Người cháu giải oan cho Nguyễn Văn Vĩnh

09:01 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Mười Hai, 2017

Ngày trẻ, Nguyễn Lân Bình chỉ hiểu loáng thoáng rằng ông nội từng là người giàu có sau phá sản. Ngoài 50 tuổi mới "mở mắt" choáng váng trước di cảo đồ sộ từ học giả Nguyễn Văn Vĩnh (NVV). Biết về ông nội khá muộn nhưng chính anh Bình lại trở thành người hâm mộ tận tâm và hiệu quả nhất trong hành trình giải oan cho tiền nhân...

Năm 2006, anh Lân Bình nảy ý định làm phim về cụ Vĩnh, ban đầu là để con cháu cụ ở trong nước và ngoài nước hình dung người đã khuất là ai.

Lo anh Bình chi phí nhiều, đạo diễn Trần Văn Thủy dự tính chỉ quay theo tư liệu trong nước thôi nhưng anh Bình nhất định đi bằng hết những nơi có liên quan đến cuộc đời cụ Vĩnh. Nhóm làm phim đã quay tới 1.500 phút tại bảy thành phố ở Việt Nam, một tỉnh ở Lào và năm thành phố ở Pháp.

Thấy sự quyết tâm và sức làm việc của Lân Bình, đạo diễn Trần Văn Thủy có lần thốt lên: "Tôi nói cho Bình biết, bốn mươi năm làm nghề quay phim, đi với không biết bao nhiêu đoàn làm phim, không biết bao nhiêu người, đi bao nhiêu nơi... nhưng tôi chưa đi với ai làm phim mà làm việc kiểu như Bình. Tôi kinh Bình quá!".

Sau khi phim tài liệu lịch sử dài 4 tiếng "Mạn đàm về người Man di hiện đại" ra mắt, đúng như dự cảm của anh Bình, những trường đoạn đoàn làm phim kỳ công để có mặt là những khoảnh khắc gây xúc động nhất.

Để có tiền làm phim, anh Bình đã đem sổ đỏ của nhà đi thế chấp. Biết chuyện cả gia đình hoảng hốt. Tới khi bộ phim sắp hoàn thành, nhờ có người chú ruột bán nhà đưa tiền cho anh trả ngân hàng, mới lấy lại được giấy tờ về.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Cả đời làm việc trái nghề

Lúc mười sáu tuổi Lân Bình được sang Bungari học nghề cơ khí, chuyên ngành "Kiểm nhiệm cân bằng ly tâm các vật quay" tại thành phố Burgas. Anh Bình từng đi lính, học chuyên tu tiếng Nga, rồi đi Bungari làm đội trưởng phiên dịch. Về nước công tác tại Đại sứ quán Bungari ở Hà Nội. Tại đây anh được giao một trách nhiệm đầy thử thách, mà anh coi đó như dấu son ngoạn mục trong quãng đời trước khi biết đến kho tàng quí giá của ông nội để lại. Anh Bình phụ trách toàn bộ hoạt động của Hãng Hàng không BALKAN Bungari ở VN. Các đồng nghiệp có lý khi nghi ngờ một phiên dịch viên, kẻ ngoại đạo như anh lại dám vác trên vai một trách nhiệm tinh vi và khủng khiếp đến thế.

Năm 1990, Bungari quyết định, với kinh phí của họ, sẽ vận chuyển cấp tập gần một vạn người lao động VN về nước bằng máy bay. Lân Bình đã cùng BALKAN nhận nhiệm vụ này. Anh là người duy nhất đứng ra giải quyết tất cả các khâu liên quan đến chuyến bay: xin phép ra vào vùng trời, hạ cất cánh, dịch vụ kỹ thuật, vệ sinh chuyến bay, suất ăn, tiếp nhiên liệu cho máy bay, đón trả hành khách, giải phóng hàng hóa và hành lý, thủ tục nhập xuất cảnh và ăn nghỉ của tổ lái... Anh Bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà anh chưa hề được đào tạo. 100% các chuyến bay an toàn. Đưa được hầu hết người lao động VN rời khỏi Bungari và đem lại nửa triệu USD tiền mặt cho BALKAN do đã tận dụng được chiều ngược lại của máy bay để chở hàng.

Đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngày càng trở nên gần gũi với xã hội sau cú hích của bộ phim. Người hâm mộ cụ Vĩnh động viên anh Bình bắt tay vào việc lập trang thông tin điện tử giới thiệu sâu và rộng hơn nữa những gì cụ Vĩnh đã làm trong quá khứ. Anh Bình lúc này đã nhận sổ hưu và một lần nữa bước vào thử thách năng lực "tay chiêu"- làm báo mạng. Loay hoay mất vài năm tới 2012, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Vĩnh, trang web tannamtu.com mới ra mắt bạn đọc.

Vừa là thư ký tòa soạn, vừa là phóng viên, biên tập viên trang web, anh Bình kiêm luôn việc "tầm nã" các tư liệu liên quan đến NVV. Chỉ biết tiếng Nga và Bun nên mỗi lần nhận được tư liệu tiếng Pháp, anh lại phải tìm người dịch, nóng lòng đợi biết điều thú vị lưu lạc của cụ Vĩnh.

Khối lượng các di cảo của cụ Vĩnh không thiếu nhưng thiếu rất nhiều các thông tin về nguồn gốc tư liệu, về cơ sở lưu trữ. Tính từ khi anh Bình bắt tay vào lĩnh vực này, số tư liệu quý về NVV đã tăng lên gấp ba lần so với những gì anh tiếp nhận từ gia tộc trước đó. Hầu hết những bản thảo mới đến với anh một cách ngẫu nhiên. “Kể cả là người có tiền nhưng nếu không được quý trọng, người đời cũng không bán cho đâu, huống chi là được tặng”. Thông tin quí giá ngày càng đầy đủ hơn được gửi từ những người tin chắc NVV là con người tử tế trong lịch sử.

Mặt khác, việc xã hội nhận thức cụ Vĩnh là nhà báo, nhà dịch thuật, nhà ngôn ngữ, nhà canh tân... chuyện đó đã rõ, nhưng rất ít tư liệu nhìn nhận cụ Vĩnh là nhà chính trị, trong khi tất cả những gì cụ Vĩnh làm đều liên quan đến chính trị xã hội. Anh Bình vốn phản đối quan điểm của ai đó, khi tranh luận hoặc luận bàn về một khía cạnh xã hội nào đó hay ra điều kiện: Né vào văn hóa cho an toàn. Không nói chuyện chính trị.

Khi viết bài về NVV, tác giả Nguyễn Lân Bình luôn tìm vị thế khách quan, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và mang tính logic. Anh đặt mục tiêu được người đọc tôn trọng mà không nhất thiết phải được chấp nhận.


Nguyễn Lân Bình.

Bị cuốn vào "cuộc đời lộng lẫy và nhiêu khê"

Được gia tộc giao cho kho tư liệu khổng lổ của ông nội, Nguyễn Lân Bình làm mọi việc không chỉ để chiêu tuyết cho cụ Vĩnh mà chính anh bị lôi cuốn bởi người đàn ông có "cuộc đời lộng lẫy và nhiêu khê" (như cách nói của nhà văn Vũ Bằng). Cũng chính anh bị quyến rũ bởi từng câu nói hay đến tư tưởng đi trước thời đại của NVV.

Song song với việc vận hành trang web, người cháu nội "ngoại đạo" của cụ Vĩnh tiếp tục công việc tập hợp, biên tập di cảo của NVV để cho ra sách. Ông Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức từng ngỡ ngàng khi nhận từ anh Bình bộ tư liệu đã phân loại theo chủ đề một cách chuyên nghiệp và đầy tính thuyết phục đến vậy. Cuối năm 2013 cùng một lúc ba cuốn sách về NVV và của NVV đã ra mắt. Cuốn "Nguyễn Văn Vĩnh là ai?" đã giải tỏa cơn tò mò cho người quan tâm. Bộ hai cuốn "Lời người Man di hiện đại" tập 1 (trong bộ 14 tập chọn lọc các bài báo của NVV trên tờ Nước Nam Mới -L' Annam Nouveau) bản gốc tiếng Pháp và bản dịch được các độc giả giới nghiên cứu xã hội học đánh giá rất cao.

Bên cạnh sự chào đón và cảm ơn nồng nhiệt của độc giả, chủ biên cũng nhận được những lời phê bình như "Cuốn "Nguyễn Văn Vĩnh là ai?" còn thiếu tính học thuật". Nguyễn Lân Bình thấy điều đó chẳng oan chút nào, vì "tôi là kẻ có được học hành gì đâu?!”.

Ở Nguyễn Lân Bình luôn túc trực năng lượng và lòng nhiệt tình cho một việc nhỏ nhất liên quan đến NVV. Anh chẳng bao giờ kêu ốm, hồi đáp nhắn tin và email cực nhanh, có thể dành nhiều ngày để tranh luận về “người Man di hiện đại”. Như một nhà khảo cổ mừng reo khi tìm thấy một vật dụng giá trị, để rồi sau đó anh lại hồi hộp, lo lắng, nóng ruột đợi phản hồi từ mọi người. Sợ nhất là cuộc sống bận bịu khiến mọi người giản lược cả nhu cầu thưởng thức những điều tốt đẹp. Người ta sẽ dừng ở lưng chừng núi, hỏi vọng lên với người trên đỉnh, nhờ anh ta tả hộ xem mây ở trên đó bồng bềnh thế nào "để tôi đỡ phải leo lên".

"... Cái hố sâu ngăn cách giữa nhà nho chân chính như ông, người không còn tin vào những tư tưởng lẫn những phương pháp của quá khứ, vớimột Người Man Di Hiện Đại như tôi, sản phẩm của một nền giáo dục hỗ tạp và khiếm khuyết, kẻ đang cố tìm một vài chân lý trong cùng cái quá khứ đó, mà tôi tất nhiên cũng không biết gì hơn ông Kháng. Cái quá khứ đó dù sao cũng hiện lên đối với tôi như một nguồn sức sống và ánh sáng chưa được biết tới. Chúng ta đã gặp nhau trên con đường và người nào cũng cho là mình đi đúng hướng, chính là vì con đường đó chưa có.
Giống như, rốt cùng, cả hai chúng ta đang đi tìm chân lý, thì không nhất thiết cứ phải đi theo cùng một hướng..."
(trích Thư của cụ Nguyễn Văn Vĩnh gửi cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng L' Annam Nouveau số 137 ngày 22/5/1932)

.

Tiếp xúc với anh Bình, mọi người đều cùng có trùng một nhận xét rằng đó là người đặc biệt lạc quan và tin vào công việc mình theo đuổi. "Tôi tin, với giá trị tinh thần bất diệt của NVV sẽ có người không nhất thiết phải là ruột thịt của tôi, sẽ cùng chúng tôi gánh vác cái nhiệm vụ không sinh lộc này, nhưng nhất định nó sẽ sinh phúc".


Nguyễn Lân Bình cùng GS Christopher Goscha ( ĐH Montreal Canada), người trao tặng ông Bình bài viết của Nguyễn Văn Tố về NVV in tại Hà Nội năm 1936.

Mười ba tập sách còn lại trong bộ "Lời người Man di hiện đại" ra mắt chậm hơn dự kiến do Lân Bình khá cầu toàn trong khâu chọn dịch giả. Những bài báo tiếng Pháp của cụ Vĩnh "chất lượng cao ngất" (nói như TS Lịch sử VN hiện đại Chritopher Goscha) vì thế chủ biên không thể chấp thuận bản dịch sai lệch, làm mỏng ý tứ của tác giả.

Ngoài lý do chiêu tuyết cho ông nội trong Nguyễn Lân Bình còn có niềm say mê của người khám phá. Sự nghiệp của NVV như một vùng đất cheo leo hiểm trở nhưng hùng vĩ và mê hồn. Anh Bình như một phượt thủ kiên nhẫn và tò mò đi đến tận cùng để chiêm ngưỡng thế giới của người Man di hiện đại NVV.

Thời gian này, Nguyễn Lân Bình đã gần hoàn thành cuốn sách có nhan đề "Tôi và ông nội". Là những ghi chép diễn biến quan trọng và dấu ấn trong quá trình từ khi anh Bình nhận thức được ông nội mình là ai. Đây có lẽ là cuộc phiêu lưu lớn nhất của kẻ "ngoại đạo" nghề chữ nghĩa. Nghe nói các sự kiện, nhân vật và những trở ngại trong suốt hai mươi năm qua đối với đề tài NVV sẽ được hé lộ.


Không có chức quyền nào bằng là cháu nội cụ Vĩnh

Thành công ngoài dự tính của bộ phim "Mạn đàm về người Man di hiện đại" khiến cho cuộc sống của nhà sản xuất có một số xáo trộn. Có tới vài tuần Nguyễn Lân Bình quả thực bay lơ lửng vì hạnh phúc. Không ngờ người xem xúc động và truyền thông chia sẻ đến thế. Có điều với anh đó không phải biến động sâu đậm nhất. Sau những ngày mừng rơi nước mắt là trộn lẫn cảm xúc phức tạp. Trong gia tộc đông đúc, có người hiểu và cũng có người chưa hiểu lắm con người Lân Bình. Anh bị nghĩ là kẻ háo danh, tranh công trong khi đang chạy ngược xuôi lo thanh toán nốt cho ê kíp làm phim và xin bản quyền để chắc chắn phim thuộc sở hữu của anh và gia tộc.

Ở thời điểm việc chiêu tuyết cho cụ Vĩnh còn bề bộn, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã động viên anh Bình: "Anh là người có hiếu nghĩa với các cụ nhà, anh không phải áy náy gì với chuyện chức quyền trong công việc ở cơ quan nhé. Anh yên tâm đi, không có chức quyền nào bằng là cháu nội cụ Vĩnh đâu!".

Cho đến giờ Nguyễn Lân Bình vẫn khẳng định mình làm mọi việc chưa bao giờ vì danh lợi mà vì sự công bằng đối với danh dự của một người trong sạch từng bị gắn tội "bồi bút Tây", mà người đó lại là ông nội mình! "Vì những nỗi đau không phải chỉ của một vài cá nhân trong gia tộc mà còn vì sự bất công dai dẳng đã đeo bám cuộc sống của gia tộc chúng tôi, làm phân hóa, ly tán cả lòng người. Ngoài ra, còn vì sự thật tinh khiết của lịch sử". Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng từng nói ý tương tự :“Tôi không làm phim vì gia tộc họ Nguyễn mà tôi làm phim vì dân tộc này”.

Những ngày cuối tháng ba tới, con cháu gia tộc đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày mất của học giả NVV và đón chờ sự kiện Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh danh nhân NVV vào Ngôi Đền Tinh Hoa Văn Hóa Việt Nam Thời Hiện Đại.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ

    10/10/2018Nguyễn Lân BìnhNguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn đồng ý với cách nhận thức mang tính tư tưởng của Phan Châu Trinh rằng: chúng ta nghèo và khổ vì chúng ta ngu và dốt, mà sự ngu dốt là hệ quả mặc nhiên của việc không được học hành! Từ lúc đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã ý thức sâu sắc tính bức thiết của con chữ đối với đồng bào mình...
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một dịch giả uyên bác

    24/08/2018Thu Trang (Paris)Trong cách nhìn của kẻ hậu thế sau hơn 60 năm, với bối cảnh khác hẳn, tôi ngẫm nghĩ khí phách ấy có thể là tương đồng với nét hiên ngang trong phong cách của một nhà văn hóa lớn. Nguyễn Văn Vĩnh đã xứng đáng là một tấm gương mẫu mực trong địa hạt giao lưu văn hóa, một nhà dịch thuật thông thái, một trí thức độc lập, tự trọng mà nhiều thế hệ cần học tập...
  • Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    06/06/2017Anh VũBộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.
  • Những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh với việc phát triển báo chí tiếng Việt và truyền bá chữ quốc ngữ

    27/04/2016Nguyễn Thị Lệ HàCho đến nay, phần lớn các tác giả khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh đều cho rằng ông là người thông minh, có tài và đặc biệt xuất sắc trong nghề làm báo và xuất bản. Có thể nói, Nguyễn Văn Vĩnh là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX...
  • Tôn vinh học giả Nguyễn Văn Vĩnh là danh nhân văn hoá Việt Nam

    25/03/2016Nguyễn Lân BìnhBởi vì, riêng việc ông toàn tâm toàn ý phát triển chữ quốc ngữ, chỉ riêng việc đó thôi, đã bộc lộ toàn bộ cái giá trị của một con người đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ ai, để khiến cho cái thứ chữ đó trở thành một trong những thành tựu bền lâu của trí tuệ con người...
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên

    17/09/2014Đỗ Lai ThúyBạn tôi nói, làm một người Việt Nam mới bây giờ đã khó thì làm một người Nam mới (Tân Nam tử) như Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ XX hẳn khó hơn nhiều. Đúng vậy. Vào những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam chủ yếu vẫn là một xã hội quân chủ nông nghiệp Nho giáo. Người Việt Nam, kể cả tầng lớp có học bấy giờ, vẫn phải sống thân phận thần dân nhiều trói buộc. Đâu có được như ngày nay: đất nước thì đổi mới và mở cửa; thế giới thì ngày một trở nên phẳng; con người thì đang dần là công dân trái đất! Nhưng, có lẽ, thời ấy bộ phận trí thức hình như có quyết tâm đổi mới xã hội cao lắm thì phải. Và, một điều nữa cũng quan trọng không kém: họ là những cá nhân có tài năng.
  • Những điều chưa biết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    10/09/2013Hương LanSau một thời gian dài bị phủ lấp dưới những định kiến, đến hôm nay, cái tên Nguyễn Văn Vĩnh đã bước ra ánh sáng với tư cách một học giả, nhà văn hoá lớn, có công hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ, đồng thời, thuộc thế hệ khai sinh văn học dịch và báo chí Việt Nam.
  • Về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    13/10/2009Nguyễn ThiêmĐể có bộ phim dài 4 tiếng ấy, nhóm làm phim đã quay tới 1.500 phút ở Hà Tây, Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lào và đi tới 5 thành phố ở Pháp.
  • Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Ta tắm ao ta

    21/08/2009Hoàng NguyênHiếm có người tự cầm tóc mình nâng mình lên cao hơn thời đại mà mình đã sống. Nguyễn Văn Vĩnh cũng nằm trong thói thông thường này. Có điều, những việc mà ông đã làm được vì dân, vì nước, dẫu không phải lúc nào cũng "mười phân vẹn mười" nhưng rất đáng trân trọng. Ông đã tạo được những cú hích để thúc đẩy thời đại của mình tiến lên, hướng tới văn minh nhân loại mà vẫn giữ vững cốt cách nước Nam "ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh

    24/07/2009Nguyễn Đình ĐăngTôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, người đi tìm giá trị văn hoá

    21/07/2009Nhà văn Nguyễn Quang ThânCon người suốt đời săn tìm những giá trị văn hoá đã vỡ nợ và chết như một lữ khách không nhà ở xứ người. Ông đi tìm vàng một cách vô vọng trong chuyến viễn du cuối cùng của cuộc đời 54 năm ngắn ngủi. Ông biết đâu rằng, tài năng, trí thông minh bẩm sinh và tâm huyết nâng cao văn hoá dân tộc, cả sự nghiệp của ông để lại còn quý giá hơn vàng bạc và kim cương, những thứ đã “ trói chân bó tay “ ông một đời ?
  • xem toàn bộ