Ông quan chức về hưu và thằng ranh
Gọi ông là công chức e rằng làm cho ông hơi bị khiêm tốn ! Bởi ông là quan chức chính hiệu theo nghĩa có trong tay : Tiền, Đinh, Điền, Triện …cùng với bao nhiêu thứ phát sinh từ đó…tỉ như : Lợi, Quyền, Dinh, Danh… Nói chung là quãng đời ông khi làm việc, nhất là khi ‘cờ bạc về cuối’ thì lẫm liệt Thiên Lôi lắm. Như thế nào thì các Bạn biết quá rõ rồi, tôi có liệt kê ra thì khác gì ‘bày kim trên mẹt hàng xén’.
Chuyện của tôi là kể cái lúc sau khi ông về ‘hiu’ í…Ông buồn bởi cô đơn mình, day dứt tình, da diết nhân lắm…đi ra đi vào qua cái khung cửa hàng ngày mở rộng thay vì trước kia thường xuyên khép kín…Nhà ông ở góc Hồ Tây, đi qua con đường Thanh Niên là đến bên mép nước man man, mang được cả mùa Thu với những bài thơ, những điệu nhạc lãng mạn về nó bấy nay…
Thực ra ông sinh ra ở miền quê xa lắm, nhưng được cơ quan phân nhà tại đây từ đầu thập niên 60 của Thế kỷ trước, nên kỷ niệm thì cũng chả rõ nhiều hay ít, nhưng mà sự quen thuộc thì như cái anh nghiện thuốc lào. Qua cùng năm tháng, mảnh đất đắc địa này (theo trào lưu bây giờ gọi nó là Địa Linh cũng được, và ít ra ông cũng tin rằng minh là Nhân Kiệt rồi còn gì ) được cơi nới theo chức vụ và những gì ông sản sinh ra…rộng lắm, nhưng như chẳng đủ chỗ cho cái nỗi niềm của thời công vụ qua Bắc, lướt Nam, ghé Đông, chơi Tây…trước kia…
Nên chiều hôm nay, sau bao nhiêu chục năm ông chả ngó ngàng gì, hơi ngỡ ngàng khi nhìn phóng qua đường thấy có chiếc ghế đá vẻ rất cũ kỹ bên hồ, như là có từ khi đường Thanh Niên được làm ! Dậy trong ông niềm hứng khởi mơ hồ : ngồi trên cái ghế cũ chắc chắn đó để hoài niệm khi còn Xuân thì…Ông mặc thêm chút áo âm ấm, bước ra ngoài muốn đi sang bên đó. Ông cẩn thận và lóng ngóng nhìn ngược xuôi cái dòng xe mà khi ngồi trong nhà ông chèm chẹp miệng than với bà vợ già : đó là hình ảnh “quản lý Nhà nước’ khiến xã hội phát phiền. Còn con ông cười nửa miệng : dào ôi, bọn con vẫn ào luồn lách trong cái dòng đó đấy, lắm khi vui phết !
Rồi cũng qua được đường, nhưng niềm riêng vừa nãy, do phải qua đường nên đã hao đi quá nửa…Chậm rãi vừa ngồi xuống cái ghế đá đó được dăm phút thì một thằng ranh con cỡ 15, 16 tuổi rõ là vẻ nhà quê không biết từ đâu xuất hiện ngang hông ông : chào cụ ạ, cụ cho con xin 20 nghìn…Tao không mang tiền, mày đừng có xin xỏ gì như thế, nó không ra con người mày và làm mất hứng của tao đi – Ông chỉ lướt mắt qua nó rồi hướng nhìn ra xa phía hồ.
Ai ngờ cái thằng ranh đó không như ông tưởng. Nó nhấn dài giọng: - Cụ ơi, con nói xin là nói lễ độ theo phong cách ‘sĩ phu Bắc Hà’ đấy ạ, chứ thực là cụ phải trả con 20 nghìn !
- Cái gì ? Mày là cái thá gì ở đây ? Ông trợn mắt hỏi
- Cái Tiền í, Tiền mà cụ gọi là ‘Cái’ hay nhỉ ? Bọn con toàn gọi Tiên là Tiên là Phật chứ không dám vô lễ như cụ đâu. Có cụ mang Tiền Tỉ mà thậm láo gọi là chỉ cần đổi chút Tí Tiên. Bọn con gọi họ là lũ vô Đạo cụ ạ. Con không là cái thá gì như cụ, chỉ là bán tí nước Chè nóng cho ai ngồi cái ghế đá này để kiếm sống thôi cụ ạ
- Tao chưa uống Chè của mày sao lại phải phải trả mày tiền ? Tự nhiên mày đến quấy tao là sao ?
- Ô cụ ở đâu ra thế mà không biết cái điều mà lũ gần lớn như chúng con đều sáng tỏ hơn đèn đường, chấp hành hơn luật giao thông : không có gì tự nhiên sinh ra, không có gì tự nhiên được hưởng, không có gì được hưởng mà không phải trả tiền. Đúng, cụ đang được hưởng việc ngồi trên 'Cái' mà con được hưởng quyền thu tiền. Đó là trả lời việc con không tự nhiên quấy cụ.
- Nhà tao ngay bên kia đường, không việc gì phải mang tiền. Vả lại xưa nay cái ghế này thuộc về công cộng, ai dùng thì cứ dùng chứ không phải trả tiền. Mày biến đi cho tao nhờ
- Các cụ ăn nói thật chả ra thể thống ‘thanh lịch Hà Thành’ gì, cũng chả ra biết tí lề lối văn mình nào ! Có bao nhiêu cụ nhớn mồm nói các cụ là công ích với chả công cộng của xã hội, thử gần, thử có việc gì dùng một tí cái đó xem có phải nôn ra một đống tiền không ? Thì đường công cộng kia kìa sao lại người ta thu tiền đỗ xe chả 20 ngàn là gì, vào nhà hàng phải trả ngay tiền dùng chỗ là gì, huống hồ là cái ghế đá nhìn ra hồ này. Thôi, chính cụ hãy đứng lên mà về, coi như mấy phút khuyến mãi, hoặc cứ ngồi tiếp rồi về lấy tiền trả sau cũng được. Người nào ở đâu trốn thuế, ăn gian được tiền tỉ chứ 20 ngàn của chúng con chả ai trốn được cụ ạ. Nhớ là có việc thì phải mang tiền theo, việc hôm nay của cụ đầu tiên là 20 ngàn !
Thật khốn nạn quá ! Chả còn tí gì cảm hứng, nét mặt cụ hầm hầm, đứng phắt dậy hướng ra đường bước về nhà. Ông thấm thía cái sự vô học nó kinh khủng đến thế nào, chứ xưa kia quân của mình toàn học cao nên nửa tiếng ho của ông bàn đã lên mâm đã sẵn !
Bước vào nhà, bà thấy lạ hỏi sao chưa gì ông đã về?
Ông chán nản cảm thán bâng quơ : mới đi gần đã thế, đi xa nữa thì chết à ! Rồi bà cũng hiểu, nhẹ nhàng : thì sao ông không uống cho nó một cốc nước Chè làm vui ? Tôi nhìn thấy ông quay về vẻ dạng thế này còn nẫu ruột hơn ! Này, ông cầm lấy ít tiền lẻ. Không có nó nhiều khi mình cũng không có lý để phải đạo với người ông ạ
Nghe bà nói, ông như vô thức, đi chậm ngược trở lại phía ghế đá đó bên kia đường, lặng lẽ ngồi xuống.
Thằng ôn con lại từ đâu nhanh chóng xuất hiện ngang hông, nhìn ông cũng có chiều ngạc nhiên.
Nhờ câu nói của bà ông thấy tự nhiên trong lòng có chiều đỡ u uất hơn, nên hỏi nó : - Mày từ đâu đến mà xuất hiện nhanh thế không biết, như là mày nhìn ai cũng thấy 20 nghìn thì phải?
- Cụ đừng có hỏi cội nguồn của con làm gì, vì có nhiều cụ ghê lắm mà dân tình còn chả rõ cội nguồn nữa là. Con cũng chẳng muốn nhớ nơi cội nguồn đó nữa, toàn người nghèo, làm lụng vất vả mãi mà chả ra cái câu: đất đai trả công cho người cày cấy gì sất, dù tấc đất đúng là tấc vàng thật. Còn việc con được như cụ khen thì chỉ học ở đại học đường phố thôi. 20 nghìn là 1 đô cụ ạ, con nghe lỏm được câu gì đó nhớ không hết của ông nhớn nào bên Sinh í : mỗi người bắt đầu từ 1 đô buổi sáng và nhiều đô khi về chiều
- Mày rót cho tao cốc Chè nóng.Ông thong thả nhưng ngẫm nghĩ về câu nó vừa nói
- Thưa cụ đây ạ.Nó lễ độ đưa hai tay cho cụ cốc thủy tinh nhỏ vừa được rót đầy nước Chè từ cái giỏ nó kéo ra từ dưới gầm ghế đá
Ông xoay xoay chiếc cốc nước Chè hôi hổi lên mũi ngửi, nhấp một tí, rồi thân thiện hơn, từ tốn với nó:
- Tao thấy mày quai quái thế nào í cháu ạ. Câu mày vừa nhắc đến là của Thủ tướng Singapore , nhưng không thô thiển thực dụng như mày nghĩ. Ông ấy nói : mỗi người mỗi sáng thức dậy nên bắt đầu bằng một nụ cười hay cử chỉ thân thiện đáng giá ít nhất 1 đô. Còn mày chỉ làm mất của tao 1 đô như thế đấy. Này, Chè của mày có phải là Chè bẩn hay không ? Tao thấy báo chí gần đây nói thế về những thứ kiểu như mày đang bán.
Nó trợn mắt : Thưa cụ, bọn con nghĩ theo cách của mình như Việt ten họ bảo : nói theo cách của bạn í. Con chưa bao giờ chắc chắn rằng mình là tử tế, nhưng chắc được một điều: Chè này là sạch, tự con hái, từ quê mang lên, tự con nấu nước pha đấy ạ. Sau này thì chả biết được, nhưng Chè cụ đang cầm uống mà sai lời thì chính con không còn đủ tư cách có thể gọi cụ là cụ nữa đâu ạ! Cụ uống Chè quê ngon của con giá có 5 nghìn mà nói là con làm mất của cụ 1 đô thì nếu cụ làm quan làm sao dân chúng con chả chết !
Thằng này khẩu khí kinh hồn thật ! Ông thầm nghĩ, nhưng rõ là thú vị. Ông hỏi nó như thăm dò thái độ :
- Mày có biết tùy tiện chiếm ghế đá rồi đòi tiền là sai không cháu ? Và ăn nói như mày với người như tao là rất bất kính không ?
Nó lùi lại nhìn xuống ông đang ngồi, vẻ gườm gườm nhưng thanh minh : cụ đã thấy con nói gì vô lễ với cụ chưa ? Về quê cháu mà xem : bao nhiêu người từ Thủ Đô đến dùng rất nhiều lý do ghê gớm lắm để biến đất làng, nhà thờ họ, núi cô Tiên thành đủ thứ họ nghĩ ra. Chứ cái ghế đá này đã là gì. Nhưng cụ được ngồi trên nó uống Chè quê ngon, ngắm Hồ Tây đẹp sướng gấp tỉ lần bọn con phải rời nhà cửa lên đây kiếm sống thế này. Mà này, cụ có biết một loạt nhà mặt phố này vốn không phải là của người đang ở đó không ? Của công cộng đấy, thế sao họ vẫn cho thuê sử dụng để kiếm bộn tiền là gì ? Cụ không sáng ra được cái lẽ đó thảm nào cứ thắc mắc về 20 nghìn…
Ông hơi rùng mình, lúc sau quay sang nó từ tốn, vỗ nhẹ tay vào mặt ghế đá, khẽ khàng nói : ngồi lên đây cháu.
- Không, con ngồi cái ghế nhựa thấp này là ổn thổn lổn rồi. Bọn con coi khách hàng là Thượng Đế lẽ nào tùy tiện ngồi ngang hàng với họ, láo thế để mà đói à. Được mình cụ thương mà cho thế, bọn con tưởng bở mai thế với người khác để nó chửi cho bỏ mẹ cụ ạ. Tóm lại du côn du kề đi nữa cũng phải còn một đường là biết cung kính, huống hồ là con không phải loại í. Nói cho cụ biết, ghế đá nay con chỉ được sử dụng đển xẩm chiều thôi, sau đó đến phiên kẻ khác, để chúng dùng làm ‘Cái’ như cụ nói í. Ghế đá và Hồ Tây là lộc Giời, là tài sản công cộng gì như cụ vừa dạy í, mà bọn con may còn có tí phần
….Ông không nói, không hỏi gì nữa, trầm ngâm. Hướng ra mặt hồ mênh mông kia mà thực là trong mắt ông không còn nhìn thấy nó nữa, chỉ là nhìn thăm thẳm vô hình vào những điều thằng ranh kia đã nói. Một lúc sau ông đứng lên, móc trong túi lấy 50 nghìn đưa cho nó. Nó lục túi mình lấy 25 nghìn đồng cũ cầm trả lại ông. Ông xua tay: tao cho, mày cứ cầm cả cũng được.
Nó đáp : việc nào ra việc nấy. nếu cụ cho con xin, nhưng không phải theo kiểu như cụ vừa làm. Cụ cầm lại đi, nhà cụ còn kia, con còn đây, mai cụ ra chơi tiếp, lúc í cụ cho con thêm lịch sự như người Tràng An thì con xin nhận. Rồi nó cười tươi, hồn nhiên như trẻ thơ : bật mí cụ nhé : con chả biết Tràng An ở Hà Nội là cái đếch gì đâu, đó chính là Tràng An quê con đấy ! Người ở đó nghèo mà hay phết, chả thế mới thành cái lễ hội ngàn năm văn hiến vừa rồi. Nhìn bọn như con ở khắp các quê khác í, họ làm đúng những điều trong ca dao tục ngữ thì toàn đói, ra Hà Nội làm ngược lại thấy sống được. Hi hi…
Ôi! Ông ong ong, ngồn ngộn trong đầu vì những điều nó nói….Sao bây giờ ông mới bắt đầu hiêu hiểu ra được gì đó…mơ hồ quá, nhưng cựa quậy trong ông đến cồn cào. Ông quay lại nó ân cần và tình cảm đến lạ : bố cảm ơn con vì cái ghế đá và cốc nước Chè nóng, con trai ạ!
Ồ, xin cụ đừng nói thế, con xưng con với cụ thì được, chứ cụ đừng xưng bố với con, thành thất lễ cả hai. Cụ qua đường cẩn thận nhé, cái anh giao thông này chỉ bọn con mới điều trị được, chứ các cụ thì phải ngồi trong xe bọc thép mới càn qua được nó. Cụ về ạ…
Bước vào nhà. Bà nhìn vẻ mặt ông như chưa bao giờ từng thế, ngạc nhiên hỏi : Ông bị cảm gió à ? Hay là bọn ranh con ngoài đó vẫn láo với ông?
Không bà ạ. Chỉ có tôi mới chưa từng sống thôi. Không để ý đến vẻ ngạc nhiên tăng dần như bệnh huyết áp cao của bà, ông đứng giữa nhà, nhìn trân chối vào những huân huy chương của mình bao năm qua treo đầy trên tường….cảm thấy những lốm đốm hoa cà hoa cải như bệnh huyết áp thấp của mình…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân