Người Nhật, ông già và biển cả

01:57 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Tư, 2011

Nhật Bản là quốc gia nghèo về tài nguyên bậc nhất thế giới. Người ta nói rằng, quần đảo này ngoài cá biển và nước biển thì tài nguyên dường như không có gì. Họ không có “rừng vàng, biển bạc”, những nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, nhiên liệu như than đá, dầu mỏ... đều phải nhập khẩu. Đến đất để trồng cây ở đất nước này còn khan hiếm và chỉ có một số đất có thể trồng được lúa gạo nên thực phẩm Nhật Bản cũng phải nhập từ nước ngoài.

Nghèo tài nguyên nhất thế giới, nhưng thiên tai lại nặng nề nhất. Đất nước nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương này thường xuyên phải gánh chịu những hiểm họa từ núi lửa, động đất, sóng thần, những cơn bão từ biển Thái Bình Dương... đều là những thảm họa có sức tàn phá khủng khiếp bậc nhất.

Nhưng người Nhật đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển bậc nhất thế giới nhờ thứ tài nguyên riêng: trí tuệ và tinh thần Nhật Bản. Những ngày này, trí tuệ và bản lĩnh ấy đang trải qua những thử thách lớn lao. Trận động đất lớn nhất mà nước Nhật phải gánh chịu trong hơn 1.000 năm qua. Sau động đất, sóng thần là núi lửa, thảm họa hạt nhân. Hàng vạn người chết và mất tích, nhiều làng mạc, thị trấn bị xóa sổ, nhiều thành phố bị nhấn chìm dưới sóng thần.


Cột khói khổng lồ bốc lên trong vụ nổ tại nhà máy điện Fukushima - Ảnh: AFP


Nhưng người Nhật vẫn giữ vững tinh thần, họ có thể đã khóc, có thể cầu nguyện bởi họ cũng là con người, cũng đau xót trước sự ra đi của người thân, cũng tiếc nuối khi gia sản tan tành theo con sóng dữ. Nhưng không hề có sự kích động và giận dữ. Người dân vẫn kiên nhẫn xếp hàng trật tự chờ gọi điện thoại công cộng, chờ mua thực phẩm mà chưa biết đến lượt mình có còn hay không. Một bức ảnh phát đi từ thành phố Sendai, dòng người xếp hàng chờ được cấp nước uống, vì quá đông nên người ta đã vẽ vạch sơn chạy vòng ngoằn ngoèo và người dân đã xếp thứ tự theo vạch vẽ ngoằn ngoèo đó chứ không phải xếp hàng theo đường thẳng. Một tinh thần kỷ luật và tôn trọng tập thể tuyệt đối, hiếm nơi đâu có được.


Xếp hàng chờ lấy nước ngọt


Người Nhật không có rừng vàng, biển bạc nhưng họ có biển, sống cùng biển. Những người sống trước biển thì đều có tính cách can trường và mạnh mẽ. Trong bất kì một hoàn cảnh nào con người ấy cũng không đầu hàng, không chịu thất bại. Điều ấy bất chợt làm chúng ta nhớ đến “Ông già và biển cả” của Hemingway. Sau khi đã dốc toàn lực để săn được con cá kiếm, ông lão Santiago phải đương đầu với đàn cá mập đến cướp con cá, thành quả của 84 ngày đi biển của ông. Trong cuộc chiến không cân sức với thế lực của biển cả, ông đã chiến đấu đến chút sức lực cuối cùng, rồi trở về với thân thể đầy thương tích bầm dập. Thứ còn lại chỉ còn là bộ xương cá kiếm và thân thể không còn lành lặn.

Nhưng không ai quên được hình ảnh ông lão sau chuyến đi giông bão ấy: “Lúc này lão quên hết mọi chuyện và chỉ tập trung đưa con thuyền vào bến khéo léo và an toàn... Con thuyền vẫn còn tốt, lão nghĩ. Nó cũng chắc và chẳng hư hại gì ngoài cái tay lái”.

Khi trở về túp lều, ông lão nói với cậu bé Manolin: “Ta phải rèn một ngọn lao đâm cá thật tốt và luôn mang theo trên thuyền. Cháu nên cắt một lưỡi lao từ lá thép giảm sóc của chiếc xe Ford cũ. Chúng ta có thể mài nó ở Guanabacoa. Phải mài sắc chứ đừng mang nung lửa kẻo nó sẽ gãy. Dao của ông đã gãy”. Và trong giấc ngủ mệt nhọc sau cơn bão: “Ông lão đang mơ về những con sư tử”.

Người Nhật có thể đã mất nhiều, nhưng “con thuyền” trí tuệ và tinh thần Nhật Bản vẫn còn đó. Sau thử thách của biển cả, người Nhật sẽ tiếp tục mơ một giấc mơ lạc quan về tương lai tươi sáng.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc?

    07/04/2014Cao Huy ThuầnNhật Bản đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc không thua gì Việt Nam. Cũng như ở ta, Khổng giáo đã từng là khuôn vàng thước ngọc chính thống trong tư tưởng của nước ấy. Nhưng người Nhật đã sớm ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc. Họ bắt đầu giải phóng tư tưởng của họ từ bao giờ? Bằng cách nào? Do trường phái nào? Bằng lý luận gì? Đó là câu hỏi mà tôi mong nhiều bạn sẽ cùng đặt ra với tôi, và bài viết này chỉ là một câu trả lời rất khiêm tốn.