Người nông dân và sự tiêu dùng nghệ thuật
Cuối thế kỷ 19, những họa sỹ trường họa lưu động Nga đã cho tranh lên xe ngựa chở đến các vùng hẻo lánh cho nông dân xem. Ở ta, từ Cách mạng 1945, nghệ thuật được xác định là lấy đời sống của nhân dân lao động làm đối tượng phản ánh và phục vụ, rất nhiều họa sỹ đã xuống địa phương "ba cùng" với quần chúng.
Mục đích của văn hóa ngày nay không có gì khác trước, nhưng cách thức đã thay đổi. Trước đây không ai mặn mà gì với những bút pháp kỳ quặc, thì ngày nay họa sỹ có thể hoàn toàn vẽ ra những gì cho mình anh ta hiểu. Kinh tế thị trường là một động lực khác quyết định văn hóa nghệ thuật hoạt động như thế nào trên phạm vi thế giới vừa có giá trị cao, vừa là tiếng nói rất cá nhân của nghệ sĩ, vừa thỏa mãn nhu cầu của nhiều người. Không như vậy thì nghệ sỹ cứ chấp nhận treo niêu, không ai thương cả. Ví dụ các ban nhạc phương Tây, phim Mỹ, bóng đá Anh đã đi đến những đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật và thể thao cũng đồng thời chiếm số đông người hâm mộ nhất. Đồng tiền thúc đẩy nghệ thuật và ngược lại. Những phán xét có tính chất riêng lẻ tách rời văn hóa nghệ thuật và thể thao ra khỏi thương mại không đem lại hiệu quả ở mặt nào. Và đương nhiên nghệ thuật phải vừa tìm cách đi đến đỉnh cao, vừa thu nhận nhiều lợi nhuận từ số đông khán giả.
Sự phát triển chênh lệch, thực chất là khác biệt giữa nghệ thuật (đặc biệt là hội họa) với đại bộ phận khán giả trong nước đã làm cho nghệ thuật rất thiếu tiền hoạt động, thiếu người xem, và như hội họa có xu hướng “xuất khẩu”. Mặc dù các họa sỹ không mâu thuẫn gì với người nông dân, chiếm số đông trong nhân dân Việt Nam, nếu không muốn nói là họ vẫn yêu mến nhau. Đại bộ phận các họa sỹ có tài xuất thân từ nông dân. Khi đi học họ nhiều lần đi vẽ ở nông thôn. Người nông dân yêu mến họa sỹ, nhưng không hiểu họ vẽ gì. Họa sỹ cũng không quan tâm đến đối tượng này, và không bao giờ có ý định bán tranh cho họ, cùng lắm là vẽ tặng vài cái truyền thần, tờ báo tường cho các em học sinh hoặc khẩu hiệu cổ động ở nhà văn hóa xã. Họa sỹ nghĩ rằng nghệ thuật của mình rất cao siêu, chân lấm tay bùn thì làm sao mà hiểu được. Vả chăng thì Marx cũng nói: “Muốn thưởng thức nghệ thuật, phải được giáo dục về nghệ thuật”?
Song cứ cái đà này, thì chính nghệ thuật bế tắc vì không có thị trường và khán giả trong nước, chứ không phải những người nông dân. Họ có một đời sống thẩm mỹ khác tiêu dùng một thứ nghệ thuật khác nằm ngay trong môi sinh làng xã.
Trong cái làng xã tự cung tự cấp, đời sống kinh tế, tôn giáo, văn hóa nằm trong một cấu trúc dường như hình thành tự phát trong tự nhiên, mà hoạch định chặt chẽ tới mức quy định tâm thức người Việt. Mái nhà tranh tre ba gian hai chái, gian giữa quây bịch thóc bằng đất, trên đặt ba bát nhang thờ, dán tranh chủ và đôi câu đối, y môn thêu bằng vải. Ngoài cửa, Tết nhất có thể dán tranh “Môn thần”, gần ban thờ thì dán tranh “Ngũ hổ”. Hiên nhà khá rộng, có liếp hoặc dại cửa bưng nắng. Vườn trước, vườn sau trồng đủ các loại cây ăn quả na, chuối, mít. Ao cạnh nhà trồng xoan, gỗ có thể làm nhà. Lũy tre bao bọc, hoặc bờ dậu trồng duối. Cái cảnh nhà nông nghèo này vô hình trung có đầy đủ tính thẩm mĩ của một sinh thái cao khiết, khiến con người hài lòng với cảnh “bần nhi lạc”, “giấy rách giữ lấy lề”. Nhà giàu có thể xây nhà gạch, câu đối gỗ, ngai thờ bài vị sơn son thếp vàng, đào ao bán nguyệt, nhưng tinh thần ngưỡng bái tổ tiên và trọng nông nghiệp vẫn là chính, không thay đổi theo mức độ kinh tế. Ngoài các tư gia đẹp và thanh bần, làng còn có những công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí hàm chứa tinh thần thế tục và tôn giáo lẫn lộn. Cổng làng cuốn vòm, mái cong hai tầng, câu đối gờ tường giới thiệu thuần phong mĩ tục. Cái cổng này chỉ giới hạn đây là làng tôi chứ không có tính chất đem phân rào giậu ngăn cách. Bia “Hạ mã” yêu cầu quý khách sắp đến đình – đền – chùa xuống ngựa. Đình làng mái cong đồ sộ so với trình độ kinh tế và tầm cỡ con người nông dân. Nơi đây sẽ họp hội đồng kỳ hào kỳ mục và hội lễ tưng bừng. Trong đình làng chạm khắc nhiều hình thù sinh hoạt dân dã kỳ thú. Chùa nép bên làng cho Phật cư tĩnh, với nhiều nếp nhà dàn trải trong không gian đầy cây cối và bóng mát. Tượng Phật sơn thếp cầu kỳ với nhiều vẻ mặt vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Đền thờ Thánh hoặc Mẫu bảo hộ và phù trợ cho tâm linh và nghề phụ của làng. Miếu, am, quán… là những kiểu kiến trúc khác cho thần linh trú ngụ và gợi lên niềm hoài cổ không thể giải thích. Người nông dân sống ở đây tự mình đan rá rổ bằng tre, bện chổi bằng rơm, đẽo bừa, cày gỗ, mua chum, vại Phù Lãng, Thổ Hà…, bằng cách này tham gia vào quá trình sinh tồn và thẩm mĩ đạo đức một cách tự nhiên. Nghệ thuật tự do gắn với ứng dụng thì đầy rẫy khiến bất cứ đồ dùng truyền thống nào cũng làm cho các nghệ sĩ hiện đại thèm thuồng.
Ấy vậy mà người nông dân vẫn thán phục các bức tranh trừu tượng cao siêu và nghệ sĩ hiện đại vẫn thương hại cho cái nghèo và lạc hậu về thẩm mĩ của họ. Một bức tranh dân gian xưa là vài trinh, nay là vài nghìn đồng. Một pho tượng Phật làm mất khoảng bốn mươi thúng thóc. So với một bức tranh sơn dầu hiện nay một hai ngàn USD quả là một khoảng cách xa vời.
Song vấn đề không ở chỗ cứ có tiền là chi dùng cho văn hóa nghệ thuật. Họa sỹ có thể bán tranh tới vài ngàn USD hoặc hơn nữa, nhưng chính bản thân họ chẳng bao giờ bỏ ra vài ngàn như vậy để mua nghệ thuật. Vấn đề ở chỗ người Việt không có nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật tự do. Tâm lý thực dụng và tiểu nông của người nông dân duy trì ngay cả những người ra thành phố lâu năm. Và nghệ sỹ chỉ ưa tính công năng của đồ vật, nếu là đồ vật nghệ thuật thì đã không mang tính chất tôn giáo, thì cũng sử dụng được cái đã Cũng là người phương Đông, nhưng người Việt chưa bao giờ hâm mộ thư pháp và hội họa đến mức bỏ ra ngàn vàng mua một bức thư họa, hay thưởng cho một thi nhân, một ca kỹ, như người láng giềng Trung Hoa. Người dân Việt Nam mua một bức tranh lợn gà Đông Hồ với một tâm lý khác. Họ có thể dán tranh ấy ngay vào chuồng gà, chuồng lợn cho gia súc chóng béo, tặng trẻ con cho chúng lớn. Sập gụ, tủ chè, xa lông, máy hát, ti vi, ô tô... đều đắt nhưng họ không tiếc tiền vì đều dùng được. Còn vài chục triệu cho nghệ thuật ư, quá xa xỉ. Hiện không thiếu những người giàu có mới phất lên cả ở nông thôn và thành thị, nhưng nghệ thuật phổ cập nằm ở phạm vi vài trăm nghìn trở xuống. Ngay cả những nhà sưu tập, thì vì lợi lộc và kinh doanh là hàng đầu, chứ không phải vì sưu tập. Có người bỏ ra vài trăm triệu công đức cho chùa chiền, nhưng đó lại là tín ngưỡng và dù sao chùa chiền cũng là một cái nhà để sử dụng.
Tâm lý truyền thống này quyết định số phận và sự xa lạ giữa nghệ thuật hiện đại và công chúng trong nước. Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí được thành phố Hồ Chí Minh mua 600 triệu đồng là một quyết định ít có trong nước đối với văn hóa. Ngay cả Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng hiếm khi vượt cái giá 100 triệu đồng. Người Trung Hoa, Thái Lan, Singapore đã mua những tác phẩm của nghệ sĩ trong nước tới triệu USD. Đó là một cách bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa dân tộc và buộc những người nước ngoài phải căn cứ vào mức giá trị đó. Nền kinh tế đang tăng trưởng, nhưng đạo đức và thẩm mĩ đang xuống cấp là một nguyên nhân khác tạo ra các khoảng cách trong nghệ thuật. Có những thứ hội họa xuất khẩu. Có những cuộc Sắp đặt và Trình diễn không mấy được tán thưởng và xa lạ ngay cả trong là nghệ sĩ. Có những ngành thủ công mĩ nghệ xa xỉ, khéo vô cùng về kỹ thuật, những kệch cỡm về thẩm mĩ. Có những tranh ảnh Thái rẻ tiền, tranh sao chép vô tội vạ phục vụ cho lòng yêu nghệ thuật tương đối. Cái hình ảnh văn hóa Việt Nam thuần khiết ít nhất còn thấy đến 1975 và sau đó là một văn hóa có tính đa dạng và đa phương về phong cách và ý tưởng ở nhiều cấp độ.
Người nông dân vẫn duy trì một nền văn hóa có tính truyền thống bởi vì đó là truyền thống đạo đức gia đình và tiểu nông của họ. Tuy vậy thì nhà mái bằng, đá hoa và bát sứ Tầu, đồ nhựa và xe cơ giới rẻ tiền, rác thải công nghiệp đang xâm lấn nông thôn, khiến cái văn hóa truyền thống kia khó bề bảo thủ. Ở làng bây giờ người ta bật nhạc Tây rất to, treo cả tranh ảnh hở hang, thanh niên thích nhảy đầm và ăn mặc lòe loẹt, rác thải đổ bừa bãi, nhà máy, lò gạch gây đủ bệnh ung thư, bệnh gan và phổi, tượng Phật thạch cao trắng toát chen vào cửa thiền, tượng Phật cổ bị bôi trát bằng sơn hộp; chim chóc, rắn rết, ếch nhái, cua cá bị vét sạch sành sanh, chuột nhởn nhơ đầy đồng. Nhưng bên cạnh đó các cụ bà vẫn vận áo tứ thân, khăn mỏ quạ lên chùa tụng kinh, các cụ ông vẫn bận áo the, khăn xếp ra đình và rất hăng hái với việc nước, hội sinh vật cảnh và dưỡng sinh hoạt động ở khắp nơi. Cái mới cái cũ đan xen đang diễn ra phức hợp, không thể nói ngay về mặt lợi, mặt hại, trong đó vẫn nổi bật là tinh thần sùng bái tổ tiên quyết định bước đi của cả quá khứ lẫn hiện tại. Trong đó cái lợi trước mắt và cục bộ vẫn che mờ cái hại trăm năm. Tiếng chuông chùa ngân nga, “giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” , khiến bất giác thấy "Hạc vàng ai cưỡi đi đâu”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005