Người nặng lòng với quê hương
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn- nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn- đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình Lịch sử và Lịch Việt Nam: 1/ Lý Thường Kiệt; 2/ La Sơn Phu Tử; 3/ Lịch và Lịch Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp khoa học, giáo dục của ông đã được nhiều người biết đến. Nhưng tấm lòng của ông đối với Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam nơi trùng khơi, thì không phải ai cũng biết.
Bui một tấc lòng ưu ái cũ(1)
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh năm 1908, ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng lâu đời và nổi tiếng hiếu học của cả nước. Ông mất năm 1996 tại Paris.
Từ năm lên 6 tuổi, ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại gia đình. Đến năm lên 9, ông học tiếng Pháp ở trường tiểu học tại quê nhà. Sau đấy ông thi đỗ Thành Chung được ra Hà Nội học tại trường Bưởi, rồi chuyển sang học chuyên toán ở trường Trung học Albert Sarraut.
Năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Đông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường đại học danh tiếng của Pháp. Ngôi trường đầu tiên mà ông đặt chân tới là trường Polytechnique (Đại học Bách khoa Paris). Bốn năm sau, 1932-1934, ông chuyển sang học ở trường École Nationale des Ponts et Chaussées (Trường Đại học Cầu đường quốc gia, Paris).
Sau khi tốt nghiêp, ông trở về nước, nhưng khi ấy ở Việt Nam chính quyền thực dân ngăn cản không cho ông làm bất cứ công việc nào trong lĩnh vực chuyên môn dành cho một kỹ sư được đào tạo ở Đại học Pont et Chaussées, nên ông đã tham dự kỳ thi Thạc sĩ (agrégation) về toán. Cũng trong thời gian ấy, khi tham gia chiến dịch xóa mù chữ, ông nghĩ ra một phương pháp sử dụng cùng lúc cả ngữ âm hiện đại và truyền thống truyền miệng của người Việt. Những bài ông viết cho các báo, tạp chí chuyên ngành về toán thời bấy giờ là những hình mẫu về sư phạm. Qua thực hành, ông đã làm rạng rỡ ngôn ngữ tiếng Việt sử dụng trong giáo dục và khoa học, vì thế đã mở ra một con đường cho quá trình Việt hóa giáo dục mà ông sẽ vận dụng với tư cách là Bộ trưởng của chính phủ độc lập đầu tiên.
Trường Đại học Ponts et Chaussées (Cầu đường), một trong những đại học có uy tín hàng đầu của Pháp vừa chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường đại học thuộc trường.
Chỉ trong vòng 2 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức của ngành. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.
Ngoài các công trình được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý, ông còn có nhiều công trình khoa học, giáo dục mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế rất có giá trị như Danh từ khoa học, Khảo cứu Truyện Kiều, Khảo cứu Chinh phụ ngâm, La Sơn Yên Hồ...
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông (2)
Quần đảo Hoàng Sa là một công trình khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, từ năm 1951, thể hiện rõ nét nhất hai khía cạnh của một nhà trí thức lớn. Trước hết, đấy là tấm lòng của một trí thức Việt Nam yêu nước đối chủ quyền quốc gia dù phải sống xa Tổ quốc và một trí tuệ mẫn tiệp, một phong cách tư duy khoa học uyên bác qua cách trình bày vấn đề bằng một thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng trong hoạt động khoa học của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Displaying 1.jpg
Bản đồ đường qua Quảng Nam, theo bản vẽ lại của Domija’s Chúng ta thấy ra rất rõ Bãi Đá nghiêng (Lý Sơn) và Bãi Cát vàng (Hoàng Sa)
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 1975, chuyên san Sử Địa Sài Gòn có in công trình của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và một thư mục chú giải tổng hợp chuyên khảo cứu về quần đảo Hoàng Sa. Chuyên luận của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn với tiêu đề Quần đảo Hoàng Sa được trang trọng in ngay ở vị trí đầu tiên của chuyên san này. Điều đó thể hiện uy tín khoa học của giáo sư đối với giới trí thức Việt Nam ở trong nước lúc bấy giờ.
Theo quan điểm của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nếu như chỉ đưa ra những sự kiện chứng minh hoạt động của người Việt ở Hoàng Sa thông qua việc khai thác sản vật thì không đủ chứng cứ pháp lý để xác định chủ quyền. Hoặc nếu như chỉ có những hình vẽ về Hoàng Sa trên bản đồ đất nước cũng sẽ chưa đủ để xác định chủ quyền, vì bản đồ, lược đồ hay hải đồ có thể chỉ do một hoặc một nhóm người nào đấy vẽ, nhưng chưa được nhà nước trước đây của Việt Nam công nhận. Cũng vậy, sẽ là không đủ giá trị pháp lý để xác định chủ quyền nếu như chỉ dựa vào sự công nhận của người nước ngoài. Do đó, để xác định chủ quyền thì nhất thiết phải có những bằng chứng pháp lý của Nhà nước Trung ương Việt Nam trước đây khẳng định về việc xác lập chủ quyền trên quần đảo này.
Những bằng chứng ấy, theo Giáo sư đã được Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục tiền biên với việc nhà Nguyễn đã có những chính sách thiết lập đơn vị hành chính, dựng miếu, lập bia thờ thần biển ở Hoàng Sa… Đây là những bằng chứng pháp lý quan trọng nhất đầy sức thuyết phục khẳng định những hoạt động mang tính Nhà nước về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Quan điểm này đã được giáo sư xem xét cẩn trọng và nghiêm túc chứng tỏ ông là người vừa có trách nhiệm, với tư cách là một công dân Việt Nam đối với chủ quyền quốc gia, ẩn chứa bên trong là tấm lòng của người con đất Việt Hoàng Xuân Hãn đối với đất mẹ Việt Nam.
Vì thế, theo quan điểm của giáo sư trong khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu chính thống của lịch sử nước nhà qua các tư liệu lịch sử trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; Hoàng Việt địa dư chícủa Phan Huy Chú; sách Đông hành thi thuyết thảo của Lý Văn Phức...(3)Ngoài ra các loại hình tài liệu khác như bản đồ, hải đồ, bản vẽ, lộ đồ… cũng được giáo sư nghiên cứu rất công phu. Ông đã đối chiếu các bản đồ trong Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư vẽ năm 1741 với tư liệu trong Hồng Đức bản đồ. Trong các bản vẽ ấy đã vẽ địa hình nước ta hồi cuối thời Lê và nhật trình địa đồ Thuận Hóa Quảng Nam được ông sử dụng để đối chiếu với các sách về địa chí của nước ta. Với một phong cách tư duy khoa học, lập luận xác đáng, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng các bản đồ trước đời Gia Long khẳng định, bãi Tràng sa hoặc bãi Cát vàng (tức Hoàng Sa ngày nay) được coi là phần quan trọng không thể tách rời của đất nước Việt Nam.
Đối với sử liệu trong Phủ biên tạp lục, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trích dẫn hai đoạn, nói về vị trí địa lý. Theo đó, phía ngoài cù lao Ré có đảo Đại Tràng Sa, nằm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, ở đây có nhiều hải vật và hóa vật của tàu bị đắm, nhà Vua đã lập đội Hoàng Sa đến lấy các nguồn lợi như: yến sào, ốc vân, hải ba, hải sâm, đồi mồi…Tiếp đến là những sự kiện lịch sử của Việt Nam gắn liền với Hoàng Sa. Cụ thể nhà Nguyễn đã đặt đội Bắc Hải, thuyền của dân đi khai thác ở Hoàng Sa bị bão đánh giạt vào cảng của Trung Quốc được dân địa phương giúp quay trở về…
Thông tin trong Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có sự kiện cuối cùng, đồng thời xuất hiện địa danh Vạn lý Tràng Sa. Tất cả các thông tin ông đưa ra đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, được lồng ghép vào nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên những luận cứ xác đáng về sự có mặt và những hoạt động của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa từ lâu đời, khoảng từ thế kỷ XVI. (4)
Tuy nhiên, đến nguồn tài liệu nguyên gốc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của các học giả phương Tây, thì đối với trí thức trong nước không dễ gì tiếp cận được. Bởi lẽ, ngoài vốn kiến thức về ngôn ngữ nước ngoài, không thể không cần đến uy tín khoa học, quan hệ xã hội trong quá trình tìm kiếm và khai thác tư liệu của các học giả phương Tây. Điều kiện thứ nhất có thể nhiều người có, còn hai điều kiện sau, thì không phải ai cũng dễ dàng có được như giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nguồn tư liệu cuối cùng mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặc biệt quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, là những ghi chép của các thương nhân, các nhà truyền giáo nước ngoài cách đây hàng thế kỷ khi đến Việt Nam. Trong các ghi chép đó có những nhận xét, đánh giá về quần đảo Hoàng Sa nói riêng và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này nói chung.
Displaying 2.jpg
Vùng phủ Thăng Hoa - Quảng Nam- và phủ Quảng Ngãi xưa qua mô tả của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, vẽ năm 1741 (Ảnh tư liệu của Cục TTĐN- Bộ Ngoại giao. vietnam.vnThongtin). Nguồn Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Qua cuốn khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa chúng ta thấy Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dù khi ở trong nước hay ở nước ngoài cũng đều một lòng một dạ hướng về quê hương đất nước Việt Nam với một thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng. Bởi lẽ chính nơi ấy là nguồn cội sản sinh ra những người con ưu tú mang dòng máu Việt Nam. Gần đây vào tháng 8/2011, Chính phủ Pháp đã cho phép đặt tên Hoàng Xuân Hãn cho giảng đường của trường Đại học Cầu đường quốc gia Paris(École Nationale des Ponts et Chaussées) ngay giữa trung tâm thủ đô nước Pháp, nơi ông đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở đó để ghi nhận công lao đóng góp và uy tín khoa học của vị giáo sư người Việt với ngôi trường này. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống Trường Cầu đường Paris, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà trường vinh danh là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của Trường.
---------------------
(1)và (2): hai câu thơ trong bài thơ chữ Nôm: Thuật hứng- 5 trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
(3)Lý Văn Phức (1785-1849): Danh sĩ đời Gia Long, là một nhà ngoại giao tài giỏi và một nhà thơ nổi tiếng, tự Lân Chi, hiệu là Khắc Trai, quê ở Hà Nội. Năm 1819 đỗ cử nhân, được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu ở Quốc sử quán, sau trải qua các chức vụ khác như: Thiêm sự Bộ Lễ, Hiệp lý Trấn vũ, Tham Hiệp trấn Quảng Nam, Hữu Thị lang bộ Hộ. Ông được cử đi sứ nhiều nước. Năm 1830 đi công cán ở Singapore, Philippine và Quảng Đông. Ngoài tài ngoại giao, ông còn là nhà thơ nổi tiếng, để lại nhiều tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm cho kho tàng văn học dân tộc, tiêu biểu có các tác phẩm Truyện Tây Sương, Nhị thập tứ hiếu diễn ca… Ông mất năm 1849.
Nguồn: Dư địa chí Thừa Thiên Huế (Bản quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế/ www3.thuathienhue.gov.vn/GeographyBook); Xem thêm: Bách khoa toàn thư mở (vi.wikipedia.org/wiki)
(4)Đại Nam thực lục tiền biên - Quốc sử quán triều Nguyễn. Viện Sử học- Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn