Phỏng vấn một người bán kính đeo mắt
Phóng viên: Thưa ông, thực chất của việc bán kính là gì?
Ông chủ: Là bán một cách nhìn.
Phóng viên: Cách nhìn? Điều đó có gì quan trọng không?
Ông chủ: Tôi cho rằng quan trọng vô cùng, nếu không muốn nói rằng là quan trọng nhất. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thay đổi cách nhìn là quan niệm sẽ khác đi, thậm chí, khác hoàn toàn.
Phóng viên: Ví dụ?
Ông chủ: Ví dụ như có hai nhà tiếp thị của công ty sản xuất giày cùng đến một hòn đảo. Người thứ nhất điện về: "Tuyệt vọng, ở đây chả ai đi giày". Người thứ hai phấn khởi điện về: "Sáng sủa vô cùng, ai cũng muốn mua giày mà chưa có để mua". Đấy, cách nhìn là như thế đấy. Cách nhìn ảnh hưởng đến hành động của chúng ta một... cách vô cùng sâu sắc.
Phóng viên: Cùng một sự kiện, chỉ cách nhìn khác nhau sẽ khác nhau?
Ông chủ: Hoàn toàn đúng.
Phóng viên: Vừa rồi là ví dụ ở tây. Ông có thể lấy ví dụ ở ta được không?
Ông chủ: Có chứ. Chẳng hạn như mới đây, nhà nước định xã hội hóa các đoàn kịch quốc doanh. Rất nhiều vị trưởng đoàn kêu lên: "Phải năm mươi năm mới xây dựng được, bây giờ phá bỏ à".
Phóng viên: Câu ấy có gì sai?
Ông chủ: Sai. Nếu như họ nói câu này: "Phải năm mươi năm mới tìm ra mô hình xã hội hóa, vậy đừng chậm thêm phút nào".
Phóng viên: Ờ nhỉ!
Ông chủ: Đấy. Cách nhìn là thế. Chỉ cần cách nhìn khác đi là ta sẽ khác đi.
Phóng viên: Cho nên, nói không ngoa...
Ông chủ: Mọi sự thay đổi trong xã hội chúng ta, trước tiên là thay đổi cách nhìn. Phải lập tức đổi mới cách nhìn, trên hết là cách nhìn, bắt đầu từ cách nhìn, rồi mới tới cách cử động chân tay.
Phóng viên: Chính xác. Vậy thưa ông, với mấy mươi năm làm nghề bán kính đeo mắt, ông thấy thay đổi cách nhìn có dễ không?
Ông chủ: Chả dễ mà cũng chả khó. Nó phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ và quan trọng nhất là chỗ đứng của mỗi con người trong xã hôi.
Phóng viên: Nghĩa là sự xung đột về cách nhìn bao gồm sự xung đột về nhiều mặt?
Ông chủ: Đúng thế! Nó hoàn toàn chả phụ thuộc vào... thị lực tí nào.
Phóng viên: Rắc rối nhỉ?
Ông chủ: Rắc rối lắm. Anh hãy coi đây: Trong hiệu của tôi bán hàng trăm loại kính. Chúng khác nhau về kiểu dáng, màu sắc, giá cả. Khác tới vô cùng. Nhưng những cặp khác nhau về cách nhìn thì vô cùng ít ỏi, và đôi khi... chả có người mua.
Phóng viên: Nghĩa là?
Ông chủ: Nghĩa là với tư cách một ông bán kính tôi nói rằng thảm họa nhất của cuộc sống là người ta hay nhìn, và qua đó, nghĩ giống nhau. Cách nhìn khác hẳn đi chỉ dành cho vĩ nhân.
Phóng viên: Hay cho những kẻ điên rồ?
Ông chủ: Tất nhiên. Xin lưu ý: nhiều vĩ nhân lúc chưa ai nhìn ra cũng giống hết điên rồ.
Phóng viên: Từ đó suy ra...
Ông chủ: Trong cách nhìn trên đời, cách nhìn người quan trọng nhất.
Phóng viên: Phải.
Ông chủ: Trên thực tế ở ta, nhìn ai thì cũng muốn cho "thích mắt" rồi "thích tai" và "thích tính" chứ không đặt phương châm "thích trí tuệ" lên đầu. Đấy là một nguyên nhân, theo tôi làm cho cuộc sống chúng ta không khá.
Phóng viên: Mặc dù khiến cho dân bán kính hưởng lợi?
Ông chủ: Phải! Nắm được đặc điểm này, dân bán kính chỉ cần chế tạo ra những kính lập lòe, những thứ đeo vào không phải để nhìn ai mà để ai nhìn mình, khiến cho bản chất của nhìn hoàn toàn thay đổi. Điều đó, buồn thay, lại tốt cho việc kinh doanh.
Phóng viên: Phải chăng ý ông là trong tiệm kính đeo mắt của ông, có rất nhiều cặp kính đắt tiền đeo vào chả để nhìn gì cả?
Ông chủ: Đúng thế. Nếu đeo kính lên mắt cũng nhìn như có hai mắt thì đeo kính làm chi? Nhưng sự thật này đâu phải ai cũng biết, và biết, đâu phải ai cũng thích nói ra. Tôi kêu gọi mọi người, trước khi nhìn đi đâu, cũng bỏ ra năm phút nhìn cặp kính của mình và tự hỏi: Ta cần nó hay nó cần ta? Ta cận thị trong nhãn cầu hay cận thị trong trí não? Ta không nhìn thấy hay thấy mà không dám nhìn?
Một vài suy nghĩ thêm từ bài viết
Minh Bùi (Công ty cổ phần Doanh nhân 360)
Bài viết rất hay và nhẹ nhàng. Nó có thể dùng để ngẫm về cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người. Đôi mắt hay đôi kính đều là phương tiện để chúng ta nhìn và sống tốt hơn. Đôi kính có sức mạnh của toàn bộ nền văn hóa vượt xa sự hữu hạn sinh học của đôi mắt. Giáo sư Phan Đình Diệu đã từng viết như sau: "Đời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó". (GS. Phan Đình Diệu). Rất nhiều người không nhận ra tầm quan trọng, ảnh hưởng quyết định của đôi kính - chính là cái bổ sung cách nghĩ (quan điểm về thế giới quan/ nhân sinh quan) đối với cuộc sống của bản thân. Tôi nghĩ bài viết này bàn về chính điều này vàđem đến gợi ý đáng suy nghĩ là: Mỗi cá nhân nên có thế giới quan/ nhân sinh quan tốt hơn.