Phương pháp giải quyết vấn đề trong giáo dục hiện đại
Phương pháp giải quyết vấn đề (problem solving) đã phải trải qua nhiều thử thách, thực nghiệm trong gần suốt một thế kỷ 20 để đến gần đây mới được sử dụng thực sự ở nhiều trường học ở Hoa Kỳ và trở thành một yếu tố chủ đạo trong cải cách giáo dục ở một số nước khác. Đó là một phương pháp dạy và học mới phù hợp với triết lý về khoa học và giáo dục hiện đại, đáp ứng tốt những yêu cầu về giáo dục trong thế kỷ 21.
Chúng ta nên tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc để đưa dần yếu tố giải quyết vấn đề vào như là một yếu tố tích cực trong cuộc cải cách giáo dục hiện nay.
I. Một tư duy mới cho cải cách giáo dục
Dưới ảnh hưởng của các lý thuyết cổ điển về nhận thức, từ nhiều thế kỷ qua ta vẫn tin rằng các tri thức khoa học là con đường tìm kiếm chân lý, do đó giáo dục chủ yếu là truyền thụ cho người họccác tri thức khoa học, tức là các nhận thức về chân lý, và lẽ tự nhiên, phương pháp dạy học chủ yếu là do người thầy thuyết giảng và truyền thụ các niềm tin về chân lý đó cho người học với sự cảm hoá bằng các lập luận lôgích và các thực nghiệm. Và dĩ nhiên, nhiệm vụ của ngưòi học trò là tiếp thụ một cách đầy đủ, trung thành, nhưng là thụ động, các niềm tin chân lý trong các "tri thức khoa học" được truyền giảng đó.
Cho đến đầu thế kỷ 20, khi bắt đầu phát hiện ra có những sự thật trong tự nhiên không thể suy diễn ra từ các nguyên lý của khoa học cổ điển, thì người ta mới bắt đầu nghi ngờ cái sức mạnh "vạn năng" của khoa học cổ điển, và từ đó xem xét lại vị trí và vai trò của nghiên cứu khoa học, coi việc làm khoa học không đồng nhất với việc tìm kiếm chân lý. Từ những phê phán và đề xuất của các trường phái khác nhau như của K.Popper, T.Kuhn, L.Laudan... vào giữa thế kỷ 20, đến các thập niên cuối thế kỷ, chủ nghĩa hiện thực khoa học dung hoà các quan điểm phê phán đó và đề xuất quan điểm cho rằng có một thế giới tồn tại độc lập và có thể nhận thức được, đồng thời xem rằng mọi tri thức đều là không chắc chắn, có thể sai và đều cần được đánh giá một cách phê phán... Mục đích của khoa họckhông phải là đi tìm chân lý, mà là tìm cách giải quyết vấn đề, tìm những trả lời chấp nhận được cho những bài toán mà con người gặp phải trong cuộc sống. Quan điểm này phù hợp với quan điểm giáo dục mà nhà triết học và giáo dục lớn của Hoa Kỳ John Dewey đề ra từ buổi giao thời của hai thế kỷ 19 và 20, khi ông chủ trương "Học sinh đến trường không phải để tiếp thu những tri thức đã được ghi vào trong một chương trình mà rồi có lẽ sẽ không bao giờ dùng đến, nhưng chính là để giải quyết các vấn đề, giải quyết các "bài toán" của nó, những thực tế mà nó gặp hằng ngày. Về phía người thầy giáo, ông ta hành động như một người bạn có kinh nghiệm, khuyên nhủ, hướng dẫn và cho trẻ biết những gì mà thầy biết về vấn đề được đặt ra". Như vậy, trong nền giáo dục thế giới đã có cơ sở để hình thành một cách học mới, một phương pháp dạy và học mới, nay ta gọi là phương pháp giải quyết vấn đề (problem solving), thay cho phương pháp cũ là truyền đạt và tiếp thu thụ động các bài giảng có sẵn trong chương trình và sách giáo khoa. Tuy nhiên, phương pháp dạy học mới này đã không phải dễ dàng được chấp nhận và sử dụng trong thực tiễn dạy học ở các nhà trường, mà đã phải trải qua nhiều thử thách, thực nghiệm trong gần suốt một thế kỷ 20 để đến gần đây mới được sử dụng thực sự ở nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ và trở thành một yếu tố chủ đạo trong cải cách giáo dục ở một số nước khác.
II. Năng lực giải quyết vấn đề và cải cách giáo dục ở nước ta
Sở dĩ người ta có thể sớm đồng tình với nhau về ý tưởng sử dụng phương pháp "giải quyết vấn đề" trong việc dạy và học, nhưng trong thực tế việc thay đổi cả một hệ thống để thực hiện một phương pháp dạy học như vậy không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều chuẩn bị công phu, cho nên ta không lấy làm lạ về việc phương pháp mới đó chậm được phổ cập trong thực tiễn giáo dục ở các nước. Ở nước ta, cũng đã có một vài nhóm nhà giáo thử đưa phương pháp giải quyết vấn đề (thường được gọi là giải quyết tình huống - situation solving) như của giáo sư Trần Văn Hà đưa vào trong giảng dạy nông nghiệp, nhưng rồi chưa được sự hỗ trợ cần thiết nên không phát triển được.
Hiện nay, sau nhiều thập niên phát triển, nội dung của phương pháp "giải quyết vấn đề" đã được bồi đắp rất phong phú, được kết hợp với các nội dung về rèn luyện các kỹ năng tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, có thể hình thành nên một môn học mới, làm cơ sở lý luận cho việc rèn luyện và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo của bất kỳ ai có nguyện vọng.
Ở Phần Lan là một nước luôn tham gia chủ trì tổ chức các kỳ thi đánh giá trình độ học sinh quốc tế (PISA), từ vài thập niên gần đây, phương pháp "giải quyết vấn đề" đã được xem là một yếu tố quan trọng trong cải cách giáo dục, và là một nội dung trong đổi mới chương trình và sách giáo khoa của các cấp học từ phổ thông đến đại học. Ta biết trong hầu khắp các nước, rèn luyện năng lực sáng tạo cho người học là một điều quan tâm đặc biệt. Dạy học theo cách truyền thống thì chỉ lo chất đầy - càng đầy càng tốt - kho kiến thức cho người học, vì kiến thức được xem như là của báu đã được chuẩn bị sẵn, người học chỉ cần chiếm giữ được càng nhiều càng tốt. Còn dạy học theo cách "giải quyết vấn đề" hay "giải quyết bài toán" thì kiến thức mà người học cần có để giúp anh ta giải quyết được bài toán phải do chính anh ta tìm ra, sáng tạo ra qua một tiến trình tìm hiểu bài toán, đặt vấn đề, tưởng tượng các mối liên quan, đặt giả thuyết và so sánh, đánh giá các giả thuyết, lựa chọn giả thuyết thích hợp, rồi tiếp đó dùng các kiến thức đã có cùng với các giả thuyết mới để đề xuất các lời giải cho bài toán, đánh giá các lời giải cho đến khi tìm được lời giải thoả đáng, có thể chấp nhận được. Như vậy, "giải quyết vấn đề" thực tế là một quá trình sáng tạo của người học, người học phải tự mình vận dụng các năng lực trí tuệ của mình để liên tục tưởng tượng, tìm kiếm, sáng tạo..., để rồi có được cái cảm giác là tự mình sáng tạo ra cái kiến thức mà mình cần có, chứ kiến thức không phải là cái mà mình được hưởng sẵn từ đâu đó một cách thụ động. Vai trò của người thầy không phải vì thế mà bị coi nhẹ, mà như J.Dewey xác định, đó là vai trò của người đồng hành như một người bạn có kinh nghiệm, khuyên nhủ, hướng dẫn, và cho người học biết những gì mà thầy biết về vấn đề được đặt ra; có nghĩa là người thầy không đóng vai trò là người rao giảng và truyền thụ những "niềm tin chân lý" đã có sẵn, mà là người bạn cùng với học trò chia sẻ những vui buồn trên con đường cùng tìm kiếm những kiến thức trong một tiến trình sáng tạo. Học theo cách đó người học sẽ có được niềm vui của người biết tìm kiếm và sáng tạo, có khả năng chủ động tự tìm kiếm kiến thức và giải pháp cho những bài toán mà mình có thể gặp phải trong cuộc đời, người dậy có thêm nhiều khả năng truyền thụ cho người học nhiều loại hiểu biết, cả những hiểu biết đã chứng minh được một cách lôgích cũng như nhiều hiểu biết còn dưới dạng những dự đoán, giả định, giả thuyết, vv...
Trong nhiều thập niên gần đây, phương pháp "giải quyết vấn đề" đã được đưa vào như là một yếu tố quan trọng trong cải cách giáo dục ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước đã tham gia vào chương trình PISA, trong đó có Phần Lan là một trong số các nước chủ trì PISA, và cũng là nước đạt điểm cao nhất về năng lực "giải quyết vấn đề" trong các kỳ thi của PISA.
III. Một đề nghị
Tôi nghĩ rằng "giải quyết vấn đề" là một nội dung mới phù hợp với triết lý về khoa học và giáo dục hiện đại, có khả năng rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tìm kiếm, đổi mới kiến thức của người học, đáp ứng tốt những yêu cầu về giáo dục trong thế kỷ 21, ta nên tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc để đưa dần yếu tố giải quyết vấn đề vào như là một yếu tố tích cực trong cuộc cải cách giáo dục hiện nay của chúng ta. Tất nhiên, để đưa được một nội dung và phương pháp mới như vậy vào một chương trình giáo dục cải cách, ta phải trù tính một lộ trình gồm một số bước chuẩn bị được thực hiện chu đáo, bao gồm:
1. Tìm hiểu sâu sắc hơn nội dung của giải quyết vấn đề cùng với các phương pháp tư duy phê phán và tư duy sáng tạo trong triết học về khoa học và trong giáo dục, đồng thời tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước về vận dụng phương pháp giải quyết vấn đề trong giáo dục;
2. Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giải quyết vấn đề, đồng thời với việc biên soạn lại sách giáo khoa một số môn khoa học theo hướng sử dụng các phương pháp giảng dạy giải quyết vấn đề;
3. Thực hiện thử nghiệm việc dạy và học theo phương pháp mới, đồng thời tiến hành phân tích, rút kinh nghiệm; sau đó tuỳ kết luận mà tiến hành ứng dụng một cách đại trà phương pháp giải quyết vấn đề trong cải cách giáo dục, chủ yếu là ở các khâu: bồi dưỡng giáo viên phổ thông; biên soạn lại sách giáo khoa trước hết của các môn toán học, khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, sinh học; phổ biến việc bồi dưỡng giáo viên và học viên các trường sư phạm các kiến thức về phương pháp giải quyết vấn đề để họ chủ động tiến hành việc ứng dụng ở bất kỳ đâu mà phương pháp đó có thể góp phần nâng cao được cho học sinh các khả năng tư duy độc lập và sáng tạo trong học tập.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng