Vũ khí văn hóa của vị đại tướng

10:24 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Năm, 2009

Ngày 6-5, đại tướng Võ Nguyên Giápđã tiếp nhiều đoàn đại biểu đến thăm và chúc mừng nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến chúc mừng và chúc sức khỏe đại tướng. Với sức khỏe tốt so với tuổi 99, đại tướng luôn đặt câu hỏi về tình hình thời sự của đất nước.

Đến cuối chiều muộn, mặc dù đã đi nghỉ nhưng khi GS Phạm Duy Hiển đến, đại tướng vẫn vui vẻ tiếp và trò chuyện thân mật. Mối quan hệ thân thiết, gắn bó lâu bền giữa một nhà khoa học với vị tướng lừng danh thế giới được GS Phạm Duy Hiển giải thích rất đơn giản: “Anh Văn yêu quý và gắn bó với tất cả nhà khoa học thật sự. Là một vị tướng nhưng ông là người thấm đẫm chất văn khi dụng võ. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt. Cũng chính sự khác biệt ấy đã khiến vị tướng Điện Biên “sau Điện Biên” nhận được sự khâm phục tuyệt đối của những người không ở trong quân ngũ: các nhà khoa học, nhà văn hóa. Những câu chuyện nhỏ của vị giáo sư cho ta thấy chiều kích khác của một người lính vĩ đại.

Đọc những gì ông viết, từ những tác phẩm đồ sộ về chiến tranh nhân dân đến bức thư vài dòng ngắn ngủi mới đây gửi đến Chính phủ, tất cả đều là tầm cao hiếm thấy ở một “người văn” mẫu mực. Nhiều người tỏ ý phân vân không hiểu ở độ tuổi ngoài 90, liệu ông còn đủ sức khỏe và minh mẫn để xử lý tất cả thông tin và thảo những bức thư đầy tâm huyết ấy? Là một trong rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức mà ông thường xuyên tham vấn, tôi khẳng định tất cả đều là ý tưởng của ông.

Với từng vấn đề thuộc từng chuyên môn khác nhau, ông đều có đội ngũ các nhà khoa học là đồng sự, bạn, học trò cung cấp thông tin và tham vấn để ông xử lý. Các cô con gái của ông: Hồng Anh, Hòa Bình, Hạnh Phúc… đều là các nhà khoa học tài ba và tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, chịu ảnh hưởng của ông và ngược lại, cung cấp cho ông những thông tin thời sự chính trị khoa học quan trọng nhất. Ông nghe hết, tiếp thu hết và đưa ra ý tưởng của mình.

Là một nhà giáo, những năm cuối đời ông đau đáu với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Để viết một bức thư thật thấu đáo gửi Chính phủ về chiến lược giáo dục, ông đã mời anh Hoàng Tụy, anh Phan Đình Diệu và tôi đến bàn bạc rất lâu, cuối cùng ông phát biểu quan điểm của mình cùng các ý tưởng chính về chủ trương, giải pháp. Chúng tôi ghi lại để thư ký của ông chấp bút và ông đọc rất kỹ, sửa lại lần cuối theo ý mình.

Có một điểm trong tính cách “văn” của ông mà chúng tôi cực kỳ khâm phục, đó là sự điềm đạm, nhẫn nại của ông trong những vấn đề cấp bách của đất nước mà chúng tôi biết ông cực kỳ bức xúc. Cốt cách nho nhã, ông lên tiếng về những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Nói cũng như viết, ông đều chọn một giọng văn đơn giản, dễ hiểu nhất, một thái độ nhẹ nhàng nhất để khỏi gây cho người được ông kiến nghị hay góp ý sự khó xử.

Là bậc khai quốc công thần, tuổi đã gần bách niên, nhưng ông hết sức tránh thái độ bề trên, trưởng thượng khi lên tiếng. Chưa nhận được phản hồi, ông kiên nhẫn điềm tĩnh tiếp tục thu nhận tư liệu, dữ kiện để tiếp tục góp ý, kiến nghị. Là một vị tướng nhưng chưa từng thấy ông nổi nóng hay nói to, dù biết nhiều khi ông rất buồn.

Rồi khi xem lại một bộ phim tài liệu của người Pháp, thấy ông ở độ tuổi ngoài 80 thuyết trình thoải mái, hóm hỉnh hằng giờ bằng tiếng Pháp tại sa bàn Điện Biên Phủ, chúng ta không khỏi giật mình tự hỏi liệu giới “trí thức” VN ngày nay đi khắp thế giới, nhãn mác khoa bảng đầy mình, mấy ai dám ước ao có được tí chút khả năng như ông. Chúng ta lại càng hiểu rằng vũ khí văn hóa đóng vai trò lớn lao như thế nào trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có lần tôi tò mò hỏi ông: nhờ đâu lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được một êkip lãnh đạo có văn hóa cao như thế để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc? - “Là vì khi làm cách mạng người ta phải tìm đến những nhân cách văn hóa lớn như Cụ Hồ” - ông trả lời không do dự. Đến lượt mình, chính sức hút mãnh liệt từ bề dày văn hóa đó đã khiến ông vượt lên mọi thăng trầm của thời cuộc và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, chẳng những từ những người đã theo ông trong cuộc trường kỳ kháng chiến mà của mọi tầng lớp xã hội hiện nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để có lớp trí thức xứng đáng

    12/05/2018Hoàng TụyThời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.
  • Nhớ lại ngày giải phóng Thủ đô 50 năm trước

    10/10/2017Cố GS Trần Quốc VượngMê mải và say sưa là chính khí Hà Nội ngày Giải phóng Thủ đô. 50 năm nhìn lại, nửa vui nửa. buồn. Mà tôi thường tự nhận là người "lạc quan - buồn"...
  • Người trí thức - Võ Nguyên Giáp

    05/10/2013Lê Tùng - Phương NguyễnVà trong những năm tháng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình.
  • Chất trí tuệ của nhân nghĩa Hồ Chí Minh

    01/05/2009Vũ Đình Hòe (*)Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc, người thủy thủ yêu nước họ Nguyễn ham học vì đi "chu du" khắp các nước lớn Âu Mỹ đã từng làm cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời chống cường quốc áp bức nên đã thấy rõ chất trí tuệ của nhân nghĩa cộng với ý chí quật cường là động lực phi thường làm xoay chuyển trời đất...