“Khoan cắt bê tông”
Trên Tuổi Trẻ Cười, tôi nhớ có lần đã có một bức biếm họa, ghi lại sự có mặt của những thông tin quảng cáo về khoan cắt bê tông ở khắp nơi. Lần ấy hàng chữ này được đặt ngay ngắn chững chạc giữa một bức tường, cạnh đó là một mũi tên chỉ rằng phía trước là cổng lên thiên đường!
Đúng là một lối làm ăn tùy tiện, bạ chỗ nào cũng đè người ta ra mà... hành sự, khiến chúng ta vừa định cười đã thấy bực bội khó chịu.
Lối quảng cáo vô tội vạ này đã bị nhiều người phê phán. Ai cũng thấy đó là một hành động thiếu ý thức xã hội, làm mất mỹ quan thành phố.
Phần tôi, khi cần cắt nghĩa sự có mặt tràn lan và tồn tại dai dẳng của nó, tôi muốn nghĩ rộng tới cuộc mưu sinh của nhiều người hiện nay. Một cách lẩn quất, ở đây có mặt của cái triết lý làm liều đang chi phối chúng ta: nhân danh sự kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, người ta có quyền làm bất cứ việc gì thấy cần.
“Chỉ có những việc người ta không làm được chứ không có việc không được làm”, triết lý tóm lại là vậy.
Trong danh sách các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, có một cuốn mang tên Tính ác. Sách viết từ lâu tôi không được đọc, chỉ nghe Tô Hoài kể, đâu toàn chuyện lúc nhỏ khi lang thang trong làng, túi ông lúc nào cũng thủ sẵn vài hòn gạch củ đậu, thấy chó là ném. À, thế thì hiểu rồi, chả Tô Hoài thì không ai dám viết thế.
Trong con người thường vẫn có sẵn cái tính... ác ngầm. Thấy ai tử tế là không chịu được. Gặp cái gì đẹp đẽ lành lặn cũng muốn bôi bẩn cho nhem nhuốc giống mình. Nhìn nhiều dòng chữ khoan cắt bê tông nằm chềnh ềnh giữa những bức tường quét vôi đẹp đẽ, tôi thầm đoán rằng người kẻ những dòng chữ ấy, đang sống lại cái cảm giác của đứa trẻ lang thang mà Tô Hoài mô tả ngày nào. Là muốn làm cho những người chủ nhà kia đau đớn và nhiều người đi đường như thấy cái gai đâm vào mắt. Trêu tức được thiên hạ, chẳng phải đã sướng lắm sao?
Có thể người kẻ thứ quảng cáo loạn xì ngầu này không nghĩ hẳn ra như thế, nhưng cái mầm của những suy nghĩ kiểu đó đã ủ sẵn trong đầu óc họ.
Nhưng hôm nay tôi muốn đề nghị một cách nhìn khác nữa, là xem xét sự phổ biến của “khoan cắt bê tông” dưới góc độ thông tin.
Vì nghèo, vì phải tập trung sức lực cho chiến tranh, suốt từ 1954 tới khoảng 1986, trước khi đổi mới, Hà Nội của tôi hầu như không xây dựng gì đáng kể. Chỉ từ 1986 trở đi làm nhà mới thành phong trào.
Vì bí quá rồi, kìm hãm mãi rồi, nên khi bung ra, đặc tính của sự xây dựng lúc này là tự phát, nhỏ lẻ, người làm thiếu hiểu biết đã đành mà còn thiếu cả những thông tin tối thiểu. Mua gạch mua ngói ở đâu, loại đất như nhà mình đây thì thứ thép nào? Rồi thuê thợ ra sao, công xá bao nhiêu thì vừa? Tất cả chỉ được làm một cách mò mẫm, nhà nọ hỏi nhà kia, kể cả cái việc chúng ta đang nói là sử dụng máy móc để làm một số việc thay cho sức người như đào móng, trộn bê tông mới, hoặc khoan phá những chỗ bê tông cũ.
Cái dịch vụ khoan cắt đang nói ra đời từ lúc đó. Rõ ràng là có người cần và có những người thấy được nhu cầu đó, sẵn sàng đáp ứng. Nhưng làm sao thông tin cho nhau biết bây giờ. Chẳng lẽ cho người đi rao như mấy hàng quà? Cách tốt nhất là người ta vẽ ngay lên các mảng tường trống vốn tồn tại như một thứ không gian hoang vắng chưa ai biết dùng.
Sự xuất hiện toe toét nhòe nhoẹt của những hàng chữ “khoan cắt bê tông” như hiện nay, hóa ra là dấu hiệu của một sự chuyển biến. Từ xã hội thiếu thông tin chúng ta chuyển sang đối cực của nó. Cái mới hiện ra nham nhở, và chỉ tố cáo thêm cái quá khứ nghèo nàn thiếu thốn hôm qua.
Hàng ngày, tôi cũng làm công việc như của nhiều người già vẫn làm là đi tập thể dục từ lúc mới tờ mờ. Chính trong cái phút vắng vẻ đó, phố xá hiện ra với bộ mặt vốn có của nó.
Trên tường, các quảng cáo khoan cắt bê tông chen chúc gợi tôi nhớ tới nhiều thứ.
Có lúc tôi nhớ tới những mạng nhện trên trời là các búi dây điện treo ngay trên đầu người đi đường.
Có lúc tôi nhớ tới cảnh người chạy xe ôm xúm xít quanh những xe khách từ tỉnh xa về, mời mọc chào đón đấy mà chặt chém người ta cũng ngọt xớt đấy.
Cái gì quý cũng hiếm, cái gì xoàng xĩnh thấp kém thì sao mà lắm đến thế, gạt đi không hết!
Về phương diện thông tin, xin lưu ý thêm hai điểm rút ra từ những bức tường chi chít hàng chữ khoan cắt bê tông. Thứ nhất, đó là những tin tức đơn điệu tẻ nhạt, người truyền phát cũng cảm thấy chẳng có gì cần, nhưng “thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi”, tội gì không kẻ thêm vài hàng, thừa còn hơn thiếu. Thứ hai, một đặc trưng của loại thông tin công cộng này là nội dung càng nghèo nàn thì sự xuất hiện càng dày đặc. Đó là lối “tràn ngập lãnh thổ”, lấy thịt đè người, có thể nói là thứ thông tin pha chút bạo lực vì ép thiên hạ phải nghe, tự biết là gây nhiều khó chịu nhưng lại thoáng một chút hãnh diện vì đã làm khổ được mọi người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015