Bản sonata Kreutzer
Hôn nhân mà không cóc tình yêu thì không phải là hôn nhân và tình yêu đích thực là tình yêu soi sáng hôn nhân!
Vậy tình yêu đích thực là thứ tình yêu như thế nào?
Liệu có phải là một sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó hơn tất cả những người còn lại? Thế thì sự say mê đó kéo dài trong bao lâu? Là vài giờ, vài tháng, vài năm hay cả đời? Nếu cho rằng có người đàn ông yêu người đàn bà nào đó cả đời, thì cái người đàn bà đó chắc chắn sẽ yêu một người đàn ông khác, mọi chuyện vẫn đang diễn ra. Đó phải chăng là thứ tình yêu thể xác?
Còn thứ tình yêu đẹp hơn thì sao, tình yêu dựa trên sự hòa hợp tình thần, thống nhất tư tưởng, có hay không? Nếu là có, thì việc gì con người ta phải ngủ chung với nhau? Vậy thì, hôn nhân chỉ là sự lừa dối dù đã từng tồn tại và vẫn đang tồn tại?
Trong hôn nhân, chồng và vợ cùng nhận lãnh một trách nhiệm có tính hình thức là phải sống với nhau suốt đời, trong khi đó sau một thời gian họ lại muốn bỏ nhau, nhưng cứ phải sống tiếp như thế. Chính vì điều đó mà con người ta đâm ra đầu độc bản thân mình và đầu độc lẫn nhau. Đó là những hồi bi thảm trong cuộc sống hôn nhân.
Sự phóng đãng của con người làm sinh sôi những bệnh tật, con người này tiếp tay cho con người kia thực hiện những hành vi của mình. Trong vòng xoáy điên cuồng đó, kẻ phóng đãng dần dà trở thành kẻ trụy lạc. Những kẻ như thế khi xuất hiện ở một đám đông trong thân hình sạch bóng, mày râu nhẵm nhụi, nước hoa thơm phức… thì lại trở thành biểu tượng của sự trong sạch! Được đón tiếp và hoan nghênh dù người ta biết đối tượng của mình là ai.
Những kẻ trụy lạc lại muốn tìm những cô gái xinh đẹp trong trắng làm vợ, vì như thế mới xứng với mình! Những thiếu nữ bất hạnh bị lừa dối, còn những bà mẹ thì sao? Họ biết hay không?
Phụ nữ bị tước đoạt cái quyền mà đàn ông có, quyền định đoạt, quyền lựa chọn… Để đền bù lại cái quyền đó, họ tấn công vào nhục cảm của đàn ông, dùng nó mà khuất phục anh ta, làm cho anh ta chỉ được lựa chọn về hình thức, trên thực tế thì họ là người lựa chọn! Cái quyền đó có ở khắp nơi.
Thế là người đàn ông bị đánh bẫy, một cái bẫy hoa mỹ với cái tên là đang yêu. Và hôn nhân là bến đỗ tiếp theo, giống nòi được duy trì.
Loài người phải tiếp tục nòi giống để làm gì?
Để có chúng ta.
Chúng ta tồn tại để làm gì?
Để sống!
Thế sống để làm gì?
Nếu như sống chẳng có mục đích nào, nếu như sống chỉ để sống. Nếu như sống có mục đích thì phải chăng cuộc sống phải chấm dứt khi mục đích đã đạt được.
Nếu mục đích sống của loài người là hạnh phúc, là tình yêu, là sự hòa hợp thì dục vọng là cái cản trở con người đi đến với mục đích đó. Trong số những dục vọng thì tình cảm giới tính và tình yêu xác thịt là những thứ vật cản lớn nhất. Qua bao thế hệ, mục đích vẫn chưa đạt được và như thế loài người còn chưa hòa hợp trong yêu thương.
Những người yêu nhau cùng sánh đôi bước tới hôn nhân, bắt đầu những ngày tốt đẹp và cả những điều tồi tệ. Những thứ không hay ho bắt đầu tuôn ra từ người này người kia, ban đầu chỉ coi là sự cố. Tần suất tăng dần, đó không còn là chuyện tình cờ nữa, nó đương nhiên phải như vậy và sẽ còn như vậy. Và, sau những lời tồi tệ dành cho nhau họ lại mỉm cười, ôm nhau… như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Người ta cứ sống như thế, thường xuyên trong đám mây mù để không nhìn thấy tình cảnh thực sự của mình. Họ - những kẻ tội đồ thù hận nhau bị xích chung trong cùng một cái xiềng, đầu độc nhau và cố gắng không nhận ra điều đó. “Người ta có thể sớm biết được trên mặt trời và các vì tinh tú có bao nhiêu sắt và kim loại, nhưng nhìn ra sự vô đạo đức trong cuộc sống của chúng ta thì còn khó lắm.”
Một bản dịch khác: Khúc nhạc mê ly
Trần Văn Điền dịch, Đất Sống xuất bản, 1973
Trần Văn Điền dịch, Đất Sống xuất bản, 1973
Những vấn đề trên của xã hội thượng lưu đã được Lev Tolstoy đề cập đến vào những năm 1889 - 1890 của thế kỷ XIX - cái thời kỳ mà người ta gọi là khủng hoảng đạo đức, cái thời kỳ mà nhà văn luôn bị ám ảnh bởi cái chết và những ăn năn sám hối trong tác phẩm Bản sonata Kreutzer.
Câu chuyện được kể trên một chuyến xe lửa, Pozdnyshev - kẻ giết vợ thuật lại những bi kịch đời mình với một người đàn ông ngồi cùng dãy ghế.
Pozdnyshev là một quý tộc, một phụ giảng ở trường đại học, cũng phóng đãng và trụy lạc như hầu hết thanh niên, đàn ông trong xã hội. Anh ta lấy vợ nhưng không như hầu hết đàn ông còn lại (tiếp tục lối sống phóng đãng sau hôn nhân), Pozdnyshev một mực yêu vợ và tôn trọng giá trị gia đình. Pozdnyshev cứ ngỡ mình cưới vợ vì tình yêu nhưng dần dần hiểu ra tình yêu của anh đơn thuần là dục vọng thể xác. Và cũng như hầu hết những người đàn ông khác, Pozdnyshev luôn bị những cơn ghen tuông giày vò.
Người đàn ông và người đàn bà sau khi kết hôn, sau tình yêu xác thịt là bắt đầu sự thai nghén; họ trở thành cha, thành mẹ của những đứa trẻ. Việc nuôi con, cho con bú được chuyển cho người khác. Sau khi sinh cho Pozdnyshev đứa con thứ 5 thì các bác sĩ yêu cầu người vợ ngừng việc sinh đẻ. Pozdnyshev đi đến kết luận: rồi nàng cũng sẽ có thể từ bỏ một cách dễ dàng như thế trách nhiệm đạo đức của một người vợ!
Sau khi “thoát” được việc mang thai và cho con bú, người vợ bắt đầu ăn diện, trở nên xinh đẹp hơn. Cô bắt đầu mở rộng các mối quan hệ trong xã hội...
Cùng lúc đó, Trukhachevsky - một người bạn hàng xóm của Pozdnyshev sau nhiều năm sống ở nước ngoài mới trở về Nga, anh ta là dân chơi nhạc nghiệp dư, nghệ thuật đưa đẩy Trukhachevsky và cô vợ “dính” vào nhau, họ chơi nhạc cùng nhau. Pozdnyshev lại nổi ghen, Pozdnyshev không thích gã nhạc công kia, không muốn Trukhachevsky xuất hiện ở nhà mình, bên vợ mình nhưng vì lòng tự ái đàn ông Pozdnyshev lại tỏ ra thân thiện, anh ta không muốn mình trở thành kẻ hèn yếu trong mắt mọi người.
Pozdnyshev đi công tác xa nhà vài ngày, với cơn ghen luôn thường trực trong máu, anh ta bỏ cuộc họp, vội vã về nhà. Một số sự cố xảy ra trên đường đi làm lộ trình của anh ta thay đổi, đáng lẽ ra anh ta có mặt ở nhà là 5 giờ chiều thì phải đến 1 giờ đêm anh ta mới về đến. Và Pozdnyshev bắt gặp vợ mình cùng Trukhachevsky ở riêng trong phòng khách nhà mình. Trukhachevsky bỏ chạy, Pozdnyshev dùng dao đâm chết vợ.
Ban đầu tác phẩm có tên là Kẻ giết vợ sau đổi tựa thành Bản sonata Kreutzer. Tác phẩm nêu lên những vấn đề của nhân loại, sư bế tắc của con người với những tội lỗi đã trót gây ra. Anton Chekhov sau khi đọc đã khen ngợi nghệ thuật của tác phẩm khi viết rằng nó đã “khơi dậy suy nghĩ” nơi người đọc.
Bản sonata Kreutzer - một tác phẩm gây xôn xao dư luận từ khi còn là bản thảo, đưa ra những vấn đề chưa bao giờ được nói đến công khai thông qua nghệ thuật mô tả, phân tích tâm lý con người của ngòi bút bậc thầy Lev Tolstoy - nhà tư tưởng vĩ đại kể từ phút giây đốn ngộ với câu hỏi lớn: Đời tôi là gì?
“Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula. Yasnaya Polyana là nơi Tolstoy khởi đầu sự sống của mình, là nơi khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật, là nơi chứng kiến những tìm tòi, những biến chuyển trong nghệ thuật cũng như trong những tư tưởng triết lý, đạo đức của ông, và đó cũng là nơi mà vào đêm 28 tháng 10 năm 1910 ông đã chạy trốn khỏi, từ bỏ tất cả: gia đình, tài sản... để đi trên con tàu vô định đến cái chết khi đã ở tuổi 82 với tên tuổi đã nổi tiếng trên thế giới. Các nhà nghiên cứu Tolstoy đã đưa ra nhiều suy đoán về cuộc chạy trốn khỏi Yasnaya Polyana của nhà văn. Một số người cho rằng đó là do ông không thể chịu đựng nổi cuộc sống chung với người vợ (Sofya) đã gắn bó với ông trong 48 năm. Một số khác cho rằng ông muốn rời bỏ thế giới như những tội đồ trong quá khứ. Lại có người nghĩ rằng nhà văn cảm thấy cái chết của mình đến gần và muốn chạy trốn, dấu mình để chết như một vài loài cầm thú vẫn làm. Bản sonata Kreutzer (1889) thực ra không phải là tác phẩm chống lại Sofya, chống lại phụ nữ, chống lại tình yêu. Ông chống hôn nhân, nhưng thực ra là chống sự phóng đãng và thô bạo của con người đội lốt tình yêu, đội lốt hôn nhân. Ông viết về sự phẫn nộ, giận dữ đã dẫn đến hành động giết người của một người đàn ông. Thực chất, người đàn ông đó phẫn nộ với chính mình, với những tội lỗi đang sống trong chính mình, nhưng nạn nhân của sự phẫn nộ lại là người vợ, người mà anh ta đã chiếm đoạt nhờ vào hôn nhân, người anh ta tưởng đã thành một phần sở hữu vĩnh viễn của mình. Khi nàng đã chết, anh ta mới nhận ra rằng nàng là một con người khác. Anh ta nhận ra sự tồn tại của con người nàng, nhưng hành động bạo lực khủng khiếp của anh ta đã làm mất đi khả năng được nhận ra là con người của chính mình. Đáp lại lời cầu xin "tha thứ cho anh", trên khuôn mặt người vợ trước khi chết chỉ còn biểu hiện lạnh lùng của lòng hận thù. Cuối tác phẩm, khi chia tay với người bạn đồng hành trên chuyến tàu, người đã được anh ta kể cho câu chuyện của mình, thay cho lời "xin từ biệt", anh ta nói "hãy tha thứ". Trong tiếng Nga, từ "từ biệt" và "tha thứ" rất gần nhau. Từ khi cái chết của người vợ đã lấy mất đi của anh ta sự được công nhận và tha thứ, anh phải cầu xin hai điều đó ở cả những người xa lạ. Tolstoy đã viết tác phẩm cho chính mình, cho cuộc đấu tranh chống lại những cái ông cho là tội lỗi, xấu xa trong con người ông. Ông đã ở tuổi 61 khi viết tác phẩm này. Con người ông lúc xế chiều, dù đã có đầy đủ mọi thứ: tài sản, gia đình, vinh quang... vẫn không thể thoả mãn với mình, và cũng chưa bao giờ trong đời ông được thỏa mãn. Mười năm trước Bản sonata Kreutzer, sau thành công của Anna Karenina, ông đã viếtLời xưng tội (1879), chia tay với giai cấp của mình, mà theo ông đã và đang sống ăn bám một cách vô nghĩa, và bắt đầu sống cuộc sống của nhân dân lao động. Mười năm sau Bản sonata Kreutzer, ông hoàn thành tiểu thuyết Phục sinh (1899) viết về một người quý tộc đã chuộc lại tội lỗi của mình bằng cách từ bỏ cuộc sống giàu sang, từ bỏ tài sản, đất đai, để đi qua các nhà tù minh oan cho người phụ nữ ngày xưa từng bị chàng chà đạp và bỏ rơi; đó cũng là chuyến hành hương giữa những con người của đói nghèo, đau khổ để hồi sinh bản thân con người chàng. Thêm hơn mười năm nữa, Tolstoy bắt đầu chuyến hành hương của chính mình, một chuyến đi định mệnh. Ông chuẩn bị cho chuyến đi đó từ lâu, cũng như từ lâu ông đã bàn về cái chết. Ông rời Yasnaya Polyana, để lại cho Sofya bức thư: "... Chuyến đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh xin lỗi vì điều đó... Anh không thể làm khác được... Ngoài tất cả những chuyện khác ra, anh không thể sống lâu thêm trong cảnh xa hoa này. Anh đang và sẽ làm những gì mà những ông già ở tuổi anh thường làm: từ bỏ thế giới này để sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn..." Trên chuyến tàu ra đi, Tolstoy còn muốn đọc Một cuộc đời của Maupassant. Tolstoy chỉ sống có một ngày tự do sau khi rời nhà. Sau đó ông lâm bệnh, được đưa vào ga xép Astopovo, cách Tula khoảng 100 km, và mất ở đó…” - Một mảnh gương của cuộc đời văn hào - Trần Thị Phương Phương |
Nguồn:Sách Hay
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnMãi mãi tuổi hai mươi
21/02/2012Nghẹt thở với "Dấu chân của Chúa"
26/09/2011Song MinhTrần Dần vượt nhiều “ngã tư”, đến sớm nửa thế kỷ
21/06/2011Vi Thùy Linh