Phong cách lãnh đạo thần kỳ của Lý Quang Diệu
Đến từ một quốc gia rất nhỏ bé ở Đông Nam Á, nhưng cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.
Ông Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới
Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore từ năm 35 tuổi và liên tục tái đắc cử, nắm quyền trong suốt hơn 40 năm cho đến tận năm 1990. Học giả Mỹ Gerry Smedinghoff mô tả ông Lý Quang Diệu là “nhà lãnh đạo hình mẫu của thế kỷ 21” và “nhà lãnh đạo chính trị thời bình vĩ đại nhất trong thế kỷ 20”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đánh giá ông Lý Quang Diệu là “một trong những nhân vật vô song trong lịch sử”.
Đó không phải là đánh giá quá đáng đối với người đàn ông đã biến Singapore từ một hải cảng nhỏ bé, hoàn toàn không có tài nguyên trở thành một trong những quốc giàu giàu nhất, an toàn nhất và ổn định nhất thế giới. Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới từng công khai bày tỏ mong muốn được học tập tài lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair từng gửi một nhóm nghiên cứu tới Singapore để học hỏi các chương trình hưu trí và tiết kiệm của nước này. Bởi phần lớn những gì Singapore có được ngày nay đều nhờ vào tài lãnh đạo phi thường của ông Lý Quang Diệu.
Nhà lãnh đạo thẳng thắn
Các chuyên gia và những người từng tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu thường mô tả ông là một nhà lãnh đạo có phong cách rất phương Tây dù ông xuất thân từ một gia đình gốc Hoa. Ông không bao giờ vòng vo tam quốc mà luôn thẳng thắn, trực tiếp, nghĩ gì nói nấy.
Ví dụ, khi đất nước Singapore mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, ông Lý Quang Diệu cương quyết không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Nói với người dân về việc không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, ông từng nói: “Tôi tin rằng dân tộc ta không thể mang tư tưởng dựa dẫm nước ngoài. Nếu muốn thành công chúng ta phải tự lực”.
Ngày 9-9-1967 khi nói chuyện với các công nhân Singapore, ông Lý Quang Diệu thẳng thừng cảnh báo: “Thế giới không nợ gì chúng ta cả. Chúng ta không thể sống bằng chén cơm ăn mày”.
Khi giải thích với người dân lý do các quan chức chính phủ phải hưởng mức lương cao, ông Lý Quang Diệu nói một cách rất đơn giản: “Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu rằng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Mục tiêu của ông là đảm bảo xây dựng một chính phủ trong sạch và trung thực.
Có lần một nhà báo hỏi ông Lý Quang Diệu rằng ông nghĩ gì khi bị chỉ trích là can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người dân Singapore. Ông trả lời một cách quyết liệt: “Nếu tôi không làm như thế thì chúng tôi đã không có ngày hôm nay, đã không thể tiến bộ về kinh tế. Tôi nói như vậy mà chẳng có gì hối tiếc cả”.
Ông khẳng định thêm: “Nếu chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề cá nhân như hàng xóm của bạn là ai, bạn sống thế nào, bạn gây ồn ra sao, nhổ bậy hay ăn nói như thế nào… Chúng tôi quyết định điều gì là đúng và không cần biết người dân nghĩ gì”.
Ông Lý Quang Diệu từng tự hào nói: “Tôi từng bị buộc nhiều tội, nhưng kể cả kẻ thù tồi tệ nhất cũng chưa bao giờ buộc tội tôi là không dám nói thẳng suy nghĩ của mình”.
Không ít người cảm thấy bị sốc vì sự thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu. Nhưng học giả Smedinghoff và đa số chuyên gia đều cho rằng phẩm chất đó đã giúp ông Lý Quang Diệu giành được niềm tin của người dân Singapore. Họ hiểu rằng họ có thể tin tưởng vào vị thủ tướng đầu tiên của đất nước.
“Có bao nhiêu nhà lãnh đạo đủ dũng khí để nói ra rõ ràng những suy nghĩ của mình như vậy?” - học giả Smedinghoff đặt câu hỏi.
Thủ tướng vì dân
Giáo sư Andrew Dubrin thuộc Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), một chuyên gia về tổ chức và quản trị, đánh giá ông Lý Quang Diệu là hình mẫu của thủ tướng phục vụ nhân dân.
Đó là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước và nhân dân trước lợi ích của bản thân. Ông luôn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân, các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và giáo dục của đất nước.
Một ví dụ cụ thể là khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền vào năm 1959, đất nước Singapore phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân thiếu nhà trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành. Ông Lý Quang Diệu và các quan chức chính phủ cùng lúc thực hiện chương trình công nghiệp hóa, xây nhà giá rẻ và chống tham nhũng.
Đến thập niên 1980, GNP bình quân đầu người Singapore tăng hơn 10 lần lên 6.634 USD, tỉ lệ thất nghiệp xuống cực thấp và tỉ lệ người dân có nhà ở tăng lên tới 81%.
Đến đầu những năm 2000, khoảng 90% người dân Singapore đã có nhà. Nạn tham nhũng được xóa bỏ nhờ luật chống tham nhũng và sự hiệu quả của Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) mà giám đốc trực tiếp dưới quyền điều hành của ông Lý Quang Diệu.
Chân dung ông Lý Quang Diệu trên bìa tạp chí Time - Ảnh: Time
Các chuyên gia đánh giá ông Lý Quang Diệu còn là nhà lãnh đạo luôn lắng nghe người dân. Là thủ tướng, ông luôn tham khảo ý kiến của mọi người dù bản thân ông là người ra quyết định cuối cùng.
Năm 1960, Chính phủ Singapore thành lập Hiệp hội nhân dân (PA) để thúc đẩy sự hài hòa xã hội và sắc tộc. PA tạo không gian cho mọi người dân Singapore gặp gỡ, trao đổi, đưa ra ý kiến. PA lập ra nhiều ủy ban, trong đó có Ủy ban tham vấn công dân (CCC) để tạo kênh kết nối giữa chính phủ và người dân.
Tiêu chuẩn đạo đức cao
Giáo sư Úc Carol Dalglish, chuyên gia nghiên cứu quản trị, và nhà báo - học giả Anh Alex Josey nhận định để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, một cá nhân cần phải có tiêu chuẩn đạo đức cao để người dân noi theo. Và ông Lý Quang Diệu là người có tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Giá trị cốt lõi của ông Lý Quang Diệu là “đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân”.
Theo giáo sư Dalglish và học giả Josey, điều ông Lý Quang Diệu tin tưởng là tầm quan trọng của tự do, cuộc sống ấm no và hòa bình. Đó là nền tảng của đất nước Singapore hiện nay.
Ông cũng là một người có kỷ luật sắt, xuất phát từ kinh nghiệm tuổi thơ. Do đó ông đề ra các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Nhờ đó, tỉ lệ tội phạm ở đất nước Singapore rất thấp.
Nghiên cứu của Tổ chức Quản trị nguồn nhân lực (SHRM) cho biết nhà lãnh đạo tài ba cần có năm yếu tố. Đó là thành tích, tính cách, sự kiên định, khả năng thích nghi và sự linh hoạt.
Học giả Smedinghoff đánh giá thành tích của ông Lý Quang Diệu ai cũng biết, tính cách của ông thể hiện rõ ở việc Singapore là quốc gia rất trong sạch, không có tham nhũng.
Ông cũng là người vô cùng kiên định với sự lựa chọn của chính mình. Điều đó thể hiện ở 40 năm cầm quyền tại Singapore với các nguyên tắc ít khi thay đổi. Và ông cũng có khả năng thích nghi cao, thể hiện ở quãng thời gian khó khăn khi Nhật chiếm Singapore. Giới chuyên môn cho rằng ông chỉ có một điểm yếu là thiếu sự linh hoạt.
“Ông Lý Quang Diệu thể hiện được rất nhiều đặc điểm của một nhà lãnh đạo phi thường. Những thành công của ông cho thấy sự chăm chỉ, tính bền bỉ và kỷ luật cao có thể giúp người ta đạt được những gì. Lý Quang Diệu đã làm được những điều mà rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới chỉ dám mơ tới. Ông ấy là ví dụ chói sáng của một nhà lãnh đạo phi thường” - học giả Smedinghoff khẳng định.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn