Những kẻ nịnh hót tiến rất nhanh, nhưng có thể rơi xuống hố bất cứ lúc nào

01:48 CH @ Chủ Nhật - 06 Tháng Giêng, 2019

Thói nịnh hót, bợ đỡ đã có từ ngàn xưa, lắm chuyện cười ra nước mắt. Ấy thế mà ngày nay, nhiều người vẫn cứ giữ cái thói xấu này để trèo lên người khác giúp mình có một vị trí cao trong công việc...

Những kẻ nịnh bợ sếp là một trong những kiểu người được liệt trong danh sách bị ghét nhất. Tất nhiên, ai chẳng muốn nghe những lời khen, mật ngọt thì chết ruồi mà. Nhưng ngọt quá thì có thể khiến bị “khé cổ” đấy! Sếp là người có quyền lực nhất trong công ty, mọi quyết định đều nằm trong tay sếp nên tất nhiên nhân viên nào cũng muốn mình có một hình ảnh nhất định trong lòng sếp.

Khen thì khen cho đúng lúc đúng nơi, chứ còn khen bất chấp hoàn cảnh thì được liệt vào kiểu nịnh bợ sếp đấy! Đôi khi quan hệ giữa sếp và nhân viên cũng giống như quan hệ tình yêu đôi lứa. Trong những tình huống cần thiết cũng cần phải tìm học nghệ thuật “làm đẹp lòng nhau”, tuy nhiên đây không được coi là hình thức nịnh bợ.

Những nhân viên thích nịnh luôn “trang bị” cho mình nhưng lời tâng bốc khi nói chuyện với sếp. Có thể hôm nay chiếc áo của sếp không đẹp nhưng qua lời của họ thì sẽ biến thành “Rất độc đáo, hợp thời trang hay màu sắc rất quyến rũ”. Ngày mai sếp có một mái tóc mới không hợp lắm với khuôn mặt thì vẫn được khen ngợi hết lời: “Sếp cắt đầu này trông trẻ ra bao nhiêu, làm em không nhận ra” …

Có chuyện cũ kể rằng bè lũ nịnh thần có chỗ dung thân, tác oai tác quái suy cho cùng là vì bề trên ưa nghe lời xiểm nịnh. Trong lịch sử, có không ít giáo huấn về việc này. Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân.

Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”. Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!” Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia.

Những người thích nịnh bợ sếp là những kẻ lẻo mép, sếp xoay chiều nào thì cũng tự vặn mình xoay theo chiều ấy. Đa số những kẻ mồm mép đều không tài năng, giỏi giang nên đành dùng mồm miệng đỡ chân tay. Vì muốn được giữ chân trong công ty, vì muốn được thăng quan tiến chức nên đành hạ thấp danh dự của bản thân để thỏa lòng người khác. Mồm miệng cũng chỉ là lời nói, mà lời nói thì gió bay nên nhiều kẻ còn dùng vật chất để đánh cược với danh dự.

Nhưng rất có thể sau khi sếp ra ngoài thì họ lại cười cợt và nói với đồng nghiệp: "Thầm mỹ của sếp có vấn đề, kiểu đầu đó trông chả ra làm sao cả”. Đồng nghiệp của những nhân viên thích nịnh luôn đánh giá những loại người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” này rất nguy hiểm, không nên kết thân và làm bạn vì không biết lúc nào họ quay lại chơi xấu mình.

Nhắc tới những người "hảo ngọt", nịnh bợ có nguồn gốc từ rất lâu rồi, thời nào mà chả có kẻ xum xoe, thời nào mà chả có người ưa nịnh. Còn "mật đắng" hay "mật ngọt" chỉ có những kẻ tỉnh táo bên ngoài mới nhận ra.

Lại có chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công, ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân. Tề Uy Vương ra lệnh: “Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1. Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3.”

Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm. Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương thường lo lắng việc nước, luôn hỏi han quần thần. Lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: “Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được yên.” Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh.

Nhìn chung, ở công sở nào cũng có những nhân viên thích nịnh sếp và lấy sự nịnh bợ đó làm bệ phóng cho công việc của bản thân. Điều quan trọng là cấp trên phản ứng và có thái độ như thế nào đối với những nhân viên thích nịnh. Đương nhiên ai cũng thích nghe người khác tán dương hoặc ca ngợi mình. Nhưng nếu sếp là một người tỉnh táo thì chắc chắn cũng biết đâu là những lời nói thật và đâu chỉ là những lời xum xoe, tâng bốc.

Những nhân viên hay nịnh không bao giờ nhận được sự tôn trọng của mọi người vì những hành vi là lời nói của họ gây ra sự phản cảm và khó chịu. Một vị sếp hay một nhà quản lý tốt cũng không bao giờ đánh giá năng lực thực sự của nhân viên qua những lời nói hoa mỹ hay những món quà vào những dịp đặc biệt. Đánh giá của họ sẽ được thông qua những thành quả mà nhân viên đó đã cống hiến cho công ty. Việc mình mình cứ làm, cố gắng, nỗ lực chẳng bao giờ uổng công.

Nguồn:CafeBiz
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhàn đàm về nịnh

    26/12/2019Trần Trung Hải. Các kiểu nịnh xưa nay rất đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân.
  • Thói nịnh nọt

    07/01/2019Linh LinhNgôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ nịnh có thể dùng làm cả danh từ,động từ và tính từ, nhưng định nghĩa chung nhất của từ nịnh là: Khen quá đáng hoặc khen không đúng, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm mục đích cầu lợi). Các kiểu nịnh cũng khá rôm rả: ninh bợ (tự hạ mình, nịnh một cách hèn hạ để cầu lợi), ninh hót (nịnh nọt và ton hót chuyện), nịnh nọt (nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ), nịnh đầm (chỉ nịnh phụ nữ để lấy lòng), nịnh thần (chỉ chung những kẻ dưới gian nịnh)... cho đến nịnh thối!
  • Chiều nịnh nhau và chiều nịnh chính mình

    20/09/2016Vương Trí NhànNhìn vào báo chí, người ta thấy ngay những tin tức xuôi chiều nghe đến đâu mát lòng mát ruột đến đấy. Những câu chuyện thô tục khơi mào cho những tiếng cười rẻ tiền. Những cuộc đố vui đánh vào tâm lý ăn may của công chúng. Tỷ lệ những trang báo loại này quá lớn, tất cả cốt làm xì hơi bớt nỗi bức xúc dồn tụ trong lòng người, mà cũng để dân làm báo khỏi cất công vất vả lặn lội đi viết về những vấn đề nhức nhối của đời sống, nhọc nhằn mà lại nguy hiểm...
  • Bài thơ “nịnh vợ” nổi tiếng của TS Lê Thống Nhất

    08/03/2016Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và bìnhThơ anh thông minh, dí dỏm, hài hước đặc biệt là trong lĩnh vực “nịnh vợ… sợ con”. Anh cho biết 16 năm nay (từ 2000), sau khi viết bài thơ “Hai tư giờ thôi nhé”, tháng ba nào anh cũng viết một bài thơ vì có ngày Phụ nữ Việt Nam và ngày sinh nhật cô con gái rượu (14/3)...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Ưa nịnh, chê bai, thiếu óc khoa học

    13/08/2015Vương Trí NhànNgười mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng thì chỉ muốn khen, chứ không muốn người ta chê...
  • Nịnh

    30/12/2008Tiến HảiCô con gái cưng Êlêônôra của Mác hỏi cha: "Ba ơi, thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì?" Mác trả lời ngay không một chút do dự: "Thói nịnh hót"...
  • xem toàn bộ