Nhàn đàm về nịnh

04:56 CH @ Thứ Năm - 26 Tháng Mười Hai, 2019

Trong giao tiếp hàng ngày, chúc tụng, ca ngợi, động viên cổ vũ, khen nhau khiến cho nhau phấn khởi vui vẻ trong cuộc sống là chuyện thường tình. Thế nhưng nịnh hót, nịnh nọt để thành kẻ nịnh bợ thì cũng không phải là chuyện hiếm. Các kiểu nịnh xưa nay rất đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân.

Xưa nay nịnh chỉ có một chiều: dưới nịnh trên, không hề có chuyện người trên nịnh kẻ dưới, ngoại trừ trường hợp dỗ dành trẻ con. Và lúc này nịnh đã biến thành nựng.

Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân thời vua Càn Long nhà Thanh Trung Quốc. Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: "Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hayvà viết chữ đẹp như thế! ". Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng "Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!". Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan lại hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia. Chẳng cứ gì Hòa Thân, xưa nay những kẻ xu nịnh vẫn thường a dua theo đuổi kẻ có quyền thế, phủ nhận và xuyên tạc sự thật bất chấp lẽ phải. Sử Trung Quốc vẫn còn ghi chuyện Triệu Cao, Tể tướng nước Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế áp mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư, Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo nhà vua rằng đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần "Con vật này là hươu hay ngựa. Bọn quan lại xu nịnh Triệu Cao đều tâu là ngựa!"

Đấy là chuyện bên Tàu. Ở Việt Nam ta cũng có khối chuyện vui lý thú. Như chuyện tên đầy tớ nịnh chủ trong chuyện cười Việt Nam. Tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu! Đi chơi, ông chủ khen. "Lúa đồng làng này tốt quá?". Tên đầy tớ ca theo "Lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần ! " . Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo "Cô nương nhà ta xinh gấp mười lần". Khi gặp một bà già, chủ nhận xét bà xấu xí. Tên đầy tớ quen mồm buột miệng "Bà nhà ta xấu gấp mười lần ! " . Thì ra nịnh hót đã thành quán tính!

Nghệ thuật nịnh bao giờ cũng dùng lời lẽ rất văn vẻ để người trên vừa lòng như chuyện tên lính hầu phát hiện trên chòm râu quan huyện có dính hạt cơm. Hắn đã quỳ tâu: “ Bẩm quan lớn, có hạt minh châu vương trên long tu ngài”. Quan hiểu ý nhặt bỏ hạt cơm, rất hài lòng khen tên hầu bẻm lép thông minh.

Tuy vậy, trong kho tàng chuyện nịnh trên thế gian này có lẽ chưa có chuyện nịnh nào vượt qua được tầm nịnh trong chuyện "Nịnh rắm" của nước ta. Chuyện kể rằng trong một buổi thăng đường, huyện quan vô tình tương ra một cái rắm. Quan đang bối rối thì viên thơ lại đã đến bên xun xoe: "Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!". Một viên thơ là khác lại thốt lên: "Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương lan ! " . Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: “Ta nghe nói, trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa !” . Hai viên thơ lại cuống quít đính chính. "Bẩm quan lớn, dạ, bây giờ mới có mùi ạ!","Dạ, bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ!"

Suy cho cùng, nịnh là để chiếm cảm tình của cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém sức nhưng lại muốn vươn lên bằng thủ thuật nịnh bợ. Xã hội càng phát triển, thủ thuật nịnh càng tinh vi, đa dạng. Từ những ngôn từ đẹp đẽ tâng bốc đón ý cấp trên, tranh thủ cảm tình đến hạ mình phục vụ hầu hạ, biếu xén quà cáp, hối lộ đất đai, tiền bạc. Vì vậy các nhà xã hội học đều cho rằng nịnh là có hại cho sự phát triển xã hội. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết xuống chiếu cầu hiền: "Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu ninh . . . " . Cho nên, nhận ra được bộ mặt thật của kẻ xu nịnh không phải là khó nhưng để tránh được sự tâng bốc, phỉnh phờ, đường mật rồi vô tình lạc vào mê cung thì thật không dễ. Phát hiện kẻ nịnh rồi tìm cách tránh, xưa nay không phải là không có. Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công. Ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân Tề Uy Vương ra lệnh: "Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1 . Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3".

Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm... Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương lúc nào cũng lo lắng việc nước luôn hỏi han quần thần nhưng lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: "Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được Yên". Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh. Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến nỗi tan tành sự nghiệp, mất cả mạng sống của mình.

Danh tướng Quan Vũ (Quan Vân Trường) một trong ngũ hổ thời Tam quốc, oai phong lẫy lừng là thế nhưng lại mất cảnh giác trước lời tâng bốc, phỉnh nịnh của Lục Tốn - đại tướng Đông Ngô, để rồi bị Lục Tốn đánh úp chiếm đóng Kinh Châu và chặt đầu Quan Vũ! Nói công bằng, có người ưa nịnh thì cũng có người khẳng khái không ưa nịnh, luôn giữ bản chất trong sạch của mình trước kẻ cường quyền dù đó là vua của một nước. Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề không chịu xu nịnh. Tề Tuyên Vương là một ví dụ . Chuyện kể rằng khi vua đến chơi nhà Nhan Súc, vua gọi: "Nhan Súc, lại đây!", y như kiểu gọi một đứa trẻ. Nhan Súc điềm tĩnh đắp lại: "Hoàng thượng! Lại đây!". Các quan theo hầu hạch tội. Nhan Súc giải thích: "Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh ham muốn quyền lực. Súc gọi mà nhà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ, xu nịnh quyền thề thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!". Thật là một lập luận biện hộ hết sức tài tình.

Trong cuộc sống ngày nay, xu nịnh vẫn luôn tồn tại ở đâu đó, dưới nhiều hình thức, nhiều kiểu cách, mức độ khác nhau. Phân biệt được khen ngợi chân tình, thực lòng hay tâng bốc nịnh nọt thực ra không khó lắm. Nhưng khổ một nỗi, loại bỏ thói xu nịnh lại chẳng dễ dùng vì con đường tiến thân bằng xu nịnh lại thường bằng phẳng, ít chông gai và vì xu nịnh đều dùng lời đường mật dễ thấm vào lòng người. Chẳng thế mà thời nay đã hình thành câu cửa miệng: “Bằng lòng hơn bằng cấp”, song hành cùng câu tục ngữ thời xưa "Mật ngọt chết ruồi".

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói nịnh nọt

    07/01/2019Linh LinhNgôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ nịnh có thể dùng làm cả danh từ,động từ và tính từ, nhưng định nghĩa chung nhất của từ nịnh là: Khen quá đáng hoặc khen không đúng, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm mục đích cầu lợi). Các kiểu nịnh cũng khá rôm rả: ninh bợ (tự hạ mình, nịnh một cách hèn hạ để cầu lợi), ninh hót (nịnh nọt và ton hót chuyện), nịnh nọt (nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ), nịnh đầm (chỉ nịnh phụ nữ để lấy lòng), nịnh thần (chỉ chung những kẻ dưới gian nịnh)... cho đến nịnh thối!
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Ưa nịnh, chê bai, thiếu óc khoa học

    13/08/2015Vương Trí NhànNgười mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng thì chỉ muốn khen, chứ không muốn người ta chê...
  • Nịnh

    30/12/2008Tiến HảiCô con gái cưng Êlêônôra của Mác hỏi cha: "Ba ơi, thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì?" Mác trả lời ngay không một chút do dự: "Thói nịnh hót"...
  • Tiêu chí kiểm định đạo đức con người qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam

    02/11/2005Lê Huy ThựcTục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam là kết quả lao động sáng tạo, thể hiện những tài triết lý sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn của cha ông ta. Chúng ta thấy trong đó chứa đựng nhiều việc cụ thể, hoặc nhận thức cảm tính và suy luận… Mặc dù vậy, tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc kiểm định đạo đức con người không phải là dễ dàng, đơn giản; song không phải vì thế mà ý nghĩa của tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam giảm đi, mà trái lại, càng nói lên giá trị hiện thực của loại hình văn học độc đáo này...