Không thể ngừng lại đến khi kết thúc khi đã đọc Bộ tiểu thuyết lịch sử của tác giả 8x

09:37 CH @ Thứ Năm - 14 Tháng Mười Hai, 2017

Hơn 2.000 trang của bộ tiểu thuyết lịch sử Hồ Dương – Vũ tịch – Thiên hạ chi vương của tác giả trẻ Trường An viết về những lát cắt trong triều đại cuối cùng của lịch sử Việt Nam: Triều Nguyễn. Đó là một giai đoạn có nhiều “điểm mờ” trong lịch sử, và cho đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều về các nhân vật triều Nguyễn...

Xuất bản từ tháng 8/2017, bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Dương – Vũ tịch – Thiên hạ chi vương đã gặp những phản hồi nhiều chiều, đó là điều hết sức bình thường đối với một tác phẩm văn học nói chung, một tác phẩm văn học đề cập đến các nhân vật lịch sử nói riêng.
Tác phẩm Thiên hạ chi vương viết về ba vị chúa của “hiện tại và tương lai” Nguyễn Phúc Thuần, Phật vương Xiêm La, Nguyễn Phúc Ánh tình cờ gặp nhau trong một chiều mưa se sắt lạnh. Họ đối mặt nhau trong oán thù, trong những nỗi niềm ai oán của cõi nhân sinh dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ đều là những con người rất bi ai.

Ba con người ấy từng bên nhau trong những ngày tháng loạn lạc để rồi vận mệnh xé toạc số phận và trao cho mỗi người trọng trách của một dân tộc, của một dòng tộc trước sự vận hành cuồn cuộn của lịch sử lúc bấy giờ. Từ buổi gặp gỡ tình cờ trong chiều mưa Nam Hà, vận mệnh đã rẽ hướng và đặt gánh nặng sơn hà lên những đôi vai thiếu niên non nớt. Từ đây, họ buộc phải có trách nhiệm với vong linh những người đã mất và những người đang sống. Từ đây, họ buộc phải gieo mình vào những thế cờ kì quái của vận số. Và trong tất cả những mù quáng và gian trá, trong vòng xoay quay cuồng của chém giết và tranh đoạt, tất cả những gì còn lại là nỗi đau. Phải chăng, với họ, cái giá phải trả chính là sống – sống sau tất cả những trầm luân thống khổ của cuộc đời.
Tóm gọn trong cái nhìn đại cục, Thiên hạ chi vương chính là lời giải đáp xác đáng cho những ẩn số cuộc đời của hoàng đế Gia Long – vị vua dựng nghiệp của vương triều cuối cùng tại Việt Nam.

Với tác phẩm Vũ tịch, đọc Vũ tịch như đang xem một vở kịch nhiều màn, nhiều lớp. Lật mở mỗi chương truyện là những câu chuyện sâu kín buồn thảm chưa bao giờ được kể. Đó là những vương triều hình thành rồi tuyệt diệt. Đó là những đêm cô tịch, lặng yên của hoàng thành hoa lệ. Đó là những bông hoa đào vừa nở đỏ rực đã vội cháy thành tro. Đó là những đứa trẻ sinh ra trong nhà đế vương phải mang trách nhiệm với thời cuộc và gánh chịu cực hình tàn khốc cho tội lỗi, cho ân oán của tiền nhân.

Tiếp đến, với hơn 1500 trang tiểu thuyết Hồ Dương (gồm 2 tập), độc giả sẽ cảm nhận được, ở một mạch ngầm sâu hơn, xuyên suốt tiểu thuyết không chỉ gói gọn trong những yêu thương tình nghĩa cá nhân mà còn gắn chặt với công cuộc phục hưng đế nghiệp của nhà Nguyễn tại Gia Định – mảnh đất rách nát, hoang tàn sau biết bao cuộc binh biến trong ngoài nước.

Thẫm đẫm nhân văn, đề cao trượng nghĩa, bộ tiểu thuyết dã sử Hồ Dương của nữ nhà văn Trường An đã mạnh dạn đưa ra một góc nhìn mới mẻ hơn, toàn diện hơn về cuộc nội chiến khốc liệt Tây Sơn-nhà Nguyễn; cũng như những mất mát khôn tả của những chứng nhân ngày ấy để thống nhất toàn cõi Việt Nam. Họ – những con người được hun rèn trong khói lửa. Họ – dù là vị chúa thất thế hay anh võ biền nông dân cũng đều chung lý tưởng, chung gánh nặng xã tắc. Cùng nhau, họ viết nên khúc tráng ca bi hùng. Cùng nhau, họ xây dựng non sông này.

Trong những năm tháng đó, ai đúng ai sai không còn quan trọng, chỉ là họ đã không một giây phút nào từ bỏ việc hàn gắn những mảnh vụn của đất đai, con người… để hồi sinh đất nước. Hồi sinh để vỗ về sự hi sinh tột cùng của những người đã ngã xuống, để trả lời cho câu hỏi đầy hoang mang của con trẻ trong suốt những ngày tháng đau thương.

Tác giả Trường An tại buổi giao lưu

Tác giả Trường An, bằng bút lực dồi dào, lòng nhiệt tâm và sự dày công nghiên cứu đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh của thời đại chiến chinh; cắt nghĩa tường tận những suy tư, trăn trở của bao số phận người trước sự biến thiên khôn lường của thời gian và lịch sử. Bằng bút pháp hiện đại, đầy sáng tạo, tác giả đã thổi vào tác phẩm một luồng gió tươi mới, cuốn hút độc giả đi theo từng chương của cuốn sách với tâm thế của người thưởng lãm văn học để cảm nhận một cách thấu đáo sự tinh tế, sâu sắc, mới mẻ và đa chiều về thời cuộc cũng như con người lúc bấy giờ.


Tác giả Trường An: ‘Lịch sử ghi chép rất lạnh lùng’

(Thu Hiền, Zing News)

Theo Trường An, lịch sử chỉ ghi chép số liệu một cách khô khan, nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết lịch sử là phải thêm da thêm thịt cho nhân vật, số phận.

.
Mới đây, ba tiểu thuyết lịch sử Thiên hạ chi vương, Hồ DươngVũ tịch của tác giả 8X Trường An ra mắt bạn đọc. Nhân dịp này, Trường An trò chuyện về công việc viết lách, về chuyện người trẻ viết tiểu thuyết lịch sử và sự đón nhận của độc giả đối với thể loại này.


Ba tiểu thuyết lịch sử mới ra mắt của tác giả Trường An.

Từ văn học mạng tới xuất bản sách

- Chị bắt đầu viết văn từ khi nào?

- Tôi viết từ khi học lớp 5, có truyện cực ngắn trên báo Nhi Đồng.

- Vậy từ khi nào chị xác định viết chuyên nghiệp?

- Thậm chí tới năm ngoái tôi vẫn không xác định sẽ viết văn chuyên nghiệp. Bởi toàn bộ những cuốn sách này đều được tôi viết trên mạng thôi.

- Chị đăng tải các tác phẩm của mình ở đâu?

- Tôi viết trên mạng và đăng tải trên forum, rồi tôi tạo blog riêng cho mình để đăng tải tác phẩm.

Ban đầu tôi viết fan fiction, viết tiểu thuyết tình cảm, sau đó mới viết tiểu thuyết lịch sử.

- Đang viết ở những dòng văn chương mà biên độ hư cấu mở ra tối đa, vì sao chị lại chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử?

- Chọn tiểu thuyết lịch sử trước tiên là có duyên. Ban đầu tôi thích một nhân vật lịch sử có tên Lê Ngọc Bình (1785-1810, còn gọi Lê Đức Phi, là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành hoàng hậu nhà Tây Sơn, sau đó là phi tần của vua Gia Long). Sau đó tôi tìm hiểu về nhân vật và viết dần ra.

Vậy là tôi đã viết trên mạng và viết tiểu thuyết lịch sử hơn 10 năm nay rồi.

- Điều gì khiến chị duy trì việc viết và đăng lên mạng như thế?

- Có lẽ viết là cách giải tỏa tinh thần. Có những người không viết là không chịu được vậy. Một câu chuyện ở trong đầu mình, mình cần phải viết nó ra. Câu chuyện nào mà tôi đã bắt đầu thì phải viết. Nếu không viết có thể bứt rứt.

Nhưng khi bắt tay vào viết thì rất nhanh, khoảng thời gian mình nghĩ về nó nhiều hơn thời gian viết.

Có khoảng thời gian cả tuần ngày nào cũng viết, nhưng có khi mình viết rồi lại ngưng một khoảng thời gian sau đó mới viết tiếp.

Bốn năm nay, tôi chỉ hoàn thành cuốn Ngoài bờ đông là mặt trời thôi, chứ chưa viết thêm một cuốn nào mới. Ba tác phẩm mới ra mắt đều là những cuốn tôi viết từ 10 năm trước.

- Đăng tải tác phẩm trên mạng, chị nhận được phản hồi như thế nào từ độc giả?

- Độc giả của tôi phần lớn là người trẻ nên họ cởi mở. Họ không cảm thấy viết như này là đang đả phá cái gì hoặc chê bai cái gì. Họ cởi mở tiếp nhận chuyện đó.

- Chị nhận được ích lợi gì từ việc viết và đăng tải tác phẩm lên mạng?

- Tốn tiền duy trì cái web đó (cười). Tốn tiền mua hosting, domain.

- Không viết thì bứt rứt khó chịu, vậy khi viết xong tinh thần của chị thế nào?

- Những câu chuyện tôi chọn toàn là bi kịch. Viết đến đoạn cuối tâm trạng thường rất nặng nề. Bởi vậy khi hoàn thành thì cảm thấy nhẹ nhàng, không biết có nên dùng từ nhẹ nhàng trong hoàn cảnh này không nữa. Bởi viết bi kịch xong, có khi tâm trạng mình cũng chìm luôn, có những tác phẩm viết xong mà cần đến nửa năm tôi mới hồi phục tinh thần lại.

- Dường như tác phẩm chi phối lớn tới tinh thần người viết?

- Đúng rồi, vì số phận những nhân vật tác động tới tinh thần của mình quá lớn.

- Số phận đó là số phận nào? Số phận của nhân vật mà chị thấy trong lịch sử, hay số phận do chị tạo ra?

- Mình tạo ra, thì nó mới tác động lên mình chứ.

- Để tạo nên những số phận đó, chị phải tìm nguồn tư liệu như thế nào?

- Sử thời Nguyễn viết rất chi tiết. Đọc Đại Việt Sử kýso với Đại Nam thập lục sẽ thấy Đại Nam thập lục chi li tới từng chi tiết. Nếu nói hư cấu, thì mình chỉ cần hư cấu theo mạch của họ thôi thì nhân vật đã hiện ra rất rõ rồi.

Nhưng nhân vật đó trong hoàn cảnh đó sống như nào, dân tình ra sao… thì mình phải thêm da thêm thịt vào cho họ. Rồi ghi chép lịch sử rất lạnh lùng, mình phải tưởng tượng ra nhân vật này nói như này, nhân vật kia nói như khác… theo tính tình của họ thì họ sẽ phản ứng ra sao.

- Vậy còn không khí thời đại như trang phục, ăn ở, lời thoại, văn hóa thời đó… thì chị xử lý ra sao?

- Thật ra, tôi không chú trọng tiểu tiết kiểu hôm nay anh ấy thắt cái dây màu đỏ hay cột lên vai như nào. Nhưng những chi tiết kiểu phục trang như thế này, cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức lật ngược lại hầu hết hiểu biết về trang phục người Việt cổ, thậm chí trang phục đầu thời Nguyễn cũng khác với cuối thời Nguyễn.

Nếu viết mà quá chú tâm vào những chuyện đó, thì một là tư liệu về trang phục Việt Nam ít, hai là phức tạp, ba là dễ sai, thời này dễ lạc sang thời khác.


Tác giả Trường An. Ảnh: Tần Tần

Trước tiên phải tôn trọng lịch sử

- Có những quan điểm khác nhau về viết tiểu thuyết lịch sử. Có ý kiến cho rằng viết phải đúng, chuẩn lịch sử không được quá hư cấu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng là tiểu thuyết nên có thể tha hồ để trí tưởng tượng về các nhân vật, thời đoạn lịch sử tha hồ bay nhảy. Chị theo quan điểm nào?

- Tiểu thuyết lịch sử trước tiên nói về lịch sử. Lịch sử trước tiên là ngành khoa học. Nó phát triển theo nhiều các nguồn tư liệu mà họ khám phá ra từ nhiều ngành khác nhau như xã hội học, nhân chủng học… Các nhận định của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, đó là điều bình thường.

Kể cả nhận định của mình ở ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Mình có thể phê phán người viết sử thời trước là viết sai, chủ quan, nhưng ngược lại mình lại ôm khư khư cái nhận định của mình. Như vậy là không tốt. Mình đúng hết, người trước sai, người sau sai, như vậy không được.

- Như vậy, viết tiểu thuyết lịch sử là mình chỉ cần quan tâm tới câu chuyện của mình, chứng minh cho câu chuyện của mình, và làm sao để độc giả thấy câu chuyện của mình là thuyết phục?

- Trước tiên là phải tôn trọng, viết đúng lịch sử đã. Ví dụ, nếu có chi tiết này đưa vào truyện cảm thấy nó rất ngược nhân vật của mình chẳng hạn. Thì một là mình phải tìm cách lý giải nhân vật của mình, xem tại sao lại hành động vậy, hai là mình phải đảo ngược lại toàn bộ nhân vật mà mình tạo ra.

Chứ tuyệt nhiên mình không phải thấy chi tiết trong lịch sử và nhân vật của mình ngược nhau mà giấu ém nó đi. Làm như vậy mọi người biết người đọc sẽ thấy mình đang xạo. Hai là mình cảm thấy mình rất bứt rứt với cái chuyện ấy.

- Quá trình viết có chi tiết nào làm khó chị không khi sự kiện lịch sử đi ngược lại với cá tính nhân vật chị đang xây dựng?

- Trong ba tiểu thuyết của tôi đều có nhân vật Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh của tôi có phần mềm mại hơn Nguyễn Ánh trong lịch sử. Càng về cuối đời, ông ấy càng có tính sát phạt lớn hơn. Quần thần của ông ấy xuất thân rất nhiều thành phần, nhiều mục đích.

Ông ấy khống chế quần thần của mình. Thường ngày ông ấy hòa nhã, thân thiện, nhưng khi nổi giận thì lại rất ghê gớm. Nên tôi vẫn duy trì cả hai tính cách, khi hòa nhã thì ông ấy vẫn hòa nhã, khi sát phạt thì ông ấy sẽ sát phạt.

- Trước khi viết bốn tác phẩm này, chị đã lên khung cho bộ sách không?

- Tôi viết lịch sử thì đi theo dòng lịch sử, nhân vật phản ứng theo lịch sử đó.

Tác giả Trường An ký tặng bạn đọc Hà Nội.

Lịch sử là mảnh đất phong phú cho người viết sáng tạo

- Khi viết tiểu thuyết lịch sử chị thấy khác gì khi viết tác phẩm tình cảm?

- Lịch sử thì con người phong phú hơn viết tình cảm. Viết tình cảm thì mình viết rất cá nhân, còn viết lịch sử thì mình phải tôn trọng lịch sử, tính cách cá nhân của con người trong lịch sử đó.

- Tức là viết tiểu thuyết tình cảm sẽ hạn chế sáng tạo, hư cấu của mình?

- Hư cấu thì mình vẫn phải hư cấu. Cuộc đời của họ, tình yêu của họ hoàn toàn ở mình, nhưng tính cách đó mình vẫn phải tôn trọng, chứ không phải người ta giết người xong thì mình lại nói họ hiền như bụt được.

- Vậy viết tiểu thuyết lịch sử có khó hơn viết tiểu thuyết tình cảm?

- Tôi cảm thấy viết tình cảm khó chứ. Viết tình cảm thì đời sống cá nhân của mình ít phong phú, hiểu biết của mình khó diễn đạt. Tình cảm hiện đại thì ai cũng thấy, ai cũng có. Còn lịch sử thì người ta có thể nhìn trong khía cạnh lịch sử.

- Ồ, nhiều người vẫn cho rằng viết hư cấu hoàn toàn về tình cảm thì dễ hơn viết lịch sử đấy...

- Nhưng viết tình cảm khó hay. Mình viết tình cảm của mình mình thấy hay, lâm li bi đát, nhưng người ta đọc người ta thấy lãng xẹt thì sao?

- Tức là với tiểu thuyết lịch sử thì chị thấy thoải mái tung tẩy trong mảnh đất đó?

- Lịch sử nói chung là rất phong phú để viết. Nếu không thích viết về chiến tranh thì mình viết về tình yêu, nếu không thích viết về tình yêu, thì mình có thể viết về cung đấu.

- Chị nghĩ như thế nào về những cây bút trẻ đang viết tiểu thuyết lịch sử hiện nay?

- Họ rất trẻ và đang đi tìm hướng của mình. Và tôi thấy nhiều khi độc giả quá khe khắt với họ. Nước mình, những cuốn được gọi là kinh điển thì lối viết đã cũ rồi, không còn hấp dẫn độc giả trẻ. Họ muốn tìm một lối viết mới...

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 'Kim thiếp vũ môn': Ranh giới thực hư trong tiểu thuyết lịch sử

    16/05/2017Gia Hạ"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn"...
  • Tu Bụi: Cuộc hành trình tìm lại chính mình

    28/02/2016Nghiêm Xuân CườngNgười đọc có cảm tưởng đang xem một cuốn phim chầm chậm quay đưa mình đến những khung trời xa lạ. Điều khác thường ở đây là cái “khung trời xa lạ” ấy tuy xa mà thật là gần. Nó là cái tâm của chính ta. Sống với nó mỗi ngày mấy chục năm trời mà bấy lâu nay vì mải mê theo đuổi hết giấc mơ này đến cuộc phiêu lưu khác mấy khi ta được dịp tiếp cận với chính lòng mình...
  • Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt

    05/11/2015Nguyên HảiSau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta...
  • Hồ Quý Ly và chuyện tình duyên kỳ lạ

    27/05/2015Linh THChỉ nhờ một câu thơ trên bãi biển năm xưa, Hồ Qu‎ý Ly đã bất ngờ lấy được "người tình trăm năm" thuộc dòng dõi hoàng tộc...
  • Bài học canh tân từ tiểu thuyết Hồ Quý Ly

    05/06/2014Hà Thủy NguyênGiữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh. “Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”...
  • Viết tiểu thuyết lịch sử không nên lệ thuộc vào chính sử

    17/09/2010Hương Lan thực hiệnSau 20 năm miệt mài, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về nhà Trần và nhà Lý đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Phổ cập lịch sử là trách nhiệm của nhà văn”, ông chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị trong ngày ra mắt hai tác phẩm lớn của mình – “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”...
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...
  • xem toàn bộ