Nhà văn bị hay… được 'tuýt còi'?!

09:13 CH @ Thứ Ba - 06 Tháng Hai, 2018

Có một sự thật trớ trêu đang diễn ra hiện nay: Tác phẩm văn học bị “tuýt còi” lại gây ra tác dụng ngược, độc giả không những quay lưng mà còn háo hức đi tìm sản phẩm bị cấm, vô tình tạo điều kiện cho cuốn sách ấy trở nên nổi tiếng...

Một số cuốn sách "từng có vấn đề"

Tác giả Đãng Khấu và một bộ phận trong giới nhà văn cũng đã tiên đoán được sự thể trước khi “Mối chúa” phát hành. Cho nên khi ồn ào xảy ra, nhà văn Đãng Khấu (Tạ Duy Anh) không có gì để sốc. Cũng có thể vì anh đã quá quen với chuyện những đứa con tinh thần của mình thường xuyên bị “gõ đầu” khi sinh ra.

Có nhà văn từng tổng kết về trường hợp Tạ Duy Anh: “Cứ viết 3 tiểu thuyết thì phải thu hồi 2 quyển và 1 quyển còn lại cũng bị nhắc nhở, hoặc đình bản chờ hội đồng thẩm định rồi mới cho phát hành tiếp hay không”. Khi “Mối chúa” bị cấm, Đãng Khấu từng chia sẻ như sau: “Trước “Mối chúa”, “Đi tìm nhân vật” đã bị cấm phát hành, cấm tái bản ròng rã 15 năm. Bằng đúng thời gian lênh đênh của nàng Kiều! Hồi đó chỉ một chút nữa thôi là tôi gặp nguy hiểm. “Lãng du”, tập truyện ngắn, cũng suýt bị đình bản. Ba truyện ngắn của tôi là “Người khác”, “Mr. Ban”, “Bạn cũ” đều rơi vào tình cảnh tương tự suốt mấy năm”.

Theo Đãng Khấu, là người cầm bút, nên chuẩn bị đối mặt với mọi thứ xấu nhất có thể xảy ra. Cho nên, “Mối chúa” bị “tuýt còi” cũng là một sự cố bình thường. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận sự cố thường xuyên bị “tuýt còi” là “nỗi không may” trong sự nghiệp viết lách của anh.

Thời gian qua, một số tin tức thời sự lôi kéo sự quan tâm đặc biệt của dư luận, khiến một số người viết lại có dịp mang “Mối chúa” ra bàn. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám có ý kiến: “Tôi cho rằng, về nguyên lí, văn học phải “thật hơn sự thật”, tức là nó không chỉ phản ánh hiện thực mà nghiền ngẫm hiện thực, “lớn” hơn hiện thực. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là văn học của ta hiện nay chưa làm được điều đó, thậm chí nhiều khi còn “theo đuôi” hiện thực, đuổi theo hiện thực. Là nhà văn nhưng đồng thời cũng là nhà báo, những gì tôi nghe, tôi thấy và cả tôi chứng kiến nhiều khi vượt rất xa những điều mà nhà văn “tưởng tượng” ra. “Mối chúa” cũng tương tự như vậy. Tôi không tin nhà văn Tạ Duy Anh, dù là một cây bút sáng giá trên văn đàn hiện nay có thể tưởng tượng được những điều như hiện thực cuộc sống đã và đang diễn ra”.


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Xuất bản ra rồi cấm là lợi bất cập hại.

.

Không đến nỗi căng thẳng lắm

Nhà văn Ma Văn Kháng tiết lộ, trong đời viết của ông, có cuốn “Mưa mùa hạ” bị giữ lại chưa cho phát hành, “đắp chiếu” mất 3 tháng: “Hồi đó sách in cũng nhiều, mấy ngàn cuốn, “đắp chiếu” ở Tổng công ty phát hành sách”. Nhưng sau đó, Viện Văn học tổ chức một buổi hội thảo về “Mưa mùa hạ” có sự tham gia của những tên tuổi lớn như Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Phong Lê… nên tác phẩm được “giải phóng”.

Về lí do bị “đắp chiếu” Ma Văn Kháng giải thích: “Hồi đó, mới bắt đầu công cuộc đổi mới, “Mưa mùa hạ” chạm vào mấy cái “tội”. Hỏi về tâm trạng khi đứa con tinh thần bị “tuýt còi”, ông chia sẻ: “Tâm trạng cũng buồn nhưng hy vọng”. Với những cuốn sách có thông điệp mạnh mẽ như vậy, Ma Văn Kháng không quá hồi hộp khi quyết định cho ra mắt, “thực ra mà nói, không có tâm trạng cay cú gì đâu vì mình tự tin ở mình”. Ngay cả nếu tác phẩm bị thu hồi thật sự thì “tôi cũng có cảm giác bình thường thôi vì người đọc người ta cũng tinh quái lắm. Bạn đọc biết lựa chọn lắm, chỉ khi người lựa chọn thờ ơ với mình thì mình mới sợ”.

Ngoài cuốn “Mưa mùa hạ” thì “Đám cưới không có giấy giá thú” cũng là một cuốn sách từng khiến dư luận bình: “Nếu cuốn này của ông Kháng đã in rồi thì chẳng có cuốn nào nên cấm nữa”, vì tác phẩm đặt ra những vấn đề quyết liệt về người lãnh đạo xã hội một cách kín đáo. “Một mình một ngựa” cũng là một trường hợp gây “khó chịu” khác của Ma Văn Kháng. Ưu điểm của Ma Văn Kháng ở những tác phẩm thế sự là viết kín đáo, ý nhị, mang tính ẩn dụ cao, bởi tác giả quan niệm, văn chương mà “lộ toẹt” thì hết duyên.


Nhà văn Ma Văn Kháng: Sách bị “tuýt còi” không khiến nhà văn căng thẳng lắm đâu.
.

Nhớ về thời còn công tác tại NXB Lao Động (Ma Văn Kháng từng là Tổng biên tập, PGĐ NXB Lao Động- PV), nhà văn nhắc đến cuốn “Chúa trời ngủ gật” của Nguyễn Dậu: “Chúa trời ngủ gật bị thu hồi và bị đem nghiền làm giấy. Hồi đó có cả ô tô đến trước cửa NXB Lao Động để chở sách đi nghiền. Cuốn đó thực ra không có gì, động chạm chút xíu thôi”.

Ma Văn Kháng chia sẻ, đôi khi tác giả vì muốn “đứa con” của mình được ra đời an toàn nên cũng chấp nhận sửa chữa: “Thí dụ cuốn “Mùa lá rụng trong vườn”, lúc đầu tôi đặt tên là “Mùa lá rụng” thôi. Nhưng “các anh ấy” bảo, không được. Tên ấy tiêu điều quá, cuộc đời thế thì hỏng. Thế nên, tôi thêm vào hai chữ “trong vườn”, thành “Mùa lá rụng trong vườn”.

Bất lợi của thu hồi: Sự nổi tiếng

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến từng gặp rắc rối với cuốn “Quỷ vương”. Theo nhà văn, nên quản lí chặt ở khâu duyệt, “chứ in rồi mới thu hồi thì là cơ hội cho đầu nậu in lậu thôi”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng chung quan điểm với nhà văn Vũ Ngọc Tiến: “Sách đã xuất bản thì không nên ra lệnh cấm. Vì lợi bất cập hại. Nó tố cáo việc anh biên tập, xuất bản là không chu đáo. Tác phẩm văn học đa nghĩa, nhiều chiều, anh quy kết theo một chiều thì phản cảm, phản tác dụng”. Theo Phạm Xuân Nguyên, không chỉ với tác phẩm văn học mà mở rộng ra ở các cuốn sách thuộc lĩnh vực khác nữa, cứ bị cấm là to chuyện: “Có thể không cho ra đời thì người ta không biết đâu nhưng cho ra rồi lại thu hồi thì dù lí do chính đáng đến đâu người ta vẫn dị nghị”.

Tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” cũng cho rằng: “Sách bị cấm càng khiến người ta đổ xô nhau đọc, nhiều người đã nói, đó là cái mặt bất lợi của thu hồi. Có người nói cứ để cuốn sách ở đó, nó chìm đi chả ai để ý, thu hồi một cái lập tức nó nổi tiếng, mà có thu hồi được đâu, khắp nơi người ta đều có quyển đó cả”.

Tuy nhiên, nhà văn Ma Văn Kháng lạc quan khẳng định: Sách bị “tuýt còi” không ảnh hưởng đến tâm lí của nhà văn, không làm cho họ phải rụt rè trong sáng tác: “Không đến nỗi căng thẳng lắm đâu. Thời Nhân văn- Giai phẩm ấy, các cụ còn bị điều đi lao động, cấm xuất hiện, phải đổi tên… nhưng các cụ vẫn cứ viết. Như cụ Trần Dần ấy, bây giờ xuất bản một loạt. Tức là họ vẫn sáng tác âm thầm chứ có bị thui chột đâu. Nếu thui chột thì đã không thành nhà văn rồi, người sáng tác đã vập vào thì không bỏ được đâu”. Nhưng nhà văn Ma Văn Kháng cũng công nhận: So với trước đây thì đưa tác phẩm văn học đến với công chúng thời nay đã cởi mở hơn rất nhiều: “Ngày trước ít sách hay thế nào đó cho nên hay bị soi lắm. Bây giờ đầy sách nên chắc người ta chỉ để ý một số tác giả thôi”. Lý do những cuốn sách bị “tuýt còi” bây giờ thường lôi kéo sự chú ý của dư luận được nhà văn giải thích: “Xã hội cần một cái nhìn phản biện, người ta muốn nghe tiếng nói ngược chiều một tí, đó cũng là tâm lí đám đông”.

Trao đổi với dịch giả Lê Quang, anh giới thiệu, sách ở Đức, sau khi xuất bản có một dạng kiểm duyệt bởi một số cơ quan nhưng các cơ quan ấy không có quyền cấm hay thu hồi xuất bản phẩm, mà chỉ có quyền phê phán, sau đó các đơn vị xuất bản và phát hành tuân thủ hay không thì tùy, vì không có chế tài: “Muốn cấm phát hành và thu hồi thì các cơ quan trên hay bất kỳ công dân nào phải có đơn gửi tòa án với các lí do: 1. Kích động chiến tranh hay ca ngợi bạo lực, 2. Kỳ thị chủng tộc, 3. Hô hào chia rẽ tôn giáo, 4. Có hại cho thanh thiếu niên, 5. Một lý do đặc trưng Đức: Ca ngợi chủ nghĩa phát xít, sử dụng tài liệu hay biểu trưng của phát xít, phủ nhận vụ sát hại Do Thái hoặc sự hiện diện của trại tập trung. Khi có lệnh cấm của tòa án thì chẳng có cách nào tìm được tác phẩm bị cấm- trước khi có internet”.

Theo cảm nhận của cá nhân dịch giả, người Đức khác người Việt trong ứng xử với tác phẩm bị “tuýt còi”: “Tôi có cảm giác là người Đức chẳng sôi sục đi tìm đồ cấm, có thể vì chuyện thu hồi tác phẩm rất hiếm khi xảy ra và hầu như không có “thị trường đen” để tìm. Trong xã hội đó người tiêu dùng có đồng thuận cao: cái gì bị cấm là có lý do của nó, không việc gì phải bới ra “thưởng thức”.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách là gì trong cuộc sống của chúng ta?

    05/01/2018Vũ Viết HảoCó thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm câu trả lời về tầm quan trọng của sách bật ra trong đầu ngay khi đọc xong câu hỏi, đặc biệt là những người yêu sách, yêu đọc sách...
  • Ngôi đền sách cấm ở Đức

    12/09/2017T. TĐền Parthenon of Books ở Kassel (Đức) theo đúng khuôn mẫu của đền Parthenon Hy Lạp 500 năm trước công nguyên, đang trưng bày 100.000 ấn bản của những cuốn sách bị kiểm duyệt trên khắp thế giới...
  • Về số phận của Nho giáo

    02/09/2016Hồ Sĩ QuýCũng như những thập niên trước ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Hồng Kông, Nho giáo và văn hóa Nho giáo hiện vẫn giữ vai trò và vị thế của mình một cách tự nhiên trong đời sống. Chúng là sản phẩm của bản thân đời sống, được bảo tồn và duy trì lặng lẽ trong đời sống, theo những quy luật mà người ta không dễ can thiệp một cách cảm tính. Và do vậy, khi cần, chúng sẽ phát huy tác dụng theo quy luật tất nhiên của đời sống. Số phận của Nho giáo trong thế kỷ XXI, về căn bản, do đời sống xã hội quy định./.
  • Sách cấm

    15/10/2015Trần Ngọc ĐăngKhắp thế giới, trong từng giai đoạn lịch sử hay từng thời điểm chính trị nhất định đều có những cuốn sách bị thiêu hủy hay cấm lưu hành...