của Harold Dorn (1991), các công trình của Lang (1997-1998) và cuốn Bí ẩn của phương Tây của Cosandey (bản tiếng Pháp năm 1997).
Chúng ta có thể thấy tiếp cận văn hóa của Huff có nguồn gốc từ tận Max Weber; trong khi tiếp cận cấu trúc của Dorn, Lang hoặc Cosandey xuất phát từ luận điểm của Friedrich Engels, đồng tác giả của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Và như vậy cuộc tranh luận kinh điển cách đây hơn một thế kỷ về nguyên nhân căn bản của những thay đổi văn hóa và xã hội vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong các nghiên cứu hiện đại về sự xuất hiện của nền văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp.
Các lý thuyết văn hóa:
Theo hướng nghiên cứu này, tiếp cận văn hóa về sự khác nhau giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây đặt trọng tâm vào các giá trị và hệ đức tin. Theo đó châu Âu có các giá trị và đức tin dẫn tới sự ra đời của khoa học hiện đại.
Trong khi Trung Quốc có hệ giá trị và đức tin dẫn tới các lĩnh vực văn hóa khác, chẳng hạn văn chương, và kìm hãm sự phát triển của khoa học. Người khởi xướng cho cách nhìn nhận này là Max Weber, với tác phẩm nổi tiếng Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (bản tiếng Việt đã được NXB Tri Thức phát hành năm 2008).
Cách giải thích thường thấy nhất của trường phái này về sự chậm chân của Trung Quốc trên con đường hiện đại hóa văn hóa và xã hội, trong đó có khoa học, là Khổng giáo không tương thích với việc theo đuổi kiến thức và chân lý.
Trong tác phẩm Văn minh và nền hành chính Trung Hoa, do Đại học Yale, Mỹ, xuất bản năm 1964, Etience Balazs viết: “nguyên nhân kìm hãm chủ yếu dường như là không gian tri thức của đạo Khổng hoàn toàn không thuận lợi cho bất cứ một tìm tòi thử nghiệm nào, cho bất cứ một sự đổi mới nào, hoặc cho sự tự do tư tưởng”.
Cho đến gần đây, ngay các học giả người Hán cũng suy nghĩ như vậy. Chẳng hạn năm 1998, Giáo sư Chen-Lu Tsou, Chủ tịch Hội hóa sinh Trung Quốc, viết trên tạp chí Khoa học lừng danh của Hội tiến bộ khoa học Mỹ rằng, sự kém cỏi của khoa học Trung Quốc là do các căn nguyên văn hóa như Khổng giáo hoặc Đạo giáo.
Ông viết: “Một trong những nền tảng của Khổng giáo, nhu cầu biết danh phận của mình trong xã hội, đã tạo ra tính liên tục của văn minh Trung Hoa qua các triều đại khác nhau. Nhưng tư tưởng danh phận đối nghịch với sự tò mò và tính sáng tạo, và tôi cho rằng ảnh hưởng của Khổng giáo giải thích tại sao chưa bao giờ Trung Quốc mạnh về khoa học, nhất là khoa học trừu tượng”.
Mới nhất là quan điểm của Dương Chấn Ninh, nhà khoa học Mỹ gốc Hoa từng đọat giải Nobel vật lý, đưa ra năm 2004, xem văn hóa Trung Quốc, trong đó có Kinh Dịch, là căn nguyên của sự lạc hậu. Cùng lúc đó, tiếp cận văn hóa cũng giải thích nguyên nhân trỗi dậy của châu Âu nằm ở ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, nhất là đạo Tin Lành, ở pháp chế La Mã hoặc tinh thần Hy Lạp.
Một vấn đề mà tiếp cận văn hóa phải đối diện là đa số giới khoa học xã hội không xem văn hóa là tập hợp bất biến các tư tưởng và các qui phạm được đặt lên một xã hội. Văn hóa bao gồm các hình tượng và các tư tưởng được dùng một cách chọn lọc và sáng tạo để phù hợp với nhu cầu của các nhóm xã hội khác nhau.
Đó là đặc trưng tiếp biến của văn hóa. Nếu các học giả Trung Hoa muốn phát triển khoa học, chỉ riêng triết học và tôn giáo không thể cản bước họ. Trên thực tế, tại châu Âu, giáo lý và các định chế Thiên Chúa giáo cản trở khoa học không kém gì Khổng giáo, mà việc đưa Bruno lên giàn thiêu hoặc buộc Galileo từ bỏ niềm tin trước tòa án tôn giáo chỉ là số ít các trường hợp điển hình.
Sự khác nhau nằm ở chỗ, giới khoa học châu Âu có động lực mạnh mẽ để tìm ra các lối thoát thích hợp. Chẳng hạn họ tuyên bố nghiên cứu khoa học để khám phá sự sáng tạo tối cao, tất cả chỉ nhằm sáng danh Thiên Chúa! Vậy tại sao họ lại có động lực đó?
Hiểu rõ điều đó với tư cách người đi sau, nên tuy mở rộng quan điểm của Weber về ảnh hưởng của tôn giáo khi viết:
“sự thành công của khoa học hiện đại tại phương Tây, và sự không thành công trong các nền văn minh khác, cần được giải quyết bằng việc nghiên cứu các lĩnh vực phi khoa học của văn hóa như luật pháp, tôn giáo, triết học, thần học và những gì tương tự”, nhưng Huff đã khôn ngoan lựa chọn giải pháp khác.
Giữa một biến số độc lập (văn hóa) và một biến số phụ thuộc (sự xuất hiện của khoa học hiện đại), ông chọn một biến số trung gian có sức ảnh hưởng mạnh mẽ là cấu trúc xã hội: đó là sự phát triển của các định chế chí ít cũng tự chủ một phần, trong đó các đòi hỏi trí tuệ có thể xuất hiện mà không bị thế quyền hoặc thần quyền ngăn cản.
Quả thật tại châu Âu, các thành phố tương đối tự chủ và các trường đại học với đặc trưng trí tuệ riêng biệt, có sự tự do nhất định đối với nhà nước, là một đặc trưng nổi bật; và một số thành phố như thế tồn tại cho đến tận ngày nay, chẳng hạn tiểu quốc Monaco.
Nhưng tại sao các định chế như vậy phát triển tại châu Âu Thiên Chúa giáo mà không xuất hiện tại Trung Đông Hồi giáo hoặc Trung Quốc Khổng giáo? Huff lại đưa ra cách giải thích văn hóa, khi xem triết học và thần học là lời giải đáp cuối cùng.
Tại châu Âu, thế giới được xem là có trật tự, thậm chí cơ giới; và con người có thể tìm hiểu tự nhiên và điều chỉnh xã hội qua lý trí. Nguồn gốc của đức tin đó nằm ở truyền thống khoa học và triết học Hy Lạp, luật pháp La Mã và thần học Thiên Chúa giáo.
Ngược lại, luật pháp Hồi giáo ngăn ngừa sự ra đời của các định chế độc lập có thể đưa ra các yêu cầu duy lý, vì tại đó, chỉ các giáo sĩ mới được bàn về pháp luật. Với Trung Quốc, Huff cũng cho rằng các “phương thức tư duy” đặc trưng cho Khổng giáo hoặc Đạo giáo không hề khuyến khích sự tự phủ định biện chứng để tìm tòi chân lý mới.
Ông cũng phê phán cách giáo dục “cắt dán” và sự thừa nhận không phê phán các chân lý và niềm tin cổ xưa, xem đó là một yếu tố phản tiến bộ. Đó là sự phê phán hoàn toàn chính xác. Nhưng đến đây thì một câu hỏi mới nan giải hơn lại xuất hiện: Vậy tại sao Khổng giáo thống trị văn hóa Trung Hoa?
Cần nhấn mạnh rằng, tuy Huff và các học giả đồng quan điểm chưa giải đáp được câu hỏi vừa nêu, điều đó không có nghĩa cách giải thích dựa trên sự khác biệt văn hóa là quan niệm sai lầm.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở các lý thuyết văn hóa mà không đi tới các lý thuyết cấu trúc hoặc duy vật, là các lý thuyết có thể giải thích nguyên nhân của sự khác biệt đó, chúng ta vẫn chưa đi tới câu trả lời tối hậu cho Câu hỏi lớn của Needham.
Tại sao lại cần các lý thuyết cấu trúc hoặc duy vật? Để trả lời, hãy thử nêu một vài câu hỏi khác. Chẳng hạn, tại sao người Lạc Việt, chứ không phải người Mông Cổ, phát minh nghệ thuật rối nước? Ngược lại, tại sao người Mông Cổ, chứ không phải người Lạc Việt, ưa thích các bài ca du mục?
Câu trả lời thật đơn giản theo quan điểm duy vật lịch sử: Suy cho đến cùng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội chứ không phải ngược lại.
Không phải đạo đức Tin Lành là chất xúc tác chính cho sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, như Weber quan niệm, mà chính chủ nghĩa tư bản đã giúp các tư tưởng Tin Lành nẩy sinh và phát triển; đến lượt mình, các tư tưởng đó lại góp phần thúc đẩy thêm cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa.
Người viết bài này hy vọng sẽ có dịp trình bày về những sai lầm của Max Weber trong việc thu thập số liệu và lập thuyết trong tác phẩm Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản; cũng như lý giải sức sống lâu bền của một quan niệm thực ra không chỉnh (sự tự tôn văn hóa và lý tưởng hóa chủ nghĩa tư bản là hai trong số bốn nguyên nhân cơ bản).
Các lý thuyết cấu trúc:
Các lý thuyết cấu trúc hoặc duy vật xem nguyên nhân xuất hiện khoa học hiện đại tại Tây Âu và sự vắng mặt tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Trung Đông nằm ở các yếu tố sinh thái, xã hội, kinh tế và chính trị của các vùng địa lý rất khác nhau đó. Tất nhiên hệ giá trị và đức tin cũng liên quan với các điều kiện sinh thái, cấu trúc xã hội hoặc các thể chế chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên nếu quan điểm văn hóa xem hệ giá trị và đức tin là yếu tố khởi đầu; thì quan điểm duy vật xuất phát từ các điều kiện vật chất và các định chế được cấu trúc để tác động lên hệ giá trị và đức tin, vốn chỉ xuất hiện khi con người tổ chức nhau lại để thích ứng với một không gian sinh tồn mang tính vật chất cụ thể.
Để tránh những tranh cãi không cần thiết về vai trò của phương Đông trong khoa học và công nghệ như phát minh hệ số đếm tại Ấn Độ hoặc tìm ra thuốc súng, la bàn, giấy viết và kỹ thuật in tại Trung Quốc, trước tiên cần định nghĩa khái niệm “khoa học hiện đại”.
Khái niệm khoa học hiện đại:
Theo Graeme Lang ở Đại học Hồng Công, một cách để giới thuyết khái niệm xuất phát từ nhận thức luận của khoa học: khoa học hiện đại được xem như một cách để ‘tìm hiểu” thế giới và một hệ thống tự phủ định của các học thuyết và các khám phá thu được khi theo đuổi nhận thức luận đó.
Cách thức tìm hiểu và hệ thống các lý thuyết đó bao gồm các thành phần như sau: 1) Các quan sát và thực nghiệm hướng tới sự tìm hiểu tự nhiên; 2) Phát triển lý thuyết về các quá trình tự nhiên dựa trên các quan sát và thử nghiệm đó; 3) Thử nghiệm lý thuyết vừa phát triển bằng các quan sát và thực nghiệm tiếp theo.
Nhận thức luận của khoa học hiện đại cũng bao gồm một hợp thành xã hội học rất quan trọng: các lý thuyết hoặc các phát hiện không được xem là “kiến thức khoa học” cho đến khi được cộng đồng khoa học phản nghiệm và thừa nhận.
Vì thế khoa học cũng bao gồm các cách thức để giới chuyên môn xem xét và lượng giá kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp, như: 4) Thông tin và chia xẻ kết quả với các đồng nghiệp cùng mối quan tâm; 5) Diễn đàn để thông báo và so sánh các kết quả nghiên cứu theo bộ tiêu chí chung, như hội nghị khoa học, các tạp chí chuyên ngành, cách phổ biến kiến thức trong cộng đồng khoa học.
Có thể nói rằng, phương pháp luận của khoa học hiện đại (thực nghiệm, toán học hóa, văn bản hóa chi tiết các quan sát...) chính là cách tốt nhất để thuyết phục giới chuyên môn về thành tựu của một nhà khoa học. Sự định chế hóa khoa học cũng bao gồm sự thừa nhận nhận thức luận nói trên và sự tiến hóa của các diễn đàn thảo luận.
Vì thế nó bao gồm hai phát triển quan trọng tiếp theo: 6) Các cơ sở trong cấu trúc xã hội của một xã hội, nơi việc nghiên cứu được tiến hành với sự tài trợ của những người quan tâm tới các nghiên cứu đó; 7). Các giải thưởng xứng đáng cho các nghiên cứu được cộng đồng khoa học thừa nhận, bao gồm các giải thưởng vật chất (tiền thưởng, sự thăng tiến nghề nghiệp...) và tinh thần (huân huy chương, danh hiệu tôn vinh...).
Một cách tương ứng, có thể hiểu khoa học tiền hiện đại tương ứng với giai đoạn trước khi có sự định chế hóa khoa học và phát triển các diễn đàn học thuật như trên. Nó bao gồm công trình của các nhà lý thuyết và thực nghiệm riêng lẻ, tiến hành nghiên cứu mà không hiểu biết đầy đủ về phương pháp thực nghiệm, không sử dụng hoặc không xây dựng được các lý thuyết có thể phản nghiệm.
Theo cách hiểu đó thì khoa học tại Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông mới ở mức tiền hiện đại. Tuy nhiên không có ranh giới rõ ràng giữa hai giai đoạn đó. Đa số các học giả thừa nhận rằng, khoa học hiện đại bắt nguồn tại châu Âu từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XVII, khi xuất hiện đầy đủ các đặc trưng nhận thức luận như trên, cũng như xuất hiện các cộng đồng khoa học.
Điều kiện tiên nghiệm của khoa học:
Các đặc trưng vừa nêu của khoa học hiện đại không quá khác thường và cũng không vượt quá khả năng của nhiều xã hội với thặng dư nông nghiệp lớn và có sự phân công lao động phức tạp. Vậy tại sao khoa học chỉ được định chế hóa tại châu Âu và chỉ từ thế kỷ XVI?
Đó là do chỉ tại đó và đến thời điểm đó, các điều kiện cần thiết cho sự xuất hiện của khoa học hiện đại mới được thỏa mãn. Các điều kiện tiên nghiệm đó bao gồm: 1) Thặng dư lương thực làm nền cho sự phân công lao động phức tạp; 2) Chữ viết; 3).
Các nghề nghiệp có thời gian truy vấn và khám phá, đặc biệt trong các tổ chức ủng hộ vật chất cho các hoạt động đó, như cơ quan hành chính nhà nước hoặc viện hàn lâm. Khoa học không thể tiến bước chỉ nhờ kết quả của những cá nhân riêng lẻ dùng tiền túi để theo đuổi giấc mơ tri thức.
Ngoài ba điều kiện cần như trên, khoa học hiện đại chỉ xuất hiện khi có các điều kiện đủ như sau: 4) Càng nhiều cơ sở nghiên cứu hoặc đơn vị học thuật càng tốt, vì việc nghiên cứu tại một cơ sở duy nhất dễ dàng bị ngưng trệ (chiến tranh, dịch bệnh, sự bảo thủ...); 5) Sự trao đổi tri thức hiệu quả giữa các cơ sở nghiên cứu.
Hai điều kiện này cần thiết để khoa học có thể sinh tồn xuyên thế hệ trong một khoảng thời gian đủ dài. 6) Tự do theo đuổi giấc mơ chân lý mà không bị cản trở vì các lý do ngoài khoa học, như ý thức hệ chính trị hoặc tư tưởng tôn giáo; 7) Một hệ thống giáo dục cho phép bảo tồn các giá trị cũ và hướng tới chân lý mới, cho phép các thế hệ sau “đứng trên vai người khổng lồ”.
Bảy điều kiện trên có vai trò rất quan trọng, nhưng cũng chưa đảm bảo khoa học hiện đại sẽ xuất hiện như một tất yếu lịch sử. Giới trí thức có thể dùng sự tự do và sự trợ giúp của các định chế để theo đuổi các hoạt động khác thú vị hơn hoặc đỡ vất vả hơn nghiên cứu khoa học, chẳng hạn viết văn hoặc làm thơ, như các nhà nho phương Đông từng làm.
Nhất định phải có những lý do không chỉ “thuần lý” mà còn “thực dụng” để giới trí thức giam mình trong phòng thí nghiệm. Chỉ một số trí thức theo đuổi khoa học vì sự tò mò cá nhân không thể duy trì được các hoạt động tập thể của khoa học một cách lâu dài.
Vì thế điều kiện tiên nghiệm cuối cùng, có thể quan trọng nhất, để khoa học xuất hiện chính là: 8) Các phần thưởng vật chất xứng đáng cho những tiến bộ khoa học, nhất là khi giải quyết các vấn đề nan giải tại chỗ. Và điều kiện này thường chỉ có trong một không gian địa lý có sự cạnh tranh cao.
Cả châu Âu và Trung Quốc đều sản xuất lương thực dư thừa để hỗ trợ cho sự phân công lao động phức tạp và đều có chữ viết. Vì thế cần tìm sự khác biệt giữa hai vùng ở điều kiện thứ 4, các cơ sở nghiên cứu.
(Còn nữa)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)