Không có chỗ cho khôn vặt và láu cá

08:39 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Mười Hai, 2020

Theo học giả Nguyễn Trần Bạt, Thời đại số là thời đại tất cả các đặc điểm chính trị xấu xí đều được bộc lộ và tố cáo ngay lập tức, cho nên con người ta phải giữ mình trong sáng, sạch sẽ chứ không phải là khôn lỏi...


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Xuân Ba

(Trò chuyện với học giả Nguyễn Trần Bạt về cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến tranh thương mại)

Xuân Ba: Thưa chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, 73 năm trước, Tổng thống Truman có hé với Stalin một vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp ấy là bom nguyên tử. Lịch sử chẳng ngẫu nhiên đâu nhưng cũng rất tình cờ, bởi đến thời điểm này ông Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ cũng vừa có động tác để ló dạng một thứ hủy diệt khủng khiếp khác. Đó là chiến tranh thương mại. Rằng ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp thuế quan lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

Nguyễn Trần Bạt: Vâng, không hề ngẫu nhiên! Tất cả mọi tai họa mà nhân loại có đều đến từ những nhà chính trị lãnh đạo những quốc gia khổng lồ. Trong một buổi thảo luận, tôi có nói không gian chính trị tổng thể của thế giới là không gian được hoạch định bởi các nước lớn. Chúng ta vẫn đang tưởng nhầm rằng nền dân chủ của thế giới tạo cho các nước bé một số quyền nào đó. Nền thương mại thế giới làm cho các nước bé với tư cách là người mua cũng có quyền lực nào đó. Nhưng rốt cuộc, mọi quyền lực vẫn thuộc về nước lớn, tất cả những tưởng tượng về quyền của các nước bé là rất ít trên thực tế. Các nước bé muốn có một quyền nào đó buộc phải trỗi dậy, buộc phải tạo ra những năng lực đột phá. Triều Tiên là một quốc gia bé có năng lực đột phá, nhưng năng lực ấy cũng chỉ đủ để đánh đổi một cách đắt hơn cho sự yên ổn của mình. Nước bé phải trả giá đắt như vậy, thậm chí phải trả bằng cả sự tan rã, ví dụ như Nam Tư. Lịch sử nhân loại là lịch sử tan rã của nhiều nền văn hóa. Khi nào hiểu được như thế thì chúng ta mới thấy quý sự tồn tại của một nước Việt Nam như hiện nay. Nhân dân chúng ta hy sinh rất lớn, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ở thế kỷ trước hy sinh rất nhiều để tạo ra được một vị thế nhất định. Cho nên những hậu duệ chúng ta ngày nay cần phải khiêm tốn hơn...

Xuân Ba: Thế giới liệu có lường trước ngón đòn được coi là đột ngột của Tổng thống Trump? Nên coi đó là đòn đánh là sự tất yếu rằng, mọi việc phải theo lộ trình kiểu như mọi việc phải xảy ra như thế, cùng tắc biến, biến tắc thông?

Nguyễn Trần Bạt: Những logic cổ như thế bây giờ không còn nhiều giá trị. Anh nên nhớ tất cả các quy luật 4.0 mà xã hội ta hay nói là quy luật đi tắt so với nhận thức truyền thống. Cái gọi là sự thông ấy nằm ở đoạn cuối của một quá trình mà rất có thể chỉ là quá trình ảo. Ở Việt Nam những ngày này chúng ta được nghe rất nhiều thảo luận về chính phủ điện tử, nhưng vừa mới đây thôi chính phủ Singapore phải đình chỉ tất cả các dự án số hóa chính phủ do vụ đánh cắp số liệu y tế quốc gia. Tôi không rõ Chính phủ chúng ta nếu thực hiện điện tử hóa sẽ xử lý thế nào khi từ tầng ngôn ngữ đến tầng chính trị đều đã có những thay đổi chóng mặt. Chính phủ số hóa nhưng liệu nhận thức của cán bộ và nhân dân có số hóa đủ để hiểu và tiếp nhận tất cả các chính sách, chủ trương của Đảng và Chính phủ? Có lẽ chúng ta không nên nói quá nhiều về chuyện ấy mà hãy nghiên cứu cho thật thấu đáo. Anh thấy đấy, chính phủ Singapore thừa năng lực để số hóa mà họ còn làm một cách khá im lặng.

Xuân Ba: Anh có cảm giác hoang mang trước sự thay đổi đến chóng mặt hiện nay của thế giới?

Nguyễn Trần Bạt: Không! Tôi thấy sự chuyển động của thế giới khá rõ ràng. Thế giới bao giờ cũng lưỡng cực hoặc tiềm ẩn khuynh hướng lưỡng cực và bao giờ nước Mỹ cũng là một cực, cực còn lại thay đổi từ nước này sang nước khác tùy thuộc sự phát triển của thế giới. Trước đây Liên Xô là một cực, bây giờ Liên Xô tan rã rồi, nước Nga chưa đủ điều kiện để làm một cực, Trung Quốc cũng chưa đủ. Hiện nay, Trung Quốc đang dần dần vươn tới để giữ địa vị cực chính trị thứ hai. Có lẽ họ sẽ làm được điều đó vào khoảng những năm 30 của thế kỷ này và Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ đối đầu với Mỹ.

Xuân Ba: Tương quan Mỹ hay Trung yếu trong cuộc chiến tranh thương mại?

Nguyễn Trần Bạt: Trong cuộc chiến tranh có từng trận. Chiến tranh thương mại là một quá trình mở đầu. Bây giờ nếu lái ngay sang chiến tranh tiền tệ thì Trung Quốc yếu, bởi vì trong đời sống tiền tệ thì đồng Nhân dân tệ không có vị trí tương đối cân bằng so với USD. Chuyển sang chiến tranh tiền tệ thì nước Mỹ cũng có nguy cơ sụp đổ chứ không đùa. Cho nên có thể nó sẽ dừng lại ở những cuộc chiến tranh thuế quan, chiến tranh bán hàng mà người ta gọi là chiến tranh thương mại.

Giai đoạn của các trò khôn lỏi khuất tất ở trong bụi rậm qua rồi, thời đại số, thời đại 4.0 không còn bụi rậm cho những trò ấy ẩn nấp nữa. Trong sự phát triển của thời đại hiện nay chỉ có những người có chí và chịu thương chịu khó mới trở thành vĩ đại, còn những người lười biếng, chém gió sẽ không thành gì cả. Mọi sự vô duyên được phơi ra ngay lập tức. Nguyễn Trần Bạt


Xuân Ba: Lộ trình, tầng nấc của cuộc chiến thương mại sẽ như thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Nó có trận đồ nên không thể nói bên này yếu, bên kia khỏe mà chúng ta phải theo dõi. Trong binh pháp, người ta đã có cách để cho nước bé đánh một nước lớn, để cho lực lượng bé va chạm thành công với lực lượng lớn. Trung Quốc vốn là tổ sư của thứ binh pháp đại loại như vậy! Mỹ ư? Hình như Mỹ không có binh pháp, họ choảng nhau bằng sức mạnh. Nếu có một cuộc chiến tranh thật sự thì cũng gay go, nhưng tôi nghĩ có lẽ người ta không đẩy đến mức ấy mà sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh khác. Đối đầu lưỡng cực bao giờ cũng là đối đầu của chiến tranh lạnh. Mọi người cứ nghĩ sau chiến tranh lạnh là hòa bình, nhưng tôi cho rằng không có, chỉ có chiến tranh và chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh chính là hòa bình. Chiến tranh lạnh là cách cứu vãn nhân loại để duy trì nó ở trạng thái hòa bình, tránh chiến tranh vũ trang.

Nếu như thế giới không nhận ra, không xây dựng nổi một lực lượng để đối đầu thật sự với một cực nào đó ví dụ như Hoa Kỳ, thì thế giới sẽ luôn luôn bị bắt nạt. Cho nên thế giới cần một cực nữa, nhưng vì Liên Xô sụp đổ rồi nên bây giờ phải có một quốc gia nào đó thay thế. Không hiểu được điều ấy thì chúng ta rất khó biết mình cần làm gì. Người Mỹ không cung cấp oxy cho Việt Nam một cách miễn phí. Đấy là tất cả những vấn đề chúng ta buộc phải suy nghĩ.

.
Xuân Ba
: Có chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Việt Nam có lợi nhiều hơn là hại. Cái lợi ở đây là gì vậy?

Nguyễn Trần Bạt: Lôgic “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” từ lâu đã là một thứ lặt vặt. Những trí khôn kiểu ấy đã cũ quá rồi. Bây giờ cháy nhà hàng xóm thì người ta buộc phải mua sắm thiết bị cứu hỏa, và tận dụng tình thế ấy cũng có khối người tranh thủ buôn thiết bị cứu hỏa kiếm lời. Sau khi hết cháy rồi thì người ta thế nào cũng nhận ra sự láu cá của anh và không ai chơi với anh. Trò láu cá ấy không phải là trò để sống trong xã hội hiện đại, bởi vì ngay lập tức tất cả các mạng thông tin phát hiện ra chân dung lưu manh của anh. Thời đại số là thời đại tất cả các đặc điểm chính trị xấu xí đều được bộc lộ và tố cáo ngay lập tức, cho nên con người ta phải giữ mình trong sáng, sạch sẽ chứ không phải là khôn lỏi.

Xuân Ba: Cứ như anh thì sự láu cá, khôn lỏi và vặt nó có thời? Và bây giờ dường như đã thuộc về quá khứ?

Nguyễn Trần Bạt: Từ giờ trở đi người ta bắt buộc phải thay đổi. Tất cả những bẫy nợ quốc gia được giăng ra hiện nay không còn ăn thua nữa, bởi vì để đối phó với bẫy nợ thì người ta có một khả năng là quỵt nợ. Tất cả những kẻ định quỵt nợ khi nhìn vào mắt người ta sẽ thấy ngay và không chơi nữa. Đấy là ở trên nhìn xuống, còn ở dưới nhìn lên thì người ta thấy anh là kẻ giăng bẫy và nếu anh vẫn tiếp tục trò giăng bẫy thì thế giới tẩy chay anh. Anh không làm người lớn được, không làm nước lớn được.

Xuân Ba:Thời Khổng Tử rối ren là thế nhưng ông Khổng Khâu vẫn bình thản đeo bị đi du thuyết thiên hạ. Trong khi lửa cháy cơm sôi, Mỹ dọa dẫm ra đòn như vậy nhưng ông Tập Cận Bình vẫn bình thản rảnh rang với các chuyến đi tới nhiều quốc gia châu Phi. Ông ấy mang học thuyết, tiền nong hay là cái gì vậy?

Nguyễn Trần Bạt: Rất khó để phán đoán ông Tập Cận Bình mang đi cái gì. Không bao giờ nên phán đoán, bởi nhà chính trị cỡ ấy chắc chắn mang đến cho mỗi đối tượng một thứ khác nhau, ai nhận được cái gì là kết quả của sự tính toán chính trị đối với từng đối tượng cụ thể một. Nhận thức là một quá trình, chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi những diễn biến này, chưa kết luận ngay được.

Bây giờ chưa có ai nói ngoài việc ông Trump công bố áp thuế lên khối lượng hàng hóa trị giá 500 tỷ đô la. Ông ấy nói thế nhưng cũng chưa làm thật. Ông Trump mà làm thật thì làm sao ông Tập Cận Bình đủ yên tâm đi vòng quanh châu Phi 20 ngày. Tại sao ông ấy lại tự tin đến thế? Với người tự tin đến thế thì liệu chúng ta có thể đoán được dễ dàng đối sách của họ không?

Tôi nghĩ các nhà chính trị của các nước lớn họ không định tự sát. Thế giới đã tạo ra một sự dàn xếp dân túy quá lâu về mặt thương mại. Đến thời điểm này, nhân loại không còn đủ kiên nhẫn theo đuổi các thỏa thuận đã có một cách bừa bãi trong lịch sử nữa, nên người ta cần sắp xếp lại. Sở dĩ tôi gọi các thỏa thuận trong lịch sử là bừa bãi bởi chúng đều được tạo ra trên cơ sở sự khôn ngoan hơn của một cộng đồng xã hội nào đó so với các cộng đồng còn lại. 90% các thỏa thuận là do phương Tây hưởng lợi, giờ đây ông Trump, một trong các lãnh đạo phương Tây đòi hỏi làm lại câu chuyện này vì ông ấy thấy không công bằng cho nước Mỹ. Một cách khái quát, đây là giai đoạn mà thế giới đang sắp xếp lại các trật tự trong đó nó giúp các quốc gia nhìn nhận các thỏa thuận của lịch sử một cách minh mẫn hơn.

Chính phủ số hóa nhưng liệu nhận thức của cán bộ và nhân dân có số hóa đủ để hiểu và tiếp nhận tất cả các chính sách, chủ trương của Đảng và Chính phủ?

Ông Nguyễn Trần Bạt

Xuân Ba: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, hai nền kinh tế hàng đầu từng có mối quan hệ mật thiết với kinh tế Việt Nam trả đũa nhau sẽ khiến Việt Nam chịu nhiều phiền lụy? Rồi sẽ có hay không việc “mượn xuất xứ” Việt Nam để tránh thuế hàng hóa từ hai cường quốc này?Chẳng hạn là nạn tạm nhập tái xuất nông sản Mỹ vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Rồi sắt thép tạm nhập tái xuất của Trung Quốc sang Hoa Kỳ hoặc sắt thép gắn mác Việt để xuất sang Hoa Kỳ chẳng hạn?

.
Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta cứ phải tỉnh táo ở mức độ khắt khe để mà theo dõi. Nhưng sản xuất là một công đoạn thôi. Từ sản phẩm đến hàng hóa có thể kinh doanh được là cả một vấn đề. Muốn biến một sản phẩm thành hàng hóa kinh doanh thì sản phẩm ấy phải tuân thủ các quy tắc cả trong điều kiện thông thường lẫn trong thời kỳ chiến tranh thương mại. Những người điều hành, những người bán hàng phải đủ khôn ngoan để vượt qua tất cả rắc rối của chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại không có nghĩa là đình đốn việc mua bán mà là sự kiểm soát chặt chẽ các quá trình thương mại để đạt đến mức cân bằng lợi ích. Chiến tranh thương mại cũng không phải là đánh nhau thục mạng mà là nếu anh xuất siêu vào nước tôi thì tôi không cho phép, tôi phải tổ chức các cuộc thương lượng để đạt được sự cân bằng mua bán giữa hai bên. Ông Trump nói đánh thuế lên trên một khối lượng hàng hóa trị giá 500 tỷ chứ không phải là thu thuế cả 500 tỷ. Đây mới là những phát súng nổ đầu tiên, sau đó người ta sẽ thương lượng với nhau. Chúng ta đứng ngoài mà lại sốt ruột nên không thích theo dõi, thích có ngay các kết luận. Có nhiều người đề nghị tôi nói về chiến tranh thương mại, tôi trả lời là làm gì đã có chiến tranh thương mại thật. Chân trời đang lóe lên nhiều dạng chớp báo hiệu điềm dữ của nhưng cơn giông mạnh. Cần tỉnh táo trù liệu và ứng phó.


Công nhân làm việc trong một nhà máy xuất khẩu da giày


Gạo Việt Nam được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Ảnh: Minh Châu

.

Xuân Ba: Thời gian gần đây các cấp của ta đã ráo riết các cuộc tập huấn tìm hiểu về chiến tranh thương mại… Nếu nó xảy ra thì Việt Nam phải làm gì để tránh những hậu quả nó mang đến?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không xem đấy là nhanh nhạy, đấy là tạo ra việc để làm cho yên tâm thôi chứ không giải quyết được gì. Kiểu giải quyết tâm trạng chứ chưa hẳn đã là giải quyết tình huống. Người ta chiến tranh với nhau chứ không chiến tranh với mình, cho nên nếu có chuẩn bị thì cái chúng ta cần là chuẩn bị một thái độ đối ngoại với các bên như thế nào để không trở thành đối tượng của bên kia. Tức là chúng ta phải chuẩn bị một thái độ có chất lượng trung lập để đối phó với tình trạng chiến tranh thương mại.

Xuân Ba: Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa đến Washington gặp ông Trump… Liệu có chuyện Mỹ và Trung Quốc kéo EU vào cuộc chơi, kéo cả ASEAN vào cuộc chơi không? Nhìn vào tương lai xa hơn thì chiến tranh thương mại có kéo Việt Nam vào cuộc chơi này không?

Nguyễn Trần Bạt: “Kéo vào” có nhiều kiểu, nhưng tôi e là cuộc chiến tranh thương mại nếu có nó sẽ không mời chúng ta vào để hưởng lợi mà nó sẽ “lôi cổ” anh vào với tư cách là thành phần phụ thuộc. Cộng đồng thế giới có cả một tổ chức để tạo ra khuynh hướng hòa bình của các hoạt động thương mại, đó là WTO. Chiến tranh thương mại là phá vỡ từng phần các quy tắc các bên đã thỏa thuận trong WTO. Mà như vậy thì đối với các thành phần phụ thuộc cái hại chắc sẽ nhiều hơn cái lợi.

Tất cả các nước bé đều bị lôi cổ vào và chịu một sức ép khá lớn. Ngay cả với các nước cỡ Nhật Bản cũng tưởng rằng lập ra CPTPP thì sẽ kháng cự lại thành công, nhưng tôi nghĩ là khó. Thế giới thiếu gì lỗi. Cơ quan tình báo Mỹ không phải chỉ phát hiện những vấn đề xâm phạm đến an ninh, tình báo quốc gia, nó còn là cơ quan để phát hiện các gian lận thương mại. Họ có thể thuê các cơ quan điều tra tư nhân, hình thành một hệ thống rộng khắp trên thế giới. Công ty của tôi đã từng làm việc với những tổ chức như vậy. Đừng quên là Việt Nam chúng ta đã hội nhập đủ để trở thành quân cờ trong đời sống kinh tế và chính trị quốc tế.

Xuân Ba: Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về cuộc trao đổi.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lãnh đạo

    31/10/2016Nguyễn Tất ThịnhTôi thường chia sẻ những thông điệp 'tốt Đời đẹp Đạo' gắn với cương vị của các học viên! Họ đều là những nhân vật 'hơn người thường' ở một số tiêu chí nhất định, nên tôi không đề cập nhiều đến ' kĩ năng lãnh đạo' mà nhấn mạnh đến ' phương pháp vận dụng Đạo / Đức'...
  • Trí thức, lãnh đạo và cái dũng của phản biện

    14/06/2016Lê Vinh TriểnMột “không gian” rộng là thực sự cần thiết để trí thức có thể toàn tâm toàn ý thực hiện trọng trách của mình trước xã hội: phản biện để phát triển đất nước. Phản biện là một việc gắn liền, gần như song sinh với trí thức. Nếu không có phản biện thì không có trí thức thật sự. Đã là trí thức thì phải đã, đang và sẽ phản biện.
  • Lý tưởng lãnh đạo và trái tim Đan-Kô

    01/10/2015Lê Thám“Những công dân đồng chí hướng của tôi, Tôi đứng đây ngày hôm nay, cảm thấy mình nhỏ bé trước trọng trách mà chúng ta phải đối diện, biết ơn với niềm tin các bạn trao gửi, tràn ngập ý thức về những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã gánh vác.”
  • Bản chất lãnh đạo TQ vẫn không hề thay đổi

    01/06/2015Nhật MinhCuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I về việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp thuộc chủ quyền của Việt Nam...
  • ‘Thể chế chính trị’ - sự tương tác giữa giới Lãnh đạo và Nhân dân

    23/03/2015Nguyễn Tất ThịnhGiới Lãnh đạo xưa nay, đâu cũng vậy, có tâm lý định hướng tư tưởng là : cho Nhân dân nhận thức khác đi / lệch hướng sao có lợi cho việc lãnh đạo của họ, rất ngại khi để Nhân dân hướng chú ý vào chính trị, lại càng không thích can dự vào thể chế chính trị…
  • Phong cách lãnh đạo thần kỳ của Lý Quang Diệu

    23/03/2015Sơn HàĐến từ một quốc gia rất nhỏ bé ở Đông Nam Á, nhưng cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.
  • 5 ngọn đuốc lãnh đạo

    03/11/2014Nguyễn Tất ThịnhCó nhiều dịp được trao đổi với nhiều người thuộc giới quản trị, lãnh đạo tổ chức... mọi người đề nghị tôi nói về 5 ngọn 'ĐUỐC LÃNH ĐẠO' điều mà tôi vẫn truyền giảng...
  • Con tàu tổ chức và văn hóa của người lãnh đạo

    13/10/2014Nguyễn Tất ThịnhNếu ví doanh nghiệp như con tàu và vai trò của người lãnh đạo như thuyền trưởng, chúng ta có thể xem xét sự thành công và phát triển của doanh nghiệp nhìn từ phương diện vai trò của người lãnh đạo...
  • Lãnh đạo Quốc gia

    20/09/2014Nguyễn Tất Thịnh'Nhân kiệt như Sao buổi sớm' nghĩa là luôn có! Vấn đề là Xã hội có thể phát hiện ? Nhân dân có quyền bình chọn? Nền chính trị có tầm định vị được họ vào chỗ xứng đáng? Sau đó mới trở thành 'Lãnh đạo xuất sắc' được! Cho dù có thể một Ngôi Sao nào đó lao thẳng vào Trái Đất gây nên những 'biến động' to lớn với Quốc gia, thậm chí tầm Thế giới! Sao như thế thường là Nhân vật siêu thường , hoặc Thánh nhân! Nếu có thế sẽ luôn gây ra thiệt hại lắm thay!
  • Lãnh đạo hủ bại! Tại sao?

    07/08/2014Nguyễn Tất ThịnhNhiều người bảo: nói lắm mà làm được gì? Phải hành động! Nhưng xưa nay biết bao nhiêu hiền kiệt, nhân sĩ yêu nước vẫn dùng biện pháp NÓI! Phát ngôn tư tưởng hoặc ít nhất là góp ý kiến về kinh bang tế thế! Tô Tần dùng lời nói để 'hợp tung liên hoành Thiên hạ' đó thôi! Phan Chu Trinh từng thế mà khơi dậy khát vọng và định hướng văn minh chính trị....
  • Đạo của người Lãnh đạo

    29/07/2014Nguyễn Tất ThịnhTôi giảng bài ‘Lãnh đạo chiến lược’ cho các Giám đốc doanh nghiệp… sau đó có Bạn nói với tôi : Thày nói : điều gì thuộc về hành động của con người, hơn thế là lao động, muốn hay, có sự nghiệp…thì đều cần đến Đạo ! Vậy Thày có thể cô đọng cho chúng em mấy dòng cơ bản về ‘Đạo của người lãnh đạo’ được không ? Tôi đáp : sẽ viết chia sẻ với về điều đó ( ví các Bạn Giám đốc là thuyền trưởng )...
  • Láu cá

    07/01/2008Một ngày cuối tuần đẹp trời, có một cụ già râu tóc đã bạc bước vào hàng bán nữ trang cùng một cô gái trẻ rất bốc lửa. Ông nói với chủ cửa hàng rằng cần mua một chiếc nhẫn đặc biệt cho bạn gái....
  • "Trí tuệ Việt Nam": Vẫn chỉ là... "khôn vặt"!

    04/01/2007Toà soạn tiếp tục nhận được rất nhiều thư phản hồi đầy tâm huyết của bạn đọc đối với cuộc thi Trí tuệ Việt Nam (TTVN) và vụ bê bối iCMS-Vương Vũ Thắng. Trích đăng thư của bạn đọc Nguyễn Hồng Giang, góp một cái nhìn tổng quát về vấn đề mà cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) đang rất quan tâm. Thư của bạn đọc Nguyễn Kim góp thêm về "có gì trong ruột iCMS".
  • xem toàn bộ