Ngôi nhà hạnh phúc của tướng Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa bước vào những ngày đầu tiên của mùa xuân thứ một trăm trong cuộc đời oanh liệt chẳng mấy người ở thế gian này có được. Vào lúc bài viết này lên trang, ông không đủ sức khỏe thể có thể sáng sáng, chiều chiều đi dạo trong khoảng sân cỏ trước nhà. Nhưng bộ óc của con người huyền thoại đã trăm tuổi ấy vẫn tỏa ra ánh sáng lấp lánh của trí tuệ và ý chí.
Một buổi chiều Hà Nội đầu năm 2010, tôi có cuộc hẹn cần đi dọc theo đường Hoàng Diệu để ra phố Nguyễn Thái Học. Khi xe sắp chạy qua ngôi biệt thự đẹp nhất trên con đường có di tích Hoàng Thành Thăng Long, tôi nhờ người lái taxi đi chậm lại. Đã nhiều lần như thế. Như một thói quen không cưỡng được. Ngôi nhà mang số 30 ấy đẹp hoàn toàn không phải vì nó rất to, mà chỉ vì để vào nhà, khách được đi ngang qua một khoảng sân cỏ xanh um và rất rộng. Đường nét kiến trúc giản dị, ngôi nhà không bị bất kỳ bờ tường rào nào che giấu, chỉ là nó hơi lùi xa tầm mắt một chút và có vẻ như hơi nép vào tàn lá xanh sẫm của những gốc cổ thụ.
Với tôi, từ khi mới bảy, tám tuổi chưa biết thấu cảm vẻ đẹp của ngôi nhà, đã biết rõ đó là nhà của bác Giáp, đại tướng tổng tư lệnh, thủ trưởng tối cao của ba tôi – một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Như nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau, tôi và đám bạn học cấp một ở trường Nguyễn Trãi trên phố Cửa Bắc những năm sáu mươi thế kỷ trước và nửa thế kỷ trưởng thành sau đó luôn xem ông Giáp là một thần tượng.
Ông là thần tượng của thế hệ chúng tôi và các thế hệ khác, ở trong nước và cả ở nước ngoài, có lẽ bởi vì ông rất lớn nhưng ông không để và không thích ai khắc hoạ chân dung ông theo kiểu “số một” và “một mình làm nên tất cả”. Vừa sôi nổi vừa biết khắc chế bản thân, vừa sâu sắc và rộng rãi trong tư duy lại vừa gần gũi cụ thể trong thực tiễn, vừa uyên bác vừa lãng mạn. Có thể cũng chính vì những điều ấy mà ông được quân đội và nhân dân gần như tuyệt đối yêu mến, kính trọng. Tướng Giáp đã sống trọn một thế kỷ bằng ý chí cá nhân được hun đúc từ truyền thống yêu nước và học thức của gia đình, bằng tình cảm đồng chí đồng đội và cả xã hội dành cho ông. Nhưng, ngoài những điều đó, phải nói là ông thật may mắn có được một ngôi nhà đầy ắp hạnh phúc tình chồng vợ, cha con, ông cháu. Như một bến đỗ bình yên mà con người bình thường nào cũng hằng mơ ước…
Trong cuộc đời đã sang độ trăm năm của mình, tướng Giáp là một người đàn ông may mắn. Tôi không có được dịp nào để hỏi ông, rằng ông có đồng ý với nhận định ấy không. Nhưng, nhân gian chẳng đã nói đấy thôi: đâu có ai chọn được cửa để sinh ra. Ông may mắn xuất thân trong một gia đình mà người cha sống bằng nghề dạy chữ và bốc thuốc, còn người mẹ là một phụ nữ nội trợ rất thông minh và phúc hậu. Dân làng thôn An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) còn mãi truyền nhau lòng biết ơn và niềm kính trọng đối với các cụ thân sinh của tướng Giáp. Đó là những con người chỉ biết lấy sự lương thiện, sự trung thực, nghĩa khí và sự hiểu biết để hết mực giúp những người xung quanh khi họ cần đến mình, bất chấp mọi sự phiền luỵ, thậm chí nguy hiểm.
Khi Pháp đến bắt ông cụ và yêu cầu gọi đứa con “phiến loạn” Võ Nguyên Giáp và các đồng chí ra đầu thú chính quyền thực dân, cụ đã thản nhiên chịu đựng mọi sự khảo tra của chúng và trả lời: “Tôi chưa kịp dạy nó nên sống thế nào, nên làm gì trong lúc nước nhà tối tăm như ri thì nó đã bỏ nhà đi rồi. Nay nhờ các ông bắt nó về đây cho tôi dạy”.
Ở tuổi vị thành niên, đang là học sinh Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp lại có may mắn được quen biết nhiều người cùng tâm nguyện, chí hướng. Đặc biệt là Giáp có tình bạn vong niên thân thiết với thầy giáo Quốc học Đặng Thai Mai – người đã để lại dấu ấn tinh thần quan trọng trong phần lớn cuộc đời chính trị và binh nghiệp của Võ Nguyên Giáp. Thày Mai nhiều hơn trò Giáp 12 tuổi. Họ thân nhau, cùng nhau trải qua nhiều sóng gió cơ sự. Cả hai thầy trò đều bị Pháp bắt vì hoạt động yêu nước vào năm 1930, trong số người bị bắt còn có Nguyễn Thị Quang Thái – nữ sinh Đồng Khánh. Quang Thái là em gái của Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ chiến sĩ cách mạng kiêm nữ sĩ của nhiều tờ báo thời ấy với bút danh Kim Anh.
Đến tuổi trái tim biết rung động, tình yêu đầu đời của Võ Nguyên Giáp may mắn đã cộng hưởng với mối tình đầu của Nguyễn Thị Quang Thái. Họ gặp nhau lần đầu tiên trong một chuyến tàu lửa, Giáp đang làm nhiệm vụ, Quang Thái thì cùng bạn bè vào nhập học ở trường Đồng Khánh. Những sợi tơ tình vấn vít họ và đưa tới lễ thành hôn thắm thiết vào năm 1935. Thái hai mươi tuổi, Giáp hai mươi bốn. Hai trí thức trẻ, thông minh, tràn ngập lòng yêu nước và ý chí dấn thân.
Hạnh phúc vợ chồng ngắn ngủi đến không ngờ. Năm 1940, khi con gái đầu lòng là Võ Hồng Anh chưa đầy tuổi thì Võ Nguyên Giáp phải chia tay người vợ trẻ để đi làm nhiệm vụ ở Vân Nam, Trung Quốc. Năm 1944, khi Võ Nguyên Giáp trở thành người chỉ huy đầu tiên của lực lượng võ trang Việt Nam ở núi rừng Đông Bắc thì Quang Thái mất ở trong nhà tù của Pháp. Gần một năm sau, trong một cuộc họp lãnh đạo, ông Giáp mới được ông Trường Chinh chuyển cho cái tin xé ruột này. Nhớ về bà, ông Giáp kể: “Quang Thái là người phụ nữ kiên định nhưng rất nhân hậu, thương người...”.
Sau Cách mạng tháng Tám, cũng vẫn do mối quan hệ thân tình dài lâu với người thầy, người bạn vong niên Đặng Thai Mai mà ông Giáp may mắn một lần nữa gặp được người phụ nữ thứ hai, đó là bà Đặng Bích Hà, con gái đầu của cụ Đặng Thai Mai.
Ông hơn bà 16 tuổi và khi họ lấy nhau tại Hà Nội, bà vừa mới bước sang tuổi 19. Trí tuệ mẫn tiệp và phong thái tự nhiên một cách hoàn hảo.
Ông Giáp đã có lần tâm sự với những người gần gũi, rằng chính những đặc điểm ấy của Bích Hà đã xoá đi khoảng cách tuổi tác giữa ông và bà những năm đầu tiên chung sống ở chiến khu Việt Bắc – nơi bà lần lượt sinh cho ông ba người con: Hòa Bình (1951), Hạnh Phúc (1952), Điện Biên (1954). Về lại Hà Nội, bà còn sinh thêm cho ông người con trai út Hồng Nam (1956).
Là vợ của đại tướng tổng tư lệnh quân đội, nhưng bà Hà vẫn không thay đổi những đặc điểm hình thành tính cách ở bà từ thời thiếu nữ. Thông minh, cư xử tự nhiên với sự lịch thiệp rất chân tình, bà là người rất vô tư, khoáng đạt, chan hòa cởi mở với mọi người. Bà cần mẫn làm nhiệm vụ một nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên đại học cho đến tận ngày nghỉ hưu. Bà tiếp đón niềm nở những người bạn cũ và mới của cả hai vợ chồng tại nhà riêng, khi thì bánh trái, khi thì bữa cơm. Như bao người vợ khác. Ngay cả những khi sóng gió, căng thẳng của chính trường dội vào phu quân của mình, bà vẫn cư xử bình thản với mọi người bên trong và bên ngoài ngôi nhà – tổ ấm của mình.
Trong tử vi, người ta gọi những người đàn bà như vậy là người có mệnh “vượng phu ích tử”. Những người bằng cả cuộc đời mình là chỗ dựa cho chồng con và xây dựng nên những giá trị của gia đình, nơi cha mẹ truyền cho con cái những giá trị đạo đức của ông bà tổ tiên, nơi mỗi người tìm được chỗ dựa, sự bình yên sau những giông tố, thất bại của cuộc đời. Gia đình là nơi những nỗi niềm riêng được cảm thông, chia sẻ tận cùng nhất.
Có lần tôi đã tình cờ đọc một bài viết nhỏ về "những âm thanh ngày mới...” của một cô gái trên một tập san của thanh niên, gần đây mới biết cô là cháu ngoại của đại tướng. Bài viết có đoạn mô tả cảm nhận về niềm hạnh phúc giản dị và vô giá cô có được từ sự bình yên trong ngôi nhà của ông bà ngoại – nơi cô từng sống những năm thơ ấu. Cô bé viết:
“Khi còn bé tôi thường ngủ trong phòng ông bà mỗi khi đến nhà ngoại chơi... Mỗi sáng ông bà thức dậy lúc 5g30 – 6g. Ông ngồi trên giường tập thiền, sau đó nghe bản tin trên đài BBC... Cùng lúc bà ngoại đi lại trong phòng, pha trà... Thỉnh thoảng ông bà bàn luận về tin tức hoặc nói các chuyện trong gia đình... Tất cả hòa vào nhau, tiếng ông bà, tiếng đài BBC, tiếng lách cách của ly tách, tiếng bà kéo ghế trên sàn gỗ... trong khi tôi nằm cuộn tròn say sưa ngủ tiếp.
( ... ) Nếu có ai đó hỏi tôi muốn được thức dậy với âm thanh nào nhất thì tôi sẽ chọn được nghe tiếng ông bà ngoại trò chuyện lúc sáng sớm... Đó là lúc tôi thấy được chở che và an toàn nhất.”
Dù có đi đến đâu, trong cả cuộc đời khoảnh khắc yên bình quý giá ấy vẫn đi cùng, an ủi, vỗ về tâm hồn cô.
Tôi lại nhớ ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Nơi ấy ông Giáp đã cùng bà Hà và các con ở suốt từ khi ở Việt Bắc về Hà Nội năm 1954 đến nay. 56 năm rồi. Hà Nội đang đón chào Thăng Long ngàn năm. Còn tướng Giáp, người cuối cùng trong lứa học trò trực tiếp của Hồ Chí Minh, ông đã bước vào tuổi một trăm dưới mái nhà hạnh phúc của mình. Những người yêu mến ông trên đất nước này, nghĩ đến đó thôi có lẽ đã cảm thấy rưng rưng một nỗi niềm thật khó tả…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc