Kẹt xe, nghẽn văn hóa

02:04 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Chín, 2013

Kẹt xe mà cũng cần văn hoá à? Đương nhiên, vì chỉ riêng chuyện kẹt đã khiến nhiều người phát rồ rồi, nay thêm… nghẽn văn hoá trong "kẹt" nữa, thì chỉ còn nước vô nhà thương điên nghỉ khoẻ!

Nghẽn trong kẹt thì quả có nhiều món rất quái?

Nhiều cô cậu "chíp hôi", dẫu kẹt xe, vẫn tranh thủ truyền hình trực tiếp chương trình "lời tay chân muốn nói" ngay tại chỗ: nào quắp, nào kẹp, nào nắn, nào bóp trước mắt thiên hạ. Nhiều đám kẹt, dự đoán tình hình cứng ngắt còn dài dài, nên các cô cậu tắt máy xe, lợi dụng cảnh hoàng hôn đang buông xuống trên con đường nhá nhem (do tiết kiệm đèn đường) cùng khung cảnh mờ mờ ảo ảo do khói xe mà tranh thủ "giải lao" với em út ngồi sau. Vừa tiết kiệm xăng, vừa khỏi phí của giời, lại chống xì-trét rất hiệu quả?

Dù chả nhúc nhích được miếng nào, nhưng nhiều anh giai, có lẽ băn khoăn không rõ mình có bị điếc đặc không, hay anh cảm thấy bên đời hiu quạnh quá dù là giữa đám người đông nghẹt- hoặc do anh thương nhớ đồng quê, thèm đột xuất một tiếng vạc kêu sương giữa chốn thị thành nên tí chút lại bóp một phát điệu còi “quàng quạc, quàng quạc” to tướng, làm bà con hết hồn hết vía! Một số anh khác, cứ như bị “thần kinh thể hoang tưởng”, chắc là tưởng mình đang vi vu trên xa lộ, vừa bóp còi nhặng xị, vừa rồ ga bình bịch, xịt khói mù mịt cả lên! Các anh này đa phần đi loại xe xì-po, đít lúc nào cũng ong ỏng lên, chĩa pô thẳng vào mặt các bác phía sau, thế là các bác này được dịp… thông lệ đạo miễn phí!



Một số bác giai có lẽ mới vô vài xị tắc kè kỳ nhông gì đấy, nên hành vi có vẻ khẩn trương một cách bất bình thường, hết lanh lách bên này, lại nhui nhủi bên kia… Sau cáu quá, chả được quái gì, thế là bác bốc lên, chửi đổng một tràng vừa đủ trong vòng bán kính 5 mét nghe mồn một lời bác. Có bác khác, chưa thấy thoả mãn về thành phần cử toạ nghe chửi, nên vớ được cú điện thoại thân bằng quyến thuộc nào đấy vô phúc gọi đến, đúng ngay thời điểm nhạy cảm này, sướng quá, bác vồ ngay lấy; vừa kể lể vừa tranh thủ chửi đệm vào cho nó đã mồm, làm bà con tạm trú xe xung quanh bác điếc tai, đầu óc ngoay ngoáy cả lên…

“Tấc đường tấc vàng”, quyết không nhân nhượng, nhường đường cho bất kể thằng cha, thằng nhãi, con mụ, con ranh nào là quan điểm được nhiều bác quán triệt xuyên suốt từ đầu xe đến đít xe? Vì thế, dẫu cô nàng xinh xắn nào ỉ ôi xin bác vui lòng nhích cái đít sang trái chừng 30 độ, đủ để cô lọt sang bên kia thì bác vẫn kiên quyết những đít xeo xéo như thế, “Ông cứ để đấy thì sao? Bố đứa nào dám làm gì ông?”. Bó tay chấm cơm chiên!

Tình hình kẹt xe căng thẳng thế, chả có gì ngon lành gợi cảm, đường và người có phải trái xoài trái cóc ngâm dấm chấm mắm tôm đâu mà nhiều anh nhiều bác vẫn tăng tiết nước bọt một cách thái quá. Kẹt thì kẹt, các anh các bác vẫn hăng hái khạc nhổ, xì mũi với một phong cách rất "rồ"? Dẫu xe người ken cứng như thế mà các bác vẫn định vị đúng tọa độ véo một nhát bọt, đậu êm đúng chỗ, sát sàn sạt chân em nọ mà em chả nói được tiếng nào…

Nhiều bà con đi xe đò tốc hành thì lại có những kiểu sinh hoạt rất tự nhiên chủ nghĩa trên xe. Bác thì cho cả bàn chân đen thui lùi ra cửa sổ, như muốn đạp vào mặt thằng nào dòm vào xe. Bà thì vứt vỏ chuối, cô thì tranh thủ thò đầu ra ngoài chà mặt, súc miệng òng ọc rồi phun cả ra ngoài… lỡ trúng ai thì kệ cha nó ?

Trong tình hình này, văn hoá cảm ơn-xin lỗi xem như lọt tõm chết ngỏm ngòm ngom trong đám kẹt xe. Chỉ cần có thẻo đường nào ló ra, là ngay lập tức, các xe lao tới chiếm cho bằng được, dẫu bánh xe mình có phải giày xéo lên chân ai đó; hoặc kính hậu, tay thắng có xiên quẹt vào bẹ sườn ai đấy... Mặc, chỉ cần có đường đi là được rồi?

Nhiều em gái, nhất là các em lượt thượt áo dài, áo ngoài áo trong, mặt mũi bít bùng trong đám khẩu trang, thường phản ứng rất chậm chạp trong các tình huống đường…lòi ra. Trong lúc các em lúng túng rồ ga, sang số, nhiều anh giai rất nhiệt tinh nhắc nhở các em bằng một phong cách rất thân tình là ủi ình ịch vào… đít xe em, hay chồm lên vỗ bồm bộp vào yên xe em kèm theo một tràng những từ mà Hội bảo vệ động vật hoang dã lẫn Hiệp hội chăn nuôi gia súc hẳn rất phẫn nộ khi nghe thấy!

Xe lớn lấn tuyến xe bé, xe bé lại lấn xe bé hơn… Hết đường, thế là mọi người đua nhau phóng lên lề mà đi. Nếu hãng Hon da tung sang VN loại xe gắn máy đua địa hình mà mọi người vẫn xem trên TV, thể nào khối bà con ta cũng tậu cho mình một chiếc để khi kẹt xe, phóng lên cả… dãy phân cách (nếu cần thì lên cả nóc mấy thằng ô tô chạy chứ chả chơi ? ) để đi nốt ?

Kẹt xe khi trời yên bể lặng còn đỡ, gặp bữa sau cơn mưa lớn, trên dồn cục dưới bì bõm nước, tình hình càng nguy nan. Cái đấy người ta gọi là… thuỷ chiến, nghĩa là phải vận dụng nhiều kế sách chả kém bác Ngô Quyền khi xưa, để mong bảo toàn mạng xe (không bị sặc nước chết máy) lẫn bảo toàn mạng ta (áo quần mình mẩy không bị tẩm ướp nước cống, nước bẩn) cho đến khi lê lết về đến nhà? Vì nhiều bác phải gọi là dã man nguyên con, nhất là các bác sang cả đi ô tô, cứ thấy đường là "soạt" một phát như ca nô lướt sóng, sượt qua mặt các bác gắn máy để cướp đường. Đương nhiên, sức mạnh của quý ông 3 "chấm" phải hơn hẳn cái thằng 100 phân khối, thành ra trong cuộc đua không cân sức này, vô số bác gắn máy được dịp tắm gội vô tư nước bẩn từ đầu xuống chân? Gặp bác nóng tính thì phun ngay tại trận một loạt "con giống" đến các nhà tình dục học nghe xong cũng chạy mất dép! Bác nguội tính hơn thì lẳng lặng nuốt nghẹn vào lòng, cứ nghĩ mình vừa tham dự lễ hội té nước bên Thái Lan cho nó đỡ tổn thọ?

Thế nên kẹt xe mà đính kèm cả tắc nghẽn văn hoá thế này thì nguy mất cho tình hình xây dựng nếp sống văn hoá mới của thành phố ta mất?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái vội của người mình

    05/01/2018Vương Trí NhànNăm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.
  • Văn hóa ngã tư

    01/08/2009Trần Thị Nguyên LanCác ngã ba, ngã tư luôn là nơi đông đúc và dễ xảy ra tai nạn. Ứng xử hợp lý ở ngã tư vừa góp phần làm giảm tai nạn và ách tắc giao thông vừa thể hiện nét văn hóa của mỗi người.
  • Những cái nhất đáng suy tư

    10/02/2009GS - TS Trần Ngọc ThơSự lạc quan thái quá và thiếu hiểu biết từ năm 2007 đã gây nhiều hệ lụy và làm bùng phát những cái nhất đáng lo trong năm 2008. 2008 là năm chứng kiến nhiều "nhà" đòi giải cứu nhất; nhà chứng khoán; nhà bất động sản; nhà xuất khẩu; nhà nhập khẩu; nhà nông... Ông bà mình nói nhân nào quả đó quả thật không sai. Đầu xuân xin mạn đàm về mối quan hệ nhân quả kinh tế-xã hội trong năm qua để "cùng ngẫm mà đau cái sự đời".
  • Thắt nút cổ chai…

    18/01/2009Kiều Phương MinhỞ ngay gần phố tôi ở, hồi làm đường Thái Hà, có một nút cổ chai, phải đến xấp xỉ 10 năm mới giải phóng được. Bây giờ trên đường tôi đến cơ quan hay trên nhiều con đường mở rộng của Hà Nội vẫn thấy một vài nút cổ chai, chắc cũng phải mất xấp xỉ thời gian như thế mới giải phóng được...
  • Hiện đại & hại điện!

    23/06/2008Linh linhXu hướng phát triển tất yếu của xã hội phải là văn minh, hiện đại nhưng đi kèm với nó đương nhiên vẫn là hệ lụy tốn kém điện, vấn đề này khỏi cần bàn vì cứ nhìn nhu cầu điện và sự thiếu hụt điện năng càng trầm trọng vào mùa khô sẽ rõ mức độ hiện đại. Cho nên, cụm từ này được nâng cấp phù hợp với nhận thức xã hội, một cách nói lái để nêu lên hai mặt của một bàn tay, một đồng xu sấp ngửa hay thuyết nhị nguyên luận đen trắng...
  • Những mẩu chuyện về kẹt xe

    11/10/2007Lê HoàngBỗng nhiên từ vài tháng nay, nạn kẹt xe trong thành phố đột ngột bùng phát. Tất cả các con đường bỗng trở nên cứng như nêm vào những giờ thiên hạ phải đổ ra phố. Chuyện ấy dĩ nhiên gây ra rất nhiều bực dọc, rất nhiều phiền toái nhưng cũng gây ra không ít huyền thoại và sự khôi hài...
  • Vượt đèn đỏ…

    29/11/2005Nguyễn Quang ThiềuCó thể có những người khi đọc xong bài này thì bĩu môi: "Nói gì không nói lại đi nói toàn chuyện vặt vãnh”. Xin thưa các quí bà và các quí ông của tôi, những chuyện vặt vãnh đó đang làm cho các thành phố của chúng ta lộn xộn trong giao thông (gây chết người không ít), bẩn thỉu trong môi trường và vô nguyên tắc trong lối sống....
  • xem toàn bộ