Phật - Nho - Lão

02:44 CH @ Thứ Hai - 22 Tháng Sáu, 2009

Mục lục

Lời giới thiệu
Chương I: Lý thuyết Ngũ Hành
1.1 Tại sao cái gì cũng được gắn với Ngũ hành
1.2 Nghiên cứu về thở
1.3 Khái quát một số đặc tính của Ngũ hành

Chương II: Những nhịp điệu trong tự nhiên
2.1 Nhịp điệu của hòn đá
2.2. Nhịp điệu của trái cây
2.3 Nhịp điệu của con chim
2.4 Nhịp điệu của con người
2.5 Thô và tinh trong nhịp điệu tích/tản
2.6 Tích tản của một tập hợp người

Chương III: Phật – Nho – Lão
3.1 Không và sắc trong Phật giáo
3.2 Tam giáo đồng hành tại Việt Nam
3.2.1 Thực hành triết lý cơ bản của Phật giáo
3.2.2 Thực hành những lời khuyên của Khổng Tử
3.2.3 Đạo Lão
3.2.4 Sự đồng hành của Phật – Nho – Lão tại Việt Nam

Chương IV
: Vật lý học hiện đại
4.1 Học thuyết tương đối rộng của Einstein
4.2 Vật lý nội nguyên tử
4.2.1 Những hạt cơ bản đã tìm thấy
4.2.2 Sự tồn tại một loại “ Hạt cơ sở mới”
4.3 Lực hấp dẫn

Chương V
: Bản thể luận
5.1 Bản thể luận
5.2 Tâm một cơ quan tích tản siêu đẳng

Chương VI
: Sự phát triển
6.1 Sự phát triển con người
6.2 Sự phát triển của một vùng

Tài liệu tham khảo


1.Không và Sắc trong Phật giáo

Trong Phật giáo có khái niệm “Không và Sắc”, “Hữu và Vô”. Khái niệm ấy đôi khi được giải thích một cách phức tạp. Thường thường, người không theo đạo Phật rất khó hiểu thế nào là “sắc”, thế nào là “không”. Ngũ hành có thể giải nghĩa “sắc không” một cách giản dị, từ đó cho phép ta hiểu sâu hơn “không sắc”, dần dần tự mình tu tại gia, mang lại niềm hạnh phúc cho chính tâm hồn mình và sự yêu thương cho đồng loại.

“Sắc” là những vật thể hiện hữu có sắc mầu, có hình thể, có thể cảm nhận được. Mở rộng ra “sắc” là mọi thứ trên đời. “Không” là mặt đối lập của nó. Mặt đối lập ấy là một thùng chứa “trống không”. Nhưng thùng chứa ấy là cái gì, nằm ở đâu? Để tìm bản chất của cái thùng “trống không” ta sẽ phân tích như sau.

Trước hết, ta hãy bắt đầu bằng nhịp điệu tích/tản. Con người hơn mọi vật khác là có tới bốn cấp độ tích/tản. Giống như các vật thể vô tri, con người tích/tản trường tế vi. Như cây cối, con người tích/tản khí. Như động vật con người tích/tản chất (thực phẩm). Và hơn cả mọi loài, con người còn tích/tản thông tin dưới mọi hình thái.

Ta tự hỏi, đối với trường tế vi, khí và chất (dinh dưỡng) ta có thể tích được bao nhiêu. Cái đó tùy người. Nhưng với người to béo và cả người gầy ốm nữa, mỗi chúng ta không thể tích quá nhiều hơn kẻ khác ba loại vật chất ấy. Ba loại vật chất ấy tích vào bao nhiêu thì phải tản ra bấy nhiêu, để đạt sự cân bằng. Ba quá trình tích/tản đó gọi là tích/tản cân bằng tĩnh. Vì trường tế vi nếu tích/tản không cân bằng thì ta nóng đổ mô hôi hoặc chết rét. Đối với khí (không khí) cũng vậy, tích nhiều lắm thì cũng chỉ bằng dung tích của lá phổi, ngược lại khi tích được dưới mức cân bằng ta sẽ phải thở ô xy (khi ốm chẳng hạn), nếu không ta sẽ chết. Còn chất dinh dưỡng, dù có bổ béo cũng không thể tích quá nhiều.

Tuy nhiên, gọi ba quá trình tích/tản trên là cân bằng tĩnh cũng còn hàm nghĩa là có thể tích hơi nhiều hơn tản vẫn chấp nhận được trong thời gian nào đó. Chẳng hạn, nếu tích thực phẩm quá nhiều mà không tản hết (thành dưỡng chất qua thành dạ dày, thành bã thải qua cơ quan bài tiết), thì lượng dư có thể đọng lại trong các mô mỡ, hoặc sinh thành sỏi thận, hay thành cặn đóng thành mạch máu,… Lượng dư ấy sẽ giết chết ta một cách dần dà, chứ không phải ngay lập tức. Lượng dư của quá trình tích/tản có thể được phép ở lại trong cơ thể một thời gian nào đó. Thời gian lưu trú lượng dư của ba loại tích/tản này rất quan trọng. Nếu ngắn thì ta khỏe mạnh, hào sảng và minh mẫn, nếu lâu quá thì ta dần dần mắc bệnh tật, ốm đau.

Như vậy, nếu chúng ta có thể thực hiện ba bậc tích/tản sơ cấp (trường, khí, chất) một cách cân bằng thì cái thùng chứa thân thể không bị dày vỏ thêm. Nó vẫn là “không”. Trường hợp hai vị thiền sư chùa Đậu, Hà tây, là một minh chứng hùng hồn về cái vỏ không thân xác đó. Thân xác của hai vị này (Vũ Khắc Minh tự là Đạo Chân, Vũ Khắc Trường tự là Đạo Tâm) là mượn của tự nhiên. Khi còn sống hai vị thiên sư đã dùng cái vỏ vay mượn đó để thực hiện các phép tích/tản. Khi biết sắp chết họ đã tiến hành phép tích từ từ và tản bằng lửa tam muội để hóa phủ tạng và óc não, chỉ để lại xương cốt và yêu cầu học trò dùng sơn ta và giấy bản bồi đắp thành tượng. Phép “hóa”, mà dân ta dùng một cách thành kính đối với các vị thần thánh, trong trường hợp này chính là phép biến đổi vật chất (phủ tạng, gan ruột, tim óc,…) thành năng lượng, dưới dạng “khí” rồi từ từ tản ra không gian xung quanh. Hai vị thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm thực sự đã đạt đến nghệ thuật bậc cao của phép tích/tản, và tấm gương tích/tản của hai vị chính là bảo bối văn hóa cao quí của dân tộc Việt nam.

Hình 1. Tượng nhục thể của thiền sư Đạo Tâm Vũ Khắc Minh, tại chùa Đậu

Cuối cùng, để tìm ra chân tướng của cái “không” Phật giáo, chúng ta phân tích nhịp điệu tích/tản thông tin. Gặp một Giáo sư trong hành lang trường Đại học, ta dừng lại nói: “Kính chào Giáo Sư”. Đó là tích hình ảnh, tản âm thanh. Đọc một quyển sách cũng là tích hình ảnh các con chữ và tản ra bài phê bình, (chẳng hạn). Đó là tích/tản thông tin. Thời gian lưu của thông tin vừa tích vào tại não bộ có thể rất dài lâu, chẳng hạn một áng văn thơ tuyệt tác ta có thể nhớ suốt đời. Nhưng thời gian lưu thông tin cũng có thể rất ngắn, như các thông tin về giá vàng lên xuống hàng ngày. Các thông tin lưu trữ được cất vào bộ nhớ, một phần khá lớn chìm xuống tiềm thức. Nhưng dù có mổ óc ra ta cũng không tìm thấy các thông tin đó dưới dạng vật chất, ngoài những nếp nhăn nhằng nhịt trên hai bán cầu đại não. Gần như, quá trình tích/tản thông tin không làm cho bộ não nặng thêm về mặt vật chất. Cho nên, có thể nói quá trình tích/tản thông tin vẫn bảo toàn cái “không” vật chất của bộ não. Nhưng nếu, tích/tản thông tin để mưu cầu sự giầu có và quyền lực cho cá nhân, thì khối thông tin đó đã trở thành “sắc”. Khối thông tin tích được đó, ngày đêm quằn quại trong tâm trí ta, hun đúc thành kế hoạch (plan) hoặc âm mưu (conspiracy). Nếu ta không thể tản cái kế hoạch hoặc âm mưu ấy ra thì tâm hồn ta là “sắc”, không còn là “không” nữa. Ngược lại, cái khối thông tin tích lũy được trong tâm trí ta là những tri thức có thể mang đến sáng tạo và yêu thương thì ta luôn sẵn sàng tản. Lúc đó, hồn ta là “không”, vì cái tích vào đã được tản ra. Để có thể vươn tới cái “không” Phật giáo thì phép tích/tản thông tin của con người phải dựa trên cơ sở vị nhân sinh.

Như vậy, con người là một bộ tích/tản. Thân xác ta là bộ tích/tản có công suất hữu hạn, còn óc não ta lại là bộ tích/tản dường như vô hạn.

Vì bộ não được coi là bộ tích/tản vĩ đại, nên lượng tích tản ấy ngang trời và ngang cả đất nữa. Do đó, con người được coi là một trong tam tài (thiên, địa, nhân). Vì vậy mà người xưa đã ví cái thân xác bé nhỏ của ta ngang với trời đất. (Nhưng, cũng phải mở ngoặc, một đại phú hào như Hòa Thân bên nhà Thanh Trung quốc, một đời tích biết bao vàng bạc châu báu, biết bao sản vật, nhưng chưa chắc đã được xếp vào hàng tam tài, mặc dù ngài có quyền lực cực kỳ lớn với người và có sở hữu cực kỳ nhiều với vật).

Vậy, chúng ta đã có thể tìm được bản chất của cái thùng chứa “trống không” rồi. Đó chính là thân xác ta và óc não ta. Lúc ta mới sinh ra đời, bắt đầu khởi hành vào cuộc đời này, cái thân xác bé nhỏ của ta chính là cái thùng chứa trống không theo nghĩa Phật. Nó là “không”, ngay tại khi ta bắt đầu các nhịp điệu tích/tản, bằng tiếng khóc chào đời, bằng hành vi tìm vú mẹ.

Trong quá trình thực hành các nhịp điệu tích/tản bốn cấp, dần dần cái thùng chứa có thể không còn là “không” nữa. Nó có thể chứa đầy lòng tham, sự đố kỵ, mối hận thù,… Tu Phật là làm cho thân xác ta trở về “không”, trở về nguyên vẹn là một cơ phận chuyên dùng để vận hành các quá trình tích/tản. Cái vỏ thùng có thể cân nặng vài chục kilo đấy, nhưng vài chục kilo đó là của mẹ cha ban tặng, và là sự vay mượn của trời đất. Nghĩa vụ của ta trên đời này là tích để rồi tản ra các giá trị mới, sáng tạo ra các công trình làm đẹp cho đời. Nghĩa vụ ấy là dùng “không” sáng tạo ra “sắc”. Tuyệt nhiên không phải là tích “sắc” vào để trở thành giàu có và danh vọng. Làm như vậy, cái vỏ thùng luôn sạch bong, không có bất kỳ hạt bụi tham sân si nào đóng cắn trên thành vách cả. Nghĩa vụ của ta là thực hiện cái vòng Ngũ hành: Tích, Tản, Sinh (Kim, Thủy, Mộc). Về với Phật, biến mình thành “không” là đi theo con đường của Đạo : “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. [1]

Vậy, “không” đối với Phật giáo chính là thân xác và tâm trí con người. Nó vốn là “không” khi ta mới sinh thành, nó trở thành”có” khi ta không biết tích/tản một cách đúng mức. Một người tích được nhiều của lắm tiền, mà không tản yêu thương, thì tâm trí nặng nhọc, không nhẹ nhàng, cái “không” biến thành “sắc”. Khi gột rửa được tham sân si, tâm trí nhẹ nhàng, thân thể thanh thoát, “sắc” dần về “không”. Người mà biết giữ nhịp điệu tích/tản nhịp nhàng, sống ung dung, tự tại, gặp nghịch cảnh vẫn an nhiên thì dần về cõi Phật, dần về niết bàn, ngay cả khi còn tại thế. Họ không phải chờ một thiên đàng sau cái chết.

Vậy, triết lý của Phật chính là biết tích “sắc”, lại biết tản “sắc” để giữ trọn cái “không”.

2.Tam giáo đồng hành tại Việt Nam

2.1.Thực hành triết lý cơ bản của Phật giáo.

Triết lý Phật giáo có thể tóm tắt trong bốn câu kệ sau của thiền sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu héo khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lệ thảo đầu phô

Dịch nghĩa như sau:

Đời người như bóng chớp, có rồi lại về không,
Vạn thứ cây mùa xuân tươi tốt, mùa thu khô héo,
Đạt đến sự thông hiểu thì không sợ hãi sự thịnh suy nữa,
Thịnh suy chỉ như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.

Bài kệ đó nói về nhịp điệu của thân xác ta, hiện đang là “hữu” nhưng sẽ nhanh chóng về “vô”. Tất cả những gì tồn tại trong ta, trước mắt ta, ngay cả thân ta nữa sẽ nhanh chóng hoàn về “vô”, về “không”. Tất cả như “ảo ảnh”, biến hóa nhanh như điện. Mùa xuân thì tươi tốt, vinh hoa, nhưng thu đến thì héo khô, suy kiệt. Rồi cả những thứ to lớn hơn, vĩ đại hơn cái thân xác nhỏ bé của ta, nay đang cực thịnh, cũng sớm tàn suy. Hiểu luật thịnh suy, thì không sợ nó, vì sự thịnh suy cũng chỉ như giọt sương lệ đầu ngọn cỏ mà thôi.

Vậy thực ra, triết lý đạo Phật dạy ta nhìn cái “sắc” mà thấy cái “không”. Hơn nữa, triết lý Phật còn chỉ ra rằng cái nhịp biến đổi “sắc – không”, “không –sắc” rất nhanh chóng, như giọt sương đầu ngọn cỏ sẽ sớm tan.

Từ đó suy ra, chỉ có nhịp điệu tích/tản, lên/xuống là vĩnh hằng. Đối với chúng ta, những người bình thường, vấn đề là trong những cái tinh túy của Đạo Phật, chọn lấy vài điều giản dị nhất, cốt lõi nhất, rồi hàng ngày theo đó mà thực hành. Thực vậy, đại lễ Phật Đản vừa qua thu hút tấm lòng và con mắt của nhiều người dân Việt nam, và cả nhiều bạn bè trên thế giới nữa. Hai vạn ngọn nến thắp sáng đêm 17-5-2008 tại sân Mỹ đình. Gần hai giờ truyền hình trực tiếp làm hàng triệu con tim chúng ta tĩnh lặng hướng về Phật, và suy ngẫm những giáo lý của người. Không có điều kiện để lần theo dấu chân Đường Tăng, đọc những bộ kinh đồ sộ Ngài mang về sau 81 khổ nạn, thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng vẫn có thể tu luyện theo lời dạy vô cùng đơn giản và thiết thực của Đức Phật: Bỏ Tham Sân Si quay về với Tinh tiến.

Lời Phật dạy là Ngũ hành. Tham là thu vào, là tích vào, do đó chính là hành Kim. Sân là thù hận, cũng là tích thêm thâm thù (Kim), là phát ra hành động phản đối (tản Thủy). Kể cả lời nói châm chọc, cái nhìn bực tức phát ra từ mối Sân trong lòng cũng là tản Thủy. Vậy tham và sân chính là tích/tản, là hai hành đầu tiên trong Ngũ hành. Còn Si là u mê, mờ tối, thu phát linh tinh, là nhịp điệu rối loạn của hành Kim và hành Thủy.

Vậy tại sao Phật lại dạy ta bỏ cả Kim và Thủy, bỏ cái nhịp điệu tích/tản mà với tư cách con người chúng ta chính là bộ máy tích/tản huyền diệu nhất của tự nhiên? Như thế ta sẽ về đâu đây? Vâng Phật dạy rất đơn giản. Nếu bạn bỏ được Tham Sân Si, giữ được nhịp điệu tích vào tản ra một cách điều hòa thì lòng trong sáng. Khi đó, bạn biết tích chỉ cái gì có ích, biết tản chỉ cái gì tạo phúc sinh, tức chỉ tản ra cái có thể sáng tạo lên hành Mộc. Lúc đó, thân xác ta từ một bộ máy tích/tản “bậc thường” sẽ dần trở thành bộ máy tích/tản “bậc cao”, một bộ máy tích/tản đầy ắp sáng tạo.

Làm theo lời Phật dạy, bạn đã làm con tâm mình vận hành theo nửa vòng Ngũ hành (Kim Thủy Mộc) rồi. Nửa vòng ấy đã gần trùng khít với nửa vòng vận hành của tự nhiên. Tích vào (Kim) trong sáng, tản ra (Thủy) hữu ích, để sinh thành (Mộc) tươi xanh.

Phật lại dạy phải tinh tiến. Tinh tiến là mỗi ngày một bước nhỏ hướng về ánh sáng, hướng về trí tuệ. Có nghĩa là Phật dạy ta tích Kim tri thức, tích Kim nhân đức. Phật không dạy chúng sinh nằm im, thụ động, mà Phật dạy hãy tinh tiến, hãy tích cho khối Kim nhân cách và trí tuệ trong tâm ta lớn dần. Khi đó ta sẽ có quyền năng mạnh mẽ làm bớt đau thương trên thế gian này.

Hình 2. Tam quan chùa Đậu, còn có tên là Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà, nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

Vì vậy, thực hành triết lý Phật giáo không nhất thiết phải đến chùa, không luôn luôn phải niệm Phật và lần tràng hạt. Thực hành triết lý đạo Phật là thấu hiểu nguyên lý Ngũ hành, tự mình làm sáng óc, sáng tâm mình, thì bất kỳ ở đâu, bất kỳ lức nào cũng tu luyện theo Phật giáo được. Tu luyện Phật chính là tích vào yêu thương, không tản ra tham sân si, thậm chí một lời nói sai quấy, một ý nghĩ xấu xa cũng không tản ra nữa.

2.2.Thực hành những lời khuyên của Khổng tử

Nước Việt nam ta là một nước chịu ảnh hưởng rất mạnh của Nho giáo. Đó là một “đạo” do Khổng tử sáng lập. Ông là người ấp Trâu, Huyện Khúc Phụ, Tỉnh Sơn đông, bên nước Trung hoa. Ông sống cách đây đã hơn hai chục thế kỷ. Ông là một nhà giáo vĩ đại. Những giáo lý của ông cho đến bây giờ vẫn còn giá trị. Tuy vậy, trong thời đại thông tin này, nhiều người trong chúng ta rất bận, có rất ít thời gian, nên việc tìm hiểu sâu sắc các giáo lý của ông dường như là một việc khó khăn. Cho nên, chúng tôi chỉ trình bày những điều cốt lõi trong các giáo lý đó. Giáo lý cơ bản của Khổng tử đơn giản thế này: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác”.

Thực vậy, có lần học trò hỏi Ngài đạo của thầy bao la nhưng chung qui là gì? Khổng tử trả lời: “chữ Nhân”. Học trò lại hỏi: “thế nào là Nhân”. Ngài trả lời ngắn gọn: “Ái nhân” (tức là yêu người). Lúc khác Ngài lại nói; “Nhân là không làm điều gì mình không muốn cho người khác”.

Dùng Ngũ hành mà xét, thì “yêu người” là hành Kim, là tích Kim. Như mẹ ôm con vào lòng. Tình yêu có chiều của nó. Ta yêu ai, thì tình cảm của ta như muốn lôi họ về phía mình. Theo định nghĩa hành Kim là thu tích vào, thì tình yêu thuộc hành Kim. Còn “không làm điều mình không muốn cho người” chính là không tản cái Thủy ác. Như vậy, ta thấy tư tưởng chủ đạo của Khổng giáo chỉ dạy ta cách hành động và ứng xử theo Ngũ hành. Mà khởi đầu là tu luyện hai hành Kim và Thủy, hãy tích Kim tình cảm mà tản Thủy nhân ái.

Tất nhiên, Khổng tử còn là nhà chính trị. Nỗi quan tâm lớn nhất của ông là dạy các bậc vua chúa điều hành xã hội, quản lý đất nước sao cho dân được sống một đời hạnh phúc. Cái lý tưởng cao cả của ông là người trẻ được học hành, người già được chăm dưỡng chu đáo, và người trung tuổi thì có việc làm. Tư tưởng của ông là vua ra vua, tôi ra tôi, con ra con, cha đúng mực là cha. Đó là một xã hội lý tưởng, vô cùng ổn định và trật tự. Trong khi, toàn bộ cuộc đời hơn bẩy chục năm của ông diễn trải trong khung cảnh một xã hội vô cùng mất ổn định. Ông muốn cải tạo một cách ôn hòa, chủ trương của ông là giáo dục con người để cải tạo xã hội. Giáo dục chính là dạy người tích Kim. Khi người ta đã tích Kim thì tất nhiên sẽ dần dần tản Thủy. Ông khuyên người ta học mãi, và chính ông học tập suốt đời không biết mệt mỏi. Mà học chính là tích Kim tri thức. Nhưng khi tản Thủy thì phải tản ra theo các kênh nhất định. Hai bờ kênh ấy chính là tam cương ngũ thường, là các điều giới luật. Mà điều giới luật lớn nhất là không làm điều gì mình không muốn cho người khác.

Học thuyết của Khổng tử, hay Nho giáo, sở dĩ có sức sống đến nay, sau hơn hai ngàn năm, vì học thuyết ấy chính là tích/tản theo Ngũ hành. Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự trỗi dậy của các nước châu Á, như Nhật bản, Hàn quốc, Singapor, Đài loan, là nhờ vào Khổng giáo. Họ gọi các nước này là nền kinh tế Khổng giáo (Confucius Economies). Chúng tôi cho rằng phải nhìn sâu hơn, đó chính là các nền kinh tế biết vận dụng Ngũ hành để phát triển. Luật pháp của họ đảm bảo bảo các điều kiện tích/tản tự do cho mọi doanh nghiệp, mà không gây tổn hại đến doanh nghiệp khác.

2.3.Đạo Lão

Lão Tử là một triết gia Trung hoa sống ở khoảng thế kỷ thứ 4 TCN. Ông là người viết Đạo Đức Kinh (道 德 經) - và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道 祖). Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nó là kiệt tác của ông, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học từ bản thể vũ trụ, đến chính sách cai trị, cả cách tu luyện thân xác nữa. Mặc dù đạo Lão đề cao chữ Đạo, với nghĩa qui luật vận hành của tự nhiên, nhưng ứng dụng Đạo không dễ. Vì trình bày của Lão tử về Đạo hơi khó hiểu. Hơn nữa đời sau, lại có nhiều người giải thích Đạo khác nhau. Nhìn chung, người ta đều hiểu Đạo Lão là đạo tự nhiên. Nhưng qui luật tự nhiên nhiều khi chằng chéo nhau, nên muốn hiểu đạo Lão phải qui tư tưởng của ông về một mối giản dị, thì mới có thể ứng dụng nó được.

Hình 3. Khổng Phu Tử

Hình 4. Lão tử

Để tìm hiểu một cách giản dị đạo của Lão tử, ta đi thẳng vào khái niệm trung tâm của đạo là vô vi. Điều này có nghĩa là người ta cần nhận thức rõ qui luật vận hành của tự nhiên, sau đó hành động theo xu thế của nó, không chống lại nó.

Chính vì trọng cái vô vi, nên thay vì đi tìm qui luật vận hành của tự nhiên, nhiều người theo đạo Lão đi tìm qui luật vận hành của chính cơ thể mình. Họ lập ra một trường phái đạo dẫn, tức là dẫn đạo đi khắp cơ thể. Trường phái này coi loài người là con đẻ của tự nhiên, họ tìm thấy tự nhiên vận hành trong các mạch máu và hơi thở của mình. Cho nên tu môn đạo dẫn là tu luyện hơi thở. Những người đạt đạo, có thể lần theo từng hơi thở trong từng khắc, từng giây. Hơi thở như vậy gọi là vô vi. Khi vô vi có thể lướt gió cưỡi mây như Liệt tử và Dương tử. Ngày nay nghe những chuyện đó chúng ta cho là hoang đường, nhưng những chứng cứ về các nhà Yoga hiện đại (được truyền hình trực tiếp) có thể nâng mình khỏi mặt đất vài chục phân trong hàng giờ làm chúng ta băn khoăn về khả năng của con người.

Dẫn đạo chính là tích Kim (dưỡng khí) một cách nhẹ nhàng vào phổi, tản Thủy (dẫn ô-xy) đến từng cơ bắp cũng hết sức nhẹ, sao cho sinh Mộc (năng lượng) một cách đồng đều tại từng phần của cơ thể. Năng lượng (Mộc) ấy hợp lực thành một sức nâng mạnh mẽ mà nâng cơ thể lướt đi. Toàn bộ phép luyện đạo dẫn chung qui lại chính là phép luyện hơi thở theo Ngũ hành.

Cho nên, đạo Lão xét cho cùng là, thứ nhất đối với sự hướng nội thì tích/tản khí mà luyện đạo dẫn, thứ hai đối với sự hướng ngoại thì tìm hiểu qui luật vận động của tự nhiên, rồi từ đó học theo để hành động cho đúng. Mà qui luật tự nhiên chính là Ngũ hành. Cho nên trong ba đạo, thì đạo Lão gần với Ngũ hành hơn cả.

2.4. Sự đồng hành của Phật – Nho – Lão tại Việt nam

Ở trên chúng tôi đã lướt qua ba đạo lớn ở Việt nam. Đạo Nho và đạo Lão từ Trung quốc truyền sang, còn đạo Phật (có thể là) từ Ấn độ tới. Đất Việt lại được người Pháp gọi là Indochine. Gọi như vậy đúng về địa lý, vì đất Việt nam là nơi tiếp giáp giữa hai lục địa, hai quốc gia lớn là China (Trung hoa) và Inde (Ấn Độ), nhưng cũng đúng về văn hóa nữa. Chúng ta đã tiếp thu được những tinh hoa của hai nền văn hóa lớn Trung Hoa và Ấn Độ.

Khi các luồng tư tưởng và văn hóa lớn truyền sang nước Đại Việt, thì người Việt đã biết tiếp thu và hòa đồng. Bởi vì, dân ta là một trong những dân tộc sớm nhất trên thế giới phát hiện ra Ngũ hành (xem truyền thuyết Thánh Gióng trong chương I), nên khi hấp thu Đạo Phật, Đạo Lão và Đạo Nho, đã dễ dàng hòa đồng ba giáo lý lớn đó trong tâm hồn. Do vậy tâm hồn Việt chính là sự hòa đồng của ba đạo lớn nhất này làm một, trên cơ sở tư duy Ngũ hành.

Các học giả nói ở Việt nam có tam giáo đồng hành chính là vì lẽ đó. Các cụ đồ nho xưa học theo Khổng tử, nhưng không quá khắc kỷ, hành xử nhân ái (Phật), về già thường ung dung tự tại, biết tới lui nhịp nhàng (Lão). Sở dĩ vậy, vì mỗi tâm hồn Việt từ trong trứng đã có cái chất keo dung hợp cả ba đạo ấy trong mối luân chuyển của Ngũ hành.

Nhìn lại mảnh đất Việt nam, chúng ta thấy dân tộc mình thật hạnh phúc. Với sự sáng tạo ra truyền thuyết Thánh Gióng, trên cơ sở nhận thức rõ biện chứng tự nhiên của sự phát triển (Ngũ hành) từ rất sớm, tâm hồn người Việt dễ dàng thâu nhận cả Nho, Phật, Lão. Khi hòa đồng như vậy, thì tư duy Ngũ hành ngày càng nhuần nhuyễn, càng cho phép chúng ta dễ dàng chấp nhận một thế giới đa văn hóa.

Khi chấp nhận các thực thể đa văn hóa chúng ta có thể tích những nét tinh hoa của một nền văn hóa này mà không cần phải loại trừ tinh hoa của một nền văn hóa khác. Sau khi tích Kim đa văn hóa, chúng ta có thể tản Thủy đa văn hóa, điều đó cho phép chúng ta có những sáng tạo mới, mà có thể là rất mới nữa.

Nếu xem văn hóa là một công cụ phát triển kinh tế, thì tích Kim đa văn hóa sẽ là công cụ cho phép chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều kiện để sáng tạo đa văn hóa là chúng ta phải sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt mà vẫn có các nét quyến rũ của một nền văn hóa khác.

Sự hòa hợp ba giáo lý lớn theo Ngũ hành chính là bản chất văn hóa tột cùng của dân tộc ta. Nếu biết phát huy một cách khéo léo thì chúng ta có thể vượt qua cái giờ khắc tròng trành lúc mới ra biển lớn (tham nhập WTO) này để tiến lên vị trí một dân tộc hàng đầu trên hoàn cầu vậy.

Câu hỏi:
1.Tâm hồn Việt nam hòa đồng cả Nho Phật Lão, vậy những người Việt được giáo dục theo kiểu phương Tây có thể hấp thu Ngũ hành không?
2.Nếu coi sự hòa đồng ba đạo lớn trong tâm hồn Việt là một di sản văn hóa thì làm thế nào để phát huy di sản ấy?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngũ hành và khoa học

    09/11/2015PhD. Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ Hành có vài ngàn năm tuổi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Nhưng Học thuyết ấy rất huyền bí, bị khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững"...
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Triết lý Phật giáo, khoa học hiện đại và chủ nghĩa Mác, dưới góc nhìn triết học

    07/02/2009NCVCC, TS.Hồ Bá ThâmPhật giáo là môt tôn giáo lớn có chiều sâu đạo học, chiều sâu triết học vũ trụ và nhân sinh. Phật học chủ yếu nghiên chiều sâu đạo học, chiều sâu triết học ấy. Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng đang chú ý là nghiên cứu nó trong tương quan, hay tương đồng (chứ không phải đồng nhất) với khoa học hiện đại. Nhưng ít nghiên cứu nó trong quan hệ tương đồng như tế nào đối với chủ nghĩa Mác hay không.
  • Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo

    09/01/2009Thu San Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ hành có thể xuất phát từ một nền văn hóa lớn như Trung Hoa, cũng có thể xuất phát từ Việt Nam, nơi sản sinh truyền thuyết Thánh Gióng. Học thuyết này kết hợp với học thuyết Âm Dương, có thể cho phép chúng ta đi sâu vào nhiều vấn đề quan trọng của nhận thức.
  • Luận thêm về thuyết Ngũ hành

    19/06/2008PhD. Nguyễn Thế HùngMột cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
  • Thuyết nhân, ái thông, hòa của Nho gia

    29/12/2006Mậu Trung GiámLễ kỷ niệm 2550 năm ngày sinh Khổng Tử sẽ được tổ chức long trọng tại quê hương ông - Khúc Phụ vào tháng 10/1999, nhưng từ đầu quý 11, các nhà nghiên cứu đã lần lượt viết bài trên các báo về ý nghĩa, giá trị của Nho học thời đại hiện nay. Bài viết sau đây là một ý kiếm trong số nói trên...
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • “Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử

    17/08/2006Lê Ngọc AnhNho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất...
  • xem toàn bộ