Ngày xuân nhắc đến một Người
Người ấy sinh ra cách nay đúng 140 năm (1882) và qua qua đời cách đây 86 năm (1936). Đó là Nguyễn Văn Vĩnh. Gọi ông là nhà báo cũng đúng vì ông là người sớm đưa báo chí hiện đại vào đời sống xã hội Việt Nam, trực tiếp làm nhiều tờ báo cả bằng Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ và đều là những tờ báo danh giá nhưĐại Nam Đông văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, L'Annam Nouveau...
Gọi ông là nhà văn hóa cũng đúng vì ngoài giáo dục, ông là người cổ xúy, dịch giả và hoạt động không biết mệt mỏi cho việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và truyền bá văn hóa nước ngoài, đặc biệt là của nước Pháp và Âu Tây vào nước ta. Ông là người cổ xúy và hoạt động tiên phong trong việc du nhập kịch nói, điện ảnh... vào Việt Nam...
Gọi ông là nhà hoạt động xã hội và chính trị cũng không sai khi ông là người sớm kêu gọi canh tân, đứng tên xin mở Đông Kinh nghĩa thực, chủ trương cả một đường lối không thỏa hiệp chống chế độ quân chủ, sẵn sàng chấp nhận nền trực trị của chính quyền thuộc địa mà ông cho rằng đó là con đường ngắn hơn để đến với nền dân chủ hiện đại...Ông đương đầu với cám dỗ muốn ông thỏa hiệp của chính quyền thuộc địa, chấp nhận phá sản cơ nghiệp và mất mạng trong cuộc phiêu lưu tìm lối thoát trên đất Lào...Người đời nay dùng cách nói của chính ông để định danh Nguyễn Văn Vĩnh là “Người man di hiện đại” (le barbare moderne). Từ bút danh “Tân Nam Tử” đến tên báo L'Annam Nouveau (Nước Nam Mới), Nguyễn Văn Vĩnh luôn tìm cái mới, con đường đổi mới (cách tân, duy tân) cho đất nước và dân tộc của mình.
Sự đúng sai của con đường ấy đến nay vẫn có thể con tranh cãi, nhưng chỉ cần đọc lại những di cảo của ông, trong đó có một phần quan trọng bằng tiếng Pháp (đang được khai thác giới thiệu với người đọc) sẽ thấy có nhiều điều khiến người đời nay giật mình vì những quan điểm từ trên dưới trăm năm trước của ông đến nay vẫn mang tính thời sự, giải đáp những câu hỏi mà chính xã hội đương đại của chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI còn đặt ra...
Là một nhà báo lão luyện, cách tiếp cận những vấn đề của đời sống của Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ra nhạy bén và tinh tế, khi ông quen bàn đến những điều tưởng như nhỏ nhặt đặc biệt trong tính cách con người Việt Nam, tập quán truyền thống...đang có mặt trong đời sống quanh ông để giải đáp những vấn đề lớn của đất nước.
Ví như khi phân tích về tập quán “chơi họ” rất phổ biến ở nông thôn nước ta, đôi khi được đánh giá như “một di sản có từ những thời xa xưa” rất đặc sắc. Nhưng từ sự phân tích rất chi tiết theo phương cách kế toán của sổ sách hiện đại thì, Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng “chơi họ” chỉ có khả năng đáp ứng những nhu cầu rất hạn hẹp của những cá nhân sống chung đụng, gắn bó với nhau vì một lòng tin cậy lẫn nhau... Chính sự giản dị đã ngăn cản không thể phổ cập phương thức này để dùng vào những nhu cầu thương mại thời hiện đại lĩnh vực mà luật lệ lý tính cần hơn sự tin cậy cảm tính...
Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề lúa gạo là đầu ra quyết định nguồn sống của người nông dân cũng là của đại đa số dân chúng một quốc gia thuần nông. Trong loạt bài của mình, tác giả đã phân tích một cách sâu sắc bản chất cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới đã tác động vào đời sống một xã hội thuộc địa lại thuần nông. Tác giả phân tích để đi đến một đánh giá: Với một xã hội thuần sản xuất lúa gạo mà không hề được nhà nước hỗ trợ, trước hết là tổ chức thị trường và đầu tư tài chính đúng đắn đã khiến cho không chỉ người nông dân rơi vào thảm cảnh tựa như câu chuyện hiện tại “được mùa rớt giá”, sẽ dẫn đến những biến loạn xã hội khiến cơ đồ phát triển nền kinh tế mà nước Pháp hứa hẹn như một sự nghiệp “khai sáng văn minh”cho xứ thuộc địa cũng đổ vỡ...
Đây không chỉ là những nhận định vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng của những năm 30 thế kỷ trước, mà ngay từ đầu thế kỷ Nguyễn Văn Vĩnh đã phát hiện ra điều đó. Cách nay hơn cả trăm năm mà ông đã phát hiện những vấn đề mang tính bản chất khiến ngày nay đọc lại chúng ta vẫn có thể tâm đắc vì tính thời sự của nó. Trong bài viết mang tính “xã luận” của tờ Đăng cổ tùng báo ra ngày 19-9-1907, có nhan đề “Chết về gạo”, dưới bút danh TNT (ký tắt Tân Nam Tử), Nguyễn Văn Vĩnh phân tích những hiện tượng xã hội mà ông cho là đã lỗi thời, lạc hậu, coi đó là những yếu tố làm cho đất nước không phát triển được so với thiên hạ...để đi đến việc quy kết thành cái nguyên cớ hàng đầu: “Bởi cả nước có một nghề: là cày ruộng!”.
Ông còn cho rằng khí hậu nước ta khắc nghiệt hơn so với các nước cùng vĩ tuyến một phần cũng vì mặt nước từ trong các ruộng lúa quá lớn xen lẫn với nơi của cư dân, khiến độ ẩm luôn cao hơn, oi bức sinh dịch bệnh và nhiều tai hoạ khác... Lập luận này chưa biết có được khoa học hiện đại chứng thực không nhưng nó thể hiện cái “chất” của Nguyễn Văn Vĩnh là luôn quyết liệt khi đưa ra ý kiến của mình với những bằng chứng thực tế mà không nhuốm màu cực đoan.
Từ một hiện tượng kinh tế - xã hội, Nguyễn Văn Vĩnh quy ngay vào một mục tiêu hàng đầu mà ông vận động không biết mệt mỏi là phải thay đổi lối suy nghĩ hướng tới những giá trị của thế giới hiện đại mà thuở đó chính là mục tiêu “khai sáng dân chủ”. Kết luận bài báo, ông viết: “Một nước làm gạo ăn đi bán cho người quanh năm cứ đinh ninh vào đấy. Đến lúc động đói thì mình đói trước, ai biết đâu mà mang đến cho mình ăn. Và cái gạo này lại không là mấy, trong các thứ giống được có lắm thứ một vốn thực bốn lãi, nhưng mình không chịu nghĩ, chịu tìm, chịu thử, cho nên không biết đấy mà thôi. Hỡi các ông mong cường thịnh độc lập ơi! Tôi tưởng con đường này phải đi trước. Người có trí mà lại có của bây giờ nên lo việc đổi cách giồng giọt trong nước, cho nước được mát mẻ. không đói là lại được đi lại buôn bán rộng ra, rồi mới giảng đến Lư Thoa dân ước, đến Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Tư Cưu thì mới phải” (ý nói đến những tư tưởng và trước tác của các nhà khai sáng Pháp như J. Rousseau và Montesquieu - DTQ).
Đọc lại những bài báo này, người thời nay có cảm giác rất gần với câu chuyện rất thời sự về “tái cơ cấu nông nghiệp” mà hạt nhân vẫn xoay quanh vấn đề lúa gạo và cũng muốn đặt ra câu hỏi rằng vì sao từ lâu trong xứ mình đã có người nghĩ ra và nghĩ đúng về con đường phát triển đất nước mà không ai nghĩ tiếp để cứ phải nghĩ đi nghĩ lại, để rồi không biết khi nào mới bắt tay vào biến cái nghĩ đúng thành động lực thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển.
Nhân Xuân mới, từ nhiều năm nay đã vắng tiếng pháo với lý do hàng đầu là an ninh, an toàn xã hội và chống lãng phí, nhưng ít ai biết rằng cách đây 115 năm, trên tờ Đăng cổ tùng báo(31-10-1907), cơ quan ngôn luận của Đông Kinh nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết bài bàn về chuyện “Đốt pháo” với một cách phân tích đến nay vẫn có tính thuyết phục nhờ cách tiếp cận văn hóa và nặng lòng với mong muốn thay đổi đất nước. Xin được đăng nguyên văn theo đúng cách hành văn và chính tả của người xưa:
“Đốt pháo
Việc này đáng nhẽ để đến tháng chạp hãy bàn thì phải, nhưng bây giờ là mùa cưới pháo cũng đã sinh ra nhiều sự nên nói để anh em đồng bào nhớ lấy, đến khi Bản báo có luận đến, thì những sự thực cũng làm cho nặng thêm nhời chúng tôi lên một ít nữa.
Hôm nọ ở phố Hàng Điếu, có đám cưới. Lúc rước dâu về đến cửa, nhà giai sắm sửa đón hai họ vào thực là vui vẻ giữa lối đi thì cũng giữ lề đốt lò than để cô dâu bước qua cho sạch vía-van; mẹ chồng cũng theo thói trốn sang láng giềng để dâu về được hưởng quyền vu quy một chốc cho khỏi thất hiếu; ngoài đường thì xe xe ngựa ngựa sắp hàng; các ông các bà hai họ, ông thì áo gấm bà thì áo vóc, đây vài ông duy tân bận áo nái Trần Văn Phúc, đội mã Đông Thành Xương, đi giây vàng phố Phúc Kiến. Vài ba ông cụ già mặc áo thụng xanh, đi có lọng che cầm hương thơm Quảng Hợp ích. Đám cưới thực ra một đám cưới duy tân, và có ý bảo nghiệp, duy có cái pháo vẫn Gòn giữ lối bắt chước các chú. Lạch đạch trong nhà chán rồi lại treo thêm một bánh ra mái hiên cửa gọi là làm lệ để dâu vào được đi qua hỉ khí.
Bất ngờ đương lạch đạch tạch đùng có một cái xe độc mã đi qua; trên xe một vị thiếu niên ngồi, chẳng biết ông Phán sở nào. Như người ta thấy pháo thì hẳng đứng lại xa xa một quãng, xong rồi hãi đi. Ông Phán ta lại vội quá, và nhân có đám các bà các cô lịch sự, ta cũng làm ra mặt đánh xe rồi lấy sĩ diện chơi. Roi dây đánh đen đét. Phải con ngựa cũng ác! Vừa tiếng pháo vừa tiếng roi, ngựa sợ lồng phách mãi lên, long mất hai cái tay xe với cái ván. Hai bên hàng phố ai trông thấy cũng bảo: đáng kiếp, và cười ồ cả lên. Nhưng mà ông Phán ta có phải là người chịu hèn đâu, ngài đi tìm ngay một ông Tây đến, chẳng biết ngài nói với ông Tây thế nào, ông Tây đến gọi chủ nhà ra đánh một hồi, rồi cho hai người đội xếp đến bắt đem lên bóp Hàng Đậu. Lên đó rồi ông Cẩm bắt phải đến 50$, ông chủ nhà lấy van mãi phải đến 30$ mà thôi.
Việc phải đền ấy, phải trái thế nào tôi cũng xin không luận làm chi. Ông Phán ấy đi huỳnh xe mượn, cầm cương chẳng nên thân, hoặc cầm tài nhưng bánh pháo láo thấy xe gần đến nơi không tịt lại, cứ cố trí lẹt đẹt già để cho ngựa lông, thì sự ngày nào chẳng có như thế, cũng không nên nói.
Duy có cái điều đốt pháo là thậm giã man, thậm hay sinh phiền, thậm vô lý, thì anh em ta nên bỏ đứt hẳn đi.
Ngày xưa kia, cáng làm xe, người làm ngựa, thì cái pháo không sinh ra được những sự phiền nhiễu như bây giờ. Hai nữa là pháo mình không chế được ra, mỗi năm vừa cưới xin mừng rỡ tốt nhất mua của chú khách không biết là bao nhiêu vạn bạc nữa; mà chẳng thà mất đồng tiền nó có no béo ra được chút nào đâu, đốt nó có ra tiếng lưu thủy, huấn phong gì, tám hào bạc một bánh pháo Hạnh hoa, vừa được nửa phút, vừa điếc cả tai, ngạt cả mũi, toét cả mắt, cháy quần cháy áo, cháy chân cháy tay, mà có lúc cháy cả đến cửa nhà hàng xóm láng giềng; trẻ con còn bé có đứa sợ hãi sinh sài sinh ốm; mất cả câu truyện, không còn được việc gì; nghĩ đến cái thú ấy là thậm không có nghĩa lý gì.
Khôn nhưng mà không có pháo thì những chú khách sang đây tay mang dù rách, tay xách chăn bông làm thế nào mà về Tầu có cửa có nhà có ruộng có nương được? Không có pháo, ai bảo mình rằng giàu có ngàn có vạn? Không có pháo thì sao thằng ăn mày ba bữa không được hột cơm nó đến chực cửa, sao nó biết được rằng mình hơn nó nhiều? Sao nó biết được rằng bụng nó lép bao nhiêu mình có thừa tiền đặt ra khói bấy nhiêu? Không có pháo, làm thế nào được cho quan tưởng cướp đem lính vì vậy làng như quan Thái Bộc Cừ Đà hôm nọ? Lại không nhớ mấy năm trước Hà Nội ta có mấy ông tên đồn lừng lẫy suốt Bắc kỳ, vì ganh nhau đốt pháo lúc đám rước rồng Hội quán đi qua cửa, ư? Đó là mấy nết hay của cái pháo đó! Mà mỗi ngày cái pháo một khéo. Xưa còn Phượng vì một su một bánh, sau có sẵn địa hồng hào hai; sau mỗi ngày một văn minh, Mãn địa thêm chữ Toàn, rồi đến Ngũ sắc, rồi đến Bàn đào, Hạnh hoa, rồi đến tạch đùng, pháo nổ hết lại xòe ra một tờ giấy bốn chữ “Đinh tài lưỡng vượng. Các chú ý nói ( ý nói thương nhân người Hoa-DTQ) thực là khéo lo cho nước Nam lắm tiền quá. Âu tiến bộ, xe lửa nuốt đường mỗi ngày một nhanh, trước còn 10, sau 100, sau nữa 120 kilometres một giờ. Á văn minh, quả pháo ăn bạc, mỗi ngày một chóng, trước còn xu, sau hào, sau nữa đồng bạc một phút. Chẳng có thể tiến của nước Nam để đâu cho hết?
Nước Nam thua người học hành buôn bán, nhưng cũng hơn người được cái hách xằng, chớ lại chịu hẳn rằng kém, sao?."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)