Con người rời khỏi châu Phi khi nào?

08:08 CH @ Thứ Hai - 30 Tháng Mười Một, 2015

I. Tài liệu khác nhau đưa tới sự lựa chọn

Bước vào thế kỷ XXI, xuất hiện ba công trình di truyền học khám phá nguồn gốc và sự thiên di của loài người ra khỏi châu Phi:

1. Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Generations in China) của nhóm Y. J. Chu Đại học Texas Hoa Kỳ công bố cuối năm 1998, cho biết:

- Mọi con người hiện nay có tổ tiên duy nhất ở Đông Phi, ra đời khoảng 160 – 180.000 năm trước.

- Người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 60-70.000 năm trước. Tại đây họ gặp gỡ, lai giống và 50.000 năm trước di cư ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người từ Việt Nam đi lên Trung Hoa. 30.000 năm trước, người từ Đông Á qua eo Beringa chiếm lĩnh châu Mỹ.

2. Cuộc hành trình của loài người - một Ođyxê gen (The Journey of Man: A Genetic Odyssey) của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic). Tác giả cho rằng: các luồng di dân bắt đầu giữa 60.000 và 50.000 năm trước. Các du khách sớm theo bờ biển phía Nam của châu Á, tới Úc khoảng 50.000 năm trước. Thổ dân Úc, là hậu duệ của làn sóng di cư đầu tiên ra khỏi châu Phi.

- Làn sóng thứ hai rời châu Phi 45.000 năm trước, sinh sôi nhanh chóng và định cư ở Trung Đông. Khoảng 40.000 năm trước, băng hà bớt cứng rắn, nhiệt độ ấm lên, con người di chuyển vào Trung Á. Trong quá trình thảo nguyên hình thành, họ tăng nhân số một cách nhanh chóng. "Nếu châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại”

3. Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh Trái đất (Out of Eden Peopling of the World- http://www.bradshawfoundation.com) và Cuộc hành trình của con người chiếm lĩnh Trái đất (Journey of Mankind the Peopling of the World- (http://www.bradshawfoundation.com/journey/) của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford Anh quốc, với những nét chính:

- 160.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi.

- Khoảng 85.000 năm trước, một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ - the Gates of Grief rồi men theo bờ phía Nam bán đảo Ả rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này.

- Từ 85.000 tới 75.000 năm trước: Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía Tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới Nam Trung Hoa.

Ba tài liệu trên cùng xác nhận con người xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 160.000 – 180.000 năm trước. Nhưng trong khi công trình 1 và 3 cho rằng, cuộc di cư rời châu Phi diễn ra sớm hơn để con người tới Đông Nam Á 70.000 năm trước và làm nên đại bộ phận nhân loại sống ngoài châu Phi thì công trình 2 nói, có hai lần rời khỏi châu Phi, vào 60.000 và 45.000 năm trước. Đợt di cư thứ hai mới làm nên phần chủ thể của nhân loại.

Do suốt thế kỷ XX không tìm được nguồn gốc dân tộc nên khi các nghiên cứu di truyền xuất hiện, tôi coi đó như phép màu giúp tìm lại cội nguồn. Tuy nhiên, điều phiền hà là, các nhà di truyền đưa ra hai đáp án khác nhau cho cùng một bài toán, buộc phải có sự lựa chọn.

Tôi thấy tài liệu của Spencer Wells “có vấn đề.”

  1. Trước hết, về mặt nguyên lý, việc di cư khỏi châu Phi là chuyện lớn, chỉ xảy ra khi hội được những điều kiện nhất định. Đó là dân số tăng cao, gây sức ép tới môi trường sống, khiến cho dân cư đứng trước lựa chọn “di cư hay là chết.” Do vậy, phát hiện của Stephen Oppenheimer cho rằng phải 50000 năm sau cuộc di cư đầu tiên (135000 năm cách nay) mới có cuộc di cư thứ hai xảy ra 85000 năm trước xem ra có vẻ hợp lý. Trong khi đó, hai cuộc di cư do Wells nêu ra quá gần nhau, tỏ ra thiếu thuyết phục.
  2. Lúc đó, đang trong cái lạnh giá nghiệt ngã của Thời Băng hà, con đường từ Trung Đông vào Trung Á đèo cao dốc đứng khó có thể là lựa chọn của người di cư. Mặt khác, dù có vào Trung Á thì do môi sinh khắc nghiệt, con người chỉ có thể sống trong trạng thái tiềm sinh chứ nơi đó không thể là “vườn trẻ của nhân loại”
  3. Cuộc di cư nào của con người cũng để lại dấu vết. Ngoài dấu vết ghi trên ADN thì cũng còn những dấu tích khảo cố. Con đường sang phương Đông dù sau này bị nước biển che phủ nhưng tại chặng cuối của hành trình không thể không có dấu vết lưu lại. Do suy nghĩ như vậy, tôi đã truy tìm những phát hiện khảo cổ. Rất may là từ thập niên 1970, khảo cổ học đã khám phá bộ xương người Mongoloid ở Lưu Giang Quảng Tây 68000 năm tuổi và cốt sọ người Australoid tại hồ Mungo châu Úc 68000 năm trước. Hai chứng cứ này xác nhận người hiện đại đã tới Việt Nam 70000 năm trước, đúng như khám phá của J.Y. Chu cũng như S. Oppenheimer. Và như vậy, cuộc rời khỏi châu Phi phải xảy ra trước 70000 năm cách nay. Kết luận này không ủng hộ ý kiến cho rằng, cuộc di cư bắt đầu từ 60000 năm trước.

Chính từ suy nghĩ như vậy, tôi loại công trình của Wells khỏi tài liệu tham khảo.

II. Nguyên nhân thất bại của Spencer Wells

Đó là sự lựa chọn mà tôi buộc phải thực hiện vào năm 2005 khi bắt đầu khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt. Thời gian 10 năm đến hôm nay cho thấy sự chọn lựa như vậy là chính xác. Ngày càng có thêm nhiều chứng cứ không ủng hộ công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey. Cùng với việc phát hiện di cốt người Homo sapiens 68000 năm trước tại Lưu Giang Trung Quốc và hồ Mungo nước Úc, đã có thêm bằng chứng cho thấy người hiện đại xuất hiện ngoài châu Phi trước 60.000 năm cách nay, là thời điểm bắt đầu cuộc di cư theo như công bố của Spencer Wells.

Trong bài viết Lao skull earliest example of modern human fossil in Southeast Asia(Sọ Lào, hóa thạch sớm nhất của người hiện đại ở Đông Nam Á) http://www.news.illinois.edu/news/12/0820skull_LauraShackelford.html, nhà nhân chủng học Laura Shackelford, Giáo sư Đại học Illinois Mỹ cho biết, năm 2009, nhóm của bà phát hiện một sọ người hóa thạch tại hang Tam Pa Ling (hang Khỉ) trên dãy Trường Sơn thuộc Bắc Lào. Qua quá trình khảo sát tới năm 2012, đưa ra kết luận:

- Đó là sọ người hiện đại Homo sapiens có tuổi từ 46.000 đến 63.000 năm, sớm hơn những cốt sọ tìm thấy ở Đông Nam Á 20.000 năm.

- Phát hiện này viết lại lịch sử di cư của con người tới Đông Nam Á.


Sọ cổ ở Lào

Mới đây, nhóm nhà khoa học Đại học Luân Đôn nước Anh vừa công bố trên tạp chí Nature danh tiếng bản tin làm chấn động thế giới. “Đó là việc phát hiện 47 răng người hiện đại Homo sapiens có tuổi 80000 năm ở Động Phúc Nham, huyện Dao, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Niên đại này sớm hơn 20 ngàn năm so với thời di cư "Ra khỏi Phi châu" (Out of Africa) vốn là cột mốc được thừa nhận rộng rãi. Giáo sư Chris Stringer từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London nói kết quả nghiên cứu mới là "điều làm thay đổi cuộc chơi" trong cuộc tranh luận về chuyện con người đã di cư đi các nơi như thế nào…”

Như vậy, sau khi cùng thừa nhận, người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại quê hương duy nhất là châu Phi thì mặc nhiên, người ở Bắc Lào hay Hồ Nam Trung Quốc cũng chỉ có thể từ châu Phi di cư tới. Và như vậy, cuộc di cư khỏi châu Phi trên thực tế đã diễn ra 20.000 năm trước thời điểm mà Spencer Wells ấn định (60.000 năm cách nay). Rõ ràng, với những phát hiện khảo cổ này, công trình của Spencer Wells không còn đứng vững. Thực tế này cũng mặc nhiên bác bỏ đề xuất của nhà di truyền học Mỹ cho rằng, tất cả con người sống ngoài châu Phi hôm nay là hậu duệ của người đàn ông duy nhất sống tại châu Phi 60.000 năm trước!

Răng người Động Phúc Nham 80.000 năm trước (ảnh NewsScience)

Ta biết rằng, The Journey of Man: A Genetic Odyssey là một phần của Dự án vẽ bản đồ gen người của National Geographic, một dự án lớn, có ngân quỹ lên tới 40 triệu USD nên được tập trung những phương tiện nghiên cứu tối ưu cùng những chuyên gia hàng đầu. Cũng do vậy, tài liệu này được tin tưởng và trở thành nguồn tham khảo của nhiều giới khoa học quốc tế. Một số nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước đã lấy công trình của Spencer Wells làm tài liệu tham khảo chính cho nghiên cứu của mình. Dựa vào Spencer Wells, có tác giả kịch liệt phản bác ý kiến của tôi cho rằng người từ châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước, bởi lẽ: “Không thể có chuyện ông tổ đang ở châu Phi mà con cháu đã lang thang ở châu Á.”Không có chuyện người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục 40.000 năm trước.” “Người Mongoloid hoàn chỉnh chỉ ra đời 10.000 năm trước.” Và “Người Mongoloid phương Nam sinh ra người Mongoloid phương Bắc …

Rút kinh nghiệm về sự thành công hay thất bại của mỗi công trình khoa học là cần thiết trên con đường học khôn của nhân loại. Do vậy cũng cần tìm hiểu nguyên nhân thất bại của công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey.

Tôi cho rằng, là người trẻ tuổi, do hạn chế về tri thức cũng như tầm nhìn văn hóa, Spencer Wells thuộc type người duy kỹ thuật,chỉ thực hiện công trình của mình duy nhất theo di truyền học. Đó là việc tận dụng tối đa ưu thế kỹ thuật hiện đại để truy tìm dấu di truyền (genetic marks) hòng xác định con đường di cư của loài người. Tuy nhiên, do cuộc thiên di diễn ra quá dài theo thời gian, quá rộng trong không gian và bao gồm quá nhiều cuộc hành quân khác nhau khiến cho lộ trình di cư đen xen nhau nên dấu vết di truyền (genetic marks) bị nhiều xáo trộn, khiến cho con đường thiên di trở thành mê lộ khó lần ra dấu vết thực sự. Do thiếu kiến thức sơ đẳng về khảo cổ học phát hiện Homo sapiens có mặt 68000 năm trước tại phương Đông nên khi thấy những genetic marks xuất hiện ở bán đảo Arap 60.000 năm trước, S. Wells đã vội cho là dấu vết của cuộc ra đi đầu tiên. Cũng vậy khi cho rằng những marks xuất hiện ở Trung Đông 45000 năm trước là kết quả của cuộc rời châu Phi lần hai! Từ đó sai lầm tiếp tục dẫn tới sai lầm… Cho rằng cuộc rời châu Phi 45000 năm trước qua Trung Đông tới Trung Á là cuộc di cư quan trọng nhất, làm nên đa số người sống ngoài châu Phi là kết luận trái với thực tế. Ngược lại, chính dòng người tới Đông Nam Á 70000 năm trước đã chiếm lĩnh Hoa lục rồi 40000 năm trước họ từ Đông Á qua Trung Á vào châu Âu, góp phần làm nên người Eurasian tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15000 năm trước, người Eurasian từ châu Âu ngược con đường xưa, qua Trung Á, tiến về phương Đông…

So với Spencer Wells, Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford có phong cách làm việc khác hẳn. Là ông già từng trải, có nhiều năm sống trên các đảo Nam Thái Bình Dương, hiểu thấu con người và lịch sử phương Đông. Là tác giả cuốn sách quan trọng Eden in the East… nên khi khảo sát lộ trình rời châu Phi của con người, ông không chỉ dựa trên genetic marks mà căn cứ vào toàn bộ vốn văn hóa lớn lao của mình. Ông hiểu rằng, ngoài genetic marks, còn phải tìm con đường ra khỏi châu Phi qua truyền thuyết, huyền thoại, qua tiếng nói, qua những dấu vết văn hóa nối kết con người theo hành trình di dân. Và một trong những căn cứ vững chắc của ông là di cốt Homo sapiens 68000 năm trước. Từ đó ông tìm ra vết tích genetic marks con người có mặt ở Việt Nam 70000 năm trước. Không chỉ vậy, những bằng chứng khảo cố học cũng giúp ông phát hiện cuộc di cư bất thành của con người diễn ra vào thời điểm 135000 năm trước… Kết quả là S. oppenheimer đã đúng khi xác định thời điểm di cư khỏi châu Phi 85000 năm trước. Do vậy nên hôm nay, việc phát hiện răng người ở Động Phúc Nham khiến cho công trình The Journey of Man: A Genetic Odysseysụp đổ thì Out of Eden Peopling of the World của S. Oppenheimer vẫn vững như bàn thạch. Cùng rời địa đàng 85000 năm trước, trong khi phần lớn dòng người tới Đông Nam Á sau hành trình 15000 năm thì cũng bình thường khi có nhóm người lên chuyến tàu nhanh, chỉ mất 5000 năm! Theo nguyên lý di truyền học, ta biết rằng, vì nguyên do nào đó, nhóm người tiên phong chiếm Động Phúc Nham, cũng như biết bao nhóm xấu số khác, bị tuyệt diệt nên không để lại genetic marks trong dân cư phương Đông hôm nay. Do vậy các nghiên cứu di truyền người hiện đại đã không biết tới họ. Trong khi đó, những người tới Đông Nam Á 70000 năm trước đã làm nên dân cư phương Đông hôm nay.

III. Kết luận

Con người rời châu Phi 85000 năm hay 60000 năm trước là chuyện của các nhà khoa học, dường như không quan hệ gì tới cuộc sống bình thường của nhân loại hôm nay. Tuy nhiên, với người Việt Nam, những con số vô hồn ấy lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nếu cuộc ra đi 60000 năm trước và theo lộ trình như Spencer Wells đã vạch, chúng ta khó lòng tìm được tổ tiên của mình. Hay nói cách khác, tổ tiên chúng ta sẽ lẫn với đòng người từ Trung Á tới Tây Tạng, vào Trung Quốc rồi xuống Việt Nam. Với dòng chảy di truyền như vậy, cố nhiên những kết luận từ thế kỷ trước: “Người Việt chỉ là đám Tàu lai. Văn hóa Việt chỉ là sự bắt chước văn hóa Tàu chưa hoàn chỉnh” mặc nhiên được khẳng định. Còn khi cuộc ra đi bắt đầu 85000 năm trước, theo lộ trình mà J.Y. Chu và Stephen Oppenheimer đề xuất, vấn đề sẽ khác: Việt Nam là nơi phát tích, là vườn trẻ của phần lớn nhân loại, là cái nôi của nền văn hóa kỳ vĩ phương Đông…

Rất mừng là con đường phương Namlà lựa chọn đúng. Với con đường thiên di như vậy, lịch sử phương Đông, lịch sử Việt Nam đã được viết lại. Chỉ vài năm trước thôi, có học giả Trung Quốc còn khẳng định việc phát hiện người Arian từ phía Tây xâm nhập làm nên dân tộc Trung Hoa là phát kiến vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại ở thời hiện đại. Một học giả lão thành kiên trì quan điểm: “Tổ tiên chúng tôi là người Chu Khẩu Điếm.” Nhưng nay, gió đã đổi chiều. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng thanh ca lớn: người từ châu Phi di cư tới thềm Nam Hải, làm nên dân tộc Trung Hoa. Người Hán là trung tâm của Bách Việt. Việt Nam là đám ly khai khỏi trung tâm nên lạc hậu dốt nát, là lãng tử phải được dạy dỗ đề hồi đầu! Một lần nữa, lịch sử lại bị xuyên tạc, lại bị chiếm đoạt.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách tiếp cận các công trình nghiên cứu Nguồn gốc dân tộc

    16/04/2015Việt Nhân & Lê An ViViệc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết...
  • Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba

    20/02/2015Hồ Trung TúTruy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp...
  • Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc

    31/07/2014Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc...
  • Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức

    10/07/2014Trần Trọng DươngCuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách...
  • Đi vào các bản kinh cổ Pali để tìm hiểu nguồn gốc con người

    12/10/2013Nguyễn Quốc BửuLuận thuyết tiến hóa của Darwin cho rằng loài người tiến hóa từ loài vượn nhưng hiện nay luận thuyết ấy đang lung lay đến tận gốc rễ. Chưa ai dám chắc chắn rằng con người tiến hóa từ loài vượn. Hàng ngày, khắp nơi trên thế giới càng có nhiều công trình nghiên cứu, cả về khoa học lẫn tâm linh đều phản bác lý thuyết trên.
  • Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

    21/09/2013Trần Đăng SinhThờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử - xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt tốt của hiện tượng này là ở chỗ, nó nhắc thế hệ những người đang sống phải nhớ đến nguồn, “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Sự thanh cao, tinh khiết của nó đã trở thành đạo lý, lẽ sống, trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc. Song, nó cũng là sự phiền toái, nặng nề khi mang màu sắc mê tín, dị đoan, vụ lợi.
  • xem toàn bộ