Số đếm của ô tô
Einstein lỗi lạc hơn một lần nói, văn minh phương Tây vĩnh viễn chịu ơn phương Đông (cụ thể ở đây là Ấn Độ) ở con số không (zéro). Khởi thủy, cả người Ả Rập và La Mã yêu tính toán đều bắt đầu hệ số đếm của mình từ một. Tất nhiên, từ một sẽ có hai, sẽ có ba và dài dài nữa. Nhưng nếu chỉ có vậy thì số học mãi mãi sẽ không minh họa nổi tự nhiên, nó sẽ tủi thân loay hoay dưới chân đỉnh Ôlanhpơ tri thức.
Thêm số không, kiến văn nhân loại được mở rộng vô bờ bến, con người đã tới tận cửa đền của các đấng thần linh. Mặt trời, mặt trăng hóa ra cũng gần. Tuy vậy, vẫn thường quen đếm từ số một. Và người phương Đông (đặc biệt là người Việt Nam) hình như thích đếm từ số không. Số một đương nhiên là năm bờ oăn là thứ nhất. Còn số không có vẻ lại hơn cả số một. Có lẽ vì say mê cái ý niệm triết học này nên ở Việt Nam có khá nhiều số không. Xin được trích tham luận của giáo sư xã hội học Đỗ Thái Đồng đã in trong cuốn Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ (trang 56, 57 NXB thành phố HCM - 2000) "Từ sau nhà Trần, nhất là sau mấy triều vua đầu của nhà Lê, ở Việt Nam không có triều đại nào thật sự có được một nhà nước trung ương tập quyền đủ mạnh. Đủ mạnh trước hết trong lĩnh vực kinh tế, với khả năng tạo dựng được sức mạnh kinh tế của chính nó, và khuyến khích các thế lực kinh tế khác ở trong dân. Và văn hóa thì từ sau văn hóa Lý- Trần, xét ra các triều đại cũng không đủ mạnh để tạo dựng một nền văn trị nhiều sức thuyết phục, dù rằng thành tựu lẻ tẻ thì cũng không ít. Tại sao vậy? Nhìn về cơ cấu xã hội, ta thấy Việt nam suót 5, 6 thế kỷ qua hầu như không có ba nhân vật chính có thể làm chỗ dựa:
1) Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại "nhất thời"
2) Không có tầng lớp trí thức độc lập với nhà nước để có được các trào lưu học thuật, tư tưởng riêng
3) Không có lớp doanh nhân tunh hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ra nước ngoài"
Tất cả các kiến giải trên đều có liên quan chặt chẽ tới "hệ số đếm của ô tô", một trong những tiêu chí quan trọng để định lượng khái niệm văn hóa xe hơi. Trong ba cái không đã kể thì ngoài tầng lớp trí thức thường bị hiểu là ít tiền (không phải là đối tượng được dùng "tự động xa") còn quý tộc và thương nhân đều hội đủ điều kiện dễ dàng để có ô tô (Quý tộc ở đây không phải là hoàng thân quốc thích, một thứ lăng nhăng dây mơ rễ má như một số cách hiểu thiếu tích cực mà quý tộc và thương gia nên lành mạnh hiểu là quý nhân, những người tinh quý). Ô tô, nói cho cùng, là một sản phẩm tinh hoa với mục đích rốt ráo nhằm phục vụ con người. Thế nhưng chính bởi phẩm tính ấy, nó chỉ chọn nơi có tinh chất. Tất nhiên xe hơi không hẳn chỉ dành cho bọn dư dật. Khổng phu tử nói "y phục xứng kỳ đức", không có nghĩa rằng những người vô đức thì phải cởi truồng. Hiểu đơn giản là quý vật thường ở với quý nhân. Ô tô là một vật quý. Nhưng tại Việt Nam, chắc do khí hậu nóng và ẩm nên thường hiếm đám quý tộc thật và thương gia thật. Trớ trêu thay, tuy quý nhân hơi bị hiếm nhưng quý vật (xe hơi) lại nhan nhản nhiều. Chính vì thế ô tô ở ta dung tục trở thành một thứ "y phục" kỳ quái mang tính nhị nguyên. Trong mắt những người nông dân, những công nhân bình thường, xe hơi vừa là khát khao sang trọng vừa là xa xỉ kệch cỡm. Hơn một chục năm trước, khi các đô thị lớn ở Việt nam đang tập tễnh kiếm tiền thì trên các vỉa hè loan truyền câu đồng dao: "Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ" (Lơ là một phiên âm vui chỉ xe đạp peugeot). "Mặt rỗ đi lơ không bằng thằng gù đi cúp". Câu đồng dao của một thuở hồn nhiên nhiều khó khăn nhưng cũng nhiều tử tế. Cái giới hạn khát khao của nó chỉ nhằm tới xe máy. Những thiếu nữ xinh tương đương cỡ hoa hậu cũng chưa bao giờ dám cả gan mơ rằng ý trung nhân của mình lại là người có xe hơi. Ô tô riêng chỉ xuất hiện thần thoại thấp thoáng quyến rũ ở cửa nhà quan hoặc trên phim ảnh.
Rồi thời gian trôi bằng những bánh xe độc đáo của chính nó. Đến hôm nay đây, số lượng xe hơi được tư nhân sở hữu đã lên tới số vạn. Ô tô Việt đã và đang khởi động, nhiều người lạc quan hý hửng mừng thầm rằng nó đã rờ mo để vào số một. Thế nhưng đặc tính của các quý vật là tôn trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Miếng ngon nhớ lâu chẳng phải bởi nhiều. Cũng vẫn là xe hơi Nhật đấy Mỹ đấy nhưng khi vào Việt nam ngầm ngầm giảm cấp. Khung xe thiếu đi dăm ba cân sắt, sơn xe thiếu đi một vài lượt quét. Kính cũng bị vậy, lốp cũng bị vậy. Nhà sử học Trần Trọng Kim mệt mỏi viết: "Người nước ta tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn nhưng thích khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài". (Việt Nam sử lược, trang 6, 7). Người mua và chơi xe ở ta thiếu hẳn cái tinh tế thượng lưu, cái phẩm tính quyết định để nhận ra số một, Những người Việt có tiền ngây thơ oai hùng lái những chiếc xe mới tinh secondhand và đương nhiên trở thành Xe cần men. Từ số không, ô tô Việt Nam đi vòng qua số một tụt thằng vào số hai.
Điều này không hiểu nên vui hay buồn, vì số hai thoạt nghe thì hình như to hơn số một.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành