Phải chăng cái “Ác” đang lấn át cái “Thiện”

03:24 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Hai, 2011

Trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, cái thiện- cái ác cùng tồn tại song hành với nhau. Xã hội loài người muốn tồn tại phát triển bền vững thì luôn luôn phải hướng con người đến cái thiện và đẩy lùi cái ác. Nhà nước ra đời, hệ thống pháp luật ra đời chính là để quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi con người theo một trật tự nhất định. Tuy nhiên dù có nhà nước, dù có pháp luật thì cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là cuộc đấu tranh vô cùng cam go.

Trong không khí vui vẻ của đầu xuân năm mới, lý ra ta chỉ nên nói những điều tốt đẹp, nhưng cuộc sống đâu chỉ có vậy, bên cạnh nhiều điều tốt đẹp, đâu đó vẫn còn tồn tại, nảy sinh nhiều điều xấu xa. Nhân số báo tết in nhiều, phát hành tới toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên, tờ báo sẽ theo sinh viên tới từng gia đình, người viết bài muốn trong niềm vui đón mùa xuân mới mọi người cũng tĩnh tâm suy ngẫm về những điều còn chưa đẹp, chưa tốt để cùng nhau đẩy lùi nó ra khỏi cuộc sống.

Cái ác xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:

Liên tục trong thời gian vừa qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng: Nguyễn Thị Thuận là giáo viên trường tiều học Xuân Phương (Từ Liêm- Hà Nội) do mâu thuẫn gia đình đã đang tâm thuê người tưới xăng vào nhà anh chồng đốt. Hậu quả làm ba người tử vong.

Vũ Thị Kim Anh- Sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Sư Phạm I- Hà Nội, quê Cao Bằng chỉ vì sợ lộ mối quan hệ tình ái không chính đáng của mình đã ra tay cắt cổ anh Nguyễn Tiến Chính- người tình cũ; Nguyễn Đức Nghĩa- sinh viên trường Đại Học Ngoại Thương đã giết bạn gái, chiếm đoạt tài sản và che dấu tội phạm rất dã man; Liên tục những vụ án tiếp theo xảy ra khắp mọi miền đất nước từ Bắc đến Nam, tuần nào, tháng nào mở mạng ra là có.

Không chỉ các cá nhân phạm tội ác dã man mà cả cộng đồng dân cư cũng vậy: Chỉ vì mất trộm chó mà người dân Nghệ An đã đánh chết kẻ câu trộm chó rồi đốt xác. Hai vụ án như vậy xảy ra cách nhau có vài ngày.

Ghen tuông, túng quẫn, ức chế vì hành vi của người khác nên phạm tội ác cũng còn không thể tha thứ được huống hồ dưng không mà đối xử tàn nhẫn với trẻ nhỏ: vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở Thanh Xuân- Hà Nội hành hạ dã man em Bình giúp việc trong gia đình; Vụ vợ chồng chủ trại tôm giống Giang- Thơm ở Cà Mau hành hạ dã man em Hào Anh.

Hai vụ án hành hạ dã man trẻ nhỏ đã được đưa ra xét xử, kẻ ác đã bị pháp luật trừng trị một cách đích đáng. Những tưởng đó là bài học cho những ai có ác tâm với người khác, nhưng không tiếp tục lại có nhiều hành vi ác độc tiếp tục xảy ra với trẻ nhỏ. Vụ đâm kim khâu lốp và đầu trẻ sơ sinh ở Thái Nguyên; Vụ Bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa- Chủ cơ sở giữ trẻ tư nhân ở Thành phố Biên Hoà- Đồng Nai đánh đập, chửi bới, hành hạ các cháu nhỏ chưa nguôi ngoai thì gần đây nhất là vụ Bảo mẫu Trần Thị Phụng ở Bình Dương hành hạ các cháu nhỏ mà thị nhận trông giữ. Xem đoạn VIDEO clip hành động ngược đãi của Bảo mẫu mà tôi rùng mình không thể xem tiếp được nữa.

Cái ác không chỉ xảy ra ngoài xã hội, cái ác còn xảy ra đối với người thân trong gia đình: Chị Lý Thị Nghi (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) đã bị chồng là Đào Văn Tuyến đánh đập và lột sạch quần áo, rồi nhốt vào chuồng chó; Vụ con trai đánh mẹ già ở Gò Vấp Thành Phố Hồ Chí mInh. Theo phản ánh của hàng xóm, cụ Thuý (85 tuổi) bị con trai ruột ngược đãi hàng ngày. Con trai từng cầm chổi canh mẹ ăn cơm, nếu để cơm đổ là đánh; Vụ Lê Văn Khanh ở Tuy Phước- Bình Định vô cớ đánh cha ruột là ông Lê Thơm (88 tuổi) trọng thương.

Cái ác len lỏi vào môi trường giáo dục. Cô giáo cho cả lớp tát vào mặt bạn : Do vài lần bỏ quên ở nhà sổ theo dõi thi đua của lớp, em Trần Thị Ngọc, học sinh lớp 4B, trường tiểu học Minh Quang (Vũ Thư, Thái Bình), đã bị cô chủ nhiệm Trương Thị Phương phạt bằng cách cho 32 học sinh lần lượt tát vào mặt. Hậu quả, em Ngọc phải điều trị gần 10 ngày tại bệnh viện.

Cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (29 tuổi, Đồng Tháp) nhà trẻ tư thục Hoa Lan thấy bé trai không chịu ăn, cứ khóc đã nghĩ cách “hù doạ” cho bé vào thang máy vận chuyển thức ăn và “ấn nút” khiến học sinh này bị đa chấn thương phải nhập viện.

Cái ác sau vô lăng ô tô:

Đặng Hữu Anh Tuấn (25 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức) là tài xế lái xe container. Đêm 14-5-2009, Tuấn lái xe container trên đường Luỹ Bán Bích thì gây tai nạn cán lên chân của em Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1993). Mặc nạn nhân kêu cứu hoảng loạn, người đi đường cũng chạy theo báo hiệu cho Tuấn lùi xe để kéo nạn nhân ra những Tuấn vẫn tiếp tục rồ ga làm bánh xe phía sau cán lên người nạn nhân một lần nữa. Biết đã cán vào người nạn nhân nhưng Tuấn không dừng xe lại mà cho lùi xe, đánh lái rồi bỏ chạy. Lần lùi xe này Tuấn đã cán lên người nạn nhân lần thứ ba. Tai nạn đã làm em Hội tử vong. Cái chết oan uổng của cô bé tuổi trăng tròn quá thảm thương. Em không chết vì tai nạn giao thông mà chết vì lòng dạ độc ác của con người.

Cái ác ẩn trong hải sản ủ đạm urê, bánh phở chứa phóc môn, trong trái cây chín mọng ngâm dung dịch độc hại, gây ung thư cho con người; Cái ác lẩn khuất trong mầm rau nhiễm thuốc trừ sâu hay phân hữu cơ mang mầm bệnh; Cái ác nhào trộn trong sữa nhiễm melamine gây sỏi thận và nguy cơ tử vong ở trẻ em. Cuộc chiến chống cái ác trong bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên phức tạp, khó khăn hơn bao giờ hết. Cái ác không lộ diện. Cái ác không công khai tuyên chiến. Cái ác nhiều khi bùng phát ngẫu nhiên như ung nhọt nẩy sinh ngay từ trong huyết mạch của con người.

Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao bây giờ nhiều người ác đến thế? Làm thế nào để hạn chế cái ác? Để trả lời câu hỏi này chẳng dễ chút nào.

Suy cho cùng, mọi cái ác đều xuất phát từ lòng ham muốn thoả mãn những dục vọng của con người. Nhiều khi ranh giới giữa thiện và ác hết sức nhỏ nhoi và mong manh. Nó tồn tại song song ngay trong chính mỗi con người. Mong manh đến mức đôi khi bước qua nó mà chính người trong cuộc cũng không thể lý giải được. Nhiều khi con người thực hiện cái ác mà không lường hết được hậu quả khôn lường từ hành vi gieo mầm ác của mình. Chính vì vậy tiêu diệt cái ác lại càng khó khăn hơn. Cái ác không những được che đậy tinh vi hơn mà nhiều khi con bùng phát bất thường từ chính những con người vốn được xem là lương thiện.

Để phần nào giảm thiểu sự ác, chúng ta cần coi trọng giáo dục con người. Giáo dục con người phải có tính liên tục từ mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông…

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền
Hiền dữ đâu phải là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Nhật ký trong tù

Song song với biện pháp giáo dục thì biện pháp tuyên truyền, nêu gương tốt cũng cần phải được chú trọng.

Cuối cùng là biện pháp trừng phạt của pháp luật. Pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh. Cái ác phải bị trả giá. Có như vậy cái ác mới bị đẩy lùi, xã hội mới ngày một tốt đẹp hơn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thiện Ác

    17/01/2016ThuGiang - Nguyễn Duy CầnNhà Ðạo học Tây phương Plotin có nói : " Dù là việc Ác, cũng một phần nào cần thiết như việc Thiện, vì nó phát sinh ra được nhiều tốt đẹp; nó dẫn dắt tìm những phát sinh sáng tạo lợi ích và bắt buộc con người biết thận trọng và ngăn cấm không cho sa vào giấc ngủ mê man, một sự an thân lười biếng. Bóng tối cần cho Ánh sáng, Ác cần cho Thiện, Vô minh cần cho Giác ngộ... Và hơn nữa : Phiền não tức là Bồ đề ...Cả hai là Một .
  • Lương thiện: Sức mạnh của người lãnh đạo

    28/11/2013Sông ThươngĐối với mỗi người dân, nhà lãnh đạo không chỉ là người có tài quản lý mà trước hết đó phải là một công dân lương thiện, trung thực. Luôn có cơ hội để các nhà lãnh đạo biểu thị sự gây ảnh hưởng về đạo đức của mình, nhưng điều quan trọng là họ có biết vận dụng mọi cơ hội chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại.
  • “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!”

    27/01/2011Cảnh Chánh tổng hợpTrong năm 2009, sau khi hàng loạt phát biểu được Tân Hoa xã bình chọn là những phát biểu gây sốc trong năm, những tưởng quan chức Trung Quốc sẽ chú ý hơn lời ăn tiếng nói của mình. Nhưng tổng kết năm 2010 cho thấy chẳng có gì thay đổi...
  • Hướng thiện

    26/05/2010Sáu NghệGần đây, xảy ra nhiều vụ thanh niên giết người lạnh lùng. Tại sao họ còn rất trẻ mà cái ác đã lấn át hết cái thiện để sẵn sàng xuống tay giết người như những sát thủ máu lạnh. Tuổi trẻ, tương lai còn ở phía trước, biết bao mơ ước, hoài bão đang đợi chờ, tại sao họ thản nhiên vứt bỏ tất cả, điều gì đã diễn ra trong họ?
  • Cái ác sinh ra từ Games online?

    15/07/2009Nguyên Cẩn (Theo VHPG)Làm sao giáo dục tính THIỆN trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu.
  • Chân thiện mỹ: “Bộ luật tối cao của loài người”

    09/01/2008Trần Văn LýCái quá trình: nhận biết (hiểu), chọn lọc ấy có một số sự vật, sự việc trong thiên nhiên, vũ trụ và trong xã hội: Phù hợp với lợi ích (vật chất, tinh thần), phù hợp với ý thích (quan niệm), phù hợp với khát vọng (ước mơ) của con người thì đó là cái đẹp...
  • Giáo dục với tăng thiện giảm ác

    04/01/2006TS. Nguyễn Chu PhácCái ác của con người đang tăng lên đáng lo ngại, hàng ngày biết bao nhiêu chuyện "giết người" với nhiều cách khác nhau: có loại bằng dao, bằng súng đổ máu, có loại đang được gọi với cái tên tham nhũng, móc tiền của Nhà nước, của nhân dân một cách tàn bạo, có loại bằng mưu mô thâm độc...
  • xem toàn bộ