Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam
Mục Lục
Lời cảm ơn
Lời tác giả
Phần mở đầu
Phần 1: Vài nét về lịch sử phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam
1.1. Lịch sử phát triển
1.2. Các nhà cung cấp dịch vụ và các nhãn hiệu được ưa chuộng nhất ở Việt Nam
Phần 2: Một số phương diện lý thuyết trong việc nghiên cứu phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam
2.1. Các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam
2.2. Vòng xoáy của sự im lặng
2.3. Một không gian và thế giới số và ảo
2.4. Không biên giới
Phần 3: Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa – xã hội ở Việt Nam
A. Những thay đổi văn hóa xã hội
3.1 Sự thay đổi trong giao tiếp cá nhân và xã hội
3.2 “ Cái tôi” trong xã hội gia tăng
3.3. Sự thay đổi của không gian xã hội và cá nhân
3.4. Sự thay đổi của giải trí
3.5 . Dân chủ hóa đời sống xã hội
3.6. Sự hỗn loạn của thông tin và việc hình thành các tiểu văn hóa
3.7. Những thay đổi trong cách truyền đại tri thức trong xã hội
3.8. Khoảng cách số trong xã hội
3.9. Những hình thức phạm tội mới nảy sinh
3.10. Thay đổi cách thức kinh doanh, cung cấp dịch vụ
3.11. Những nhu cầu mới và lối sống mới, những ngôn ngữ mới
3.12. Những thay đổi trong tâm lý cá nhân
B. Những xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông mới ảnh hưởng đến đời sống văn hóa – xã hội.
Phần kết luận
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Lời tác giả
Có thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống. Dù đó là những vùng nông thôn hẻo lánh hay đô thị sầm uất, các phương tiện truyền thông mới đang đem lại cho con người những cơ hội để có một cuộc sống thuận tiện hơn và thách thức để những vấn đề mà trước đây chúng ta xem là đương nhiên từ sức mạnh của các phưng tiện truyền thông đại chúng, khái niệm dân chủ tới những vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu hay các quan hệ xã hội thời hiện tại. Một thế giới ảo sống đan xen với thế giới thực, một không gian tương tác tối đa trong mọi mối quan hệ xã hội, những cách nhìn rộng mở và khoan dung với các quan điểm khác biệt, tốc độ xã hội nhanh tới mức các khoảng cách không gian và thời gian trở nên tương đối, tất cả đã khiến các phương tiện truyền thông mới trở thành một công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ khi xuất hiện loài người.
Dù biết rằng, công nghệ luôn luôn là công nghệ, nó không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu, mà chỉ giúp con người trở nên thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên, các phương tiện truyền thông mới đã khiến nhân loại lo lắng về một khả năng con người trở thành nạn nhân của máy móc. Những ví dụ diễn ra trên khắp thể giới đã cho chúng ta thấy chúng ta phụ thuộc vào các Internet và điện thoại di động đến mức như thế nào. Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó chúng ta không có các thiết bị này, thế giới sẽ hỗn loạn ra sao!
Nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới là một xu hướng đang phát triển hiện nay. Có rất nhiều lý do khiến cho hướng nghiên cứu này trở thành một trào lưu được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm như tầm quan trọng vốn có của nó đối với những thay đổi trong các lĩnh vực thuộc đời sống xã hội: từ những cú sốc văn hóa đến những thay đồi trong sinh hoạt chính trị từ những biến đổi trong cách thức hoạt động kinh tế của cộng đồng tới những thay đổi trong tâm lý và nhận thức của cá nhân,... cũng như có sự hỗ trợ, đứng đằng sau của các tập đoàn san xuất và các nhà cung cấp các dịch vụ truyền thông mới, sự thú vị của bản thân các phương tiện truyền thông mới; lẫn thói quen muốn đi tìm những hướng đi khác của các nhà nghiên cứu trẻ. Tất cả những điều đó cũng là nguyên nhân khiến tôi hứng thú với cuốn sách này.
Quyển sách được viết trong khoảng thời gian hai năm, với sự đóng góp ý kiến của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Mục đích căn bản là tạo nên một phác thảo cho những thay đổi văn hóa - xã hội đang diễn ra ở Việt Nam dưới tác động của các phương tiện truyền thông mới. Tất nhiên, tác giả cuốn sách không nghĩ rằng mình đã đề cập đến mọi thay đổi diễn ra dưới tác động của các phương tiện truyền thông mới. Tác giả biết rằng, đối với các phương tiện truyền thông mới, sự thay đổi diễn ra vô cùng nhanh chóng. Thuật ngữ thế hệ giờ được tính toán theo các thế hệ công nghệ chứ ít theo lứa tuổi con người như trước kia nữa. Thế hệ công nghệ giờ không còn là 10 hay 20 năm năm mà chỉ diễn ra trong vòng 1-2 năm, thậm chí chỉ vài tháng. Mọi tính toán cho tương lai 10 năm giờ trở nên khó khăn cho bất cứ ai trong lĩnh vực này. Xã hội Việt Nam đã hình thành những thế hệ tương ứng với các thế hệ công nghệ truyền thông mới. Khoảng cách số vẫn đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay do những khác biệt về vùng miền, thu nhập, tuổi tác, giới tính và các khả năng khác nhau trong việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông mới. Bên cạnh những thuận lợi, các phương tiện truyền thông mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho xã hội. Song chúng ta hy vọng rằng, các phương tiện truyền thông mới sẽ tạo động lực cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đặc biệt khi chúng ta hiểu rõ về các phương tiện truyền thông ấy.
Hà nội ngày 12/6/2007
Bùi Hoài Sơn
Phần mở đầu
Các phương tiện truyền thông mới là một trong những thành tựu quan trọng nhất mà loài người đạt được trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây và đang nhận được sự quan tâm của cả các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý xã hội và người dân nói chung. Khi một công nghệ mới ra nhập xã hội, nó luôn va chạm tới hàng loạt các chuẩn mực văn hoá. Sự ra đời của bất kỳ một công nghệ nào cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với văn hóa - xã hội, tuy nhiên, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới trong thời gian vừa qua đã tạo nên những thay đổi văn hóa - xã hội sâu sắc. Những thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài xã hội hay con người, mà nó còn thấm sâu, làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như chính đời sống tâm lý, thói quen của mỗi con người. Nó khiến cho xã hội chuyển động với một tốc độ nhanh hơn và các khoảng cách xã hội được thu hẹp hơn rất nhiều. Những giá trị xã hội cũng đang trong quá trình biến đổi. Khi bàn về sự thay đổi của thế giới trong thời gian vừa qua, tác giả của cuốn Thế giới phẳng, T.Friedman (2006) cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các phương tiện truyền thông mới như là một trong những yếu tố căn bản nhất góp phần làm cho thế giới trở nên "phẳng" thông qua các kết nối Interrnet, điện thoại di động (ĐTDĐ), và các hình thức hỗ trợ kỹ thuật số khác (PDA: personal digital assistants). Có thể nói không quá rằng, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, loài người đã phát minh ra một thứ công nghệ đang có xu hướng chi phối luôn cả bản thân mình lẫn thói quen sinh hoạt. Ví dụ, khác với truyền hình hay điện thoại thông thường. những thiết bị con người có thể cần hoặc không cần ĐTDĐ (hay nói một cách chính xác hơn là thiết bị truyền thông di động (mobile communication)) đã khiến cho người sử dụng nó không thể rời xa khi nó không chỉ là một thiết bị liên lạc mà còn là một phương tiện quản lý cuộc sống, giải trí và ngày càng có thêm nhiều chức năng khác, còn Internet đã khiến cho các khái niệm không gian và thời gian trở nên tương đối cũng như trở thành một bước ngoặt trong mọi' giao tiếp xã hội, kể cả biến những điều có thật thành ảo và ngược lại.
Cũng như quá trình toàn cầu hoá, nhiều nước trên thế giới đã tiếp tục lo ngại về việc các phương tiện truyền thông mới ra đời sẽ khiến thế giới trở nên bị "Mỹ hoá". Trên thực tế, đây không phải là điều không có cơ sở khi có nhiều bằng chứng chỉ ra cho thấy, công nghệ truyền thông mới đã khiến hàng triệu người trên thế giới trở nên quan tâm đến bản thân họ hơn và xa rời những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc hay say mê với những sản phẩm thương mại và cả văn hóa của Tây phương (mà cụ thể là Coca Cola, Hollywood, Microsoft) hơn những sản phẩm của chính nước mình Với các phương tiện thông tin cổ điển, nỗ lực chủ yếu là nhằm xoá bỏ biên giới chính trị, và thực hiện một sự hoà nhập tốt đẹp hơn. Với Internet, việc xoá bỏ biên giới tư tưởng trở thành đối tượng nhằm thống nhất cách xử thế và thống nhất tư tưởng. Do đó, đối với Nelson Thall, môn đệ của Marshall Mcluhan, dự án không dám nói ra của Internet là làm cho toàn bộ thế giới nghĩ và viết như người Mỹ
Như vậy sẽ không phải là hoà nhập mà là đồng hoá.
Đây rõ ràng không phải là điều mà phần lớn những người sử dụng mạng lưới này mong muốn. Đối với họ, điều họ muốn là cải thiện cuộc đối thoại giữa các nước và giữa các cá nhân sống rải rác trên khắp địa cầu. Họ không muốn tìm kiếm thông tin trong mạng này sự chạy trốn khỏi thực tại mà là tìm cái có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ trong lao động cũng như trong giải trí... xưa kia tư tưởng nằm trong hành lý của con người. Ngày nay, chúng được ưu tiên sử dụng các làn sóng và các kỹ thuật truyền thông mới. Các sóng này rõ ràng đã mang tải các giá trị của những xã hội đã tạo ra các giá từ đó. Chính vì cảm thấy mình là một công dân thế giới mà người ta muốn biết điều gì đang xảy ra trong thực tại ở những nơi khác trên thế giới .
Tuy nhiên, câu chuyện không xảy ra một chiều như vậy. Công nghệ luôn mang tính chất trung tính, và việc con người sử dụng các công nghệ này đến đâu sẽ quyết định hiệu quả và ảnh hưởng của các công nghệ đối đối với xã hội mỗi nước.
Dù xuất hiện ở Việt Nam (VN) chưa lâu song các phương tiện truyền thông mới đã có những tác động đáng kể đến đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt là cư dân đô thị lớn như Hà Nội (HN) và Thành phố Hồ Chí Minh (tp.HCM). Với số lượng hơn 14 triệu người sử dụng Intemet và 12 triệu số thuê bao di động tính đến thời điểm tháng 10-2006 và không ngừng gia tăng với tốc độ nhanh chóng trong thời gian sắp tới, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới đối với thói quen sinh hoạt của mỗi người dân nói riêng và toàn bộ đời sống xã hội nói chung là rất lớn, và điều đó đòi hỏi có sự quan tâm nghiên cứu.
Trên thế giới, nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới là một trào lưu nghiên cứu rất được các nhà nghiên cứu quan tâm. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một sự thật rằng, sự phát triển của phương tiện truyền thông không phải bao giờ cũng nằm trong tầm kiểm soát của các nhà kỹ thuật. Công nghệ điện thoại truyền hình, chẳng hạn, đã thất bại hơn nhiều so với dịch vụ nhắn tin trên ĐTDĐ, và là một bài học cho các nhà kỹ thuật, các công ty ĐTDĐ khiến họ phải tìm đến các nhà khoa học xã hội, đặc biệt là các nhà nhân học, để tìm hiểu xem ĐTDĐ được sử dụng ra sao. Hàng năm, các nhà nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới vẫn thường tập hợp nhau lại trong các cuộc hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu về hiện tượng lý thú này như các hội thảo tại Philipin (2003), Hồng Kông (2004), Trung Quốc (Bắc Kinh) (2005), Hàn Quốc (2006), Nga (Moscow), Pháp và Philipin (2007). Họ cũng tập hợp nhau lại thành một cộng đồng với tên gọi mobile-society (Hội Di động) trên địa chỉ trang web groups.google.com/group/mobile-society để giữ liên hệ thường xuyên với nhau hơn. Các nhà nghiên cứu thuộc nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Phần Lan, Mỹ, Úc, Italia, Pháp, Hà Lan là những thành viên tích cực nhất của nhóm nghiên cứu này với các học giả nổi tiếng trong nhóm như James Katz, Mama Aakhus, Leopoldina Fortunati, Christian Licoppe, Chantal Dễ Goumay, Sum Dong Kim, Patrick Law, Rama Pertierra... Một số học giả Việt Nam cũng tham gia vào các cuộc hội thảo thường niên cũng như các trao đổi trên mạng của nhóm nghiên cứu này. Trên thực tế, việc nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới trên thế giới đã trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu bởi các nghiên cứu mang nặng tính mô tả để trả lời các câu hỏi ai là người sử dụng các phương tiện truyền thông mới, họ sử dụng với tần suất như thế nào và mục đích sử dụng ra sao cũng như ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới đó hoặc tiến hành các nghiên cứu .so sánh việc sử dụng giữa các quốc gia với nhau. Giai đoạn thứ hai được đặc trưng bởi những giải thích về việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới thông qua các lý thuyết hoặc phát triển lý thuyết thông qua các phân tích về các phương tiện truyền thông mới. Một loạt các cuốn sách được ra đời như cuốn Machines That Become Us: The Social Context of Personal Communicication Techology ( 2001) do J. Katz biên tập; Perpetual Contact: Mobile Commmunicication, Private Talk, Puplic Performance ( 2002) do J. Katz và M.Aakhus biên tập, Wireless World; Social and Interactional Aspects of the Mobile Age do D.Diaper và C. Sanger biên tập hay Mediating The Human Body; Technology, Communication and Fashion (2003) do L. Fortunati, J.Katz và R.Riccini biên tập. Các lý thuyết được áp dụng nhiều nhất bởi các nhà nghiên cứu là lý thuyết vòng xoáy của sự im lặng ( The Sprial of Sience), quá trình cá nhân hóa (personalizalion), vốn xã hội (Social Capital)... Việc lý giải những biến đổi xã hội hay văn học hoặc trong tâm lý của các cá nhân cũng là mói chủ đề chính trong giai đoạn nghiên cứu này. Tuy vậy, chúng ta không thể nói rằng, giai đoạn thứ hai là ưu việt và đáng quan tâm hơn giai đoạn thứ nhất. Và vì vậy không cần nghiên cứu các chủ đề của giai đoạn nghiên cứu thứ nhất. Tất cả các giai đoạn nghiên cứu đều quan trọng như nhau, đặc biệt đối với các xã hội với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì các nghiên cứu mô tả cũng quan trọng như các nghiên cứu phân tích.
Ở Việt Nam. nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới chưa được chú ý một cách đúng mức. Có một vài công trình nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới như đề tài về ảnh hưởng của Intemet đối với thanh niên Hà Nội của Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa Thông tin) đề tài của Nguyễn Thị Minh Phương (Viện Xã hội học) về việc sử dụng Intemet của trẻ em, hay đề tài của Nhuyễn Quý Thanh, Trịnh Hoà Bình cũng về chủ đề này... Các nghiên cứu này đa số đều được xếp vào giai đoạn nghiên cứu thứ nhất. Chỉ có một số các bài viết như về vốn xã hội và việc sử dụng Internet ở Việt Nam (Bùi Hoài Sơn), hay sử dụng ĐTDĐ để giữ thể diện: một vấn đề xã hội ở Việt Nam (Bùi Hoài Sơn, Nguyễn Thị Thu Hà) là có thể được xếp vào các công trình nghiên cứu thuộc giai đoạn hai. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam lại rất quan tâm đến chủ đề ĐTDĐ và Internet. Rất nhiều bài báo được đăng tải về các vấn đề khác nhau trong việc sử dụng ĐTDĐ và lntemet, đặc biệt là đối với thanh niên hay liên quan đến mặt trái của việc sử dụng các phương tiện này.
Một đặc điểm quan trọng trong việc nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới có liên quan đến các tài trợ cho nghiên cứu. Phải nói rõ ràng rằng, đằng sau bản chất lý thú của các phương tiện truyền thông mới như tính mới mẻ, chưa được nghiên cứu nhiều, tác động sâu sắc đến xã hội, thì chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của các công ty, hãng truyền thông, sản xuất điện thoại lớn trên thế giới có tác động đến các nghiên cứu. Nokia, Sam sung, France Telecom thường xuyên đứng đằng sau và tài trợ cho các nghiên cứu, các cuộc hội thảo được tiến hành về các chủ đề này, bất kể đó là các nghiên cứu ở Việt Nam hay các nước khác. Ngành kinh doanh các thiết bị di động mới càng phát đạt, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này càng được hưởng lợi. Điều đó cũng đúng cho trường hợp các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai tới đây. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ bàn về những khía cạnh ảnh hưởng khác nhau của các phương tiện truyền thông mới đối với người dân, đặc biệt là người dân đô thị. Trên thực tế, các phương tiện truyền thông mới hầu như có tác động đến mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên, đô thị mới là nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vì nhiêu lý do như hạ tầng viễn thông tốt và thuận tiện, mức sống người dân cao, dân cư tập trung... Kết quả của một số cuộc điều tra về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới đối với người dân đô thị hay ảnh hưởng của Internet đối với giới trẻ cũng được sử dụng trong cuốn sách này.
Phần 1: Vài nét về lịch sử phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam
1.1 Lịch sử phát triển
Nhìn lại chặng đường phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng dù mới xuất hiện nhưng ĐTDĐ và Internet đã nhanh chóng trở nên phổ biến và ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội. Năm 1994, ngành bưu điện mới bắt đầu hợp tác với Alcatel đưa mạng ĐTDĐ đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, chỉ trong vòng 12 năm, đã có tới 12 triệu số thuê bao được sử dụng. Việt Nam trở thành một trong những thị trường ĐTDĐ tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường châu Á với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 50%. Năm 1997, Internet mới bắt đầu được giới thiệu tại Việt Nam, nhưng chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, đã có khoảng 14 triệu người Việt Nam sử dụng loại phương tiện truyền thông mới này. So sánh tỷ lệ phát triển ĐTDĐ và Internet đối với những phương tiện truyền thông trước đây như truyền hình, báo chí hay điện thoại cố định, tỷ lệ phát triển trên là không thể tưởng tượng được, kể cả đối với những người lạc quan nhất.
Biểu đồ tăng trưởng thuê bao Internet đến năm 2005
Có nhiều lý do để giải thích cho sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường ĐTDĐ cũng như Internet tại Việt Nam. Lý do thứ nhất đến từ những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển thị trường viễn thông này. Các mục tiêu và định hướng phát triển công nghệ truyền thông mới (đặc biệt là Internet) được đề cập đến trong nhiều văn kiện của Đảng và các văn bản của Chính phủ, như:
- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin số 1110/ BC ngày 21 tháng 5 năm 1997 ban hành quy định về cấp phép cung cấp thông tin lên mạng Internet.
- Quy định của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc cấp phép cung cấp thông tin lên mạng Internet (Ban hành kèm theo Quyết định số 1110/ BC, ngày 21 tháng 5 năm 1997 của Bộ Văn hóa - Thông tin)
- Quy định về việc cấp giấy phép cung cấp thông tin lên mạng Internet. (Ban hành kèm theo quyết định số 1110/BC ngày 21/05/1997 của Bộ Văn hóa - Thông tin).
- Thông tư liên tịch của Tổng cục Bưu điện - Bộ Nội vụ - Bộ Văn hóa Thông tin số 08/ TTLT ngày 24 tháng 5 năm 1997 hướng dẫn cấp phép việc kết nối, cung cấp và sử dụng Internet ở Việt Nam.
- Quyết định số 705/1998/QĐ- TCBĐ ngày 17/11/1998 của của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc ban hành Quy định tạm thời việc quản lý, phân bổ tên miền và địa chỉ Internet.
- Quyết định số 372/QĐ- TCBĐ ngày 28/04/2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (DGPT) về việc thành lập Trung tâm thông tin mạng Internet Việt Nam (VNNIC).
- Nghị quyết 07/2000/NQ- CP ngày 05/06/2000 của Chính phủ về xây dựng và phát triển Công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000- 2005.
- Các hướng dẫn hoạt động đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Internet. (Thông tư số 06/2000/TT- TCBĐ ngày 29/09/2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện).
- Chỉ thị số 58- CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Quyết định 128/2000/QĐ- TTg ngày 20/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm.
- Nghị định số: 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet.
- Quyết định 158/2001/ QĐ- TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Chỉ thị số 09/2001/ CT- TCBĐ ngày 30/11/2001 của Tổng cục trưởng tổng cục Bưu điện về triển khai thực hiện Quyết định 158/2001/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Quyết định 27/2002/QĐ- BVTT của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang điện tử trên Internet.
- Quyết định số 32/2002/ QĐ- TTg ngày 08/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 2001- 2005.
- Quyết định số 95/2002/ QĐ- TTg ngày 17/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005.
- Quyết định số 27/2005/QĐ - BBCVT ngày 11 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Ban hành " Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet".
- …………
Đặc biệt, ngày 22-6-2006, Luật Công nghệ Thông tin đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 khoá XI, và có hiệu lực ngày 1-1-2007. Sự kiện này khẳng định tầm quan trọng cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam - một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Luật công nghệ thông tin cũng tạo nền tảng và môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Bên cạnh những định hướng chính trị đúng đắn, các yếu tố kinh tế - xã hội khác cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường viễn thông ở Việt Nam. Quá trình Đổi mới được thực hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1986 đã thực sự có những thành quả vào đầu những năm 1990. Thành quả ấy được chứng tỏ bằng sự tăng trưởng trong đời sống kinh tế của người dân nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. Ngoài việc lo toan miếng cơm, manh áo hàng ngày, người dân đã bắt đầu nghĩ đến và thực sự đã mua những vật phẩm xa xỉ hơn cho cuộc sống của mình, và nhiều vật dụng xa xỉ ấy (như ĐTDĐ, xe máy, ô tô…) trở thành những biểu hiện của một cuộc sống giàu sang, hay những thứ để người ta có thể “khoe” với những người khác trong xã hội. Thành quả quan trọng khác mà công cuộc Đổi mới đem lại là sự cởi mở hơn trong hầu hết các mối quan hệ xã hội, kể cả đối với những ảnh hưởng từ nước ngoài. Dù còn có nhiều người lo lắng với những ảnh hưởng từ bên ngoài đối với bản sắc văn hóa dân tộc hay lối sống của thanh niên, nhưng dường như quá trình toàn cầu hóa có những sức ép nhất định đối với văn hóa Việt Nam và phần nào làm thay đổi nền văn hóa ấy. Mọi người đều có thể thấy dấu ấn toàn cầu hóa trên mọi góc phố của các thành phố lớn hay thậm chí cả những ngõ nhỏ nơi làng quê. Những nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam mất dần và thay thế vào đó là những nhãn hiệu nước ngoài mà đa số người Việt Nam không hiểu (và cũng không cần hiểu) như kem đánh răng Dạ Lan giờ không còn nữa mà chỉ còn kem đánh răng Colgate, Close Up… Tất nhiên, hàng hóa Việt Nam vẫn có chỗ đứng, một số thương hiệu còn có sức cạnh tranh cao như Cà phê Trung Nguyên, Bánh Kinh Đô… Như vậy, sự cởi mở trong đời sống xã hội cùng với tăng trưởng kinh tế cao đã tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông mới thẩm thấu sâu hơn vào xã hội Việt Nam trong khoảng 12 năm vừa qua với một tốc độ đáng kinh ngạc.
Sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng của công nghệ thông tin trên thế giới và việc triển khai kịp thời chúng ở điều kiện Việt Nam cũng là một nguyên nhân thúc đẩy ngành công nghệ truyền thông mới ở nước ta phát triển và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Chúng ta có chậm trễ hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới trong việc triển khai dịch vụ ĐTDĐ và Internet, nhưng sau đó, các công nghệ này luôn được đổi mới và theo kịp tốc độ phát triển trên thế giới, thậm chí còn tiến nhanh hơn một số nước trong khu vực. Chẳng hạn đối với Internet, sau khi chính thức xuất hiện ở Việt Nam năm 1997, chúng ta vẫn thường sử dụng kết nối qua modem và điện thoại, sau đó, công nghệ ADSL được áp dụng rộng rãi vào năm 2003-2004; đến năm 2006 công nghệ không dây (wireless) đã được biết đến nhiều khi các công sở, thậm chí các quán cafe Internet đã triển khai dịch vụ Wifi này, và chúng ta cũng đang áp dụng công nghệ không dây ở mức độ cao hơn với công nghệ Wimax (tại Lào Cai). Đối với ĐTDĐ, các công nghệ CDMA và GSM được sử dụng bởi bảy nhà cung cấp dịch vụ (S-Phone, Hanoi Telecom, VP Telecom, VinaPhone, MobiFone, Viettel và HT Mobile).
Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khác dẫn đến sự phát triển bùng nổ của thị trường viễn thông như việc cạnh tranh, khuyến mại của các nhà cung cấp dịch vụ, giá cước giảm, giá các thiết bị cầm tay giảm mạnh… chúng tôi sẽ có dịp đề cập trong toàn bộ đề tài này.
Lịch sử của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam cho thấy, tuy trải qua một quá trình phát triển tương đối ngắn ngủi, nhưng sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông này vào các lĩnh vực của đời sống xã hội rất nhanh chóng. So với ĐTDĐ, Internet chịu sự can thiệp, quản lý nhiều hơn từ phía nhà nước vì nhiều lý do khác nhau, từ lý do kỹ thuật đến nội dung thông tin… Dù vậy, trên thực tế, dù các phương tiện này tạo ra những biến đổi xã hội sâu sắc thì không phải bất cứ ai cũng có thể hiểu biết về lợi ích hay tác hại mà các phương tiện truyền thông mới đem lại. Đại đa số người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và ngay cả nhiều đối tượng ở đô thị, còn chưa hiểu hiết nhiều về các phương tiện truyền thông mới như ĐTDĐ và Internet mà chỉ coi đó là những trò chơi “vô bổ” hay những cách thức khoe tiền “lố bịch” của những đám trẻ nhiều tiền ở đô thị. Chính khoảng cách số đang tồn tại trong xã hội Việt Nam đó đã khiến cho công việc nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới càng trở nên cần thiết.
Một vài cột mốc lịch sử phát triển Internet tại Việt Nam
Dịch vụ Internet ở VN được Nhà nước cho phép thực hiện từ ngày 5/3/1997. Nhưng phải đến 19/11/1997, "cánh cổng" mở ra với thế giới mới chính thức khai trương, sau 8 tháng chuẩn bị.
Trước đó, việc thử nghiệm Internet đã tiến hành rất sớm ở 4 đơn vị khác nhau:
Mạng Varenet: (năm 1994) của Viện CNTT thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia được kết nối với mạng Internet qua cổng mạng AARnet của Đại học Quốc gia Australia.
Mạng Toolnet: (năm 1994) của Trung tâm thông tin Khoa học công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường kết nối với mạng Toolnet của Amsterdam (Hà Lan).
Mạng HCMCNET: (năm 1995) của Trung tâm Khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường TP HCM kết nối qua nút mạng ở Singapore.
Mạng Sprintnet: (năm 1996) của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT tại hai địa điểm HN và TP HCM qua hai cổng quốc tế 64 Kb /giây kết nối Internet Sprintlink (Mỹ).
Cùng với việc "mở cửa", Ban điều phối quốc gia về Internet VN cũng được thành lập năm 1997 nhằm giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan.
Ba năm sau đó, cả nước có trên 85.000 người sử dụng (tương đương 1 người dùng /1.000 dân) với khoảng 700.000 máy tính cá nhân (1 máy /100 dân) và cứ 10 PC thì có một máy kết nối Internet. Cũng tính đến năm 2000, VN có 1 nhà cung cấp dịch vụ truy cập mạng, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet, 14 nhà cung cấp nội dung thông tin, 9 mạng dịch vụ Internet dùng riêng. Báo điện tử có Nhân Dân (cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh), tạp chí Quê Hương, Vietnam News, Thời báo kinh tế VN.
Nguồn vnexpress.net Thứ năm, 24/5/2007
1.2. Các nhà cung cấp dịch vụ và các nhãn hiệu được ưa chuộng nhất ở Việt Nam
1.2.1. Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và nhãn hiệu được ưa thích
- Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động
Hiện nay trên thị trường có 7 nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ gồm 4 nhà cung cấp dịch vụ di động sử dụng công nghệ CDMA (VinaPhone, MobiFone, Viettel và HT Mobile) và 3 nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ GSM (S-Phone, Hanoi Telecom, và VP Telecom). Bốn nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ CDMA đang chiếm thị phần khống chế thị trường, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ GSM đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng trong thị trường với chiến lược kinh doanh chất lượng cao và giá rẻ trước khi các hãng nước ngoài tham gia vào thị trường di động Việt Nam sau khi nước ta tham gia vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Theo báo cáo vào tháng 3/2006 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tổng số thuê bao di động hiện có của mạng MobiFone là gần 3, 5 triệu, và VinaPhone đạt gần 4 triệu, trong khi Quý IV/2006, Viettel chào đón khách sử dụng điện thoại thứ 5 triệu của mình. Hai nhà cung cấp dịch vụ của VNPT chiếm tới khoảng 70% thị phần thị trường di động Việt Nam, trong khi Viettel đang trở thành một đối thủ thách thức chính của VNPT khi liên tục có những đợt khuyến mãi, giảm giá và đi tiên phong trong một số cuộc cách mạng về giá cước ở Việt Nam với cách tính cước 6 giây block.
Trong 2 năm 2005-2006, Viện Văn hóa - Thông tin đã tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp Bộ về Tác động của những phương tiện truyền thông mới đối với đời sống văn hóa của cư dân đô thị ở Việt Nam. Kết quả điều tra của chúng tôi, dựa trên chọn mẫu ngẫu nhiên, cho thấy kết quả như sau:
Mạng điện thoại MobiFone và Vinaphone là hai mạng được người dân sử dụng nhiều hơn cả chiếm (35,1% và 34,9%) trong số những người được hỏi, có (22.0%) sử dụng mạng Viettel và chỉ một số ít lựa chọn mạng S -phone (5.6%), Cityphone (2.4%).
Người dân thủ đô dường như vẫn thích sử dụng mạng Vinaphone hơn các mạng điện thoại khác (44.1%), tỷ lệ này cao hơn cả trong TP. Hồ Chí Minh (30.0%). Trong khi đó người dân TP. Hồ Chí Minh sử dụng mạng MobiFone nhiều hơn Hà Nội (39.3% so với 27.3%).
Với nhóm sinh viên, học sinh, buôn bán, làm tự do và công ty tư nhân phần lớn sử dụng mạng điện thoại MobiFone, trong đó nhóm học sinh sử dụng nhiều nhất (52.0%); Nhưng đối với nhóm cán bộ viên chức Nhà nước và công nhân thì lại sử dụng chủ yếu mạng Vinaphone (42.2% và 43.2%). Tuy nhiên, sử dụng mạng MobiFone cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm học sinh với nhóm cán bộ viên chức (52.0% so với 27.5%). Mạng điện thoại Vinaphone nhóm học sinh sử dụng thấp nhất chỉ có (16.0%) trong số những người được hỏi có dùng. Khi xét tương quan giữa thu nhập với mạng ĐTDĐ thì ở các mức thu nhập khác nhau người dân vẫn tìm đến mạng điện thoại MobiFone và Vinaphone, điểm chú ý là nhóm những người giàu có họ lựa chọn mạng MobiFone cao hơn hẳn nhóm thu nhập trung bình (45.8% so với 30.4%). Điều này có nhiều lý do giải thích, tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là những người giàu có thường có cơ hội sử dụng ĐTDĐ trước người nghèo hơn, trong khi đó, MobiFone và Vinaphone là hai mạng ĐTDĐ đầu tiên có mặt tại Việt Nam, và chỉ phù hợp với người giàu khi đó.
Tại Hội nghị Mobiles Việt Nam 2006, các chuyên gia viễn thông nhận định thị trường thông tin di động Việt Nam sẽ tiếp tục có sự bùng nổ và sẽ đạt khoảng 40% dân số sử dụng dịch vụ vào năm 2010. Các chuyên gia cũng dự báo các mạng di động sẽ theo hướng cung cấp dịch vụ băng thông rộng và chuyển hướng từ thoại sang dịch vụ giá trị gia tăng. Bên cạnh đó cũng sẽ có sự hội tụ giữa các mạng di động và cố định để cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng.
Các chuyên gia viễn thông còn dự báo xu hướng 3G và nở rộ cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động trong thời gian tới. Ông John Lipp, Giám đốc phát triển kinh doanh giải pháp mới của Alcatel nói: “Xu hướng dịch vụ di động băng rộng là xu hướng không thể thay đổi được trên toàn cầu. Tại Việt Nam, với sự tăng trưởng cả số lượng thuê bao và kinh tế như hiện nay thì dịch vụ di động băng thông rộng cũng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Còn ông Marc Daniel Einstein, chuyên gia phân tích cao cấp của Pyramid Research cho rằng 3G đang hướng mạnh vào các nước đang phát triển như Việt Nam. Với mạng 3G, nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp được rất nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng như Mobile TV, truyền dữ liệu. Đó cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Nguồn: Tiến Linh - Thái Khang, vnpost.dgpt.gov.vn/bao_2006/so39.
Việc cạnh tranh cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp là một tín hiệu tốt lành cho thị trường dịch vụ di động Việt Nam khi chúng ta đã gia nhập WTO. Mạng di động nào nắm giữ lợi thế công nghệ, nhạy bén với các nhu cầu mới của khách hàng sẽ có khả năng phát triển tốt hơn. Cạnh tranh dịch vụ dẫn đến mức cước trở nên hợp lý hơn (đặc biệt nếu so sánh với thời gian trước đây). Ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ ĐTDĐ do họ thấy rằng giá cước mà các nhà cung cấp đưa ra phù hợp với khả năng chi trả của họ. Và các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng, không phải vì mức cước giảm đi sẽ dẫn đến lượng tiền mà mỗi người sử dụng trở nên ít đi mà nó chỉ kích thích việc sử dụng của người dân. Không những mức cước trở nên hợp lý hơn, các yếu tố khác cũng khiến cho việc cạnh tranh trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam nói chung, ĐTDĐ nói riêng như thúc đẩy sự đổi mới của các doanh nghiệp, tạo ra thị một thị trường lành mạnh, và là những thử nghiệm, kinh nghiệm khi chúng ta gia nhập một thế giới cạnh tranh gay gắt của WTO.
Trong tương lai tới đây, thị phần thị trường ĐTDĐ sẽ có những thay đổi căn bản. Các công ty cung cấp dịch vụ nhỏ sẽ dần có những thị phần lớn hơn, và sau khi Hanoi Telecom liên kết với Hutchinson Telecom khai trương mạng HT Mobile ngày 15/1/2007, khả năng các hãng nước ngoài liên kết với các công ty trong nước cũng dần trở nên hiện thực hơn nữa. Các công ty sẽ phải cạnh tranh với nhau trên tất cả các khía cạnh từ chất lượng dịch vụ (diện phủ sóng, các hỗ trợ khách hàng,…) đến giá cả dịch vụ cũng như các khía cạnh ngoài chuyên môn khác.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, những người được hỏi tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, giá cước của Viettel hợp lý hơn, tuy ban đầu sóng của mạng này có vấn đề nhưng sau đó vùng phủ sóng cũng như chất lượng sóng đã tốt hơn. Hơn thế, ngoài thành thị, ở một số khu vực miền núi, sóng di động của Viettel nhiều khi có chất lượng tốt hơn so với các mạng di động khác do có sự hiện diện của các đơn vị quân đội tại các khu vực này. Như vậy, Viettel đang có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các công ty cung cấp dịch vụ khác, và trên thực tế, tốc độ phát triển thuê bao cũng cho thấy điều này. Các công ty khác cũng có lợi thế nhờ sự có mặt trước với số lượng khách hàng nhất định và tâm lý không thích thay đổi số máy của nhiều người sử dụng. Một số các công ty cung cấp dịch vụ ra sau cũng đang cố gắng chiếm một thị phần nhất định thông qua việc tăng cường chất lượng mạng, phạm vi phủ sóng, giá cả và các loạt các hình thức khuyến mại khác. Các công ty cũng xem các phương tiện truyền thông là kênh quảng bá sản phẩm hàng đầu của mình, và vì vậy, không ngừng quảng cáo thông qua việc tài trợ cho các chương trình mang tính giải trí, thu hút nhiều khán giả, cũng như tài trợ cho các sự kiện quan trọng.
Tuy nhiên, không phải việc cạnh tranh chỉ đem đến lợi ích cho khách hàng hay chính bản thân các nhà cung cấp dịch vụ. Năm 2006, với mục đích thu hút khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ đã không ngừng tung ra các chương trình khuyến mại, và chính điều này đã dẫn đến các cơn sốt thuê bao ảo. Số thuê bao tăng không ngừng cũng đã dẫn đến những tình trạng ngẽn mạng cục bộ và định kỳ trong những dịp lễ tết và người dân chính là nạn nhân của chính các chương trình khuyến mại, giảm giá của các nhà cung cấp dịch vụ.
Các doanh nghiệp tự đốt cháy kho số của mình
Tiến sỹ Nguyễn Quang A - chuyên gia kinh tế nhận xét các mạng di động của Việt Nam đang tự đốt cháy kho số của mình bằng các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút thuê bao. Khi đứng trước nguy cơ cháy số họ lại "đâm đơn" kêu cứu.
"Mỗi năm, doanh nghiệp lại đòi mở kho số một lần, tôi chưa thấy nước nào trên thế giới quản lý kho số lại bất cập như vậy", ông Quang A nói. Theo ông, ngay từ đầu Bộ Bưu chính Viễn thông cần cho doanh nghiệp thấy kho số là tài nguyên của đất nước, nó có giới hạn. Nếu đơn vị sử dụng lãng phí, vượt quá phạm vi cho phép bị xử lý thật nghiêm thì đâu xảy ra tình trạng kho số bị xà xẻo, doanh nghiệp vô tư tung ra thị trường, hết số lại kêu cứu lên cơ quan quản lý.
Theo ông, trước mắt, Bộ Bưu chính Viễn thông không nên cấp thêm đầu số cũng không đề cập đến vấn đề đổi số, thay vào đó phải yêu cầu các doanh nghiệp tiết kiệm. Bằng cách này hay cách khác, phải lập tức thu các thuê bao khóa hai chiều, thuê bao ảo không phát sinh cước, sau đó tái tạo lại để tung ra thị trường.
"Có vẻ như lâu nay, Bộ quá nuông chiều doanh nghiệp, cứ họ kêu cháy số là mở kho. Điều này khiến các nhà khai thác quen thói ăn xổi cứ đua phát triển thuê bao mà không kiểm soát được kho số của mình. Rõ ràng họ đang tự đốt mình rồi kêu cứu", ông Quang A nhấn mạnh.
Một chuyên gia của Bộ Bưu chính Viễn thông cũng phân tích, 3 nhà khai thác di động VinaPhone, MobiFone, Viettel hiện đã có trong tay 6 đầu số, tương ứng với 60 triệu thuê bao. Trong khi, tiếng là số thuê bao hòa mạng của Viettel đang vào khoảng 12 triệu, MobiFone 11 triệu và VinaPhone 10 triệu nhưng thực tế có tới 30% là thuê bao ảo, khóa 2 chiều, không phát sinh cước.... Như vậy, trong kho của các nhà khai thác vẫn còn gần 40 triệu số. Các doanh nghiệp chỉ cần tiết kiệm, giảm bớt các chương trình khuyến mãi tặng sim, miễn cước hòa mạng... là có thể tiếp tục duy trì tốc độ phát triển.
"Nếu các doanh nghiệp không có ý thức tiết kiệm thì dù Bộ có cấp đến mười đầu số cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn là sẽ bị phát tán hết", một chuyên gia nhận xét.
Ngay sau khi VnExpress đăng tải thông tin về việc đổi số, hàng trăm thư độc giả gửi về, phần lớn ý kiến phản đối chuyện đổi số cũng như cấp thêm đầu số mới. Một độc giả tên Thành Nam đặt vấn đề: "Bộ Bưu chính Viễn thông nên yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi lại những thuê bao hết hạn để quay vòng bán cho khách hàng khác". Anh cho hay, 2 năm trước anh có dùng một số MobiCard sau vài tháng rồi bỏ. Cách đây ít ngày anh có gọi lại số máy ấy vẫn có tín hiệu báo: thuê bao tạm thời không liên lạc được hoặc nằm ngoài vùng phủ sóng. "Rõ ràng, nhà khai thác chẳng mấy quan tâm đến việc thu hồi lại những số hết hạn sử dụng", anh Thành Nam nhấn mạnh.
Một độc giả khác tên Phạm Văn Hiếu cũng cho rằng: "Thay vì mang kho số ra đốt và kêu khóc các hãng hãy xem xét lại cách phát triển của mình. Tại sao không chăm sóc những khác hàng đang sử dụng dịch vụ của mình mà cứ chạy đua hạ giá để nuôi thuê bao ảo. Kho số cạn có lẽ phần nhiều vì khách hàng quen dùng sim khuyến mãi rồi bỏ. Bởi một khi chiếc thẻ sim rẻ như cho không sẽ chẳng tránh khỏi chuyện một người có tới 3-4 số máy".
Trước đó, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng có văn bản hướng dẫn các nhà khai thác di động cách tính số bao thực trên hệ thống mạng, nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đua nhau khai vống thuê bao. Theo yêu cầu của Bộ, các mạng di động chỉ được báo cáo số thuê bao thực hoạt động của mình gồm số thuê bao đang mở hai chiều và thuê bao đã bị khóa một chiều (bất kể thời gian nào). Với những số SIM tung ra thị trường nhưng chưa hoạt động sẽ không được tính vào tổng số thuê bao thực.
Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông chưa có phán quyết cuối cùng về việc cấp thêm đầu số mới cho VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Nguồn Hồng Anh, http://www.vnexpress.net/, thứ ba, 26-6-2007.
- Loại dịch vụ được sử dụng
Có (67.2%) trong số những người được hỏi sử dụngdịch vụ trả trước, gấp hơn 2 lần nhóm sử dụng dịch vụ trả sau (32.8%).
Các nhóm sinh viên, học sinh, cán bộ viên chức nhà nước, công nhân và công ty tư nhân đa số đều dùng dịch vụ trả trước, đặc biệt nhóm sinh viên và công nhân chiếm tỷ lệ cao tương ứng là (78.4% và 74.4%), trong khi đó những người làm nghề buôn bán, làm tự do chỉ chiếm (46.8%), đa phần họ dùng dịch vụ trả sau (53.2%), cao hơn các nhóm nghề khác, gấp hơn 2 lần nhóm sinh viên (21.6%) và công nhân (25.6%). Xét tương quan giữa trình độ học vấn với sử dụng dịch vụ điện thoại thì tỷ lệ những người học vấn cấp 3 và cao đẳng sử dụng dịch vụ trả trước cao gấp 2, 5 lần những người sử dụng dịch vụ trả sau (71.4% so với 28.6% và 71.8% so với 28.2%). Những người đã lập gia đình dùng dịch vụ trả sau lại cao hơn những người chưa lập gia đình (41.3% so với 29.1%).
- Những nhãn hiệu điện thoại được ưa dùng ở Việt Nam
Khác với một số nước, Việt Nam không có nhãn hiệu điện thoại nội địa nào. Hầu hết các nhãn hiệu điện thoại ở Việt Nam đều là các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và đến từ các nước khác, chủ yếu từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng vẫn giữ các nhãn mác Nokia, Samsung, Sony-Ericsson, LG, Motorola, Siemens.
Năm 2005, theo Công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, 5 nhãn hiệu đầu tiên là Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson và Siemens, trong đó Samsung và Nokia chiếm đến 80% thị trường. Về mẫu mã điện thoại, có 94% người tiêu dùng lựa chọn màn hình màu, 70% chọn mua điện thoại có camera. Về kiểu dáng, dạng thỏi (block) vẫn đang phổ biến hơn cả với 65% thị phần, dạng vỏ sò (shell) đứng thứ hai với 27% và dạng nắp trượt (slide) đứng thứ ba với 6% thị phần. Chức năng kết nối không dây (bluetooth) ngày càng được người sử dụng quan tâm hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Năm 2006, một cuộc khảo sát cho thấy hai nhãn hiệu được sử dụng nhiều nhất là Nokia (56,3%) và Samsung (26,3%), các nhãn nhiệu khác như Motorola hay Sony Ericsson... chiếm phần còn lại (17,4%). Việc chọn nhãn hiệu chịu sự chi phối khá lớn của yếu tố giới tính khi đa số nam giới chọn sử dụng Nokia (62,3%), còn nữ dù vẫn xem Nokia là lựa chọn hàng đầu (51,6%) nhưng vẫn dành cho Samsung một vị trí thích hợp (35,2%). (nguồn: vneconomy.com.vn cập nhật: 11/09/2006).
Điều tra của chúng tôi cũng cho một kết quả gần tương tự như sau:
Nokia Samsung Erisson Siemens Motorola Như vậy, trên 50% trong số những người được hỏi sử dụng ĐTDĐ Nokia (56.9%), tiếp theo là điện thoại Samsung (24.3%), Erisson (4.3%), Motorola (3.2%) và thấp nhất là Siemens (1.9%). Cả hai thành phố người dân lựa chọn ĐTDĐ Nokia là nhiều (Hà Nội là 50.3% và TP. Hồ Chí Minh là 60.9%), và hầu như không có sự chênh lệch có ý nghĩa thống kê giữa hai thành phố này về loại điện thoại người dân sử dụng. Xét về tương quan giới tính, tỷ lệ nam giới sử dụng Nokia cao hơn nữ giới (62.2% so với 49.7%). Dường như nữ giới ưa thích loại điện thoại Samsung hơn nam giới vì có đến (31.4%) trong số những người được hỏi có sử dụng loại điện thoại này cao hơn nữ giới chỉ chiếm (19.3%). ĐTDĐ được ưa chuộng theo sở thích của mỗi giới là một hiện tượng khá phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Nếu như với nhiều nước phương Tây, thậm chí là Nhật Bản, ĐTDĐ chỉ được xem là một thiết bị không phân biệt giới tính (unisex), thì ở Việt Nam có những loại ĐTDĐ chỉ dùng cho nữ, hoặc cho nam. Người sử dụng ĐTDĐ ngầm hiểu với nhau về các quy tắc này, và các nhà sản xuất cũng rất nhanh nhạy khi xác định đúng thị trường của mình bằng những quảng cáo về nam tính hay nữ tính của loại ĐTDĐ của họ.
Không có sự khác biệt đáng kể nào khác trong việc lựa chọn các nhãn hiệu điện thoại khi so sánh với các tương quan mức sống, nghề nghiệp, trình độ học vấn. Trong các phỏng vấn của chúng tôi, một số người được hỏi cho rằng, điện thoại Nokia thường có sóng tốt và pin bền hơn so với các điện thoại khác, trong khi đó, Samsung lại có nhiều kiểu dáng đẹp, mẫu mã đa dạng và phần mềm tiên tiến hơn cả.
Bên cạnh chức năng và mẫu mã điện thoại, giá cả được sử dụng cũng là một biến số khác ảnh hưởng đến thị hiếu và thói quen lựa chọn nhãn hiệu ĐTDĐ. Cũng theo cuộc điều tra trên cho thấy ĐTDĐ được dùng có giá thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 14 triệu đồng. Giá bình quân trong mẫu khảo sát là 3.149.181 đồng. 25,0% tổng số người trong khảo sát đang sử dụng ĐTDĐ có giá dưới 1 triệu đồng, 51,9% sử dụng loại có giá từ 2 triệu đến dưới 4 triệu đồng và 23,1% sử dụng các loại có giá từ 4 triệu đồng trở lên.
Thị trường ĐTDĐ luôn sôi động do việc các hãng điện thoại tìm nhiều cách để chiếm lĩnh thị phần. Các hãng điện thoại luôn tung ra các mẫu mới với nhiều chức năng, hình dáng lôi cuốn để thu hút khách hàng. Giá cả các mẫu mã cũng vì thế giảm nhanh chóng mỗi khi có mẫu mã mới ra đời.
Hiện nay, ĐTDĐ Trung Quốc bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Điện thoại Trung Quốc có thể có nhãn mác riêng, có thể không có hoặc làm “nhái” những tên tuổi nổi tiếng như Nokia, Samsung hay Motorola… Do giá thành của các máy điện thoại này rẻ, nhiều chức năng và giống với những loại điện thoại đắt tiền đang có mặt trên thị trường (nếu những người không có kinh nghiệmsẽ không nhận ra sự khác biệt giữa hay loại điện thoại thật và hàng “nhái”), nên có rất nhiều thanh thiếu niên, những người ít tiền thích dùng.
Việc sử dụng ĐTDĐ Việt Nam đã trở thành một “mốt”, và ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc một người không có ĐTDĐ bị phân biệt đối xử, vì vậy, đôi khi sử dụng ĐTDĐ còn như một hình thức giữ thể diện cho bản thân. Đây cũng là một yếu tố mang tính văn hóa khiến bùng nổ việc sử dụng ĐTDĐ ở Việt Nam cũng như là nguyên nhân của việc dùng hàng “nhái”, của việc thay đổi thường xuyên các mẫu, mốt ĐTDĐ mới.
- Những hoạt động được ưa thích
Sắp xếp theo thứ tự một cách tương đối các chức năng của ĐTDĐ theo mức độ có kết quả sau:
Xét theo mức độ thường xuyên là: 1/ Nghe; 2/ Nhắn tin; 3/ Gọi đi; 4/ Nhắc việc, đặt giờ; 5/ Nghe nhạc; 6/ Tải nhạc chuông, hình ảnh; /7 Cập nhật thông tin; 8/ Chụp hình; 9/ Quay, xem phim; 10/ Tham gia trò chơi trên truyền hình.
Không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh về mức độ sử dụng các chức năng của ĐTDĐ. Trong khi đó, xét tương quan với nghề nghiệp, sử dụng ĐTDĐ để nghe và gọi đi của nhóm buôn bán, làm tự do cao nhất tương ứng (93.5% và 69.4%); nhóm học sinh vẫn thường sử dụng để nhắn tin nhiều hơn nhóm nghề khác trên 70%. Đồng thời hai nhóm này có một tỷ lệ khá cao sử dụng ĐTDĐ để tải nhạc chuông và hình ảnh (32.3% đối với sinh viên và 40.7% đối với nhóm học sinh). Chức năng để nhắc việc đặt giờ nhóm học sinh thấp nhất (22.2%). Khi xét tương quan giữa giới tính với sử dụng chức năng của ĐTDĐ thì có điểm đáng chú ý là dường như nữ giới vẫn ưa thích dùng ĐTDĐ để nhắn tin nhiều hơn nam giới (71.5% so với 59.0%). Xét theo tương quan với tình trạng hôn nhân, nhóm chưa lập gia đình sử dụng chức năng nhắn tin, nghe nhạc nhiều hơn những người đã lập gia đình (69.8% so với 53.6% và 24.8% so với 12.4%) và nhóm đã có gia đình sử dụng chức năng gọi đi cao hơn nhóm chưa lập gia đình (70.2% so với 58.4%). Xét tương quan giữa thu nhập với việc sử dụng chức năng của ĐTDĐ có những khác biệt như sau: những người có thu nhập khá và giàu có sử dụng chức năng nhắc việc / đặt giờ nhiều hơn các nhóm thu nhập khác (trên 50%). Nhóm thu nhập trung bình sử dụng một số chức năng của ĐTDĐ thấp hơn so với nhóm có thu nhập giàu có: dùng để gọi đi (51.8% so với 81.9%); dùng để chụp hình (8.0% so với 45.2%); nghe nhạc (16.9% so với 47.6%); tải nhạc chuông, hình ảnh (14.7% so với 43.4%). Xét theo độ tuổi, độ tuổi càng cao thì họ sử dụng ĐTDĐ để nhắn tin giảm dần, có (73.8%) những người 18 tuổi trở xuống có sử dụng nhưng đến nhóm 36 tuổi trở lên tỷ lệ này còn (35.1%); ngay cả chức năng nghe nhạc cũng tương tự như vậy (31.7% đối với nhóm 18 tuổi trở xuống và 1.1% đối với nhóm 36 tuổi trở lên). Những con số điều tra xã hội học trên có thể thay đổi theo thời gian, khi các tính năng của ĐTDĐ như quay phim, chụp ảnh, khả năng lưu trữ lớn hơn, cộng với hàng loạt các dịch vụ khác ra đời.
Thực tế, đúng như tên gọi của mình, ĐTDĐ có ưu điểm nổi trội là khả năng di động của nó. Nhờ có ĐTDĐ, con người có thể luôn luôn duy trì được liên lạc của mình và giữ nó trong những không gian riêng tư. Trong nghiên cứu của chúng tôi, một người được hỏi đã trả lời như sau:
Em nghĩ tính cơ động của nó rất cao. Ví dụ hôm nay em đang ở nhà bạn gọi đến trường gấp thì mình đến nhanh hơn. Điều đó rất tiện lợi. Và có thể nó có thêm những chức năng khác như nghe nhạc, chơi điện tử thì có thể có, có thể không tuỳ. Có thể có một cái tiện lợi như thế này, ví dụ những lúc mình muốn nói chuyện riêng tư có điện thoại công cộng cả gia đình dùng với nhau mình nói không tiện, mình có cái điện thoại di động ra vườn mình nói chuyện sẽ tiện hơn. Vì khi mình nói chuyện riêng tư, điện thoại cố định thì chưa chắc người đó có ở đó để nghe, mà cũng tiện hơn, và mình có thể lựa chọn địa điểm thích hợp hơn, thí dụ như mình nói chuyện riêng tư thì mình mà có người đi qua mình nói chuyện bằng điện thoại cố định cũng bất tiện không muốn nói nữa sợ câu chuyện của mình lọt vào người thứ ba. (Nữ, Sinh viên, Tp. Hồ Chí Minh).
Nhìn chung, dù các chức năng điện thoại rất nhiều, rất nhiều người sử dụng lựa chọn các loại máy có nhiều chức năng như chụp hình, quay phim, nhạc MP3, phim MP4, kết nối Bluetooth, cổng USB, hỗ trợ thẻ nhớ mở rộng SD /MMC, gọi video trực diện, quản lý các ứng dụng văn phòng tuy nhiên việc chức năng nhiều sử dụng ít là một thực tế đang xảy ra.
- Số cuộc gọi hàng ngày
Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy phần lớn người dân gọi ĐTDĐ dưới 5 lần / ngày (67.5%). Chỉ có (10.0%) trong số những người được hỏi gọi trên 10 lần / ngày.
Xét theo tương quan với nghề nghiệp, trên 70% nhóm sinh viên, học sinh và công nhân gọi ĐTDĐ dưới 5 lần / ngày. Cán bộ viên chức Nhà nước và công ty tư nhân sử dụng điện thoại gọi dưới 10 lần / ngày nhiều hơn nhóm sinh viên (32.8% và 31.4% so với 12.4%). Đặc biệt, những người buôn bán, làm tự do dùng phương tiện này với mức độ cao hơn (23.3%) gọi trên 10 lần / ngày. Không có sự khác biệt đáng kể về số lần gọi điện của người dân Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hay giữa nam và nữ. (Cho dù vậy, trong một nghiên cứu của AT &T với 1006 người ở Na Uy cho kết quả rằng, nam giới thường gọi điện thoại nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, khoảng cách này ngày càng bị thu hẹp. Ví dụ, trong cuộc khảo sát vào tháng 5/2007, trung bình 1 tháng nam giới gọi 458 phút, trong khi đó ở nữ là 453 phút (chênh lệch 5 phút). Các cuộc khảo sát trước đó cho thấy khoảng cách lớn hơn như năm 2002: nam: 589 phút; nữ: 394 phút; năm 2005: nam: 571 phút, nữ: 424 phút.) Chúng tôi nghĩ rằng, trường hợp Việt Nam cũng sẽ tương tự, có nghĩa rằng nam giới thường gọi ĐTDĐ nhiều hơn nữ giới, bởi lẽ: 1/ trong quan hệ giữa nam - nữ, nam giới thường muốn chủ động gọi điện hơn; 2/ nữ giới thường tiết kiệm hơn và cho dù họ là người thích nói chuyện, và luôn tỏ ra “lắm lời” thì cũng ít khi sử dụng ĐTDĐ của mình vào chuyện đó. Tuy nhiên, tất cả những suy nghĩ trên chỉ tạm dừng ở giả thiết, chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để kiểm chứng.
- Đối tượng được gọi điện thoại
Sắp xếp theo thứ tự một cách tương đối từ cao xuống có kết quả sau: 1/ Bạn bè; 2/ Đồng nghiệp; 3/ Bố, mẹ anh chị em ruột; 4/ Người yêu; 5/ Vợ, chồng; 6/ Đối tác khác giới.
Giữa các nhóm nghề nghiệp khác nhau cũng có một số điểm chú ý như sau: trong khi những người cán bộ viên chức Nhà nước tỷ lệ gọi điện cho vợ / chồng chiếm (35.9%), thì những người nhóm sinh viên, học sinh hay gọi điện cho bố / mẹ, anh chị em ruột tương ứng (49.0% và 46.4%). Nhóm buôn bán, làm tự do thì có (41.0%) gọi điện cho đối tác khác giới, cao hơn hẳn các nhóm nghề khác. Trên 40% những người làm nghề buôn bán, làm tự do, cán bộ viên chức Nhà nước, công nhân và công ty tư nhân gọi điện cho đồng nghiệp, bạn học trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm học sinh và sinh viên chỉ có (7.1% và 18.5%). Xét theo tương quan giới tính, nam giới gọi điện thoại cho đồng nghiệp của mình nhiều hơn nữ giới (48.5% so với 29.6%). Xét tương quan giữa tuổi với người được gọi điện thoại có một số khác biệt đáng chú ý như sau: từ 35 tuổi trở xuống thì tỷ lệ gọi cho bạn bè nhiều hơn gọi cho người '6Bhác, nhưng từ 36 tuổi trở lên phần đông lại gọi cho đồng nghiệp của mình (63.5%). Độ tuổi càng cao thì tỷ lệ gọi cho đồng nghiệp càng nhiều: 18 tuổi trở xuống có (14.6%), khoảng từ 19-25 tuổi là (23.7%), nhưng từ 26 tuổi trở lên có trên 50%. Gọi điện cho vợ / chồng ở nhóm tuổi từ 36 trở lên cao gấp 6 lần khoảng tuổi 19-25 (8.3%), gấp 4, 1 lần độ tuổi 18 trở xuống (12.2%) và gấp 1, 7 lần những người trong độ tuổi 26-35 (29.9%).
- Về hoạt động nhắn tin
+ Số lần nhắn tin hàng ngày
Như vậy, nhắn tin dưới 5 lần / ngày là phương án được lựa chọn nhiều nhất (60.4%) và chỉ có tỷ lệ nhỏ (12.2%) trong số những người được hỏi có nhắn tin trên 10 lần / ngày. Xét theo tương quan nghề nghiệp, nhóm học sinh - sinh viên nhắn tin nhiều hơn cả, cán bộ công nhân viên chức nhắn tin ít nhất.
+ Nhắn tin cho ai:
Sắp xếp theo thứ tự cao xuống thấp các đối tượng được nhận nhắn tin gồm: 1/ Bạn bè; 2/ Người yêu; 3/ Đồng nghiệp; 4/ Bố mẹ, anh chị em ruột; 4/ Vợ, chồng; 5/ Đối tác khác giới
Xếp theo thứ tự Top 3 theo tương quan giới tính vớiđối tượng được nhắn tin kết quả là:
- Nam: 1/ Bạn bè; 2/ Đồng nghiệp; 3/ Người yêu.
- Nữ: 1/ Bạn bè; 2/ Người yêu; 3/ Bố mẹ, anh chị em ruột.
Trong nghiên cứu, chúng tôi cũng tiến hành thu thập hàng loạt tin nhắn. Sau đây là một ví dụ về trao đổi tin nhắn giữa hai người đang yêu (đã được chuyển sang phông chữ có dấu để dễ đọc):
Ngày 1.
12h42: Nữ: Anh đi mạnh khoẻ nhé. Uống ít rượu thôi. Nhớ tự biết chăm sóc cho mình nhé. Khi nào rảnh công việc thì nhắn tin, điện thoại cho em nhé, nếu ngại giặt quần áo thì mang về tạo việc làm cho em. Khi nào về nhắn tin em ra đón nhé. Thế gửi băng cho ai đó để em gửi nhé. Em yêu. Kiss you. à từ giờ em nghe lời anh, không làm anh buồn nữa.
17h49: Nữ: Anh đi đến đâu rồi. Đã tới nơi chưa. Nghỉ ngơi ở đâu?
Nữ: Anh đang ngủ à. Đến nơi chưa. Đang làm gì vậy?
19h47: Nữ: Em buôn qua điện thoại và nhắn tin mấy lần nhưng không thấy anh trả lời. Giờ em và chị Liên đang ngồi ở Lake View uống nước. Anh rảnh nhắn tin cho em.
21h26: Nam: Anh vừa tới Hà Nội.
22h24: Nữ: Anh về ăn uống gì chưa. Đang tắm à. Em điện thoại mấy lần nhưng không thấy nghe. Thế xe hỏng thì bao giờ đi. Khi nào đi nhắn tin em đưa đi. Thế anh yêu đang làm gì đấy.
Ngày 2:
12h01 Nam: Anh đang ở BSAC (?). 1h đi.
12h03 Nữ: Anh đang ở đâu. Hôm nay có đi công tác không? Sếp chiều bảo vệ. Em đang ở cơ quan.
18h13: Nữ: Em đang ở nhà hàng Táo Đỏ cùng cơ quan. Anh đến nơi chưa. Anh mệt lắm không.
19h32: Nam: Anh đang ở Hà Tĩnh.
Ngày 3: (2 ngày sau)
22h30: Nữ: Em đang ở nhà. Thế anh ở đâu rồi?
22h36: Nữ: Em đang ở nhà. Thế anh đang ở đâu rồi. Em hỏi anh không nhắn tin lại. Định đốt tiền của em à. Hi Hi.
22h55: Nữ: Anh ơi, tự nhiên anh nhắn tin làm em lại nghĩ đến anh. Nhớ quá. Anh ơi sao thời gian trôi lâu thế. Bao giờ đến 15/8? Kiss. Anh rảnh nhớ nhắn tin cho em nhé. 1000 lần / đấy em muốn nghe tiếng nói của anh.
23h01: Nam: Anh vừa về đến khách sạn.
23h13: Nữ: Chúc anh yêu ngủ ngon, mơ giấc mơ đẹp. I love. Anh hứa với em không được “vượt sông” đâu nhé. Lơ mơ là đánh đòn đấy. I love. Miss y much.
23h18: Nam: Tuần sau là ở Đà Nẵng.
23h23: Nam: Em yêu đang ở đâu?
23h30: Nữ: Em vừa nháy máy nhà. Em ở nhà đang cầm quyển sách đọc nhưng không hiểu nội dung vì nhớ anh yêu quá. Anh ngủ và ăn uống đều đặn vào. Giữ gìn sức khoẻ. Mang đồ về em giặt. Đừng chơi khuya quá. Yêu anh 1000c.
23h34: Nam: Vừa thuê giặt rồi.
Tất nhiên, đây là một trong vô vàn tin nhắn vẫn diễn ra hàng ngày. Và, tin nhắn cũng đã được ghi rõ để mọi người có thể hiểu mà không có những nhầm lẫn về câu từ. Thực tế, tin nhắn có thể về rất nhiều nội dung khác nhau (mà nội dung câu chuyện ở trên là một thí dụ). Chúng ta cần phải có nhiều tin nhắn hơn để có thể phân tích một cách khách quan hơn về hoạt động này. Tuy nhiên, chỉ qua một tin nhắn như trên, chúng ta cũng có thể đưa ra một vài kết luận như sau: 1/ nữ thường nhắn tin dài dòng hơn nam; 2/ nữ thường nhắn tin lại nhanh hơn nam; và ẩn đằng sau những ngôn ngữ nhắn tin (vốn không tồn tại khi đã chuyển tải do cần phải được viết đầy đủ, dễ hiểu cho người đọc) là việc sử dụng những ngôn ngữ viết tắt, tiếng Anh trở nên thông dụng trong tin nhắn.
Bên cạnh đó, nếu có nhiều dữ liệu và phân tích sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cách viết tin nhắn cũng có thể thể hiện tính cách của người nhắn tin. Nhìn chung, việc sử dụng ĐTDĐ đã rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị lớn. Sử dụng ĐTDĐ đã trở thành nguyên nhân thay đổi của nhiều thói quen sinh hoạt xã hội và văn hoá. (Chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở các phần sau.)Về mặt kỹ thuật, việc nghẽn mạng, không có sóng ở những khu vực và những dịp nhất định là mối bận tâm xã hội. Những đổi mới của các thế hệ ĐTDĐ cũng gây ra những cơn sốt trong giới trẻ…
1.2.2. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet và những hoạt động được ưa thích trên mạng
Bảy nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam là VDC (cơ quan quản lý cổng truy nhập Internet của Việt Nam), FPT, Netnam, Công ty điện tử viễn thông Sài gòn (SPT), Công ty điện tử viễn thông Hà Nội (HanoiTelecom), Công ty Cổ phần dịch vụ Internet OCI, Công ty Điện tử viễn thông Quân đội VIETEL Tính đến tháng 9/2006, thị phần các ISP ở Việt Nam như sau:
Thị phần kênh Internet trực tiếp quy đổi tốc độ 64Kbps
- Thị phần thuê bao ADSL
- Thị phần thuê bao Internet gián tiếp trả sau
Như vậy, VNPT, FPT và Viettel là ba nhà cung cấp dịch vụ chiếm tỷ lệ khống chế thị trường Internet tại Việt Nam.
- Khách hàng chủ yếu của Internet
Thị trường Internet Việt Nam có một đặc điểm quan trọng là đa phần số người sử dụng Internet là thanh niên. Điều này cũng thật dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng, Internet nói riêng và máy vi tính nói chung mới xuất hiện ở Việt Nam (thậm chí trên thế giới) chưa lâu. Đây là một loại hình công nghệ mới đòi hỏi người sử dụng cần có tư duy nhanh nhạy với cái mới, tốt nhất là có một chút vốn tiếng Anh tối thiểu về máy tính, và những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật phần cứng, phần mềm. Khoảng thời gian và những kiến thức khá mới đó dường như không phải là thế mạnh cho những người có tuổi. Vì thế cho nên, những người còn trẻ hoặc tương đối trẻ (dưới 45 tuổi) đang là những người làm chủ thị trường máy tính, Internet Việt Nam hiện nay.
- Địa điểm sử dụng Internet:
Tại điểm truy cập Internet: 56.2%
Tại nhà: 12.4%
Tại trường học (nơi làm việc): 11.9%
Tại nhà người quen, bạn bè: 1.7%
Tại điểm truy cập Internet + tại trường (nơi làm việc): 5.7%
Tại trường (nơi làm việc) + tại nhà: 8.1%
Tại điểm truy cập Internet + tại nhà: 3.8%
Như vậy, kết quả điều tra cho thấy, các điểm truy cập Internet công cộng (quán Internet) là nơi gặp gỡ, điểm hẹn thường xuyên nhất. Đặc biệt đáng lưu ý là kể cả những người dùng Internet ở nhà, hay ở công sở, trường học cũng thường xuyên lui tới các quán Internet. Điều này chứng tỏ rằng, ở các đô thị lớn của Việt Nam (trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là các ví dụ điển hình nhất), các quán Internet đóng vai trò quan trọng trong phổ cập việc sử dụng Internet1. Tăng cường quản lý Internet cần phải chú ý đến địa điểm truy cập này.
- Thời gian sử dụng Internet:
Kết quả điều tra cho thấy, xét theo thứ tự một cách tương đối, người dân đô thị sử dụng Internet theo mức độ như sau: 1/ vài lần 1 tuần; 2/ 1 lần 1 ngày; 3/ 1 lần 1 tuần; 4/ vài lần 1 tháng; 5/ 1 lần 1 tháng, và 6/ nhiều lần 1 ngày. Xét theo mức độ '74hường xuyên: Cán bộ viên chức Nhà nước là người sử dụng Internet thường xuyên nhất (43.0%) sau đó là những người làm việc cho các công ty tư nhân (38.7%), trong khi đó, sinh viên lại là người sử dụng Internet ít thường xuyên hơn cả.
- Những hoạt động được ưa thích trên mạng
Internet mang lại cho người sử dụng rất nhiều hoạt động, cả giải trí lẫn các hoạt động khác. Internet đã khiến con người trở nên bận rộn hơn nhiều (cả tích cực và tiêu cực) và nếu không có một “bản lĩnh” nhất định, người sử dụng Internet khó có thể thoát ra khỏi mê cung thông tin và các hoạt động đa dạng mà Internet cung cấp. Nhiều người mỗi khi truy cập Internet đã không thể dứt ra được và người ta gọi đây là triệu chứng nghiện Internet. Theo kết quả của điều tra, 10 hoạt động được ưa thích nhất trên mạng như sau: 1/ Gửi và nhận email; 2/ Đọc báo; 3/ Chat; 4/ Tìm kiếm thông tin liên quan đến công việc; 5/ Học tập; 6/ Nghe nhạc; 7/ Tìm thông tin về những nhân vật nổi tiếng; 8/ Tìm thông tin mua và bán; 9/ Chơi game online; 10/ Xem phim.
Xét theo một số tương quan, có một vài khác biệt như sau: Xét tương quan giữa nghề nghiệp với mục đích sử dụng Internet kết quả là cán bộ viên chức Nhà nước chủ yếu sử dụng Internet để gửi và nhận email (82.4%), tiếp theo là nhóm công ty tư nhân (80.6%), tỷ lệ này ở nhóm công nhân thấp nhất (61.4%). Với mục đích học tập thì ở nhóm sinh viên chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với những người làm nghề buôn bán, làm tự do (59.5% so với 33.3%). Nhưng với mục đích tìm kiếm thông tin liên quan đến công việc thì tỷ lệ này ở nhóm học sinh lại thấp hơn nhóm cán bộ viên chức Nhà nước (27.4% so với 71.9%). Xét theo trình độ học vấn, những người có trình độ học vấn cấp 3 sử dụng Internet vào việc chơi games nhiều hơn cả (40.6%), trong khi hình thức giải trí này ở những người có trình độ học vấn đại học trở lên thì lại chỉ chiếm có (22.6%); nghe nhạc cũng chiếm tỷ lệ tương ứng là (49.1% và 39.9%). Trong khi đó, sử dụng Internet với mục đích tìm kiếm công việc lại cao nhất thì ở trình độ đại học (58.0%). Xét theo tương quan với giới tính, kết quả cho thấy nam giới xem Internet là nơi tìm phần mềm (35.7% so với 13.3%); tìm thông tin liên quan đến công việc (56.4% so với 47.1%); thông tin mua và bán (32.8% so với 19.8%) nhiều hơn nữ giới. Nhưng ngược lại nữ giới lại sử dụng vào mục đích bói toán nhiều hơn nam giới (14.8% so với 8.7%).
Theo CNN (ngày 17/9/2007), nghiên cứu của hãng Cisco và hiệp hội xuất bản trực tuyến Mỹ OPA đã chỉ ra rằng, người sử dụng Internet giờ đây không còn thụ động như trước kia nữa. Một người sử dụng Internet điển hình ở Mỹ dành ra 47% thời gian online để xem nội dung, 33% cho giao tiếp, 15% mua sắm và 5% tra cứu nhanh. Số liệu điều tra ở Việt Nam chắc chắn khác so với số liệu đã chỉ ra ở trên, nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định rằng hoạt động trên Internet không hoàn toàn bị động như chúng vẫn thường bị nhìn nhận một cách lệch lạc. Hơn thế nữa, khi Internet ngày càng phổ biến, các hoạt động bị động cũng ngày càng giảm đi. Việc sử dụng Internet đã trở thành một thói quen mới của người dân Việt Nam, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi và ở đô thị.
|Việc sử dụng ấy đã ăn sâu vào những sinh hoạt xã hội tới mức trở thành tên bài hát ăn khách (bài e-mail tình yêu do Đan Trường trình bày), hay là nội dung cho vở kịch (Internet về làng, Thời E - mail), hay những bộ phim trong thời gian gần đây.
Như vậy, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới như điện thoại và Internet có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau (tuy nhiên không có sự khác nhau nhiều lắm giữa việc sử dụng các phương tiện này ở hai thành phố). Những khác nhau này là tất yếu trong các xã hội đang có sự phân tầng sâu sắc.
(1) Bàn về vai trò của các điểm truy cập công cộng trong việc phát triển Internet tại Việt Nam, xin xem thêm cuốn "Ảnh hưởng của Interrnet đối với thanh niên Hà Nội, Bùi Hoài Sơn, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 2006.
█
Phần II. Một số phương diện lý thuyết trong việc nghiên cứu phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam
Nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới là một chủ đề đang chiếm sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, cả từ sự mới mẻ mà các phương tiện truyền thông này đem lại cho con người và thế giới; mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng sâu rộng của các phương tiện ấy đối với xã hội; hay sở thích cá nhân của các nhà nghiên cứu trẻ muốn tìm kiếm con đường đi khác so với những công trình nghiên cứu đi trước; cũng như từ rất nhiều lý do khác. Trong các công trình nghiên cứu, hàng loạt các vấn đề lý thuyết đã được đặt ra, áp dụng, và chúng tôi cũng muốn điểm qua một vài quan điểm lý thuyết cũng như những ảnh hưởng được xem là chung nhất mà các nhà nghiên cứu đã đề cập đến khi nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới, có thể giúp ích cho việc nghiên cứu tại Việt Nam.
Công nghệ truyền thông mới ra đời phục vụ những nhu cầu của con người. Giống mọi công nghệ khác, một chu trình mới lại bắt đầu: Dịch vụ mới → Nhu cầu mới → Lối sống mới → Thói tật mới. Như chúng tôi đã trình bày, rõ ràng các phương tiện truyền thông mới đã có ảnh hưởng lớn đối với đời sống của người dân đô thị. Trong tương lai tới đây, những ảnh hưởng này ngàycàng trở nên mạnh mẽ hơn và chi phối nhiều lĩnh vực thuộc đời sống xã hội.
2.1. Các phương tiện truyền thông mới và quá trình cá nhân hóa
Theo chúng tôi, ảnh hưởng quan trọng nhất của các phương tiện truyền thông mới đối với văn hóa nói riêng, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung là chúng thúc đẩy quá trình cá nhân hóa trên mọi lĩnh vực.
Cá nhân hóa không phải là một quá trình mới. Nói theo một cách nào đó, bản chất của con người thích và luôn có nhu cầu tư hữu. Chủ nghĩa tư bản luôn khuyến khích quá trình tư hữu hoá, và thực chất quá trình tư hữu hóa trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy xã hội phát triển ở các nước tư bản. Cá nhân hóa không nhất thiết đồng nghĩa với tư hữu hoá, nhưng là một biểu hiện quan trọng của tư hữu hoá.
Nếu chủ nghĩa tư bản đề cao tư hữu hoá, cá nhân hóa thì để thực sự thúc đẩy quá trình này, các phương tiện truyền thông mới chính là các công nghệ hoàn chỉnh nhất tính đến thời điểm này. Trong một thế giới ảo, Internet cho phép mỗi người có những địa chỉ riêng, có thể hoàn toàn thoả mãn những ý thích, mong muốn của mình thông qua chat, thư điện tử (e-mail) và blog... Chúng ta có quyền nói những điều chúng ta thích trên mạng chứ không cần phải nói những điều mà người khác muốn. Mọi người yêu thích Blog vì ở đó người ta có quyền được nói và được phát biểu những suy nghĩ của mình. Đó là biểu hiện cụ thể nhất của quá trình cá nhân hoá. Điện thoại di động cho phép mỗi người được sở hữu một phương tiện liên lạc riêng tư, không buộc phải dùng chung và chịu sự theo dõi của những người khác. Và đây thực sự là một nhu cầu đang tăng lên và cần sự đáp ứng trong bối cảnh xã hội mới. Nhiều người còn nói hơi quá khi cho rằng ĐTDĐ là một vật dụng riêng tư không thể thiếu của con người hiện đại. Không gian riêng của bạn nằm trong máy ĐTDĐ. Bạn có thể trao thân thể của mình cho một người khác chứ nhất thiết không bao giờ được phép chia sẻ thông tin, tin nhắn trong chiếc điện thoại của mình.
Phải mất ròng rã 38 năm trời cho chiếc radio làm một cuộc hành trình thâm nhập vào 50 triệu gia đình Mỹ và 13 năm cho truyền hình thực hiện một cuộc chinh phục tương tự. Nhưng Internet chỉ cần vài năm đã lan rộng khắp thế giới. Một trong những nguyên nhân ít được nói đến khiến Internet nhanh chóng chinh phục thế giới là bởi nó phản ánh được tính cá nhân trong xã hội hiện nay cũng hệt như truyền hình phản ánh tính phổ quát trong thập kỷ 50. Internet không chỉ cá nhân hóa mà nó mang tính tức thời, tương tác và có sức lôi cuốn.
Quá trình cá nhân hóa có thể có lợi hoặc hại. Trong một môi trường văn hoá, ai cũng muốn thể hiện cái tôi của mình sẽ khiến những trật tự của tập thể bị vi phạm nhưng điều đó lại khuyến khích sự năng động của cá nhân. Trong bối cảnh xã hội hiện thời, việc đề cao tính năng động của cá nhân đang được đánh giá cao hơn việc duy trì các trật tự, đặc biệt trong giới trẻ.
Trong các nhân tố làm phẳng thế giới được T. Friedman đề cập tới, tính chất số, di động, cá nhân và ảo được xem là một trong những yếu tố quan trọng. Cá nhân hóa thực sự đang là một nhu cầu trong xã hội khi mọi người cần có không gian riêng dành cho mình, có những đồ vật thể hiện tính cách riêng của mình, và đây cũng là cơ hội cho các phương tiện truyền thông mới Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà quảng cáo về các hãng điện thoại luôn đề cập đến tính cách năng động, bản sắc cá nhân của người sử dụng thông qua các sản phẩm ĐTDĐ mới ra của họ, trong khi cách nhà cung cấp dịch vụ Internet cho ra đời những phần mềm, chương trình để mỗi cá nhân có thể thể hiện mình. Viết blog ngày càng phổ biến hay việc tải hình ảnh của chính lên mạng để lưu trữ, gửi cho bạn bè, hay sự ra đời và phát triển nhanh chóng của YouTube để chia sẻ các hình ảnh riêng tư, độc đáo hay sự bùng nổ của game online chỉ là những thể hiện cụ thể của quá trình cá nhân hoá. Nghiên cứu của Lycett và Dunbar cho thấy “ĐTDĐ là đồ dùng cao cấp để khẳng định địa vị xã hội của một người. Nó có vị trí đặc biệt trong giao tiếp kết bạn. Nó gây ấn tượng nhiều hơn là máy tính xách tay, dù máy tính xách tay có giá thị trường cao gấp 20 lần so với ĐTDĐ. Mang máy tính xách tay vào quán xá thì không…. mốt bằng ĐTDĐ”.2
Quá trình cá nhân hóa (nhờ sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới) không chỉ có tác động đến những thay đổi xã hội mà nó còn đặt ra bài toán cho các nhà sản xuất, đặc biệt đối với các nhà sản xuất ĐTDĐ. Chúng ta đều biết rằng văn hóa chi phối nhất định đến cách thức chấp nhận những sản phẩm công nghiệp hay hình dáng của những sản phẩm nào đó. Với một số nước, các sản phẩm màu trắng, đen rất được ưa chuộng, trong khi đó, ở những nước khác màu sắc sặc sỡ lại tiêu thụ tốt hơn. Đối với ĐTDĐ cũng có sự khác biệt ấy. Một nghiên cứu của Jan Chipchase tại 10 thành phố rải rác toàn cầu cho thấy 60% nam giới thường để ĐTDĐ trong túi quần, 61% nữ giới để ĐTDĐ trong túi xách; 19% nam giới ở Bắc Kinh và 38% nam giới ở thành phố Ji Lin sử dụng bao ĐTDĐ ở thắt lưng trong khi đó chỉ 4% nam giới ở Milan, và không có ai ở Tokyo dùng bao da gài ở thắt lưng cho ĐTDĐ. Hay có nghiên cứu khác chỉ ra việc sản phẩm ĐTDĐ được người dân Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc gắn cho từng giới tính cụ thể, theo đó, việc sử dụng mẫu ĐTDĐ này chỉ dành cho nam giới hay nữ giới như Samsung E500, Motorola V3, LG SV590 màu hồng... Điều này cho thấy những khác biệt và chỉ ra cho các nhà sản xuất cách thức thiết kế và có những cách thức quảng cáo sản phẩm phù hợp với từng nền văn hoá.
Vai trò của cá nhân được đề cao. Điều này không chỉ được thể hiện trên các phương tiện truyền thông mới mà nó còn ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình, báo viết hay đài phát thanh. Các chương trình có tương tác với các phương tiện truyền thông mới ngày càng phát triển như các bình chọn ca sỹ, diễn viên thông qua nhắn tin từ điện thoại, bình chọn qua mạng (Việt Nam Idol, Sao Mai điểm hẹn, Sao Mai, Gala cười...), hay giờ đây có cả các chương trình có tính tương tác cao với các phương tiện truyền thông mới như Sao Online, Bài hát Việt khi ý kiến cá nhân được thể hiện trực tiếp trên truyền hình hay kết quả bình chọn của họ có tác dụng trực tiếp đến kết quả của bài hát. Hàng loạt các chương trình truyền hình cho phép khán giả được hỏi trực tiếp các nhân vật truyền hình thông qua các phương tiện truyền thông mới. Nói chung, ĐTDĐ và Internet khiến cá nhân ý thức về cái tôi của mình một cách rõ ràng hơn.
Trong tương lai, việc những phần mềm giúp thể hiện “cái tôi” sẽ ngày càng phổ biến do nó đáp ứng đúng nhu cầu cá nhân hóa đang chiếm lĩnh thế giới mà chúng ta đang sống. Thời đại ngày nay là thời đại của các cá nhân. Chưa bao giờ, thế giới này có nhiều cá nhân như bây giờ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
2.2. Vòng xoáy của sự im lặng
Năm 1974, Noelle Neumann giới thiệu khái niệm “vòng xoáy của sự im lặng” (spiral of silence) nhằm cố gắng giải thích một phần dư luận xã hội được hình thành như thế nào. Sự ra đời khái niệm này là do bà băn khoăn làm thế nào những người Đức lại ủng hộ những đường lối chính trị sai lầm dẫn đến sự thua cuộc, nhục nhã của một quốc gia trong những năm 1930-1940. “Vòng xoáy của sự im lặng” thực ra đề cập đến tại sao con người thường có xu hướng giữ im lặng khi họ cảm giác thấy quan điểm của mình là thiểu số. Bà cố gắng giải thích dựa vào ba giả định: 1) Con người có khả năng tự thống kê, một thứ giác quan thứ sáu, cho phép họ biết dư luận xã hội nào đang chiếm vị trí ưu trội, thậm chí không cần có sự tổ chức trưng cầu ý kiến; 2) con người luôn sợ bị cô lập và biết những hành vi như thế nào có thể dẫn họ tới việc bị xã hội cô lập; 3) con người không dễ bộc lộ các ý kiến thiểu số của mình, chủ yếu do lo sợ bị cô lập.
Con người càng tin vào ý kiến nào tương tự với ý kiến công luận ưu trội, họ càng sẵn lòng bộc lộ ý kiến của mình trước mọi người. Sau đó, nếu tình cảm công chúng thay đổi, người đó sẽ nhận ra rằng ý kiến của mình không còn được ưu thích và sẽ ít sẵn lòng thể hiện ý kiến đó ra trước mọi người. Khi ý kiến của cá nhân và công luận càng cách xa nhau, người đó càng không muốn thể hiện ý kiến của mình. Các ý kiến của thiểu số, khác biệt so với tư tưởng thống trị không có cơ hội được bày tỏ và chia sẻ trong xã hội vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, những người có ý kiến khác với đa số không muốn bày tỏ ý kiến của mình khi họ biết rằng họ chỉ là thiểu số, và với danh tính rõ ràng họ sẽ bị cô lập dễ dàng; về khách quan, những ý kiến thiểu số không có phương tiện để thể hiện ý kiến của mình. Các phương tiện truyền thông đại chúng không sẵn sàng đăng tải những ý kiến trái chiều với các tư tưởng thống trị xã hội, đặc biệt trong các xã hội không dân chủ. Trên thực tế, tự do báo chí là một khái niệm tương đối khi bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng chịu sự chi phối đa chiều, đặc biệt từ chính trị hay kinh tế. Khi các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, báo chí, đài phát thanh chiếm vị trí ưu trội và là “quyền lực thứ tư”, lý thuyết của Noelle Neumann đáng để các nhà nghiên cứu xã hội chú ý, thậm chí được coi là lý thuyết trung tâm để giải thích về dư luận xã hội.
Các phương tiện truyền thông mới ra đời đã giúp phá bỏ một phần lớn “vòng xoáy của sự im lặng” vốn tồn tại dai dẳng trong suốt lịch sử phát triển của loài người. “Việc cá nhân hoặc các cộng đồng tải thông tin lên mạng đã là một nhân tố làm phẳng to lớn. Việc này đang được phổ biến bởi vì nền tảng của thế giới phẳng cho phép việc phổ biến này xảy ra và vì việc tải lên mạng đáp ứng được một nguyện vọng nhân văn sâu xa của các cá nhân là tham gia và khiến những người khác nghe thấy ý kiến của mình”.3 Giờ đây, hầu như ai cũng có cơ hội nói những tâm tư, nguyện vọng và ý tưởng của mình bất chấp ý kiến của họ có được xã hội chấp nhận hay không. Rất nhiều ví dụ trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, nhiều khi những ý kiến thiểu số trở nên thắng thế trong một bối cảnh xã hội ngày càng cởi mở hơn đối với những ý kiến khác biệt. Các phương tiện truyền thông đại chúng giờ đây đã tự nguyện hay “bị ép buộc” đăng tải các ý kiến cá nhân để thoả mãn xu hướng chung toàn cầu. Các phương tiện truyền thông mới luôn là diễn đàn để cho các ý kiến cá nhân có thể thể hiện. “Sự tan vỡ của các phương tiện truyền thông đang gây ra tình trạng thiếu nhất quán hoặc cần chọn lọc thông tin (như sự phân cực của xã hội Mỹ), nhưng mặt khác lại tạo ra hiện tượng phi tập trung hóa quyền lực và bảo đảm rằng đang tồn tại một sự thật trọn vẹn… ở đâu đó… trong các mảnh vỡ”.4
Các ví dụ về ý kiến thiểu số trở thành công luận xuất hiện rất nhiều trên thế giới và kể cả tại Việt Nam. Những ví dụ về những cuộc tập hợp xã hội để lật đổ tổng thống Philipinnes Joseph Estrada hay bầu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo -huyn luôn được các nhà nghiên cứu truyền thông mới nhắc đi nhắc lại về khả năng của các phương tiện truyền thông mới. Gần đây hơn, ngày 30-5-2007, tại Thiên An Môn, người sử dụng ĐTDĐ đã tập hợp khoảng 10.000 - 20.000 người tham gia biểu tình phản đối một công ty hóa chất tại địa phương. Kết quả đã khiến chính phủ đình chỉ hoạt động của công ty này trước làn sóng biểu tình bằng tin nhắn rầm rộ này.
Không chỉ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, Blog là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Blog ra đời đã trở thành một kênh thông tin không chỉ dành cho những tâm sự cá nhân mà nó còn trở thành một kênh thông tin để cân bằng quyền lực của báo chí. Blog đáp ứng những nhu cầu xã hội nhất định, trong đó có nhu cầu thể hiện bản thân và tìm kiếm thông tin đa chiều. Giờ đây, một blog nổi tiếng cũng có khả năng định hướng dư luận xã hội tương tự như vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng các phản đối, ý kiến trái chiều trên mạng hay qua ĐTDĐ chỉ tồn tại ở dạng dư luận tiềm tàng và khó có khả năng làm thay đổi xã hội. Chỉ khi những nội dung này đượcphản ánh qua các phương tiện truyền thông đại chúng thì chúng mới tạo nên những thay đổi. Đó là những gì đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam như các sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vụ gạ tình đổi điểm, hay việc phản đối Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa v.v...
Sự lên tiếng của thiểu số sẽ giúp các xã hội trở nên dân chủ hơn (cho dù mặt trái của nó sẽ khiến xã hội trở nên hỗn loạn hơn khi có quá nhiều thông tin). Sự thật là, nhiều cơ quan hành chính đã mở cửa hơn đối với thông tin từ phía người dân. Các chính phủ đã mở các trang Web, hộp thư điện tử để các công dân của mình bày tỏ ý kiến của họ. Nhiều sự việc được phát giác không phải từ các cơ quan điều tra hay các phương tiện truyền thông đại chúng mà chính nhờ các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là Internet. Tuy nhiên, không phải vòng xoáy của sự im lặng đã bị phá bỏ hoàn toàn. Giờ đây, những người không thể tiếp cận được với công nghệ số và các phương tiện truyền thông mới trở thành những người bị rơi vào vòng xoáy của sự im lặng này. Đó là một phần sự thật của một thế giới với rất nhiều khoảng cách số.
2.3. Một không gian và thế giới số và ảo
Chúng ta đang sống trong một thế giới số và ảo. Sự ra đời của công nghệ số (trong đó được áp dụng rộng rãi trong Internet) đã biến thế giới chúng ta đang sống thành một thế giới điện tử, và dẫn đến nhiều thay đổi trong các hoạt động xã hội, và thậm chí đã có hẳn tiền tố e - đứng trước rất nhiều các lĩnh vực của đời sống xã hội như e -commerce (thương mại điện tử), e-book (sách điện tử), e-business (thương mại điện tử), econference (hội nghị điện tử), e-office (văn phòng điện tử), e-banking (ngân hàng điện tử).
Không gian số và ảo chính là những gì quan trọng nhất mà các phương tiện truyền thông mới như Internet và ĐTDĐ làm được cho người sử dụng. Chính không gian số và ảo đã khiến cho người sử dụng trở nên mạnh dạn và tự tin hơn trong các giao tiếp của mình và giúp họ thể hiện bản thân và “cái tôi” đối với xã hội.
Theo Lepastier, nguy cơ hiện nay là việc không phân biệt về giới tính, đặc biệt là do máy móc, những vật phi giới tính đang chiếm lĩnh xã hội. Đấy là một hiện tượng đặc biệt thấy rõ ở lớp trẻ với máy truyền hình, trò chơi video với những nhân vật ảo... Môi trường này thật đáng lo ngại và không hề giúp gì cho việc hình thành nhân cách.5
Các kết quả điều tra của chúng tôi đều cho thấy, bên cạnh game online, chat là một hoạt động được ưa thích nhất ở trên mạng. Trong việc sử dụng ĐTDĐ, nhắn tin cũng là một chức năng ưa thích (cho dù nhiều người cho rằng lý do chủ yếu của hoạt động này là kinh tế, nhưng lý do ngoài kinh tế cũng đáng để nhắc đến). Những hoạt động này giúp con người “thăng hoa” ở một thế giới khác, nơi họ có thể tự do bày tỏ tình cảm, tự biến mình thành những “người hùng”, và có thể khám phá bất cứ những gì mà họ muốn mà không chịu quá nhiều sự chi phối từ các sự kiểm soát từ những người khác.
Một thế giới số và ảo đã được hình thành thông qua các phương tiện truyền thông mới. Những nhân vật ảo cũng đã ra đời như gà ảo, ca sỹ ảo hay người mẫu ảo. Nhiều người sử dụng Internet đã say sưa với thế giới ảo ấy thậm chí còn hơn so với thế giới thật mà họ đang sống. Có nhiều lý do khiến thực tại ảo trở nên phổ biến và thu hút người sử dụng từ những nguyên nhân chủ quan như nó có thể giúp người sử dụng thoát khỏi những khó khăn của cuộc sống thực tại, giúp họ tự tin hơn trong các giao tiếp thường ngày. Trong thế giới ảo, con người có thể bộc lộ bản năng một cách dễ dàng, chia sẻ tâm tư, tình cảm thầm kín mà đôi khi những điều đó khó thể hiện trong đời thực… Hay những nguyên nhân khách quan như cuộc sống xã hội quá gấp gáp đã không trang bị cho các cá nhân những phương tiện giải thoát ngoài thực tại ảo, mối quan hệ xã hội hay trong gia đình lỏng lẻo… Nói tóm lại, giao tiếp ảo có khả năng giúp tái lập thăng bằng tâm lý - xã hội – văn hóa cho người sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Và thực tại ảo cũng có những tác động tiêu cực nhất định. Trong thế giới ảo, khi con người bị lôi cuốn quá mức sẽ dẫn đến những bê trễ trong công việc, học hành. Ngôn ngữ của người chơi cũng bị ảnh hưởng do sự xa rời bối cảnh thực tế và những câu chửi thề được đưa lên mạng. Người tham gia đôi khi đặt mục đích của thế giới ảo cao hơn mục đích ngoài thực tế. Họ có thể rơi vào hội chứng ám ảnh, luôn hình dung về thế giới game và đôi khi coi đó là cuộc sống thực của mình. Những sự vật hiện tượng của đời sống thực đều được họ coi như thực tế của thế giới ảo và họ cư xử như cách mà các nhân vật trong thế giới ảo cư xử. Điều tra của chúng tôi cho thấy, có một tỷ lệ khá lớn số người được hỏi (30.3%) cho rằng, tác dụng tiêu cực của Internet chính là làm gia tăng các giao tiếp ảo giảm các giao tiếp trực tiếp, vốn cần thiết cho môt xã hội mà mọi người vốn đã rất bận rộn cho công việc của mình và không có nhiều thời gian dành cho gia đình và người thân.
Kết hôn ảo cũng là một ví dụ. Đây là một trò chơi rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc và chắc sẽ có ảnh hưởng tới giới trẻ Việt Nam. Trong trò chơi trên mạng này cô dâu chú rể nhận lời chúc mừng từ bạn bè và khách. Lễ cưới có pháo hoa và một bữa tiệc thịnh soạn không khác gì một đám cưới thông thường tại Trung Quốc. Chỉ duy nhất khác thường là nó diễn ra trên mạng. Người chơi có thể sống một cuộc sống như bao gia đình bình thường khác, từ kết hôn qua đăng ký với văn phòng luật, chăm sóc gia đình, con cái và cả ly hôn. Tất cả đều diễn ra thông qua bàn phím và chuột.
Khác với những phương tiện truyền thông đại chúng trước đây, đặc biệt là truyền hình, nơi mà con người chủ yếu bị động trong việc hình thành thế giới cho riêng mình6, các phương tiện truyền thông mới ra đời đã sáng tạo ra một thế giới nữa cho loài người: đó là một thế giới số và ảo mà con người có thể sống và can thiệp như một thế giới thật. (Trên thực tế, tôn giáo cũng tạo cho loài người một thế giới ảo, tuy nhiên, công nghệ đã tạo cho con người một thế giới ảo khác, một thế giới ảo nhưthật, nơi con người có thể tác động và can thiệp được vào thế giới ấy, và có sự phản hồi thực sự để đôi khi họ biến những thứ “ảo” đó thành những điều có thật trong cuộc sống). Chấp nhận có một thực tại ảo đang tồn tại song hành cùng với thế giới thực mà chúng ta đang sống là điều mà mỗi người phải tìm cách thích nghi vì trong tương lai thế giới ảo ấy sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đối với cuộc sống của chúng ta nhờ có sự can thiệp của các công nghệ truyền thông mới.
2.4. Không biên giới
Lịch sử loài người cho thấy, kiến thức được lan truyền theo nhiều phương cách và trải qua một quá trình tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp, từ chậm đến nhanh và từ bó hẹp trong các giới hạn địa lý đến vượt qua mọi biên giới. Kiến thức của loài người đã được những đôi chân của những nhà tu hành, những người truyền giáo đưa đi một cách chậm chạp, rồi được tăng tốc bởi kỹ thuật in ấn, điện tín và sóng vô tuyến. Cùng với sóng vô tuyến, công nghệ thông tin và hệ thống mạng lưới hàng triệu bộ nhớ điện toán đã biến các biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết (nếu không muốn nói là đã bị biến mất).
Công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới chính là một trong những nhân tố làm “phẳng thế giới”, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa ở mọi ngõ ngách của cuộc sống. Với một máy tính nối mạng, chúng ta có thể biết mọi việc đang xảy ra trên thế giới, có thể nói chuyện với bạn bè và người thân dù chúng ta có ở đâu chăng nữa. Với một máy ĐTDĐ, chúng ta có thể giữ liên lạc bất kỳ lúc nào, không những thế, với các chức năng đã và sẽ được tích hợp trong các phương tiện truyền thông mới, chúng ta có thể biết được nhiều thông tin hơn rất nhiều như chúng ta đang ở đâu, sẽ gặp ai và làm gì, chúng ta có thể làm hay họp hành với bạn bè quốc tế ở ngay tại nhà mình mà không nhất thiết phải đi đâu cả, hay kiểm soát hành vi của con cái, an ninh của ngôi nhà của mình từ các thiết bị định vị.
Với một thế giới không biên giới, nhiều người đang lo ngại một trào lưu Mỹ hóa đang xảy ra do công nghệ phần lớn chịu sự chi phối của một nước Mỹ hùng mạnh. Khi một quốc gia chi phối thế giới bằng kinh tế và công nghệ, họ cũng đồng thời chi phối luôn cả văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực tế không chỉ đơn giản một chiều như vậy. Công nghệ vốn mang tính trung tính. Có lợi hay có hại tuỳ thuộc vào cách sử dụng của con người. Sự thực cho thấy, nhờ vào các công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là Internet, nhiều nền văn hóa ít được biết đến được bảo tồn và nhiều người biết đến hơn. Không chỉ những nền văn hóa đang bị đe doạ, mọi nền văn hóa hay mọi cá nhân đều có thể có tiếng nói trên mạng để có thể nhận được sự lắng nghe của mọi người. Mỹ có cuộc chiến chống khủng bố được đăng tải rộng rãi và rầm rộ trên mọi phương tiện truyền thông thì Al Quaeda cũng sử dụng Internet như một phương tiện chống Mỹ. Trong một thế giới không biên giới được hỗ trợ bởi các phương tiện truyền thông mới, mọi người đều có tiếng nói riêng của mình.
Nhờ xoá bỏ được biên giới quốc gia thông qua các phương tiện truyền thông mới và giao thông thuận tiện, các cá nhân có thể cho phép mình năng động hơn nữa, đặc biệt trong công việc. Giờ đây, trên thế giới, di cư trí thức đang ngày càng trở nên phổ biến khi một nhà khoa học vừa có thể làm việc ở một nơi xa nhà nhưng vẫn có thể liên hệ thường xuyên với người thân, gia đình. Singapore hay Mỹ là một ví dụ điển hình thu lợi được từ làn sóng di cư trí thức này. Và công nghệ truyền thông mới là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để thúc đẩy làn sóng di cư trí thức ấy.
Quá trình toàn cầu hóa với các sản phẩm có tính toàn cầu, tri thức không biên giới cũng đã khiến cho các sản phẩm truyền thông mới có chỗ đứng vững chắc trong mọi xã hội. Sự ra đời của các công nghệ truyền thông mới phù hợp với tiến trình này, và vì vậy, trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều ứng dụng cho các công nghệ truyền thông mới để chúng trở thành các phương tiện đa chức năng, hữu dụng hơn cho quá trình toàn cầu hoá.
(2) Trích theo Tây Sơn, Văn hoá thời di động, tr.46
(3) Thế giới phẳng, tr. 192.
(4) Thế giới phẳng, tr. 75
(5) Báo Thể thao - Văn hoá, số 70 (1055) 31-8-1999.
(6) Một số người cho rằng truyền hình là một hoạt động bị động theo hai nghĩa. Trước hết, hành động xem tivi hết rất ít năng lượng về sức người, về tình cảm, trí tuệ hay năng lực về tài chính. Lý do thứ hai, hoạt động bị động là hầu hết thời gian chúng ta xem tivi như một cách để “lập chỗ trống” khi chúng ta không có việc gì hữu ích để làm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005