Nền tảng của tư duy tích cực
Chào các bạn,
Chúng ta đều biết tư duy tích cực không phải chỉ là một công thức lý luận, như là tam đoạn luận trong luận lý học, mà là một thái độ sống, một thái độ tích cực về chính mình, về con người, về cuộc đời. Nhưng khi học tư duy tích cực thì ta luôn luôn học như là học một công thức suy nghĩ—hãy nhìn nửa ly nước như đầy nửa ly, thay vì cạn nửa ly. Thế thì, phải chăng tư duy tích cực chỉ là một kỹ thuật tâm lý “tự lừa dối mình” (self-deceiving)? Tất cả mọi sự, cứ nhìn với màu hồng, để thấy thế giới màu hồng, thay vì các màu khác?
À, đây là một câu hỏi rất khó trả lời, nếu chúng ta chỉ tin vào, và sống bằng, thế giới ta thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai, và sờ được bằng tay. Nếu ta tin rằng ta chỉ là kết quả tình cờ của phối hợp sinh lý giữa bố mẹ, sống mấy mươi năm trên đời, rồi chết, và hết, thì chắc là không thể nào ta có thể tư duy tích cực được trong cuộc đời đầy mọi vấn đề phức tạp nầy.
Theo mình, đó là một tư duy cực kỳ tiêu cực và là nền tảng của mọi hành động tiêu cực trên đời. Trong lịch sử thế giới cận đại, chúng ta có thể kể đến Stalin và Polpot như là hai tên tuổi lớn đi theo trường phái suy tưởng đó—con người chỉ là những con vật dành giật nhau và cần phải được triệt tiêu hay kỹ luật sắt bằng những hình phạt kinh khủng.
lookingtogod
Tuy nhiên, khi khảo sát những vị thầy về tư duy tích cực của thế giới—Gandhi, Đạt Lai Lạt Ma, Norman Vincent Peale (ông tổ của khoa học tư duy tích cực), Nelson Mandela—thì ta thấy những người nầy đều có một đời sống tâm linh rất mạnh, và đều nhìn thế giới ta sống như là được xây trên một nền tảng tâm linh vững chắc, dù nền tảng đó là Thượng đế, hay ông Trời, hay “the One”.
Và dĩ nhiên, kinh nghiệm sống của riêng ta đóng vai trò quan trọng hơn tất cả, trong việc tìm hiểu căn bản của tư duy tích cực. Làm thế nào bạn có thể thật sự vui vẻ với một người vừa mới gây tổn thương cho bạn, nến bạn không có lòng tin vào nhân quả (tôi bỏ qua cho anh ta, Trời sẽ bỏ qua cho tôi), hay vào Đồng nhất (anh ta và tôi thực ra cũng chỉ là một trong lẽ Đồng nhất của vũ trụ), hay vào Chúa (Chúa muốn tôi yêu anh ta, dù anh ta nói xấu tôi)? Nếu ta không tin vào điều gì sâu xa hơn thế giới vật lý, thì theo ý mình cách hợp lý luận nhất để phản ứng lại hành vi gây tổn thương của một người là gây tổn thương lại cho hắn.
Tư duy tích cực dạy chúng ta suy tư và hành động sâu xa hơn là ăn miếng trả miếng. Tư duy tích cực đòi hỏi chúng ta tin vào một tương lai sáng sủa, vào một công lý vô hình, vào một lý lẽ tích cực xuyên mọi thế giới hữu hình.
reachingforgod
Tôi có thể tích cực và yêu mến anh ta dù là anh ấy đã gây thương tích và thiệt hại cho tôi, bởi vì thượng đế đã sinh ra tất cả chúng ta trong hình ảnh cao đẹp của ngài, và thượng đế muốn tôi yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù.
Tôi có thể từ bi hỉ xả với tất cả mọi người, kể cả phường trộm cắp, vì họ với tôi có liên hệ chặt chẻ với nhau, vì tất cả chúng ta đều chỉ là những cơn sóng phù du của một đại dương “Sự Thật”, và đại dượng đó cũng chính là “Cái Tâm” nguyên thủy của mỗi người chúng ta và là “bản tính” nguyên thủy của vũ trụ.
Tôi có thể tha thứ và nhân ái với tất cả mọi người, kể cả những người xấu xa gian ác, vì Trời sinh ra tất cả chúng ta với “nhân chi sơ tánh bản thiện”, và nếu tôi tha thứ và nhân ái với người, Trời sẽ tha thứ và nhân ái với tôi.
Mình đã suy nghĩ nhiều năm về vấn đề này, và trong truyền thống giáo dục thế tục (secular education) trên thế giới, chúng ta không muốn nói gì ngoài thế giới vật lý mắt thấy tai nghe. Những điều xa hơn là mắt thấy tai nghe, những điều liên hệ đến kinh nghiệm nội tâm sâu xa không minh chứng được bằng các máy đo khoa học, chúng ta gạt bỏ ra khỏi học đường. Vì vậy, nhiều năm nói về tư duy tích cực, mình cũng muốn tránh, không muốn nói đến chiều kích tâm linh.
voiceofgod
Tuy nhiên, kinh nghiệm của chính mình, cũng như các thảo luận mình có với các lãnh đạo kinh tế chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới, cho thấy rất rõ là con người chúng ta không thể thực sự tư duy tích cực nếu không đứng trên một nền tảng tâm linh rất vững, để có một lòng tin rất vững vào bản tánh thiện mỹ nguyên thủy của con người, và vào tình yêu bao la của thượng đế hay từ bi hỉ xả của “bản lai diện mục” của con người.
Chúng ta có thể nói láp nháp và viết láp nháp về tư duy tích cực, có thể nghe rất hay và rất xôm tụ. Nhưng khi phải đối diện với những khó khăn, những bất công, những đau khổ, những áp lực quá sức chịu đựng của con người, khi mà ta chỉ là một con thỏ bị đè dưới cả một quả núi Thái Sơn, lúc đó tất cả lý luận và suy tưởng về tư duy tích cực đều không giúp được gì cả. Lúc đó chỉ có một khiêm tốn thật sự và một lòng tin thật sự, để nói, “Lạy chúa, chúa là đấng chăn dắt con, con không hề lo lắng chi”, hay “Nam mô A-di-đà Phật, con ở trong tay người, con không sợ hãi chi.” Nguồn suối tâm linh đó, chính là cội nguồn thật sự của tư duy tích cực, cội nguồn của sức mạnh nội tâm vô địch, có thể cho con người tầm thường của ta làm được những chuyện phi thường.
Ngoài ra, tất cả những kỹ thuật tư duy tích cực không đặt căn bản trên chiều sâu tâm linh, có thể cho ta tích cực được một tí, khá hơn là tiêu cực hoàn toàn, nhưng chỉ đến một mức hời hợt nào đó mà thôi. Khi khổ đau trở thành quá lớn, khi sức chịu đựng của con người đã kiệt, chỉ có suối nguồn tâm linh mới cho ta sức mạnh để mỉm cười bước vào lò lửa, phi thường như người đi trên nước.
Ngay cả trong đời sống thường ngày, chỉ có suối nguồn tâm linh mới cho chúng ta một tư duy tích cực dịu dàng, không vị kỷ, không đặt trên danh lợi, không bao giờ ngừng, thay vì loại “tư duy tích cực” của người háo thắng, háo danh, háo lợi. Loại “tư duy tích cực” vị kỷ này, mới nhìn bên ngoài thì như là tích cực, vì nó làm cho người ta xông xáo có vẻ rất tích cực, nhưng nó đã có mầm hủy diệt từ bên trong, vì vị kỷ thì chỉ có thể tích cực được với một người–tôi–và tiêu cực với tất cả những ai và tất cả những gì cản bánh xe lăn của “tôi.”
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ thoải mái !
Mến,
Hoành
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn