Ngoài vùng lịch sự

07:16 CH @ Chủ Nhật - 07 Tháng Bảy, 2019

Thời bây giờ, tậu được con “môbi biết đi” xem như mình đã thò một giò vào thế giới "kỹ thuật số" hiện đại, tự dưng thành văn minh ra phết, nên chỉ có "thằng" nào "hâm hấp cám lợn" mới không nuôi "dế"!

Thế nhưng văn minh chưa chắc đi cùng văn hóa, lắm anh chí thú chăn nuôi "dế" thành ra quẳng bố nó cái lịch sự văn hóa tối thiểu vào sọt rác, chỉ biết mỗi "ta và môbi", trở thành trò cười cho cả thiên hạ? "Điên" nhất trong các trò linh tinh trên "dế" là khoản nhạc chuông. Gọi là nhạc, nhưng bây giờ ai mà xài cái gì có chút giai điệu thì cứ gọi là "củ chuối", có khi nguyên cả buồng chuối cũng nên.

Thành ra các mạng di động đua nhau "sáng tạo ra lắm kiểu nhạc chuông "độc". Một anh làm tiếp thị rất khoái cài đặt nhạc chuông cho mỗi khách hàng ruột là một kiểu "dị" khác nhau, khi thì "Má ơi có anh hàng xóm gọi nề! ", hoặc "Anh Chà ơi, có người gọi điện! ", rồi còi báo động, tiếng thằn lằn rượt nhau… Vô phúc hôm nào anh nọ “người di động, điện thoại cố định” thì cả phòng được dịp nghe réo điếc đặc cả tai?

Có anh nọ đang bàn việc với đối tác ở quán cà phê thì bỗng dưng nghe “tiếng nước dội… cầu” ầm ầm gần bên cứ như đang ngồi "hành sự" trong toa- lét, hãi hùng hơn là âm thanh mất vệ sinh đó phát ra từ em gái thơm tho bên kia! Hay trong một đám ma, các sư thầy đang chăm chú nhắm mắt gõ mõ tụng kinh thì bỗng dưng có tiếng the thé gào lên từ túi quần một anh bụng phệ đang đứng thắp hương: “Im lặng, để đại ca nghe điện thoại coi!”, làm các thầy hoang mang cực độ…

Hoặc giả anh nào đấy đang “diễn” hoạt cảnh "Anh muốn sống trên em trọn đời. . . " để vuốt giận vợ mà điện thoại lại eo éo sát bên "Anh ơi, mấy con gà nó gọi anh kìa . . . " thì chết chắc với "gấu mẹ" ? Chỉ riêng cái khoản "Alô, tôi nghe!" cũng lắm trò nhộn ra phết? Không khí phòng họp đang rất căng thẳng, tới đoạn "Xin mời các anh chị cho ý kiến" thì bỗng dưng một giọng rè rè cất lên: "Tao nè, thằng mọi kia! Hôm qua mày đi với con ngựa nào?", cứ như phim hài?

Có khi "Alô" cho một người quen thì đầu dây bên kia chả thấy ừ hử gì, chỉ nghe mỗi tiếng nhai sòng sọc, chem chép cứ như có cả cái chuồng lợn bên tai. "Alô" khản cả cổ thì mới nghe tiếng nói nghẽn nghẹt khó khăn thoát ra từ một cái mồm đầy thức ăn: "T. đây! ". Trả lời xong thì cụt hứng vì lại phải ngóng T. nuốt đánh "ực" một phát, "ợ" rồn rột, cười khùng khục với người bên cạnh đang cùng dự tiệc, rồi mới: "Gì đấy?" với mình, rõ chán! Không hiếm người thoải mái "Alô" trong phòng vệ sinh, và rất khoan khoái thông báo cho người nói chuyện với mình về tình trạng hiện tại: "H. hả, tớ đang... róc rách một tí, có gì hả? ". Với đà này, khi nhân loại phát minh ra thế hệ mô di động truyền cả mùi ngay tại "hiện trường" thì chết dở cái lỗ mũi khối người gọi điện? Chuyện “giao lưu” vì nhầm số trên "dế" cũng như tấu hài. Có anh vừa sáng sớm đã bị một bà "alô" dựng dậy để chửi cả tràng vì cái tội không giao báo đúng giờ. Nói "Bà nhầm số rồi!" thì chả được xin lỗi mà bà nọ còn "khuyến mãi" thêm: "Đồ vô duyên!"

Oan nghiệt nhất là những cuộc gọi lúc 2 - 3 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở bấm "nhận" thì đầu máy bên kia một giọng rất láo: "Thằng nào đấy?", mình vừa nói "Nhầm máy... " thì thằng nọ "Mẹ khỉ nhà nó!" vào tai mình một phát rồi cúp máy! Nói về "sở thích cá nhân" của người xài "dế" thì rất… lung linh! Ở cơ quan kia có cô nàng cực thích cho con "quí tộc nhạc số" của mình gào thét rốc riếc dã man trong WC để lấy… cảm hứng cho việc “ấy”. Nhạc ồn ào vậy, với cô thì hẳn nhiên là thông thoáng rồi, nhưng với những người khác đang lâm vào "ngõ cụt" thì cực kỳ… mất tập trung? Khu tập thể nọ lại có một em gái, mỗi lần "alô" cho bồ tèo thì nhất nhất phải tót lên ban-công vừa "phi ngựa" vừa trò chuyện. Em thì xinh, lại hay "hồn nhiên" chơi váy ngắn, thành thử các anh bên dưới tha hồ rửa mắt. Của đáng tội, em bày tỏ tình yêu hơi bị nồng nhiệt, lúc thì la làng la xóm như heo bị chọc tiết, lúc thì bô bô như cái loa phóng thanh đâu ngõ? Thành thử diễn biến cuộc tình của em ra sao các cụ hưu trí gần đó đều có thể tóm lược vanh vách…

Lại có chị đứng giữa cả dây xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị mà vẫn xoen xoét "alô" tuyên truyền "sức khoẻ sinh sản", cứ "trứng già", "trứng non", "nghẹt vòi", "hở vòi"… hàng chục phút trong sự khó chịu của mọi người… Đặc biệt, khi "dế" vào hội trường lớn trong các buổi báo cáo thời sự, lớp tại chức… thì cứ gọi là vui như chợ chồm hổm: Mọi người thi nhau đưa "gia súc gia cầm", các thứ "quà quê", bán vào tai mọi người: Góc ngoài chó ăng ẳng, góc trong gà cục tác, xó trên mèo gào váng, xó dưới lợn eng éc, đầu này "Bánh giò bánh chưng đây" đầu nọ thì "Ve chai đồng nát sắt vụn bán không...". Thi thoảng lại điểm xuyết thêm tiếng người gào khóc thê thảm hay cười sằng sặc như lên cơn điên… Trong những dịp thế này, "dế" trở thành công cụ để các anh rách việc "giao lưu văn hóa". Mặc cho giảng viên sùi bọt mép "tụng" ở trên, các anh ở dưới tha hồ khoe từ "hàng cấm" (hình ảnh, đoạn phim mát mẻ trong máy) cho tới "dế" xịn, sôi nổi còn hơn cả thảo luận tổ?

Cứ tưởng chỉ có học viên là "ô-la " xô bồ, nhưng cũng có thầy đang giảng bài vẫn "alô" tỉnh như ruồi trước mặt học viên, đôi khi đến dăm bảy phút, vì trước đó đã vứt một câu "Xin lỗi" chiếu lệ cho cả lớp rồi! Chuyện văn hóa "dế" còn dài, chỉ xin được mở ngoặc một cái: Nuôi "dế" nhưng cũng phải dạy "dế", đừng vì muốn chứng tỏ "dế" mình là nhất, mình là "của lạ" mà tự biến mình thành người thừa thãi hiện đại mà. . . khan hiếm văn hóa?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cô bé quàng khăn đỏ

    26/09/2019Vũ Thế LongTrời trở lạnh, tuyết rơi trắng xóa. Bà chuẩn bị vào rừng hái nấm. Trước khi đi, bà dặn cô bé quàng khăn đỏ: “Cháu đã lên 5, bà tin cháu bà rất thông minh. Nếu có người lạ đến gõ cửa, cháu phải trả lời hết sức lịch sự, lễ phép. Không được hờn giận, khóc nhè. Ngày mai đến lớp, cô sẽ kiểm tra 125 chỉ số đấy!
  • Phiếm luận văn hóa giao tiếp online…

    03/05/2017Trịnh Tuấn“Nếu bạn có một cái bánh mì, tôi có một cái bánh mì, ta đổi cho nhau, thì mỗi người vẫn chỉ có một cái. Nhưng nếu bạn có một luồng tư tưởng, tôi cũng có một luồng tư tưởng, ta đổi cho nhau thì mỗi người có đến hai luồng tư tưởng”...
  • Nếu bạn là Robinson?

    28/11/2016TS Phạm Văn TìnhChàng Robinson ngày xưa gặp nạn mới phải thui thủi một mình trên đảo vắng. Đó là điều cực chẳng đã. Còn bây giờ chúng ta lại tự biến mình thành một Robinson "đời mới". Đơn độc thu mình trên máy tính, mải mê với những trò vui mà chắc gì đã mở mang nhiều kiến thức? Cái máy kia nó có tội gì đâu? Điều quan trọng là ta phải biết sử dụng và tận dụng những ưu thế của phương tiện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của mình.
  • Robinson thời số hóa

    10/05/2016P.VNếu đột nhiên bây giờ bạn phải đóng vai Robinson Crusoe lạc trên hoang đảo, bạn chỉ có một điều ước, vậy bạn sẽ ước gì? Đó là câu hỏi trên mạng America Online. Kết quả trả lời thật đáng ngạc nhiên: 68% cần máy vi tính nối mạng Internet, 23% cần điện thoại, 9% còn lại cần một tivi (hoặc radio)...
  • Giữa thời đại thông tin

    26/08/2015Đỗ Hoàng LinhCứ tưởng rằng phép xã giao chỉ cần lúc sử dụng trực tiếp thôi nhưng thật ra ngay cả khi liên hệ gián tiếp với nhau qua khâu trung gian vẫn phải thể hiện nét văn hoá nhằm chứng minh rằng trên cơ sở đánh giá tổng quan, chúng ta vẫn giữ lịch sự một cách hoàn hảo và trọn vẹn.
  • Thế nào là tế nhị?

    19/08/2013Thế NăngTrong cuộc sống, nhiều phen chúng ta vẫn phải chịu sự “tra tấn bởi những câu nói có tính thóa mạ, xúc xiểm lẫn nhau khi một người nào đó có những hành động, cử chỉ… gây cho người khác những điều không ưng ý. Và câu nói “quyết liệt” nhất được quăng ra khi ấy thường là: “Đồ thô bỉ” hoặc “mát mẻ” hơn “Người đâu mà thiếu tế nhị”. Vậy thô bỉ là gì? Thiếu tế nhị là gì?
  • “Gái Việt- Index” - Còn bao nhiêu điểm?

    12/06/2009Nguyễn Phương ThảoTiếp theo cuộc khảo sát “Trai Việt-index” do báo Thèo Lẻo thực hiện vừa qua, bổn báo xin chuyển đến quý độc giả cuộc khảo sát mới nhất về “Gái Việt-index”.
  • Hiệu đính gấp văn hóa nhà sách!

    09/06/2009Nguyễn Phương ThảoNhà Sách, một ngôi nhà chứa đựng văn hoá và tri thức nhân loại. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì đấy là chốn “hơi bị sang”. Nhưng có đi mới biết, nhiều chuyện chướng tai gai mắt vẫn phơi phóng công khai ở nơi này. Vì nhiều người lui tới nhà sách chả biết có nạp được tí lịch lãm nào không, lại thải ra vô số rác văn hoá làm ô nhiễm bầu không khí nơi đây!
  • "Trai Việt-index" còn bao nhiêu điểm

    06/06/2009Nguyễn Phương ThảoXin được giới thiệu cùng độc giả kết quả một số khảo sát mới nhất của báo Thèo Lẻo - cơ quan ngôn luận của Hội Ngồi lê đôi mách - xoay quanh chỉ số ga-lăng (đối xử lịch sự với phụ nữ) của đàn ông xứ ta.
  • Kỹ năng sử dụng điện thoại nơi công sở

    27/12/2008Điện thoại là một trong những công cụ làm việc quan trọng không thể thiếu nơi công sở. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng chúng đúng cách và hiệu quả.
  • Giáo dục lễ độ

    28/07/2008Thu ThủyChỉ cần một lời chào, một câu cảm ơn, một sự nhún nhường, đủ tạo ra một hình ảnh đẹp...
  • Kinh nghiệm dùng mobile

    11/05/2008Sưu tầmĐại Văn Mỗ là tay chơi đủ loại, sau này chơi cả điện thoại di động (ĐTDĐ). Hiệu nào, kiểu nào mới nhất Mỗ đều sưu tập. Hôm nay mới mua cái V.Fone có quay phim 60 phút, Mỗ sẽ làm video clip người tình bốc lửa, với dự định sau này sẽ đưa lên mạng nếu em bỏ anh trai già theo kép nhí...
  • Bàn về cách xử thế và phép lịch sự trong quan hệ giao tiếp của người Việt Nam hiện nay

    31/03/2007Lê ThiChúng ta hay bàn nhiều về đạo đức, nhân cách con người Việt Nam nhưng có lẽ còn ít nói đến phép lịch sự, cách xử thế của họ trong các quan hệ giao tiếp diễn ra hàng ngày trong gia đình, ngoài cộng đồng. Cũng có người nghĩ rằng phép lịch sự là cái gì xã giao bề ngoài, hình thức làm mất tính đặc thù cá nhân. Họ muốn sống một cách "tự nhiên", riêng biệt, không giống người khác. Điều đó có đúng không?
  • Văn hóa Internet

    15/10/2005Phạm Kim HưngHãy bắt đầu bằng việc tưởng tượng ra một cuộc sống không có điện thoại...
  • xem toàn bộ