Phải có khát vọng đọc những thứ tử tế
Thi thoảng tôi lại có dịp ngồi cà phê hầu chuyện nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập, và lần nào những câu chuyện của ông Lập cũng hút tôi, đến hết những vùng kiến thức mênh mang này tới những vùng kiến thức mênh mang khác...
Tôi không nhớ hết đã được nghe ông Lập nói về những chủ đề nào, nhưng tôi nhớ là lần gần nhất, ông nói rất nhiều đến sự đọc, đến văn hóa đọc của người trẻ hiện nay - điều mà cá nhân tôi cũng có nhiều thắc mắc, và rất muốn một nhà nghiên cứu triết học như ông giải mã cho tường tận.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Tiến sĩ Ngô Tự Lập, có lẽ là ông cũng phải ít nhiều quan tâm đến văn hóa đọc của các bạn trẻ hiện nay chứ ạ?
- Tiến sĩ Ngô Tự Lập: Tôi vừa là người làm giáo dục vừa là một người bố, nên phải quan tâm đến chuyện con mình đọc cái gì. Tôi cũng là một người học, nên luôn nghĩ về việc phải làm thế nào để cùng nhau đọc cho hiệu quả. Cuối cùng, tôi cũng là người viết văn, viết nhạc, và dịch thuật. Với những tư cách ấy, tôi đương nhiên phải quan tâm đến việc các bạn trẻ đang đọc cái gì. Bởi nếu không quan tâm, không hiểu các bạn thì tôi viết cho ai?
- Vậy thì một cách khái quát nhất, ông thấy lạc quan hay bi quan với văn hóa đọc của người trẻ hiện nay?
- Có cả bi quan lẫn lạc quan, nhưng lạc quan nhiều hơn. Tôi có đọc những bài báo gần đây của những học giả cùng thế hệ với tôi, kêu ca về việc các bạn trẻ giờ thế này thế kia, khiến họ rất lo lắng. Nhưng tôi nghĩ trong lịch sử, việc người già chê người trẻ theo kiểu “sao bây giờ nó lười thế?”, “sao ngôn ngữ của nó kém thế?”, “sao nó đọc ít thế?”... là chuyện diễn ra từ hàng ngàn năm rồi.
Nhưng anh thấy đấy, rốt cuộc thì nhân loại vẫn cứ tiến lên đấy chứ. Tôi nghĩ, người ta chê là vì người ta có thể đã sử dụng những thước đo đã cũ. Nhưng đúng là không có gì tuyệt đối cả, vì vẫn có những mảng, những sự lo lắng cần bàn đến.
- Cách đây vài năm có một thống kê rất đáng chú ý là từ khóa được người Việt Nam tra nhiều nhất trong năm là “Sơn Tùng MTP”, “Làm vợ người ta”... Khi tôi nói chuyện với một số bạn bè làm trong lĩnh vực xuất bản thì họ cũng nói rất rõ là những khảo sát của họ chứng minh nhiều bạn trẻ hiện nay nếu có chịu mua sách thì cũng chỉ mua sách ngôn tình. Thật lòng, tôi nghĩ nếu người trẻ chỉ đọc sách ngôn tình và chỉ biết thần tượng những cây bút ngôn tình thì họ sẽ bị “suy dinh dưỡng về văn hóa”. Ông thì nghĩ sao?
- Tôi nghĩ, thời buổi nào, số người đọc những chuyện tạp nhạp, lá cải, ngôn tình cũng nhiều hơn số người đọc những thứ nghiêm túc. Tôi có xem một bộ phim tài liệu về ông Rupert Murdoch, một chuyên gia, một tỷ phú truyền thông, người đã mua rất nhiều tờ báo và tạp chí đang hấp hối để rồi tái sinh chúng một cách ngoạn mục.
Tôi nhớ ông ấy nói, bằng cuộc đời làm báo của mình, ông ấy có thể chứng minh rằng cái ham muốn đọc những điều tạp nhạp của nhân loại là vô tận. Cho nên báo lá cải thời nào cũng bán chạy. Tôi xin nhấn mạnh là thời nào cũng thế.
Ở đời, làm người xấu, thích những thứ tầm thường thì dễ, mà thường lại dễ chịu. Vào mâm cơm, chọn ngay miếng ngon cho mình; vào cửa hàng, chen lên trước; thấy đồ của người khác, chiếm làm của mình... đó là một thiên hướng tiềm ẩn ở mỗi người, nhưng xét cho cùng phải cố gắng làm người tốt. Làm người xấu thì dễ, làm người tốt mới khó.
Có lần họp lớp các bạn thời phổ thông, tôi nói nửa đùa nửa thật rằng nhiều khi không chỉ có quyết tâm, mà phải có “hoàn cảnh xô đẩy” người ta mới thành người tốt được. Thầy giáo dạy văn của chúng tôi, năm nay đã gần 90 tuổi, bảo thầy rất đồng ý.
Thầy kể rằng, ngày xưa thầy là một thanh niên trẻ, đẹp trai, đàn hay, nói giỏi, đi đâu cũng có nhiều thôn nữ mê, nhưng vì là bộ đội Cụ Hồ nên không thể hư hỏng được. Giải ngũ về, thầy đi theo ngành sư phạm, mà đã làm thầy thì cũng không thể trở thành người xấu được. Thế là hoàn cảnh cứ xô đẩy thành người tốt.
Nói vui thôi, nhưng để thấy rằng làm người tốt luôn cần rất nhiều nỗ lực. Và đọc cái tốt, cái nghiêm túc, cái tử tế cũng vậy, nó đòi hỏi nỗ lực cao hơn nhiều so với việc đọc những cái tạp nhạp, cái vụn vặt, lá cải.
- Nhưng tại sao lại là sách? Con người ta có bắt buộc phải đọc sách không? Có cách nào khác không.
- Bây giờ giả dụ trên bàn có những đồ ăn, vậy để ăn thì đầu tiên bạn phải làm gì? Đơn giản, bạn phải dùng tay cầm đồ ăn, đưa lên miệng đúng không? Nhưng nếu đồ ăn là một thứ quả nằm trên cây, và cái cây ấy tầm thấp thì bạn phải làm gì? Bạn phải kiễng chân lên để với đúng không? Khi cái cây cao hơn nữa, bạn phải dùng sào. Tiếp tục cao hơn nữa, bạn có thể sẽ dùng cung, nỏ. Nhưng cao hơn tầm bắn của cung, nỏ thì phải làm sao?
Phải chịu, phải bất lực chăng? Con người khác con vật ở chỗ chúng ta có thể dùng những công cụ như cái que, cái sào, cái cung để nối dài tay của mình, con người cũng có thể làm cái kính viễn vọng để nối dài mắt của mình. Tất cả những công cụ đó giúp chúng ta chiến thắng sự hạn chế về thời gian và không gian đúng không nào?
Nhưng có một công cụ không phải là sự nối dài tay, chân, hay các giác quan trên cơ thể con người nữa, mà là nối dài cảm xúc, nối dài ký ức của con người. Công cụ kỳ diệu đó chính là sách. Đọc sách, ký ức của ta lan tỏa về phía quá khứ, dự phóng tới tương lai. Đọc sách, ta có thể biết được cảm xúc của người khác, biến cảm xúc người khác thành cảm xúc của chính ta. Và trên tất cả, nó nối dài chính cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ chúng ta không biết Platon là một người như thế nào, vì ông sống từ thời cổ Hy Lạp, nhưng nhờ những trang sách ông để lại mà chúng ta biết rằng tư tưởng của ông vẫn sống, tinh thần của ông vẫn sống. Như thế có nghĩa sách giúp chúng ta chiến thắng cả không gian, cả thời gian và cả sự hạn chế tất yếu về đời sống của mình.
Không cần sách cũng được và không đọc sách cũng được. Nhưng, sách là một công cụ toàn năng, nếu không sử dụng hoặc không sử dụng hiệu quả công cụ toàn năng ấy thì thật là đáng tiếc.
- Để mở rộng cảm xúc, người ta cũng có thể xem một bộ phim, nghe một bản nhạc hay vào một trang web nào đó trên Internet. Sách khác những công cụ này ở điểm nào, theo cách nhìn của ông?
- Tất nhiên, sự phân biệt chỉ là tương đối, vì sách có thể là sách điện tử, và sách có thể tích hợp các loại hình truyền thống khác nhau ở mức độ khác nhau. Nhưng nếu nói một cách khái quát, thì những công cụ nghe nhìn thực chất là sự nối dài trực tiếp, còn với một quyển sách, phần tham gia của người đọc rất nhiều, và sự tham gia ấy nối dài bộ não, chứ không chỉ nối dài thị giác thông thường.
Bạn xem một video, có thể những hình ảnh cụ thể được khôi phục trong bạn, nhưng quyển sách thì không có giá trị khôi phục cụ thể ấy, mà giúp cho sự tưởng tượng được chắp cánh. Còn về Internet, nó chẳng có gì mâu thuẫn với sách cả, vì nó chỉ là công cụ truyền tải thôi.
Ngày xưa, khi chưa có chữ, chưa có sách thì cũng có những công cụ truyền tải khác, ví dụ như sự truyền miệng. Nhưng sự truyền miệng ấy có một điểm yếu là dễ bị biến dạng, hay nói đơn giản là tam sao thất bản. Từ chỗ truyền miệng đến tạo ra một bản in, rồi đến thời đại kỹ thuật số như ngày nay nhân loại đã tiến những bước tiến dài.
- Có bao giờ ông hình dung một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình giàu có, xung quanh nó là đồ chơi đẹp, là quần áo đẹp, là thức ăn ngon, là những ông bố bà mẹ chiều chuộng nó hết cỡ, nhưng tuyệt đối không có sách - một đứa bé như thế sẽ phải đối diện với những nguy cơ gì, thưa ông?
- Trong trường hợp mà Phan Đăng vừa nói còn phải hỏi thêm: bố mẹ đứa bé là ai? Cộng đồng ấy bao gồm những ai? Nếu bản thân họ và những câu chuyện của họ đã tạo nên một không gian văn hóa rồi thì cũng ổn thôi. Nhưng không mấy ai có một cộng đồng như vậy suốt đời cả. Mà ngay cả khi có một cộng đồng như vậy thì cũng khó đi xa. Vì trí tuệ của một gia đình, một cộng đồng nhỏ không thể sánh bằng trí tuệ của nhân loại lên tới hàng tỷ người, kéo dài hàng ngàn năm.
Socrate nói rằng một cuộc đời không có suy ngẫm thì không đáng sống. Trên đường tới cà phê với Phan Đăng, tôi nhìn thấy rất nhiều bò. Những con bò lên đường nhựa và rất vui vẻ, thư thái nằm đấy, không hề quan tâm gì đến chuyện xe đạp, ô tô đang nườm nượp xung quanh. Người ta phải gọi người chăn bò đến, xua chúng đi nơi khác thì mới chạy xe qua được.
Con vật cũng có tình cảm, có bản năng, nhưng khác con người ở chỗ: con vật gần như không có sự suy ngẫm về cuộc sống của nó. Nó không nghĩ là ông bà nó, ý nghĩa sự sống của nó và không hoạch định tương lai của nó sẽ như thế nào. Khi ăn, chẳng hạn, con bò biết chọn cỏ non, nhưng nó không có một nghi thức để ăn. Nghĩa là con bò chỉ có giá trị vật lý và sinh vật là chính, chứ không có giá trị văn hóa như con người. Con người cũng là động vật, nhưng là động vật xã hội, và chúng ta càng tăng cường tính xã hội thì cuộc sống của chúng ta càng xa cuộc sống sinh vật thuần túy.
Đọc sách là con đường cực kì hiệu quả để làm việc đó. Khi ta đọc sách thì ta thấy có rất nhiều người đã sống trước ta, và truyền lại cho ta những kinh nghiệm, những suy ngẫm của họ.
- Nhà văn Gorki từng nói: “Sách đem đến cho chúng ta những chân trời mới”. Nhưng cái mới ở đây có thể màu hồng, mà cũng có thể màu xám, màu đen... Thế nên nếu không biết quy hoạch sự đọc thì nhiều lúc những trang sách lại dẫn mình đến những chân trời lầm lỡ?
- Lúc đầu anh có nói tới việc các bạn trẻ thích đọc truyện ngôn tình, theo tôi cũng chẳng nên cấm các bạn trẻ đọc truyện ngôn tình, nhưng chúng ta cũng phải làm sao để các bạn ấy hiểu, rằng nếu chỉ đọc truyện ngôn tình không thôi thì chúng ta lại tự làm nghèo mình. Thật uổng phí.
- Theo ông, các bạn trẻ cần phải đọc những loại sách như thế nào?
- Muốn trả lời câu hỏi ấy, trước hết phải trả lời triết lý giáo dục mà chúng ta xây dựng là như thế nào? Tôi nghĩ, thực chất của giáo dục là để nhắm tới 3 mục đích, đầu tiên là tạo nên con người lao động. Lao động, đó là cái làm nên con người và là hoạt động chủ yếu trong cuộc đời con người. Nhưng con người không thể sống ngoài cộng đồng, đầu tiên là cộng đồng nhỏ, sau đó là cộng đồng lớn với những điểm chung về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa...
Cộng đồng ấy là một dân tộc, và nhiệm vụ thứ hai của giáo dục là phải tạo ra con người dân tộc, nghĩa là những con người phải hiểu và yêu dân tộc mình. Mục đích thứ ba của giáo dục là tạo ra con người nhân loại. Ba mục đích ấy cũng quy định việc chúng ta nên đọc gì.
Để lao động, làm việc thì ta đọc các sách công cụ. Để có tâm hồn biết rung cảm trước các giá trị của dân tộc thì ta đọc những tác phẩm lớn về lịch sử, địa lý, văn học của dân tộc mình. Và để hiểu nhân loại, hiểu người, hiểu vật thì ta phải đọc sách triết học. Tôi đã từng đề xuất, học sinh đến cấp 3 phải đọc và học triết học rồi.
- Đọc sách triết học từ cấp 3?
- Sớm ư? Hồi thằng Thành, con trai tôi, lên bốn tuổi, một hôm nó đột ngột hỏi: Bố ơi, tại sao bố mẹ đẻ ra con? Tôi bảo: “Tại vì bố mẹ yêu Thành!”. Cậu ta ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp: “Nếu bố mẹ đẻ ra thằng bé khác thì sao?”. Tôi bảo: “Thì bố mẹ sẽ yêu cái thằng bé ấy, nhưng bố yêu Thành hơn”. Nó vẫn suy nghĩ đăm chiêu, sau đó nó bảo: “Thế con muốn làm thằng khác kia được không?”.
Những câu hỏi này cho thấy rằng mọi đứa trẻ đều có mầm mống của một nhà triết học. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, không đủ tâm lý trẻ, chính bố mẹ, thầy cô sẽ giết chết những câu hỏi ấy.
Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng trẻ em trước 5 tuổi hầu như em nào cũng hay, cũng độc đáo, nhưng có vẻ càng lớn lên, càng đi học thì sự độc đáo càng giảm dần. Tôi nghĩ, lỗi của chúng ta chưa đánh giá đúng mức năng lực của trẻ em và chưa có phương pháp tốt để dạy triết học cho các em học sinh của mình.
- Đừng nói đến học sinh, ngay cả với phần lớn sinh viên hiện nay, nhắc đến triết học và sách triết học, không ít người sẽ lắc đầu lè lưỡi.
- Môn triết học thực ra là môn hay nhất. Nhưng ở ta có hai vấn đề làm các em học sinh chán môn triết học. Một, đó là tính phiến diện. Nếu triết học được hiểu là một hệ thống của một triết gia cụ thể nào đó thì bản thân nó đã không còn là triết rồi. Chỉ dạy một thứ, chỉ nghe một chiều thì không thể nào hay được. Hai, đó là tính máy móc và sự giản lược thái quá.
Sinh viên ta khi học Chủ nghĩa Marx, chẳng hạn, chỉ biết có Marx, Engels và Lenin. Nhưng chủ nghĩa Marx đâu phải chỉ có Marx, Engels và Lenin, mà còn có bao nhiêu người khác nữa tham gia vào phát triển và lẽ ra chúng ta cần giới thiệu. Đó là chưa nói cách lý giải và giới thiệu các tư tưởng của Marx cũng có vấn đề.
- Và vấn đề còn nằm ở cách dạy nữa?
- Vâng. Cách dạy rất quan trọng. Tôi không dám tự cho mình là mẫu mực, nhưng tôi nghĩ đối với sinh viên Việt Nam, vốn thiếu một hành trang triết học tối thiểu ban đầu, điều quan trọng là phải xác định dạy cái gì, sau đó mới đến dạy thế nào.
Theo tôi, cần phải cung cấp cho các em một bức tranh tổng thể, một thứ bản đồ các tư tưởng triết học. Thông thường, ngoài bài nhập môn, chúng tôi những vấn đề cốt lõi của triết học: triết học đạo đức, triết học chính trị, triết học tôn giáo, triết học ngôn ngữ... Triết học Marx cũng là một trong các chủ đề.
Tiếp đến là cách dạy. Dạy triết học phải gắn liền với cuộc sống, phải thông qua những hiện tượng của cuộc sống sống động. Ta cũng có thể lấy các ví dụ trong lịch sử hay văn chương.
Chẳng hạn nói về triết học đạo đức, ta có thể dẫn một giai thoại trong sách Mạnh Tử: vị hoàng đế nọ trông thấy cảnh dân chúng đang chuẩn bị giết một con bò cái rất đẹp để lấy máu tế lễ. Khi nhìn con vật dễ thương, nhà vua không đành lòng, ra lệnh tha cho nó. Người ta bèn thay con bò cái ấy bằng một con dê. Và thế là bao nhiêu năm, người ta ca ngợi ông vua kia là một vị vua nhân từ. Vậy thì chúng ta phải trả lời, giết con bò với giết con dê có khác gì nhau không?
Cũng như thế, chúng tôi đặt vấn đề với bạn sinh viên: Giết người có tốt không? Có người bảo, giết người xấu là tốt, còn giết người tốt là xấu. Nhưng làm thế nào để biết một người là xấu? Đấy là chưa nói trường hợp nếu giết một người tốt mà lại cứu được nhiều người tốt khác thì sao, thì có nên giết không?
Ví dụ, có một người tốt vô tình đi qua một đường tàu, đúng lúc đoàn tàu lao đến. Nếu ông lái tàu cứ lao vào người tốt này thì sẽ cứu được hàng ngàn hành khách trên tàu. Nhưng nếu ông ta đột ngột phanh lại, để cứu người này thì toàn bộ hành khách trên tàu đối diện với nguy cơ chết. Vậy thì có nên giết không?
Hay có một người đi ngoài đường, thấy một con chó bị thương nằm giữa đường. Anh ta liền cứu con chó, băng bó vết thương cho nó, vậy hành động ấy có phải là có đạo đức không? Giả dụ như con chó ấy đang mắc một dịch bệnh, buộc phải giết nó thật nhanh, không thì nó có thể lây bệnh cho cả cộng đồng thì sao? Còn có những người cực kỳ yêu một loài súc vật cụ thể, nên họ cứu súc vật đó chỉ vì cảm thấy một dạng khoái cảm nào đó cho chính họ.
Ví dụ bạn rất yêu chó, nên lúc đó thấy con chó bị thương là bạn cứu. Nhưng nếu đấy không phải là chó, mà là mèo thì bạn cứu không? Nếu không thì hành động cứu chó kia chưa chắc đã chứng minh bạn là người tốt. Hành động ấy chẳng qua là để thỏa mãn cái khoái cảm riêng trong bạn mà thôi. Lại có loại thứ hai, bố anh ta là người yêu chó, nên luôn giáo dục anh ta phải chú ý đến con chó.
Và như thế, khi cứu con chó chẳng qua là vì anh ta chịu sự ảnh hưởng của ông bố, vậy anh ta có phải là người tốt không? Ông Kant bảo rằng, một hành động chỉ được coi là tốt khi người ta làm vì cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm. Dù không muốn cũng phải làm. Tức là chúng ta làm vì cảm giác nghĩa vụ, chứ không phải vì ý thích.
Mặc dù chúng ta rất ghét chó, nhưng chúng ta hiểu được đấy là nghĩa vụ của mình thì trong trường hợp ấy, hành động của chúng ta mới được coi là có đạo đức. Và đấy chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ thôi. Anh thử nghĩ xem, nếu chúng ta dạy triết học như vậy và giúp các bạn sinh viên đọc sách triết học trên một tinh thần như vậy thì triết có thú vị không?
- Đọc tới đây, chắc sẽ có bạn đọc chợt muốn ông giới thiệu một vài cuốn sách triết học cụ thể nào đó...
- Một cuốn sách tôi rất muốn giới thiệu với các bạn là cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Valentin Nikolaevich Voloshinov (1895-1936). Theo tôi, đây là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế kỷ XX, không chỉ với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, mà với cả các nhà nghiên cứu chính trị, văn học, mỹ học và tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung.
Cuốn sách quan trọng bởi vì nó chỉ ra rằng toàn bộ đời sống tư tưởng của chúng ta, bao gồm luật pháp, chính trịnh, thẩm mỹ, đạo đức... - mà trong cuộc sống thể hiện ở cách chúng ta quan niệm về cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu, cao thượng, thấp hèn... - đều có bản chất ký hiệu, và vì thế có tính xã hội, tính liên nhân, liên ký hiệu, tính tình huống.
Điều này có nghĩa là ý nghĩa của các hiện tượng tư tưởng luôn luôn năng động, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia, vào khí quyển tinh thần mang tính lịch sử trong đó diễn ra hiện tượng tư tưởng đó diễn ra.
Chính trong cuốn sách, những khái niệm và xu hướng quan trọng như diễn ngôn, ngữ dụng học, liên văn bản, tính phức điệu, nguyên lý đối thoại, giải kiến tạo... đưa ra. Nói cách khác, cuốn sách chính là khởi nguồn của chủ nghĩa Hậu hiện đại.
Trở lại với chủ đề của chúng ta, việc đọc sách cũng như vậy. Ý nghĩa của mỗi cuốn sách phụ thuộc vào những quyển sách khác. Chúng ta không thể đọc một quyển sách mà phải đọc nhiều quyển sách. Các tri thức cụ thể đều nằm trong một mạng lưới tri thức chung rộng lớn hơn. Vấn đề đặt ra tiếp: nhiều bao nhiêu cho đủ? Muốn vậy, mỗi người đọc chúng ta cần phải có một người thầy, một hướng dẫn viên trí tuệ định hướng của mình.
- Tôi quan sát thấy có những người được định hướng đọc sách rất tử tế. Và họ quả nhiên cũng đọc rất nghiêm túc và tử tế. Nhưng sau đó họ lại bị nô lệ bởi cái mình đọc hoặc cái mà thầy mình muốn mình phải đọc. Họ nhìn cuộc sống qua cái lăng kính mà họ đọc, và bất kể những vận động nào khác so với những cái họ đọc, họ biết thì họ đều chỉ trích. Đọc sách mà bị nô lệ bởi sách theo kiểu đó thì cũng vô tác dụng?
- Đúng rồi. Đó là vấn đề có tính biện chứng. Muốn thoát khỏi tình trạng nô lệ tinh thần mà anh vừa nói đến, người ta vừa phải có thầy, vừa phải biết vượt qua thầy. Thêm nữa, phải luôn giữ được tinh thần phê phán và chống lại định kiến.
Chẳng hạn, cái tên sách Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ chính là một lí do khiến cho nhiều người vốn có định kiến với thứ chủ nghĩa Marx máy móc ngần ngại. Họ không biết rằng đây là một trong những cuốn sách cách tân nhất.
Nhân đây, tôi cũng xin nhắc lại những chuyện xảy ra với cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ và tác giả của nó. Khi nghe hơi nồi chõ rằng Bakhtin là tác giả đích thực của những tác phẩm của Voloshinov và Medvedev, rất nhiều người, trong đó có tôi, đã tin tưởng một cách dễ dãi.
Thật may mắn là các nghiên cứu gần đây đã cho phép vạch ra sự gian dối của Bakhtin và trả lại cho Voloshinov những kiệt tác của ông. Đây cũng là một ví dụ về sự cám dỗ của cái xấu mà chúng ta đã bàn đến ở trên. Bakhtin có lẽ ban đầu cũng không định chiếm đoạt tác phẩm của bạn, nhưng rồi “hoàn cảnh” và lòng tham khiến ông cố tình mập mờ rồi tham, trở thành người dối trá. Điều an ủi là cuối cùng, trước khi chết, ông đã từ chối ký văn bản về khẳng định tác quyền.
- Bây giờ thì tôi muốn hỏi, theo ông, người Việt Nam có truyền thống học thuật không?
- Đúng là chúng ta không có một truyền thống lớn để tự hào về học thuật. Điều ấy một phần đến từ bản chất ngôn ngữ của dân tộc chúng ta. Rất nhiều người nghĩ ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, là công cụ truyền tải ý nghĩ.
Thực ra ngôn ngữ thoạt đầu ra đời để truyền đạt tư duy những nó nhanh chóng trở thành chính tư duy. Chỉ có điều là ý nghĩ ấy - ngôn ngữ ấy có được nói ra ngoài miệng hay không. Tôi đã có một bài riêng bàn về vấn đề này.
Với một số ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga... nói nghĩa là thực hiện một kế hoạch nói, kế hoạch tạo các phát ngôn. Còn với các thứ tiếng đơn lập như tiếng Việt, cái kế hoạch tổ chức ngôn ngữ ấy gần như không có. Nói, với người Việt, chủ yếu là ứng biến: cách tổ chức câu, phát triển câu của người Việt mang tính tùy biến cao.
Vì đặc điểm ngôn ngữ của chúng ta tùy biến nên tư duy của chúng ta cũng tùy biến. Chúng ta không mạnh về tư duy tư biện, và vì thế cũng không mạnh về học thuật.
- Thậm chí đôi khi là tùy tiện...?
- Tùy tiện! Cũng có thể nói như vậy. Tùy tiện, cho nên ngay cả khi chúng ta tiếp nhận các tư tưởng nước ngoài vào, chúng ta thường chỉ tiếp nhận bề mặt, chứ ít tiếp nhận cái bản chất, cái hệ thống. Đấy là lý do khiến chúng ta không có truyền thống về học thuật.
Bên cạnh đó, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy là cách giáo dục thời phong kiến khiến các trí thức của chúng ta đều trở thành học trò của ông Khổng Tử: mục đích của học trò chúng ta chỉ là làm theo và làm được những cái gì đó giông giống ông Khổng Tử, chứ cũng không vượt được ông Khổng Tử. Do vậy chúng ta không có truyền thống về học thuật.
- Biết những điểm yếu của mình chắc chắn sẽ giúp chúng ta tìm ra cách khắc phục nó. Và chúng ta vẫn có quyền hy vọng người Việt nói chung và người Việt trẻ nói riêng sẽ làm được điều này, không phải ngay bây giờ thì sẽ là ngày mai, ngày kia... Một khi đã có khát vọng thì chúng ta nhất định sẽ làm được phải không ông?
- Nhất định thế!
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015