Nhân tâm và tâm bão
Cơn bão số 9 đã qua đi với di hại nặng nề. Nhìn vào việc sơ tán mấy trăm ngàn dân vào nơi an toàn ở vùng bão đi qua chứng tỏ đất nước chống bão lụt rất chuyên nghiệp. Những người bạn quốc tế tôi gặp đều khâm phục cách chung sống với thiên tai của ta. Có thiếu tá hy sinh khi đi cứu trợ. Bao nhiêu người đã tận tụy đến nơi rốn lũ, khi đêm bão về. Những bài báo về bão lũ được đọc nhiều nhất.
Bão C năm 1962 và cuộc sơ tán
Còn nhớ, năm 1962, cơn bão C khủng khiếp. Thời đó, nghèo, nhà tranh vách đất khó mà chống chọi với sự cuồng nộ của thiên nhiên.
Trước ngày có bão, mặt trời gần lặn phía Tây, ráng đỏ trên đám mây rực rỡ, báo hiệu thời tiết sắp có chuyện chẳng lành, bố tôi lầm bầm. May có cái đài galen bên nhà hàng xóm nên ông biết có trận bão cấp 12 rất to, sắp vào vùng Hà Nam Ninh.
Bố tôi mất bao nhiêu công sức mới cất được mái nhà gỗ ở ngã ba sông, thông thống gió lùa. Xung quanh xây gạch “con kiến”, nghĩa là chỉ có một lớp gạch chồng lên nhau và gắn bằng vôi vữa. Theo lệnh của ông, mấy anh lớn chằng buộc, giằng mái và thêm mấy cái cọc chống đỡ xung quanh.
Đêm đó trận bão khủng khiếp đi qua. 8 anh chị em chúng tôi lít nhít ngủ mê mệt. Bố tôi đánh thức, bế bọn bé đang ngủ vạ vật, “sơ tán” sang nhà ông nhà chú bên cạnh, vì nhà đó xây tường đá. Gió mạnh đã quật đổ cây mít to tướng sau nhà và sau đó là cây cau rất cao. Khi cau đã đổ nghĩa là bão rất lớn. Mưa tầm tã và nước quanh nhà đã lụt đến ngực đám trẻ.
Mẹ tôi mới sinh em bé được vài ngày, hình như cãi nhau gì đó với bố, nằm trong buồng. Khi lôi hết đám trẻ sang nhà chú thì đến lượt bố tôi hét mẹ bế con sang. Bà nhất định nằm trong nhà, còn nói “Tôi chết cho sướng”.
Ông già điên lên, ôm cả hai mẹ con, lội nước đưa sang bên chú. Lúc quay về thì thấy nhà răng rắc, chừng như sắp đổ. Bỗng bức tường phía sau nhà đổ rầm, đè nát cái giường của mẹ tôi và cả cái phản mấy anh em vẫn nằm.
Không hiểu thần linh nào nhắc mà bố tôi và anh trưởng kịp nhớ ra, đạp tung bốn chuồng cửa, và gió cứ thế thổi thông qua nhà. Thật kỳ diệu, nhà không đổ, dù bị tốc mái, nhưng tường xung quanh đổ hết và bộ cửa thì tan tành.
Không biết cơn bão C năm đó làm chết bao nhiêu người, bao nhiêu nhà đã đã đổ. Chỉ biết cả một vùng rộng lớn tan hoang như sau trận bom B52. Mấy cây đa cổ thụ trăm năm tuổi bật hết gốc và từ đó, làng tôi hết đa.
Tất nhiên chả có ai cứu trợ. Không có ai hỏi thăm và không có dòng tin tức nào về sự thiệt hại, làm gì có đài, tivi hay internet như bây giờ. Sự mất mát và khốn cùng không ai biết đến.
Cơn bão số 9 (2009)
Theo VietnamNet, trong số 6 tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề vì cơn bão số 9, Quảng Ngãi đứng đầu về số người thiệt mạng với 27 chết, 4 người mất tích, 82 người bị thương. Số thiệt hại không dừng ở đó. Đã bao nhiêu nước mắt rơi trộn lẫn với mưa trời và gió bão.
Trong cuộc họp giao ban “nóng” ngày 30/9 với sự có mặt của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Phạm Đình Khối, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng: “Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi. Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến những hệ lụy ghê gớm”.
Theo ông Khối, dự báo sai làm rất nhiều người dân nghĩ bão sẽ vào Quảng Trị chứ không nghĩ bão sẽ đánh úp Quảng Ngãi, “thế là cứ tà tà”.
Ông Trần Văn Sáp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp báo để giải trình những thông tin trên. Ông này phản đối: “Sự việc không đúng như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói. Trong các bản tin dự báo, chúng tôi luôn nhấn mạnh đến những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão (tức là gió mạnh cấp 10, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản nhân dân), trong đó có Quảng Ngãi”.
Ông Sáp dẫn chứng: Trong bản tin dự báo phát lúc 3h30 sáng 29/9 (ngày mà vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền), chúng tôi có nói: “Dự báo trong 24h tới, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi”.
Trong không gian đa chiều, phát biểu về trận bão đều được phản hồi ngay. Không phải tìm ra ai sai đúng để trừng phạt mà để học bài học đắt giá, lần sau không mắc phải.
Nếu sống ở Quảng Ngãi chắc tôi cũng “tà tà” vì bão “đi từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi”, nghĩa là tâm bão nằm ở đâu đó, không phải tỉnh mình.
Đương nhiên là người lãnh đạo tỉnh thì không thể bình chân như vại. Dự báo thời tiết chỉ là…dự báo, không thể chính xác 100%. Bao nhiêu điện khẩn của trung ương, thông báo trên đài, tivi, internet online... Đổ cho dự báo sai để mình không chịu trách nhiệm trước những tổn thất liệu có chấp nhận được?
Và có lẽ, để dân nghèo đỡ khổ hơn, bên dự báo cũng cần bớt những thông báo chung chung, kiểu như “mây thay đổi, gió nhẹ, tầm nhìn xa trên 10km”, hoặc, dự báo bão thì đừng để sai hướng. Nhiều năm qua đã có chuyện đó rồi và hôm nay họ lại tiếp tục báo…sai.
Có lẽ chuyện này chỉ dừng lại cho đến khi một ai đó từ chức hay bị mất chức? Hoặc tốt hơn, thay vì đầu tư 15 triệu đô la tổ chức thi hoa hậu hay chi hàng triệu đô la cho các cô gái chân dài thi thố…, nên mua thiết bị cho hệ thống dự báo thời tiết, đào tạo lại cán bộ của ngành.
Nhân tâm và tâm bão
Cha tôi chống bão dựa vào ráng trời, cái đài galen cổ lỗ và ra quyết định đúng lúc nên cứu được mạng sống cho hàng chục người và nhà không bị đổ, dù ông không biết tâm bão là gì.
Nhưng thời lạc hậu đó đã qua cả nửa thế kỷ. Hệ thống thông tin, dự báo thời tiết và con người cũng đã khác. Ta hay nhắc những mỹ từ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng trong thực tế, nhìn vào báo bão mà ngậm ngùi.
Vùng tâm bão đi qua, gió lặng và ít mưa. Nhưng đó chỉ là vài chục phút yên tĩnh tạm thời trước khi cơn giận dữ của trời đất trút xuống đầu người vô tội, vì sau đó, phần hoàn lưu khủng khiếp sẽ đến.
Trong khoảnh khắc tưởng chừng yên yên ả đó, tâm của người lãnh đạo, của người dự báo thời tiết, và kể cả người dân không thể bình lặng như…tâm bão.
Người ta đang tranh cãi đúng sai về vùng cơn bão đi qua, về sự vô cảm, có thể do nhân tâm đã phân tán.
Nhớ về câu quen thuộc trên tivi “Mây thay đổi, tầm nhìn…”. Nhiều người giễu, mây lúc nào chả thay đổi, mà sao tầm nhìn ngắn thế.
Tuy nhiên, con người thay đổi cho kịp thời đại như mây biết đâu lại tốt hơn. Và tầm nhìn lúc nào cũng “xa hơn 10km” về môi trường, về con đường đi lên của đất nước, có thể giảm thiểu những tổn thất hay bớt những bước đi thụt lùi không đáng có.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh