Không chi bằng học
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (ảnh) đã chia sẻ với phóng viên Sinh Viên Việt Nam về sự thực học, trách nhiệm của sinh viên với các vấn đề của thời cuộc...
Thấy giá trị của Tự do để tin tưởng và đi tới
Thưa bà, chiến tranh đã lùi xa nhưng đất nước vẫn còn nhiều điều đáng trăn trở. Từng trải qua hai cuộc chiến tranh lớn của dân tộc, bà cảm nhận điều này ra sao?
Trước đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cực kỳ gian khổ, khó khăn ác liệt nhưng mục tiêu rõ ràng và bối cảnh xã hội trong nước cũng như trên thế giới cũng không quá phức tạp. Lúc bấy giờ, chỉ có một con đường đi, chỉ có một mục tiêu là vì độc lập dân tộc, vì tự do của đất nước. Bây giờ, mục tiêu không đơn giản như trước, có thuận lợi là chúng ta độc lập, chúng ta làm chủ đất nước nhưng yêu cầu, nhiệm vụ lại rất nặng nề. Cũng có thể hình dung là trước đây, mình phải đập phá những cái cũ, thì nay mình phải xây cái mới. Đập phá không phải dễ, nhưng còn dễ hơn là xây.
Theo bà, đâu là giá trị và phẩm chất cốt lõi mà mỗi công dân Việt Nam cần có sau 37 năm "non sông thu về một mối"?
Tôi thấy thấm thía câu này: "Khi chúng ta giành độc lập dân tộc thì chúng ta mới giành được quyền tự do chứ chúng ta chưa có tự do". Đúng là như vậy, chúng ta mới giành được quyền tự do nhưng tự do thực sự thì không phải là một câu thần chú (hô là có được). "Tự do" với cái nghĩa rất tốt đẹp: Tự do là tự chủ đất nước, con người phát triển theo nguyện vọng của mình... Tự do đó mới thực sự là Tự Do, mới thực sự là Hạnh Phúc.
Hiện nay, đó chính là nhiệm vụ của chúng ta: Phải xây dựng một đất nước tự do, tự do cho từng người và tự do cho cả đất nước. Bác Hồ nói đại ý rằng: Nếu chúng ta giành độc lập mà nhân dân không có hạnh phúc thì độc lập đó chưa có ý nghĩa đầy đủ. Nay chúng ta có độc lập nhưng chúng ta chưa có hạnh phúc trọn vẹn. Người nghèo trong xã hội chúng ta còn nhiều. Hãy tự vấn về cuộc sống xung quanh: Những cháu nhỏ được chăm sóc như thế nào, người già được chăm sóc ra sao… nhất là những vùng xa xôi, chúng ta còn nghèo khó lắm. Bây giờ, chúng ta phải kiến tạo hạnh phúc, dù việc này rất khó. Đây không chỉ là việc của một số người tiên phong mà phải là sự hiệp tâm của tất cả mới làm được, nó khó ở chỗ đó.
Đối với các bạn sinh viên, có thể coi các bạn là nguyên khí của quốc gia. Các bạn phải nhận thức được rằng, nhiệm vụ của các bạn rất nặng nề. Phải tự hào là mình có quyền tự do, mà không phải ai cũng có được điều đó, phải thấy được công lao của người đi trước, phải thấy được truyền thống, tố chất của người Việt Nam... để tin tưởng và đi tới.
Từng là một chính trị gia, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, cảm thức của bà sau mỗi chuyến đi là gì?
Nói thật, đi nhiều nước, thấy dân tộc mình anh hùng, cả thế giới khâm phục, nhưng nhìn lại mình thì còn nhiều thứ yếu kém! Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần một thế kỷ có nói: "Chúng ta đánh thua Pháp vì chúng ta kém họ cả một thời đại", họ là công nghiệp rồi mình vẫn còn phong kiến. Đó cũng nói lên sự chậm phát triển của chúng ta, cả về trình độ về khoa học và cả về mặt văn minh. Bây giờ, đó vẫn là câu chuyện thời sự. Tôi rất thích câu hát của thanh niên: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc". Phải làm cho nhiều thanh niên hiểu rõ được điều đó để ra sức học tập, phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh.
"Thực học, thực hành"
Bà là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, triết lý nào ở cụ mà bà thấy tâm đắc nhất?
Cụ nói "không chi bằng học", đưa quan điểm "nâng dân trí", "chấn dân khí", thực hiện được hai điều này mới có hạnh phúc - "hậu dân sinh". Trước tiên, đất nước phải được độc lập, nay mình đã độc lập rồi, phải lo dân trí, nhưng dân trí của ta nhìn chung còn thấp! Xe cộ lạng lách như thế này là thiếu dân trí, làm buôn bán mà gian dối là thiếu dân trí...
Chúng ta đã coi giáo dục là "quốc sách hàng đầu", vậy nhưng tại sao vẫn có tình trạng trên, thưa bà?
Chính sách đó hết sức đúng, nhưng chúng ta nói mà không quyết liệt làm. Trước yêu cầu to lớn của đất nước, hiện nay, chúng ta càng phải tập trung vào lĩnh vực này. Có kinh nghiệm nhiều nước rồi! Nước Nhật bứt phá vươn lên được như ngày nay là nhờ vào giáo dục. Người Hàn Quốc cũng vậy... Ở nhiều nước phát triển, họ cũng đi lên bằng giáo dục. Nền giáo dục đó vì con người, đào tạo ra được những con người có chất lượng, có trình độ. Do trình độ dân trí mình còn thấp nên trình độ về văn hóa, kinh tế cũng hạn chế, cho nên phải thấy giáo dục là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước.
Đâu là căn bệnh lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Bây giờ, hiện tượng khá phổ biến là chạy theo điểm số. Không ít sinh viên cũng chạy theo bằng cấp chứ không phải là nghĩ đến vấn đề nâng trình độ của mình. Bằng cấp không thể tạo ra năng lực, làm ra của cải cho xã hội... Theo tôi, thanh niên bây giờ phải làm nhiều việc nhưng trước hết phải học. Học thực sự, học có mục đích để giúp ích cho bản thân và cho đất nước. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh đến việc chúng ta cần một nền giáo dục "trung thực, lành mạnh, tiên tiến".
Thưa bà, trong cuộc sống của bà, bà tôn thờ điều gì nhất?
Trung thực. Tôi cho rằng, con người trước hết phải trung thực thì mọi thứ khác sẽ tốt lên. Đảng viên mà không trung thực thì không phải đảng viên nữa, con người không trung thực thì không phải con người tốt. Trung thực với mình, với bạn bè, với đất nước…
Sức mạnh nội lực là chủ quyền quốc gia
Để đất nước được độc lập, ta đã phải đổ xương máu. Nhưng để giữ nước, theo bà, điều cốt lõi người trẻ phải làm gì?
Khi tôi xem những sơ đồ về kinh tế và năng suất lao động thấy giá trị gia tăng của ta ngày càng thấp. Như vậy thì gay quá! Nước mạnh là phải mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa... Nhưng nền kinh tế của mình có giá trị gia tăng ngày càng thấp thế này thì làm sao?! Cho nên, muốn bảo vệ độc lập dân tộc thì trước hết nội lực phải mạnh, mà cái gốc vẫn là thế mạnh về kinh tế.
Kinh tế của mình còn yếu, kể cả nông nghiệp! Nông nghiệp là lĩnh vực tưởng chừng như có thế mạnh nhất, nhưng ta vẫn phải mua bao nhiêu thứ (từ giống đến phân bón...) từ nước ngoài... Mà những việc này mình có thể làm được! Tại sao không làm?
Ngày xưa, trong chiến tranh, sau mỗi trận thắng bà thường nghĩ đến điều gì?
Thắng trận, ta có quyền phấn khởi nhưng không bao giờ được tự mãn vì nhiệm vụ trước mắt ngày càng khó hơn, nặng hơn. Hồi trước, tôi nghĩ hòa bình lập lại rồi, mình chẳng cần đi đâu hết, chỉ cần ở nhà. Nhưng thực tế cho thấy, hòa bình rồi mà bao nhiêu việc còn ngổn ngang...
Nhiều người thì cho rằng, ta ngủ quên trên chiến thắng ở thời bình... Bà nghĩ sao?
Khi ta xuất phát từ điểm 0 đi lên, thì có thể nhanh nhưng sau đó không phải dễ dàng. Khi có đường lối Đổi mới, giải phóng sức lao động, mở cửa... ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng để tiếp tục ta cần có những yếu tố vững chắc. Phải đi vào năng suất, chất lượng, hiệu quả, có nghĩa là không phát triển theo bề rộng mà phải phát triển bền vững. Những khó khăn lớn về kinh tế, xã hội hiện nay của ta có phần do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu nhưng chủ yếu là do sự yếu kém chủ quan của chúng ta.
Trong chiến tranh, để chiến thắng kẻ thù, theo bà, yếu tố nào là quan trọng?
Có rất nhiều yếu tố, nhưng niềm tin là trước hết. Có một điều lạ là từ khi tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có lúc tưởng chừng khó khăn, ghê gớm... nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể thất bại. Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những nhà lãnh đạo xuất sắc. Cho nên chủ trương của Đảng đưa ra là tất cả các đảng viên và toàn dân hăng hái thực hiện, bất chấp gian khổ, hy sinh. Và chúng ta đã chiến thắng.
Trong thời bình, trên một chặng đường dài đến đích của thành công, niềm tin cũng rất quan trọng. Hiện tại, về giá trị niềm tin, bà thấy thế nào?
Bây giờ, mình phải thực hiện nhiều mục tiêu, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh quốc phòng… Yêu cầu cao, tình hình khó khăn, càng phải có niềm tin, có sự đoàn kết mạnh mẽ. Để tạo được niềm tin, cần làm cho người dân thấy rõ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng, và họ tin lãnh đạo của mình sáng suốt, hành động vì lợi ích đất nước. Phải cho dân thấy, lãnh đạo và nhân dân đang cùng đi trên một con thuyền, theo một mục tiêu: Đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tiến lên CNXH; trước mắt là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin cảm ơn bà và chúc bà mạnh khỏe!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý