Luận thêm về thuyết Ngũ hành
Chân của nhiều loài chim có 4 ngón, và một vuốt. Các con vật quanh ta như gà, vịt, ngan ngỗng cũng thế. Người ta bảo, cái vuốt chính là ngón cái bị thoái hóa. Các loài thú cũng vậy, con thì 4 ngón, con thì 5 ngón. Riêng con người thì bàn chân và bàn tay có 5 ngón. Tại sao như vậy? Ngoài các công dụng thông thường của các ngón tay là để cầm nắm giữ, để thực hiện các thao tác từ đơn giản đến tinh tế, thì các ngón tay còn có tác dụng tinh thần to lớn. Thông tin từ các ngón tay nhanh chóng được chuyển vào bộ óc bằng phép đếm. Các nhà tử vi, bói toán còn dùng các lóng ngón tay để bấm độn và dự doán một cách vô cùng tài tình.
Để trả lời băn khoăn “vì sao 5 ngón” chúng tôi trình bày dưới đây một luận thuyết mang tính tham khảo.
1.1. Tại sao cái gì cũng được gắn với ngũ hành
1.2. Nghiên cứu về thở
1.3. Khái quát hóa một số đặc tính của ngũ hành
1.3.1.Năm bước của vận động hay Ngũ hành
1.3.2.Tương sinh và tương khắc
1.3.3.Vài ví dụ về Ngũ hành
Chương II. Các nghiên cứu ứng dụng ngũ hành
2.1. Sự kiệt sức của nông thôn Việt Nam trong hội nhập
2.1.1. Làng cổ truyền hình tròn, nơi quần tụ các giá trị vật chất và phi vật chất của dân tộc Việt Nam
2.1.2. Bức tranh về làng dọc trục thời hiện đại
2.1.3. Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn theo Ngũ hành
2.1.4.Kết luận về Ngũ hành trong nông nghiệp
2.2. Các vấn đề giáo dục hiện đại
2.2.1.Phác họa về thực trạng giáo dục
2.2.2.Bài toán giáo dục Việt nam
2.2.3.Kết luận về ứng dụng Ngũ Hành trong giáo dục
2.3. Kết luận chung
█1.1. Tại sao cái gì cũng được gắn với ngũ hành
Có 5 từ trong môn Ngũ hành gọi là: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Không có một thứ gì mà không được gắn với một trong 5 từ ấy. Sao trên trời thì có Sao Kim, sao Thủy, Sao Mộc, Sao Hỏa, Sao Thổ,… Phương hướng cũng vậy: Phương tây thuộc Kim, bắc Thủy, Nam Hỏa, Đông là Mộc. Các bộ phận trong cơ thể cũng có Kim là phổi, Thận là Thủy,… Thậm chí ngày giờ có ngày Kim ngày Mộc, ngày Hỏa. Bàn tay ta có gò Mộc tinh, gò Kim tinh. Lưỡi có thể nhận biết được vị của thực phẩm: vị cay là Kim, vị mặn là Thủy, vị chua là Mộc…. Tâm trạng con người cũng được phân theo Ngũ hành: Buồn là Kim, sợ là Thủy, giận là Mộc. Giọng nói con người cũng được qui về Ngũ hành: Khóc là Kim, Rên là Thủy,….
Một cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
Thật rắc rối và thần bí.
Nhưng ta thử cố gắng xem sao?
Để trả lời các câu hỏi trên chúng ta trước hết hãy bắt đầu từ lập luận: cái có tên giống nhau thì ắt phải có cái gì chung.
Chẳng hạn, hành Kim được gắn cho sao Kim, phương Tây, nỗi buồn, vị cay, mầu trắng, lá phổi, … Vậy cái gì là chung nhất cho các đại lượng trên. Tại sao nỗi buồn của một cô gái lại có chung tên gọi là Kim với vùng đất phía tây, với màu trắng trên lá cờ của nước Pháp hoặc với ngôi sao Kim xa xôi trong vũ trụ bao la? Cái gì là chung cho những thứ vô cùng khác biệt, xa cách nhau như vậy.
Đêm hôm thứ ba vừa rồi một chuyên gia chiến lược đang trầm ngâm đọc bản kết quả phân tích dự báo về trữ lượng dầu mỏ trên thềm lục địa phía Nam đảo Phú Quốc bỗng giận sôi lên vì số liệu bị xóa ở chỗ quan trọng nhất. Sáng hôm sau ông lại bị một chị bán hàng ngoài chợ Hôm ở trung tâm Hà nội đốt vía vì mới tám giờ đến hỏi giá định mua hai cân cam sành rồi lại không mua? Nỗi bực tức của ông và nỗi giận của cô bán hàng đều được gọi là hành Mộc. Nhưng tại sao lại là Mộc. Tại sao cái giận học thuật cao siêu của ông lại bị xếp chung ngăn với hành vi vô văn hóa kia?
Hay người xưa cứ bịa đặt bừa phứa cho các đại lượng ấy một cái tên là Ngũ hành, Kim-Thủy-Mộc-Hỏa-Thổ, mà bây giờ khoa học hiện đại đã quăng sọt rác hết. Nhưng, nếu vậy thì tại sao môn Ngũ hành lại bền vững đến tận bây giờ sau hàng ngàn năm thử thách.
Không, ngũ hành không bịa đặt. Ngũ hành thật đơn giản. Ngũ hành chính là biểu tượng của quá trình vận động. Bởi vì sự vận động chính là cái chung nhất của mọi sự vật trên thế gian này.
Những sự vật khác nhau mà có đặc tính vận động giống nhau, hình thức vận động giống nhau, kết quả vận động giống nhau,… sẽ được qui về cùng một hành. Chữ hành ở đây xuất phát từ Hán tự chính là hành trình, quá trình, hành tiến, hành động,…
Mà trên thế gian này mọi sự vật chỉ có 5 kiểu cách vận động mà thôi. Năm phương thức vận động ấy khoác năm biểu tượng Kim-Thủy-Mộc-Hỏa-Thổ làm áo, vừa lộng lẫy vừa huyền bí. Cái áo Ngũ hành đó là thành quả dệt may hàng ngàn năm qua của những bộ óc siêu việt nhất. Ngũ hành cũng chính là di sản văn hóa quí báu nhất của tổ tiên chúng ta.
Con người ta ai cũng thở. Khi nào ngưng thở là chết. Vậy thở là một hoạt động quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của chúng ta. Thở không đơn thuần chỉ có 2 pha: hít vào và thải ra. Thở là một chuỗi các hành động cực kỳ phức tạp, nó là sự mở đầu của 5 quá trình.
Quá trình 1: Thu vào
Trong quá trình thu vào ta mang vào phổi đủ thứ khí, ôxy (dưỡng khí), nitơ, các chất mùi, các hạt bụi bặm. Trong suốt quá trình thu vào, có một hoạt động khác rất quan trọng kèm theo, đó là sự lựa chọn để cho thông qua và loại bỏ. Tại các phế nang li ti trong phổi chỉ còn lại oxy. Phần lớn các thứ khí và bụi bặm khác không cần thiết cho các quá trình sống tiếp sau đó đều bị thải loại. Vậy quá trình thu vào luôn đi kèm với quá trình lựa chọn.
Quá trình 2: Tản ra.
Tản ra không phải là pha thở ra, sự thải thán khí qua mũi hoặc miệng. Sự thải loại thán khí ra chỉ là hành động chuẩn bị cho sự hít vào kế tiếp, nó là một phần tất yếu của quá trình 1. Tản ra ở đây chính là phân tán cái sản phẩm cuối cùng của quá trình 1, quá trình tích lũy của ôxy tại phổi, đến các tế bào. Trong quá trình 2 này, các phân tử ôxy được hồng cầu mang đến từng tế bào, cùng với chất dịnh dưỡng được cung cấp từ dạ dày, để duy trì và phát triển sự sống của cơ thể.
Quá trình 3: Sinh mới.
Tại tế bào các phân tử ôxy mới được tản ra trong quá trình 2, tiến hành các phản ứng hóa sinh, cung cấp năng lượng cho các hoạt động khác của cơ thể. Quá trình sinh ra năng lượng mới được gọi là quá trình sinh mới bậc nhất. Quá trình sinh mới bậc nhất này bảo đảm sự hoạt động bền vững của cơ thể, mà ta gọi là sự sống. Nếu quá trình bậc nhất đó không được duy trì thì cơ thể sẽ chết. Các tế tào nhờ sự tản ra của ôxy từ phổi và sự tản ra của thực phẩm từ dạ dày sẽ được nuôi sống và phát triển. Các tế bào (trừ các neuron thần kinh) sẽ sống một cuộc đời không dài lắm, đủ độ chín thì chúng sẽ phân đôi, tạo ra một tế bào mới. Quá trình tạo thành tế bào mới gọi là quá trình sinh mới bậc hai. Cơ thể còn một quá trình sinh mới bậc ba nữa, chính là sinh ra con cái thuộc thế hệ sau. Ba quá trính sinh mới đó được gọi chung là sinh mới. Cả ba quá trình sinh mới này đều là hệ quả trực tiếp của hai quá trình trên: thu vào và tản ra.
Quá trình 4: Hoàn thiện
Đối với cơ thể sản phẩm của cả ba quá trình sinh mới đề cập ở trên đều dần dần hoàn thiện. Hoàn thiện bậc nhất là tập trung và gom góp năng lượng từ tất cả các tế bào để duy trì thân nhiệt, để sinh công cho các hoạt động cơ bắp thông thường. Hoàn thiện bậc hai là sự lớn lên của các tế bào non, từ chỗ mềm yếu thành các tế bào trưởng thành. Hoàn thiện bậc ba là duy trì và hoàn tất các khả năng sinh lý của quá trình sinh con. Đối với phụ nữ, đó là quá trình đều đặn bổ sung năng lượng để nuôi trứng lớn dần lên và chuẩn bị cho các chu kỳ kinh nguyệt từ lúc dậy thì cho đến khoảng 40-60 tuổi. Đối với nam giới thì quá trình hoàn thiện là liên tục sản suất tinh trùng cho đến khoảng trên dưới 70 tuổi.
Quá trình 5: Suy tàn.
Sự suy tàn là không tránh khỏi đối với tất cả các thực thể mà chúng ta đã biết trên thế gian này. Từ đời sống ngắn ngủi của con bọ chệp (một loại bọ, sáng được sinh ra, chiều đã chết), đến sự kéo dài hơn 15 tỉ năm qua của vũ trụ. Tất cả các đối tượng trong vũ trụ đều sẽ bị suy tàn. Cơ thể con người cũng suy tàn dần khi mà khả năng phân đôi của tế bào kém dần, giãn cách giữa hai lần sinh đôi ngắn lại, hoặc tại một số khu vực sự sinh sôi tế bào xảy ra nhanh đến mức không kìm hãm được (ung thư). Quá trình dẫn đến cái chết dần dần xảy ra, nhưng ta thấy không rõ lắm. Toàn bộ quá trình ấy đều được gọi là quá trình thứ 5, quá trình suy tàn, được kết thúc bởi cái chết mà ta gọi là sự trở về với cát bụi.
Năm quá trình trên của sự sống bắt đầu tự sự tích lũy ôxy trong phổi. Khi nào không thể tích ôxy được nữa thì chết. Năm quá trình ấy sẽ là cơ sở cho sự phân tích tiếp theo về các quá trình có thể qui về 5.
1.3. Khái quát hóa một số đặc tính của ngũ hành
1.3.1.Năm bước của vận động hay Ngũ hành
Ba bước đầu của sự vận động là thu vào, tản ra và sinh mới. Ba bước ấy biến từ không thành có. Hai bước sau là sự trở lui của vận động bao gồm hoàn thiện và suy tàn. Tổng cộng sự vận động có năm bước, hay năm hành trình. Năm bước ấy biến đổi sự vật từ nhỏ bé thành phương trưởng, từ âm nhu thành dương cương, từ vô hình thành hữu hình, rồi lại tiếp tục biến đổi sự vật từ đỉnh cao về nhỏ bé, từ dương về âm, từ hữu hình về lại vô hình, để rồi lại tiếp tục một chu trình vận động mới. Quá trình vận động đó trùng trùng, điệp điệp, lớp này tiếp lớp kia, xen kẽ đan chéo nhau, thúc đẩy kìm hãm nhau.
Nếu nhìn vỏ ngoài của sự vận động vô cùng và bất tận đó, ta thấy mọi sự thật phức tạp. Nhưng nếu qui lại thành Ngũ hành ta thấy vấn đề trở nên thực đơn giản. Chính vì vậy Lão tử mở đầu trước tác của ông bởi câu: “Đạo khả đạo phi thường đạo” (3). Viết câu đó ra, Lão tử có ý rằng cái khả dĩ được gọi là đạo bao trùm cho mọi sự vật và quá trình trong trời đất phải là đạo phi thường. Đạo phi thường đó chính là qui trình vận động theo 5 bước, mà người xưa gọi là Ngũ hành.
Vận động trong vũ trụ là vô biên và vĩnh hằng. Hình thức của sự vận động không phải là một đường thẳng kéo dài mãi mãi, mà luôn khúc khuỷu quanh co. Quan sát thực tế cổ nhân đã nhận thấy các bước quanh co ấy chung qui chỉ có 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tụ sinh, giai đoạn 2 là khởi phát, giai đoạn 3 là đột phá, giai đoạn 4 là hoàn thiện, giai đoạn 5 là suy tàn. Sau đó lại bắt đầu sự khởi sinh một vòng mới với những bước quanh co giống như trước, nhưng ở trình độ và qui mô khác. Năm bước của sự vận động đó, người xưa đã biểu tượng hóa thành Ngũ hành. Tức là 5 hành trình, lộ trình, hay giai đoạn. Ngũ hành không phải là các biểu tượng tĩnh tại như Kim là sắt thép, Thủy là nước, Mộc là cây cỏ, Hỏa là lửa, Thổ là đất. Ngũ hành chính là 5 phép chuyển hóa (chứ không phải 72 phép biến hóa như của Tôn Ngộ Không). Mọi sự vận động trong tự nhiên và xã hội không thể ra ngoài 5 phép chuyển hóa đó. Vậy Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ chính là 5 biểu diễn toán học mô tả 5 phép chuyển hóa đó. Các phép chuyển hóa ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau theo một thứ tự nhất định. Sự vận động nào đi đúng trật tự trên thì thuận tự nhiên, đi trật thì gọi là ngược tự nhiên. Cho nên, người ta nói “con tạo xoay vần” với hàm nghĩa là tạo hóa thì “xoay” theo chiều thuận, còn con người có thể vì ý chí chủ quan mà “vần ngược” hoặc “vần thuận.”
Khi phân tích về sự thở chúng ta đã gán cho Ngũ hành một số đặc tính cơ bản. Cụ thể như sau:
-Kim là tích tụ có chọn lọc,
-Thủy là phân tán và thử sai,
-Mộc là sáng tạo, đột phá, trong những điều kiện nhất định,
-Hỏa là hoàn thiện cái mới được sáng tạo, sao chép mô hình, nhân rộng cải tiến mô hình,
-Thổ là sự suy kiệt, khi năng lượng dành cho sự nỗ lực phát hỏa đã hết. Lúc đó theo các nguyên lý của khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) chính là quá trình chuyển đổi trạng thái của vật thể. Trong lòng của sự suy kiệt và rời rã lại dần dần có sự tích tụ năng lượng, khối lượng, vật chất, tinh thần,…để chuẩn bị cho một chu trình phát triển biến hóa sau nữa, dưới dạng thức khác. Chính vì thể cổ nhân bảo Thổ có tính nuôi dưỡng. Thổ trong phép bấm độn, trong tử vi, trong định phương hướng,… nằm ở khu vực trung tâm chính là vì nó có tính nuôi dưỡng. Thổ theo ngôn ngữ mới là môi trường cho sự tìm tòi của tích Kim vòng mới.
Năm phép chuyển hóa, năm biểu tượng Ngũ hành, lẽ ra có thể được thay thế bởi các ký hiệu toán học, các nét chấm như trên Hà đồ Lạc thư, hoặc các vạch liền hay vạch đứt như trong Kinh dịch, nhưng nếu biểu diện như thế thì ta lại làm cho Ngũ hành thêm thần bí. Vì vậy chúng tôi dùng những từ ngữ nôm na để giải mã như sau.
Giai đoạn 1 tụ sinh, biểu tượng là hành KIM, chính là quá trình tụ vào, thu vào, tích lũy, hay còn gọi là tích KIM. Mọi quá trình mang tính thu vào, tích lũy đều là KIM. Bất kể là tích vàng bạc, kim loại hay tích nước, tích gỗ, tích đức, tích kiến thức, hay hít không khí vào phổi… đều thuộc về hành KIM. Hành Kim là khởi đầu của mọi quá trình vận động phát triển.
Giai đoạn 2 khởi phát, biểu tượng là hành THỦY. Sự tích lũy đến mức nào đó sẽ dẫn đến tản ra, phân tán ra, tất nhiên trong tích lũy đã có chế biến, và chọn lọc. Ví dụ phổi tích không khí, gồm có nitơ, ôxy, nhưng chỉ chọn lọc ôxy để tản ra trong các mạch máu và tế bào. Vậy hành THỦY là tản ra, như ta đổ cốc nước xuống đất thì nước tản ra xung quanh và thấm dần vào lòng đất. Sự tản ra là khởi phát cho quá trình phát triển.
Giai đoạn 3 đột phá, biểu tượng là hành MỘC. Sự tản ra của các yếu tố nhất định làm sinh mới một cái gì đó. Cho nên sau THỦY ắt đến MỘC, Ví dụ sự tản ra của dưỡng chất và ôxy vào tế bào làm sinh sôi các tế bào mới; sự tản ra của phân gio, nước, ánh sáng và hạt giống làm sinh mới cây cỏ. Hành Mộc là biểu tượng của cái mới sinh thành, cho nên người xưa ví giai đoạn này nhự sự nảy chồi của cây cối, do đó gán cho giai đoạn này cái tên là Mộc. Hành Mộc cũng chính là quá trình sáng tạo. Những thành tựu lớn lao mà nhân loại đã đạt được trong suốt quá trình tiến hóa chính là lớp lớp các hành Mộc của bao thế hệ đã qua.
Giai đoạn 4 hoàn thiện, biểu tượng là hành HỎA. Đó là quá trình hoàn thiện của cái mới sinh trong giai đoạn MỘC. Sự hoàn thiện mô hình cho thích ứng với thực tế. Khi mô hình đã hoàn thiện mỹ mãn thì tiếp tục nhân rộng ra. Ví dụ mô hình nuôi tôm nước lợ sau khi đã được thử nghiệm tốt, đã được chứng tỏ có hiệu kinh tế ở qui mô gia đình, qui mô doanh nghiệp tại một địa phương thì nó được nhân rộng ào ào như phong trào. Sự ào ào bừng bừng ấy mang sắc thái của lửa. Cho nên cái gì mang tính chất nhanh gấp, ào ào, bừng bừng là thuộc về hành HỎA. Một người nóng tính làm gì cũng mạnh mẽ, nhanh gấp người ta bảo rằng anh ấy có tính HỎA.
Giai đoạn 5 suy tàn, biểu tượng là hành THỔ. Đó là giai đoạn nghỉ ngơi sau những cố gắng ào ào của hành hỏa, giống như củi cháy hết thì còn lại tro. Trong trạng thái THỔ, các phần tử của hệ thống rời rạc, ít liên hệ mật thiết, ít có tương tác với nhau. Người ta ví Thổ như mặt đất, vì nó là chỗ chứa đựng mọi phụ phẩm của các quá trình phát hỏa. Hình 1 mô tả biểu tượng cổ về Ngũ Hành.
1.3.2.Tương sinh và tương khắc
Càng ngẫm nghĩ kỹ lưỡng chúng ta càng thấy rõ nét sự tương sinh và tương khắc của năm quá trình trên.
Sơ đồ truyền thống diễn tả Ngũ hành như hình 1 (có trong tất cả các sách nói về Ngũ Hành).
Hình 1. Sơ đồ truyền thống diễn tả Ngũ hành.
Trong sơ đồ hình 1 ta thấy nét liền và nét nứt. Nét liền là tương sinh, nét đứt là tương khắc. Theo các định nghĩa Ngũ hành như là các quá trình ta thấy rõ ràng các hành có tương sinh và tương khắc nhau. Ví dụ, Kim là tích tụ tất sinh Thủy là phát tán. Nhưng Kim lại khắc Mộc, vì quá trình tích tụ làm kìm hãm (làm chậm) năng lượng cho đột phát và sinh mới. Nói theo ngôn ngữ dân gian Kim (tích tụ) là Ông của Mộc (sinh mới). Khi đó Kim là tiền đề xa của Mộc, cản trở và điều chỉnh các đặc tính của sự sinh mới. Ví dụ quá trình tích tụ ở phổi toàn dưỡng khí trong lành thì các tế bào sinh mới sẽ tươi tốt. Ngược lại có bụi silic thì sẽ sinh ung thư.
Trong khi đó chính Kim lại bị Hỏa khắc. Bởi vì quá trình Hỏa mang tính sao chép mô hình, rất nhanh, ào ào, mang tính phong trào,… Quá trình ấy không thích hợp cho các quá trình tích lũy. Cho nên người xưa nói “sự yên tĩnh có lợi cho việc tu dưỡng tâm hồn”.
Sự tương sinh tương khắc trong Ngũ hành được chiêm nghiệm bởi kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Cơ sở lý luận của tương sinh tương khắc là học thuyết âm dương. Chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này trong một dịp khác.
1.3.3.Vài ví dụ về Ngũ hành
Ví dụ 1: Thánh Gióng
Truyền thuyết Thánh Gióng chính là một ví dụ tuyệt vời của dân Việt nam về Ngũ hành. Thánh đẻ ra ba năm không nói cười, nhưng khi có lệnh vua, thì cả làng tích gạo cho Thánh ăn, thợ thì rèn áo giáp sắt, ngựa sắt, và gậy sắt. Đó chính là lúc cả cộng đồng tích lũy cho một đối tượng: đó là hành Kim.
Khi mọi thứ đã đầy đủ Thánh vươn vai từ đứa bé con ba tuổi trở thành lực sỹ, nhẩy lên ngựa, phi ra trận địa. Mấy hành động đó là Thủy
Hành Mộc chính là lúc ngựa phun ra lửa, Thánh dùng gậy sắt đánh dẹp quân thù. Mô hình đánh giặc được xây dựng xong (công nghệ cao nhất đương thời, sức mạnh tập trung nhất).
Hành Hỏa là lúc các động tác đánh giặc được nhân lên, mở rộng mô hình. Vũ khí được hoàn thiện, hỏng gậy sắt dùng gậy tre. Nó đủ cứng, đủ dẻo dai hơn gậy thép, mà lại dễ làm, ai cũng có thể chế tạo được. Và chắc là lúc đó ngoài một người một ngựa của Thánh còn ngàn vạn người dân người lính khác nữa chứ. Khối tâm của ngàn người lúc đó được tập trung lại thành sức mạnh lớn.
Cuối cùng hành Thổ là sự tan rã, sự kết thúc của toàn bộ quá trình. Thánh về trời: Cái lãng mạn tuyệt vời của dân Việt: Thổ không phải luôn luôn là thổ địa.
Ví dụ 2. Đời người
Vòng đời của một con người là một ví dụ khác về Ngũ Hành. Kể từ lúc mới sinh ra đó là thời của Kim. Cha mẹ cho anh ta ăn uống, nuôi dưỡng cho lớn, cho học hành là quá trình tích luỹ năng lượng, quá trình hình thành một đối tượng mang tính Kim. Học được thành tài, anh ta bắt đầu vào đời, đó là trạng thái Thuỷ. Làm được một việc gì đó là Mộc. Nhân rộng nó ra là Hoả. Qua công việc đó anh ta có tiền bạc địa vi, có danh tiếng, đó là lúc bừng lên của Hoả. Nếu không khéo thì anh ta đi ngay vào Thổ, thân bại danh liệt, đời anh ta thành tro tàn im lặng. Nhiều người gặp vận Thổ vẫn vùng lên vì tích luỹ được yếu tố Kim ngay trong thất bại Thổ. Như vậy một đời người có thể phân thành nhiều vòng Ngũ hành.
Ví dụ 3. Công ty Sony
Năm 1946 trong tro tàn của chiến tranh tại vùng Nihonbashi, Tokyo, Nhật bản, hai Ông Ibuka và Morita đã tích 190.000 yên, cộng với tri thức về điện và lòng quyết tâm vô bờ để mở một công ty nhỏ trên một quả đồi ngoại ô. Lúc đó thuộc hành KIM. Sau đó họ nghiên cứu chế tạo nồi cơm điện và máy radiô bán dẫn, rồi đưa các sản phẩm ấy len lỏi vào thị trường. Họ đã làm tản ra cái mà họ đã chế tạo được bằng lượng KIM ít ỏi đầu tiên kia. Lúc đó thuộc hành THỦY. Năm 1957, sau gần 10 năm gây dựng hai ông đã đủ lực và họ quyết định gây dựng một công ty mạnh tên là SONY. Lúc đó thuộc hành MỘC. Một công ty mới chưa hề có tên trên thế giới đã được sinh thành, được sáng tạo ra. Sau đó công ty ngày càng hoàn thiện cả về tổ chức, công nghệ, và nhiều sản phẩm mới. SONY lúc đó vào hành HỎA. Nhiều công ty khác đã bắt chước họ làm nồi cơm điện, đài bán dẫn, máy nghe nhạc, máy ảnh,…
Nếu lúc ở HỎA mà họ không tiếp tục tích KIM để nghiên cứu phát triển sản phẩm (công tác R&D) mới thì bây giờ SONY đã về THỔ một cách điêu tàn với rất nhiều sản phẩm lỗi thời. Quá trình phát triển của SONY là quá trình tích KIM liên tục để tạo sản phẩm mới. Mỗi sản phẩm mới là một vòng Ngũ hành con trong tổng thể chiến lược phát triển của công ty.
Các công ty khác cũng phát triển như vậy, từ Microsofl, Google, đến FPT, Lilama,… Những công ty nào đi chệch con đường phát triển tích cực ấy (không liên tục tích KIM) thì sẽ về Thổ, như hãng xe hơi nổi tiếng Renault của Pháp.
Ví dụ 4. Phóng điện sét
Sự hình thành của phóng điện sét là một ví dụ về Ngũ Hành tự nhiên. Nắng nóng làm hơi nước bốc lên tạo thành mây. Các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, gió làm cho các phần tử hơi nước nhỏ bé trong đám mây cọ sát nhau, tạo thành các điện tích. Lúc đó, là quá trình tích tụ điện tích của đám mây- hành Kim. Khi Kim (điện tích đám mây) đã tích tụ đủ lớn thì có sự cảm ứng điện tích trái dấu đáng kể ở mặt đất bên dưới đám mây. Các tia tiên đạo phóng điện nhỏ lẻ dần dần hình thành và vươn dài ra, tản ra về phía dưới- hành Thủy. Khi các tia tiên đạo từ đám mây đi xuống và từ mặt đất đi lên vươn ra đủ gần nhau thì có sự phóng điện nối liền hai kênh dẫn điện đó. Ta nghe thấy tiếng sét nổ - hành Mộc hình thành. Đó là lúc một kênh dẫn điện mới từ đám mây xuống đất đã được sáng tạo (tạo lập). Nếu sự bảo vệ chống sét không tốt, cú sét đánh lại rơi trúng vào một mái nhà gỗ, thì căn nhà sẽ bốc lửa cháy. Đó là hành Hỏa. Giả sử căn nhà bị cháy rụi hoàn toàn ta có ngay hành Thổ. Tro tàn sẽ sinh ra từ Hỏa.
Ví dụ 5. Nước Việt
Nước Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ 20 thuộc hành Thổ. Lúc ấy các phong trào kháng Pháp đã bị dập tắt. Cả nước gần như im lặng chịu sự khai phá thuộc địa. Khoảng năm 1925 có phong trào thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hành Kim đang dần dà được khởi động. Đó là trạng thái của quá trình thu luyện năng lượng, tìm tòi phương pháp đấu tranh mới. Lúc đó, có sự tích tụ âm thầm các cá nhân yêu nước thành các tổ chức đấu tranh mới. Tiếp theo, là hành Thuỷ, khi mà các chi bộ dần dần phát triển, cấy sâu vào các khu vực, các vùng nông thôn và thành thị. Khi các chi bộ đã lớn dần thì tạo thành mạng lưới, các khu uỷ, các vùng an toàn khu, dần dần có các lực lượng vũ trang nhỏ (Ba tơ, Bắc Sơn, Tuyên Quang,…). Lúc đó là thời của Mộc. Lực lượng cách mạng ngày càng mạnh tức Mộc ngày phát triển. Cách mạng 1945 là thời của Hoả, thời của một trạng thái bừng bừng, sôi động. Trạng thái Hỏa của nước Việt duy trì mãi đến sau năm 1975. Trong mấy chục năm đó, người người bừng bừng ra trận, náo nức tham gia các phong trào kiến quốc và cứu nước như ba sẵn sàng, ba đảm đang,…
Các ví dụ khác về sự vận động của lịch sử Việt nam đều là các minh họa về Ngũ hành rất sống động, chẳng hạn các giai đoạn tụ nghĩa của Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng là hành Kim. Các giai đoạn phát triển sau đó đều diễn ra đúng trình tự Khai Thủy, Sinh Mộc, hoàn thiện Hỏa rồi về Thổ. Lịch sử cũng chỉ ra rằng đối với các triều đại kể trên khi về Thổ thì rất điêu tàn và trong lòng Thổ lại tụ sinh tích Kim các nhân tố mới cho các quá trình lịch sử tiếp theo.
Ví dụ 6. Thiền Trúc lâm Yên tử
Vua Trần Thái Tông thay thế Nhà Lý, chấn hưng đất nước, trau dồi nhân phẩm, học thông Nho, Lão, Phật, đánh giặc Nguyên Mông lần thứ nhất, tích lũy tri thức đầy đủ, quá trình đó gọi là tích Kim. Về già nhà Vua nhường ngôi cho con, viết Khóa hư lục, khai mở xu hướng tĩnh Tâm bằng thiền. Đó gọi là khai Thủy. Sau đó, vua Trân Nhân Tông lại tiếp tục dòng suy tư Khóa hư lục của vua cha, lúc toàn thắng giặc Nguyên Ngài đã về hẳn Yên Tử mở ra trường phái Thiền Trúc Lâm Yên tử. Đó gọi là sinh Mộc. Các vị sau đó như Pháp Loa, Huyền Trang đã hoàn thiện tư tưởng của Thiền Trúc lâm Yên tử. Đó gọi là Hỏa. Sau đó là giai đoạn Thổ, Núi Yên Tử dần thành di tích đến ngày nay, nhưng Thiền phái Thiền Trúc Lâm vẫn sống trong lòng người để rồi lại dần dần tụ sinh các vòng Ngũ hành mới.
Các ví dụ trên đủ cho ta nhận thức được về sự vận động theo Ngũ hành. Trong đó giai đoạn này nối tiếp giai đoạn kia. Không thể dùng ý chí chủ quan mà đi tắt, mà đốt cháy lịch sử, đặc biệt muốn cho sự phát triển của Hỏa được bền vững thì luôn luôn phải tích KIM. Tích KIM là cơ sở quan trong bậc nhất cho mọi sự phát triển, và cũng là điểm khởi đầu của mọi sự phát triển. Hình 2 mô tả các vòng Ngũ hành liên tiếp theo lý thuyết mới. Ngẫm nghĩ kỹ càng chúng ta sẽ thấy không có một sự vận động nào trong vũ trụ đi ra ngoài năm bước vận động Ngũ hành này được.
Hình 2. Năm giai đoạn của phát triển.
Tích Kim là điểm khởi đầu của vòng phát triển. Thu vào (Kim), tản ra (Thủy) và sinh mới (Mộc) là ba giai đoạn phát triển đi lên. Hỏa là sự hoàn thiện. Tại hành Hỏa có lối rẽ, hoặc là đi vào vòng mới, hoặc là trở lui về tro tàn của hành Thổ. Tích Kim liên tục sẽ tạo nên sự phát triển bền vững. Nhưng trong tro tàn của Thổ cũng sẽ có tích Kim, nhưng thụ động và khó khăn.
Tóm lại lý thuyết Ngũ hành cho chúng ta một cái nhìn động về sự vận động và phát triển. Mọi sự phát triển đều có điểm gốc là tích Kim. Hành Kim tích được càng nhiều, càng bền vững thì các bước phát triển tiếp theo càng bền vững. Đặc biệt khi đã đạt đến trạng thái Hỏa thì nhất định phải tìm kế để tích Kim các vòng mới. Vì nếu không sẽ lâm vào trạng thái Thổ.
Có thể tóm tắt lý thuyết Ngũ hành mới thành các định đề sau:
1.Tất cả các sự vật trong tự nhiên và xã hội đều vận động theo Ngũ hành, và mọi sự vận động đều bắt đầu từ hành Kim.
2.Ngũ hành chỉ là 5 biểu tượng về 5 giai đoạn biến đổi của sự vật. Năm giai đoạn đó gọi là 5 phép biến hóa của tự nhiên. Không có một quá trình vận động nào ra khỏi 5 phép biến đổi ấy.
3.Tinh hoa văn hóa cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của dân tộc Việt nam là Ngũ hành và kỹ năng ứng dụng Ngũ hành vào thực tế.
Trên cơ sở của lý thuyết Ngũ hành mới này chúng ta sẽ phân tích nhiều về vấn đề đang nổi cộm trong đời sống xã hội Việt nam hiện tại.
Chương II. Các nghiên cứu ứng dụng ngũ hành
2.1. Sự kiệt sức của nông thôn Việt Nam trong hội nhập
2.1.1.Làng cổ truyền hình tròn, nơi quần tụ các giá trị vật chất và phi vật chất của dân tộc Việt nam
Vấn đề tam nông, (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là một vấn đề lớn của nước ta. Vì hơn 70% dân Việt đang sống ở nông thôn, làm nghề nông hoặc ít nhiều dính dáng đến nghề nông. Không những thế vấn đề tam nông còn cực kỳ phức tạp, vì nó quan hệ đến mọi lãnh vực khác trong xã hội, đặc biệt là việc xây dựng một chiến lược phát triển bền vững.
Muốn xây dựng một chiến lược phát triển cho vấn đề tam nông cần có bức phác họa khái quát, không rườm rà, mà lại chứa đựng được những xu thế vận động cốt yếu đang vận hành trong lòng nông thôn, trong nông nghiệp và cả trong lòng người nông dân nữa.
Trước hết, ta hãy nhìn vào lịch sử. Phác họa về nông thôn vài trăm năm trước là: “Nông thôn ngày xưa được đặc trưng bởi làng. Làng có lũy tre xanh bao bọc. Vào làng phải qua cổng. Gần cổng làng thường có cây đa, rồi giếng nước. Tại trung tâm làng nhất định có đình làng, thờ Thành Hoàng và các bậc tiên nho. Đâu đó trong làng có vài ngôi đền, ngôi chùa. Trong làng có vài tộc họ. Sinh sống thì bằng làm ruộng là chủ yếu, có con trâu trên đồng, vợ đi cấy chồng đi cầy. Trong làng thường có các cụ đồ nho, lúc thường thì dạy học, lúc vui buồn thì ngâm vịnh, đọc thơ. Những người ra khỏi làng thì thường bảo vệ cái danh dự của làng, nếu có mang về điều gì thì phải là điều danh giá. Nếu làm ô nhục làng thì thà chết tha phương không về làng nữa. Sống trong làng thì thương yêu đùm bọc nhau. Có giận nhau thì cũng tìm cách hòa hoãn mà giải quyết. Đa phần các làng đều có hương ước, là “bộ luật dân sự” qui định cách ứng xử của dân làng với nhau”
Ta hãy phân tích cấu trúc làng xưa của nông thôn Việt nam. Lũy tre để bảo vệ hữu hình về đất đai và an ninh. Giếng nước để cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cánh đồng để lao động. Đời sống văn hóa thì xảy ra nơi đình chùa miếu mạo. Vậy làng là một xã hội nhỏ, bao quát những nhu cầu quan trọng nhất về cuộc sống vật chất và phi vật chất.
Làng đã tồn tại bền vững trên đất Việt hàng ngàn năm qua và là hạt nhân cho sự trường tồn của dân tộc ta qua bao biến cố. Làng sở dĩ là hạt nhân trường tồn, vì trong làng có đủ những yếu tố từ đơn giản nhất đến yếu tố cao cấp nhất của xã hội đương thời. Yếu tố đơn giản là lao động làm ra hạt lúa, bó rau, con gà, con lợn,... Yếu tố cao cấp nhất là cái nôi học tập để duy trì và bồi dưỡng văn hiến quốc gia, như sản sinh ra các điệu hò vè, các phương pháp chữa bệnh, các làn điệu dân ca, các nghệ thuật điêu khắc, các vị sĩ phu... Làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất trong lịch sử, nhưng lại chứa đựng toàn bộ những yếu tố cấu thành của xã hội Việt cổ. Đặc biệt, trường làng ngày xưa có thể đào tạo những người đi thi một bước, đỗ tam nguyên, thành trạng nguyên tiến sĩ, tức là làng còn là tàng thư văn hóa cấp cao nhất của xã hội nữa. Lao động trong làng nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống vật chất, đôi phần được trao đổi ra ngoài. Tinh hoa cuộc sống tinh thần được tạo ra trong làng và rồi ở lại để bồi đắp truyền thống của làng. Cái phát tiết ra khỏi làng phần lớn các các giá trị phi vật thể, và được xem như tài sản chung của xã hội. Vậy nông thôn xưa chính là cái nơi quần tụ, bồi đắp và phát triển những yếu tố đặc trưng nhất về vật thể và phi vật thể của cả xã hội.
Cho nên chỉ cần nhìn bức tranh cổ mà phác họa nên bức tranh mới, so sánh phân tích là chúng ta thấy những biến động nào đang làm cho nông thôn Việt nam đi lên, những biến động nào đang làm cho nông thôn tụt hậu. Dưới đây tập trung phân tích những phác họa về nông thôn Việt nam hiện nay theo quan điểm Ngũ Hành.(1)
2.1.2.Bức tranh về làng dọc trục thời hiện đại.
Ngày nay, làng không còn là đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất, mà là xã. Trong xã cũng có đầy đủ các yếu tố điện đường trường trạm, có UBND, HĐND, có nhà văn hóa, có trường học cấp I và cấp II. Nhưng một lượng lớn lao động trong xã đã bươn trải ra ngoài địa bàn địa lý của xã để kiếm sống. Phần lớn thanh niên trai tráng đều đi học và đi làm xa. Họ ít có điều kiện ở lại để hấp thu các giá trị tinh thần cổ truyền, rồi thêm các giá trị hiện đại vào để biến thành các giá trị phi vật thể mới, bồi đắp cho nông thôn. Cũng như thế, một cô gái đẹp lớn lên trong xã ít có cơ may còn ở lại nông thôn trở thành các hiền mẫu nuôi dưỡng con cái trong nhà, bảo tồn các giá trị ngoài xã, mà ngược lại phần nhiều phải lên thành thị, trở thành phu nhân các đại gia, hoặc giả đi làm vợ xa của người Hàn quốc, người Đài loan, thậm chí cả người Mã lai nữa.
Đời sống tâm linh nơi làng xã bây giờ có phần nhạt. Người ta chủ yếu cúng bái vớ vẩn. Đình làng không còn cái vẻ uy nghi của nơi lưu trữ và truyền bá văn hiến. Trường làng không còn là nơi bồi đắp các kiến thức cao nhất đương thời. Nhà văn hóa không phải là nơi cung cấp thông tin sống động và thiết thực. Người dân trong làng bây giờ phần lớn lo kiếm tiền nuôi con, con học hành xong thì ra thành phố làm việc. Vậy có thể đưa ra nét thứ nhất của bức phác họa về nông thôn đương đại là: Nông thôn không còn là nơi tàng trữ và phát huy văn hiến mà đang vắt sức nuôi thành thị.
Bây giờ nông thôn chủ yếu phát triển theo dọc trục giao thông. Người ta thích mặt đường, mặt ngõ. Mọi thứ đều bám vào dọc trục mà sinh sôi phát triển, từ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp đến tiệm làm đầu…Hình ảnh này như một cái xương cá có bám lơ thơ vài mẩu thịt. Các mẩu thịt ngày càng dày đặc lên, rồi lại làm cho sự lưu thông dọc trục bị ùn tắc. Tai nạn giao thông, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và nhiều vấn nạn khác cũng bám theo dọc trục mà phát triển. Sự phát triển theo dọc trục không những chỉ ở nông thôn mà còn cả ở các thành phố cỡ trung và cỡ lớn, chẳng hạn như Thanh Hóa, Ninh Bình,… Sự phát triển dọc trục làm các dòng chảy thông tin, dòng chảy vật chất dễ đến mà cũng dễ đi. Có thể nói rộng ra là nông thôn bây giờ không còn là nơi quần tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần chủ yếu của xã hội theo kiểu tích lũy mà đang bị chảy dọc trục. Chính vì sự phát triển nông thôn không dựa trên nền tảng của sự tích lũy, cho nên có thể đoán nó đang đi đến trạng thái hụt hơi, kiễng chân. Vậy đường nét thứ hai của bức tranh nông thôn là: vắt sức nuôi thành thị ngày càng nhiều mà sự bổ sung nội tại cho tiềm lực nông thôn ngày càng hụt.
Do vậy, bức phác họa đơn giản về nông thôn Việt nam thời nay là:
- Phố quê dạng dài dọc trục đang thay dần làng hình tròn bao bọc bởi lũy tre và cánh đồng,
- Quá trình vắt sức nông thôn để cung cấp cho thành thị ngày càng mạnh, quá trình bồi đắp các giá trị văn hóa và tinh thần ngày càng giảm.
Hai nhận định trên cho phép chúng ta nhìn thấy quá trình kiệt sức nông thôn đang ngày càng xảy ra mãnh liệt. Khoảng cách giầu nghèo ngày càng giãn rộng chỉ là hình thức bề ngoài của sự kiệt sức đó. Muốn tìm một con đương phát triển bền vững, luôn luôn có một quá trình bồi đắp ngược từ thành thị về nông thôn cần phải có một cơ sở lý luận. Cơ sở ấy phải thỏa mãn đúng một cách phổ quát cho mọi quá trình vận động phát triển, mà sự phát triển nông thôn Việt nam trong giai đoạn hiện tại chỉ là trường hợp riêng.
Vì vậy, chúng tôi tìm về học thuyết Âm dương – Ngũ hành, để nghiên cứu căn cơ của vận động và phát triển. Hy vọng học thuyết ấy có thể cung cấp một cách nhìn khác so với các phân tích hiện nay.
2.1.3 Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn theo Ngũ hành
Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sức lực cơ bản để dân tộc Việt nam tồn tại và đấu tranh được tích lũy từ nông thôn. Tất cả những gì chúng ta mang ra chống giặc, giữ nước đều lấy từ nông thôn (trừ giai đoạn kháng chiến 30 năm chống Pháp và chống Mỹ là có sự viện trợ quốc tế). Nông thôn đã tích lũy tất cả các giá trị vật chất và tinh thần cho dân tộc ta trong cuộc đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước ngàn năm.
Cái làng hình tròn trong nông thôn xưa là thuộc hành KIM. Bây giờ nông thôn đã bị cấu trúc xương cá dọc trục giao thông làm biến dạng. Cấu trúc ấy không phù hợp cho sự tích lũy. Cấu trúc ấy chỉ phù hợp cho hành THỦY và hành HỎA. Hành Thủy thì thu vào sau đó tản ra ngay mà không có chế biến. Hành Hỏa thì lúc nào cũng bừng bừng như ngọn lửa, khi hết năng lượng thì trở thành tro tàn nguội lạnh.
Như trên đã phân tích nguồn lực mà nông thôn ngày nay tích lũy được thì phần lớn chảy ngay ra thành thị. Nguồn nhân lực sung mãn nhất không có điều kiện ở lại để xây dựng nông thôn, họ cũng không có điều kiện để tích lũy được thật nhiều (tri thức và tiền của) ngay trong lòng nông thôn. Như lý thuyết Ngũ hành đã phân tích, nguồn gốc của mọi sự phát triển phải là tích KIM. Muốn nông thôn có thể tích KIM được cần phải làm những việc sau:
a. Qui hoạch không gian hình dạng
Theo Ngũ hành thì hình xương cá không phải là hình thể thuận lợi cho việc tu tích. Phải qui hoạch lại các cụm dân cư nông thôn theo dạng hình tròn hoặc gần tròn. Mô hình mẫu về làng mới có thể như sau. Giữa làng là một quảng trường, có các công trình văn hóa, tâm linh, có trụ sở internet, có thể thao,… Xung quanh quảng trường là nhà dân và UBND, các cơ quan chính quyền, các cơ sở thương mại. Xa hơn nữa là trường học, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các cơ sở chế biến nông sản, ngoài cùng là cánh đồng. Một mẫu làng hình tròn như vậy để đảm bảo cho việc tích Kim vật thể và tích Kim phi vật thể. Việc qui hoạch nông thôn thành nhiều cụm hình tròn phải được tính toán kỹ càng, để các vòng xoáy chuyển động của các dòng vật chất và thông tin chậm lại trong phần trung tâm, sao cho các dòng ấy có cơ hội tích lắng.
b.Tích Kim từ qui mô nhỏ
Biến đổi một khu dân cư từ dạng xương cá thành dạng tròn không dễ dàng, vì vấn đề sở hữu đất đai, vì quĩ đất có hạn. Cho nên phải qui hoạch các mẫu làng kiểu mới từ qui mô rất nhỏ. Mỗi tỉnh chỉ nên chọn một vùng thuận tiện để qui hoạch một đô thị nông thôn cỡ 1000 dân, trên qui mô vài hecta. Cụm dân cư làng mới có thể được chọn từ những miền đất không phải là cánh đồng. Trong vùng mới này nhất thiết phải chọn các cán bộ mới, trẻ, có năng lực, có tâm huyết làm cốt lõi. Sau khi qui hoạch vùng thì chỉ lựa chọn những cư dân có tay nghề cao về sinh sống. Họ vừa làm nghề nông, nhưng lại vừa xây dựng văn hóa của khu mới, họ có thể làm thêm các nghề thủ công khác nữa. Cũng có thể lấy một công nghệ mới làm trung tâm cho vùng đó. Ví dụ nghề trồng hoa lan, trồng rau sạch, hoặc chế biến đồ hộp cho các siêu thị. Dần dần khi mô hình đó được thử thách, được bổ sung điều chỉnh, thì mở rộng ra thành nhiều làng mới trong tỉnh, trong nước.
c.Gạt bỏ cản trở xã hội
Tỉnh Phú Yên có chính sách đãi ngộ trí thức về tỉnh công tác. Chính sách đó không thu hút được nhiều nhân tài, mặc dù rất cởi mở. Vì khi các trí thức về tỉnh bị xếp đan xen vào hệ thống tầng tầng lớp lớp cán bộ cũ. Cái cũ đã làm hòa tan cái mới. Cán bộ mới không trở thành các nhân tinh thể (crystal) khởi mần cho tich KIM (Crystal Growing). Cán bộ mới không phát huy tác dụng, họ chán nản. Cho nên khi xây dựng mô hình tích KIM mới, thì phải tạo điều kiện để các cán bộ có tâm và tài tự nguyện về làng và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của họ. Điều đó có nghĩa là trong làng mới, “đô thị làng” thì hệ thống cán bộ phải hoàn toàn mới, được tuyển chọn cẩn thận. Làng mới đó không qua cấp hành chính trung gian, mà phải trực thuộc thẳng cấp tỉnh.
d.Dân chủ theo làng cổ
Làng cổ có hội đồng làng xã, gồm các vị đương chức, các vị cao niên, các hưu trí, các trí thức. Các quyết sách của làng được thảo luận dân chủ ở đình làng. Đó chính là tinh hoa văn hóa làng của dân tộc ta. Ngày nay chúng ta đang xây dựng dân chủ cở sở. Tuy chúng ta có nhiều nỗ lực phát huy dân chủ cơ sở, nhưng dân chủ cở sở ngày nay vẫn bị các dòng họ lớn trong làng thao túng. Vì vậy, trong làng mới cần phát huy cao độ dân chủ ngay từ lúc lập mới, phải có chính sách đặc biệt cho làng mới để dân chủ không bị bóp méo. Chế độ bầu cử phải là phổ thông tuyệt đối và trực tiếp. Dần dần các tác phong dân chủ đó lan rộng ra các làng xương cá khác. Dân chủ trong làng mới sẽ là tấm gương để cải tạo dần các hủ tục trong nông thôn hiện nay, nâng dần dân trí và mức độ dân chủ trong toàn xã hội.
e.Tích Kim công nghệ cho nông thôn
Theo lý thuyết Ngũ hành, việc tích lũy hành KIM chủ yếu là tích lũy các giá trị phi vật thể. Trong giai đoạn trước mắt, Kim phi vật thể là công nghệ. Nông thôn muốn phát triển không chỉ dựa vào cây lúa và con lợn. Muốn có các sản phẩm khác, phải có các giá trị công nghệ và tri thức mới. Ví dụ kinh nghiệm nuôi ba ba, nuôi tôm, trồng hoa phong lan, trồng rau sạch, làm gốm, nấu thép, làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ xuất khẩu…Tuy vậy, các giá trị công nghệ đến được tay nông dân là một việc khó khăn. Để công nghệ được phổ biến rộng rãi phải có một quĩ công nghệ ở cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập hợp thành cơ sở dữ liệu, thành các băng hình, các hồ sơ công nghệ chi tiết. Nhà nước bỏ tiền ra mua công nghệ đó, rồi bán rẻ lại cho nông dân theo giá giảm dần. Khi các làng mới được thành lập, thì nhất thiết phải là một làng không thuần nông, phải là một làng công nghệ, thậm chí trồng lúa và nuôi lợn cũng phải ứng dụng công nghệ cao. Trong làng phải có ít nhất một vài gia đình (hoặc liên hộ) hoạt động công nghệ theo hình thức doanh nghiệp, để triển khai công nghệ mới. Các làng mới trong cả nước phải được nối mạng với nhau để trao đổi công nghệ, trao đổi thông tin nghề nghiệp, và thương mại.
Quĩ công nghệ nông nghiệp là một hình thức tích Kim ở qui mô quốc gia. Quĩ quốc gia này cỡ 1000 tỉ đồng. Nhà nước bỏ ra số tiền ban đầu ấy, mua lại của các nhà khoa học, của những người nông dân làm ăn giỏi, thậm chí của nông dân nước ngoài như Thái Lan, Trung quốc... Nhưng để tạo điều kiện cho công nghệ đến tay người nông dân, còn phải có đối tượng tiếp thu. Do đó trong các làng mới cần có trường nghề. Trường nghề là khâu quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ. Nếu mỗi tỉnh có một làng mới (hình tròn, tích Kim), mỗi làng mới có một trường nghề qui mô nhỏ, thì chúng ta sẽ có trong tay 64 trường dạy nghề qui chuẩn. Các trường nghề đó dạy cho thanh niên (có thể cả người lớn nữa) các công nghệ thích hợp với đặc điểm từng vùng miền. Các trường nghề chỉ dạy thực hành, liên tục mở theo yêu cầu, nặng về thực tế mà không chú trọng bằng cấp. Tính năng động của trường nghề cấp “đô thị làng” phải đạt mức linh động như các trung tâm ngoại ngữ hiện nay. Tuy vậy bằng cấp mà trường đó phát ra phải có nhiều chủng loại. Nếu bạn chỉ học qua vài tuần để biết hàn, tiện, trồng hoa, nuôi cá,… thì được cấp giấy chứng chỉ. Nếu bạn làm luận án tốt nghiệp trên cơ sở các dự án thực tế để mở mang doanh nghiệp nông thôn thì được cấp bằng tốt nghiệp trường nghề cấp quốc gia. Cao hơn nữa bạn có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới qui mô quốc gia, bằng cách liên kết với các hệ thống Trường và Viện nghiên cứu trong cả nước.
Các trường nghề trong “đô thị làng” chính là một hình thức tích Kim phi vật thể cho nông thôn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nó sẽ thay thế các trường làng xưa của các cụ đồ nho và các vị sỹ phu.
Ngoài ra, việc tích KIM công nghệ cho “đô thị làng” còn phải kể đến internet. Mỗi đô thị làng phải là một trung tâm internet. Internet phải được bảo trì và nâng cấp thường xuyên, để nó thực sự là nơi cung cấp thông tin công nghệ nhanh và đầy đủ nhất cho chính “đô thị làng” đó và các vùng nông thôn phụ cận.
Các “đô thị làng“ là nơi mà chúng ta có thể bỏ dần một hoặc hai chữ nông trong tam nông, thay vì “nông thôn, nông nghiệp và nông dân” sẽ là “nông thôn, công nghiệp và trí thức áo nâu”. Phép xây dựng các “đô thị làng” chính là tích Kim để đô thị hóa nông thôn. Trong một hai năm đầu chúng ta có 64 “đô thị làng” nhưng sau 4-5 năm thì con số đó sẽ trở thành hàng ngàn.
f.Tích Kim tự phát trong nông nghiệp và nông thôn
Phần trên đã trình bày một số ý tưởng về tích Kim trong nông nghiệp và nông thôn. Các ý tưởng đó có thể được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chắc chắn phải qua rất nhiều thảo luận. Vì các ý tưởng đó đều mang mầu sắc ý chí chủ quan. Tuy vậy thực tế cuộc sống rất sinh động, nhiều khi chưa cần qui hoạch của chính phủ, thì trong nông thôn đã có các hình thức tích Kim tự phát rất thành công. Ví dụ công trình tích Kim các làng nghề cổ truyền trong khu vực Mạo Khê do Bà chủ Gốm sứ Nguyễn Thị Vinh khởi xướng. Cách đây 10 năm bà thuê một khu đất lớn trên cung đường Hà nội – Hạ long. Tại đó bà xây dựng các khu làng nghề, rồi mời các nghệ nhân làng nghề gốm Bát tràng, lụa Hà Đông, mây tre đan đến tập trung làm việc và giao thương tại đó. Bây giờ thêm Internet và các dịch vụ xuất nhập khẩu trực tiếp khu bảo tồn làng nghề Mạo Khê đã phát triển nhanh chóng và tạo một đầu ra xuất khẩu lớn không chỉ cho làng gốm mà còn nhiều làng nghề thủ công khác.
Các phố cổ Hà nội, mang tên Hàng Bút, Hàng Đồng, Hàng Lọng,… đều là các ví dụ về tích Kim tự phát. Sự phát triển của các phố Hàng đó bền vững vài trăm năm. Chỉ từ sau khi nước ta bị Pháp xâm lược thì các phố Hàng mới lụi dần.
Tuy vậy sự tích Kim tự phát thiếu qui hoạch sẽ gây tình trạng quá nóng. Ví dụ phong trào nuôi tôm, nuôi cá lồng là những ví dụ về tích Kim quá nóng. Sự tích tụ mật độ quá lớn nên gây mất cân bằng sinh thái và dẫn đến nhiều hậu quả xấu về môi trường, về sản phẩm đầu ra,…
Vì vậy, ở qui mô quốc gia cần phải có qui hoạch tích Kim cho nông thôn theo hướng tập trung những thành tựu cao nhất về quản lý đô thị, về qui hoạch nghề, về giáo dục, văn hóa, chuyển giao công nghệ… để các đô thị làng thực sự trở thành vùng tích Kim kiểu mẫu bền vững.
g.Tản Thủy, Sinh Mộc và Hoàn thiện Hỏa
Các phần trên tập trung nghiên cứu vấn đề tích Kim cho nông thôn. Một khi đã có các “đô thị làng” hành Kim thì sự vận động của các vòng Ngũ hành sẽ dần dần đi vào quĩ đạo tự nhiên. Nông thôn sẽ dần dần đổi mới. Tuy vậy, trong thời gian hình thành nhân tố mới, (các đô thị làng) thì còn rất nhiều vấn đề riêng lẻ trong khu vực kinh tế xã hội ở thôn thôn cần phải giải quyết. Khi giải quyết các vấn đề đó cần ứng dụng các nguyên lý vận động Ngũ hành để đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân, và dự báo hướng phát triển. Cuối cùng vẫn phải đặt các vấn đề riêng biệt đó vào bối cảnh chung của cả vòng Ngũ hành rộng hơn, bao trùm hơn. Chẳng hạn, vấn đề chế biến sau thu hoạch. Đây là vấn đề tích Kim ở qui mô nhỏ, qui mô các nghiên cứu triển khai. Phải làm chủ được các công nghệ sau thu hoạch. Có thể được giải quyết bằng Quĩ công nghệ, cũng có thể được giải quyết bằng các đề tài nghiên cứu độc lập. Vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, thương mại hóa sản phẩm ở qui mô khu vực hoặc quốc tế chính là bài toán hoàn thiện hành Hỏa. Chẳng hạn, một sản phẩm tiềm năng như “nước mắm Phú Quốc”, nếu xét theo Ngũ hành, thì đương trong quá trình vận hành qua hành Hỏa, cần phải hoàn thiện về mọi mặt để nó giữ vững thương hiệu. Giống lúa lai “bất dục đực trên cơ sở thời gian cảm quang thay đổi” đã được sinh thành do tích Kim bền bỉ của các nhà nghiên cứu giống, nay đã đi vào hành Mộc, cần phải có chiến lược để thúc đẩy nó nhân rộng. Điều đó chính là đưa giống lúa lai mới ấy vào hành Hỏa, phải cấp đủ năng lượng để duy trì Hỏa của giống lai, bằng một hệ thống chính sách,… Tóm lại dưới quan điểm mọi vận động đều theo ngũ hành, chúng ta có thể phân tích, đánh giá, lường trước các động thái, để ý chí chủ quan không đi ngược lại qui trình vận động tự nhiên. Bằng cách đó chúng ta có thể tìm ra hệ thống chính sách cho sự phát triển nông thôn.
2.1.4.Kết luận về Ngũ hành trong nông nghiệp
Điểm xuất phát của chúng tôi trong nghiên cứu này là cái nhìn lịch sử. Làng hình tròn ngày xưa, nơi tích tụ và hun đúc các giá trị vật chất và phi vật chất cốt lõi nhất của nước Việt đang bị thay dần bởi các phố quê hình xương cá. Theo Ngũ hành thì làng hình tròn thuộc hành KIM, còn làng xương cá thuộc hành THỦY. Hành thủy sẽ vắt kiệt quệ tiềm lực của nông thôn ra thành thị. Vậy phải tích Kim chủ động cho nông thôn bằng những nỗ lực tập trung của Chính phủ. Cụ thể:
-Xây dựng các “đô thị làng” để đô thị hóa nông thôn từ các làng hành KIM nhỏ, mới, tích tụ công nghệ chính là giải pháp hiệu quả nhất, chủ động nhất.
-Xây dựng Quĩ Công nghệ quốc gia cho nông thôn,
-Xây dựng các trường nghề đặc biệt cho nông thôn.
-Liên kết công tác qui hoạch chiến lược giữa các bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục dạy nghề, Đoàn Thanh niên CS HCM, các UBND Tỉnh để xây dựng một chính sách nhất quán tạo đường ray và hành lang pháp lý cho sự tích Kim đô thị làng.
2.2. Các vấn đề giáo dục hiện đại
2.2.1.Phác họa về thực trạng giáo dục
Trong thời gian qua Giáo dục Việt nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Từ chỗ là một dân tộc mất nước và đa phần mù chữ, nay nước ta là một nước có độ phổ cập chữ viết vào mức cao. Nhiều người Việt nam có những công trình khoa học đạt tầm thế giới. Tuy vậy, nước ta chưa phải là một nước có nền kinh tế tri thức. Theo định nghĩa thông thường, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà sản phẩm của nó tạo ra chứa đựng hàm lượng tri thức cao. Để đánh giá chất lượng giáo dục phải đánh giá được lượng tri thức có trong các sản phẩm mà nền kinh tế đang tạo ra.
Trước hết, chúng ta hãy xem xét các nhóm sản phẩm chính của nền kinh tế hiện nay, các nhóm sản phẩm đóng góp vào sự ổn định kinh tế và xuất khẩu:
-Nhóm sản phẩm nông nghiệp:
Nước ta xuất khẩu gạo vào hạng nhì thế giới, nhưng lượng tri thức nằm trong hạt gạo xuất khẩu chỉ chiếm phần nhỏ ở khâu giống lai, và một ít máy móc chế biến. Còn lại hạt gạo vẫn được sản xuất ra từ các loại hình lao động thủ công đòi hỏi lao động phổ thông là chính. Các sản phẩm nông nghiệp khác khác như cao su, cà phê, hạt tiêu, hải sản, đồ mỹ nghệ mây tre, đồ gỗ cũng chứa hàm lượng tri thức thấp.
-Nhóm sản phẩm công nghiệp:
Tương tự như các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như dệt may, da giầy, cáp điện cũng ở mức hàm lượng tri thức thấp. Các sản phẩm cao cấp như đồ gia dụng, điện tử, cơ khí cũng vậy, chủ yếu là nhập khẩu công nghệ cũ. Một vài khu công nghiệp có đầu tư 100% vốn ngoại có sản phẩm rất cao cấp, nhưng chỉ thuê lao động ấn nút là chính.
-Nhóm sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm văn hóa giải trí:
Các sản phẩm công nghệ cao gần như chúng ta đang phải nhập khẩu, chúng cũng ít có các sản phẩm văn hóa và giải trí đạt trình độ xuất khẩu.
Do vậy có thể nói nước ta còn lâu mới được gọi là nền kinh tế tri thức. Thực vậy, chúng ta đang còn phấn đấu lâu dài để công nghiệp hóa cơ mà. Khoảng cách tụt hậu so với các nước khác ngày càng tăng. Như vậy có thể nói chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp.
Rút ngắn lại khoảng cách tụt hậu, vươn tới nền kinh tế tri thức là nhiệm vụ của giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Tức là, Giáo dục và Đào tạo phải có nhiệm vụ làm cho người dân đủ kiến thức để lao động ngày càng sáng tạo hơn, làm ra các sản phẩm ngày càng khó hơn, ngày càng tinh xảo hơn.
Nhưng xã hội ngày một cạnh tranh mạnh hơn, cạnh tranh ở qui mô toàn cầu nữa. Vì vậy giáo dục không những chỉ dạy cho người ta lao động sáng tạo, mà còn dạy cho người ta biết đoàn kết trong lao động, cũng như đã từng đoàn kết trong đấu tranh giữ nước. Do vậy, nhiệm vụ thứ hai của giáo dục là bồi đắp nhân cách để lao động trong hợp tác và thương yêu con người.
Xét hai nhiệm vụ mang tính chiến lược đó, thì hiện trạng giáo dục của nước ta còn rất nhiều bất cập. Ví dụ chương trình sách giáo khoa thay đổi liên tục, ngày càng phức tạp hơn, càng nặng nề hơn, máy móc hơn, đang đi ngược lại xu hướng nâng cao khả năng sáng tạo. Phong trào dạy thêm, học thêm đã đến mức độ ào ào như sôi. Điều đó ngày càng làm giảm khả năng hợp tác của thanh niên, nâng cao tính ích kỷ cá nhân, mà lại làm giảm lòng yêu thương con người.
Chỉ xét hai nét phác họa ấy, sách giáo khoa và dạy thêm, chúng ta thấy thực trạng giáo dục đang còn rất xa mục tiêu chiến lược thực sự của giáo dục. Còn các vấn đề khác như bệnh thành tích, bệnh gian lận thi cử, đạo đức người thầy suy giảm,… chỉ là các biểu hiện bên ngoài tất yếu của xu hướng rời xa tiêu chiến lược mà thôi.
Để tìm phương thuốc cho giáo dục chúng ta phải xây dựng một cơ sở lý luận về nhận biết, đánh giá và dự báo tiến trình phát triển hay tiến trình vận động. Vì giáo dục cũng như mọi vấn đề xã hội và tự nhiên khác đều luôn luôn vận động. Trong nghiên cứu này trước hết chúng tôi lùi xa vào quá khứ của khoa học nhận biết, tóm tắt khoa học nhận biết đó thành một công cụ tư duy và phân tích. Sau đó, dùng công cụ ấy để xem xét vấn đề giáo dục của nước ta. Cuối cùng đề xuất một vài ý kiến nhỏ để sửa chữa những khúc mắc trong giáo dục hiện nay.
2.2.2.Bài toán giáo dục Việt nam
Vận dụng lý thuyết Ngũ Hành, chúng ta xét ngay vào biểu tượng chung nhất của giáo dục, đó là trường học, lá phổi của mọi xã hội. Trường học dưới mọi hình thức không thể thiếu được các yếu tố sau: sách, bút (trang thiết bị giáo dục nói chung), thầy và trò. Trò đến trường để tiếp thu, tức là đến trường để tích Kim. Sách, bút, thầy là công cụ phục vụ cho hành vi tiếp thu, hay phục vụ cho tích Kim. Hiện nay, có thể nói công cụ phục vụ cho hành vi tích Kim của trò không hoàn toàn tương xứng với nhu cầu thực tế, có nhiều biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Sách thì lạc hậu, rườm rà, vừa thừa khối lượng kiến thức lại vừa thiếu dòng chảy logic. Bút (trang thiết bị giáo dục) cũng trong thái bất cập như sách. Người ta còn lợi dụng việc sản xuất sách và bút vì nhiều mục đích rất cá nhân. Và một bộ phận không nhỏ thầy thì bị tụt hậu cả về kiền thức lẫn tư cách. Những yếu kém về sách, bút và thầy kể trên là cản trở lớn nhất làm cho giáo dục không thực hiện tốt được nhiệm vụ chiến lược của ngành là “đào tạo ra những con người lao động sáng tạo, biết hợp tác và thương yêu con người”.
Mặt khác, nếu coi nhà trường là cơ sở để học trò đến đó thực hiện hành vi tích Kim, thì nhà trường còn tồn đọng nhiều vấn đề nan giải. Trường học xưa của Khổng tử, nhiều khi chỉ là một mái tranh, một gốc cây, thậm chí có khi là một bãi trống trên con đường thiên lý. Thầy trò Khổng tử vừa lưu hành vừa học. Họ học ngay trong thực tế, họ quan sát và luận giải các bài toán có thực trong đời sống. Họ đến trường của Khổng tử vì bị hấp dẫn bởi nhân cách và trí tuệ của Ông, lại bị thôi thúc bởi lòng ham hiểu biết của con tâm mình nữa. Trường học ngày nay khang trang hơn rất nhiều nhưng hai yếu tố lực hấp dẫn từ nhà trường và lòng thôi thúc từ nội tâm rất phân tán.
Cho nên, muốn tìm lối ra cho bài toán giáo dục Việt nam, cần làm thay đổi mạnh trong nhận thức của cả người học và người dạy. Dưới đây là vài ý kiến về ứng dụng Ngũ hành trong Giáo dục:
a.Xây dựng trường thành cơ sở tích Kim
Đa phần các trẻ nhỏ đi mẫu giáo rất háo hức. Đến trường chúng ăn hết bát cơm to mà không bị mẹ vừa bón vừa mắng. Vì trong trường mẫu giáo chúng được vui đùa, được khám phá thế giới và được yêu thương. Ba yếu tố đó, (chất lượng/số lượng của niềm vui học tập, sự khám phá thế giới và được yêu thương), giảm dần trong các trường cấp I, cấp II, cấp III. Thậm chí ở Đại học, chỉ còn một số lượng nhỏ sinh viên ham khám phá.
Thiếu ba yếu tố đó người ta không tích Kim được, đặc biệt khi còn nhỏ khi mà hành vi tích Kim chưa mang tính tự ý thức.
Vì vậy, muốn xây dựng trường thành cơ sở tích Kim cần thiết phải xây dựng từ nền tảng ba yếu tố đó.
-Niềm vui học tập
Về kiến trúc, phải xây dựng trường học có đủ chỗ học và chỗ chơi, có vườn rộng, sân thể thao, bể bơi, thư viện,... Nhưng chúng ta còn nghèo nên sẽ xây dựng từ từ. Trong 20-50 năm nữa sẽ dần dần xây dựng xong các trường, có đủ chỗ học và chỗ chơi, trong phạm vi cả nước. Hiện nay, nên bắt đầu xây dựng một số trường điểm ở các tỉnh lân cận Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì trong trung tâm hết đất. Mà hơn nữa cần xây dựng các trường điểm đó trong kh vực nông thôn, để góp phần tích Kim cho nông thôn (4).
Về sách, thì phải biên soạn sao cho đọc sách là một niềm vui, đọc sách mà như chơi trong khu vườn tri thức. Do đó, cần tổ chức biện soạn dần dần lại một số sách giáo khoa. Gần đây nhà nước tốn rất nhiều tiền biên soạn sách giáo khoa mới, nhưng các sách mới đó rất rườm rà, rất khô khan và rất khó nữa. Nhà nước chỉ cần ra một khung sườn chung về chương trình sách giáo khoa, ai có tài cứ biên soạn, cuối cùng chính người dùng sẽ là người lựa chọn chính xác nhất về sách giáo khoa, chứ không phải chỉ có hội đồng Giáo sư lựa chọn.
Về thi, thì phải cải cách triệt để. Nếu thi để làm quan như xưa, mỗi kỳ thi chỉ lấy một trạng nguyên, vài chục vị tiến sỹ, vài trăm cử nhân, thì có thể giữ cung cách thi như hiện nay. Nhưng để tích Kim thì không nhất thiết phải tổ chức các kỳ thi mang tính quốc gia, đồng thời trên cả nước. Học trò có thể thi bất cứ lúc nào, chỉ cần đăng ký trước để nhà trường khỏi bị động. Có thể thi đi thi lại bao nhiêu lần cũng được, miễn là anh trả lời được các câu hỏi thi. Như vậy, người giỏi có thể học nhanh thì được thi sớm, người kém phải học chậm thì thi muộn, và có thể thi nhiều lần. Kết quả sẽ giống nhau vì anh cùng tích được một khối lượng kiến thức tương đương nhất định. Nếu tổ chức thi như vậy thì hai căn bệnh (bệnh thành tích và bệnh gian lận thi cử) sẽ dần dần giảm đi. Thi như vậy chính là đảm bảo niềm vui trong học tập.
-Khám phá thế giới
Học chính là quá trình khám phá thế giới xung quanh. Khẩu hiệu học suốt đời cũng chỉ nhằm khám phá mãi mãi, nhất là khi thế giới xung quanh ta thay đổi ngày càng nhanh, càng mạnh. Khám phá thế giới cũng chính là các bài học về sáng tạo. Giáo trình, hay sách giáo khoa phải được biên soạn theo hành trình khám phá cái chưa biết, hành trình mà tổ tiên đã tìm ra tri thức. Bài thi tốt nghiệp của các lớp từ cấp III trở lên nên được gắn chặt với thực tế. Ví dụ một học trò biết dùng kiến thức tổng hợp làm một bài tập lớn trong quá trình khám phá sự thay đổi của dòng chảy sông Tô Lịch chẳng hạn, thì bài tập lớn đó đáng giá một bài tốt nghiệp, còn hơn cả các điểm 10 về văn, toán, vật lý, địa lý, lịch sử và sinh học. Vì khi làm bài tập lớn đó em đã sử dụng kiến thức tổng hợp của các môn kia.
Khám phá thế giới phải gắn chặt với toàn bộ quá trình học tập từ nhỏ (mẫu giáo) cho đến tận đại học. Điều đó không chỉ buộc người ta phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, cách học, cách dạy, mà còn giúp người ta học cách tư duy sáng tạo nữa.
-Yêu thương
Nhà trường có cần phải dạy người ta yêu thương và hợp tác hay không? Hãy xét ví dụ cổ về hai học trò của Quỉ Cốc Tiên Sinh là Tôn Tẫn và Bàng Quyên. Có lẽ Quỉ Cốc Tiên Sinh chỉ dạy họ binh pháp mà không dạy họ phải yêu thương nhau như huynh đệ chăng. Trên thực tế họ dùng toàn bộ tài năng quân sự đã học được để tranh đấu với nhau. Cuối cùng, Tôn Tẫn giàu lòng yêu thương hơn nên thắng, mặc dù tài năng của hai người được xem là tương đương. Bao nhiêu thăng trầm đã qua từ hồi đó. Nếu họ yêu thương nhau thì có khi cuộc chiến tương tàn đã không xảy ra và lịch sử nước Tầu đã khác bây giờ nhiều lắm. Từ ví dụ đó chúng tôi quả quyết trong nhà trường phải dạy người ta biết thương yêu nhau. Học để thương yêu và thương yêu mới học được. Thực vậy, lý thuyết Ngũ hành đã chỉ ra rằng mọi sự tích Kim đều bắt đầu từ “tâm”. Nếu con tâm đố kỵ, ghen ghét, ác độc thì sự tích Kim được rất ít, đặc biệt chỉ tích Kim được một khía cạnh (tài hoặc tiền chẳng hạn). Lẽ ra phải xem môn học “yêu thương” là môn quan trọng nhất trong nhà trường, nhưng hiện nay không có một giáo trình nào về môn đó. Tuy vậy, chúng ta chỉ có thể sửa chữa khiếm khuyết này một cách từ từ, không thể làm bằng cách đảo lộn. Chính phép cho thi đi thi lại nhiều lần là phép dạy học trên nguyên lý yêu thương. Vì một người năng lực kém hơn, không nên được thi trong cùng điều kiện với người năng lực dồi dào. Phép thi cử hiện nay chính là cách đua ngựa kiểu Điền Kỵ nước Tề xưa.
Thỏa mãn 3 điều kiện trên chúng ta đã có thể xem như là đã xây dựng nhà trường thành cơ sở tích Kim của xã hội.
b. Cá nhân tích Kim, hoạt động trung tâm của nhà trường
Theo chương trình hiện nay, một học trò phải học 12 năm phổ thông và 5 năm đại học. Như vậy họ có 17 năm ngồi trên ghế nhà trường để tích Kim. Trong những năm đầu đời, họ chưa ý thức được sự cần thiết của hành vi tích Kim, nhà trường cần phải có kỷ luật cao và học phí thấp, nhằm giúp họ biết cách tích Kim. Từ khoảng cấp III thì học phí và sự tự do có thể tăng dần. Điều đó cho phép một người nghèo có ít tiền, mà lại có quyết tâm lớn có thể học xong chương trình 3 năm trong 1 năm hoặc có thể nhanh hơn nữa. Đó chính là nguyên lý công bằng.
Như đã nói trong mục nghiên cứu về sự thở, cứ nơi nào có thu vào và tản ra thì sẽ có sinh mới. Nhịp điệu của thu vào và tản ra quyết định khả năng và tốc độ sinh mới. Nhịp điệu đều đặn, sâu, hơi nhanh cùng với cơ chế chọn lọc tốt sẽ quyết định sự sinh mới hiệu quả hơn những nhịp điệu thưa và nông. Do đó, để giúp cho cá nhân học trò tích Kim một cách hiệu quả cần đổi mới cách học và cách thi trong nhà trường. Thay vì, một nhịp điệu tản ra thưa được đánh dấu bởi kiểm tra giữa kỳ và cuối học kỳ thì chúng ta nên tổ chức các kỳ kiểm tra liên tục hàng tuần. Hơn nữa mỗi tháng phải tổ chức các buổi trình bày trước lớp nữa. Đó chính là các cuộc thi vấn đáp.
Cuối mỗi năm, kết quả học tập được đánh giá bằng hai cách: các bài thi kiểu truyền thống và các bài thi về kết quả sáng tạo. Bài thi sáng tạo là mỗi học trò phải tìm hiểu các vấn đề thực tế và đề xuất cách giải quyết của riêng mình. Học trò nào có bài thi sáng tạo tốt thì được đánh giá bằng hệ số 3 hoặc 4 so với các bài thi bình thường. Như vậy có thể đánh giá sức học của học trò bằng hành Mộc. Học trò nào có khả năng sinh Mộc tốt có thể thẳng tiến mà tốt nghiệp sớm. Giáo dục và đào tạo theo cách này có thể giải quyết nhanh về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế hiện nay.
Đánh giá sức học bằng khả năng sinh hành Mộc còn là công cụ tốt để thúc đẩy sự tự học trong học sinh và sinh viên. Theo đó chúng ta có thể tìm thấy những nhân tài nhỏ tuổi như Nguyễn Hiền hoặc Lương Thế Vinh.
Cuộc đời của mỗi con người thực chất là một quá trình tích Kim liên tục. Ở qui mô vật thể đó là sự thở (để duy trì sức sống nội tại), và sự tích Kim tiền (để sinh sống hàng ngày). Ở qui mô phi vật thể đó là sự tích tụ tri thức và nhân cách. Có người tích Kim nhanh và toàn diện, có người tích chậm và không toàn diện. Học và thi như hiện nay không cho phép phân lập các cá nhân theo khả năng tích Kim. Cho nên chỉ cần thay đổi cách thi, cách học, chúng ta sẽ làm phát lộ nhiều nhân tài.
c.Người thầy, vấn đề sống còn của nền giáo dục
Dân tộc nào có những bậc thầy lớn thì dân tộc đó chóng lớn mạnh. Một số lý thuyết giáo dục mới coi học trò như là trung tâm của nhà trường. Nhưng lý thuyết giáo dục nào cũng không phủ nhận được vai trò người thầy. Người thầy đóng vai trò kép, đối với học trò ông ta phải là tấm gương tích Kim, đối với gia đình ông là người lao động. Do đó ông cần có lương, nhất là trong giai đoạn hiện nay ông phải có lương cao hơn những nghề nghiệp khác nữa. Nếu ông chỉ có ba cọc ba đồng thì ông dễ có nguy cơ áp dụng các biện pháp phi nhân cách để có thêm tiền (chẳng hạn nhận phong bì để nâng điểm). Nhiều người lầm lẫn giữa tính thị trường của giáo dục và lương của thầy giáo. Ngay cả khi thị trường đã phát huy tối đa công năng của nó thì vẫn có những thầy nghèo vì không phải là thầy giỏi. Thầy muốn giầu thì phải giỏi.
Ngày nay có nhiều vị mang hàm Giáo Sư mà không giỏi (lắm!), vì không có cơ chế để học trò được tự do theo học những giáo sư thực sự giỏi.
Do vậy muốn cải cách vấn đề tiền lương của người thầy chúng ta phải thay đổi triệt để cách tổ chức nhà trường. Thầy có quyền tự do luân chuyển và đến dạy ở bất kỳ trường nào phù hợp với hoàn cảnh của mình, học trò có quyền tự do xin học với các thầy giỏi. Thậm chí học trò có thể chỉ học ở lớp tư của một thầy giỏi nào đó, không nhất thiết phải đến trường, miễn là học trò ấy thi đạt kết quả. Sự tự do luân chuyển đó chính là nguyên lý lựa chọn tối ưu của quá trình tích Kim. Các học trò giỏi xưa thường theo học các Ông Nghè danh tiếng là ví dụ của nguyên lý tích Kim lựa chọn tối ưu đó.
Nếu cải cách như vậy thì chúng ta có thể giải quyết triệt để vấn đề học phí và tiền lương giáo viên, mà chi phí ngân sách cho giáo dục ở qui mô quốc gia sẽ tiết kiệm. Và cũng chính phép tự do luân chuyển đó sẽ giúp cho các bậc thầy vĩ đại xuất hiện.
d. Ngũ Hành và một Đại học mới
Trong tài liệu này chúng ta đã bàn về một số biện pháp tích Kim. Tích Kim cá nhân lấy trọng tâm là tích Kim phi vật thể để xây dựng nhân cách. Tích Kim Doanh nghiệp lấy trọng tâm là tích Kim công nghệ và nhân sự. Tích Kim vùng bằng cách tìm hiểu rõ các vòng Ngũ Hành của vùng, sau đó đề ra các biện pháp cụ thể, để tiệm cận đến tích Kim của vùng. Bây giờ chúng ta bàn về việc tích Kim qui mô lớn thông qua một Đại học mới.
Tích Kim qui mô lớn về một phương diện nào đó chính là tích Kim của cả nước. Cao hơn nữa là tích Kim hoàn cầu.
Xưa nay việc tích Kim ở qui mô toàn cầu bị các tiến trình lịch sử qui định. Vì thực tế các chính phủ có ý chí khác nhau, khó mà có thể thống nhất ý kiến giữa các chính phủ để tích Kim cho cả nhân loại.
Nhưng trong một nước thì chính phủ có thể hướng các hoạt động tích Kim cá nhân, tích Kim doanh nghiệp và tích Kim vùng theo một dòng chảy tương đối đẳng phương.
Nước Việt nam ta trong các giai đoạn kháng chiến chống quân Nguyên Mông là những lúc mà các dòng tích Kim chảy tương đối đẳng phương.
Hiện nay không như vậy. Nỗ lực của chính phủ là khởi sinh các vòng thuận, trong khi đó tham nhũng lại vận hành các dòng ngược. Hơn nữa, tham nhũng quyền lực mới là các dòng ngược mạnh mẽ.
Vậy nên, dưới đây trình bày một số ý tưởng về tích Kim qui mô lớn, qui mô quốc gia, đặng sao cho các dòng thuận dần lớn lên, lấn át dần các dòng chảy ngược.
Lịch sử tiến bộ của nhân loại chính là lịch sử của công nghệ hiểu theo nghĩa rộng, trong đó cách tổ chức xã hội cũng là công nghệ nữa. Nếu công nghệ tổ chức hoạt động xã hội không chặt chẽ, văn minh, thì các dòng chảy tích Kim cá nhân và tích Kim doanh nghiệp đơn lẻ sẽ hỗn loạn, không đẳng phương, có cơ hồ triệt huỷ nhau nữa.
Vì vậy tích Kim qui mô lớn gồm hai thành phần. Thành phần thứ nhất chú trọng đến việc tạo khuôn dòng, để cho các dòng ngược không nảy sinh được, không rẽ nhánh được. Đó là lập pháp phải khéo léo, hành pháp phải nghiêm minh. Thành phần thứ hai là tạo lập các dòng chủ đạo để cuốn hút các vòng Ngũ Hành nhỏ lẻ chạy theo xu thế chính.
Thành phần thứ nhất chúng ta đang nỗ lực ngày đêm, từ việc cải cách hành chính (chính phủ lo) đến tăng cường đưa pháp luật vào cuộc sống (quốc hội lo).
Thành phần thứ hai, tạo lập các dòng chủ đạo, chưa được chú trọng lắm. Thực vậy, trên bình diện quốc gia hiện nay không có một quá trình tích Kim nào mà toàn dân đều hăng hái tham gia. Người ta ào ào chơi cổ phiếu, không phải là tích Kim. Thanh niên nhiều người học hai ba bằng, sau giờ làm chong đèn học ngoại ngữ, nhưng đó chỉ là tích Kim cá nhân tự phát, mong muốn có một chỗ làm tốt hơn, chứ không phải để khởi tạo. Số lượng doanh nghiệp mới mở thì nhiều nhưng có đến 85% là thương mại chứ không phải là sản xuất. Các doanh nghiệp ấy không đi theo con đường phát triển bằng tích Kim công nghệ.... Ngoài ra, những người tham nhũng đang thực sự xâu xé Kim quốc gia giam hãm vào Thổ.
Mặt khác, Kim cơ bản của quốc gia là công nghệ thì đang chìm đắm trong Thổ. Thực vậy, ba cơ quan nắm giữ khối công nghệ lớn nhất của đất nước là Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt nam, Bộ giáo dục Đào tạo, lại phân tán và chia rẽ. Hiện tại, chưa có một định hướng nào nhằm tích luỹ năng lượng và vật chất thuộc ba cơ quan vào một đầu mối có thể tạo nên đột phá trong tích Kim quốc gia.
Từ các phân tích trên, chúng ta thấy phải tích Kim quốc gia bằng cách phát triển công nghệ một cách tập trung. Ngay từ bây giờ, phải thành lập một cơ sở công nghệ mạnh, vừa nghiên cứu khoa học và công nghệ, vừa giáo dục và đào tạo, để sau 10 năm nữa chúng ta có một đội ngũ những người quân tử có thể khởi tạo các vòng Ngũ hành. Trong cơ sở ấy, cá nhân phải rèn luyện ý chí và năng lực. Nhiệm vụ của họ là học tập để trở thành các tổng công trình sư, thành các nhà khởi tạo. Bài tập của họ là khởi tạo doanh nghiệp. Ý chí của họ là gánh việc nước bằng năng lực công nghệ.
Lịch sử chỉ ra rằng chỉ cần một cá nhân khởi tạo như Nguyễn Công Trứ thì dân mấy vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã được nhờ nhiều lắm rồi. Nếu cơ sở đào luyện các nhà khởi tạo “hành Kim” đó thuộc về quốc gia, thì cái lò quốc gia đào tạo nhân tài ấy xứng đáng được gọi là một “Đại học đẳng cấp quốc tế” theo kiểu Việt nam. Hay nói theo các cụ, đại học đẳng cấp quốc tế kiểu Việt nam trong thời đại mới chính là Quốc tử giám hiện đại. Nếu chúng ta lập được một cơ sở như vậy thì đó chính là món quà lớn cho Thăng Long Hà Nội ngàn năm tuổi.
Các nét chính của đại học đó như sau:
-Thầy phải là các nhà quân tử thứ thiệt về tâm đức và tài năng,
-Trò phải được tuyển là những tinh hoa ưu tú nhất trong thanh niên,
-Người tốt nghệp phải nói thông ít nhất một hai ngoại ngữ,
-Các môn học về nhân cách trước hết phải có là lịch sử, triết học, địa lý, văn chương,...
Những môn này bồi đắp Kim nhân cách. Người học có thể không bắt buộc phải theo lớp các môn này, nhưng phải làm tiểu luận về chúng, để tiết kiệm thời gian học. Đó là các môn bắt buộc, nhằm tạo lập cơ sở nhân cách cá nhân và ý chí mạnh mẽ. Các môn này phải được các bậc cao minh nhất giảng bằng tiếng Việt.
-Các môn về công nghệ phải bao gồm cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, đông dược học, điện tử học, điện lực, vật liệu học... Đó là các môn nền tảng công nghệ bắt buộc. Đó là các môn tạo cơ sở căn bản cho sáng tạo công nghệ và tích Kim công nghệ về sau. Đặc biệt, trong đó phải dậy kỹ và học kỹ môn vẽ kỹ thuật, vì nó làm nền tảng của tư duy trừu tượng sau này. Các môn này có thể được dạy bằng tiếng nước ngoài, bởi giáo sư Việt hoặc giáo sư nước ngoài.
-Các chuyên đề: sau khi học cơ bản, người học có thể tự mình đề xuất các đề tài nghiên cứu, ngay từ năm đầu hoặc năm thứ hai. Tuỳ mức độ hòan thành chuyên đề có thể tốt nghiệp sớm. Mức độ hoàn thành chuyên đề thể hiện mức độ sáng tạo.
-Số lượng năm học có thể chỉ là 2-3 năm đối với các cá nhân xuất sắc. Vì họ có thể tự học. Không nhất thiết là 5 năm.
-Trường Đại học này phải thực sự là cơ quan nghiên cứu, dạy để nghiên cứu, mà học cũng để nghiên cứu nữa. Cả thầy và trò đều phải trực tiếp nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu ưu tiên nhất phải thuộc về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt nam. Mọi sinh viên chỉ được tốt nghiệp khi hòan thành đề tài nghiên cứu thực tế. Họ phải có khả năng phát hiện đề tài, phải sáng tạo cách giải quyết. Đó chính là tích Kim công nghệ. Họ phải thâm nhập sâu vào thực tế đời sống để tìm kiếm đề tài nghiên cứu.
-Những năm đầu chỉ cần tuyển khoảng 100-200 sinh viên. Họ phải là những sinh viên tốt nhất nước. Sau này, khi trường đã lớn mạnh thì tăng lượng tuyển.
-Về cơ sở vật chất, chính phủ có thể dùng vốn ngân sách để khởi tạo Kim cho Đại học này. Trong quá trình phát triển, nó phải dần dần đảm đương các nhiệm vụ lớn lao hơn, thực hiện các đề tài nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế. Lúc đó nó có thể tự chủ kinh phí một phần.
-Triết lý của Đại học này là dạy và học các phương pháp để khởi tạo các vòng Ngũ Hành. Nó không dạy học thuần tuý mà nó dạy người ta nghiên cứu, vì chỉ có thể sáng tạo trong nghiên cứu. Còn dạy chay như các Đại học hiện nay gọi là đọc bài giảng, ghi bài giảng và nhớ bài giảng. Không phải là đào tạo những nhà sáng tạo.
-Sinh viên tốt nghiệp trường này phải là những nhà sáng tạo, những Creator với chữ C được viết hoa một cách trân trọng.
Việc lập trường Đại học đẳng cấp quốc tế theo kiểu trên chính là công tác tích Kim qui mô lớn quan trọng nhất, cấp thiết nhất hiện nay. Công việc này thuộc về Chính phủ.
Trường này nên được mang tên Đại học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nguyen Binh Khiem University) . Vì chỉ nhờ một câu của Ngài khuyên Nguyễn Hoàng mà nước Nam ta ngày nay đã được mở rộng từ Đèo Ngang đến tận mũi Cà mâu. Ngài chính là một nhà sáng tạo bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt nam.
f. Ngũ Hành và Internet
Trong gần mười năm trở lại đây thế giới chúng ta đang sống có một sự thay đổi rất lớn lao. Sự thay đổi đó ai cũng biết, nhưng đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, tranh thủ được những mặt tích cực của nó thì không phải dễ. Đó chính là sự phát triển đến mức độ cao của Internet.
Internet chính là một khối Kim tri thức khổng lồ của toàn nhân loại. Trước khi Internet ra đời và phát triển như ngày nay thì tri thức nhân loại nằm rải rác trong các bộ óc, trong các sách vở và thư viện,… Khi các con người qua đời thì phần lớn tinh hoa tích lũy hành KIM của họ bị chôn vùi theo thân xác họ. Phần rất nhỏ tinh hoa mà họ tích lũy còn lại với nhân loại trong các thư tịch, sách vở, thư viện, …
Hơn nữa, người ta cũng chỉ ghi chép và lưu giữ những tri thức của các nhà văn, nhà giáo, những người viết sách, các bác học, …vì dung lượng của tàng thư rất hạn chế. Còn tâm tư tình cảm, kinh nghiệm nhỏ lẻ, tri thức địa phương của đa số quần chúng vẫn âm thầm đi xuống lòng đất theo cái chết.
Ngày nay nhờ Internet, bất kỳ ai cũng có thể ghi chép bất cứ điều gì vào tàng thư điện tử của nhân loại, bằng đủ loại ngôn ngữ. Đó là một khối KIM phi vật thể khổng lồ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nó sẽ còn lại ngay cả khi các tác giả chết đi.
Việc khai thác Internet, khơi dòng để tri thức nhân loại chảy về với ta chính là Khai Thủy. Khai Thủy từ KIM khổng lồ để mà tích KIM cho cá nhân. Rào cản của việc khai Thủy đó là ngôn ngữ.
Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, thậm chí sinh viên, bà nội trợ cũng có thể sử dụng Internet để làm phong phú kiến thức của mình, để cân nhắc trước khi ra quyết định.
Do vậy trên qui mô quốc gia, nếu chúng ta tổ chức tốt việc khai thác KIM tri thức trên Internet thì vô cùng có lợi cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Khai thác Internet phải trở thành thói quen của tất cả các cán bộ trong hệ thống điều hành và quản lý đất nước, thậm chí khai thác Internet phải trở thành chiến lược phát triển con người trong mọi ngành, mọi nghề.
Bất kỳ ai muốn sáng tạo, muốn tìm được giải pháp tối ưu trong hoàn cảnh của mình đều phải có khối KIM cá nhân to lớn. Mà muốn tích KIM tri thức nhanh thì trước hết và cấp bách phải làm chủ Internet.
2.2.3.Kết luận về ứng dụng Ngũ Hành trong giáo dục
Những phân tích trên có thể tóm tắt lại như sau:
-Nhiệm vụ chiến lược của giáo dục là đào tạo ra con người lao động sáng tạo trong hợp tác và tình thương yêu con người.
-Nhà trường là một cơ sở tích Kim nhân cách và tri thức cho học trò. Nhà trường cần có sức hút mạnh mẽ với các tâm hồn trẻ theo tiêu chuẩn thỏa mãn niềm vui học tập, sự khám phá thế giới và tổ ấm yêu thương.
-Cá nhân tích Kim là công việc suốt đời, tích Kim để sáng tạo, tích Kim để sống hạnh phúc. Cần cải cách việc thi theo hướng linh động hóa tối đa để nâng cao khả năng tích Kim của cá nhân.
-Cho phép tự do luân chuyển cho thầy, để cải cách tiền lương và nâng cao đời sống giáo viên, chứ không phải thị trường hóa giáo dục.
Làm các việc đó chúng ta sẽ giải quyết nhanh được vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cao cấp cho công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
2.3.Kết luận chung
Cuối cùng có thể nói tạo hóa sinh ra loài người chúng ta với bàn tay 5 ngón. Có thể xem đó là một biểu tượng nhằm gợi mở cho chúng ta biết rằng mọi quá trình trên thế gian này đều có 5 bước. Người xưa đã biết điều đó, thậm chí rất rõ ràng. Chính vì vậy mà cổ nhân đã gắn Ngũ hành vào mọi thứ trên đời này.
Ngũ hành rất bổ ích, rất có lợi cho nhiều ngành nghiên cứu khác. Với truyền thuyết Thánh Gióng chúng ta tự hào rằng Ngũ hành là tinh hoa văn hóa, tinh hoa tư tưởng bậc nhất của dân tộc Việt nam. Tinh hoa đó cần được phát huy không những ở qui mô một cá nhân bình thường nhằm tu thân tề gia, mà còn ở qui mô lớn để các đại nhân làm giàu cho doanh nghiệp và làm mạnh cho đất nước.
Tài liệu tham khảo
(1) Thu San Nguyễn Thế Hùng, “Ngũ hành và Khoa học”, NXB Văn Hóa Thông tin, Hà nội 2007.
(2) Giáo sư tiến sĩ y khoa, bác sĩ Laz Bannock- “Tế bào lành mạnh - Sức khỏe thanh xuân”
(3). Nguyễn Hiến Lê, “Lão tử Đạo Đức Kinh”, NXB Văn Hóa, Hà nội 1994.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005