Ngày xuân chúc Thọ
Dẫn nhập
Cho đến đầu thế kỷ thứ XX, chăm lo cho sức khỏe hầu như là công việc của bác sĩ nhưng từ từ sức khỏe, bệnh tật, sự sống hay cái chết, ... không còn là độc quyền của y khoa – vấn đề sức khỏe bao gồm nhiều khía cạnh (kinh tế, xã hội, chính trị tâm và triết lý).
Trợ tử, an tử, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ người khác, phá thai... là những vấn đề y khoa thật đó nhưng những vấn đề này cần được giải quyết dước ánh sáng của các câu hỏi đạo đức.
Tổ chức y tế, bệnh viện, bảo hiểm sức khoẻ, ... vốn để bảo đảm vốn nhân lực của xã hội, giá trị sống của dân tình và hơn thế nữa phải làm sao trả lời tốt nhất nhu cầu nhân sinh . Tất cả những vấn đề này thuộc hệ thống quản lý quốc gia và được định đoạt bởi chính sách đặc thù của xã hội. Đó là khía cạnh chính trị của vấn đề sức khỏe.
Ngã bệnh, chống chỏi với hiểm nghèo, chịu đựng những bệnh mãn tính là những thử thách nặng cho bệnh nhân. Tâm lý học về sức khỏe nghiên cứu những vấn đề này.
Cuối cùng, các chứng bệnh đều có “cái giá” của bệnh tật vì người bệnh và xã hội phải tốn tiền chữa trị, vì mất khả năng sản xuất, bệnh hoạn của một thành nhân còn làm xáo trộn cơ cấu gia đình, xã hội,... Đó là lĩnh vực của các kinh tế gia chuyên về y khoa.
Sức khỏe, bệnh tật và tuổi thọ, ... được định nghĩa khác nhau, được cảm nhận khác nhau tùy văn hóa, tùy giai cấp, ... của từng cá nhân. Các nhà y xã hội học giải mã các vấn đề như thế.
Bài này bàn về sức khỏe và tuổi thọ dưới góc nhìn của xã hội học.
Sức khỏe theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Quốc tế
OMS - Organisation mondiale de la santé - định nghĩa “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái toàn diện vừa sinh lý, vừa tâm lý và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không có bệnh hay tàn tật”.
Chữ “thoải mái” quan trọng. Định nghĩa của OMS ra đời từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước nhưng vẫn hoàn toàn cập nhật. Bằng cớ là hiện các nhà khoa học chuyên về sức khỏe, về giá trị sống và hạnh phúc cho ra chỉ số BES (Bien-Etre Subjectif hay SWB Subjective Well-Being) hay tình trạng thoải mái theo cảm nhận của từng người một cách chủ quan – cứ y như khái niệm của OMS của hơn nửa thế kỷ trước.
Định nghĩa của OMS còn có hai điểm son:
. sức khỏe của mỗi một trong chúng ta không chỉ là vấn đề vẹn toàn thân thể mà còn là sự ổn định tâm lý và tình trạng sống của ta trong môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên,
. sức khỏe ở đây lại được nhìn một cách tích cực, được định nghĩa như một sự tròn vẹn, sự thoải mái chứ không đi từ những vấn đề sinh lão bệnh tử.
Khỏe khi ta “thoải mái toàn diện”. Như thế, trong những trường hợp quá đáng, có những người không có bệnh nhưng không khỏe – hay ngược lại, có những người dù mang bệnh nan y, đang ở thời điểm cuối của cuộc đời nhưng vẫn thoải mái sống – nhờ những phương thức trợ tử (soins palliatifs) chẳng hạn – .
Định nghĩa của OMS có tính nhân bản là như thế. Cũng như vấn đề sức khỏe và tuổi tác. Đó là một vấn đề liên quan mật thiết với thân phận con người của mỗi một trong chúng ta và của mỗi ngày.
Sức khỏe là một vấn đề thường nhật
Cho dù ta có cảm tưởng là không bị bệnh, sức khỏe ta lúc nào cũng bị “tấn công” bởi vi trùng, ô nhiễm, chất độc hại, tai nạn, căng thẳng hay xung đột đủ loại – những tấn công đi từ thiên nhiên và từ môi trường xã hội nữa.. Để có thể “thoải mái” ta phải thường xuyên tranh đấu chống những xâm lăng hay biến cố ngoại lai để tiếp tục ổn định tình thế và bảo vệ bản thân.
Thân thể ta có hệ thống miễn nhiểm và chúng ta có sức chịu đựng tốt.
Nhưng nhiều khi, cuộc chiến này vượt quá khả năng của chúng ta, chúng ta ngã bệnh, phải nhờ đến bác sĩ, nhà thương và đôi khi tệ hại hơn nữa, ta thành tàn tật hay lìa đời ...
Dân tình, ở mọi nơi, mọi thời điểm vẫn luôn tìm cách sống khỏe.
Ở phương Tây, để được khỏe mạnh mọi người cố gắng ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, quản lý tốt những biến cố, tránh căng thẳng hay stress, sinh hoạt thể chất thường xuyên, không dùng các chất độc hại như rượu hay thuốc lá, suy nghĩ tích cực và sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Đó là một loại “chương trình” vệ sinh thường thức vừa sinh lý vừa tâm lý. Trẻ được dạy những chương trình này từ trường mẫu giáo, phải rửa tay trước mỗi bữa ăn, phải ăn 5 phần rau và trái cây mỗi ngày, phải đi ngủ trước 8 giờ tối, ...
Khi đi vào chi tiết của từng cá nhân, ta sẽ thấy rằng định nghĩa “khỏe” hay “bệnh” là một định nghĩa hoàn toàn chủ quan và tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa, kinh nghiệm, các đặc điểm khác của từng cá nhân.
Lúc nào ta khỏe và từ điểm nào ta bệnh ?
. Khi nào ta khỏe?Có những biểu hiệu như không mệt mõi, không đau chỗ nào hết, không lên hay xuống cân bất thường, ngủ thẳng giấc, ăn thấy ngon, sự tiêu hóa không có vấn đề, không sợ hải trước chỗ đông người, không lên cơn giận với những lý lẻ vu vơ hay dễ đi tới bạo lực – bạo lực ngôn từ hay bạo lực hành vi – , không chán nản trước công việc trước khi bắt đầu, ...
Mỗi biểu hiệu kể trên đều có ý nghĩa riêng. Nếu không được như thế thì có thể sự thăng bằng của sức khỏe thân xác hay sự thăng bằng tâm lý đang có vấn đề.
Nhiều khi giải pháp để tái tạo sức khỏe rất đơn giản (xem lại cách ăn ngủ, quản lý cảm xúc, tập thể thao, ngừng uống rượu hay ngừng hút thuốc, chia sẻ và sống cùng với người thân, ...). Nhưng nhiều khi những cách đơn giản đó không hiệu quả và ta cần đi trị bệnh. Bệnh sinh lý hay bệnh tâm lý.
. Ta ngã bệnh và khái niệm mức đau
Theo các bác sĩ, khi không có lời than thì không phải lo chữa trị – tức là tình trạng được người trong cuộc xem là bình thường.
Nhưng thế nào là mức bình thường? - Không có một mẫu mực cho tất cả mọi người, cho mọi tình huống hay cho tất cả các cộng đồng.
Các nhà xã hội học định nghĩa mức đau (seuil de souffrance hay seuil de douleur) như ranh giới giữa trạng thái được một cá nhân nào đó xem như bình thường và trạng thái bị xem như bất bình thường, khó chịu, thậm chí không chịu được, cần đi bác sĩ, cần phải chữa trị.
Mức đau thấp khi cá nhân không chấp nhận một khó chịu dù nhỏ đến mấy và tự xem như bị bệnh.
Trái lại có những người ... cắn răng chịu đựng, xem nhẹ những khó chịu và tiếp tục sinh hoạt – họ có mức đau cao.
Thông thường, mức đau của phụ nữ thấp hơn mức đau của nam giới. Vì nhiều lý do khác nhau. Phụ nữ vốn có thói quen chú ý đến các biểu hiệu của thân thể vì các bà và các cô có kinh nguyệt mỗi tháng, lại có những lúc phải mang thai và cho con bú. Phụ nữ lại được giáo dục để xem thân thể như một vốn liếng quí giá phải chăm sóc, vun trồng.
Mức đau của giới lao động chân tay cao hơnvì cái nặng nề của sinh hoạt thường nhật làm cho họ quen với sự mệt mõi, ê ẩm xương cốt. Đau thành bình thường, có mặt trong điều kiện sống hằng ngày. Vì sinh nhai, họ lại ít khi có quyền than vãn, nghỉ ngơi. Trong chừng mực nào đó, họ không có quyền ...ngã bệnh.
Người càng lớn tuổi, ám ảnh sợ chết càng cao, nên than đau than bệnh sớm hơn người ở các độ tuổi khác – mức đau của họ thấp hơn - Đã thế, người cao tuổi ý thức rất rõ rằng mình kém khả năng chống trả bệnh tật nên họ cần đi bác sĩ thường hơn, tự định nghĩa bệnh sớm hơn. Thế nhưng, đến sau 80-85 tuổi, trái lại, đại đa số ít than vì khả năng cảm nhận đau của não thường kém đi so với lúc trước.
Một cách ngắn gọn, mức đau, theo cảm nhận chủ quan, thay đổi tùy theo giới tính, tùy theo giai cấp xã hội và tùy theo hạng tuổi.
Bên ta có câu “công chúa đứt tay như ăn mày đổ ruột”. Mức đau của công chúa thấp hơn mức đau của người hành khất.
Vai trò của văn hóa trong định nghĩa của mức đau
hay trong định nghĩa của một số sự kiện sức khỏe và bệnh tật
Những nhà xã hội học về y khoa tiên phong, tức là vào khoảng thập niên 1960 – 1970 đã khám phá ra nhiều điều thú vị:
. ý nghĩa văn hóa về việc sinh con đẻ cái làm cho các bà mẹ, lúc lâm bồn, diễn tả cái đau khác nhau. Bà mẹ gốc người Ý chẳng hạn, vốn nghĩ rằng nếu trẻ chào đời trong một kỳ sinh khó thì bé sẽ đẹp hơn nên các bà, dù không đau nhiều cũng hét la và than vãn ồn ào với hi vọng, thật tình, là con mình sẽ xinh.
Trái lại, đối với các bà mẹ gốc người Thổ nhĩ Kỳ, sinh con đẻ cái là một bổn phận của người vợ nên các bà cắn răng, can đảm chịu đau, không một lời than.
. những người theo Công giáo chịu đau giỏi hơn những người khác vì đối với họ, đau là một giá trị tôn giáo – Chúa đã chịu đau trên thánh giá – Họ từ chối uống thuốc giảm đau.
. ...
Tương tự như vậy, văn hóa cũng góp phần vào định nghĩa các chứng bệnh.
Tức là bệnh không chỉ có định nghĩa y khoa - khi cơ thể không được cấu tạo hay sinh hoạt bình thường, khi lượng đường trong máu quá nhiều hay khi huyết áp lên cao, ... - mà còn có những định nghĩa văn hóa theo tập tục, truyền thống và trào lưu xã hội.
Thí dụ 1:
Ở trời Âu, dân tình nghĩ rằng phải ngủ tám tiếng mỗi ngày, mất ngủ là phải đi bác sĩ ngay, phải uống thuốc, ... trong khi ngủ nhiều không là một bệnh, còn là ...một hạnh phúc, một may mắn.
Bên ta cũng nói “ăn được ngủ được là tiên, Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”.
Rốt cuộc, đã phải có nhiều chiến dịch giáo dục quần chúng về chứng ngủ nhiều để họ lo tìm bác sĩ trị bệnh này vì ngủ nhiều có hại cho sức khỏe gấp vạn lần chứng mất ngủ! Ngủ nhiều, nhắt là khi cộng vào với hội chứng ngừng thở lúc ngủ, lại có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và làm người bệnh mất trung bình 15 năm tuổi thọ. Đó là chưa nói đến các tai nạn đủ loại mà bệnh ngủ nhiều là nguyên nhân.
Thí dụ 2:
Có những bệnh được cho là bệnh hổ thẹn:
. bệnh lao chẳng hạn vì đó là biểu hiệu của nghèo khổ,
. bệnh đường sinh dục vì khó nói vì nó là chứng cớ của những sinh hoạt ngoài luồng, ... nên một số người bệnh giấu kín, tự tìm cách tự xoay sở và làm cho bệnh nặng thêm hay lây nhiễm cho người bạn đời...
Thí dụ 3:
Hiện nay, dù trầm cảm là một chứng bệnh của thế kỷ và gần một phần tư (25%) dân tình có một lúc nào đó trong đời mắc bệnh trầm cảm. Dân tình vẫn kín đáo giấu bệnh này và không cho người khác biết rằng họ đang được trị bệnh tâm thần.
Thí dụ 4:
Trừ những trường hợp giải phẩu tái tạo chỉnh hình sau một tai nạn hay sau một bệnh nặng đụng chạm đến tròn vẹn cơ thể, nhu cầu làm đẹp là một nhu cầu thuần văn hóa và hoàn toàn không có cơ sở y khoa – thí dụ như xem cái mũi hay gương mặt mình là ... bất thường. Nhiều khi có những can thiệp thẫm mỹ đe dọa cả tương lai “người bệnh” nhưng áp lực của xã hội to lớn đến nỗi những người này thành như mù quáng, bất chấp hiễm nguy, nhờ tới phẩu thuật y khoa.
Tương tự, phải gầy, phải giảm cân, ăn kiêng hay nhờ y khoa hút mỡ, đặt vòng hạn chế dung tích dạ dày để ăn ít đi, ... là những thí dụ khác về định nghĩa những “bất thường” bởi văn hóa, tùy theo trào lưu.
Những thí dụ trên cho thấy là nhân viên y tế cần định rõ người bệnh đang đối diện mình, biết vài cơ sở về văn hóa họ, ... mới có thể trị bệnh họ một cách hữu hiệu và giúp họ tìm được ...thoải mái toàn diện, khỏe theo định nghĩa của OMS.
Thế nhưng thân thể là một bộ máy bằng xương bằng thịt với những tế bào thần kinh giúp ta cảm nhận. Tức là mỗi một trong chúng ta đều có chung, dù văn hóa khác nhau, một loại định nghĩa tối thiểu về bệnh và khoẻ, về vấn đề trẻ và già.
Thành ngữ Âu nói “tuổi của ta được định bởi các mạch máu” - chúng còn co giản đàn hồi tốt thì ta còn khỏe, sau đó là ...coi chừng tai biến tim mạch –
Xã hội học định nghĩa bệnh tật như một lệch chuẩn(déviance)một trạng thái bất bình thường có thể có hại cho cấu trúc, sinh hoạt và sự trường tồn của xã hội, Chính vì thế người bệnh được miễn trách nhiệm thường nhật để nghỉ ngơi, để đi tìm phương thức hay trợ giúp bên ngoài khả dĩ trị được bệnh hầu phục hồi sức khỏe.
Mạnh khỏe gần như là một bổn phận tối cần thiết bắt buộc các thành nhân trong xã hội phải tuân thủ. Để được như thế, các xã hội đều tôn vinh “giai cấp” phù thủy, lang y hay bác sĩ – tùy trình độ tiến hóa của xã hội qua lịch sử – để những người này trị bệnh cho dân tình.
Tuổi thọ: từ lúc nào ta già ?
Xuân hạ thu đông, như bốn mùa trong năm, đời người cũng có thể chia ra làm bốn độ tuổi. Thời niên thiếu, giai đoạn trưởng thành, lúc đứng tuổi và lúc già. Nhưng các mốc tuổi co giản tùy thời, tùy bối cảnh, tùy theo xã hội.
Bên ta, một người qua độ tuổi 60 thì được gọi là «cụ».
Cách đây bốn mươi năm, ở trời Âu, khi một bệnh nhân trên 70 tuổi gặp biến chứng, cần một cuộc mổ quan trọng, nhiều bác sĩ ngần ngại. Hiện nay, người ta còn ghép tim, tức là một can thiệp phẩu thuật nặng, cho các cụ đến 80 tuổi.
Bên cạnh tuổi tác, già hay trẻ còn tùy thuộc trí tuệ, lối suy nghĩ, tâm lý, cách sống và dĩ nhiên, tình trạng sức khoẻ.
Hiện nay, một cách chung chung, ở châu Âu, mùa thu của cuộc đời (troisième âge – độ tuổi thứ ba) bắt đầu từ 65 tuổi cho đến 79, tuổi của những người mà ta gọi là seniors. Lớn tuổi, đã về hưu nhưng còn khỏe. Sau đó, tuổi già, trong nghĩa hẹp, tuổi của bệnh hoạn và mất khả năng tự bươn chải (quatrième âge – độ tuổi thứ tư) là sau 80 cho đến cuối đời.
Vài con số cụ thể về tuổi thọ
Ước tính cho 2013 Việt Nam xếp hạng 72 trên 193 xứ với tuổi thọ trung bình là 75 (nam thì trung bình là 73 và nữ 77).
Các nước đầu bảng Monaco, Nhật, Andorre, Singapour, Hongkong tuổi thọ trung bình hơn 84 hay 85
Các nước cuối bảng, phần đông là ở châu Phi, tuổi thọ chỉ ở khoảng 40.
Bảng ước tính này cho tuổi thọ của các nước trên thế giới cho thấy một sự chênh lệch rất lớn. Giữa tuỗi thọ tính cho Việt Nam so với các nước đầu bảng có sự khác nhau gần 20 năm. Đối với các nước cuối bảng thì độ chênh là 40 năm - một bất bình đẳng rõ rệt.
Các nước châu Phi có một tuổi thọ trung bình thấp tựu chung vì
. tỉ lệ trẻ chết trước một tuổi cao
. số người mắc bệnh SIDA HIV cao
. nước sạch là một vấn đề chưa được trả lời thỏa đáng
. suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng
, và dĩ nhiên cái nghèo cũng là một nguyên nhân
Tuổi thọ cũng là một chỉ số tương đối, là một trong những cấu thành của tình trạng y tế một quốc gia. Tuổi thọ trung bình của dân tình cao là biểu hiệu của một kinh tế phát triển và mức sống cao.
Nhưng tuổi thọ cao của dân tình đồng thời cũng là gánh nặng cho kinh tế. Những năm cuối đời, dân tình cần nhiều dịch vụ y khoa và dịch vụ xã hội. Người già hay bệnh hoạn, những bệnh mãn tính cần phải săn sóc. Người già hết khả năng tự lập, cần có người giúp đở, chăm nuôi.
Vì thế, bên cạnh tuổi thọ, thống kê còn tính số năm sống khỏe.
Khái niệm số năm sống khỏe hay số năm sống không mất khả năngđo số năm một người có thể sống tự lập không bị bệnh mãn tính và có giá trị sống.
Khái niệm này cần để đo tình trạng sức khỏe của dân tình như thước đo khả năng sản xuất kinh tế, và từ đó suy ra giá trị sống, để đo khả năng làm việc của giới lao động lớn tuổi và theo dỏi kết quả của dịch vụ y tế trên lớp người lớn tuổi
Số năm sống khỏe hay tuổi thọ khỏe có những đặc điểm sau:
. cá nhân còn khả năng làm việc
. không bị bệnh mãn tính
. tự cảm nhận có sức khỏe tốt
Dưới góc nhìn của khái niệm này, ở Bỉ, dù nam giới sống thọ kém hơn nữ giới, họ sống trung bình tới 77,2 tuổi trong khi phụ nữ 82,8. nam và nữ giới cùng có tuổi thọ trung bình với sức khỏe tốt tới 65,6 tuổi.
Trong dấu ngoặc, con số này cho thấy là dân Bỉ có lý khi biểu tình chống đối luật dự trù tới năm 2020 sẽ nâng tuổi hưu lên 67 (thay vì 65 như hiện nay) – họ không thể tiếp tục làm việc sau giới hạn tuổi thọ trung bình với sức khỏe tốt .
Đi vào chi tiết hơn ở đây, vị trí xã hội và trình độ học vấn cũng ảnh hưởng rỏ ràng trên số năm sống khỏe: giữa những người có địa vị cao nhất trong xã hội và những người ở mức kém nhất trong xã hội, số năm sống khoẻ có thể khác biệt nhau từ 12 tới 17 năm, tùy nghề.
Thế có nghĩa là tuổi thọ của người có địa vị thấp trong xã hội, với những khó khăn vật chất, tinh thần, ... không những kém hơn, họ lại thường sống những năm cuối đời với nhiều bệnh hoạn hơn.
Tuổi thọ – điều kiện sống và di truyền
Những điều vừa kể trên cho thấy là sức khỏe tùy thuộc nhiều trên trình độ học vấn và giai cấp xã hội. Tức là tùy thuộc vào điều kiện sống.
Tất cả các nghiên cứu về sức khỏe đều nhấn mạnh trên bất bình đẳng về tuổi thọ và rủi ro hay hiểm nguy dẫn đến cái chết.
Tuổi thọ của những người tầng lớp “hạ lưu” kém hơn vì những điều kiện sinh sống hay làm việc khó khăn hơn mà cũng vì họ thiếu văn hóa để săn sóc thân thể họ. Nói theo kiểu Bourdieu, “nhu cầu về sức khỏe là một nhu cầu văn hóa cao”.
Mức đau cao nên ít đi bác sĩ, ít lo ngừa bệnh, chỉ đến nhà thương khi bệnh đã nặng, ... là những lý do làm tổn tuổi thọ.
Xã hội tạo ra những bất bình đẳng. Thí dụ cụ thể mà ai cũng biết là lúc 35 tuổi, trung bình một thợ lao động không chuyên môn ở Pháp, Bỉ, sẽ sống chín năm kém hơn một kỹ sư cũng cùng độ tuổi.
Xin nhắc lại: vì hoàn cảnh cuộc sống của người lao động không chuyên môn khó khăn hơn, vì vốn văn hóa kém hơn, vì mức đau cao hơn, vì ít tiêu dùng các dịch vụ sức khỏe hơn, ...
Nhưng tuổi thọ cũng tùy thuộc vào di truyền.
Một nghiên cứu của ông Picard và cộng sự, Đại học Laval, Canada, cho thấy rằng trên một cộng đồng rộng những cặp sinh đôi ở Bắc Âu, có sự liên hệ giữa tuổi thọ và di truyền: con cái của những người sống lâu có nhiều khả năng, tới phiên chúng, cũng thọ cao.
Nghiên cứu này ước tính rằng di truyền quyết định khoảng 25% trong tuổi thọ của con người. Ảnh hưởng của di truyền, ở các xứ phát triển, gần như không đáng kể trước tuổi 60 vì cá nhân có thể chết bởi tai nạn, bởi những điều kiện sống, ... nhưng sau tuổi đó, phần quyết định của di truyền tăng rõ rệt.
Nhóm nghiên cứu đã nêu tên và chứng tỏ vai trò của một số gènes góp phần cho tuổi thọ.
Với những phát triển của khoa học, có thể một ngày nào đó trong tương lai, chỉ cần can thiệp trên các gènes nói trên để có thể sống lâu hơn hay kéo tuổi thọ xuống thấp hơn để bớt gánh nặng cho xã hội chẳng hạn. Nhưng đó là một vấn đề khác, nằm trên ranh giới giữa khoa học, chính trị và triết lý.
Từ xã hội học sang quản lý: Tại sao cần nghiên cứu về sức khỏe của cộng đồng?
Tất cả chính sách y tế nào cũng cần mô tả, giải thích, dự đoán và kiểm soát tình hình y tế của một cộng đồng. Quản lý sức khỏe cộng đồng là để :
kiểm soát các bệnh truyền nhiễm,
đặt kế hoạch ngừa bệnh
biết những liên hệ giữa bệnh tật và các thành phần xã hội
dự trù ngân quĩ,
đánh giá tầm quan trọng về mặt kinh tế của các bệnh tật,
đánh giá các dịch vụ y tế, phòng chống bệnh tật,
...
Cần các thống kê và nghiên cứu như dụng cụ để quản lý:
Những biến cố của cuộc sống người dân (số sinh, số tử)
những chỉ số sức khỏe về tỉ lệ nguy hiểm chết người, tai nạn đủ loại, số tàn tật, nghiên cứu về tình trạng sức khỏe (khách quan và chủ quan)
hệ thống dịch vụ sức khỏe; số y bác sĩ và nhân viên y tế, bệnh viện
các bảo hiểm sức khỏe và tỉ lệ người được bảo hiểm.
Công tác quản lý sức khỏe cốt để trả lời tốt nhất nhu cầu về khám chửa bệnh của dân tình và đối mặt với tất cả những đe dọa, ... hầu bảo vệ và cải thiện sức khỏe cho mọi người, tăng số năm sống khỏe của dân. Rồi như thế sẽ làm nhẹ bớt gánh tuổi già bệnh tật cho ngân quỹ xã hội.
Thay lời kết luận: Hạnh phúc và sức khỏe
Theo một khảo sát gần đây,35% dân Bỉ tự cho điểm 8/10 về tình trạng thoải mái về sức khỏe của họ.
Sức khỏe là một trong những điều mơ ước đầu tiên của dân tình, là điều kiện cần cho hạnh phúc.
Có sức khỏe mới đi làm được, sức khỏe tốt cho năng suất cao hơn, làm ra lợi tức nhiều hơn, tăng khả năng tiết kiệm tốt và cuối cùng sống tốt hơn.
Hiện ở nước ta, y xã hội học còn nhiều đề tài cần nghiên cứu để giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn các bệnh nhân của họ và săn sóc các bệnh nhân này hữu hiệu hơn, nâng cao tình trạng sức khỏe của cộng đồng.
Trong lúc chờ đợi, ngày xuân, xin gửi lời chúc sức khỏe và sống lâu đến tất cả mọi người.
Tài liệu tham khảo:
Sức khỏe và y xã hội học: Adam Ph.và Herzlich Cl., Sociologie de la maladie et de la médecine, NXB Armand Colin, 2007.
Annandale E., Théorie sociologique et sociologie de la santé et de la médecine dans les revues internationales. Tập san Sciences sociales et santé. Vol. 31, tr. 13-35. 2013.
Carricaburu D. và Ménoret M., Sociologie de la santé. Institutions, professions et maladies. NXB Armand Colin, 2004.
Drulhe M. và Sicot Fr. (chủ biên), La santé à coeur ouvert. Sociologie du bien-être, de la maladie et du soin, Toulouse, PU Mirail, séries: «Socio-logiques», 2011.
Siegrist J.& Marmot M., Social Inequalities in Health. New evidence and policy implications. Oxford University Press, 2006.
cũng y xã hội học, ba tài liệu ... kinh điển:
Boltanski L., Les Usages sociaux du corps. Tập san Annales ESC, XXVI,1,205-233. 1979.
Herzlich Cl. và Pierret J., Malades d'hier, malades d'aujourd'hui. NXB Payot, 1984.
Steudler Fr., Sociologie médicale. NXB Armand Colin, 1972.
Về tuổi già:
Nguyễn Huỳnh Mai, Tuổi già. Văn hóa Nghệ An, số 257, 2013 (xem thêm thư mục của bài này).
Về tuổi thọ và di truyền:
Roy-Bellavance C., Gaudreau P. và Picard F. Génétique du vieillissement trong Genetic of aging Médecine Sciences Amérique vol II, n. 3, déc. 2013.
http://www.msamerique.ca/articles/genetique-du-vieillissement
Về tuổi thọ trên thế giới:
http://fr.wikipedia.org/wiki/Liste_des_pays_par_esp%C3%A9rance_de_vie
hay trang tiếng Việt, sơ sài hơn
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tu%E1%BB%95i_th%E1%BB%8D_trung_b%C3%ACnh
Về những năm sống khỏe:
http://ec.europa.eu/health/indicators/healthy_life_years/index_fr.htm
http://www.belgium.be/fr/actualites/2012/news_esperance_de_vie_bonne_sante.jsp
http://classiques.uqac.ca/contemporains/sociologie_de_la_sante/
Về hạnh phúc và sức khỏe:
Ed Diener Ed., Chan M., "Happy People Live Longer: Subjective Well-Being Contributes to Health and Longevity", Applied Psychology : Health and well-being, vol.3, n° 1, tr 1-43, 03/2011.
http://ec.europa.eu/public_opinion/archives/eb/eb77/eb77_value_fr.pdf
Bréchon P và Gonthier Fr., Les valeurs des Européens: évolutions et clivages. NXB Armand Colin, 2014.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn