Ngôi nhà khoa học đang... không có móng

03:44 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Giêng, 2010

“Nếu chúng ta không có cơ sở khoa học vững chắc thì tất cả những công trình nghiên cứu về công nghệ đều không bền vững hoặc không đạt kết quả cao”. GS-VS Nguyễn Văn Hiệu đã mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP như vậy trong cuộc trao đổi khá sâu và cởi mở về đầu tư cho khoa học cơ bản, trong đó có chính sách của nhà nước còn bất cập hiện nay.

Nguy cơ đổ vỡ

- PV: Vai trò của khoa học cơ bản đối với đời sống khoa học cực kỳ quan trọng, nhưng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này đang là vấn đề nan giải. Từ nhiều năm nay, thí sinh dự thi đại học ít đăng ký vào các ngành học này, và đó cũng là lý do khiến đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản càng ngày càng thấp. Giáo sư giải thích sao về vấn đề này?

- GS-VS NGUYỄN VĂN HIỆU: Đó là một thực tế, một điều đáng buồn. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ thành một nguy cơ lớn. Lý do chính của tất cả những chuyện đó xuất phát từ nguyên nhân “cơ chế thị trường” nên thu nhập giữa những người trong xã hội có sự chênh lệch quá nhiều, đôi khi nó còn không phụ thuộc vào tài năng. Ví dụ, cùng một em sinh viên giỏi nhưng nếu học ngành công nghệ thông tin ra trường có thể nhận lương gấp 5, 6 lần thậm chí cả 10 lần so với một em sinh viên ra trường nhưng đi dạy vật lý. Vì tiền lương nhà nước thì có hạn còn theo cơ chế thị trường cái gì có lợi thì họ trả tiền cao.

Vậy tại sao ở các nước không có tình trạng như thế mà nước mình lại có? Cái chính là thế này, cơ chế của mình không chuyển biến theo kịp cơ chế kinh tế thị trường. Lẽ ra nếu làm việc ở các công ty ngoài được lương 10 thì làm việc cho nhà nước phải được lương 8 thì sẽ có những người sẵn sàng nhận mức lương 8 để làm cho nhà nước. Ở Việt Nam chênh lệch lớn quá. Mức lương chênh lệch như hiện nay của một người làm công tác khoa học (nhà nước) thì không sống được, chưa kể đến ốm đau, con cái bệnh tật không có tiền chữa trị… Và như thế người ta không chọn học những ngành khoa học là dễ hiểu.

- Vậy chúng ta đành chấp nhận cái cơ chế “đi chậm” đó?

- Không, phải thay đổi cơ chế, xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản. Cứ tưởng tượng, nếu làm nhà mà không có móng thì nguy hiểm đến mức nào, nó dẫn đến nguy cơ đổ vỡ mà chúng ta không lường trước được.

- Thưa giáo sư, nguy cơ đổ vỡ mà giáo sư dự báo thì bao lâu nữa mới thấy được sự trả giá?

- Nó đã xảy ra rồi đấy.

- Cụ thể ạ?

- Trận lũ miền Trung vừa rồi!

- Lũ lụt, thiên tai liên quan đến điều gì trong nghiên cứu khoa học cơ bản?

- Không nghiên cứu cơ bản dẫn đến quy hoạch phát triển tùm lum hết cả. Rõ ràng ở một số chỗ thủy điện không có quy hoạch tốt khi mùa lũ đến phải xả lũ và thiệt hại rất nhiều.

- Vậy có phải chúng ta đã bỏ qua phần nghiên cứu khoa học trước khi lên quy hoạch chung?

- Đấy, đáng lẽ ta phải làm nghiên cứu khoa học xong mới lên quy hoạch chung. Còn hiện nay mạnh ai nấy làm và không quan tâm đến khoa học. Nếu có quan tâm đến khoa học thì trước khi quy hoạch cả vùng đó các nhà khoa học phải nghiên cứu trữ lượng nước như thế nào, mùa lũ đến bao nhiêu, thoát ra bao nhiêu để phân tích nên đặt nhà máy ở những vị trí nào và liên hệ với nhau ra sao, anh nào xả lũ trước, anh nào xả lũ sau. Khi làm xong quy hoạch thì mới bắt đầu xây.

Tôi cũng đã sai lầm!

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả của gần 200 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Đã có người ví GS-VS Nguyễn Văn Hiệu như một “tượng đài khoa học”, thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền khoa học Việt Nam. Ông là người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Ông đồng thời là một giảng viên đại học mẫu mực, một nhà quản lý ở cấp vĩ mô có tầm nhìn chiến lược, một người luôn đau đáu, trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà…

- Rõ ràng, điều đó xuất phát từ tư duy quản lý, mà trong đó, có một phần lớn lỗi của các nhà khoa học, đã không làm tốt nhiệm vụ của mình là lên tiếng cảnh báo. Gần đây, giáo sư đã cho rằng, cần phải xây dựng những đơn vị nghiên cứu vật lý trái đất, điều đó là để cho một dự báo hay để giải quyết hậu quả?

- Nghiên cứu vật lý trái đất sâu sẽ nâng cao năng lực làm chủ thiên nhiên như dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chẳng hạn, nếu nghiên cứu vật lý khí quyển, tính toán thật tốt thì mình có thể dự báo được tâm bão chính xác, điều này quan trọng lắm. Tàu bè đi trên biển thì nhiều, mình dự báo bão sai mà bão ập vào ngay chỗ họ trốn thì bao nhiêu thuyền sẽ bị đắm.

- Quá quan trọng, vậy tại sao đến bây giờ mới đặt vấn đề phát triển vật lý trái đất, điều mà lẽ ra các nhà làm chiến lược phải thấy rõ từ lâu?

- Đó là sai lầm của những người làm chiến lược trước đây, trong đó có cả tôi nữa. Lần làm chiến lược năm 1967, lúc đó những vấn đề này chưa nổi cộm. Thực tế thời đó không có những vấn đề lũ lụt, không có những vấn đề dự báo bão cho nên không nghĩ đến sẽ cần. Cho nên bây giờ mất bò mới phải lo làm chuồng.

- Vậy các nhà khoa học, với nhiệm vụ đi tìm sự thật, cũng không có được tầm nhìn xa?

- Đúng. Cách đây 42 năm tôi là một trong những người tham gia làm chiến lược đó và cũng chỉ nghĩ đến chuyện động đất thôi nên chỉ chú ý đến phát triển nghiên cứu địa chấn. Lúc đó cũng có nghiên cứu về khí quyển nhưng chỉ nghĩ là để phát triển truyền sóng vô tuyến. Chứ lúc đó làm gì có chuyện bão, lũ lụt chết người như thế này.

- Vậy sau 42 năm, bây giờ giật mình quay lại đặt vấn đề nghiên cứu vật lý trái đất sâu hơn để khắc phục hậu quả thiên tai liệu có kịp không, thưa giáo sư?

- Thật ra những chuyện này nên làm cách đây 20 năm chứ không cần 42 năm. Tuy nhiên, có làm cách đây 20 năm cũng không thấy được những vấn đề này. Có nghĩa là không ai ngờ kẻ trộm lại chui vào nhà mình dễ đến như vậy để lấy con bò của mình. Nhưng đó là điều thiết thực và rất cấp bách.

Người giỏi như nhau phải được hưởng ngang nhau

- Quá thiết thực và cấp bách. Nhưng với nhân lực hiện có và dự báo nhân lực trong tương lai của mình thì có thể làm được không, thưa giáo sư?

- Bất lực! Không làm được. Như chúng tôi bây giờ thì không làm được nữa mà chỉ tìm tòi, học hỏi từ sách báo, tài liệu và học hỏi từ nước ngoài. Phải bắt đầu từ thế hệ trẻ hiện nay. Phải đào tạo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học. Như ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) hiện có chuyên ngành vật lý trái đất. Và phải xem ngành này là trọng điểm, phải đưa các em đoạt giải quốc gia, quốc tế vào đây học cho thật giỏi để có người giỏi mà làm việc quan trọng. Nhưng với lương của những người làm khoa học như thế này thì bao nhiêu em giỏi sẽ theo học hết ngành CNTT chứ học ngành vật lý này làm gì!

- Đúng thưa giáo sư. Cho nên đã và đang diễn ra một thực trạng là nhân sự cho khoa học cơ bản đang rất hiếm hoi, cụ thể là ngành vật lý trái đất, đầu vào những năm gần đây chỉ tương đương điểm sàn?

- Nếu đầu vào thấp như thế thì đừng hòng dự báo chính xác.

- Vậy vấn đề mà giáo sư đặt ra cho thế hệ các nhà khoa học hôm nay và mai sau là phát triển vật lý trái đất để giảm thiểu những nguy cơ từ thiên tai là không khả thi?

- Tại sao lại không khả thi?

- Vì người học không có, thưa thầy?

- Phải có chính sách. Tất cả đều ở chính sách.

- Thưa, cụ thể là như thế nào?

- Cho những người đi học dự báo bão được hưởng lương bằng với người học CNTT thì có khối người giỏi theo học. Làm CNTT là làm giàu cho mình còn dự báo bão là cứu dân. Mà cứu dân là nhà nước phải trả tiền chứ ai lại bắt người dân chạy bão trả tiền trước. Người ta sẽ nộp thuế, mọi người đều nộp thuế và nhà nước trích từ thuế thu được để trả cho những người làm khoa học. Cho nên bây giờ các thầy phải lên tiếng. Phải làm thế nào để những người giỏi ngang nhau mà làm ở những chỗ khác nhau thì lương không được chênh lệch quá. Đồng ý có những người thích thật giàu nhưng có những người lại thích cống hiến cho xã hội nhưng họ cũng phải có cuộc sống tương đối ở mức 8 so với 10 chứ. Nhưng cái này ai phải làm?

- Chính phủ?

- Tất nhiên!

- Giả sử giải quyết được vấn đề của chính sách, nhưng chương trình đào tạo của các trường ĐH hiện nay liệu có đáp ứng cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học cơ bản không, nhất là ngành vật lý và toán học?

- Đấy là việc của chúng tôi mà. Chúng tôi đang rà soát, đánh giá lại chương trình học vật lý từ trường phổ thông đến đại học. Đầu tiên là xác định chiến lược, mục tiêu rồi viết chương trình đào tạo. Và chương trình đào tạo thì chắc là các thầy phải làm lại. Nếu chưa nghĩ ra được thì phải đi học từ các nước khác.

- Vậy bấy lâu nay chương trình đào tạo của mình không đáp ứng được yêu cầu?

- Mới đáp ứng được yêu cầu mình thấy, còn yêu cầu mà mình chưa thấy thì không đáp ứng được.

- Vậy là từ xưa tới nay đào tạo mà chưa có mục tiêu cụ thể?

- Có rồi, nhưng chưa đủ. Tức là những cái gì có mục tiêu thì mình cũng làm được. Còn mục tiêu còn thiếu thì bây giờ phải thêm. Cho nên tôi mới nhấn mạnh là lâu nay ta quên và bây giờ mới nhớ ra và phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng cũng chưa đủ. Nhà nước phải đồng ý, tạo điều kiện cho mình làm. Muốn thế thì phải có thêm bộ môn mới chẳng hạn, rồi phải có biên chế, phải gửi người đi đào tạo ở nước ngoài.

- Mong rằng giáo sư và các nhà khoa học sẽ khắc phục được sai lầm của mấy mươi năm trước để nền khoa học nước nhà có nền tảng phát triển!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: