Hôm nay với Nho giáo
Không phải hôm nay mới nói chuyện Nho giáo. Nhưng hôm nay, nói chuyện Nho Giáo chắc hẳn là phải từ một tâm thế mới mà thời đại đã cho phép. Cái tâm thế mới đó, trước hết là tinh thần tự do tư tưởng (dĩ nhiên là tự do tư tưởng nghiêm túc, thực sự cầu thị, chứ không thể là bừa bãi, nói không suy nghĩ). Cái tâm thế mới đó cũng là niềm ước mong tha thiết tìm lại những giá trị đích thực (chứ không phải dởm) của Nho giáo, đặng có thể góp phần xây dựng cuộc sống tinh thần và xã hội Việt Nam ta trên đà tiến hóa hôm nay và mai sau, chứ hoàn toàn không nên ngừng lại ở mức sách vở, tư biện, nói chuyện suông như đã vốn có...
Hãy nhớ rằng việc nghiên cứu Nho giáo là chuyện của các nhà khoa học. Nhưng sự quan tâm đến vai trò Nho giáo trong đời sống Việt Nam hôm nay thì còn là của nhiều người, ít ra là các bậc thức giả hay suy nghĩ về đạo lý truyền thống, về tình trạng đạo đức hôm nay trên đất nước mà từ đó thường lại phải tìm nguyên nhân. Hãy nhớ rằng chuyện Nho giáo không chỉ là chuyện của Trung Quốc, Việt Nam, mà còn là chuyện của nhiều nước trong đó có Nhật Bản mà gần đây, qua tài liệu này khác, người Việt Nam (dĩ nhiên là một thiểu số) hơi ngạc nhiên (nếu không nói thích thú) khi biết rằng: để có được một nước mặt trời chói lọi, siêu cường, thần kỳ như ngày nay, hẳn là có vai trò không nhỏ của Nho giáo đã được Nhật Bản hóa.
Đến với Nho giáo hôm nay mà không có tâm thế mới đó, không từ những ý nghĩ mới đó thì trươc hết là phụ với tinh thần đổi mới của đất nước và cũng sẽ thiếu một tiền đề để giành kết quả mới. Tất nhiên, bên cạnh cái tâm thế mới cần có này lại còn phải có những phương pháp luận mới. Mà để có được những phương pháp luận này, trước hết lại phải từ sự tổng kết khoa học nghiêm túc về thực trạng phương pháp luận đã được thực thi trong giai đoạn trước. Tôi rất tiếc là không có thời gian để làm công việc mà chắc chắn là có nhiều chuyện này, nhưng tin rằng, nếu việc này làm tốt thì sẽ sáng lên về mặt phương pháp luận cho vấn đề khám phá lại Nho giáo hôm nay nhiều điều bổ ích.
Đó là chưa nói muốn thống nhất trong kết luận mới phải thống nhất phương pháp luận đã được cải tiến nâng cao này. Sau đây là một số vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận được nêu ra trong tình trạng chưa có sự tổng kết chu đáo, khoa học theo yêu cầu trên nhưng hẳn là không phải từ một con số không về thực trạng nghiên cứu Nho giáo trước hết là ở Việt Nam từ hơn sáu chục năm qua và chút ít là ở Trung Hoa, Liên Xô trước đây.Vả chăng, đây đang là chuyện cần hội thảo, trao đổi, bàn bạc trên con đường tìm chân lý. Cho nên có nói phóng ra cũng là điều cần thiết, ít ra là thuộc biện pháp làm việc.
Vấn đề I: Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông và thân phận của Nho giáo trong hơn thế kỷ rưỡi đã qua. Phải chăng là hãy đến với Nho giáo hôm nay ít nhiều với itnh thần phục hưng phương Đông một cách tỉnh táo.
Có một sự thật là ở thời cổ đại, giữa phương Tây và phương Đông xét ở trình độ văn minh, không nên nói bên nào hơn bên nào. Nhưng muốn nói phương Đông có phần nhỉnh hơn phương Tây thì không phải là không nói được. Bởi trong thời cổ đại, có ba nền văn minh lớn nhất thì thuộc về phương Đông là hai. Phương Tây có nền văn minh cổ đại Hy Lạp. Phương Đông có nền văn minh cổ đại Trung Hoa và Ấn Độ. Nhưng rồi qua thời trung đại, phương Tây do những điều kiện lịch sử cụ thể của mình, đã vượt qua chế độ phong kiến, đua nhau ào ạt tiến lên chủ nghĩa tư bản với sức mạnh như Tuyên ngôn cộng sản của Mác và Ănghen đã chỉ rõ: “một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa đã tạo ra một khối lượng của cải vật chất bằng hàng ngàn năm phong kiến cộng lại”. Trong khi đó, phương Đông, cũng là do những điều kiện lịch sử cụ thể của mình đã ngủ lỳ trong chế độ phong kiến trung cổ. Và kết quả là từ thế kỷ XIX, cuộc tấn công phương Tây đối với phương Đông trong tư thế áp đảo đã diễn ra như mọi người đã biết. Có thể nói thế kỷ XIX là thế kỷ nhục nhã của phương Đông trước sự tấn công của phương Tây (trừ hai nước: Nhật Bản và Thái Lan, và trước hết là Nhật Bản). Có sự áp đảo này, dĩ nhiên là do phương Tây có điểm mạnh. ngược lại bị áp đảo là vì phương Đông có điểm yếu. Cái mạnh và cái yếu ở đây trực tiếp thể hiện là trên phương diện hình thái xã hội (một bên là tư bản chủ nghĩa, một bên là phong kiến chủ nghĩa), phương diện kinh tế (một bên chủ yếu là kinh tế công thương nghiệp, kinh tế hàng hóa,một bên chủ yếu là kinh tế nông nghiệp,có kinh tế hàng hoá nhưng không phát triển), phương diện khoa học kỹ thuật (một bên phát ttiển bề thế, một bên yếu ớt kém cỏi)… Sự mạnh yếu này, truy nguyên đến cùng thì còn liên quan tới hai kiểu tư duy vốn có chỗ mạnh chỗ yếu khác nhau. Với kiểu tư duy của phương Tây, chỗ mạnh của nó đã dẫn đến sự phát triển của khoa học thực nghiệm và do đó là kỹ thuật để giành thành tựu văn minh vật chất. Tư duy của phương Đông là kiểu tư duy cầu tính (esprit sphèrique, globale). Tư duy của phương Tây là kiểu tư duy tuyến tính (esprit linéaire). Kiểu tư duy tuyến tính này đã dẫn đến năng lực tư duy phân tích (analytique) tiền đề quan trọng cho sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học thực nghiệm. Sự khu biệt hai kiểu tư duy như trên là tương đối mặc dù chính mức độ tương đối đó đã làm nên tính đặc thù của hai kiểu tư duy. Trong quá trình phát triển thế giới trong đó có sự giao lưu văn hóa ngày một gắn bó, tăng trưởng giữa phương Tây và phương Đông, tính dị biệt giữa hai kiểu tư duy này sẽ bị giảm bớt rõ rệt. Nước Nhật Bản từ thời đại Duy Tân Minh Trị với khẩu hiệu: “Tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây” đến thời đại ngày nay với khẩu hiệu “Tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Nhật Bản” đã chứng tỏ sự khu biệt này bị xóa đi về cơ bản. Nhưng Nhật Bản chưa phải là toàn bộ phương Đông. Trở lại vấn đề áp đảo và bị áp đảo mà có lẽ chơ tới hôm nay vẫn chưa phải đã dành lại một sự cân bằng cần có.Cần nói thêm là kẻ mạnh để áp đảo được không phải không có cái dở.Ngược lại kẻ yếu bị áp đảo không phải không có cái hay.Nhưng một khi đã có sự áp đảo và bị áp đâo thì cái dở của kẻ mạnh cũng thành chiến thắng, còn cái hay của kẻ yếu cũng thanh chiến bại. Vấn đề là ở chỗ,chúng bị áp đảo có nghĩa là nhất thời bị mai một đi,nhưng chúng vẫn là cái hay,cái mạnh,có điều kiện được phục hưng,nó vẫn góp ích cho sứ sống,trước hết là ở sự sống của xứ sở của chúng. Tôi đã nghĩ về Nho giáo, cũng như nhiều phương diện khác thuộc văn minh, văn hóa, đặc biệt là nhiều giá trị tinh thần khác của phương Đông trong qúa khứ từ niềm tin vào những điều đã trình bày trên đây về sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông. Cũng nói thêm: trong khi chuẩn bị để viết những điều trên đây, tôi đã đọc lại Nho giáo của Trần Trọng Kim mà suốt mấy chục năm qua từ ngày nó ra đời hầu như đã bị tấn công từ cả hai phía: tả hữu, bỗng thấy có mặt gặp gỡ công trình này, và dấy lên một mong muốn: giá gì chúng ta cũng chịu đọc kỹ Trần Trọng Kim hơn. Và không chỉ đọc kỹ mà còn là đọc trong một tâm thể nhận thức về vấn đề Đông Tây như trên đã nói dù còn là rất sơ lược.
Chuyện cần kết luận ở đây là: đến với Nho giáo hôm nay mà không thương cho cái thân phận của nó trước cuộc tấn công áp đảo không ít phũ phàng của phương Tây đối phương Đông thì dứt khoát là không ổn, thì dứt khoát là thiếu đi một điều kiện tiên quyết để nhận thức vấn đề.
Vấn đề II: Vấn đề văn bản và thực tiễn. Với những ai muốn có sự chuẩn xác, khoa học cao, trong việc luận bàn thẩm định về Nho giáo xin hãy coi chừng tính phức tạp của nó.
Khoa học nào cũng vậy, trước hết là phải xuất phát từ việc nhận diện đối tượng nghiên cứu. Ở đây, đối tượng nghiên cứu Nho giáo là gì? Vấn đề tưởng như không thành vấn đề mà thực tế qua tình hình nghiên cứu lại đã thành vấn đề. Nho giáo chỉ là Khổng giáo và cận viễn phái thuộc hậu duệ của Khổng giáo thôi ư? Ngay trong giới hạn này, không phải là không có người bị coi là lạc dòng, lạc giống. Ví như: "Cuối đời Tây Hán cho đến đời Lưỡng Tấn, tuy có 5,3 ông nhà Nho Vương Sung, Tuân Duyệt, Từ Cán, Trọng Trường Thống, Mã Dung, Trịnh Huyền, bảo các người ấy là nhà Nho, vẫn là Nho, bảo họ thật là chính phái của Khổng học. e họ cũng chẳng dám thừa nhận. Thôi chúng ta chẳng cần dặt ép họ vào “Khổng phái”(Phan Bội Châu: Khổng học đăng chương III: Khổng học viễn phái) và Phan Khôi cũng chẳng đã không thừa nhận Tống Nho là Nho giáo đó sao? Còn Mặc gia, Pháp gia thì hẳn không phải Khổng giáo rồi. Nhưng đó là với người Trung Hoa, với người có học vấn chu đáo. Chứ ở Việt Nam ta, với không ít người, nhất là trong dân gian, trong khái niệm Nho gia, Nho giáo, thì hiện tượng xô bồ trong nhận thức không phải là không có. Thậm chí, còn có hiện tượng, hễ ai biết chữ Hán (mà quen gọi là chữ Nho) thì đều là Nho cả, là thuộc Nho giáo cả. Nêu qua một chút như trên, ít ra cũng là tự nhắc: khỉ nói về Nho giáo, cần có tính minh xác, không thể xô bồ trước sự phân giòng phân hướng rất phức tạp của Nho giáo nói chung, Khổng giáo nói riêng.
Nho giáo như mọi người đã biết là tồn tại dưới hai trạng thái cơ bản: văn bản và thực tiễn (tức là sự chi phối của nó vào đời sống xã hội). Nho giáo có Tư thư, Ngũ kinh vẫn được bao đời nay coi là kinh điển nói chung là cố định, ổn định. Nhưng việc tiếp nhận, nhận thức nội dung văn bản của người đời thì rõ là khá phức tạp mà trước hết một phần là do chính ngôn ngữ văn bản ít nhiều mang tính cổ đại này đã gây nên. Đó là chưa kể đến tính chủ quan trong tiếp nhận văn bản của người tiếp nhận dẫn đến những cách hiểu văn bản khác nhau điều này điều khác vốn cũng mang tính quy luật tất yếu. Xem các sách chú sớ của Trung Quốc sẽ thấy rất rõ tình hình đó chính trên quê hương Nho giáo. Xem Khổng học đăng của Phan Bội Châu, cũng được thêm nhiều dẫn chứng cho điều đang nói này. Rồi nữa, đọc kỹ lại cuộc tranh luận về Nho giáo giữa cụ Tú Phan Khôi với học giả Trần Trọng Kim trên báo “Phụ nữ tân văn” khoảng năm 1930 hẳn là thấy nhiều điều khác nhau giữa hai con người thuộc hai kiểu trình độ Nho học uyên thâm này. Sự đối lập này đã thể hiện ở hai cấp độ nhận thức, chi tiết, bộ phận và khái quát, bản chất Nho giáo. Ví dụ: chỉ một chữ QUÂN (trong cặp từ quân chủ) mà hai họ Phan, Trần đã không chịu nhau về cách hiểu. Họ Phan chỉ hiểu theo nghĩa thông thường là VUA do đó, chê bai chữ TRUNG QUÂN là không hợp thời. Còn họ Trần lại nói chữ “quân” tức là chữ “chủ” . Họ Trần giải thích:” Khi xưa các dân tộc mới nhóm lên, ai có thể lực giữ được một chỗ nào đó thì gọi là quân. Vậy chữ quân với chữ chủ là một nghĩa. Nhưng quân thì nói về đường chính trị, mà chủ thì dùng về việc gì cũng được” (Nho giáo, quyển hạ, Bộ Giáo Dục, Trung tâm học liệu xuất bản. Sài Gòn 1971, tr 406). Họ Trần từ sự giải nghĩa trên, đi đến kết luận: “Khổng giáo phát minh ra trong thời đại chỉ biết có đế có vương cho nên cũng nhận các bậc ấy là quân và dạy những bậc ấy phải làm chức vụ của mình, nghĩa là phải bảo dân, cho nên mới nói trung quân chứ không nói trung vương hay trung đế”.Cũng theo họ Trần, về sau “theo lối chuyên chế mà hiểu cái nghĩa trung quân hẹp đi cho nên mới nói trung quân là trung với nhà làm vua”. Để rõ thêm quan điểm của mình, họ Trần còn dẫn ra câu nói của Khổng giáo: người trung thần là “người tòng đạo bất tòng quân”. Giữa họ Phan và họ Trần, trong trường hợp này, ai đúng ai sai? Nhất thiết là phải có trọng tài giỏi. Điều có thể nói trước ở đây là cả hai đều đụng đến cách đọc văn bản từng xảy ra trong thực tiễn nghiên cứu Nho giáo mà người đến sau thuộc thế hệ hôm nay rất cần rút kinh nghiệm, và biết cách lựa chọn. Riêng tôi, tôi muốn chọn cách tiếp cận văn bản của họ Trần. bởi thấy khi đụng đến kinh điển Nho gia, không chỉ một chữ quân là như thế mà còn nhiều chữ khác cũng là vậy. Ở đây, quả có vấn đề lịch sử ngữ nghĩa của từ, mà người nghiên cứu cần biết trong suy luận, kết luận về các vấn đề của Nho giáo.
Đến với Nho giáo, còn có vấn đề thực tiễn của nó cũng có một sự biến huyễn vô cùng phức tạp vì ở đây đã có vai trò chi phối của thực tiễn đời sống xã hội vốn dĩ cũng biến huyễn thiên hình vạn trạng. Bởi thế mới hình thành ra lịch sử Nho giáo thời này thời khác ở Trung Hoa và cả ở Việt Nam. Nói lại điều đó đúng là thừa nhưng thiết tưởng không thừa khi ghi thêm điều này: Không thể đồng chất Nho giáo trong văn bản và Nho giáo trong đời sống thực tế nghiên cứu như đã có đó đây trong lịch sử phê bình Nho giáo ở nước ta và dĩ nhiên cũng là ở Trung Hoa. Tôi có đọc lại tiểu luận Lối học khoa cử và lối học Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không? của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân (được in lại trong Khổng học đăng của Phan Bội Châu) quả có thấy ít nhiều hiện tượng đồng nhất này, nhất là đoạn cụ nói về Nho giáo thời Nguyễn (đặc biệt là dưới triều Tự Đức). Rồi sau này, qua nhiều bài viết về Nho giáo, qua nhiều ý kiến về Nho giáo (trong đó có ý kiến của người có cương vị), tôi càng có ấn tượng rõ thêm về hiện tượng đồng nhất văn bản Nho giáo với thực tiễn xã hội mà trong đó Nho giáo chỉ là một phương diện ảnh hưởng chứ không phải là tất cả. Đó là chưa kể tới hiện tượng hiểu văn bản Nho giáo rất cạn cợt, (thậm chí có người hình như không đọc gì đáng kể về Nho giáo, nhưng đã không ít đại khôn về Nho giáo). Cho nên, nếu quả có điều như tôi vừa nói, và nếu thực sự muốn có một sự nhận thức khoa học về Nho giáo thì xin hãy giảm bớt, nếu không muốn nói là chấm dứt tình trạng đó. Vì điều này thuộc tư cách khoa học nhưng cũng là phương pháp khoa học.
Vần đề III: Không thể giải mã Nho giáo bằng lối vận dụng lý thuyết giai cấp và lý thuyết về hình thái xã hội một cách máy móc mang tính phổ biến từng có. Hãy bổ sung vào các thứ lý thuyết có tính chất phương pháp luận đó bằng phương pháp tiếp cận văn minh luận, văn hóa luận, nhân tính luận.
Giai cấp và hình thái xã hội là những thực thể khách quan. Lý thuyết giai cấp và hình thái xã hội là sự phản ánh trung thành các thực thể khách quan đó. Việc vận dụng lý thuyết giai cấp và lý thuyết về hình thái xã hội vào việc giải mã các hiện tượng kinh tế, xã hội, văn hoá đã đưa đến những kết quả khoa học đáng kể. Không ai có thể chối cãi thực tế đó.Tuy nhiên cũng lại có một thực tế khác là sự vận dụng lý thuyết giai cấp hình thái xã hội một cách thô thiển máy móc không chỉ trong khoa học nhân văn từng được mệnh danh là Mác xít và cả trong đời sống chính trị xã hội.., đã gây ra không ít sự phi lý. Nhà khoa học nếu quả là khoa học đích thực hẳn cũng không chối bỏ, làm ngơ trước sự thật thứ hai đó.
Tôi đã nói ở trên là chưa đọc hết tất cả văn bản nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam ta nhưng ít ra cũng đã đọc được một số tài liệu nghiên cứu Nho giáo thời Pháp thuộc, ở miền Nam trước 1975, ở Miền Bắc sau hòa Bình lập lại (1954) và một ít là của Liên Xô và Trung Hoa trước đây nên xin được mạo muội có lời nhận xét bước đầu (để rồi còn điều chỉnh về sau) là: có 2 loại: loại đến với Nho giáo không bằng lý thuyết giai cấp và lý thuyết hình thái xã hội và loại ngược lại, tức là vận dụng lý thuyết giai cấp và hình thái xã hội làm hệ quy chiếu đối với Nho giáo. Tiêu biểu cho loại trên là các công trình Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng của Phan Bội Châu…, những công trình này, chưa nói đúng sai thế nào, nhưng trước hết đó là những công trình chứng tỏ các tác giả của chúng thuộc sách thuộc vở của Nho giáo phong phú bề thế mà chưa có một công trình nghiên cứu Nho giáo nào thuộc loại sau có được. Tất nhiên đọc các công trình này, tôi cũng có ý nghĩ: nếu các tác giả đó vận dụng thêm lý thuyết giai cấp và lý thuyết hình thái xã hội thì kết quả là sao? Hay hơn chăng? Có khả năng là như thế. Nhưng nói vậy, chứ chắc gì? nếu không vận dụng lý thuyết đó một cách nhuần nhuyễn. Lý thuyết giai cấp và hình thái xã hội được vận dụng theo kiểu giản đơn, thô thiển quả đã đưa đến những kết luận về Nho giáo với hôm nay là khó chấp nhận trọn vẹn. Có thể nêu lại một vài nhận định loại đó như sau: “Xu hướng chính trong đạo Khổng là biện hộ cho sự thống trị của các giai cấp có đặc quyền và ca ngợi ý trời …Trong suốt nhiều thế kỷ đạo Khổng là hệ tư tưởng thống trị của Trung Quốc phong kiến (Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ, Maxcơva 1975) “Triết học Khổng Tử tập đại thành của giai cấp phong kiến thống trị Trung Quốc phong kiến” (Lã Chấn Vũ: Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc. Bản dịch của Nxb Sự thật, Hà Nội – 1964) “Học thuyết chính trị của Khổng Tử có mặt tiến bộ, cùng có mặt bảo thủ và mặt bảo thủ là chủ yếu. Nhìn về những hoạt động chính trị thực tế của ông từ thời trung niên trở về sau thì thấy càng bảo thủ, phản động hơn nữa. Thích ứng với học thuyết chính trị có tính chất hai mặt của ông, chủ nghĩa triết học của ông, tuy trong đó có nhân tố hoặc khuynh hướng duy vật chủ nghĩa, nhưng xét về mặt cơ bản, thế giới quan của ông là sự hỗn hợp chiết trung của chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan”(Quang Phong – Lâm Duật Thời. Bàn về Khổng Tử. Bản dịch Nxb Sự thật – Hà Nội 1963). “Khổng Tử luôn nói đến “nhân nghĩa” nhưng thực tế là ông ta tuyên truyền cho xã hội có đẳng cấp, bảo vệ quyền lợi của tầng lớp trên, buộc con người lao động phải phục tùng giai cấp thống trị”. (Văn nghệ số 52 (685) ra ngày 18-12-1976)... Quan điểm giai cấp máy móc thô thiển thường đã biến mọi vấn đề thành vấn đề chính trị đơn thuần cũng như quan điểm về hình thái xã hội theo kiểu thô thiển cũng đã dẫn đến cái bệnh tự mãn vô sản coi cái gì thuộc hình thái xã hội chủ nghĩa cũng hơn hết mà Lênin từng phê phán. Các thứ thô thiển, không đúng đó không chỉ chi phối một số người trong việc nhận xét chung về Nho giáo như trên đã dẫn ra một đôi ví dụ, nó còn chi phối cả trong cách hiểu và phán xét các yếu tố của Nho giáo. Chung quanh hai chữ quân tử và tiểu nhân chẳng hạn. Đúng là Nho giáo đã có một cách phân loại con người trong xã hội thành hai hạng như thế. Nhưng phải chăng là hai khái niệm này hoàn toàn tương ứng với hai khái niệm: Thống trị và bị trị, giai cấp phong kiến quý tộc và nhân dân lao động mà sau này học thuyết về giai cấp và hình thái xã hội Mác xít nêu lên? Rõ là không ít người Trung Hoa và Việt Nam theo quan điểm Mác xít thô thiển đã đi đến sự tương ứng đó để quy Nho giáo là công cụ tinh thần của giai cấp phong kiến thống trị. Lã Chấn Vũ từng viết trong “Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc”: Theo Khổng Tử thì người quân tử phải thoát ly khỏi lao động của sản xuất và “cai trị người”. kẻ tiểu nhân phải “làm việc chân tay” và phải bị người cai trị. Giữa quân tử và tiểu nhân có một bức tường về phẩm chất, không thể nào vượt được. Sách luận ngữ nói:
“Người quân tử có sức mạnh mà không có đạo nghĩa thì làm loạn.
Kẻ tiểu nhân có sức mạnh mà không có đạo nghĩa thì trộm cắp” (Dương Hóa).
“Người quân tử biết chịu đựng cái nghèo. Kẻ tiểu nhân nghèo thì lập tức sẽ làm bậy (Vệ Linh Công).
“Người quân tử ưa nghe đạo nghĩa”.Kẻ tiểu nhân ưa nghe điều lợi (Lý Nhân).
“Ngoài mặt thì nghiêm chỉnh mà trong lòng thì yếu ớt, điều đó thường ở kẻ tiểu nhân và có khác chỉ bọn trộm cắp trèo tường đục vách vậy ru” (Dương Hóa).
“Người quân tử mong muốn đạo đức. Kẻ tiểu nhân mong muốn ruộng đất. Người quân tử lo lắng giữ pháp luật: Kẻ tiểu nhân lo lắng cầu lợi” (Lý Nhân).
“Người quân tử lúc nào cũng ung dung thanh thản. Kẻ tiểu nhân luôn luôn băn khoăn” (Thuật Nhi).
“Đức của người quân tử như gió, đức của người tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ tất cỏ lướt theo (Nhan Uyên).
“Người quân tử mà bất nhân cũng có thể chăng. Kẻ tiểu nhân mà có đạo nhân thì chưa bao giờ có vậy” (Hiến Vấn).
“Chỉ có đàn bà con gái và kẻ tiểu nhân là khó dạy, gần gũi họ thì họ nhờn, xa họ thì họ oán trách” (Dương Hóa).
“Chỉ có bậc thương trí và kẻ hạ ngu là không bao giờ thay đổi” (như trên).
Như vậy, giữa quân tử và tiểu nhân có sự cách biệt về phẩm chất đã định sẵn từ trước. Trong đám những người quân tử, lẽ tự nhiên cũng có thể có người hư hỏng nhưng trong đám tiểu nhân thì tuyệt đối tìm không ra “người có đạo nhân” … Đọc những dòng trên đây của học giả Lã Chấn Vũ, thú thật là tôi chưa dám nói lời cuối cùng nhưng bước đầu thì thấy có sự hoài nghi khoa học và tự hỏi? Có hẳn là Khổng Tử đã nghĩ như họ Lã nghĩ thế không? Trong những câu định nghĩa về quân tử và tiểu nhân mà vị học giả này đã nêu ra (chưa đầy đủ so với những gì các Nho giáo đã nói về quân tử, tiểu nhân đó) liệu đã đủ để kết luận rằng quân tử là kẻ thống trị, còn tiểu nhân là nhân dân bị trị dù rằng có câu: “Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dĩ sử giả”(Luận ngữ - Dương Hóa – XVII). Có thể hiểu như thế này được chăng: quân tử và tiểu nhân trước hết là sự phân loại con người trong xã hội không phải trên bình diện kinh tế, chính trị mà là bình diện đạo đức vốn là điều cốt lõi nhất trong tư tưởng Khổng Tử cũng như Nho giáo nói chung. Nếu đúng là vậy,thì sự khác biệt ở đây là sự khác biệt về phẩm chất đạo đức,về nhân cách làm người trong cuộc sống cổ kim đông tây,chứ đâu chỉ trong một thời đại nào mặc dù sự khu biệt của Khổng Tử là từ thực tiễn đời sống xã hội của ông. Thử đọc lại chính những câu nói về quân tử và tiểu nhân mà Lã Chấn Vũ đã kể ra trên đây bằng cách tiếp cận này, chúng ta sẽ có cách hiểu khác. Ví thử Khổng Tử và môn đệ trung thành của ông như Mạnh Tử, đã phân loại quân tử và tiểu nhân theo kiểu giai cấp như vậy, đặc biệt là khinh tiểu nhân tức là khinh người dân như vậy thì làm sao lại có thể nói ra câu như Mạnh Tử đã nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Một câu nói mà thiết tưởng tới mãi ngày nay, chưa có cách nói nào vượt hơn được. ít ra là trên phương diện ngôn từ. Nói dân vì bang bản đã là hay nhưng vẫn không bằng cách nói này, vì ở đây còn có ý niệm về sự tương quan so sánh giữa chữ “dân” và chữ “quân” (Dân vi quý, quân vi khinh) mặc dù đã phải hiểu chữ khinh là coi nhẹ, chứ không có nghĩa là khinh bỉ. Nhân đây cũng muốn được đề nghị giới nghiên cứu Nho giáo ở nước ta hôm nay, trong khí thế đổi mới của đất nước, hãy xét lại thực chất tư tưởng nhân dân của Nho giáo, đặc biệt là của Mạnh Tử là gì? Có phải cũng có mặt tích cực nhưng tiêu cực là chính không? Có phải chỉ là tư tưởng điều hòa mâu thuẫn giai cấp không? Nếu là điều hòa mâu thuẫn giai cấp thì nghĩ về sự điều hòa như thế nào cho đúng với sự sống vốn là thiên hình vạn trạng, không phải chỉ với quá khứ mà còn là trước mặt và lâu dài? Sự điều hòa mâu thuẫn này có phải chỉ nhằm duy trì địa vị thống trị của giai cấp phong kiến quý tộc không? Ở đây, quả có hai cái logic nội tại (logique interne) cần được xem xét, khu biệt để nhận diện, nhận chân Nho giáo. Nho giáo là học thuyết chính trị có ý nghĩa đạo đức hay là học thuyết đạo đức có ý nghĩa chính trị? Và sẽ có thể có ba khả năng quan hệ giữa hai yếu tố: chính trị và đạo đức: 1) Chính trị là chính, đạo đức là phụ, 2) Đạo đức là chính, chính trị là phụ. 3) Đạo đức và chính trị là đồng đẳng. Khái niệm: chính phụ ở đây tương đương với khái niệm: chính luận và hệ luận. Sự nhận diện Nho giáo trong đó có khái niệm quân tử - tiểu nhân, với yêu cầu nghiêm ngặt, chuẩn xác nhất đòi hỏi việc nhận diện chuẩn xác trong ba quan hệ vừa nói. Ví dụ: nếu thừa nhận quan hệ 2 thì khái niệm quân tử là người tốt, tiểu nhân là người xấu – (tốt xấu là sự phân định theo quan điểm đạo đức). Người tốt là nhờ có học. người xấu là vì không học (nhân bất học, bất tri lý). Trong thực tế, người có học, sẽ dễ có địa vị xã hội cao, trong đó có địa vị chính trị. Và từ địa vị chính trị sẽ dẫn đến địa vị kinh tế, mà ở cái xã hội có giai cấp sẽ là thành viên của giai cấp thống trị mà ở đây cũng có hai mặt: thống trị có nguồn gốc đạo đức và đạo đức được bao lưu;thống trị bị tha hoá ,phi đạo đức. Logic về phía quân tử là thế? Còn logic về phía tiểu nhân là gì? Không tốt là vì không học do đó không có địa vị xã hội nói chung, địa vị chính trị nói riêng, không có địa vị chính trị sẽ không có địa vị kinh tế. Số phận bị trị sẽ là tất yếu với anh ta. Và ở đây cũng sẽ có hai mặt. Bị trị nhờ gắn với nhân dân, với lao động mà có đạo đức. Nhưng cũng có không ít khả năng vô đạo đức do không được học hành, không có văn hóa. Theo tôi học thuyết Nho giáo, đặc biệt là với Khổng Mạnh là đi theo cái logic 2 như vừa miêu tả và logic 2 này không chỉ là sản phẩm của thời đại phong kiến mà còn là “quy luật muôn đời” của sự sống con người, bất cứ ở thời nào, nơi nào trên trái đất. Cũng cần nói thêm rằng: trong quan niệm của người Trung Hoa cổ đại ,hai khái niệm quân tử, tiểu nhân không chỉ là sự phân loại thế giới con người theo bình diện đạo đức, nhân cách,mà còn là theo thuyết âm dương tức là thuộc vũ trụ quan. Theo thuyết này (Kinh Dịch) thì:
- DƯƠNG là: Nam, Cường ,thiện, đại, chính, thành, thực, quân tử, phú, quý.
- ÂM là: Nữ, nhu, ác, tiểu, tà, ngụy, hư, tiểu nhân, bần, tiện.
Nói những điều có thể chưa đúng hay có thể gây băn khoăn như trên, tôi muốn đi đến đề nghị hãy bổ sung vào lý thuyết giai cấp và lý thuyết hình thái xã hội là lý thuyết văn minh luận. văn hóa luận, nhân tính luận trong khi tiếp cận Nho giáo. Các quan điểm được bổ sung có ý nghĩa phương pháp luận khoa học này sẽ cho phép người nghiên cứu vượt được hạn chế máy móc thô thiển trong khi đến với Nho giáo. Nói cụ thể hơn, là với giai cấp luận và hình thái xã hội luận, người nghiên cứu đã thấy Nho giáo, là sản phẩm của giai cấp nào, thuộc hình thái xã hội nào. Nhưng với các phương pháp tiếp cận được bổ sung đó, người nghiên cứu sẽ coi đối tượng nghiên cứu của mình (đây là Nho giáo) là sản phẩm của nhân loại trên tiến trình văn minh, trong đó có yếu tố nhất thời và yếu tố trường tồn. Xin lấy ví dụ về vấn đề tu nhân mà không học thuyết nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại có công phu, có cảm hứng xây dựng như Nho giáo để bàn. Nếu chúng ta chỉ nghĩ nó là sản phẩm của giai cấp thống trị thời phong kiến thì dù có thừa nhận cho nó một ý nghĩa tích cực nào đó, nhưng cơ bản vẫn là lỗi thời rồi, là thua mọi thứ lý thuyết về việc xây dựng con người mới ngày nay rồi.Trong khi đó, chúng ta quên mất câu nói thực sự đã làm nên một Hồ Chí Minh như dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã có là: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm của nó là: lòng nhân ái cao cả.Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Và Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu lợi ích cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ sẽ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy" (Trần Dân Tiên Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Bản dịch Trung Văn của Trương Niệm Thức (Hồ Chí Minh truyện) NXB Tam Liên Thượng Hải, tháng 6 – 1949 tr. 91. Dẫn theo Phan Văn Các trong bài Hồ Chí Minh với Nho giáo. Sách Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. NXB KHKT Hà Nội 1990). Rõ ràng là nếu chỉ theo lý thuyết giai cấp và gì gì đó một cách thô thiển, mà không bằng quan niệm văn minh, văn hóa, nhân loại thì làm sao có được những ý tưởng cao đẹp thế,làm sao nhìn ra cái chân lý rằng: những người như Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên “đều muốn hạnh phúc cho loài người, mưu lợi ích cho xã hội”(chứ không phải cho giai cấp thống trị), làm sao nhìn ra khả năng “ chung sống rất hoàn mỹ như nhũng người bạn thân thiết giữa các vị ấy”. Tôi rất mong rằng những ai trên đất nước ta hôm nay và mai sau khi đến với Nho giáo hãy suy nghĩ nhiều, suy nghĩ kỹ kỹ về câu nói trên đây của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, coi đó là phương hướng, là phương pháp luận cơ bản, là tâm thế mới cần có cho mình.
Vấn đề V: Nho giáo ích gì cho cuộc sống đất nước hôm nay và mai sau? Hãy nhìn sang nước Nhật xem sao! Từ cái phức tạp đến cái giản đơn tạm thời.
Có một sự thực là trong thời trung đại, ở Trung Hoa đã đành mà ở nước ta cũng vậy, Nho giáo đã có một vai trò rất lớn mà sự nhận thức của người đời sau về vai trò đó, so với cha ông thủa trước là khác nhau rõ rệt, thậm chí là đối cực. Ở nước ta, ngày trước từ kinh đô đến các địa phương, từ tỉnh đến xã, hầu hết đều có nhà tư văn, văn chỉ thờ Khổng Tử và thất thập nhị hiền. Chính đó là bằng chứng cho sự thừa nhận vai trò to lớn của Nho giáo, Khổng giáo. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phạm vi khu vực do chính quyền cách mạng trực tiếp quản lý, chuyện thờ cúng Khổng Tử và bảy mươi hai ông hiền đó, coi như là chấm dứt. Ngay tại nhà Văn Miếu Hà Nội, tượng Khổng Tử bị cất đi (may là chưa đập vỡ). Ai đề cao vai trò Nho giáo trong lịch sử thì coi là lạc hậu. Nhà sư phạm nổi tiếng Nguyễn Lân chẳng đã bị phán cho ra trò vì đã viết bài “Tiên học lễ hậu học văn”trong đó tỏ ý cho rằng trẻ con học đường ngày nay sinh ra hư nết, kém đạo đức so với trứơc là vì nền giáo dục mới không đi đúng nguyên lý: Tiên học lễ hậu học văn, và cho rằng ngày xưa sở dĩ có được những người có phẩm chất cao đẹp, sáng chói tới muôn đời như Chu An, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng … là nhờ Nho giáo, nhờ biết đặt lễ trước văn.
Nhưng sự đời lại bắt đầu đổi khác. Cái dư luận xã hội, dĩ nhiên trước hết vẫn là các bậc thức giả, cho rằng không thể xem thường Nho giáo, thậm chí phải tìm lại những mặt tích cực của Nho giáo cho cuộc sống hôm nay xem ra có chiều phát triển, ít ra cũng không bị phê phán như cách đây mười năm. Tại Văn Miếu Hà Nội, tượng Khổng Tử được đưa từ kho ra đặt lại. Đúng là thời gian đang có chiều ủng hộ Nho giáo. Nhất là với ai đọc sách viết về nước Nhật siêu cường hiện nay, đều thấy một chân lý là: đạo đức không chỉ là sự phản ánh điều kiện kinh tế xã hội, mà một xã hội muốn phát trển kinh tế xã hội phải có một nền đạo đức kèm theo, làm nền. Tác giả cuốn sách “Vì sao Nhật Bản thành công” (Michio Mouichima) cho người đọc thấy khá rõ thế nào là bản lĩnh tinh thần, đạo lý của nước Nhật qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó có sự tiếp thu Nho giào từ Trung Hoa tới và được Nhật hóa cùng với Thần giáo và Võ sĩ đạo vốn là đặc sản tinh thần của chính mình, tất cả được hỗn hợp làm nên một bản lĩnh tinh thần mang bản sắc Nhật Bản từ lâu đời và do đó tạo được một tư thế vững chãi trong việc tiếp nhận văn minh phương Tây. Tác giả cuốn sách đã hé cho người đọc thấy phần nào sự khác biệt giữa Nho giáo Trung Hoa và Nho giáo Nhật Bản. Ví dụ: ở Trung Hoa, chữ “thứ” được đặt trên cả chữ “trung”. Ở Nhật, chữ “thứ” bị quên lãng, mà nổi lên lại là chữ “trung”mà chữ trung ở đây cùng có phần khác ở Trung Hoa. Ở Trung Hoa, trung lúc đầu có nghĩa là đúng giữa lòng mình (tức là hướng nội) sau đó mới có nghĩa là trung với vua: trung quân (tức là hướng ngoại) có nghĩa là phục tùng. Người Nhật đã tìm sức mạnh cho sự phát triển đất nước bằng tinh thần phục tùng này, do đó ở Nhật, dĩ nhiên là trước đây, hầu như không đặt vấn đề cá thể. Điều này, đối với phương Tây, là bạn chế lớn. Nhưng với Nhật Bản thì lại là một nguồn động lực để phát triển đất nước. Tất nhiên ở đây, trong cái động lực này đã ngầm chứa một nguy hiểm. Chủ nghĩa phát xít Nhật từng gây đau khổ cho khu vực, ít nhiều có nguồn gốc từ cái lối tạo sức mạnh đó.Cách nhìn của chúng ta, người ngoài cuộc về Nhật Bản trên phương diện này là như thế. Có điều là đối với người Nhật thì hình như đến ngày nay, vẫn thừa nhận vai trò tích cực của Nho giáo. Nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản hôm nay, ít nhiều cũng thừa nhận sự thật đó trong nếp sống người Nhật mặc dù vẫn thấy sự “đổi đời”, nhất là trong đám thanh niên.
Từ kinh nghiệm Nhật Bản tạm cho nói như trên đã chính xác thì liệu đối với nước ta là thế nào với Nho giáo. Ở đây quả là có chuyện trước mắt và lâu dài, chuyện khoa học công phu và chuyện ăn xổi nhưng ăn xổi mà vẫn ngon lành. Thực tiễn vẫn đòi hỏi cao nhưng vẫn cho phép ăn xổi như thế. Ăn xổi chính là sự tiếp thu bộ phận, chưa phải là tiếp thu hệ thống. Nhưng sự nghiên cứu hệ thống sẽ điều chỉnh việc tiếp thu bộ phận. Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng đối với Nho giáo hôm nay trên đất nước ta, có một điều cần làm sống dậy càng nhiều càng tốt và có hai điều cần khắc phục. Điều cần làm sống dậy không là gì khác, chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và quan trọng hơn là đã tự mình phấn đấu thực hiện suốt một đời để từ đó mà dân tộc được nhờ: đó là tinh thần tu thân theo lôgíc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Xây dựng đất nước hôm nay, không chỉ một lôgíc này,nhưng thực hiện được logic này càng nhiều bao nhiêu thì chắc chắn nhân dân, đất nước được nhờ bấy nhiêu, chắc chắn nạn tham nhũng đang phát triển như bệnh hạch sẽ được chặn lại dù là không thể nào chặn hết. Còn điều cần khắc phục trước hết là khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò đạo đức đi đến coi nhẹ vai trò pháp luật (vốn là nhược điểm của Nho giáo).T rong lịch sử Trung Hoa, sự ra đời của Pháp gia để chống lại Nho gia là bởi lẽ đó. Hôm nay, ta đề cao tinh thần tu thân, nhưng lại phải rất coi trọng tinh thần pháp lý, nếu không thì chẳng đi đến đâu. Đạo lý cộng với pháp lý, với khoa học mới đẩy được xã hội tiến lên. Thứ đến là vấn đề giải phóng cá nhân. Một trong những hạn chế lớn nhất nữa của Nho giáo là không đặt ra được vấn đề cái tôi cá nhân để giải quyết hợp lý. Nho giáo chỉ đề cao cái Tôi đạo đức, cái Tôi nghĩa vụ mà không thấy được cái Tôi triết học, cái Tôi với tư cách động lực phát triển của xã hội. Chúng ta cần rút kinh nghiệm thế giới trong vấn đề xử lý với cái Tôi này sao cho thỏa đáng. Nhưng trước hết cần tìm cách khắc phục hạn chế của Nho giáo trong việc đối xử với cái Tôi này.
Để kết thúc bài viết này, một lần nữa, tôi xin được coi tất cả những lời lẽ trên đây chỉ là sự tản mạn, ban đầu, ghi lại để nghĩ tiếp về sau, và quan trọng hơn là để được các bậc đàn anh, các bạn đồng nghiệp chỉ bảo. Với tôi khoa học là “Chercher et rechercher”, tìm đi tìm lại, không thể khác.
Hà Nội, 1994
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn