Nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên (16-11-1908 - 19-10-1975): Đạo lý làm đầu
Nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên sinh ra tại Hà Nội và là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ Luận án Tiến sĩ Văn chương tại Trường Đại học Sorbonne, Paris năm 1934. Và ngay từ thời trẻ trai ấy, với hai bằng cử nhân luật và tiến sĩ văn chương, ông đã ôm ấp nguyện vọng duy nhất của mình là: “...Nhất định không làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”...
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gần ba thập niên, từ năm 1946 tới năm 1975 (lúc từ trần), ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục - một “kỷ lục” khó có thể bị phá trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời không quá dài lâu (ông theo giấy tờ thì sinh năm 1908, nhưng thực ra là sinh năm 1905) nhưng ẩn chứa rất nhiều sự kiện của ông, ta có thể nhận thấy di sản quý báu nhất mà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên để lại cho hậu thế chính là một nếp sống mẫu mực, luôn lấy đạo lý làm đầu và mục đích phụng sự người dân làm kim chỉ nam trong mọi hành động. Vượt mọi khó khăn
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là người con thứ ba trong số 7 anh em cùng cha cùng mẹ (ông còn có hai người anh cùng cha khác mẹ nữa). Cha ông đặt tên cho các con mà người vợ kế sinh ra bằng các chữ: Phúc, Thiện, Huyên, Đường, Hưởng, Phú, Quý (nghĩa là, Phúc Thiện về nhà mẹ thì được hưởng phú quý). Mới khoảng 7-8 tuổi, cậu bé Huyên đã mồ côi cha. Dẫu cụ Nguyễn Văn Vượng chỉ là một viên chức nhỏ ở Sở Kho bạc Hà Nội thôi, nhưng đồng lương thời đó cũng tạm đủ để chu cấp cho không chỉ một người vợ và một người con. Thiếu vắng trụ cột là người cha, gia đình gặp nhiều khó khăn. Và đấy là giai đoạn mà người phụ nữ quê gốc ở làng Hành Thiện, góa chồng khi cậu con út mới chỉ được 18 ngày tuổi, phải gồng mình lên gánh vác mọi công to việc nhỏ, nuôi dạy các con ăn học.
Về sau, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên viết về mẹ mình trong bản tự thuật: “Mẹ tôi là Phạm Thị Tý, con một gia đình làm nghề thầy thuốc ở Hà Nội, có anh cả đỗ cử nhân cổ, làm tri huyện. Mẹ lấy chồng kế, làm nghề cắt quần áo bán. Mẹ góa chồng sớm, cần cù khuya sớm làm ăn, dành dụm cho con đi học. Bản thân mẹ hiếu học, ghét mê tín và luôn cầu tiến; ít nói, không cãi cọ với ai bao giờ, nếp sinh hoạt phong kiến thờ chồng dạy con, chăm sóc mẹ già thay anh... Sau này cảm mối tình mẹ từ thiếu thời tới khi mắt mờ, tay không cắt khâu được nữa, chiều ý mẹ tôi dằn lòng đứng khai đời sống gương mẫu nếp xưa của mẹ để được tặng “Tiết hạnh khả phong”. Mẹ tôi rất vui mừng, đến khi kháng chiến bùng nổ cũng hăng hái cùng lên Việt Bắc không chút băn khoăn...”.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trao phần thưởng cho cán bộ miền núi trong Hội nghị Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục (1961). Ảnh: Tư liệu
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, chỉ bằng nghề may quần áo thôi nhưng do khéo tay và giàu óc sáng tạo nên đồ do cụ Phạm Thị Tý làm ra luôn bán chạy. Nhờ thế, cụ đã nuôi được các con mình và cả hai con riêng của chồng học hành đến nơi đến chốn. Cũng may, gia đình toàn những người con hiếu học, dù phải khá chật vật trong đời sống vật chất nhưng ai nấy đều cố gắng hết sức mình để học. Rồi anh chị lớn giúp các em bé hơn, chu cấp thêm để họ có thể đi du học. Năm 1925, Nguyễn Văn Huyên và người em là Nguyễn Văn Hưởng theo một chuyến tàu hàng sang Pháp và nhập học ở Trường Montpellier.
Phận thấp, tài cao
Trong những năm 20 của thế kỷ trước, lưu học sinh người Việt theo học đại học ở Paris phần nhiều là con cái của các điền chủ Nam Bộ giàu có. Một số nhỏ là những người gia cảnh còn chật vật như anh em Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng. Thời gian đầu, mùa đông, hai anh em vẫn phải phong phanh chiếc áo gió khoác ngoài, mãi sau nhờ bà mẹ gửi sang cho mỗi người một chiếc áo dài bông thì mới đỡ bị lạnh. Ăn uống thì rất kham khổ. Khổ sở vậy nhưng hai anh em vẫn không ngừng dùi mài kinh sử, học tấn tới rất nhanh. Vừa học vừa động viên nhau phải làm sao để khỏi phụ lòng của mẹ ở quê nhà.
Tuy nhiên, tới những năm 30, kinh tế khủng hoảng, gia đình không còn đủ tiền chu cấp dù là tùng tiệm nhất cho cả hai anh em. Thế là người em sau khi nhận bằng Cử nhân Luật năm 1932 xong, nhận được điện báo tin mẹ ốm nên đã phải về nước. Người anh ở lại tự kiếm sống bằng cách đi giảng ở Trường Ngôn ngữ phương Đông để tiếp tục học. Và tới ngày 17/2/1934, sau những ngày đêm đằng đẵng sôi kinh nấu sử, Nguyễn Văn Huyên đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công xuất sắc Luận án Tiến sĩ Văn khoa (bộ môn sử địa) tại Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne. Ông Vendryes, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phải thốt lên: “Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Sorbonne”.
Học không để làm quan
Công thành danh toại rồi, Nguyễn Văn Huyên nghĩ ngay tới việc trở về Tổ quốc. Tại Paris, ông tâm sự với một người bạn tâm giao Nguyễn Mạnh Tường, rằng ông sẽ “nhất định không làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”. Dòng họ Nguyễn nhà ông từ xưa đã tâm niệm như lời ghi trong gia phả: “Lấy nghiệp giáo để giúp người”.
Về Hà Nội, như chính lời Nguyễn Văn Huyên sau này kể lại, ông thoạt đầu dạy ở trường Bưởi, nơi tập trung nhiều mầm mống tinh hoa trí tuệ của người Việt nhất. Rồi ông vào làm nhân viên khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ, rồi tham gia vào Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương và bắt đầu xây dựng bộ môn “Lịch sử văn minh Việt Nam” ở Trường Đại học Luật khoa... Vừa nghiên cứu khoa học, ông vừa đi giảng ở nhiều nơi... Theo thống kê của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, trưởng nữ của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, ghi trong tập hồi ký Tiếp bước chân cha (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2003), chỉ trong 10 năm đầu tiên làm việc ở Việt Nam, ông đã hoàn thành hơn 45 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lâu bền. Hôm nay, đọc lại nhiều điều mà ông đã viết từ hơn nửa thế kỷ trước, hẳn chúng ta vẫn thấy thấm thía và phải ngẫm nghĩ. Một thí dụ cụ thể: Trong cuốn Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944, Nguyễn Văn Huyên đã viết: “Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục sự trau dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống...”. Nếu đây là những câu trích ra từ một luận văn mới viết ở đầu thế kỷ XXI này, có lẽ cũng chẳng cần phải hiệu đính gì nhiều!
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cùng phu nhân
Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên tham gia vào Hội Truyền bá quốc ngữ, một tổ chức xã hội của những trí thức yêu nước hàng đầu thuộc nhiều thế hệ lúc đó (như Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp...). Từ tình yêu dân tộc, Nguyễn Văn Huyên đã dần dần tiếp cận chân lý cách mạng vô sản. Và hoàn toàn không có gì lạ nếu Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã trở thành Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ khi chính quyền mới được thành lập. Và tháng 11/1946, ông đã có mặt trong thành phần Chính phủ liên hiệp quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Khi đó, ông được Bác Hồ cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Một lòng cùng ánh sáng
“Cách mạng Tháng Tám thắng lợi giải phóng cho dân tộc một cách kỳ diệu. Tôi vô cùng sung sướng, được thấy ánh sáng và tham gia cách mạng từ đấy...”. Những cảm xúc này có lẽ đã được Giáo sư Nguyễn Văn Huyên gìn giữ trong lòng mình đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời. Có thể nói không quá rằng, ông là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng một nền giáo dục mới của chúng ta. Sinh ra và lớn lên trong chế độ cũ, được tìm hiểu và nghiên cứu tận tường quá khứ, hơn ai hết, ông hiểu rõ những “gót chân Asin” trong tính cách người Việt và phần trách nhiệm của ngành Giáo dục trong việc dung dưỡng những “gót chân Asin” đó. Đọc trước tác của ông, nhất là những nhận định của ông về nền giáo dục cũ ở Việt Nam, hôm nay ta vẫn phải giật mình: “Nhà nho xưa kia ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chứa đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến trau dồi trí tuệ nữa. Hoặc là họ cam chịu nhẫn nhục để khỏi bị ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là họ sa vào một thứ chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt đi ở nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học” (Văn minh Việt Nam, 1944). Suốt đời mình, trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục của thể chế Dân chủ Cộng hòa, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cố gắng hết sức mình để giáo dục góp phần khơi dậy những cái hay trong tính cách người Việt và hạn chế những tàn dư cái dở. Nói một cách công bằng, ông đã làm được không ít việc và những lời ông tuyên bố trong hội nghị chuyên đề quốc tế về “Vai trò sinh viên và các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc” họp tại Hà Nội tháng 8-1961 là có cơ sở: “Từ một cơ sở giáo dục lạc hậu, nô dịch, què quặt, do ngót 100 năm của chế độ thực dân để lại, ngày nay chúng tôi đã xây dựng được nên nền móng rộng rãi và vững chắc của một nền giáo dục thực sự dân tộc, dân chủ và tiến bộ...”.
Tất nhiên, cách mạng phải là một quá trình phát triển không ngừng và bất cứ một sự nghiệp lớn lao nào cũng vẫn còn “cửa” để cho những cải tiến, điều chỉnh. Cho tới những ngày cuối cùng trước khi mất, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên hẳn vẫn đau đáu nỗi niềm về việc, làm sao để ở nước Việt Nam thống nhất, “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng không chỉ một lần tha thiết kêu gọi. Tổng kết những ý tưởng hay đã là một việc khó rồi nhưng biến những ý tưởng hay đó thành một thực tế rộng khắp và bền lâu còn khó hơn nhiều. Là một trong những bậc trí giả hàng đầu ở thời đại mình, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã hiểu ra điều này rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, ông luôn giữ trong mình một niềm tin bất di bất dịch vào lẽ phải của cách mạng. Và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa cũng luôn đánh giá đúng những công lao và đóng góp của ông cho cách mạng và nhân dân. Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố và trường học
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân