Học từ “văn minh hóa” của người Nhật

06:48 CH @ Chủ Nhật - 26 Tháng Sáu, 2016

Lãnh đạo các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đều đánh giá cao sự nghiệp “văn minh hóa” của Nhật Bản, coi đó là tấm gương cho Việt Nam trong sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hướng tới cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc...

Hai ngày 9 và 10-12, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế “So sánh phong trào “Văn minh hóa” ở Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”. Hội thảo đã tập hợp đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường ĐH ở Nhật, như: ĐH Waseda, ĐH Ngoại ngữ Tokyo, ĐH Hiroshima, ĐH Công nghệ Fukuoka, ĐH Phúc lợi Niigata, ĐH Hosei… và nhiều chuyên gia đầu ngành từ nhiều trường ĐH ở Việt Nam.


Tiếp nhận nhưng không rập khuôn


Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tận (ĐH Huế), ngày đó Việt Nam cũng có nhiều nhà canh tân nhưng chỉ là những trí thức độc lập, những sĩ phu yêu nước lãnh đạo phong trào chứ không đứng dưới danh nghĩa của nhà vua, nên ảnh hưởng văn minh phương Tây chỉ đến với một số tầng lớp nhân dân nhất định, chứ không phải toàn dân.
Trong khi đó, sự tiếp nhận văn minh phương Tây ở Nhật Bản là triệt để, toàn diện và trực tiếp. Đặc biệt, Nhật Bản không áp dụng rập khuôn theo bất kỳ mô hình nào của phương Tây. Họ thực hiện chính sách đa mô hình hóa để xây dựng đất nước. Chẳng hạn, về kinh tế - tài chính, họ xây dựng hệ thống ngân hàng theo mô hình của Mỹ, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư bản phát triển; về an ninh – quốc phòng, họ áp dụng mô hình hải quân của Anh, nhưng lục quân lại theo mô hình của Pháp; về văn hóa – giáo dục, họ nhấn mạnh sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa phương Đông với khoa học kỹ thuật phương Tây; họ thiết lập một hệ thống giáo dục theo mô hình của Pháp từ tiểu học đến trung học, còn ở bậc ĐH thì theo mô hình của Mỹ…
Nhờ đó, từng bước Nhật Bản đã yêu cầu các nước phương Tây xóa bỏ những hiệp ước bất bình đẳng mà chính quyền Tokugawa đã ký. Và kể từ năm 1911, Nhật Bản được các nước phương Tây nhìn nhận như một thành viên bình đẳng trên chính trường quốc tế.

Tâm đắc với cách tiếp nhận văn minh phương Tây của Nhật Bản từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, PGS-TS Nguyễn Tiến Lực (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) cho rằng những bài học ấy vẫn chưa cũ. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cũng cần nghiên cứu.

Học hỏi để vượt qua phương Tây


Nhiều đại biểu cho rằng thời phong kiến của Nhật Bản cũng giống như thời phong kiến ở Việt Nam, nghĩa là cũng bế môn tỏa cảng, cũng dùi mài Tứ thư, Ngũ kinh, cũng cấm đạo, và cũng bị buộc phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây… Thậm chí, ngày đó Nhật Bản còn tình trạng cát cứ, còn nhiều ngôn ngữ bất đồng.
Thế nhưng, chính quyền Minh Trị đã mạnh dạn đổi mới, xác lập ngôn ngữ chuẩn quốc gia; chính thức sử dụng dương lịch từ năm 1872 (Minh Trị 5); áp dụng cách chia 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần; ban hành lệnh xuống tóc, cắt chỏm tóc búi thành kiểu tóc nam giới như hiện nay; khuyến khích người dân mặc Âu phục và đội nón, mang giày…
GS-TS Nakayama Tomihiko (ĐH Hiroshima) cho biết thêm những năm cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản tiến hành Minh Trị Duy tân với tinh thần “học hỏi phương Tây, tiến đến đuổi kịp phương Tây, vượt qua phương Tây”. Làn sóng văn minh khai hóa ấy đã lan tràn khắp các thành thị cho đến nông thôn.

Năm 1872, chính phủ công bố học chế và đưa ra kế hoạch thành lập 53.760 trường tiểu học khắp cả nước. Để làm được việc này, trước mắt là mượn nhà dân, mượn chùa làm trường học và có quy chế rõ ràng, trước hết là quy định thái độ đối với cha mẹ, tiếp đến là thái độ đối với thầy cô, rồi đến những điều chú ý trong giờ học, giờ đến trường, tan trường. Quy chế còn quy định chi tiết những hành động trong cuộc sống hằng ngày...


Những bài học hữu ích cho Việt Nam

Theo TS Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc vận động yêu nước, như phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… Các nhà lãnh đạo các phong trào này đều đánh giá cao sự nghiệp “văn minh hóa” của Nhật Bản, coi đó là tấm gương cho Việt Nam trong sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hướng tới cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Nay chúng ta nhìn lại, so sánh rất có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, có thể rút ra những bài học hữu ích cho tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhật Bản khác ta những gì ?

    11/06/2016GS Nguyễn Lân DũngNước ta có 85 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, nếu kể cả Việt kiều là 88 triệu người. Chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hầu hết các cường quốc trên thế giới. Chắc chắn trí tuệ dân mình chẳng chịu thua ai khi có điều kiện phát huy...
  • Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc?

    07/04/2014Cao Huy ThuầnNhật Bản đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc không thua gì Việt Nam. Cũng như ở ta, Khổng giáo đã từng là khuôn vàng thước ngọc chính thống trong tư tưởng của nước ấy. Nhưng người Nhật đã sớm ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc. Họ bắt đầu giải phóng tư tưởng của họ từ bao giờ? Bằng cách nào? Do trường phái nào? Bằng lý luận gì? Đó là câu hỏi mà tôi mong nhiều bạn sẽ cùng đặt ra với tôi, và bài viết này chỉ là một câu trả lời rất khiêm tốn.
  • Tinh thần võ sĩ đạo qua một số nhân vật lịch sử Nhật Bản

    28/06/2011Trần Văn Thọ (Tokyo)Nếu sống ở Nhật một thời gian tương đối dài ta sẽ nhận thấy tính cách độc đáo của người Nhật về lối giao tiếp, về nghi lễ, về cách xử thế, v.v… Nhiều người nước ngoài có thể thấy phiền toái hoặc thấy khó hiểu về lễ nghi, về cách thể hiện trách nhiệm cá nhân, về quan niệm đạo đức của người Nhật. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta sẽ thấy bề sâu của tính cách độc đáo ấy là sự tuyệt hảo của các quy phạm đạo đức Đông phương như nhân, nghĩa, lễ, dũng, tín.
  • Hội trí thức Meirokusha và tư tưởng Khai sáng ở Nhật bản

    19/06/2011Vĩnh SínhVì Meirokusha quy tụ những nhà Tây học có tư tưởng khai sáng tiêu biểu ở Nhật lúc bấy giờ, có thể xem tư tưởng khai sáng của họ cũng chính là tư tưởng khai sáng của nước Nhật nói chung. Đối với những thành viên Meirokusha, họ tự giác về nhiệm vụ phải cung cấp cho dân chúng những kiến thức mới, nhưng đồng thời họ cũng ý thức việc đổi mới tư duy dựa theo lối mòn của Nho giáo nói chung mới chính là nhiệm vụ cơ bản...
  • Người Nhật, ông già và biển cả

    02/04/2011Nguyễn GiaNhật Bản là quốc gia nghèo về tài nguyên bậc nhất thế giới. Người ta nói rằng, quần đảo này ngoài cá biển và nước biển thì tài nguyên dường như không có gì. Họ không có “rừng vàng, biển bạc”, những nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, nhiên liệu như than đá, dầu mỏ... đều phải nhập khẩu. Đến đất để trồng cây ở đất nước này còn khan hiếm và chỉ có một số đất có thể trồng được lúa gạo nên thực phẩm Nhật Bản cũng phải nhập từ nước ngoài.
  • Khi kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản

    30/08/2010Thái Bình (Tổng hợp)Sau ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đến quý 2 năm nay kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế nhất ở châu Á, thứ hai thế giới, sau Mỹ. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu, đến các quan hệ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á?
  • xem toàn bộ

Nội dung khác