Thiện Ác
Nhà Ðạo học Tây phương Plotin có nói : " Dù là việc Ác, cũng một phần nào cần thiết như việc Thiện, vì nó phát sinh ra được nhiều tốt đẹp; nó dẫn dắt tìm những phát sinh sáng tạo lợi ích và bắt buộc con người biết thận trọng và ngăn cấm không cho sa vào giấc ngủ mê man, một sự an thân lười biếng. Bóng tối cần cho Ánh sáng, Ác cần cho Thiện, Vô minh cần cho Giác ngộ... Và hơn nữa : Phiền não tức là Bồ đề ...Cả hai là Một .
Người ta, ngày nào còn bị ràng buộc trong cái tướng giả hữu của hiện tượng giới ... thì còn dùng đến danh từ " lợi hại ", " thiện ác ", " thị phi " " hữu đạo, vô đạo".... rồi đặt thành quy luật để bảo vệ cái Thiện, bài trò cái Ác... mà chẳng hay rằng tất cả vạn hữu trên thế gian này đều chằng chịt với nhau như các tế bào trong một thân thể chung . Bởi hiểu rõ cái lẽ "sự sự vô ngại" của hiện hữu mà tất cả mọi người Giác Ngộ từ trước đến giờ... đều không chấp nhận luật tử hình hoặc hành hạ bất cứ một tội nhân nào bởi tất cả chúng sinh là Một.
Từ ngàn xưa.... những người chưa Giác Ngộ đều cho rằng giáo lý của các Bậc Ðại Giác ( như Phật, Lão, Trang v.v....) không thể bao giờ áp dụng được trong hiện tình xã hội loài người mà phải dùng đến cái luật cùa rừng rú ( loi de la jungle ) nghĩa là "hễ ai móc mình một con mắt, thì hãy móc lại một con mắt ; bẻ mình một cái răng thì bẻ lại một cái răng" ( oeil pour oeil, dent pour dent ) nghĩa là "Thiện Ác đáo đầu, chung hữu báo".
Ðể chỉ cho nhân loại cái phương pháp vượt khỏi sự nô lệ ngoại cảnh, vượt khỏi sự hằn học, thù hận của loài người lẫn nhau (vì tranh nhau về vấn đề Thiện Ác) vượt lên những quan niệm sai lầm của các thứ nhận thức nhị nguyên đã ràng buộc con người trong vòng u mê, tội lỗi, sân si, tham dục ... mà Thích Ca Như Lai mới hoằng dương Phật pháp .
Ðạo Phật là một đạo Ðại Từ Bi, Năng Hỷ Xả và người tu hành Bồ Tát phải ... không còn phân biệt kẻ lành, người dữ, kẻ thiện người ác, nghĩa là phải biết "thường hành bình đẳng ".
Ta có thể nói rằng: Nhân Ngã không phải là hai, Bởi Vô Minh nên có Nhân, có Ngã, nên mới có Thiện, có Ác, có lợi, có hại. Trái lại, nếu nhận rõ tất cả là Một, Ta là Người, thì đối với lợi hại, thiện ác sẽ không còn nữa, vì cái hại của kẻ này là cái lợi của kẻ kia, cái lợi của người kia là cái hại của người nọ ... không có cái gì thêm cho ai, bớt cho ai, lợi cho ai, vì tất cả là Một, và tất cả là Ta.
Nói một cách khác, nếu vẫn còn thấy có một cái Ta thì bất cứ làm gì chỉ có lợi cho Ta, cho gia đình Ta, cho bè bạn Ta, cho quốc gia Ta, cho dân tộc Ta mà có hại cho Ðoàn Thể không phải là Ta ... đều là Ác cả . Nếu làm lợi cho tất cả mọi người .... thì mới gọi là Thiện. Ðịnh nghĩa được như thế, mới nhận thấy được cái phản "Liễu nghĩa" ( cái nghĩa rốt ráo, cùng ý tận nghĩa ) về Thiện Ác của Phật giáo.
Nhận xét về Thiện Ác, Phật giáo căn cứ vào tiêu chuẩn lợi và hại. Lợi cho tất cả, là Thiện ; lợi cho mình mà hại cho người là Ác. Bởi cái lý "Nhất đa tương dung" nên người tu Phật không bao giờ gây đau khổ cho ai tất cả .
Nhưng, cũng cần lưu ý đến điều này : theo Phật giáo cứ là làm việc gì ... không nên căn cứ vào việc làm ấy mà phải căn cứ vào cái tâm của người làm việc ấy trước hết. Có khi là một việc mà thiên hạ, luân lý, đều cho là Ác, mà không Ác, là vì việc làm ấy phát ra do một thiện tâm, thiện ý cải thiện hay cứu rỗi. Cũng cùng một việc làm mà người này làm, sẽ được gọi là Thiện, còn người kia làm, lại bị xem là Ác.
"Thiện Ác" ( theo nghĩa thông thường ) cần phải được nhìn với cặp mắt đại đồng, cần phải xem như hai đứa trẻ sinh đôi cùng một vú mẹ, như một quả tim với hai buồng máu đỏ đen... Hay nói theo triết học Kinh Dịch : "Thiện Ác giống như cặp Âm Dương, tuy thấy như mâu thuẫn mà chẳng hề bao giờ rời nhau. Sở dĩ được gọi là Dương là vì phần Dương lấn phần Âm, được gọi là Âm là vì phần Âm lấn phần Dương. Thực ra không vật nào trên đời mà thuần Dương hay thuần Âm, cũng như không có gì thuần Ác hay thuần Thiện. Không có một đức tốt nào mà không bị đeo theo một tật xấu của nó." Phải biết vượt lên trên cả Ác lẫn Thiện, thì mới mong siêu thoát luân hồi mà vào cảnh trí Niết Bàn . Tu " Thiện nghiệp" để phá trừ "Ác nghiệp" lại được một số đông người học Phật cho là phương tiện để đi lần đến Phật Thừa.
Họ lầm và lầm to. Họ quên rằng muốn được giải thoát, muốn được vào Niết Bàn, phải vượt lên trên mọi cặp mâu thuẫn Thiện Ác mới cầu được Trí Tuệ Bát Nhã. Một cái " Ngã" mà to lớn, tốt đẹp bao nhiêu, vẫn là cái "Ngã ", cũng như một sợi dây xích bằng sắt hay bằng vàng vẫn gọi là sợi dây xích. Nó vẫn ràng buộc, cột chặt con người trong vòng sinh tử luân hồi và đau khổ của họ.. Cả hai đều Mê lầm như nhau, cả hai đều bị màn Vô Minh và Ái, Thủ, Hữu... che lấp, bị tham, sân, si dày vò cau xé tâm hồn. Cho nên, tu "Thiện nghiệp ", tu cầu phúc... sẽ không bao giờ đưa đến giải thoát được !
Người ta vì không nhận rõ được cái chân lý ấy, nên thường tưởng lầm rằng "Tu" giải thoát, là lấy cái Thiện mà trừ cái Ác, không dè Thiện hay Ác đều do Vô Minh mà ra cả ( Ác là do lòng ích kỷ mà ra; thì Thiện cũng chỉ là một hình thức khác của " ngã chấp ", tức là lòng nghĩ có mình " autre forme subtile de l'égotisme" ) . Bị Ác nghiệp thì lăn trôi trong dòng sinh tử luân hồi nhưng được Thiện nghiệp, vẫn cũng bị lăn trôi trong dòng sinh tử luân hồi như người bị Ác nghiệp nào có khác gì ở phương diện bị bó mình trong nghiệp báo.
Tu Phật, là tu để chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo... là tu để chứng nhập Niết Bàn, nếu lại tu theo cách cầu phúc báo, tu theo Thiện nghiệp để rồi phải bị trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi, thì cái " Tu" đó, là tu " Ác đạo ".
Một nhà đạo học Ấn độ trứ danh hiện nay cũng cùng một nhận xét như trên khi ông nói : "Người đạo đức đầy đức tốt, cũng như người xấu xa đầy tật xấu đều không ai gần Chân Lý cả ; Gần Chân Lý là kẻ đã vượt thoát cả hai..... đừng tìm cách để mà tạo cho mình những đức tốt, mà phải tìm cho ra cái nguyên nhân của sự chia phân, tức là cái ngã thức... đừng lấy cái đức tốt này mà đả phá cái tật xấu kia ( nghĩa là đừng dùng một trong cặp mâu thuẩn Thiện Ác để chế trị lẫn nhau ), cũng đừng tìm cách lập lại quân bình giữa hai cái mâu thuẩn ấy, vì làm thế chỉ làm cho bên đối phương càng mạnh thêm lên . ( So sánh với lời này của Lão Tử : "Tương dục hấp chi, tất cố trương chi ; tương dục diệt chi, tất cố cường chi, tương dục phế chi, tất cố hưng chi ; tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi" ( Nghĩa là hòng muốn thu rút đó, lại sắp mở rộng cho đó ; hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm cho đó mạnh lên; hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm cho đó hưng khởi lên ; hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban cho đó "Lão Tử Tinh Hoa, Tr 131-132 )."
Cái mà gây ra những sự chống đối nhau, chính là lòng ích kỷ, là cái ý niệm chia phân. (Chia phân Thiện Ác của cái Tâm Sai biệt của mình). Cái đối lập cũng chứa đựng ngay cái phần mà nó đối lập, nghĩa là cái phần mà mình trốn tránh .
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh