Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 2)
Xem phần trước: Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)
Chớ nhầm lẫn về sự cất cánh của 5 con rồng!
Trước khi có hiện tượng 5 con rồng thì tình hình các nước ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương là sàn sàn nhau, nghĩa là cùng trì trệ và lạc hậu ngang nhau; chỉ riêng có Nhật Bản từ năm 1867 dưới triều Minh Trị đã biết mở cửa sớm để giao lưu với phương Tây nên phát triển sớm hơn. Đáng tiếc họ lại đi theo con đường quân phiệt hoá nên hầu như bị phá sản và kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai. Chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây, Nhật Bản rồi tiếp theo là Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đã làm những chuyện thần kỳ về kinh tế khiến thế giới kinh ngạc.
Họ trở thành những tấm gương và niềm mơ ước của những nước kém phát triển như ta. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự thành công của 5 con rồng. Một trong những công trình gây xôn xao nhiều nhất là của giáo sư Lén Vandermeeersch. Trong cuốn Le Nouveau Monde de sinisé (Thế giới Hoa hoá mới), ông đã phân tích một nguyên nhân quan trọng tạo nên sự thành công của 5 con rồng là văn hoá Khổng giáo.
Thế là văn hoá Khổng giáo vốn là một nhân tố cản trở sự phát triển đột nhiên trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển. Người ta coi đó như một cứu tinh đối với các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông còn cho rằng văn tự viết theo khối chữ vuông cũng là một thành tố rất quan trọng để lưu giữ kế thừa và phát triển văn hoá Khổng giáo, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Ông còn phê phán ta là bỏ chữ Hán quá sớm nên văn hoá Khổng giáo bị bật gốc, truyền thống bị đứt đoạn. Ông cũng khuyến cáo ta nên phục hưng văn hóa Khổng giáo. Có thể coi đó là một phát hiện rất quan trọng của giáo sư Léon Vandermeersch, được nhiều người đồng tình và đánh giá cao. Sau buổi toạ đàm giữa giáo sư Léon Vandermeersch và giới nghiên cứu KHXH ở Hà Nội, tiếc rằng ta chưa tổ chức một buổi thảo luận nào về những quan điểm này. Hơn hai năm qua chỉ lác đác có một số bài đăng trên các tạp chí, chủ yếu là để minh hoạ cho sự đúng đắn của các luận điểm kể trên. Người ta chưa hề vạch ra những nhầm lẫn của giáo sư Léon Vandermeersch về quan điểm và về phương pháp luận.
Trong khi ca ngợi những mặt tốt đẹp của văn hoá Khổng giáo thì giáo sư quên mất tác động của văn hoá Khổng giáo trong hơn 2.000 năm qua so với tác động của 20 năm vừa qua. Về mặt định tính văn hoá Khổng giáo có gì thay đổi đâu, còn về mặt định lượng thì không thể có chuyện ngược đời như thế được. Vả lại nếu năng lượng thúc đẩy ấy quả là có thật thì nơi phát triển trước hết phải là Hoa lục rồi mới có thể đến Hoa đảo và các thứ đảo khác ngoài Hoa. DO đó không nên gán cho nó sức đẩy mà bản thân nó không có. Cả một đất nước Trung Hoa vĩ đại sản sinh ra văn hoá Khổng giáo và quằn quại trong văn hoá Khổng giáo hàng mấy ngàn năm chẳng lẽ lại là một thực tế dễ quên chăng?
Lại nói về chữ khối vuông mà giáo sư Léon Vandermeersch ca tụng là biểu hiện truyền thống tốt đẹp của văn hoá Khổng giáo, và theo ông, những nước như Việt Nam vội vàng bỏ việc học chứ vuông thì coi như hẫng hụt, bị cắt đứt truyền thống và thiệt hại rất lớn.
Giữa ngôn ngữ và chữ viết thiết tưởng không nên cường điệu hoá cái năng lực các kiểu chữ vì dù cho đó là chữ Trung Hoa hay Ả Rập hay La-tinh thì cũng vẫn là những ký hiệu của từng dân tộc hay cụm dân tộc sử dụng để biểu đạt tư duy của mình. Nếu cứ căn cứ vào hiệu quả cảu sản xuất và văn minh thì chữ vuông sao sánh được với chữ La-tinh. Còn Việt Nam, khi đã la-tinh hoá rồi mà vẫn lạc hậu thì là tội của chủ nghĩa thực dân chứ đâu phải vì khôn dùng chữ khối vuông. Vả lại hàng ngàn năm qua trí thức ta dùng chữ khối vuông mà thời kỳ dùng với quy mô lớn nhất lại chính là thời Nguyễn, đâu có phải vì thế mà văn minh tiến hoá hơn.
Đáng lưu ý là khi tỏ thái độ đồng tình hay tiếp nhận luận điểm này thì TS Huỳnh Minh Đức lại đẩy xa hơn tới chỗ: “Chính vì không còn chữ viết nữa mà ngày nay tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Nho bị mất hẳn ở Việt Nam”. (Vấn đề giáo dục Đại học ở các nước châu Á- Thái Bình Dương).
Còn PTS Mai Quốc Liên lại có một sự ngộ nhận rất kỳ lạ: “Tại sao Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore lại giữ được bản sắc vững vàng đến thế? Có nhiều cách trả lời, trong đó có cách trả lời “như đùa” là họ còn giữ thành phần “chữ vuông” trong giáo dục văn hoá. Chữ vuông bản thân nó không là gì cả, nhưng nó là sứ giả nối ta với ngàn xưa vì qua nó là cả một nền văn hoá lớn”. (Sài Gòn giải phóng, Xuân Giáp Tuất)
Cứ căn cứ vào sự viết theo của hai ông thì việc bỏ học tập và thi cử chữ Hán là sai lầm rất trầm trọng của Việt Nam và những lộn xộn và xuống cấp đạo đức hầu như đều do việc bỏ chữ Hán mà ra cả. Riêng ông Mai Quốc Liên còn nói bỏ chữ Hán tức là bỏ mất truyền thống (!?).
Cũng như ông Phan Ngọc, ông Huỳnh Minh Đức nhầm tưởng nhờ học chữ Hán ta mới biết thế nào là nhân nghĩa. Ông cung không phân biệt được nhân nghĩa của Ta và nhân nghĩa của Tàu. Nhân nghĩa của Tàu chỉ trên miệng và trên giấy, điều này lịch sử đã chứng minh. Nếu họ thực hiện chữ nhân thực sự nghĩa là “tứ hải giai huynh đệ” hoặc “kỷ sở bất dục vật thi ư nhâ”” thì làm gì có chuyện chém giết lẫn nhau và khinh bỉ chà đạp các dân tộc khác. Ngay sau Khổng Tử mấy trăm năm mà Hán Vũ đế đã được mệnh danh là “cùng binh độc vũ”. Thử hỏi nhân nghĩa của họ biểu hiện ở chỗ nào?
Con rồng Singapore
Còn ở ta, việc vua Nguyễn dùng hình phạt voi giày, ngựa xé, sát hại công thần, trả thù khốc liệt đối phương, thử hỏi nhân nghĩa ở chỗ nào?
Và hiện nay, cứ nghe tin một thiên tai, một rủi ro, mọi người sẵn lòng quyên giúp chẳng lẽ lại không phải là nhân nghĩa?
Tha chết, phóng thích cho hàng chục vạn kẻ thù trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, chẳng lẽ lại không phải là nhân nghĩa?
Nói như PTS Mai Quốc Liên là bỏ chữ Hán là cơ hồ cắt đứt truyền thống. Thế chẳng lẽ vừa rồi ta đánh giặc bằng truyền thống của ngoại bang sao?
Cái nhầm của ông Mai Quốc Liên là đã lấy một bộ phận suy thoái, mất gốc để quy cho toàn bộ dân tộc. Một cái nhầm khác của ông là cho các nước con rồng bảo vệ truyền thống tốt lắm. Thực ra không nên lẫn lộn việc giữ gìn chùa chiền, lễ hội, y phục…với nội dung cơ bản đích thực của truyền thống đó là nếp cảm, nếp nghĩ và nếp sống luôn vươn tới của mỗi dân tộc.
Ông Mai Quốc Liên coi chữ vuông quan trọng như thế thì thử hỏi Bắc Triều Tiên như thế nào? Và Trung Quốc trước thời mở cửa ra sao?
Phát triển mà để mất bản sắc thì trở thành vô nghĩa nhưng giữ bản sắc để cứ ở trong tình trạng nghèo đói túng thiếu thì có nghĩa lý gì. Vấn đề ở đây là phải tính tới cả một chiến lược kinh tế, văn hoá, chứ đâu phải chỉ chữ vuông hay chữ không vuông. CHúng tôi cũng chủ trương nên có giờ dạy chữ vuông trong nhà trường, nhưng thần thánh hoá chữ vuông như các ông Huỳnh Minh Đức và Mai Quốc Liên thì thật không cần thiết.
Chẳng lẽ những người ngày nay không biết chữ Hán, chữ Nôm đều là mất gốc cả hay sao? Chẳng lẽ bao chục triệu nông dân của ta lại mất gốc cả hay sao? Xin thưa: chính những người dân ấp, dân lân cổ cày vai bừa đó lại là những người giữ được cái gốc tốt nhất đấy. Chúng tôi chỉ có thể đồng ý với ông Mai Quốc Liên ở điểm này: nếu những người nghiên cứu KHXH mà biết Hán Nôm thì hiệu quả nghiên cứu có thể sẽ tốt hơn.
Cả giáo sư Léon Vandermeersch và các giáo sư của ta khi nghiên cứu 5 con rồng hầu như muốn tách rời văn hoá và kinh tế khiến cho người ta tưởng nhầm rằng văn hoá là chìa khoá vạn năng.
Thật ra thì kinh tế lúc nào cũng ở địa vị gốc, kinh tế nào thì văn hoá nấy, và khi văn hoá đã hình thành rồi thì có tác động trở lại hoặc là thúc đẩy, hoặc là kìm hãm sự phát triển của kinh tế.
Nếu Weber thấy được sự thúc đẩy của đạo Tin Lành đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một sự phát hiện thì Léon Vanderneersch tưởng Khổng giáo cũng có tác động tương tự đối với 5 con rồng, lại là một sự nhầm lẫn. Vì những người chủ trương cải biên Kinh Thánh để tạo điều kiện cho kinh tế tư bản phát triển, đó là một sự vận động nội tại có tính cải biến và thích nghi rất quan trọng. Còn Khổng giáo chưa hề có sự tự thân vận động này. Các giáo điều của nó hầu như vẫn còn nguyên vẹn và vừa qua người ta chỉ lợi dụng những giáo điều nào có lợi cho chủ nghĩa tư bản mà thôi. (Về vấn đề lợi dụng này xin bàn kỹ ở phần sau).
Trong thưc tế, Nho giáo cũng có những thời kỳ tự bổ sung nhưng tựu trung vẫn là bổ sung để củng cố vương quyền, nghĩa là củng cố chế độ quân chủ chuyên chế mà thôi. Chưa hề có một nhà Nho nào cải biến Nho giáo để phục vụ cho chủ nghĩa tư bản. Chỉ có những học giả thời nay muốn phục vụ cho các chủ tư bản nên lục ra những giáo điều cũ và gia công tân trang lại, phục vụ cho sự phát triển kinh tế tư bản. Họ đã gán cho Khổng giáo những tố chất và mục đích tốt đẹp mà bản thân nó không có. Thí dụ một quan hệ được coi là tốt đẹp giữa người với người tức là giữa vua với bầy tôi (quân thần), cha với con (phụ tử), vợi với chồng (phu phụ); thì thực chất là quan hệ chủ tớ.
Cũng nên chân thành khâm phục các vị chủ tư bản ở các nước rồng lớn rồng nhỏ đã biết tận dụng Khổng giáo để khai thác sức lao động của các lớp “tân tiểu nhân” trong mấy thập kỷ vừa qua.
(…) Công ty thép Pohang của Hàn Quốc khoe rằng công nhân của hãng không có ngày nghỉ lễ, cũng không có kỳ nghỉ sau một tuần lao động thường là trên 50 giờ (Tr.256)
(…) Dường như tất cả những người ở Cao Hùng (Đài Loan) từ 14 tuổi trở lên đều bị lôi kéo vào công việc, làm như điên dại, như là bị bỏ bùa mê vậy (tr.83)
(…) Thanh niên Nhật vẫn được chuẩn bị để “chịu đựng mà phục vụ” các ông chủ nước ngoài, những người thường thô bỉ và đôi khi còn tàn bạo nữa (tr.249).
Michael Albert đã có nhận xét thật sắc sảo: “Bộ y tế Nhật đã hoàn thành 1 bản nghiên cứu chứng minh hiện tượng “đột tử” (Karoshi) ngày càng nhiều đối với những người làm công quá sức. Theo bản nghiên cứu này thì hàng năm có 10% những người đàn ông ở tuổi trưởng thành bị chết đột ngột, thực sự là đã “tự sát” trong lao động (…) Giờ giấc hà khắc và lao lực thường xuyên dẫn đến tự sát, ly hôn, nghiện rượu…Sự thần kỳ Nhật Bản lộ ra ở đây các giới hạn của nó”. (Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản, Nxb Thông tin lý luận 1992, tr.191)
Riêng tình trạng phụ nữ Nhật cũng rất đáng chú ý. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX mà “phụ nữ Nhật vẫn còn được dạy dỗ để khúm núm và phục tùng” (tr.290) và “một số phụ nữ Nhật ngày nay co rúm lại trước những ông chồng hung bạo”. Nhưng hiện nay họ cũng đã phản ứng lại một cách quyết liệt. Chính phủ Nhật đã có những bản thông báo về tình hình đáng báo động về phụ nữ: họ đòi ly hôn nhiều hơn, số phụ nữ trẻ thích sống độc thân; nhiều phụ nữ già khi chết đã từ chối việc chôn cạnh mộ chồng theo tục lệ.
Qua một số dẫn chứng thực tế như vậy cũng có thể thấy phần nào việc khai thác con người theo kiểu Khổng giáo; hãy thương yêu ông chủ và sẵn sàng làm việc hết lòng với các ông chủ.
Về mặt vật chất, quả là những con người lao động này cũng được hưởng đời sống khá hơn. Nhưng còn về mặt tinh thần? Những dây xiềng Khổng giáo tuy có được nới lỏng nhưng vẫn còn nguyên vẹn trên cổ họ. Những cuộc biểu tình mang tính chất bạo động của công nhân và sinh viên Hàn Quốc biểu hiện cái tâm lý đối với quan hệ giữa người với người chẳng mấy tốt đẹp ở đất nước này. Và mưu đồ dùng kỷ cương Khổng giáo để ổn định trật tự xã hội đâu có phải dễ dàng duy trì mãi mãi!
Ở đây chúng ta gặp một nghịch lý: do nhu cầu phát triển sản xuất, giai cấp tư sản phương Tây phải tiến hành một cuộc cách mạng giải phóng lực lượng sản xuất mà phân nửa là phụ nữ ra khỏi những xiềng xích phong kiến. Trong khi đó, cũng để phát triển kinh tế TBCN, giai cấp tư sản môt số nước phương Đông lại khéo léo sử dụng xiềng xích phong kiến để vắt kiệt sức lao động của họ. Do đó, một nhà báo nổi tiếng của Mỹ là David Hanberstam đã có lý khi nhận xét về Nhật: “Họ đã từng hoàn toàn hiện đại mà vẫn phong kiến đến lạ lùng” (Thế kỷ sắp tới).
Nhưng tại sao giai cấp tư sản các nước đó giải phóng sức sản xuất theo kiểu ấy vẫn đạt được sự thành công. Đừng quên rằng những nước này đã được hưởng các khoản đầu tư và viện trợ rất lớn của Mỹ và các nước tư bản khác; và họ đã biết sử dụng có hiệu quả những khoản này: Theo thống kê thì từ năm 1952-1989, toàn bộ đầu tư của Mỹ vào Đài Loan là 2.75 tỷ USD, của Nhật là 2.86 tỷ USD và của Tây Âu là 1.73 tỷ USD. Ngoài ra còn 3.56 tỷ USD là của Hoa kiều (Thông tin tháng 12-1993- Ban Tuyên huấn Thành uỷ TP.HCM)
Còn Nhật Bản thì:
“Chiến tranh Triều Tiên đã có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và hồi sinh của kinh tế Nhật Bản. Từ năm 1950-1954, Mỹ đã đặt hàng quân nhu trị giá 4 tỷ USD, cộng với 2 tỷ USD viện trợ trước là 6 tỷ USD” (Nhật Bản cận đại, Vĩnh Sính, tr.259).
Chính những con số đầu tư viện trợ khổng lồ cộng với việc chuyển giao công nghệ ở khu vực công nghiệp của CNTB phương Tây đã tạo ra những lực đẩy chính cho sự phát triển kinh tế ở các nước rồng.
Cũng cần chú ý là họ không chỉ tiếp nhận quy trình công nghệ ở khu vực công nghiệp nhẹ (dệt, nhựa) mà cả công nghiệp nặng như chế tạo ô-tô, máy bay, luyện thép..và những kỹ thuật cao cấp như điện tử, vi tính…
Tóm lại là những cất cánh của Nhật Bản và bốn con rồng nhỏ biểu hiện một năng lực trí tuệ và tài năng tổ chức của chính quyền và các giới kinh doanh ở những nước đó. Ngoài việc định ra một chiến lược kinh tế đúng, họ đã biết khai thác, sử dụng những nhân tố tích cực và tiêu cực của Khổng giáo. Họ đã sử dụng Khổng giáo một cách tích cực và hữu hiệu đến mức không thể dân chủ hoá đời sống xã hội hoặc dân chủ hoá một cách miễn cưỡng chậm chạp, không hề tương ứng với nền dân chủ của tư bản phương Tây. Phải chăng có thể coi đây là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa châu Á?
Có điều thú vị là các xã hội phương Tây sau khi đã đi hết cực cá nhân của mình rồi rơi vào trạng thái cô đơn bế tắc lại thấy thèm muốn cái tinh thần cộng đồng đang còn tồn tại ở các xã hội phương Đông.
Không có gì ngạc nhiên khi các học giả phương Tây đổ xô vào ca tụng và cổ động cho ý thức cộng đồng và các quan hệ gia đình, xã hội ở phương Đông; nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy các học giả phương Đông, trong đó có học giả Việt Nam, lại ca tụng theo và cổ động theo những thứ mà chính vì nó mà phương Đông chậm phát triển trong nhiều thế kỷ qua. Tinh thần cộng đồng từng đóng góp những mặt tích cực trong lịch sử chống thiên nhiên hoặc ngoại xâm nhưng đồng thời cũng cản trở nghiêm trọng do sản phẩm của nó là chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa kinh nghiệm.v.v…
Tiếc rằng tất cả các học giả ở hai phương trời đều không nhớ hộ rằng: một trong những vấn đề trọng đại hàng đầu của phương Đông hiện nay là phải hoàn thành cái công đoạn giải phóng cá nhân để phù hợp với qui luật tiến hoá của nhân loại.
Hàng nghìn năm qua, các xã hội phương Đông đã biểu hiện hết mặt tốt và sức mạnh của cộng đồng nhưng các thành viên của nó luôn bị nhấn chìm và hoà tan trong cộng đồng, vì thế năng lực của từng cá nhân chưa bao giờ được phát huy theo đúng khả năng của nó, sức sản xuất của phương Đông trì trệ cũng là nguyên nhân này. Chỉ có điều cần rút kinh nghiệm là làm thế nào cho mỗi cá nhân được giải phóng vẫn giữ được mối liên hệ tốt đẹp với cộng đồng. Nghĩa là giữa cá nhân và cộng đồng giữ được mối quan hệ hài hòa và không ngừng phát triển.
Hài hoà và ổn định để phát triển chứ không phải để dẫm chân tại chỗ, hoặc giật lùi tụt hậu về quá khứ.
Vấn đề của Việt Nam ta
Vấn đề còn lại là Việt Nam ta sẽ phát triển thế nào để đuổi kịp được đà tiến của nhân loại đồng thời không đánh mất bản sắc dân tộc của mình.
Trước hết, ta cần phải xem lại xem nước ta có phải là nước Nho giáo không. Nếu chỉ xét về các thiết chế chính trị và giáo dục với việc sử dụng chữ khối vuông thì đúng là Nho giáo. Nhưng nếu xét theo tâm lý, nếp sống, nếp nghĩ và toàn bộ hoạt động của dân tộc trong từng thời kỳ lịch sử thì không hẳn Nho cũng chẳng là Phật hay Lão, mà tất cả các chất Nho, Phật, Lão đó đều được Việt Nam hoá rồi. Cũng như không thể xét số lượng chùa chiền và người theo Phật giáo đông mà bảo Việt Nam là nước Phật giáo được. Cũng không phải khi đã từ bỏ chữ khối vuông rồi chỉ dùng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp mà đã bảo là đã Âu hoá rồi. Vì Việt Nam là một tính cách mạnh mẽ, không dễ bị “hoá” như người ta từng mưu mô, mong muốn hay tưởng tượng. Nhưng lối sống của ngoại bang có những thời kỳ du nhập rất mạnh mẽ, thậm chí dùng cả quyền lực để áp đặt như thời kỳ Bắc thuộc, Pháp thuộc, nhưng cũng không đủ sức làm biến hoá bản sắc dân tộc Việt. Việt Nam có sức đồng hoá những thành tố văn hoá ngoại nhập và biết loại bỏ những gì không phù hợp với mình. Tiếng Việt là một chứng tích hùng hồn, nó có thể du nhập tới 70% từ Hán và 10% từ Anh , Pháp. Nhưng cả cách phát âm lẫn cấu trúc ngữ pháp thì nó vẫn là Tiếng Việt chứ không phải là tiếng nào khác. Lâu nay ta cứ có một cái nhầm gọi những từ Việt gốc Hán là từ Hán Việt; phải gọi là từ Việt Hán mới chính xác. Tất cả những phong tục tập quán cũng thế, đặc biệt về mặt tư duy thì người Việt Nam vẫn giữ được tư duy riêng của mình. (Vấn đề này xin bàn vào dịp khác).
“Hội hoạ Việt Nam phải bộc lộ được bản sắc riêng, góp một tiếng nói với nghệ thuật thế giới. Dù là một tiếng nói nhỏ bé nhưng là tiếng nói của mìn, không lai căng của Tàu hay của Tây. Tôi cảm thấy hãnh diện là mình không mất rễ, không chịu mất rễ và sau 15 năm đụng chạm trực tiếp với phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá tung được mọi xiềng xích nô lệ do sự lệ thuộc vào lối nhìn như vậy. Ảnh hưởng của hội hoạ Trung Quốc và Tây phương thời kỳ đô hộ chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở cái chí khí quật cường của dân tộc, tôi mới tìm đuwocj một đường lối giải thoát cho nghệ thuật của tôi” (Phạm Tăng- Người hoạ sĩ Việt Nam ở Roma, báo Văn nghệ số 15, ngày 9-4-1994).
Cách nghĩ của hoạ sĩ Phạm Tăng có thể coi như là một tiêu biểu cho một lối nghĩ Việt Nam. Hoạ sĩ Phạm Tăng nghĩ đúng và hành động đúng vì chính với lối nghĩ đúng đó mà người Việt Nam không bao giờ bị Hán hoá , Pháp hoá, Mỹ hoá. Một vấn đề cốt tử hiện nay là Việt Nam phải giàu mạnh. Đây là một cái đích đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ trong Di chúc của Người: “Chúng ta phải phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ , giàu mạnh”.
Rõ ràng chúng ta đã hoàn thành được 3/5 mục đích phấn đấu này một cách xuất sắc. Chúng ta cũng phải giải quyết 2/5 còn lại thật tốt. Không dân chủ hoá xã hội chủ nghĩa là cũng không giải phóng được năng lực của mọi công dân Việt Nam. Và tất nhiên cũng không thể giàu mạnh được. Một dẫn chứng trong nông nghiệp cũng chứng tỏ sức mạnh của dân chủ, chỉ cần khoán ruộng đất cho nông dân để họ tự do canh tác trên mảnh đất của mình thì không những đã thanh toán được nạn thiếu đói kinh niên mà còn thừa gạo để xuất khẩu. Nhưng thật là cực kỳ mâu thuẫn khi vừa nói dân chủ lại vừa nói đến phục hưng Khổng giáo. Phải nhớ phi dân chủ là một nhược điểm cơ bản của Khổng giáo: tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức vẫn chỉ duy trì mối quan hệ bất bình đẳng mà thôi.
Chúng ta không chấp nhận dân chủ cực đoan kiểu phương Tây và cũng không cần giống bất cứ nước nào ở phương Đông.
Chúng ta phải xây dựng một quan hệ mới, mỗi cá nhân có quyền phát huy toàn bộ năng lực của mình và phải hoà hợp với cộng đồng, giàu tình thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Về tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì đạo lý dân tộc đã đúc kết rất rõ:
- Chị ngã em nâng.
- Thương người như thể thương thân.
- Người đi trước rước kẻ đi sau, kẻ đi sau theo mau người đi trước.
- Anh em như thể tay chân
- Thuận vợ thuận chồng, biển Đông tát cạn
- Thuần bè thuận bạn, tát cạn biển Đông.
Tính chất nhân bản trong ứng xử thì người Việt Nam chúng ta đã có từ thời tiền Nho giáo, còn khi Nho giáo du nhập rồi chỉ bổ sung làm cho đạm thêm thôi. Còn cái mà ngày nay chúng ta cứ kêu là “đạo đức xuống cấp” thì đó là sự khủng hoảng tất nhiên của thời kỳ chuyển tiếp từ kinh tế tiền công nghiệp sang công nghiệp. Đạo lý cũ dẫu tốt đẹp cũng không đủ nữa, trong đó lại có những cái lỗi thời phải loại bỏ, cho nên sự hụt hẫng là tất nhiên. Cái gọi là xuống cấp là thế. Có lẽ nên gọi là độ vênh tất yếu giữa vector đạo lý và vector kinh tế- xã hội và nếu muốn cho phù hợp thì vector đạo lý phải tăng cả độ dài và vận tốc. Do đó, kể cả đạo lý cũ lẫn đạo lý mới ở thời kỳ xây dựng một nền kinh tế công nghiệp đều cần phải được thể chế hoá, pháp chế hoá.
Trong việc pháp chế hoá này, chúng ta phải hết sức quan tâm đến tính sòng phẳng. Sòng phẳng quá đến mức cạn tàu ráo máng hoặc lạnh lùng như phương Tây thì không nên. Nhưng cứ áng chừng, xuề xoà , đại khái theo kiểu tiền công nghiệp thì cũng không ổn. Nói khác đi, ở đây phải có sự thoả thuận mới mang tính pháp lý, và đều phải được văn bản hoá. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Sự thật là tất cả các giáo điều và tín điều Khổng giáo, kể cả những điều tốt đẹp nhất cũng đều không được pháp chế hoá. Chỉ những giáo lý nhằm củng cố sự bất bình đẳng và áp bức tì lại pháp chế mà chỉ pháp chế hoá một chiều, nghĩa là nó mang tính bất công, phi dân chủ.
Cái tính phi dân chủ của Khổng giáo rất nhiều mâu thuẫn với chiêu bài dân chủ của giai cấp tư sản nhưng nó lại phù hợp với thực chất phản dân chủ của chủ nghĩa tư bản. Chính vì thế nên được các tập đoàn tư bản của các nước con rồng khai thác triệt để.
Với định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể bắt chước họ để khai thác Khổng giáo theo kiểu đó được vì trên thực tế, tất cả những gì tốt đẹp của Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo…đều đã có trong tâm thức dân tộc, trong đạo lý dân tộc và tất cả những gì lỗi thời lạc hậu đã bị lịch sử vượt qua không nên phục hồi lại nữa.
Mục đích cuối cùng (tức là cứu cánh mục đích) của sự nghiệp phát triển kinh tế của chúng ta không phải lợi nhuận mà là hạnh phúc của con người. Lợi nhuận (không được phép coi thường nó) mà chúng ta phải tìm kiếm chính là phương tiện để tạo ra hạnh phúc cho con người. Hạnh phúc này không dừng lại ở mặt vật chất mà phải đảm bảo cả về mặt tinh thần và văn hoá. Trước hết, con người phải được bảo vệ chứ không phải là nạn nhân của tệ nạn bạo hành, bạo lực hoặc của định kiến và lề thói hủ lậu. Đây không thể là những điều lý luận suông mà phải được pháp chế hoá và thực thi.
Nói như thế để thấy rằng vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam chúng ta trước ngưỡng cửa thế kỷ mới là giới nghiên cứu cũng như giới quản lý xã hội phải bàn bạc kỹ và hình thành cho được mọi hệ thống lý luận thích ứng với thực tiễn xã hội Việt Nam đang vận hành. Chệch hướng đã không được mà quay ngược trở lại càng không được.
Chúng tôi suy nghĩ nhều về ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu. Trong tham luận đọc tại hội thảo quốc tế về Khổng giáo, giáo sư nói: “Tôi chú ý rằng trong tất cả các bài viết và bài nói của mình trong suốt 60 năm hoạt động, cụ Hồ khong khi nào công kích Nho giáo. Điều đó không có ý nghĩa là cụ hoàn toàn tán thành theo Nho giáo”. (Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Yokohama- Nhật Bản 1991). Nói như thế, trước hết giáo sư đã mâu thuẫn với chính bản thân mình.
Trong tác phẩm bộ ba rất quan trọng của giáo sư- Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám- giáo sư đã rất có lý khi viết:
“Nhà viết sử ngày nay thì đòi văn bản, nhưng người làm nên sử ngày trước thì sống và chiến đấu theo một truyền thống Việt Nam khá đặc biệt (chúng tôi nhấn mạnh) mà ba câu sau đây trong thiên Danh phận của sách Nam Sơn tùng thoại có thể lột được ý chính:
Hạ sĩ lấy văn vẻ là văn vẻ
Thượng sĩ lấy lời nói làm lời nói
Danh nhân lấy công nghiệp làm lời nói
Lời nói của sự nghiệp, của hành động bao giờ cũng là lời nói chân thật, nhiều khi còn chân thật hơn bất cứ văn vẻ nào. Trong nhiều trường hợp, cần lấy hành động sự nghiệp làm một thứ “văn bản” chứng minh cho sự phát triển tư tưởng, không thể từ chối cách này được”. (tập 1, tr.250).
Đúng! Trong trường hợp danh nhân Hồ Chí Minh càng cần lấy hành động, sự nghiệp làm một thứ văn bản chứng minh cho sự phát triển tư tưởng của Người. Tất nhiên, phải thông cảm với Người, trên thực tế lẫn văn bản, Người không thể công kích Nho giáo như những người khác. Nhưng dù hết sức cận trọng, cũng có lúc Người đã nhẹ nhàng mỉa mai Khổng giáo bằng văn bản:
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.
(Phỏng Khúc phụ)
Giáo sư Đặng Thai Mai đã dịch:
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Chúng tôi đã mạn phép giáo sư sửa từ “lấp loáng” vì nó sang trọng quá, không đúng tinh thần nguyên tác. Thay bằng từ “rơi rớt” có lẽ chính xác hơn.
Giáo sư Trần Văn Giàu cũng viết rằng:
“Có nhà lãnh tụ nói: tổ chức tăng sức mạnh mười lần; cụ Hồ dạy: đạo đức tăng sức mạnh lên gấp bội. Mà đặc điểm lớn về Nho giáo là nói ít về trời và tín ngưỡng mà nói nhiều về người và đạo đức. Cho nên có giáo sư sử học Pháp cho rằng thật đạm những dấu ấn mùi vị sắc thái Nho giáo trên tư tưởng phong cách của cụ Hồ. Điều đó dễ hiểu khi viết: nước Việt Nam nghìn năm dùng chữ Hán mà theo đạo nho, khi biết gia đình ông Hồ và ông Hồ thời trẻ tắm gội trong biển Thánh” (sách đã dẫn).
Dù hết sức kính trọng giáo sư Trần Văn Giàu và vị “giáo sư sử học Pháp”, chúng tôi cũng phải xin phép thẳng thắn được nói rằng các vị đã nhầm.
Nếu quả Hồ Chí Minh của chúng ta là người “tắm trong biển Thánh” và tư tưởng phong cách của Người “đậm những dấu ấn, mùi vị sắc thái Nho giáo” thì làm sao Người dám bỏ lại cha già nơi đất khách để đi tìm đường cứu nước ở tận phương trời Tây (phụ mẫu tại, bất viễn du: cha mẹ còn, con không được đi chơi xa). Và chắc hẳn Người cũng không dám từ bỏ việc lập gia đình để chuốc lấy tội đại bất hiếu (bất hiếu hưu tam, vô hậu vi đại: bất hiếu có ba điều, điều lớn nhất là không có con trai nối dõi tông đường). Bác Hồ thực hành chữ hiếu theo truyền thống Việt Nam, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi cùng từng “hiếu” theo truyền thống đó. Tuyệt nhiên không phải hiếu theo kiểu Tống Nho. Và suốt đời Người đã đấu tranh giải phóng con người bị áp bức, đặc biệt là giới phụ nữ và tầng lớp tiểu nhân khó dạy( duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã) sao alị có thể nói là “cụ Hồ không khi nào công kích Nho giáo”. Thử hỏi, đối với Nho giáo thì có sự công kích nào dữ dội hơn thế không?
Đáng tiếc là học giả Nguyễn Khắc Viện có nhiều luận điểm đúng đắn trong khi “bàn về đạo Nho”, ông lại tỏ ra phân vân, do dự trước trào lưu Tân Khổng Giáo. Ông viết:
“Gần đây, một học giả Nhật Bản cũng luận điểm là Nho giáo đã giúp cho các nước như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc dễ tiến lên hiện đại”. (Bàn về đạo Nho).
Ông không nói rõ tên học giả đó và cũng buông lửng không bàn về lẽ đúng sai của luận điểm này. Người đọc cảm phục công phu tự học Nho giáo của ông nhưng cũng không tránh khỏi ngạc nhiên khi thấy ông khẳng định: Tóm gọn lại: “Đạo lý là Nho”. (tr.56).
Điều này chưa chính xác. Nho có đạo lý của Nho. Phật có đạo lý của Phật. Lão có đạo lý của Lão, mà dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa tới nay đâu có theo dứt khoát một thứ đạo lý nào. Trong quá trình phát triển,dân tộc Việt Nam ta xuất phát từ đạo lý của đạo Mẫu rồi hấp thụ tinh hoa của Phật, Nho , Lão, Marx-Lénine…để tổng hoà thành đạo lý Việt Nam.
Nhân đây cũng nói một sự nhầm khác tương đối phổ biến. Nhiều người cứ tưởng rằng khôi phục đạo lý của dân tộc là trở lại với một số nghi thức phong tục xưa như ăn mặc,lễ tiết của vài ba thế kỷ vừa qua. Đâu có phải cứ khăn đóng áo dài hay sì sụp lạy lễ mới là dân tộc. Theo kiểu suy nghĩ này biết đâu lại chẳng có người sẽ đề nghị nhuộm răng đen và đóng khố đuôi lươn để bảo vệ truyền thống.
Vấn đề thì nhiều, ở đây chúng tôi chỉ đề cập sơ qua để thấy rằng vấn đề truyền thống và hiện đại là quá lớn, quá rộng.
Thực tế đã cho thấy rằng, các tập đoàn ở các nước rồng lớn rồng nhỏ đã khéo sử dụng vốn đầu tư, vốn kỹ thuật của nước ngoài và một số yếu tố trong văn hoá Khổng giáo của họ để tạo ra những bước phát triển thần kỳ. Đáng khâm phục thật đấy nhưng đừng nhầm rằng cứ đi theo con đường của họ thì cũng sẽ gặt hái được những kết quả tương tự….
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn