Để phát huy sức mạnh mềm Việt Nam

04:09 CH @ Thứ Năm - 31 Tháng Bảy, 2014

Sức mạnh mềm giúp một quốc gia nhận được nhiều cảm tình và sự hợp tác từ bên ngoài. Khi cần sự hỗ trợ, họ cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những quốc gia khác.

Nếu sức mạnh cứng thường gắn với cây gậy (súng đạn, tiềm lực quân sự) và củ cà rốt (đồng tiền, tiềm lực kinh tế), thì gắn với sức mạnh mềm chính là những câu chuyện. Một đất nước sở hữu sức mạnh mềm có những câu chuyện kể hấp dẫn người khác, hay được người khác kể về họ một cách hấp dẫn, mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... là những ví dụ. Vậy còn Việt Nam? Chúng ta có sức mạnh mềm không và đã phát huy như thế nào?

"Định vị và phát huy sức mạnh mềm Việt Nam" là chủ đề cuộc tọa đàm đặc biệt này, được tổ chức tại Press Café. Điều đặc biệt nữa là tọa đàm lần này có một khách mời tham dự gián tiếp, một người có hàng chục năm hoạt động trong ngành ngoại giao - bà Tôn Nữ Thị Ninh, hiện là Chủ tịch hội đồng sáng lập Trường đại học Quốc tế Trí Việt. Do có chuyến công tác Hà Nội đúng ngày diễn ra tọa đàm, bà đã chọn giải pháp trao đổi trực tiếp với DNSGCT xoay quanh chủ đề sức mạnh mềm, để sau đó DNSGCT truyền đạt cho những khách mời còn lại. Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hiện là Tổng giám đốc Công ty Đại Nam Long, cùng ba chuyên gia của báo - các ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Sĩ Chương - tỏ ra thú vị với việc trao đổi như vậy.

Thời đại của sức mạnh mềm, của hòa hợp dân tộc. Nhìn từ các nước bạn

Trong thời kỳ đối đầu, sức mạnh của các quốc gia thường được cân đong đo đếm bởi sức mạnh quân sự và kinh tế, tức là sức mạnh cứng. Dù vậy, sức mạnh mềm quốc gia vẫn không thể xem nhẹ, mà "câu chuyện kể" về chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là một minh chứng. Đó là một trong những câu chuyện hấp dẫn và sống động nhất, thu hút được những tình cảm và sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Việt Nam. Sức mạnh ấy góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chúng ta trên mặt trận ngoại giao, làm tiền đề cho những chiến thắng quân sự, giúp non sông Việt Nam quy về một mối.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, chúng ta không nên sử dụng mãi hình ảnh Việt Nam chủ yếu là một dân tộc yêu nước, quật cường..., bởi những phẩm chất ấy không là độc quyền của bất cứ dân tộc nào, chỉ do lịch sử chưa đặt họ vào thế phải thể hiện mà thôi. Thách thức sống còn của thời cuộc đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện tình yêu nước một cách xuất chúng. Ý kiến ấy của bà Tôn Nữ Thị Ninh được các khách mời tán thành. Ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng sức mạnh mềm của Việt Nam là một sức mạnh tổng hợp, có thể dung nạp nhiều tư tưởng, văn hóa khác nhau, biến chúng thành của mình. Lấy dẫn chứng sự dung nạp từ chữ Hán, chữ quốc ngữ, đến Nho giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo..., ông Dưỡng kết luận: "Sức mạnh của dân tộc Việt chính là sự rộng lượng, là khả năng thu nạp những văn hóa khác".

Ông Huỳnh Bửu Sơn: "Cái gốc của sức mạnh mềm là sự đồng thuận..."

Nói đến sức mạnh, thì dù là sức mạnh cứng hay mềm, trong giai đoạn toàn cầu hóa, hợp tác kinh tế, làm bạn với các nước như hiện nay sẽ rất khác với thời chiến tranh lạnh. Đồng ý với ông Dưỡng về tính bao dung của người Việt, ông Lương Văn Lý lưu ý rằng không chỉ nên bao dung, rộng lượng với bên ngoài mà cần phải phát huy tính dung nạp, rộng lượng giữa người Việt với nhau.

Ông Lý nói: "Trong thời đại của hòa hợp dân tộc như hiện nay, các nước đều đã và đang thực hiện việc này một cách quyết liệt, chứ không chỉ nói suông. Việc người dân Mỹ bầu lên một tổng thống gốc da màu chính là minh chứng rõ nhất cho việc họ đã vượt qua được thời kỳ đối kháng và đang tìm đến sự hòa hợp dân tộc.

Ở Pháp, rất nhiều người dân đang phản đối thuyết về bản chất, đặc thù dân tộc do Tổng thống Sarkozy đề ra, vì khái niệm này không cho phép người ta dung nạp những người thuộc các nguồn gốc dân tộc khác. Xu hướng thế giới là vậy, nếu đi ngược lại thì vừa không phù hợp, vừa không thể làm bạn với ai cả". Ý kiến này cũng được mọi người nhất trí.

Ông Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh: "Cái gốc của sức mạnh mềm là sự đồng lòng. Nhưng muốn có sự đồng lòng, phải biết bao dung, dung hòa những khác biệt để hợp sức cho mục tiêu chung là sự cường thịnh của cộng đồng dân tộc. Khi ấy, chúng ta mới phát huy được tất cả những tiềm năng, sự sáng tạo của mỗi thành viên trong cộng đồng trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, đến văn học, nghệ thuật...".

So với sức mạnh cứng, sức mạnh mềm của quốc gia với những câu chuyện về lối sống, ước mơ, phim ảnh, văn hóa, thương hiệu... rõ ràng có sức lan tỏa và dễ được chấp nhận hơn nhiều. Một đất nước có quy mô dân số và diện tích nhỏ bé như Singapore, tài nguyên thiên nhiên không có, kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ, vậy mà sức mạnh mềm của họ đã vượt xa sức mạnh cứng. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra một điển hình như vậy để chứng tỏ là các nước nhỏ hoàn toàn có thể tạo một cái thế và đóng vai trò lớn hơn so với mối tương quan kinh tế, dân số của mình.

Ông Huỳnh Bửu Sơn thì khâm phục người Nhật. Đất hẹp người đông, tài nguyên thiên nhiên gần như không có, lại không nằm trên trục giao thông biển của thế giới như Singapore hay Việt Nam, vậy mà từ một thế kỷ nay, Nhật Bản đã từng là một cường quốc quân sự và nay là một cường quốc kinh tế. Những câu chuyện kể về họ đầy tính thuyết phục, đó là tinh thần võ sĩ đạo, ý chí vươn lên mãnh liệt, kỷ luật làm việc, tinh thần đồng đội, lòng trung thành, sự tôn trọng truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Theo bà Ninh, "câu chuyện kể Nhật Bản" được nước này thể hiện rất tốt một phần nhờ những ngôi nhà Nhật Bản ở khắp nơi trên thế giới. Họ giới thiệu mình là một quốc gia hiện đại nhưng vẫn bảo tồn giá trị di sản, văn hóa truyền thống, rất đáng cho chúng ta học tập.

Để chứng tỏ rằng sức mạnh mềm của một quốc gia không phải là cái gì đó quá cao xa, ông Phan Chánh Dưỡng đưa ra câu hỏi: "Tại sao những năm qua, người dân của nhiều nước rất thích xem phim Hàn Quốc, dù phim nào cũng na ná giống nhau?". Hỏi rồi ông tự trả lời, rằng đó là vì phim Hàn Quốc xoay quanh chữ hiếu và đề cao những giá trị gia đình. Ông Dưỡng nói: "Không bàn về sự hay dở, chỉ biết rằng khi xem phim Hàn Quốc, ai cũng cảm thấy có mình ở trong đó. Chuyện chàng rể quỳ lạy cha mẹ vợ, chuyện trọng nam khinh nữ một cách vô lý, chuyện mẹ chồng nàng dâu..., tất cả đều được lồng vào phim Hàn Quốc một cách nhẹ nhàng, sâu sắc và cuốn hút, tạo nên sự gần gũi, hấp dẫn người đương đại. Sức mạnh mềm đơn giản chỉ là vậy".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Vai trò chủ tịch ASEAN giúp Việt Nam có thế hơn trong việc xử lý các tranh chấp nếu có"

Thế và lực của Việt Nam. Làm sao để phát huy cái thế? Nhận diện nguy cơ...

"Từ ngày xưa, trong mối quan hệ với nhau, nước nào cũng phải tự cân bằng giá trị của mình: cứng tạo ra lực, mềm tạo ra thế, nếu khéo thì có thể chuyển từ thế sang lực. Nhìn ra vấn đề để tìm cách tăng thế lên khi lực chúng ta có hạn và cũng không nên dùng vũ lực để đạt được mục tiêu". Ông Trần Sĩ Chương nói như vậy và dí dỏm: "Thường người ta thiếu phần này thì sẽ có cơ hội để tăng phần kia, bởi ông trời không cho ai hoặc lấy của ai tất cả, người không được đẹp thường có duyên ngầm".

Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc đã giúp Việt Nam chiếm được cảm tình của thế giới. Chúng ta đang có cơ hội để khẳng định giá trị và vai trò của mình, thông qua các tổ chức như ASEAN (mà hiện Việt Nam là chủ tịch), Liên Hiệp Quốc...

Tuy nhiên, theo ông Chương, điều quan trọng là chúng ta phải định vị một chính sách cụ thể, tạo chính nghĩa thông qua việc ủng hộ những gì có tính nhân văn cao, thân thiện với môi trường... Ví dụ, vấn đề môi trường đang được thế giới quan tâm, nếu Việt Nam có cái nhìn cũng như chính sách hợp lý về môi trường thì sẽ có những người bạn thật sự. Lúc nào, thời nào cũng có cơ hội để tạo được sức mạnh mềm, quan trọng là làm sao để ngoài việc kính nể vì chúng ta đã đặt vấn đề đúng, người ta còn cảm mến vì Việt Nam cam kết thực hiện đúng những gì đã đề ra.

Đồng ý "đúng là bây giờ ai cũng chú trọng bảo vệ môi trường", nhưng ông Lương Văn Lý cho rằng khó mà khiến mọi người tin chúng ta đang cam kết thực hiện điều này, nếu những câu chuyện phá hoại môi trường như Vedan vẫn thường xuyên xảy ra.

Thế giới đang phải đối phó với chủ nghĩa cực đoan như khủng bố, biến đổi khí hậu (một dạng cực đoan của thiên nhiên nhằm phản ứng lại cách cư xử không đúng của con người), Việt Nam nên đưa ra quan điểm chống lại những điều cực đoan đó, đồng thời phải phát huy được sự bao dung để xây dựng một xã hội đồng thuận. Còn về thế và lực, Việt Nam không có được sự thoải mái như Nhật, Hàn Quốc - có một cường quốc quân sự là Hoa Kỳ hậu thuẫn, bảo vệ - nên một khi lãnh thổ bị đe dọa, chúng ta phải tự bảo vệ mình là chính. Và rõ ràng, trong hoàn cảnh không ai bảo đảm cho mình sức mạnh cứng, cũng không dễ để sử dụng cái thế - sức mạnh mềm nhằm làm tăng cái lực được.

Dù hiện tại, Việt Nam chưa có thế và lực đủ để có thể là đối trọng của các nước lớn, nhưng không vì vậy mà chúng ta xem nhẹ mặt trận ngoại giao, bởi quan hệ ngoại giao đa phương là một trong những công cụ quan trọng để thể hiện sức mạnh mềm.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, năm 1999, Việt Nam từng giữ chức chủ tịch ASEAN nên chúng ta đã quen với vị trí lãnh đạo trong một cơ chế đa phương, nhưng muốn để lại dấu ấn thì phải xác định rõ mình là ai và có thể đảm nhiệm vai trò gì. Việt Nam hiện có một vị thế kinh tế nhất định, đã hoàn tất việc tham gia các tổ chức của khu vực và thế giới, nên hoàn toàn có khả năng dung hòa lợi ích của các thành viên ASEAN để đảm bảo lợi ích chung của khối trong nhiệm kỳ chủ tịch lần này. Vai trò chủ tịch ASEAN cũng giúp Việt Nam có thế hơn trong việc xử lý các tranh chấp nếu có.

Thật đáng tiếc nếu Việt Nam không tận dụng được cái thế từ sự nể phục của thế giới để chuyển thành cái lực thực sự.

Ông Phan Chánh Dưỡng: "Theo tôi,nước ta nên đặc biệt chú trọng đến ẩm thực"

Bà Ninh kể, năm 2004, trong một cuộc gặp gỡ có đại diện của nhiều nước, sau ít phút phát biểu của bà về định hướng phát triển của Việt Nam, ông Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam đã nói đại ý rằng đừng nên ngáng đường dân tộc Việt, bởi dân tộc này luôn vươn lên và hướng về cái đích mà mình đeo đuổi rất mãnh liệt. Nói vậy để thấy là chúng ta vẫn được bạn bè và cả từ những người từng đối đầu với mình đánh giá rất cao.

Nhưng dù có tự hào thì vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng đa phần sự nể trọng đó đến từ quá khứ. Còn hiện tại, ngoài việc kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức khá, chúng ta đã để bộc lộ quá nhiều điều bất cập. Không nói đâu xa, bản sắc dân tộc Việt Nam là gì, cũng chưa được xác lập rõ nét. Thông điệp cụ thể của chúng ta năm 2010 ra sao cũng chưa có. Dường như chưa có một sự đồng thuận để chúng ta có thể phát huy hết sức mạnh mềm của mình. Các vị khách mời đều cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa trước thực trạng xuống cấp của xã hội, từ giao thông đô thị, đạo đức gia đình, học đường, cho đến sự mất dần các truyền thống hiếu học, tôn trọng người khác, nghĩa là vốn xã hội đang ngày càng giảm.

Một vấn đề còn lớn hơn, theo ông Trần Sĩ Chương, đó là động lực phát triển. Tất cả những nền kinh tế mạnh của châu Á, từ Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore đều có xuất phát điểm rất thấp, cũng không có sức mạnh cứng, nên phải cố gắng phát huy sức mạnh mềm. Họ bức xúc và lo sợ nếu mình không nỗ lực thì sẽ phải trả một giá rất đắt. Đó là động cơ thúc đẩy họ phát triển như ngày nay. Còn người Việt Nam lại dễ hài lòng với hiện tại, điều này tốt, nhưng mặt trái là khiến chúng ta mất đi động lực. Chặng đường hơn hai mươi năm đổi mới của Việt Nam, giai đoạn đầu thập niên 1990 là phát triển nhanh nhất, sau đó chậm dần. Sự sớm hài lòng khiến Việt Nam khó thể thực hiện được những thay đổi cần thiết để phát triển.

Quảng bá văn hóa. Biến tiềm năng của sức mạnh mềm thành sức mạnh cứng

Để có thể kể những câu chuyện hay về Việt Nam cho bạn bè quốc tế, chúng ta rất nên bắt đầu từ văn hóa.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, muốn phát huy sức mạnh mềm, không thể chỉ bảo tồn cái cũ, mà phải quảng bá mạnh mẽ. Chúng ta mới chỉ có tiềm năng, chứ chưa có hướng đi hữu hiệu để phát huy tiềm năng đó. Tự hào rằng Việt Nam có nhã nhạc, cồng chiêng, quan họ được UNESCO công nhận, nhưng nếu cất chúng trong bảo tàng thì không được. Những người làm công tác ngoại giao nên đi đầu trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước.

Bà Ninh kể: "Khi còn là đại sứ Việt Nam tại Bỉ, năm 2001, chúng tôi đã tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Brussels, với mục đích giới thiệu một Việt Nam trẻ trung, năng động, sáng tạo, thông qua những sân khấu thời trang, biểu diễn ca nhạc, chuyên đề giới thiệu âm nhạc Việt Nam của giáo sư Trần Văn Khê..., với một sự kết nối liền mạch và có ý đồ. Kết quả đạt được rất khả quan, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh một Việt Nam mới trong lòng người xem".

Ông Lương Văn Lý: "Việt Nam nên đưa ra quan điểm chống lại những điều cực đoan"

Bà Ninh cũng đề nghị chúng ta nên phát huy hơn nữa vai trò của những người có khả năng tác động dư luận, tạo nên thị hiếu, họ có thể là ca sĩ, diễn viên, nhà khoa học, chính khách..., để quảng bá cho văn hóa Việt Nam. Và nếu cho rằng một trong những "vũ khí" quảng bá văn hóa Việt Nam là ẩm thực, thì hãy tôn vinh những đầu bếp. Lâu nay, chúng ta dường như chưa chú trọng đến nội dung, thực chất, trong việc điều hành cũng thiếu hẳn sự gắn kết.

Tuy nhiên, có một điều còn quan trọng hơn cả việc quảng bá, đó là xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tương xứng với những gì chúng ta giới thiệu về mình. Ông Trần Sĩ Chương hình tượng: "Có thể xem việc quảng bá văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam với bè bạn cũng như chúng ta đang nói với họ: "Thấy ông bà của tôi hồi xưa hay ghê chưa?", khiến nhiều người có cảm tình với chúng ta và suy nghĩ rằng "Ông bà của người này hay như vậy, chắc con cháu hiện giờ cũng hay lắm, mình nên đến nhà họ chơi xem sao". Sau khi đến chơi với chúng ta, nếu họ nhận ra rằng sự thực không phải thế, cái giá phải trả là rất lớn".

Là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, hiểu được những suy nghĩ của họ về một đất nước, dân tộc, ông Chương cho biết người ta không chỉ đo sự thân thiện của một dân tộc thông qua những nụ cười thân thiện của người dân nước đó với du khách nước ngoài, mà họ còn nhìn xem một bà cụ qua đường có được ai dắt không, một phụ nữ bồng con nhỏ lên xe bus có được ai nhường chỗ không... Nếu chúng ta không có khả năng tạo cảm tình với người khác để người ta sống thật với mình, đến với mình, thật lòng giúp đỡ mình, thì chỉ có thể chơi với những kẻ cơ hội mà thôi.

Sức mạnh mềm ắt sẽ chẳng được quan tâm nhiều đến thế nếu như không chuyển thành sức mạnh cứng, tức là góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế. Ông Phan Chánh Dưỡng đi từ cách làm của Hàn Quốc như một sự tiếp ý câu chuyện phim ảnh xứ này: "Họ bắt đầu câu chuyện của mình thông qua phim ảnh, nhưng theo sau là câu chuyện kinh tế. Qua phim ảnh, công nghệ thời trang và làm đẹp của Hàn Quốc âm thầm thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường thế giới, và ngày càng hoàn thiện. Đến nay, ngành chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thời trang của Hàn Quốc đã thuộc vào hàng đầu thế giới, trở thành một lực lượng kinh tế hùng mạnh. Sức mạnh mềm đã chuyển thành sức mạnh cứng". Ngưng lại một lát, ông Dưỡng vận dụng vào câu chuyện của Việt Nam: "Theo tôi, nước ta nên đặc biệt chú trọng đến ẩm thực.

Thế giới từ thiếu ăn đã chuyển lên ăn no, ăn ngon, ăn có nghệ thuật, có lợi cho sức khỏe, gắn liền với thiên nhiên. Không phủ nhận ẩm thực Việt Nam học rất nhiều từ Pháp và Trung Quốc, nhưng với cách ăn riêng của mình, dần dần các món ăn của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn, gần gũi hơn. Học Trung Quốc nhưng bây giờ ẩm thực Việt Nam không hề thua kém họ. Tôi hoàn toàn tự tin rằng việc mở nhà hàng bán các món ăn Việt Nam tại Trung Quốc sẽ thành công. Bắt đầu từ ẩm thực, chúng ta sẽ phát triển cây trồng, vật nuôi, rồi hiện đại hóa nông nghiệp. Xa hơn, nên chăng để sinh học chứ không phải các ngành khoa học khác là ngành mũi nhọn? Từ nghiên cứu món ăn, sức khỏe, các vị thuốc thiên nhiên... trở thành một chuỗi, nghĩa là phần mềm đã gắn với phần cứng, sinh ra phần cứng, sau đó phần cứng trở lại giúp phần mềm phát triển".

Ông Trần Sĩ Chương: "Lúc nào, thời nào cũng có cơ hội để tạo được sức mạnh mềm"

Ông Trần Sĩ Chương đồng ý với ông Dưỡng, nhưng muốn đề cập đến ngành du lịch. Đó là ngành được hưởng lợi trực tiếp từ những câu chuyện kể của dân tộc, và đến lượt mình, ngành này sẽ kể tiếp câu chuyện đất nước với du khách.

Thế giới được giới thiệu về ẩm thực, văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhiều người sẽ cảm mến và muốn đến với chúng ta. Thế nhưng, thống kê cho thấy đa phần du khách nước ngoài ở lại Việt Nam ít ngày hơn họ dự tính và tỷ lệ người quay trở lại là rất thấp, chỉ khoảng vài phần trăm, chứng tỏ cảm tình của họ dành cho Việt Nam sau khi du lịch đã giảm xuống. Và như vậy, chúng ta đã và đang đánh mất chứ không phải phát huy giá trị mềm của mình.

Ở đây rất cần đến vai trò của Nhà nước. Du lịch Thái Lan làm tốt việc này vì các ngành có liên quan đã phối hợp với nhau dưới sự điều phối, tổ chức của nhà nước, nên mới có chuyện ngành hàng không bán vé du lịch cực rẻ, khuyến khích du khách tới nước họ xài tiền; khi ấy, những người bán hàng được lợi, nên họ trích lợi nhuận như một loại phí đóng vào quỹ chung, từ quỹ này tiền được bù cho ngành hàng không... Kế đến là vệ sinh môi trường - yếu tố thể hiện mình và sự nể trọng dành cho "khách đến nhà", vấn đề này Nhà nước cũng phải đóng vai trò tổ chức. Từ trước đến nay, Nhà nước chưa đưa bài toán lợi ích cho các bên liên quan thật rõ ràng, minh bạch và công bằng, khiến người ta không thấy được cái lợi cụ thể nên không tham gia.

Trong cuộc tọa đàm lần này, ông Huỳnh Bửu Sơn ít phát biểu, chỉ tỏ sự đồng tình với mọi người. Cuối buổi, ông mới nhỏ nhẹ: "Như tôi đã nói, cái gốc của sức mạnh mềm là sự đồng thuận. Có được điều này thì phát triển kinh tế hay đưa đất nước vượt qua khủng hoảng sẽ không quá khó. Chẳng hạn về mặt kinh tế, phát huy được sức mạnh mềm, chúng ta sẽ làm tăng sự tín nhiệm của nhân dân vào Nhà nước, vào hệ thống ngân hàng. Khi ấy, ai có khả năng kinh doanh thì đem hết vốn ra làm ăn, ai không có khả năng thì gửi tiết kiệm, đó là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế. Còn để một lượng tiền, vàng, ngoại tệ rất lớn trong dân hoặc gửi ra nước ngoài là một sự lãng phí, đặc biệt với nền kinh tế đang thiếu vốn như nước ta. Lại phải lấy ví dụ từ sức mạnh mềm của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hẳn nhiều người còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998, rất nhiều người dân Hàn Quốc đem vàng nữ trang của mình tặng cho nhà nước. Trong giai đoạn suy thoái, lãi suất tiết kiệm xuống mức 0%, dân Nhật vẫn đem tiền gửi vào ngân hàng. Chính sự đồng lòng ấy tạo nên sức mạnh cho hai quốc gia này. Ngày trước, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người Việt từng có sự đồng lòng tương tự trong Tuần lễ Vàng, Tuần lễ Đồng...".

Vâng, cái gốc của sức mạnh mềm là sự đồng thuận. Mong rằng dân tộc Việt Nam cũng đạt được sự đồng thuận như chúng ta từng có, để nhanh chóng đưa đất nước phát triển vượt bậc, có lực xứng tầm với cái thế - sức mạnh mềm - mà chúng ta dày công xây đắp.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khơi dậy sức mạnh mềm

    29/04/2016Trần Trọng ThứcCho dù trọng tâm cuộc mưu sinh của người đời luôn gắn liền với chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang trên đà suy thoái, nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận các giá trị văn hóa vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả quốc tế.
  • Phát huy nội lực

    02/04/2015Nguyễn Trần BạtTừ bao đời nay, người Việt ước mơ xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh". Có thời người ta đặt hy vọng ở nguồn tài nguyên rừng vàng biển bạc, chẳng hạn như dầu mỏ phun lên ồ ạt nhiều hơn cả dầu mỏ Trung Đông. Cũng có người mơ tưởng sẽ có những lực lượng ngoại bang mang lại cuộc đổi đời cho dân tộc. Họ vừa thiếu thực tế vừa sai lầm về mặt lý luận. Chỉ có sức mạnh của chúng ta - nội lực Việt Nam - mới giải quyết được những vấn đề của chúng ta, mới là yếu tố quyết định để biến đổi một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
  • An ninh

    29/12/2009Cao Huy ThuầnBàn về an ninh trong quan hệ quốc tế, cho mãi đến gần đây khuynh hướng có phần chiếm ưu thế là đồng hóa an ninh với quốc phòng, định nghĩa an ninh như là khả năng có thể ngăn chận được các cuộc xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài.
  • Nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh dân tộc

    14/03/2009GS. Tương LaiSứ mệnh thiêng liêng của thế hệ Việt Nam ngày nay là phải giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới đầy biến động. Bản lĩnh của người lãnh đạo là phải biết khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh dân tộc được khởi nguồn từ mệnh lệnh trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.