Quan hệ Việt - Mỹ từ chiến tranh tới bình thường hóa
Ở những ngày đầu của Việt Nam thống nhất, lệnh cấm vận của Mỹ đã phong tỏa mọi quan hệ quốc tế của Việt Nam. Nhưng cũng trong giai đoạn khó khăn đó, mầm hòa hợp với thế giới vẫn được ươm bởi những người Mỹ và cả những người Việt từ bên ngoài.
>> Tham khảo:Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai
1. Căng thẳng thời hậu chiến
Ngay sau ngày 30-4-1975, “một làn sóng tự tôn dân tộc và bài Mỹ đã lan khắp Sài Gòn. Sự chiều chuộng thường thấy đối với người nước ngoài đột nhiên biến mất. Những câu nói kiểu “Mỹ văn minh hiện đại, mình nghèo và chậm phát triển” trở thành thứ ngôn ngữ cổ. Nhiều năm phụ thuộc vào nước Mỹ để có lương cho quân đội, có đạn cho chiến trường, thời trang cho các cửa hàng làm đẹp, âm nhạc cho các quán bar và thậm chí cơm trên bàn ăn đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý một dân tộc. Nhưng tất cả những cái đó đã mau chóng tan thành mây khói. Khi cánh cửa Dinh Độc lập bị xe tăng quân giải phóng húc đổ vào ngày 30-4 cũng là lúc hình ảnh bất khả chiến bại của nước Mỹ ăn sâu trong vài thập kỷ nay bị vỡ vụn”.
Earl Martin, một người Mỹ ở Sài Gòn trong những ngày tháng đó, đã viết như thế. Ông là thành viên của tổ chức thiện nguyện tôn giáo Mennonite Central Committee (Hội đồng trung ương giáo phái Menno). Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, chỉ còn thành viên của vài hội tình nguyện của tư nhân là ở lại, trà trộn cũng các phóng viên, nhà báo phương Tây.
Căng thẳng đến nghẹt thở
Nhưng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam đã xiết chặt. Washington cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Suốt những năm sau chiến tranh, lệnh cấm vận được thực thi nghiêm ngặt: Không có bất kỳ một hình thức bang giao nào giữa hai nước, ngoại trừ một số có chọn lọc các hoạt động vì mục đích nhân đạo như gửi thuốc men trị bệnh, sách báo nghiên cứu – nhưng ngay cả việc này cũng bị ngáng trở rất nhiều. Đơn cử, người Việt ở Mỹ muốn gửi 1-2 cuốn sách cho các viện khoa học ở Việt Nam cũng gặp khó khăn: Bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận, bưu điện Mỹ trả lại hoặc thiêu hủy tất cả những cuốn sách tham khảo gửi về Việt Nam. Trong cuốn “Traveling to Vietnam” (Đường đến Việt Nam, 1998), tác giả Mary Hershberger nhận xét khi viết về phong trào của những nhà hoạt động hòa bình người Mỹ: “Chính phủ Mỹ đã chống lại Việt Nam trên từng bước đường đi và phong tỏa mọi mối liên hệ quốc tế của Việt Nam, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải liên kết với quân Khmer Đỏ ở Campuchia”.
Không khí chính trị đầy màu sắc thù địch: Tổng thống Ford phủ quyết quyền thành viên của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đóng băng 150 triệu đôla tài sản của Việt Nam ở Mỹ, ngăn trở Việt Nam gia nhập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Quốc hội Mỹ còn cấm vận mạnh hơn khi nghiêm cấm bất kỳ hình thức cứu trợ nào cho Việt Nam và xiết chặt các thủ tục pháp lý về nhập cư. Cũng bà Mary Hershberger cho biết, “cách duy nhất để người Việt Nam có thể vào Mỹ là trốn sang một nước thứ ba và xin tị nạn chính trị”. Một phần vì lý do này, làn sóng người Việt vượt biên qua đường biển và đường bộ tới một lãnh thổ thứ ba (Hong Kong, Thái Lan, Campuchia) càng tăng lên.
Một người Mỹ (giấu tên) theo giáo phái Quaker, đã ở bên Việt Nam từ những năm khó khăn nhất tới nay, cho biết, vết thương tâm lý của người Mỹ đã đẩy nước Mỹ vào những hành động chống lại Việt Nam, như ủng hộ phe Khmer Đỏ và Trung Quốc thời kỳ cuối thập niên 70. Tín đồ Quaker này nhận định: “Cuộc chiến của Mỹ với Việt Nam thật sự mới chỉ kết thúc vào năm 1989”.
Còn một Việt kiều Mỹ, một trong những người Việt đầu tiên có mặt trong các cuộc trao đổi giữa hai nước về vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), thì nói: “Cuộc chiến lẽ ra đã có thể kết thúc từ ngày 19-1-1975 khi Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cấm hành pháp chi thêm dù chỉ một đôla để viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Nhưng lịch sử đã không diễn ra như thế. Chính cái tâm lý cần thiết cho chiến tranh lại là tâm lý rất có hại khi hòa bình. Niềm tự hào và say sưa với chiến thắng của chúng ta, hành động đi khắp nơi đòi Mỹ bồi thường chiến tranh, trả nợ máu, v.v., đã tạo ra trong tâm lý người Mỹ một vết thương cực kỳ sâu mà họ không thể chịu nổi, đi đến cấm vận hoàn toàn cả Việt Nam…”.
Không chỉ người Mỹ, những người Việt của chế độ cũ đào thoát sang Mỹ trong và sau năm 1975 cũng giữ thái độ thù địch với Việt Nam. Một số rất lớn “không đội trời chung” với cộng sản, thậm chí những phần tử cực đoan sẵn sàng hành hung, sát hại bất cứ người nào có ý định trở về Việt Nam làm ăn kinh tế, ủng hộ chính quyền trong nước. Có người ở bang Texas về thăm quê mẹ Việt Nam, quay lại Mỹ viết báo nhận định tình hình “sáng sủa hơn”, kết cục là bị một số cựu quân nhân VNCH bắn chết ngay tại nhà riêng chỉ vài ngày sau đó. Như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (sinh năm 1932), một trong những nhân chứng của cả hai phía thời đó, mô tả lại, động vào “vấn đề Việt Nam” cũng chẳng khác động vào tổ kiến lửa, khi “một bên thì say sưa với chiến thắng, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, bên kia thì chống ác thần cộng sản tới cùng”.
Hai tàu hải quân Mỹ USS Patriot và USS Salvor đến thăm TP.HCM ngày 1-7-2006. Đây là chuyến thăm thứ ba kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Ảnh: HTD
Những nỗ lực chật vật đầu tiên
Dễ hiểu rằng những người Mỹ hoạt động nhân đạo hoặc là tín đồ của một tôn giáo nào đó – ví dụ các giáo phái Menno, Quaker - đã là những công dân Mỹ đầu tiên duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam.
Gần như ngay sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 7-1975, tổ chức American Friends Service Committee (AFSC) đã sẵn sàng gửi lưới đánh cá, sữa bột, xe cút kít gắn máy và chỉ khâu sang Việt Nam. Đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu của họ bị Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng bác bỏ, thậm chí Bộ tuyên bố nếu AFSC cứ tiếp tục thì có thể bị truy tố theo điều luật “Hoạt động thương mại với kẻ thù”. AFSC cũng không chịu lùi bước. Tháng 11 năm đó, họ mở một cuộc biểu tình tại 45 thành phố nhằm phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ, huy động thành viên của nhiều tổ chức thiện nguyên tôn giáo khác: National Council of Churches (Hội đồng Các nhà thờ toàn quốc), United Methodist Church (Liên hiệp Nhà thờ Giám lý), United Presbyterian Church (Liên hiệp Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão), v.v. Hội đồng Trung ương Giáo phái Menno của Earl Martin đã cầu nguyện cả đêm trước Nhà Trắng. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Mỹ nhượng bộ và cấp giấy phép xuất hàng cho AFSC.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận vẫn xiết chặt Việt Nam. Năm 1978, đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đổ vỡ hoàn toàn.
Mãi tới tháng 12-1991, Chính phủ của Tổng thống Bush (cha) mới giải tỏa một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam bằng việc cho phép các công ty Mỹ được ký với đối tác Việt Nam những biên bản ghi nhớ (nghĩa là các hợp đồng nguyên tắc, chưa có giá trị). Từ cấm vận hoàn toàn, cho đến dỡ bỏ một phần, rồi đến sự hiện diện của những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên trên đất Việt Nam, mối bang giao Việt – Mỹ đã tiến những bước quá dài trước khi đạt tới bình thường hóa.
2. Kết nối âm thầm
Bất chấp lệnh cấm vận khắc nghiệt và không khí thù địch chính trị, suốt những năm tháng căng thẳng sau chiến tranh, vẫn có những người ở cả hai bên thầm lặng nỗ lực không mệt mỏi nhằm phá băng trong quan hệ hai nước, đưa người Mỹ trở lại Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh sự chống phá của những người Việt cực đoan ở Mỹ, họ còn phải chịu sự nghi ngờ và cản trở của không ít người trong nước vẫn còn mang nặng định kiến cứng rắn và bảo thủ.
Một trong số những gương mặt ấy là chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành. Cần nói rằng hiện nay, ông Thành là một nhân vật nổi tiếng đối với giới truyền thông Việt Nam, một trí thức Việt kiều hay được hỏi ý kiến về các vấn đề kinh tế đối nội và đối ngoại của đất nước. Thế nhưng, vào những năm đầu thập niên 80 khi ông đóng góp ý kiến cho Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng về phương pháp quản lý kinh tế, hay vào đầu những năm 90 khi ông đưa nhà đầu tư đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam thì mọi việc làm của ông đều diễn ra trong lặng lẽ.
Lặng lẽ nhưng mạo hiểm
Lặng lẽ và có cả sự mạo hiểm, bởi vì nếu chuyện lộ ra, ông có thể trở thành nạn nhân của những thành phần chống đối ở cả hai phía. Ông Thành kể lại: “Tôi không nói chuyện “về Việt Nam” với ai cả, không vận động, kêu gọi ai ủng hộ. Bạn bè nhiều người thấy tôi đi đi về về Việt Nam và Mỹ hoài, họ hỏi làm chi mà đi về lắm thế? Tôi chỉ nói tôi muốn góp hết sức để giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Họ cười, bảo tôi ngây thơ, mê ngủ, cộng sản là vô sản, làm gì có chuyện cộng sản chấp nhận những nguyên tắc kinh tế thị trường để nhân dân được sống tốt hơn. Đa số những người đó chống cộng tới tận xương tủy, vì xương máu họ đổ ra, vì chiến hữu họ chết trận nhiều rồi… Tôi hiểu, nên không thuyết phục người ta làm chi. Chủ nghĩa, học thuyết, chính kiến, thì phận ai nấy giữ thôi, không có cách nào tuyên truyền được. Về phần mình, tôi chỉ nghĩ dân giàu thì nước mạnh, ai nhất trí như vậy thì chúng ta cùng hợp tác, làm sao cùng tạo nên nền kinh tế phát triển”.
Với suy nghĩ ấy, năm 1993, khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhờ xem thử có tập đoàn lớn nào của Mỹ có thể đầu tư xây dựng một khu công nghiệp ở bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng), ông Bùi Kiến Thành - lúc đó đang là cố vấn cao cấp của AIG – nghĩ ngay tới tập đoàn bảo hiểm rất lớn này. Ông Thành tìm gặp Maurice Green Berg, Chủ tịch AIG từ năm 1968 và là người quen, đồng nghiệp lâu năm của ông. Chỉ sau một cuộc trò chuyện ngắn gọn, “người Do Thái” Green Berg đã thấy ngay cơ hội để trở thành nhà đầu tư số 1 của Mỹ vào Việt Nam lúc đó. Ông nói với người bạn, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: “OK, ông có thể trả lời Chính phủ Việt Nam rằng AIG sẽ đầu tư vào khu công nghiệp ở Đình Vũ như Chính phủ Việt Nam mong muốn”.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Việc AIG trở thành nhà đầu tư vào Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa lớn về cả ba mặt kinh tế - ngoại giao - chính trị, nếu chúng ta biết rằng AIG là một tập đoàn tài chính nổi tiếng thế giới, số 1 nước Mỹ, có quan hệ và ảnh hưởng lớn tới hậu trường chính trị Mỹ. Maurice Green Berg không chỉ là ông trùm của đế chế này mà còn là Chủ tịch một hội của người Do Thái ở Mỹ - cộng đồng vốn có thế lực rất lớn trong chính trường Mỹ. Nói như ông Bùi Kiến Thành, đơn giản là ở Mỹ, “từ tổng thống tới nghị sĩ, từ thị trưởng tới thành viên hội đồng thành phố, người nào không được lòng dân Do Thái thì không khi nào đắc cử”. Việc AIG đầu tư vào Việt Nam, do đó, mở ra nhiều triển vọng: Chính phủ Mỹ có thể tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ có thể vào Việt Nam, vì người Do Thái đã đến đó rồi. Và một khi Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thì các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, rồi Nhật Bản, cũng sẽ theo sau...
Những người “đưa và đón Mỹ vào Việt Nam”
Ngoài ông Bùi Kiến Thành, còn rất nhiều người nữa đã bắc những cây cầu đầu tiên để giúp hai nước Việt – Mỹ hiểu biết nhau trước khi xây dựng lại quan hệ bình thường. Tất nhiên, vì lý do cũng giống như ông Bùi Kiến Thành, họ đều làm việc trong lặng lẽ, độc lập và cả thận trọng, không tổ chức thành phong trào.
Nói về những gương mặt đã “đưa” và “đón” các đại diện của Mỹ hồi ấy, luật sư, chuyên gia tư vấn đầu tư Nguyễn Trần Bạt kể lại: “Người đưa là những anh em Việt kiều tiên tiến, ví dụ như chuyên gia Bùi Kiến Thành, kỹ sư Trần Khánh Vân, vợ chồng ông bộ trưởng Trần Văn Dĩnh, ông Lâm Tôn chủ thương hiệu phở Cali, các nhà chuyên môn người Việt ở Mỹ sau này làm quan chức cho các tổ chức, định chế quốc tế như anh em ông Phó Bá Quan - Phó Bá Long - Phó Bá Hải, ông Nguyễn Văn Hảo… Tôi cho rằng, đóng góp phần quan trọng trong việc đưa người Mỹ đến Việt Nam là những Việt kiều tiên phong, và cần phải biểu dương họ”.
Còn về phía “đón”, ông Nguyễn Trần Bạt cũng như các vị khách Mỹ và Việt kiều ngày ấy nhắc nhiều tới những gương mặt đổi mới trong Chính phủ Việt Nam (nay đều đã mất): cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai… Ở phía Mỹ, các công ty Mỹ đầu tiên hiện diện tại Việt Nam có thể kể tới: IBM, Microsoft, Ford, AIG, CitiBank…
Citibank là một trong những công ty Mỹ đầu tiên hiện diện tại Việt Nam.
Và có một lực lượng không thể không nhắc tới trong con đường đưa Việt Nam và Mỹ tới mốc bình thường hóa năm 1995, đó là những cá nhân và tổ chức dân sự của Mỹ. Trong đó, có 5-6 người Mỹ đã luôn giữ tình cảm và mối quan hệ với Việt Nam ngay cả vào những năm tháng căng thẳng nhất của thời kỳ hậu chiến. Tất cả đều là những “người Mỹ trầm lặng”, hầu như không được báo chí biết đến. Nổi tiếng nhất trong số họ là bà Lady Borton, nhà văn, nhà báo, sử gia Mỹ. Một người khác là ông John McAuliff, sáng lập viên Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD). “Quỹ” chỉ có độc một thành viên, được thành lập năm 1985 với mục đích “hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và các nước đã từng bị Mỹ coi như kẻ thù”. Thành viên duy nhất đó – ông John McAuliff – đã làm hết sức mình để thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với ba nước Đông Dương. Theo bà Lady Borton, “John là nhân vật chủ chốt trong việc vận động cả hai phía Mỹ và Việt Nam cho phép Việt kiều, cựu chiến binh, học giả, v.v… có thể trở lại Việt Nam”.
Một nhân vật nữa là Gerry Herman, ông chủ rạp Cinametheque ở 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) bây giờ. Ông được đạo diễn Đặng Nhật Minh đặc biệt tri ân như là người cứu sống bản gốc của bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10”: Khi phim để lâu bị mốc, hỏng, Gerry Herman đã đem “Bao giờ cho đến tháng 10” sang Bangkok để sửa chữa và làm đĩa DVD lưu giữ.
Nhà hoạt động Joy Carol kể lại: “Suốt những năm 70 và 80, chúng tôi tiếp tục gửi hàng cứu trợ về Việt Nam và cố gắng tuân thủ các điều lệ. Người ta không ngừng đe dọa sẽ bỏ tù chúng tôi thật lâu, phạt tiền thật nặng nếu bất kỳ một khoản cứu trợ nào lại thành ra làm giàu cho một cá nhân người Việt Nam nào đó”.
Lệnh cấm người Mỹ du lịch Việt Nam đã khiến công ty du lịch kỳ cựu Lindblad Travel buộc phải dừng hoạt động vào năm 1989 do bị phạt hơn 75.000 USD tội tổ chức tour sang Việt Nam, vi phạm lệnh cấm. Ông Chủ tịch Lars-Eric Lindblad tuyên bố: “Tôi vẫn sẽ làm lại. Theo quan niệm của tôi, du lịch không phải là hoạt động thương mại thông thường. Du lịch là truyền thông. Cấm người ta du lịch cũng giống như đốt sách và bỏ tù nhà báo”. Tháng 12-1991, Washington dỡ bỏ lệnh cấm tổ chức tour du lịch Việt Nam. Ba năm sau, Lars-Eric Lindblad mất, đúng vào năm Tổng thống Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam.
Tác giả cuốn “Traveling to Vietnam” (Đường đến Việt Nam, 1998), bà Mary Hershberger, kết luận: “Việc những người Mỹ tới Việt Nam sau chiến tranh là một sự đảm bảo với nhân dân Việt Nam rằng Chính phủ Mỹ không đại diện cho tất cả dân chúng Mỹ… Sự đảm bảo này là thành tựu vĩnh viễn của những người Mỹ đó: Họ đã gắng giữ được trong trái tim Việt Nam hình ảnh một nước Mỹ thân thiện”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn