Phong hoá suy đồi!
Này tôi nói cô nghe: Cứ giở báo ra là đập ngay vào mắt những tít lớn: Kinh hoàng (thực phẩm…), Tử thần (giao thông, xe khách…), Khủng khiếp (đồ chơi, games…), Ghê rợn (án tình, cướp của, bạo hành gia đình và trẻ em… ), Bức tử (sông, rừng…), Thê thảm (vùng lũ, vùng lở đất…), Thảm hoạ rình rập (khai thác tài nguyên, thuỷ điện…).
Toàn cảnh nước ta ngày nào cũng những từ ấy to đùng giữa trang nhất. Cốt là cảnh báo, bắt mọi người phải quan tâm, dùng “sốc điện” để chống cái bệnh thờ ơ, “lãnh cảm cộng đồng” của công dân hay cái nước mình nó thực là như thế hả cô?
Chắc là cả hai. Thực tế không có thì la lên sao được. Mà việc gì phải xem báo, cứ nhìn quanh khu phố văn hoá của mình cũng thấy ối cái kinh hoàng, táng đởm. Chưa tháng củ mật mà nhà ngoại em đã hai lần bị trộm bẻ khoá. Ngay dãy đằng sau nhà đang xây sập chết hai phụ hồ, góc bờ kênh bên chợ đầy kim tiêm, thứ hai vừa rồi tiệm vàng bị gí súng rượt đuổi như game bạo lực. Bà H. cô đơn chết mấy ngày không ai biết. Cô Y. bị ra toà vì chăn dắt trẻ đi ăn xin. Còn cả dàn cựu cán bộ quận ra toà vì “ăn đất” thì cả nước biết làm quận VG ta nổi tiếng quá trời v.v... Thứ hai là báo chí (kể cả mạng-net) thì phải báo động và phản biện, miễn là khách quan cấm vu khống, bịa tạc. Các nhà trí thức, đạo đức học và văn hoá, xã hội học đang rất bức xúc về tình trạng “Xuống cấp của văn hoá, đạo đức”. Nghe nói sẽ có các hội thảo khoa học nghiêm chỉnh về chuyện này.
Tôi thấy trăm năm qua “Phong hoá suy đồi” mấy đợt rồi! Cô có thấy đó là cảm hứng thi ca, là chủ đề xuyên suốt, nóng bỏng như than trong toàn bộ sự nghiệp của cụ Tú Xương không: Từ trò của vua “Xuân từ trong ấy mới ban ra” đến chuyện “đậu lậy, quan xin” (gian lận thi cử, xin xỏ chức vụ); Từ chuyện “chồng chung vợ chạ”, gia phong bại hoại “…con khinh bố /…vợ chửi chồng” tới tham nhũng “ông chỉ quen phê một chữ tiền” (tức phong bì) v.v… Em nghĩ chính cụ Tú là nhà xã hội học đô thị đầu tiên của mình thời “đô thị hoá lần I” cuối TK 19 đầu 20 khi mà đâu cũng thấy lấp sông làm phố, dở tỉnh dở quê “Bên làm nhà cửa, bên trồng ngô khoai”. Đô thị hoá vô ý thức, phi chiến lược thì phong hoá suy đồi. Đến thời cụ Phan Khôi, đô thị thực dân đã hình thành, văn hoá Đông Tây va đập toé lửa, báo chí cũng dày đặc, om xòm chuyện xuống cấp, suy đồi vì “lai căng” chưa xong mà các thứ hủ lậu phong kiến vẫn sống dai như đỉa!
Em xin nói thêm rằng hai cuộc ấy chưa to và đảo điên xã hội như từ cải cách ruộng đất đến cải tạo tư sản sau này. Phản phong kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” (con tố bố, vợ phản chồng… ). Mọi giá trị kiểu phong kiến như luân lý Khổng giáo bị coi là lạc hậu, toàn bộ đời sống tâm linh bị coi là mê tín dị đoan, các chuẩn văn hoá đạo đức tư bản như chủ nghĩa cá nhân, tư hữu, tự do cá nhân… đều là của địch, nguy hiểm cần triệt hạ. Đến cả văn hoá đạo đức tiểu tư sản cũng cần bị lên án và tránh xa. Ai kiểm điểm cũng thấy mình còn lãng mạn tiểu tư sản, còn hoang mang dao động, v.v... Tất nhiên cuộc “phản đế phản phong” ở ta còn chưa ác liệt bằng bên Tàu. Ở bển lúc đó yêu thích hoa cũng là theo văn hoá đồi trụy tư bản vì “hoa là bộ phận sinh dục” của thực vật! Trí thức được “công nông hoá”. Văn hoá, đạo đức công nhân - bần cố nông lên ngôi khuôn mẫu.
Và đợt “phong hoá suy đồi” thứ tư là hôm nay đây. Kinh tế thị trường, đô thị hoá ào ạt, mở cửa toàn cầu hoá… Kỳ này nó còn kinh hơn vì các “giá trị nền tảng” của văn hoá đạo đức lại đảo chiều 180 độ! Thời bao cấp tài sản là tài sản toàn dân, tiền là thứ xấu xa vô dụng, tự do cá nhân là thứ cần bài trừ. Nay tư hữu, sở hữu cá nhân là tối thượng (nhất là sở hữu trí tuệ). Tiền là tất cả vì mọi chuỗi giá trị văn hoá, đạo đức đều có thể chuyển đổi ra nó, qua nó. Tự do cá nhân là bất khả xâm phạm. Cô cứ xem chả phải chỉ vì ba thứ mới lên ngôi sở hữu, tiền và tự do cá nhân mà sinh ra đủ thứ tội ác, tệ nạn, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, huỷ hoại môi trường, coi thường pháp luật… từ to tới nhỏ sao? Vậy cứu vãn phong hoá, chống xuống cấp văn hoá đạo đức thì phải làm sao?
Quá rõ! Phải giáo dục, vun trồng ba thứ: Văn hoá Đạo đức - tiền, Văn hoá Đạo đức - sở hữu và Văn hoá Đạo đức - tự do cá nhân. Dân ta ai cũng biết ứng xử phải lẽ với tiền, với tư hữu, với tự do cá nhân thì phong hoá suy đồi sao được!
Nghe thì ngon nhưng chắc cũng mất “hai đời” nữa cô em ơi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)