Khi có trong tay 5000 tỷ USD
Có một câu chuyện được truyền miệng vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX: Một cán bộ cao cấp của ta hỏi kinh nghiệm một quan chức cao cấp Đài Loan làm thế nào dự trữ ngoại tệ của Đài Loan lên tới trên 90 tỷ USD thì được trả lời rằng: Con số đó quá nhỏ bé so với Việt Nam. Bởi vì hầu hết đất đai của Đài Loan nằm trong tay tư nhân, Nhà nước muốn dùng thì phải mua lại. Còn đất đai ở Việt Nam nằm trong tay Nhà nước. Đó là nguồn dự trữ quốc gia vô cùng lớn nếu được đầu tư và khai thác tốt.
Thời gian cứ trôi đi, câu chuyện cũng dần đi vào quên lãng, phần vì “cơm không ăn, gạo còn đó”; phần vì đấy là đất công, chẳng phải của riêng ai nên chẳng con tim nào đau, chẳng khúc ruột nào xót khi bị lãng phí, khi bị xà xẻo.
Đến khi ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố tại hội thảo Phát triển vào quản lý thị trường bất động sản giữa tháng 9 năm 2003 rằng Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển thì nhiều người mới giật mình nghĩ lại. Thì ra Nhà nước ta đang ngồi trên một núi vàng mà “quên” mất. Suốt cả 10 năm trời vận động, ngoại giao con thoi hang chục quốc gia và các tổ chức quốc tế viện trợ ODA cho Việt Nam (mà đây là đi vay, nay mai con cháu chúng ta phải trả) cũng chỉ mới được cam kết hơn 20 tỷ USD, và cũng chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ USD. Nay tự nhiên ngoái lại thấy trong nhà có tới 5.000 tỷ USD thì giật mình là còn nhẹ.