Khoan dung: Giá trị cốt lõi của sức mạnh mềm

05:26 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Hai, 2016

“Thái độ quyết định hành vi, hành vi quyết định định mệnh”. Khoan dung là thái độ quyết định giá trị, định mệnh của một con người và từ đó quyết định sinh mệnh của cả một đất nước...

Từ quân sự đến kinh tế, con người thường xem trọng các lực “cứng” (hard power) hơn là các lực “mềm” (soft power). Sức mạnh mềm được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng – chứ không phải áp đặt – để vì cảm tình mà người khác hoặc không làm hại mình hoặc khiến họ làm một việc mình muốn mà không cần đánh đấm hay hù dọa. Sức mạnh mềm là sức mạnh từ bản chất văn hóa xã hội, là khả năng “bất chiến tự nhiên thành”.

Dù thật sự là một cường quốc, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ lớn gấp nhiều lần so với tầm vóc kinh tế hay quân sự của họ, chính là nhờ vào những giá trị nhân văn. Trên bề nổi, người ta có thể nhìn thấy nhiều điều cả thế giới muốn bắt chước Mỹ, từ âm nhạc, nghệ thuật đến phong cách sống. Sức mạnh mềm của quốc gia này thật ra có nguồn gốc vô hình từ cung cách ứng xử với nhau ở trong nước họ, chứ không phải từ chính sách đối ngoại. Đó là khả năng tạo được sự tin tưởng giữa con người và con người, giữa con người và xã hội. Sự tin tưởng ấy là “vốn xã hội” lớn nhất.

Nhưng cái vốn này từ đâu mà có? Đó là từ bản chất con người xã hội: là tính khoan dung làm tiền đề cho việc hình thành nhận thức rằng “ích chung” và “lợi riêng” là một mối liên hệ hữu cơ.

Khoan dung thường được hiểu một cách chung chung, như một tính tốt vậy thôi, nhưng thật ra lại có tính quyết định đến mức độ phát triển kinh tế cũng như tính cách nhân văn, là nền tảng cho một sự phát triển bền vững và hài hòa trong toàn xã hội.

Khoan dung là một thái độ chủ đạo để con người có thể sống tích cực, rộng lượng, dễ bỏ, dễ xả. Mà có xả, có bỏ thì mới dung chứa được nhiều hơn những gì đã cho. Khoan dung còn là kết quả của sự vị tha và nhờ đó mà có sự phát triển bền vững cho chính mình và cho xã hội chung quanh.

Nhưng làm sao có thể vị tha trong một môi trường xã hội đầy cạnh tranh, đầy mâu thuẫn, giành nhau từng tấc đất để sống?

Nhân chi sơ tính vị kỷ là định luật tự nhiên. Con người phải biết bảo vệ chính mình, biết lo cho mình thì mới tồn tại để lo cho người khác. Nhưng tồn tại cá nhân và phát triển cộng đồng là hai mặt của một vấn đề. Nước (cộng đồng, xã hội) có dâng lên thì thuyền (cá nhân độc lập) mới dâng theo. Ích chung và lợi riêng phải được cân bằng để có một xã hội phát triển hài hòa.

Những xã hội Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan có truyền thống văn hóa khoan dung rất cao, tuy là những nước nhỏ nhưng lại dẫn đầu thế giới trong các chỉ tiêu kinh tế cũng như phát triển xã hội. Tại đó xã hội nhìn người phạm tội như là một khiếm khuyết và trách nhiệm chung của mình: do xã hội không chu toàn trong việc giáo dục con người cho nên mới nảy sinh tội phạm.

Vì vậy giải pháp không phải là những bản án tử hình hay tù tội như một hình phạt, mà là biện pháp giáo huấn để người tội phạm có cơ hội hội nhập trở lại vào cộng đồng với tư cách một công dân tốt. Các nước vừa nói cũng chủ trương đảm bảo công bằng xã hội để không có ai bị tổn thương đến mức gay gắt hận thù với cộng đồng mình đang sống.

Chính vì vậy những xã hội phát triển tốt thường được xây dựng trên nền tảng của sự khoan dung, luôn cho mọi người một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời, nhờ vậy tận dụng được tối đa nguồn lực con người cho lợi ích chung.

Trong lĩnh vực kinh tế phát triển, nhiều quốc gia chạy theo các kế hoạch tăng trưởng “cứng” như doanh thu, thặng dư mậu dịch, tăng trưởng đầu tư… vì đây là chỉ tiêu định lượng để “đánh giá thành tích”. Trong khi mục tiêu của kinh tế phải là phát triển xã hội, làm sao người dân được phát triển toàn diện, từ cơm ăn áo mặc đến văn hóa, tinh thần… Đó chính là nội lực, là sức mạnh gắn bó con người với nhau tạo nên một tổng lực là vốn xã hội. Vốn xã hội cao là khi mỗi cá nhân có đủ tự tin để khoan dung, để tạo được niềm tin từ người khác.

Chúng ta thường có ngộ nhận lớn là tự mình có thể tạo ra các giá trị cho bản thân. Giá trị của một cá nhân thật ra không là gì cả dù có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu tiền bạc của cải, mà chính là sự đóng góp của cá nhân đó vào tổng giá trị xã hội. Xã hội có lợi thì xã hội mới “thối” lại một phần cái lợi ấy cho cá nhân có đóng góp.

Vì vậy muốn tạo giá trị bản thân cao thì đầu tiên là phải biết quan tâm đến lợi ích của người khác, đem lại giá trị cho xã hội càng cao thì giá trị cá nhân càng lớn. Khoan dung là điều kiện cần để biết quên “cái tôi” để hướng tới những lợi ích chung.

Hoa Kỳ được như ngày hôm nay là nhờ người dân Mỹ từ thời lập quốc đã có truyền thống về văn hóa khoan dung. Cũng như nhiều quốc gia khác, nước Mỹ đã không tránh khỏi một cuộc nội chiến tàn khốc. Nhưng ngay sau khi phe miền Nam thất trận đầu hàng phe miền Bắc, cả hai bên đã sẵn sàng bỏ qua quá khứ cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước.

Vị tướng lãnh đạo quân đội phía nam là Robert E. Lee vẫn được phe chiến thắng miền Bắc tôn trọng, trở thành hiệu trưởng trường đại học công lập danh giá Washington and Lee. Cuộc đời của ông được vinh danh ghi nhớ tại nhiều nơi, ngay cả tại Nhà thờ Quốc gia (National Cathedral) ở Washington. Bên thắng đã tự tin hòa giải với bên thua vì lợi ích chung. Bên thua cũng không tự ti mặc cảm, tự ái cá nhân, để chung tay hàn gắn mọi đau thương, đổ vỡ.

Sự vĩ đại của một dân tộc thể hiện qua hành vi khoan dung của con người trong những hoàn cảnh nghiệt ngã. Hình ảnh của người Nhật đùm bọc nhau trong các trận động đất, thiên tai cho chúng ta thấy rõ nhất tại sao họ là một nước vừa giàu vừa sang.

Hay một nước Đức thời Hitler đã từng vì tự hào với dòng giống Aryan thượng đẳng để rồi gây thảm họa cho bao nhiêu triệu con người trong Thế chiến thứ hai, vậy mà dân tộc Đức đã thoát được những tỵ hiềm cá nhân, những vết sẹo của quá khứ để hội nhập hai miền Đông – Tây thành một quốc gia hùng cường hơn, giàu có hơn. Thậm chí ngày nay cả tổng thống lẫn thủ tướng Đức đều là những người sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Nước Đức hồi sinh nhờ đã mạnh dạn nhìn lại những lỗi lầm của mình, khoan dung hơn để trở thành một dân tộc được thế giới nể trọng, một cường quốc lãnh đạo Cộng đồng châu Âu.

“Thái độ quyết định hành vi, hành vi quyết định định mệnh”. Khoan dung là thái độ quyết định giá trị, định mệnh của một con người và từ đó quyết định sinh mệnh của cả một đất nước.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khơi dậy sức mạnh mềm

    29/04/2016Trần Trọng ThứcCho dù trọng tâm cuộc mưu sinh của người đời luôn gắn liền với chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang trên đà suy thoái, nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận các giá trị văn hóa vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả quốc tế.
  • Để phát huy sức mạnh mềm Việt Nam

    31/07/2014Ly LamSức mạnh mềm giúp một quốc gia nhận được nhiều cảm tình và sự hợp tác từ bên ngoài. Khi cần sự hỗ trợ, họ cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những quốc gia khác.
  • Khoan dung

    22/01/2014Cao Huy ThuầnĐây là một bài ngắn, rất ngắn và rất đơn giản, tôi vừa đọc trong tạp chí Le Monde des Religions vừa xuất bản, tháng 2 và 3-2013, tôi xin dịch nguyên văn dưới đây. Tác giả của bài viết, Alexandre Jollien, một nhà triết học Thụy Sĩ, thuật lại chuyến thăm viếng tu viện của nhà sư Matthieu Ricard ở Kathmandu, Nepal...
  • Tìm lại lòng khoan dung

    20/08/2011Nguyên CẩnHơn lúc nào hết, lòng khoan dung phải được đề cao, phải được thực tập bằng những phương pháp thích hợp sao cho giữa những khác biệt, con người vẫn nhìn nhau là anh em. Trong xã hội ta, có lẽ việc dạy dỗ về lòng khoan dung cần được đặt ra từ rất sớm, ngay từ cấp học thấp nhất của nền giáo dục, để con người khi vào đời luôn biết tôn trọng sự khác biệt, không vì người ta khác mình mà đối xử với họ bằng sự coi thường hay dùng bạo lực để buộc người khác phải giống mình...
  • Cởi mở và khoan dung

    24/01/2006TS. Nguyễn Quang ATính mở, thích nghi, hội nhập của một nền văn hoá là rất quan trọng, vì nó là xu hướng tôn trọng người khác vì tài năng và khả năng của họ, nó có tính khoan dung. Nhân tố then chốt thực sự là tài năng văn hoá của một nước, đặc biệt là mức mà nước đó tiếp thu được các giá trị của lao động chăm chỉ, tiết kiệm, trung thực, kiên trì và nhẫn nại…