Không chấp nhận tách mình ra khỏi dân tộc
Kỷ niệm sinh nhật của Nguyễn An Ninh (15.9.1900) được đánh dấu bằng một “món quà” đặc biệt, đó là tập Nguyễn An Ninh – Tác phẩm do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản tại Nxb Văn học, tháng 6.2009 vừa qua.
Một công trình đồ sộ với 1.366 trang, tập hợp 400 bài báo và tác phẩm Nguyễn An Ninh viết chủ yếu từ 1923 đến 1937. Đa số được viết bằng tiếng Pháp (dịch sang tiếng Việt trong tập Nguyễn An Ninh – Tác phẩm).
Đọc các bài báo của Nguyễn An Ninh được tập hợp trong tập sách này, người ta có thể hiểu được lý do tại sao ông lại được nhà sử học Pháp Daniel Hémery liệt kê trong số những nhà báo Việt Nam “đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử báo chí Việt Nam”, và “đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự xoay chuyển thời cuộc lịch sử ở Đông Dương trong giai đoạn 1933-1936”.
Nguyễn An Ninh quả là một nhà báo lớn. Dĩ nhiên, không phải vì con số đồ sộ các bài báo ông đã viết trong khoảng thời gian ngắn ngủi, trên dưới 15 năm, mà vì các bài báo của ông đã được viết với nhiệt huyết của một con người không chấp nhận tách mình khỏi một dân tộc đang phải sống trong ách đô hộ của ngoại bang.
Ông sinh ra trên đất Nam bộ thuộc địa của Pháp và bị đặt dưới sự cai trị trực tiếp của thực dân. Ông học trường Tây tại Sàigòn. Năm 20 tuổi, ông tốt nghiệp cử nhân Luật học tại đại học Sorbonne ở Paris (Pháp). Ba năm sau, ông có bài viết trên tờ “Le Paria” để khẳng định ông thuộc số phận “bị khinh miệt” của 20 triệu dân An-na-mit sắp bị trao vào tay viên toàn quyền Martial Merlin, kẻ đã có 36 năm làm cái công việc “nhồi sọ” các dân bản xứ tại các thuộc địa của Pháp về “nền văn minh đầy ân huệ của Pháp”.
Mỗi bài viết của ông, dù dài hàng mấy trang, hay chỉ vỏn vẹn mấy hàng, trong suốt mười mấy năm viết báo, đều là một cuộc đấu tranh trực diện chống lại chính sách thực dân, chống lại những con người được nêu tên tuổi và chức vụ đang thực hiện chính sách này tại Việt Nam.
Các trang báo của Nguyễn An Ninh có thể được xem như những trang lịch sử về một giai đoạn của chủ nghĩa thực dân của Pháp được thực thi một cách cụ thể trong cái thường ngày của người dân bị trị, trên đường phố, trong những căn nhà kín cửa, với những người học trò 11-16 tuổi ở Mỹ Tho bị tòa án kết án nhiều tháng tù vì cái tội mơ hồ là tụ tập ở đường phố. Một lịch sử với những người nhà quê chất phác đã phải đem bán con để có đủ tiền ghi tên vào sổ những người “tình nguyện” cho chính quyền bảo hộ vay để cứu đồng bạc của Pháp tại chính quốc, hay với những người thanh niên bị rượt đuổi suốt mấy cánh đồng để rồi cuối cùng bị bắt, “bị trói lại đưa xuống tàu như súc vật, và gắn trên mỗi người một cuốn sổ nhập ngũ tình nguyện” để tham gia một cuộc chiến tranh diễn ra tại trời Âu mà những “người tình nguyện” này chẳng hề biết lý do.
Đọc Nguyễn An Ninh – Tác phẩm, người ta biết được nhà báo viết báo bằng tiếng Pháp cho người Pháp đọc, đã sử dụng những hiểu biết sâu rộng, sự suy nghĩ sâu sắc của mình, đặc biệt về lịch sử châu Âu, nhất là lịch sử Pháp, về thời sự, về tình hình quốc tế... để vạch rõ những tai hại đối với người dân bản xứ trong cái chính sách Khai hóa, Văn minh hóa người dân thuộc địa mà Pháp từng rêu rao.
Nguyễn An Ninh là một nhà báo, nhà văn hóa, nhưng điều quyết định, chính là nhiệt huyết của ông. Mấy chục năm sau đọc lại và trong một hoàn cảnh đã thay đổi, các bài báo của Nguyễn An Ninh, kể cả những bài đã trải qua “dịch thuật”, người ta vẫn còn cảm thấy hơi ấm của sức sống.
Việc một nhà báo như Nguyễn An Ninh năm lần bị bắt giam và lần cuối cùng bị đày ra Côn Đảo và qua đời tại đây ba năm sau, kể ra cũng là hợp với “trật tự của chính sách thực dân”. Có điều “trật tự của chính sách thực dân” này cũng chẳng tồn tại được bao lâu trong cái trật tự của Trời Đất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh