Văn phòng tứ bảo
Nghiên mực, bút, gác bút và giấy? Xưa rồi. Hiểu theo tinh thần văn phòng đương đại, nghiên là cái trữ vốn, bút là cái để hành sự, gác bút là cái để dựa dẫm khi sa cơ và giấy là bằng chứng về hậu quả của phút thăng hoa, phi tang lúc nào cũng được. Nói xa xôi mà làm gì, quân tử phòng thân, ta không phải quân tử giữa chợ thì làm đại nhân văn phòng, lúc nào cũng sẵn những thiết chế tứ bảo ấy.
Các văn phòng đã cháy và sẽ còn cháy. Tháp đôi New York đã thành tro bụi, và khủng bố thì vẫn còn lăm le đốt vài cái nhà chọc trời khác nữa. Không ai mong đợi cháy cả, và văn phòng bạn chưa dễ đã (được) cháy với một lý do lịch sử hoành tráng như Trung tâm Thương mại thế giới kia. Thế nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ, và chẳng ai nghĩ khi ấy mình sẽ mang theo thứ gì. Cô thư ký thoát thân khỏi đám cháy không nghĩ rằng mình mang theo túi Louis Vuitton vì nó đắt tiền mà vì nó chứa trong đó những gì bảo đảm một kiếp sống khả dĩ như cũ sau khi may mắn sống sót: giấy tờ bảo hiểm, tang chứng vật chứng cho quan hệ với sếp, lỡ sau có ra toà còn có cơ may hưởng nửa gia tài với vợ chính của người quá cố v.v...
Nhưng còn bạn, bạn mang theo cái gì nhỉ? Cái gì quý giá hơn, chứ không thể là văn phòng tứ bảo. Đôi khi là cái laptop, nhưng phần đông chúng ta dùng máy tính để bàn với cục CPU trứ danh nặng 20kg ục ịch. Dữ liệu cả trong đó, cả đời văn phòng chúng ta trong đó, cháy thì làm sao kịp rút hết vào ổ mềm mà mang đi. Giỏi lắm, khôn ngoan lắm cũng chỉ kịp mang được vài đĩa CD-ROM back up dữ liệu từ mấy tháng trước, trong khi hôm qua bạn vừa soạn ra được chương trình cạnh tranh tối hảo. Thế là hết. Chỉ còn ngọn lửa hung tàn liếm những cái lưỡi ngoem ngoẻm lên cái tương lai hứa hẹn của bạn.
Nói chuyện cháy cũng là chuyện bất đắc dĩ, chứ cái quý giá và tinh túy của bạn vẫn còn trong trí não, bạn thiếu gì cách tái tạo những sản phẩm bằng vật chất. Đặt ra một giả thiết như vậy để thử nghĩ với nhau, cái gì quý nhất trong văn phòng bạn, và có thể gần như là cái quý nhất trong cuộc đời văn phòng không nhiều cái để quý. Nói vậy cũng có khi bạn bảo tôi đánh đố, cái quý giá nhất của đời người con gái chẳng hạn, hay của một người hiệp sĩ như Don Quichotte còn dễ luận ra, chứ cuộc sống văn phòng gần như được tiêu chuẩn hóa, đâu chả có từng ấy món tứ bảo, mà tìm ra thứ phải gìn giữ như cái đáng giá nghìn vàng.
Tứ bảo ở đây chỉ thuần luận về những thứ vật thể, hữu hình và có tính vật chất. Để xác định đúng mức quý giá của những vật ấy, phải xác định mức độ lệ thuộc của chúng ta vào chúng cũng như khả năng thay thế của chúng. Như ví dụ trên, bạn nói ngay: cái máy tính. Ừ, đành rằng cái máy tính giá 1000 đôla đúng là có giá trị quy ra thóc đắt nhất trong thiết bị văn phòng của bạn, nhưng thực ra, bạn quý nó, hay là nó có giá trị bởi vì những kết quả của chất xám bạn lưu trong đó. Còn không, nó chỉ là cái hộp hay dở chứng mang cái mặt vuông chứa nhiều chất phóng ra không tốt cho sức khoẻ, nào là tác nhân gây ung thư, nào là các chứng cuồng... Mỗi khi nó hỏng, bạn chả phát rồ lên, và thấy chỉ muốn mau mau chóng chóng có cách nào đó rút hết tài khoản của mình ra. Thế thì đâu phải là quý.
Cái thứ hai sau máy tính mà bạn nghĩ đến là sổ tay, ghi lịch làm việc, danh sách đối tác và danh bạ điện thoại (bên cạnh danh bạ trong mobile). Quý lắm chứ, bảo bối làm ăn là đấy, có người chỉ vì nhặt được sổ tay của đối phương rơi trong nhà hàng mà thắng được vụ làm ăn lớn. Xem một cuốn sổ tay của anh viên chức, thấy cả mai cốt cách tuyết tinh thần của anh ta. Thế nhưng điều đó cũng dễ làm, bởi có những anh viên chức loại chân tay, chỉ đâu đánh đấy, những cuốn sổ chỉ là vật trang sức công ty phát cho, ghi vài ba dòng lấy lệ. Mà nếu có mất, hẳn không đến nỗi đứt liên lạc làm ăn. Cuộc đời không hẳn đã mất tích bạn nếu ta biết rằng, giấy má chỉ là một loại gông xiềng lý thuyết. Lần hồi, cuộc đời văn phòng sẽ lại đâu vào đấy, vết thương mất sổ liên lạc lại lên da non, chả đáng để bạn se lòng nhiều.
Chẳng lẽ không còn gì để không thể đánh mất ư? Vài ba cuốn sách hướng dẫn, vài ba hồ sơ khách hàng, kể cũng là tiền bạc mồ hôi nước mắt lao động nâng niu gom góp dựng cơ đồ, mất đi cũng đau xót lắm chứ. Nhưng đã ai thấy từ trong cảnh cháy đùng đùng, một người viên chức hùng dũng phi thân hai nách cắp hai tập hồ sơ, tay ôm một tập tài liệu công ty mà liều mình như chẳng có? Không có đâu. Mỗi người như chúng ta, chạy bán sống bán chết ra đến nơi an toàn đã là may, văn phòng tứ bảo chẳng là gì so với thân ta. Có thể có những sếp nhất quyết không rời vị trí, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu sống mà trắng tay. Còn chúng ta, nhất định không chịu chết, nhất định không làm thằng Bờm mà vác những cái cối đá tứ bảo của văn phòng kia.
Đến đây thì hẳn đã rõ mười mươi, không có gì là quý thật sự. Vì chúng ta tin chúng ta còn khả năng làm việc tiếp, và tài sản của ta chính là thứ tài sản vô hình, cái thứ được gọi rất mỹ miều là chất xám, nằm đâu đó trong công thức về thặng dư tư bản của ông Karl Marx. Chúng ta cũng dễ tưởng chất xám của mình là một yếu tố nền tảng làm nên công ty, một thứ nằm trong tứ bảo vô hình của văn phòng, thứ làm nên giá trị thặng dư. Rồi cũng rất nhanh, ta nghĩ ta là thượng tầng kiến trúc làm nên sách lược kinh doanh, và không xa xôi gì, ta là một viên ngọc sáng, cần được cứu ra đầu tiên khi lửa lan đến. Lửa ở đây có thể hiểu là những nguy cơ tiềm tàng, những bất ngờ khó lường xảy đến làm tiêu ma cả văn phòng.
Ai sẽ cứu bạn nếu thứ văn phòng tứ bảo loại như bạn, nhan nhản muôn nơi, tuổi đời đầu ba đuôi chơi vơi, dạt đi lớp này lại trồi lên lớp khác? Mỗi cuộc phế hưng của xu thế kinh doanh, của tình hình làm ăn chung dễ dàng gạt bỏ đi không thương tiếc những viên chức văn phòng của nó, vốn được mặc định là sẽ hết mình vì sự nghiệp chung. Cái cay đắng của người nhân viên công sở có chút đầu óc là ở chỗ, đâu là điều quý giá của mình ở chốn văn phòng ấy, anh ta không minh định được trong phút dầu sôi lửa bỏng, cũng như thân anh ta, như rơm rạ mùa khô, cháy đùng đùng rồi tắt ngóm lúc nào không hay. Bạn là người có ích, trong những việc đều đặn hàng ngày, hệ thống của bạn chứng tỏ được điều ấy. Và có lẽ chừng ấy cũng là đủ, là điều tối thiểu nhưng cũng là tối đa để yêu cầu ở một người đi làm công sở. Ta có thể tóm gọn lại trong hai từ “vừa đủ”, ấy là đặc trưng cho phẩm chất và năng lực của một vị trí công tác.
Còn mong đợi gì hơn nữa?
Theo định nghĩa của một thời bao cấp, có thể những ban bệ của một cơ quan hành chính là “tứ bảo”. Hôm nay, thời hội nhập chẳng phải là mode nhưng phi nhân viên bất thành văn phòng. Tứ bảo, tiền của hay vật chất, dù quý đến đâu cũng không thể bằng chính bạn. Dù bạn chỉ là một cô gái văn thư ít ước mơ hay một anh lập trình nhiều tham vọng, mỗi người một vị trí làm việc tốt với khả năng mình để công việc chạy êm. Tứ bảo ư, có gì khác nếu chính là bạn với điều kiện bạn chứng tỏ mình làm tốt đến nỗi công ty hay sếp chẳng thể thiếu bạn. Trong một bài trước, tôi đã nói đến cái bệnh “ta ở trời tây nhớ trời đông”, những văn phòng có những nhân viên như thế là một tập hợp rời rạc những con người không quý giá.
Đến đây cũng không nên quên nói đến các sếp. Thực ra các sếp cũng chỉ ngang bằng với nhân viên nếu xét về phương diện tứ bảo. Tôi không tin những công ty mà sếp được nâng niu ồn ào như tứ bảo được dán nhãn bảo hộ, đối lập với anh chị em nhân viên, lại bền vững dài dài. Sự chênh lệch về mức độ quý giá của cái ghế dễ dẫn điều là sự ấm ức trong giới “cần lao” chúng ta khiến sự rạn nứt dễ xảy ra, lúc ấy cái ghế của sếp trong một văn phòng nhiều nhân viên bỏ việc liệu có còn “tứ bảo”? Cái khó của sếp là không được có hố sâu ngăn cách nào với đám nhân viên, nhưng cũng không thể không có một khoảng cách. Một số sếp sai lầm khi tạo ấn tượng bằng cách dán nhãn “tứ bảo” lên một vài cá nhân xuất sắc. Bởi vì kiêu binh thời nào cũng có, và đám đông nhân viên thực ra không thích lắm việc có một loại “công nhân quý tộc” hay “công đoàn vàng” trong nội bộ của mình. Sếp giỏi là sếp biết làm cho mỗi nhân viên của mình đủ tự kiêu để làm việc có trách nhiệm, nhưng cũng không quá hão huyền để mất thời gian nghĩ về cái sự “duy nhất” của mình. Nhưng tôi đã nói một chuyện quá xa, hoặc sa vào mấy cái luận điểm được các sếp khéo gài vào bản “văn hóa công ty” kiểu: con người là vốn quý nhất của công ty, mỗi người là một thứ “tứ bảo”... Mọi cuốn sách dạy về đi làm ở văn phòng, loại sách kinh tế quản trị bán đầy nhà sách, chúng ta thấy nổi lên vấn đề làm sao để cá nhân ta có vị trí trong cơ quan. Ước mơ của dân văn phòng chốt lại, vẫn là làm sao để thành “văn phòng tứ bảo”. Bởi vì hệ quả của điều ấy là tiền bạch, lương bổng, danh vọng. Tại sao mà sách kinh tế sẽ lấy Alex giám đốc làm nhân vật chính trong minh họa luận điểm phương thức kinh doanh chứ không có bao giờ lấy chị Mary gái già hành chính ra đây? Các anh chị dân văn phòng nếu có được lấy ra làm nhân vật thì cũng chỉ đứng quây quần quanh nhân vật chính, mặt mày hớn hở, vỗ tay chúc mừng rào rạt như môtíp phim Hollywood.
Nói vậy, néu không có những Mary mặc váy công sở dễ bảo, thử hỏi chàng Alex giám đốc có dễ yên tâm mà vận hành doanhnghiệp cho ngon trớn không? Thời buổi cá nhân được tôn trọng ầm ầm như thế này, mỗi một anh chị văn phòng có nhiều hơn những cơ hội để khiến mình thực sự là phần quan trọng nhất của công ty. Thì đấy, ít nhất hàng tháng công ty đã chẳng phải tốn một khoản tiền để thuê bạn ngồi yên vị trong văn phòng là gì?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng