Văn hóa phật giáo nền tảng của văn hóa Việt Nam

07:48 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Tư, 2010

Giáo sư Thái Kim Lan hiện đang dạy tại Đại học Ludwig- maximilian, Munich, Đức về Triết học và Phật học và là Chủ tịch Trung tâm giao lưu văn hóa Đức - Châu Á. Chúng tôi có buổi trò chuyện với Bà về những vấn đề của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thưa GS, văn hóa là một vấn đề rất chung nhưng cũng rất riêng và ai cũng có văn hóa nhưng không ai giống ai. Vậy thế nào là văn hóa Phật giáo Việt Nam?

Văn hóa Phật giáo Việt Nam là nền văn hóa lấy giáo lý đức Phật làm trung tâm, xây ra trên đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam, trong xã hội Việt Nam, trong lịch sử Việt Nam... gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cụ thể, nếu ta lấy sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam cách đây 2000 năm thì đồng nghĩa với ta có chừng ấy năm văn hóa Phật giáo Việt Nam. Như vậy, qua thời gian văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần vào phong tục tập quán, lối sống, hình thành tư tưởng tình cảm... của người Việt Nam. Tất cả những cái đó gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Văn hóa phật giáo Việt Nam được thể hiện trên rất nhiều phương diện. Vậy trọng tâm của văn hóa Phật giáo Việt Nam là gì?

Đó là đạo đức. Vì văn hóa Phật giáo nhấn mạnh đến cách thế sống của con người trong môi trường xã hội Việt Nam. Nó định hướng cho con người tư duy và hành động để đạt đến mục đích sống cao nhất cho bản thân và cộng đồng xã hội, thậm chí là môi trường thiên nhiên. Đó là tính thiện, tính hướng thiện. Điều này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp qua ca dao tục ngữ: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “nhân nào quả nấy”... đó đều là những phạm trù đạo đức.

Xin GS thử định vị trí của văn hóa Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt Nam?

Nó là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Tôi nói nền tảng bởi vì nó là cơ sở để người Việt tồn tại và phát triển trên phương diện quốc gia, dân tộc, tư tưởng... Chúng ta biết sự kiện 1000 năm đô hộ của người phương Bắc. Sự đô hộ tất nhiên diễn ra trên tất cả mọi phương diện, nhưng nặng nề nhất là ở tư tưởng. Nếu sự đô hộ bằng biên giới thì sau khi đanh đuôi kẻ thù ra khỏi biên giới là hết, còn vấn đề tư tưởng nó nằm trong đầu không dễ gì gột rửa được, thậm chí kéo dài cả nghìn năm, và rất nhiều dân tộc trên thế giới bị biến mất bằng mỹ từ đồng hóa.

Trung Quốc đã dùng Nho giáo để khống chế tư tưởng dân tộc ta cho mục đích đồng hóa. Chính lúc đó Phật giáo với những nét gần gũi, dung dị mà sâu lắng phù hợp với dân tộc ta được lựa chọn để làm công cụ đề kháng lại với tư tưởng Đại Hán xâm lăng phương Bắc, cho sự độc lập của dân tộc, điển hình là những trường hợp các vua đời Lý, đời Trần. Có thể nói tuyên ngôn độc lập của những tiền nhân này khởi từ ý thức và trải nghiệm về khái niệm “giải phóng khổ đau”, từ sự vận dụng trí tuệ khai phóng, từ chí nguyện thực hiện từ bi cho người bị áp bức, nghèo khổ, và uy dũng quyết tâm thực hiện chính nghĩa con người.

Một ví dụ nữa. Festival Huế tố chức rất nhiều lần, nhưng tôi cảm giác chưa chạm được đến chiều sâu nhất của văn hóa Huế, điều đó cũng có nghĩa là chưa thành công. Bởi vì sâu nhất của văn hóa Huế là Phật giáo. Văn hóa Phật giáo bàng bạc trong không gian, thấm đẫm trong hồn người sông Hương núi Này chừng nào chưa khai thác, khai thác chưa hết yếu tố này chừng đó Festival Huế vẫn chưa thành công.

Nói Phật giáo là hệ tư tưởng cho độc lập dân tộc. Nhưng Nho giáo là sản phẩm của dân tộc Trung Hoa, Phật giáo là sản phẩm của dân tộc Ấn Độ. Không ảnh hưởng Nho thì ảnh hưởng Phật, bản chất của nó đâu có gì khác nhau?

Khác nhau rất nhiều. Nho giáo đã là hệ tư tưởng của kẻ thù thống trị dân tộc ta, và ra sức đồng hóa dân tộc ta qua con đường văn hóa Nho giáo. Để thoát, khỏi một ảnh hưởng văn hóa phải dùng một hệ thống văn hóa khác xứng tầm. Lúc này văn hóa Phật giáo là duy nhất để lựa chọn. Hơn nữa, Ấn Độ ở rất xa ta và chưa bao giờ xâm lược ta. Mặt khác, ở đây ta xét đến tính nội tại của văn hóa phật giáo. Đó là tính độc lập rất cao. Nó phá vỡ mọi lệ thuộc, đưa con người đến đỉnh cao của chân lý và sáng tạo. Một đặc điểm nữa, Phật giáo là một nền văn hóa mở, ở đó dân tộc ta có thể tìm thấy những điều phù hợp cho mình, và sáng tạo đóng góp vào hệ thống giá từ đó, nên ta mới có Phật giáo Việt Nam, khác với Phật giáo các nước.

Như GS nói Phật giáo có rất nhiều cái hay. Nhưng chúng ta thấy ngày nay đến với Phật giáo chỉ có những người lớn tuổi, người không còn những khát vọng trần thế. Phải chăng Phật giáo ít chia sẻ những giá trị thời đại?

Đúng là hiện nay Phật giáo ít quan tâm đến nhu cầu của giới trẻ để có cách tiếp cận phù hợp nên không thu hút được họ là đương nhiên. Giới trẻ ngày nay nghĩ gì, thích gì, có những đau khổ gì đó là những vấn đề phải được đặt ra, trên cơ sở đó đem tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo ra mà vận dụng đế đáp ứng. Đáp ứng được thì họ theo là tất nhiên. Đây là tại chúng ta chưa vận dụng, không vận dụng, chứ không phải Phật giáo không có khả năng đáp ứng. “phật giáo tại thế gian, bất ly thế gian giác” tôi nghĩ đây là then chốt của vấn đề, và đây cũng là trách nhiệm của ngành văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, có ai “mới” và “trẻ” hơn vị Phật Hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm, với công án dành cho hậu thế: hãy sử dụng gia tài văn hoá Phật giáo như chìa khoá mở cửa sáng tạo!

Điều tâm đắc nhất GS muốn chia sẻ là gì?

Như tôi đã nói đó là đạo đức Phật giáo. Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Con đánh cha, vợ giết chồng, thầy giáo xâm hại học trò, cán bộ tham nhũng, người dân xem thường pháp luật, giới trẻ ngày càng sa đọa... đó là những biểu hiện băng hoại đạo đức trong xã hội, trong khi Phật giáo có một kho tàng đạo đức đồ sộ được kiểm định chất lượng qua lịch sử dân tộc, được cộng đồng quốc tế công nhận mà không đem ra ứng dụng được thì rất đáng tiếc. Tất nhiên để đi đến tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân như chiến tranh và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để ta làm những việc này.

Hội nhập là xu thế tất yếu ngày nay, GS nghĩ Phật giáo có thể đóng góp được gì cho xu thế đó?

Rất nhiều. Tôi nói cụ thể, hội nhập với quốc tế là để thế giới thấy được cái hay cái đẹp của Việt Nam, và học hỏi người ta để nâng cao đất nước, con người, văn hóa mình, chứ không phải chìm nghỉm trong bể mênh mông của văn hóa nhân loại. Muốn như thế thì những gì là tinh hoa của ta phải định cho rõ, phải phổ cập cho rộng rãi, phải thấm nhuần cho sâu xa. Ở đây, như tôi đã nói từ đầu, văn hóa Phật giáo qua thời gian đã thấm nhuần trong phong tục, tập quán, trong tâm tư, tình cảm giúp định hình nên cốt cách Việt... đây là điểm rất quan trọng mà ngành văn hóa Phật giáo nói riêng, Giáo hội Phật giáo nói chung phải nắm thật chắc để vun đắp cho cội nguồn văn hóa Việt. Nếu làm được như thế sẽ là một đóng góp vĩ đại nữa của Phật giáo cho dân tộc trong thời đại mới. Tôi xin nhắc một câu của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: “đừng để tầm thường xuân luống qua”.

Xin cảm ơn GS về buổi nói chuyện này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Buổi cơm trong gia đình

    09/08/2019Thái Kim LanDù kinh tế ngày nay có thừa cho thịt bổ rượu ngon, nhưng bỏ đi phẩm chất nuôi dưỡng con người sống “ngon”, sống lành mạnh trong tình thương, có thể làm cho con cái èo ọp hư hao trong tuổi lớn khôn. Chúng ta có thể sắp xếp thì giờ trong ngày cho một buổi ăn chung, thay vì mất nhiều thì giờ ngồi trong phòng đợi khám bệnh xin thuốc chữa dạ dày. Chọn lựa nào là khôn ngoan và có nghĩa cho cuộc sống gia đình?
  • Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo

    11/05/2019Bàng ẨnHoa sen đẹp hương thơm tinh khiết, nên được mọi người ưa chuộng. Ấn Độ giáo có truyền thuyết cho rằng lúc khởi đầu vũ trụ một hoa sen mọc lên từ rốn của thần Vishnu, giữa hoa có Phạm thiên ngói kiết già. Hoa sen lại là một trong tám biểu tượng của Phật giáo, khó có thể kể hết kinh sách Phật giáo nói về hoa sen, sau đây chỉ là khái lược...
  • Tản mạn về văn hóa Phật giáo Việt Nam

    09/08/2014Phan Đại DoãnNhững thành tựu của khoa học - công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến vĩ đại, đến nỗi thời đại đang tới được mệnh danh là 'thời đại tin học" ấy vậy mà trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại có nhiều vấn đề. Dường như các khoa học về luân lý - đạo đức lại đang “tụt hậu”. Việc tìm hiểu những giá trị trong văn hóa truyền thống là có ý nghĩa quan trọng, nhất là những đóng góp nhân văn - nhân bản của Phật giáo trong văn hóa dân tộc...
  • Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền

    18/02/2014Hoàng Độ (thực hiện)Suy nghĩ là tự định hướng cho số phận ở nhiều cấp độ: nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, bản thân. Suy nghĩ, hành động và kết quả thường là một thể thống nhất: gieo như thế nào, gặt như thế ấy...
  • Mỗi ngày nơi đây

    02/12/2009Thái Kim LanMỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Trịnh Công Sơn đã hát như thế về từng niềm Vui mà anh lượm được trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời. Anh “nhặt những bông hoa và những nụ cười, … nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay…”. Và khi anh nằm xuống, những đóa hoa muôn hương đã phủ lên người anh…
  • Truyền thống và hiện đại

    21/09/2009Thái Kim LanMâu thuẫn “truyền thống và hiện đại” phát sinh, một khi tính chính thống đưa đến bảo thủ. Ngược lại nếu hiện đại không đưa ra được một nội dung có ý nghĩa cho cuộc sống văn hóa hiện tiền, nếu hiện đại làm nghèo nội dung nhân bản của con người, hiện đại sẽ bị đào thải và loại bỏ ra ngoài tính liên tục, không thể trở nên “truyền thống” cho tương lai.
  • Kant với vấn đề giáo dục

    05/03/2009Thái Kim LanBài viết nhằm giới thiệu một số ý kiến của triết gia thời Khai sáng, I. Kant, về vấn đề giáo dục mà không đưa ra phê phán hay hệ thống hoá, có mục đích cung cấp tài liệu tham khảo để thảo luận hay suy nghĩ tiếp.
  • Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

    03/04/2008Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...
  • xem toàn bộ