Không hơn gì nhau câu nói
Trong đời sống, vẫn thường xuyên tự nhắc nhở mình theo triết lý Phật: thiên hạ có nói sai về ta, hiểu nhầm ta, ta cũng không việc gì phải đôi co, nói lại. Không hơn gì nhau câu nói.
Lối nghĩ ấy chuyển hóa thành lối sống thì cũng nhẹ người. Đời sống vì thế cũng thanh thản. Nhưng rồi xem ra mình cũng chưa phải là người đã giũ được bụi trần. Thành ra lối nghĩ ấy khiến nhiều phen bỏ qua được điều A thì điều B hệ quả lại phiền lòng, gây tức bực.
Cách đây khoảng dăm năm, một cô phóng viên đến phỏng vấn, tôi vốn cẩn thận, chỉ chấp nhận bằng văn bản. Tức là cô email cho tôi một chùm câu hỏi, tôi viết trả lời rồi email lại cho cô. Tưởng thế đã là an toàn, nhưng không. Cô đã cắt xén những câu trả lời của tôi theo hướng ý tứ bị sai lệch. Còn hơn thế, cô dựng hẳn cả một câu hỏi và đáp, trong đó tôi hùng hồn tuyên ngôn về việc mình được coi là “cấp tiến” như thế nào. Nói là hùng hồn thế thôi, đấy thực ra là một câu hỏi (của cô) và câu đáp (cái gọi là của tôi) thực sự ngô nghê, chả ra lý sự gì. Tôi đã định phản ứng thẳng với tòa soạn, rồi nghĩ cô đang đi làm hợp đồng cho báo. Mình gây động, chả may cô bị nghỉ việc. Rồi lại tự an ủi, đằng nào thì bài phỏng vấn cũng đã gây hiểu nhầm, ta làm sao đi gặp cho hết được mọi người mà thanh minh? Cũng chẳng việc gì phải nói lại, ai hơn gì ai câu nói.
Bài phỏng vấn sai lệch trên kia tưởng rằng xếp lại lâu rồi, nhưng gần đây, nhân một bài báo mạng đăng bài mới, thế là bài cũ thuộc diện “các bài liên quan” xuất hiện trở lại trong một đường link rất to tát là “những quan niệm về văn chương”. Có nghĩa là cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Anh tưởng cái sai ấy đã nằm yên dưới ba thước giấy thì nó vẫn có cơ một ngày được khai quật lại.