Học giả Hoàng Xuân Việt qua đời

09:24 SA @ Chủ Nhật - 03 Tháng Tám, 2014

Học giả Hoàng Xuân Việt vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP.HCM lúc 21g ngày 20-7-2014 sau một thời gian nằm bệnh...

Ông Hoàng Xuân Việt tên thật là Nguyễn Tùng Nhân, sinh năm 1930 tại Bến Tre, viết sách từ năm 18 tuổi.

Ra đi ở tuổi 84, ông Hoàng Xuân Việt để lại khối lượng sách do ông trước tác lên đến gần 300 đầu thuộc nhiều lĩnh vực.

Cùng với hai tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt là 1 trong 3 người viết nhiều sách về cách học làm người, rèn luyện các kỹ năng sống và giao tiếp.

Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, triết học với các sách xuất bản: Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ (NXb Văn hóa thông tin, 2007), Lược sử triết học Đông phương, Lược sử triết học Tây phương (Khai Trí xuất bản trước 1975), Bách khoa danh ngôn từ điển: văn minh nhân loại(NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1992)…


Học giả Hoàng Xuân Việt - hình trên blogspot của chính những người hâm mộ ông lập ra...

Ngoài viết sách, ông Hoàng Xuân Việt dành cả đời mình để mở các khóa dạy, truyền đạt kinh nghiệm sống, các quy chuẩn đạo đức, những cách thức ứng xử sao cho văn minh, lịch thiệp…

Đáng kể nhất là mô hình “trường học làm người” ông mở tại tư gia, dạy học viên không phân biệt đối tượng, độ tuổi. Đã có rất nhiều những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư đến những nhà sư, giới trẻ…đều ghi danh theo học và nhận mình là học trò của thầy Hoàng Xuân Việt.

Với các nội dung Thông đạt học, Giao tế học, Đắc nhân tâm, Thuật hùng biện… các học viên tự rút ra những kiến thức, kinh nghiệm sống cho mình. Có những sinh viên, ngoài giờ học vẫn tranh thủ đến lớp học này để nghe ông giảng về những điều mà ở trường không có.

Cách đây mấy năm, ông Hoàng Xuân Việt từng than với học trò của mình về nạn vi phạm bản quyền mà ông là một nạn nhân có sách bị in, bán trong thời gian dài trong khi ông không được xin phép, cũng không được trả tiền bản quyền, nhuận bút.

Đến nay, được biết một số bản thảo của ông về lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam… hiện đã hoàn tất nhưng chưa xuất bản.

Linh cữu học giả Hoàng Xuân Việt quàn tại nhà riêng: 48M Bành Văn Trân, P.7, quận Tân Bình.

Lễ viếng từ ngày 21-7 đến hết ngày 23-7. Lễ an táng vào sáng sớm 24-7 tại nghĩa trang Tập Phúc Hội (quận 12).

Một số sách của tác giả Hoàng Xuân Việt:

Sách học làm người
1. Rèn nhân cách. Khai Trí. 1972.
2. Sống trí thức. Sống Mới.
3. Người tánh tốt. Khai Trí. 1970.
4. Đức điềm tĩnh: thuật gây uy tín và gieo ảnh hưởng. Thanh Niên. 2005.
5. Sống trên trung bình. Khai Trí. 1970.
6. Hành trang vào đời. Thanh Niên. 2002.
7. Nên thân và yên tâm (sống người và sống nhàn). Thanh Tân. 1972.
8. Thuật sống dũng. Sống Mới.
9. Luyện trí nhớ. Khai Trí. 1972.
10. Một nghệ thuật sống. Văn Hoá.
11. Thinh lặng cũng là hùng biện. Văn Hoá.1996
13. Thành bại đều do tổ chức. Đồng Tháp.
14. Muốn thuyết phục. Khai Trí.
15. Chữ tín trước đã. Văn hóa Thông tin. 2005.
16. Lòng băng tuyết. Sống mới.
17. Sen giữa lầy. Sống mới.
18. Gương thầy trò: phân lý và tổng hợp triết lý tình thầy trò. Văn hóa. 1995.
19. Người bản lĩnh. Thanh niên. 2001.

Lịch sử
20. Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Văn hóa Thông tin. 2007.
21. Lược sử triết học phương Đông - Tổng lược triết sử. Tổng hợp. 2204.

Triết học
22. Lược sử triết học Đông phương. Khai Trí. 1968.
23. Lược sử triết học Tây phương. Khai Trí.

Văn hóa - Xã hội - Tôn giáo
24. Xem quả biết cây
25. Việt Nam học Thiên Chúa giáo

Từ điển
26. Từ điển văn nghệ sĩ Hy Lạp La Tinh.
27. Từ điển Thần Học Thiên Chúa giáo.
28. Bách khoa danh ngôn từ điển. Khai Trí.
29. Hoàng Xuân Việt, Thanh Lãng và Đỗ Quang Chính. Từ điển Việt- Bồ-La.
30. Bách khoa danh ngôn từ điển: văn minh nhân loại. NXB thành phố Hồ Chí Minh. 1992.

Đạo đức học liên tôn
31. Đức Tin nhập lưu văn hóa – khoảng 1000tr
32. Chủ chăn thứ thiệt - khoảng 400tr
33. Gương Thầy Trò - Sống Mới xuất bản 1973
34. Hùng Biện Thánh (Phương pháp thuyết giảng Liên Tôn)
35. Học Không Đủ Làm Ông Vua Con
36. Thở hơi Đấng hà hơi
37. Hạch toán tâm lý và lý tưởng các loại Tu Hành

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Hiến Lê và không khí của văn hóa VNCH

    14/10/2014Hoàng Anh TuấnNgày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20. Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời.
  • Sách dạy làm người: “Xào nấu” tầm phào

    03/08/2014Muốn giữ gìn sự trinh trắng, các bạn gái phải tránh sa vào những tình cảm sướt mướt và những va chạm như mặc quần áo lót vải dày hay sử dụng yên xe máy... Một cuốn sách dạy làm người đã chỉ dẫn như thế (!)
  • Sách Nguyễn Duy Cần và vấn đề lập thân của người trẻ

    21/02/2014Hiền ĐỗThu Giang Nguyễn Duy Cần là một học giả nổi tiếng miền Nam những năm 1950. Một buổi tọa đàm về các tác phẩm của ông sẽ diễn ra vào 18h ngày 17/2 tại Hà Nội...
  • Lớp “Học làm Người” giữa lòng TP.HCM

    20/11/2012Tại số nhà 48 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình (TP.HCM) có một trường học mang tên Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi. Nói là “trường học” nhưng thực chất chỉ có mỗi một phòng rộng khoảng chừng 100 m2. Trường chỉ có duy nhất một giáo viên, vừa giảng dạy, vừa kiêm chức hiệu trưởng...