TrungQuốc. Khoảng 2 thập kỷ lại đây, trong giới nghiên cứu Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng phủ nhận phong trào văn hoá "NgũTứ"."/>TrungQuốc. Khoảng 2 thập kỷ lại đây, trong giới nghiên cứu Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng phủ nhận phong trào văn hoá "NgũTứ"."/>

Triết học và văn hóa

01:54 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Năm, 2007

Như lời ghi cuối cuốn sách, đây là kết quả của nghiên cứu tập thể về đề tài "Triết học và văn hoá" thuộc "75" chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia, nhằm vào lúc đang có trào lưu nghiên cứu sôi nổi về văn hoá vào giữa những năm 80. Từ khi xác định đề tài đến khi thành sách, trải qua 8 năm. Cuốn sách được viết đi viết lại và thảo luận nhiều lần, riêng về đề cương đã thay đổi 6 lần.

Ngoài lời nói đầu, lời kết, ba phụ lục và lời ghi ở cuối, cuốn sách có 9 Chương, gồm 28 tiết. Chương thứ nhất: "Kết cấu, đặc trưng của thực tiễn và sự quy định bản chất của khái niệm văn hoá", Chương thứ hai: "Văn hoá và giá trị, Chương thứ ba :"Nhân tố lý tính và nhân tố giá trị trong văn hoá nhân loại", Chương thứ tư:"Văn hoá và tự nhiên", chương thứ năm: "Văn hoá và văn minh", Chương thứ sáu: " Sự qua lại và văn hoá", Chương thứ bảy: "Văn hoá và thị trương",Chương thứtám: "Tính chung nhân loại và tính sai biệt của văn hoá", Chương thứ chín: "Cuộc sống hiện thực của truyền thống".

Các tác giả cho rằng vấn đề văn hoá là đề tài được các giới tư tưởng và các giới học thuật trên thế giới rất quan tâm. Chủ đề của Đại hội triết học thế giới lần thứ 17 năm 1988 là "Triết học và văn hoá". Ở Đại hội này, mặc dù lập trường và quan điểm triết học của các nhà triết học Đông - Tây có khác nhau, song đều nhất trí tuyên bố: trong phạm vi toàn thế giới, trọng tâm nghiên cứu triết học đương đại đang chuyển dần về vấn đề văn hoá. Các tác giả cho rằng tình hình hơn 10 năm lại đây đã chứng minh cho nhận định đó. Nhiều nhà triết học đã dần dần chuyển hướng nghiên cứu của mình về vấn đề văn hoá.

Nghiên cứu vấn đề "Triết học và văn hoá" còn có ý nghĩa thực tiễn cấp bách ở TrungQuốc. Khoảng 2 thập kỷ lại đây, trong giới nghiên cứu Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng phủ nhận phong trào văn hoá "NgũTứ". Một loại quan điểm cho rằng kết quả của phong trào "Ngũ Tứ" là"cứu vong áp đảo khai sáng", tạo thành sự đứt đoạn của sự phát triển lành mạnh của cuộc vận động khai sáng tư tưởng từ cận đại đến nay, khiến cho sự phê phán truyền thống phong kiến không tiến hành được triệt để, cuộc động loạn "cách mạng văn hoá" những năm 60 chẳng qua là sự tiếp tục ở một ý nghĩa nhất đinh khuynh hướng chính trị áp đảo khai sáng" từ Ngũ Tứ trở lại, và sự tràn lan của độc tố phong kiến như tư tưởng đặc quyền, tác phong của chế độ gia trưởng... đều quy cho là tại "Ngũ Tứ" phê phán truyền thống không triệt để. Loại quan điểm khác cho rằng, do tính chính trị mãnh liệt của "Ngũ Tứ" nên đã dẫn đến “Cấp tiến chống chủ nghĩa truyền thống” tạo thành sự đứt rời của truyền thống, còn “cách mạng văn hoá" chẳng qua là sự diễn lại một cách ác tính "Cấp tiến chống chủ nghĩa truyền thống" mà thôi.

Lần "văn hoá nóng" thứ hai phát sinh trong những năm 90. Một số người từ cực đoan "chống chủ nghĩa truyền thống” đột nhiên chuyển sang một cực đoan khác, đứng vào lập trường của "chủ nghĩa bảo thủ văn hoá", trách móc phong trào "Ngũ Tứ", khiến cho "ngọn gió chủ nghĩa hư vô văn hoá tràn lan ở Trung Quốc gần 70, 80 năm". Trên thực tế, họ phủ nhận thành tựu văn hoá của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ lại đây, họ xuất phát từ quan niệm giải thích thực tiễn, chứ không phải là từ thực tiễn để giải thích quan niệm, vấn đề sử quan duy vật đối với văn hoá được đặt ra, đòi hỏi có sự trình bày và chúng minh nghiêm túc.

Các tác giả cho rằng quan điểm lịch sử triết học là tiền đề triết học cơ bản của mọi văn hoá, là phương pháp luận của nghiên cứu văn hoá. Từ đó, các tác giả cho rằng lịch sử quan duy vật là cơ sở để giải thích mọi hiện tượng và mọi quan hệ văn hoá. Đồng thời, các tác giả cho rằng lấy lịch sử quan niệm giải thích lịch sử văn hoá rồi lấy lịch sử văn hoá giải thích lịch sử xã hội thì đó chỉ là quan điểm duy tâm về văn hoá, mang tính chất chủ quan, lệch lạc. "Thuyết xung đột văn minh" của E.V.Huntingtơn (1874 - 1952) - Đại học Havớt Mỹ - quan niệm rằng "Sự liên hệ của Nho giáo với đạo Isiam" là sự uy hiếp chủ yếu nhất đối với phương Tây là một trường hợp của loại quan điểm duy tâm trên.

Từ hiện tượng mấy năm gần đây có một số học giả chủ trương phục hưng Nho học thường nhận định: "Trong Nho học có thành phần vượt thời đại, có giá trị vĩnh hằng", như cho "Nhân học" không những giải quyết được vấn đề hiện đại hoá ở Trung Quốc mà còn có thể trở thành “liều thuốc tốt" có thể chữa khỏi mọi tệ nạn của thế giới hiện đại, các tác giả cho rằng đó là quan điểm xuất phát tứ lập trưởng của thuyết quan niệm để giải thích thế giới hiện thực, là quan điểm do sự hạn chế về mặt lịch sử quan gây nên.

Như đã nêu trong phần chương mục, cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề, muốn giới thiệu hết phải cần đến nhiều trang viết nhưng khuôn khổ của bài giới thiệu này chỉ có thể điểm một số nội dung quan trọng, một số vấn đề có tính chất sát thực và mới mẻ.

Thực tiễn không những có vai trò quan trọng trong nhận thức triết học mà còn có vai trò to lớn trong sự phát triển văn hoá. Các tác giả cuốn sách cho rằng, đứng ở góc độ phát triển văn hoá, người ta không thể hài lòng và dừng lại ở nhận thức sau đây về thực tiễn:"Thực tiễn là hoạt động vật chất cảm tính của con người cải tạo thế giới khách quan một cách năng động". Về quá trình của một hoạt động thực tiễn cụ thể, các tác giả cho rằng cần tính đến 3 yếu tố: Thứ nhất, mục đích cần đạt tới, thứ hai, thủ đoạn để đạt tới (một hệ thống các thủ đoạn), thứ ba, kết quả của thực tiễn, mà kết quả này không phải chỉ dừng lại ở chỗ đã cải tạo được thế giới khách quan mà còn cải tạo cả chủ thể hành động, làm cho họ sản sinh ra nhưng nhìn nhận mới, những khả năng mới. Để phát triển văn hoá cũng như để nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng văn hoá, không thể không tính tới vai trò của thực tiễn.

Thế nào là văn hoá? Đây là một vấn đề cũ song được các tác giả đặt lại để xem xét. Các tác giả cho rằng, từ trước đến nay đã có đến hàng trăm định nghĩa về văn hoá, trong đó có những định nghĩa đáng để được ngày nay suy ngẫm. Định nghĩa được nhiều người nhắc đến là quy văn hoá vềmột thể tổng hợp những tri thức, nghệ thuật, đạo đức, tập tục, cùng các năng lực khác, bao gồm cả tập quán mà cá nhân con người tư cách là thành viên xã hội đạt được. Họ cho rằng định nghĩa này cho thấy các thành phần của văn hoá, đồng thời cũng cho thấy các nhiệm vụ nghiên cứu được đề ra trong đó, và nó có tính hợp lý nhất định, song nó không nêu được cơ sở và căn cứ của thể tổng hợp hình thành văn hoá.

Loại định nghĩa vẫn phổ biến trong giới học giả Liên (trước đây) cho rằng: “Văn hóa là sự tổng hòa của cải vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình phát triển của mình". Với định nghĩa này, các tác giả cho rằng có thể khẳng định được, song ở đó vẫn còn có chỗ chưa được rõ ràng, vì đã là của cải vật chất và của cải tinh thần thì cần gì đến khái niệm văn hoá.

Một nhà triết học đương đại của Nhật Bản cho rằng văn hoá trước tiên là khái niệm có tính tổng thể nào đó, vì tử sự vật cá biệt như nông cụ, y phục, nhà cửa... tồn tại một cách cô lập thì không phải là văn hoá, chỉ khi chúng được xem là thành phần văn hoá của một sự vật - cụ thể nào đó thì mới biểu hiện ra là văn hoá. Họ cho rằng nghiên cứu triết học của văn hoá chính là cố gắng vạch ra cơ sở và căn cứ để các thành phần văn hoá liên kết thành một tổng thểhữu cơ.

Các tác giả nêu lên rằng nhiều người nghiên cứu đã khảo sát từ nguyên của văn hoá. Họ chỉ ra rằng bản thân từ này vốn có nguồn gốc từ tiếng Latinh của phương Tây là Cultura có nghĩa là cày bừa ruộng đất vàvun trồng cây cối, về sau diễn biến thành sự bồi dưỡng thân thể và tinh thần của bản thân con người. Nhưng họ không đi sâu để nêu ra tinh sâu sắc của văn hoá là hoạt động thực tiễn của con người, trước tiên là nội dung bản chất và đặc trưng của lao động.

Các tác giả cũng chỉ ra rằng khái niệm văn hoá vốn xuất hiện từ thời cổ đại Trung Quốc, có nghĩa là "văn trị giáo hoá" - phân biệt với việc dùng võ lực. Nhưng "văn" ở đây vừa là "nhân văn" vừa là "thiên văn", như "Kinh dịch" nói: "Xem thiên văn để xét thời biến, xem nhân văn để giáo hoá thiên hạ" (Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến, quan hồ nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ). Như vậy, "thiên văn" cũng là "văn". Ở đây, văn hoá bao gồm cả tự nhiên và con người, “nhân" đó nói lên hai mặt của văn hoá.

Tử viện dẫn trên, các tác giả đi đến nhận định, khái niệm văn hoá có thể quy kết như sau: "Văn hoá là phạm trù biểu hiện quá trình phát triển cùng thành quả của con người với tư cách là mục đích bản thân, là một loại trừu tượng khoa học của con người ở góc độ là sự tự thực hiện của chủ thể đối với lịch sử xã hội, là quá trình hoạt động không ngưng nghỉ cùng thành quả của lực lượng bản chất (lực lượng xã hội và tiềm năng) của con người được hình thành, tồn tại, tích luỹ, lan truyền, phát triển và phát huy trong hoạt động thực tiễn, trong việc giải quyết không ngừng mâu thuẫn giữa đối tượng hoá và phi đối tượng hoá, là sự thống nhất giữa kết cấu và công năng của hàng loạt phạm trù, được thể hiện trong của cải vật chất và tinh thần có hạt nhân là hệ thống giá trị do loài người sáng tạo ra, nó đứng trung gian trong môi quan bệ của con người với thế giới bên ngoài, nó làm môi giới cho sự liên hệ xã hội giữa con người đồng đại và sự liên hệ lịch sử giữa những con người khác thời đại" và "Sự phát triển tự do và toàn diện của con người là giá trị cao nhát của văn hóa”.

Tóm lại, theo các tác giả, văn hoá phải được xem xét trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người, trong vai trò trung gian giữa con người và thế giới bên ngoài, trong mục tiêu làm cho con người ngày càng đạt tới giá trị tự do.

Văn hoá và giá trị được các tác giả xem xét trong một chương các tác giả cho rằng trong một số tác phẩm của Mác đã đề cập đến vấn đề mối quan hệ giữa khái niệm giá trị triết học và khái niệm giá trị kinh tế học và giữa hai loại giá trị này có sự khác nhau. Các tác giả nêu lên rằng: "Khái niệm giá trị trên ý nghĩa triết học, nói một cách giản đơn là chỉ quan hệ của khách thể khẳng định (hoặc phủ định) con người với tư cách là chủ thể hoạt động", "Giá trị có ý nghĩa triết học là sự ngưng kết của lực lượng bản chất con người". Về mặt kinh tế, hàng hoá bất luận như thế nào nếu tiêu thụ được nhanh đều là tất, đều là có giá trị song về mặt triết học không hẳn là như thế, vì hàng hoá đó có thể là vật phản văn hoá , mà "Xét trên phương diện triết học, hết thẩy những cái phản văn hoá, tất phải là cái phản giá trị".

"Khái niệm giá trị trên ý nghĩa triết học chỉ có thể là tổng hợp của giá trị sử dụng và giá trị hàng hoá, tức là phủ định của phủ định", "Quan hệ giữa khái niệm giá trị triết học và khái niệm giá trị kinh tế học là quan hệ mang tính phủ định, tức là quan hệ biện chứng lấy tính phủ định làm môi giới".

Về quan hệ giữa văn hoá và giá trị thì “hệ thống giá trị là hạt nhân của văn hóa”.

Về quan hệ giữa văn hoá và giới tự nhiên, các tác giả cho rằng con người là một sản vật của tự nhiên, song con người không thuần như các thành phần tự nhiên khác, "con người trong hoàn cảnh thuần tuý tự nhiên, chưa kinh qua lao động cải tạo thì chưa thể xem là con người tồn tại và phát triển một cách chân chính" và do đó, con người đó chưa phải là con người văn hoá.Chỉ trong hoạt động sáng tạo, con người mới trở thành một thực thể văn hoá: "Trong quá trình phát triển văn hoá, nhu cầu sinh lý, nhu cầu bản năng của con người dần dần đạt được "'hình thức người hoá" và mang đặc tính xã hội. Văn hoá tức là hoạt động mang tính sáng tạo mà con người dùng một phương thức nhất định thảo mãn nhu cầu của mình”. Chỉ có lao động, con người mới trở thành người và để lao động được con người phải dựa vào giới tự nhiên. Giới tự nhiên và hoạt động văn hoá không mâu thuẫn nhau.

Trên đây là một số nội dung quan trọng của cuốn sách. Các tác giả mong gây được sự chú ý và đi sâu trao đổi của nhiều người. Các tác giả cũng thấy rằng những luận điểm của mình có đúng đắn hay không còn chờ ở sự khảo nghiệm của thời gian và sự xem xét của nhiều người.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: